Biển không tranh chấp: Lịch sử bị bóp méo của Biển Đông trước thế kỷ 20 (kỳ 7)

Tác giả: Lê Oa Đằng

Việt dịch: Phan Văn Song

This image has an empty alt attribute; its file name is image-25.png

被扭曲的南海史二十世紀前的南中國海黎蝸藤南圖書出版股份有限公司 (Ngũ Nam đồ thư xuất bản cổ phần hữu hạn công ty) Năm xuất bản: 2016; ISBN, 9571184578, 9789571184579

3.6 Biển Đông trong tài liệu bản đồ Trung Quốc

Tài liệu bản đồ là bằng chứng chính mà phía Trung Quốc đưa ra. Theo lập luận của phía Trung Quốc, Trường Sa và Thạch Đường đều đã được vẽ trên bản đồ Trung Quốc từ lâu, điều này cũng cho thấy Trường Sa và Thạch Đường đã là một phần của Trung Quốc từ xưa đến nay. Sau đây sẽ phân tích lần lượt các thứ bản đồ khác nhau để xem liệu “bằng chứng bản đồ” của Trung Quốc có chứng minh được lập luận nào của Trung Quốc hay không.

Nói chung, theo quan điểm của luật pháp quốc tế, bản đồ không phải là bằng chứng mạnh mẽ về chủ quyền. Bởi vì nhiều bản đồ do dân thường vẽ ra, nên không thể được đánh giá là một thái độ chính thức. Ngay cả các bản đồ chính thức cũng chỉ nhiều nhất là một biểu hiện của ý định chủ quyền hơn là bằng chứng về sự kiểm soát hiệu quả. Đối với các bản đồ cổ, hiệu quả còn thấp hơn nữa. Có một số lí do cho điều này: thứ nhất, các đảo trong bản đồ cổ thường cực kì không chính xác và rất khó cung cấp thông tin địa lí hiệu quả, nhất là khi so sánh bản đồ cổ do các nước Đông Á vẽ với bản đồ của phương Tây; thứ hai, bản đồ cổ thường thiếu ranh giới quốc gia và màu sắc phân biệt các nước nên rất khó để đưa ra kết luận về chủ quyền dựa trên bản đồ; thứ ba, một số bản đồ đặc biệt (như bản đồ phòng thủ biển) là bản đồ do quốc gia vẽ dựa trên nhu cầu quân sự phòng thủ biển, phạm vi rộng hơn diện tích lãnh thổ thực tế của đất nước.

Tuy nhiên, các bản đồ cổ là nguồn tư liệu lịch sử quan trọng, vì chúng có thể giúp hiểu được suy nghĩ chung của một quốc gia về phạm vi lãnh thổ của mình tại một thời điểm nhất định, điều này có ý nghĩa to lớn trong lịch sử. Từ góc độ này, cần phải tham khảo một số lượng lớn các bản đồ có tính đại biểu, không chỉ nghiên cứu các bản đồ có vẽ một địa điểm nhất định trên bản đồ mà còn nghiên cứu các bản đồ không vẽ một địa điểm nhất định trên bản đồ, để từ đó hiểu được nhận thức chung của xã hội về ranh giới lãnh thổ trong một thời kì nhất định. Nói cách khác, bản đồ không những có thể hiển thị rằng một quốc gia nhất định “sở hữu” một lãnh thổ nhất định trong một thời kì nhất định, mà còn cho thấy rằng một quốc gia nhất định “không sở hữu” một lãnh thổ nhất định tại một thời kì nhất định. Điều này càng quan trọng hơn đối với các bản đồ trong thời hiện đại khi ý thức về chủ quyền đã trở nên rõ ràng hơn. Nói chung, bản đồ chính thức có ý nghĩa hơn bản đồ tư nhân và bản đồ do chính quyền trung ương biên soạn có ý nghĩa hơn bản đồ do chính quyền địa phương biên soạn.

