XIN CHỮ CHO CHỮ

(Tác phẩm trình diễn kéo dài nơi công cộng của Ly Hoàng Ly)

“Xin chữ cho chữ” là một tác phẩm trình diễn kéo dài (durational performance) liên tục 9 tiếng diễn ra vào ngày 2 tháng 8 năm 2015.

Tự đưa mình vào và tự vấn về ranh giới mơ hồ giữa mộng mị ảo ảnh và đời thường trần ai, giữa diễn và thật, trong tác phẩm này, người nghệ sỹ mặc áo dài bằng thứ lụa đắt tiền, gợi hình ảnh thiếu nữ thị thành mộng mơ. Hành trang của cô gái gồm một chiếc mũ rộng vành làm bằng bánh mì, đôi cánh trắng mọc ngược, xe đạp bọc giấy bản trắng, giỏ xe chở gối và chăn trắng, cùng một quyển sách có bìa đỏ mận. Đó là tuyển tập những áng cổ văn bất hủ của Việt Nam do Nhà xuất bản Trẻ phát hành, trong đó có bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi.

Đúng 12 giờ trưa ngày 2 tháng 8 năm 2015, cô gái bắt đầu hành trình của mình từ một căn phòng ở căn nhà số 14 Đường Thành, Hà Nội, nơi cô sinh ra. Trời mưa to khiến cô phải tìm cách bọc ni-lông chiếc bánh mì trên đầu cho bánh khỏi mủn ra. Cô cũng định phủ mình bằng vải ni-lông để che mưa, nhưng cô thấy mớ ni-lông quá lùng nhùng, khiến cô không thể thẩm thấu và quết mình vào bức toile cuộc sống, cô bèn vo nó lại. Vô hình chung, tấm ni-lông cô định dùng để che mưa, lại trở thành một mớ vướng víu mà cô phải chở theo trong suốt hành trình. Việc đạp xe trong mưa trở nên khó khăn vì cô luôn gắng giữ cho chiếc bánh mì trên đầu – thức ăn của cô – không ướt.

Trên đường đi, thi thoảng cô ngắt bánh mì trên đầu ăn, thi thoảng cô kê gối vào gốc cây, trùm chăn nằm đọc vang Bình Ngô Đại Cáo dưới mưa gió. Chăn gối của cô sũng nước mưa, nước cống và đất cát. Cô cũng đọc bài Cáo đó và giới thiệu cho những người bán rau quả, bảo vệ, nhân viên cửa hàng thuốc, công nhân, lao công, người đổ rác, các cụ già, trẻ em, thanh niên… Có những người rất vui khi nghe cô đọc tác phẩm này, nghe cô đọc hết cả bài. Có những người bảo nhớ có học về bài Cáo này thời đi học. Có người bảo chưa từng biết về bài Cáo này. Có người chủ động đến hỏi thăm cô và hăng hái đọc to những câu thơ trong bài Cáo. Có những người lảng tránh cô, thậm chí xua đuổi cô.

Nhưng, điều mấu chốt trong hành trình của cô gái là cô đi xin chữ. Người Việt Nam có tục đi xin chữ thánh hiền, xin chữ thầy Đồ, xin chữ những bậc trí giả. Còn cô gái đi xin từng chữ của những người cô gặp trên đường – những chữ mà họ thích và lọc ra trong bài Bình Ngô Đại Cáo.

Có những người hào phóng cho cô hơn một chữ. Có những người ngượng ngùng bảo chưa ai xin chữ họ bao giờ và chữ họ rất xấu. Có những người không biết chữ để mà cho cô chữ. Có những người cho cô chữ bằng cách đọc chứ không viết, bảo rằng họ không biết viết. Có những người đọc rất chậm, phát âm sai nhưng vẫn kiên trì cố gắng đọc cả một đoạn thơ cho cô nghe, sau đó mới nắn nót cho cô chữ.

Tất cả những chữ cô xin và được cho, cô gắn hoặc đề nghị người cho chữ gắn lên tấm chăn trắng. Cô và những người tương tác cùng cô đã cùng nhau thị giác hoá những mảng bám rời rạc của lịch sử và ký ức, của nhớ và quên lãng, của hồi nhớ lại và hình thành trí nhớ mới, cùng những khoảng nhận thức/kiến thức trắng xoá, bằng tấm chăn này.