Khi nghiên cứu các bản đồ cổ của Trung Quốc, tác giả sẽ xem xét các bản đồ toàn quốc (thế giới), bản đồ mô tả các nước ngoài, bản đồ tỉnh Quảng Đông, bản đồ Hải Nam, bản đồ các phủ huyện và bản đồ phòng thủ biển. Như đã phân tích ở trên, cần lưu ý hai điểm: thứ nhất, đối với bản đồ toàn quốc, bản đồ tỉnh (tỉnh Quảng Đông) và bản đồ châu phủ (phủ Quỳnh Châu), cần kiểm tra xem Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) có được đưa vào các bản đồ này hay không; thứ hai, nếu các bản đồ này có Tây Sa và Nam Sa, thì cũng cần kiểm tra xem trên bản đồ có các dấu hiệu chỉ rõ rằng chúng thuộc về Trung Quốc hoặc phân biệt rõ ràng với nước ngoài hay không, chẳng hạn như ranh giới, cách ghi chú và màu sắc, v.v.

1. Thời Tống và Nguyên

Bản đồ toàn quốc nhà Tống có 3 bức đại biểu, đó là bản đồ toàn quốc của nhà Tống Cổ kim Hoa Di khu vực tổng yếu đồ [古今華夷區 域總要圖] (1098, được chọn từ tập bản đồ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc Lịch đại địa lí chỉ chưởng đồ [歷代地理指掌圖], Hình 41),[365] Cửu vực thủ lệnh đồ [九域守令圖] (1121, ban đầu là một tấm bia do Tống Chương Tông, thứ sử Vinh Châu dựng lên)[366]Đường nhất hành sơn hà phân dã đồ [唐一行山河分野圖] (1201, được chọn từ Đế vương kinh thế đồ phổ [帝王經世圖譜] của Đường Trọng Hữu triều Nam Tống).[367] Trong 3 bức bản đồ này, cực nam của Trung Quốc chỉ ở đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa hay Trường Sa.

Hình 41 Cổ kim Hoa Di khu vực tổng yếu đồ, từ Cổ địa đồ tập

Hai bức bản đồ của triều đại nhà Nguyên — Lịch đại dư đồ [歷代輿圖] (1330)[368]Đại Nguyên hỗn nhất đồ [大元混一圖] (1330, Hình 42),[369] đều được chọn từ Tân biên toản đồ tăng loại quần thư loại yếu sự lâm quảng kí [新編纂圖增類群書類要事林廣記] của Nam Tống. Đại Nguyên hỗn nhất đồ hiện chỉ có bản khắc thời Nguyên. Theo hai bức bản đồ này, biên giới phía nam của Trung Quốc chỉ đến Quỳnh Châu, và Hoàng Sa và Trường Sa không được vẽ.

Hình 42 Đại Nguyên hỗn nhất đồ, từ Cổ địa đồ tập

Bản đồ Nam đài án trị tam tỉnh thập đạo đồ [南臺按治三省十道圖] (1344, Hình 43)[370] của nhà Nguyên được chọn từ Chí Chánh kim lăng tân chí [至正金陵新志], với địa danh Thạch Đường xuất hiện trên bản đồ. Đây là bức bản đồ duy nhất có chữ “Thạch Đường” hoặc “Trường Sa” trong toàn bộ Trung quốc cổ đại địa đồ tập (Chiến quốc – Nguyên) [中國古代地圖集 (戰國—元)]. Thạch Đường này gần bờ biển ngoài khơi Phúc Kiến, tiếp giáp với Hạ Môn, cách bờ biển Quảng Đông và đảo Hải Nam rất xa, vị trí của nó rất khác với Hoàng Sa và Trường Sa, cùng lắm chỉ có thể là quần đảo Đông Sa.

2. Thời Minh

Nói chung, các bản đồ có các tên như “Trường Sa” và “Thạch Đường” được vẽ từ thời nhà Minh (sau năm 1400) trở đi, và theo Ngô Phụng Bân, chúng được chia thành ba hệ bản đồ:[371]

Hình 43 Nam đài án trị tam tỉnh thập đạo đồ, từ Cổ địa đồ tập

Hệ thứ nhất, cũng là hệ bản đồ Trung Quốc sớm nhất có từ “Trường Sa” và “Thạch Đường” trong Hỗn nhất cương lí lịch đại quốc đô chi đồ [混一疆理歷代國都之圖] (1402, Hình 44).[372] Tuy nhiên, trên thực tế bản đồ này không phải do người Trung Quốc vẽ, mà do Lí Hội người Triều Tiên vẽ. Phụ lục của nó nói:

Thiên hạ rộng lớn như vậy, trong có các nước ở giữa, ngoài có bốn biển, không biết bao nhiêu thiên vạn lí. Vẽ bản đồ thu lại trong vài xích đã khó, vẽ chi tiết càng khó hơn. Vì vậy các bản đồ đều sơ lược. Tuy nhiên, Thanh giáo quảng bị đồ của Lí Trạch Dân thuộc Ngô môn lại khá chi tiết; và sự chuyển dời kinh đô của các hoàng đế trọng lịch sử của các triều đại trước đây được ghi lại đầy đủ trong Hỗn nhất cương lí đồ của sư Thanh Tuấn. Mùa hè năm Kiến Văn thứ tư, tả thừa tướng Kim Công Tiếp nghiên cứu bản đồ lúc nhàn rỗi, ra lệnh cho Lí Hội kiểm tra và hiệu đính chi tiết hơn, rồi gộp lại thành một bản đồ. Về phía đông sông Liêu, cũng như bản đồ nước ta và bản đồ của Trạch Dân có rất nhiều thiếu sót. Bây giờ bản đồ nước ta được mở rộng hơn hẳn và Nhật Bản được thêm vào để tạo thành bản đồ mới. Tốt đẹp rõ ràng,có thể khám phá cả thiên hạ mà không cần rời khỏi nhà……

Hình 44 Hỗn nhất cương lí lịch đại quốc đô chi đồ (một phần)

Ngô Phụng Bân cho rằng bản đồ này dựa trên sự kết hợp của Thanh giáo quảng bị đồ [聲教廣被圖] của Lí Trạch Dân và Hỗn nhất cương lí đồ [混一疆理圖] của Thanh Tuấn thời Nguyên, vì vậy Trung Quốc đã có các bản đồ ghi lại Trường Sa và Thạch Đường vào thời nhà Nguyên. Qua ghi chú trên có thể thấy, ngoài hai bản đồ nói trên, bản đồ này còn tham khảo ít nhất hai bản đồ khác.[373] Cả Thanh giáo quảng bị đồ lẫn Hỗn nhất cương lí đồ đều bị thất lạc, không thể thấy diện mạo thật. Mặc dù Trường Sa và Thạch Đường (có hai Thạch Đường) đã được ghi chú vào thời điểm đó, nhưng rất khó để xác định vị trí thật sự của nó dựa trên các vị trí được ghi chú. Thạch Đường phía cực bắc nằm ở phía nam Hạ Môn, Trường Sa nằm trên biển ngoài khơi Phúc Kiến, còn Thạch Đường phía cực nam nằm khá xa về phía đông của đảo Hải Nam. Hơn nữa, bản đồ này không phải là bản đồ Trung Quốc, mà là bản đồ thế giới (thế giới trong mắt Đông Á), trong đó có vẽ cả địa điểm của Trung Quốc lẫn của nước ngoài. Từ bản đồ này, cũng không thể xác định chúng thuộc về đâu, bởi vì chúng (ngoại trừ Thạch Đường, gần Hạ Môn) đều bị trộn lẫn với một loạt các địa danh nước ngoài.

Hệ bản đồ thứ hai là bản đồ của hệ Quảng dư đồ. Quảng dư đồ [廣輿圖] (1553) là bản đồ hoàn chỉnh sớm nhất do Chu Tư Bản soạn, sau đó được La Hồng Tiên bổ sung và chia thành các bản đồ theo khu vực. Đây là bản đồ được lưu hành rộng rãi nhất trong hệ thống bản đồ Trung Quốc cổ đại và được khắc lại nhiều lần thời nhà Minh, khiến nó trở thành phiên bản tiêu chuẩn của bản đồ nhà Minh, và được khắc lại thời nhà Thanh. Trong Dư địa tổng đồ [輿地總圖],[374] biên giới quốc gia của Trung Quốc chỉ đến Hải Nam (Hình 45). Trong Quảng Đông đồ [廣東圖][375] biên giới chỉ tới Hải Nam. Hai cái tên Thạch Đường và Trường Sa xuất hiện trong Đông Nam hải di tổng đồ [東南海夷總圖][376] ở cuối sách (Hình 46). Tuy nhiên, vị trí của chúng nằm ở vùng biển ngoài khơi Ôn Châu và Đài Châu, từ bản đồ rất khó để phán đoán xem đó có phải là Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay hay không, và chúng lại bị trộn lẫn giữa một loạt các đảo có tên rõ ràng là nước ngoài (Bà Lợi, Long Ngự, Hà Di, v.v.), không có bất kì dấu hiệu nào cho thấy địa điểm được thể hiện bởi hai tên này thuộc về Trung Quốc. Trong Tây Nam hải di tổng đồ [西南海夷總圖][377] còn có một Thạch Đường khác, được ngăn cách với các quốc gia trên đất liền như Lào và Miến Điện bởi một số lượng lớn các hòn đảo có tên nước ngoài (Sa Lí Cốt Đích, Mã Thứ Lí, v.v.), gần Bột Nê (Brunei) và Bình Cao Luân (Hình 47). Rất khó để xác định nơi nó thật sự chỉ đến và hơn nữa nó không liên quan gì đến Trung Quốc.

Tổng hợp các bản đồ của hai hệ thống, Ngô Phụng Bân cho rằng Thạch Đường cực bắc “chỉ quần đảo Đông Sa nói chung”, Trường Sa “chỉ quần đảo Trung Sa và Tây Sa”, và Thạch Đường phía nam “nên chỉ quần đảo Nam Sa”.[378] Do các địa điểm này cách quá xa vị trí thực tế, khẳng định này thiếu cơ sở trên bản đồ, và chỉ cốt là để đặt những nơi này trên bản đồ.

Quảng dư đồ có nhiều lần tái bản tương tự, chẳng hạn như bản khắc năm 1613 của Đồ thư biên [圖書編]. Được Chương Hoàng biên soạn, nó là một bộ sưu tập các tập bản đồ cuối thời nhà Minh. “Đồ thư” ở đây không phải là sách như thường được gọi hiện nay mà là sách lấy hình ảnh làm cốt lõi. Nó thu thập các loại hình ảnh của triều nhà Minh, bao gồm lễ phục, quần áo, đồ dùng, động vật, v.v., và tất nhiên là nhiều bản đồ, tương đương với một cuốn bách khoa toàn thư. Nó cũng chứa một bản đồ thế giới (có vẽ châu Mĩ), khá tiên tiến.

Hình 45 Dư địa tổng đồ” trong Quảng dư đồ

Trong Đồ thư biên Tứ hải Hoa Di tổng đồ [四海華夷總圖], tương đương với bản đồ thế giới, Hoàng Sa và Trường Sa không được vẽ.[379] Nhị thập bát túc phân ứng các tỉnh địa lí tổng đồ [二十八宿分應各省地理總圖][380] về cơ bản là một bản đồ của Trung Quốc, với cực nam của biên giới Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa. Đông nam hải tân chư di quốc đồ [東南海濱諸夷國圖] [381] thuộc Tứ di tổng đồ, không thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa. Đông nam hải di đồ[382] thuộc Tứ di tổng đồ, tương tự như của Quảng dư đồ, trên bản đồ có ghi hai tên Thạch Đường và Trường Sa, nhưng vị trí nằm trên biển đối diện với Ôn Châu và Đài Châu. Không chắc đó có phải là Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay hay không, và nó nằm lẫn trong một loạt các đảo nước ngoài, và không có dấu hiệu nào cho thấy những địa điểm được thể hiện bằng hai tên này thuộc về Trung Quốc. Nửa còn lại của bản đồ thể hiện vùng biển ngoài khơi Quảng Đông và đảo Hải Nam, không có địa danh Thạch Đường và Trường Sa, cũng không có đảo nào tương tự như Hoàng Sa và Trường Sa. Tây nam hải di đồ[383] thuộc về Tứ di tổng đồ, co từ Thạch Đường xuất hiện, nhưng rõ ràng từ bản đồ thì nó không nằm trong địa giới của Trung Quốc. Ngoài ra còn có Tam tài đồ hội [三才圖會](1607), trong đó Đông nam di hải đồTây nam di hải đồ gần như giống hoàn toàn với bản đồ trong Quảng dư đồ.