Tác phẩm performance này cũng có thể được coi là một cuộc khảo sát về việc chúng ta có nhất thiết phải nhớ hết lịch sử? Có phải có một vài điều cốt yếu mà dù ta có thể quên nhưng nhắc lại là nhớ ngay, hoặc có phải có những điều ta chưa bao giờ biết đến, nhưng nghe nói tới thì tưởng như quen thuộc như gắn trong máu tim ta rồi.

Đối với người nghệ sỹ, những con chữ trên tấm chăn là một ví dụ về phiên bản lời mới tinh và cấu trúc hình dạng biến đổi/chuyển đổi của tác phẩm “Bình Ngô Đại Cáo” trong xã hội Việt Nam ngày hôm nay.

Toàn bộ quá trình performance của nghệ sỹ cùng nhóm hỗ trợ được live stream online, với chủ ý sẻ chia mọi nguyên liệu chi tiết thô sống của cuộc trình diễn, không cắt gọt chỉnh sửa, phơi bày tất cả 9 tiếng nghệ thuật hoà vào – văng ra khỏi – hoà vào – văng ra khỏi – hoà vào cuộc sống, lúc nhoè lúc sắc.

Trong tác phẩm này, người nghệ sỹ xem/sử dụng cơ thể, tiếng nói, hành động của mình như một phương tiện/vật liệu sống để thẩm thấu đồng thời quết vào hiện trạng sống, tâm tưởng và ý thức của những con người trong cuộc sống hàng ngày ở xã hội Việt Nam. Quá trình performance là một cuộc trải nghiệm thô sống, mong muốn lần về/ phác thảo hình ảnh một mảng quá khứ bằng chân dung và phản ứng của những người đương thời mà người nghệ sỹ gặp gỡ tương tác ngẫu nhiên trên đường. Song song, quá trình này cũng là một cách thức vẽ nên bức tranh xã hội hôm nay bằng những ký ức, nhận thức và tâm thức của con người hôm nay về quá khứ.

Tất cả các vật liệu đi cùng tác phẩm trình diễn sau đó được sắp đặt và trưng bày như một tác phẩm installation sau trình diễn, tiếp tục mời khán giả tương tác tại chỗ và trên mạng.

——————–

Cảm ơn áo dài của nhà thiết kế Lê Thanh Phương Thanhphuong Le
Cảm ơn quay phim Banga Nguyen và trợ giúp của các bạn Nguyệt Ngú,Nguyen Vudang, An, Mỹ Linh, Dung Nguyen Trung trong quá trình chuẩn bị và trong suốt quá trình 9 tiếng trình diễn. Không có các bạn, tôi không thể hoàn thành tác phẩm này.
Cảm ơn Nhà Sàn Collective

XIN CHỮ CHO CHỮ
(Ly Hoàng Ly mời tương tác)

+ Tương tác trực tiếp – (tại Nhà Sàn Collective, tầng 15 toà nhà Hà Nội Creative City, số 1 Lương Yên, Hà Nội)

Ông bà/cô bác/anh chị em/cháu/bạn/quý vị ĐÃ TỪNG ĐỌC QUA tác phẩm BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO của NGUYỄN TRÃI chưa ạ?

Theo trí nhớ của tôi, thì lần đầu tôi được biết tác phẩm này là trong chương trình học năm lớp 9. Sau đó tôi được học thêm một lần nữa năm cấp 3. Tác phẩm ghi sâu vào tuổi thơ tôi từ đó và tôi đã từng thuộc lòng cả bài. Bây giờ tôi chỉ nhớ vài khổ, đặc biệt là khổ đầu và khổ cuối.

Nếu đã từng đọc qua và còn nhớ chút nào tác phẩm BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO của NGUYỄN TRÃI, xin mỗi người cho tôi một chữ bất kỳ mà mình thích hoặc nhớ nhất.

Nếu chưa từng biết về tác phẩm này, mong quý vị hãy dành chút thời gian đọc qua bài thơ được in trong quyển sách này hoặc google tìm đọc trên mạng và chọn ra một chữ.

Hãy rút tờ giấy trắng trong 1 bảng tên nhỏ được cung cấp ở đây, viết ra chữ quý vị chọn rồi cho lại vào bảng tên, sau đó cài bảng lên tấm vải.

Một chữ của quý vị là rất quý đối với tôi.

+ Tương tác online:

Rất cảm kích nếu quý vị chia sẻ lời đề nghị của tôi với bạn bè và người thân. Dù bạn của quý vị không ghé qua triển lãm, vẫn có thể cho tôi chữ bằng cách vào link

http://livestream.com/accounts/14513565/events/4238657

và đánh chữ mà bạn nghe được hoặc thích nhất vào phần comment sau khi xem các video về public durational performance (tạm dịch là ‘trình diễn kéo dài nơi công cộng’) của tôi. Các bạn cũng có thể vào facebook của tôi Ly Hoàng Ly và cho chữ của bạn trên mục comment. Tôi sẽ in chữ của tất cả mọi người tham gia online và thay mặt các bạn cho vào bảng tên, gắn lên tấm vải.

REQUESTING WORDS – OFFERING WORDS
(inviting to interact with the piece by installation & performance artist Ly Hoang Ly)

+ Live Interaction (at Nhà Sàn Collective, floor 15 Hà Nội Creative City building, 1 Lương Yên, Hà Nội, Vietnam)

Grandparents/aunts and uncles/brothers and sisters/children/friend HAVE YOU EVER READ BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO by NGUYỄN TRÃI?

Based on my memory, the first time I was exposed to his poetry when I was in 9th grade. Afterwards, I was able to learn about his work once more during high school. This work spoke deeply to my childhood and from that moment I memorized his work my heart. Now I only remember a few stanzas, especially the first and last.

If you happen to have read it and remember some of BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO by NGUYỄN TRÃI, I invite everyone to please write down a word you remember or like the most.

If you haven’t heard of this poem, I’d like to ask you to take some time to read the poem printed in this book or do a google search on the internet and choose a word.

Please take a piece of white paper from the nametags provided, write the word you have chosen on this nametag, and then attach it to the piece of fabric.

The one word you have chosen is tremendously meaningful to me.

+ Online Interaction

It would be much appreciated if you are able to share my prompt with friends and loved ones. Even if your friends were not able to attend the exhibition, you can still offer your word though the linkhttp://livestream.com/accounts/14513565/events/4238657. You can add the word you hear or like the most to the comment section after you watch videos of my durational public performance. You can also find me on Facebook, Ly Hoang Ly and write your word in the comments section. I will print the words of everyone who participated online and will write it on the nametag then attach it to the fabric on your behalf.

Nguồn: FB Ly Hoàng Ly

THAM KHẢO:

Cô gái mặc áo dài trắng, đeo cánh thiên thần nằm trên hè phố Hà Nội gây tò mò

Thứ hai, 03/08/2015, 08:52 (GMT+7)

(Giải trí) – Ngày 2/8, mạng xã hội lan truyền những hình ảnh một cô gái mặc áo dài trắng, đeo cánh thiên thần, nằm dưới một gốc cây trên vỉa hè phố Tràng Thi (Hà Nội) khi trời đang mưa khiến nhiều người tò mò.

Theo những hình ảnh được một số facebook-er chụp lại được, cô gái trong ảnh mặc một chiếc áo dài trắng mỏng, đeo cánh thiên thần, đi chiếc xe đạp đã được sơn trắng toàn bộ. Cô gái còn đem theo một cái gối và chăn mền màu trắng, trên đầu đội một chiếc mũ rộng được bọc nilon, trông như một chiếc bánh khổng lồ.

Với bề ngoài trắng toát gây tò mò, cô gái còn khiến nhiều người bất ngờ hơn khi dưới trời mưa gió, cô dựng xe đạp bên dưới một gốc cây trên phố Tràng Thi rồi kê gối, đắp chăn nằm ngủ. Rất nhiều người đi đường tò mò đã dừng lại chụp ảnh, quay phim hành động khó hiểu của cô gái này.

clip_image001

Mặc dù trời mưa, vỉa hè ẩm ướt nhưng cô gái “thiên thần trắng” này vẫn nằm hẳn xuống vỉa hè, khiến nhiều người khó hiểu.

clip_image002

Mặc cho mọi người xung quanh bàn tán, chụp ảnh, cô gái vẫn im lặng và giữ nguyên tư thế như đang nằm ngủ.

Qua tìm hiểu, được biết đây là một sự kiện nghệ thuật trình diễn do Nhà Sàn Collective cộng tác với hai nghệ sỹ Ly Hoàng Ly và Tuấn Mami để tổ chức. Cấu trúc sự kiện mà hai nghệ sỹ đưa ra là một loạt trình diễn công cộng kéo dài mang tên “từ . đến.| from . to.” mà khán giả có thể xem trực tiếp online thông qua internet.

Theo thông tin từ Nhà sàn Collective, có 5 nghệ sỹ tham gia vào sự kiện này và cô gái trong bức ảnh mà cư dân mạng đang lan truyền chính là nghệ sỹ Ly Hoàng Ly, 1 trong 5 nghệ sỹ tham gia.

Theo cấu trúc sự kiện này thì vào 12h trưa đến 18h ngày 2/8, 5 nghệ sỹ sẽ trình diễn công cộng tại 5 địa điểm bất kỳ, hướng về toà nhà HNCC – số 1 Lương Yên, Hà Nội. Từ 12h đến 22h, 5 nghệ sỹ tiếp tục trình diễn tại tầng 1 của HNCC và từ 22h đến 0h, các nghệ sỹ này cùng khán giả sẽ quyết định cách “giải tán” riêng của mình.

Các tác phẩm trình diễn sẽ được chia sẻ trực tiếp online từ 12h ngày 2/8 đến 0h ngày 3/8 trên mạng xã hội Twitter thông qua chương trình Meerkat. Đồng thời tại sảnh HNCC sẽ có 5 màn hình chiếu trực tiếp toàn bộ quá trình trình diễn của 5 nghệ sỹ.

clip_image003

Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thuận Uyên (Giám đốc điều hành Nhà sàn Collective) cho biết hiện tại nghệ sỹ Ly Hoàng Ly sẽ không giải thích gì nhiều về phần trình diễn của mình vì chị tin rằng chỉ có những người có sự tương tác với nghệ sĩ mới có thể hiểu và cảm nhận được.

“Khán giả phải là người tương tác với nghệ sĩ, hoặc phải xem trực tiếp từ video, còn chỉ nhìn những hình ảnh thôi thì sẽ không hiểu được. Đó là điểm mấu chốt và quan trọng nhất. Về mặt ý tưởng chung của cả dự án, đó là “Từ điểm này đến điểm kia – From. to.”, tức là những nghệ sỹ trong dự án này đều có mối quan tâm chung đến sự chuyển động, sự biến đổi, có thể là từ nơi này đến nơi kia, có thể là sự biến đổi về thời gian hay khí hậu. Mỗi một nghệ sỹ có 1 ý tưởng khác nhau và1 cách trình diễn khác nhau”, chị Thuận Uyên chia sẻ.

Chị Uyên cũng nói thêm rằng, ở mọi nơi trên thế giới, những người chưa tiếp xúc nhiều với nghệ thuật trình diễn trong trường phái nghệ thuật đương đại thì thường có cái nhìn khá tiêu cực. Đây lại là một sự kiện lạ, người Việt chưa từng được tiếp xúc từ trước nên khó có thể đưa ra nhìn nhận đúng đắn. Theo chị Uyên thì: “Chỉ có tương tác giữa khán giả và nghệ sỹ mới tạo ra cảm xúc, suy nghĩ của khán giả về tác phẩm đó. Đây là một sự kiện diễn ra rất nhiều nơi trên thế giới và lần này thì có thay đổi tính chất ngôn ngữ nghệ thuật trình diễn, đó là có tường thuật trực tiếp từ một địa điểm. Cùng một lúc, khán giả ở địa điểm tập kết được xem tất cả mọi thứ. Đó là bước tiến khá mới chưa từng có trong những sự kiện trình diễn như vậy trên thế giới”.

Ly Hoàng Ly là nghệ sỹ thị giác, nhà thơ kiêm biên tập viên văn học. Cô sinh ra tại Hà Nội, Việt Nam. Năm 1999, Ly tốt nghiệp đại học Mỹ thuật TP. HCM và vào năm 2013, cô nhận bằng thạc sỹ nghệ thuật tại Học viện Nghệ thuật Chicago với học bổng Fulbright.

Ly Hoàng Ly được biết tới như một nhà thơ tài năng của Việt Nam, thơ của cô đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được đăng trong nhiều hợp tuyển thơ và tạp chí văn học tại Mỹ và Pháp. Cô cũng là tác giả của nhiều bài báo về nghệ thuật đương đại. Kể từ năm 2000, Ly bắt đầu tìm hiểu thêm về các loại hình nghệ thuật đương đại, gồm sắp đặt, video art, nghệ thuật trình diễn và trình diễn thơ. Cô là nghệ sỹ thị giác nữ đầu tiên thực hiện các tác phẩm trình diễn và trình diễn thơ tại Việt Nam.

(Nguồn Tri Thức)

photo (1)photo (2)photo (3)photo (4)Nguồn:http://nguyentandung.org/co-gai-mac-ao-dai-trang-deo-canh-thien-than-nam-tren-he-pho-ha-noi-gay-to-mo.html

Comments are closed.