Hình 46 Đông Nam hải di tổng đồ trong Quảng dư đồ (để hình rõ hơn, phiên bản của Tam tài đồ hội đã được chọn)

Hệ thứ ba là Trịnh Hoà hàng hải đồ [鄭和航海圖]. Chỉ có một bản đồ, sẽ được thảo luận trong phần 3.10.3.

Ngoài ra, các từ Trường Sa và Thạch Đường không xuất hiện trên nhiều bản đồ thời nhà Minh. Đại Minh vạn thế nhất thống đồ [大明萬世一統圖] (1638, Hình 48) được chọn từ Cổ kim dư địa đồ [古今輿地圖], với phần phía nam của Trung Quốc chỉ đến Hải Nam. Khôn dư vạn quốc toàn đồ [坤輿萬國全圖] (Phần Đông Á) (1608) do Matteo Ricci soạn, là một bản đồ thế giới kiểu phương Tây, phần Đông Á không có Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Hình 47 Tây nam hải di tổng đồ trong Quảng dư đồ (để hình rõ hơn, phiên bản của Tam tài đồ hội đã được chọn)

Hình 48 Đại Minh vạn thế nhất thống đồ

Xem xét lại loạt bản đồ phòng thủ biển. Bản đồ phòng thủ biển sớm nhất là của Trịnh Nhược Hội, bao gồm nhiều bản đồ phòng thủ biển khác nhau trong Trù hải đồ biên [籌海圖編] (1561) và trong Trịnh Khai Dương tuyển tập [鄭開陽選集] (1570). Vạn lí hải phòng đồ [萬里海防圖] được chọn từ Trù hải đồ biên với cả 3 bản đồ vùng biển đối diện với Quảng Đông, đều không có Hoàng Sa và Trường Sa trong đó. An khôn nhất thống hải phòng toàn đồ [乾坤一統海防全圖] (1592)[384] do Đổng Khả Uy sao chép dựa theo Vạn lí hải phòng đồ của Trịnh Nhược Hội, mô tả chi tiết bờ biển và các cơ sở quân sự từ Liêu Ninh đến Quảng Đông. Ở phần Quỳnh Châu của bản đồ, Hoàng Sa và Trường Sa không được vẽ. Ở góc đông bắc của Quỳnh Châu, có biển Thất Châu, biển Cửu Châu và núi Độc Trư. Ngoài ra, ở phần bản đồ phủ Phúc Châu, mặc dù có vẽ một hòn đảo tên là Điếu Ngư nhưng vị trí sai hoàn toàn.

Có thể thấy rằng vào thời nhà Minh, mặc dù các tên Trường Sa và Thạch Đường đã xuất hiện trong một số bản đồ, nhưng vị trí của những nơi này rất khác với vị trí của Hoàng Sa và Trường Sa, nếu chỉ từ bản đồ thì rất khó để nhận định hai địa điểm này là gì. Hơn nữa, những địa danh này đều có trên bản đồ Tây Nam diĐông Nam di, nhưng xen lẫn với nhiều địa danh nước ngoài nên không thể cho rằng chúng biểu thị cho địa giới của Trung Quốc. Còn trên các bản đồ lãnh thổ của Trung Quốc, rất nhiều bản đồ không thể hiện tên Thạch Đường và Trường Sa.

3. Nhà Thanh

Thời Thanh có một số cách vẽ liên quan đến Trường Sa và Thạch Đường. Cách đầu tiên là cách vẽ trong Quảng dư đồ [廣輿圖] vào thời Minh, dùng trong Đông nam hải di

đồTây nam hải di đồ. Có nhiều bản đồ thuộc loại này, chẳng hạn như Độc sử phương dư kỉ yếu [讀史方輿紀要] (1678) của Cố Tổ Vũ, Phương dư loại toản [方輿類纂] (1808) của Ôn Nhữ Năng và Dương phòng tập yếu [洋防輯要] (1842) của Nghiêm Như Dục, v.v. Chúng không được thảo luận lại ở đây.

Cách thứ hai là trong bản đồ của hệ thống Đại Thanh Trung ngoại thiên hạ toàn đồ [大清中外天下全圖]. Hầu hết các bản đồ trong hệ này đều có các cụm từ Vạn Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường, nhưng một số bản đồ chỉ có một trong hai cụm từ này. Nói chung, mặc dù hai địa điểm này được vẽ trong các bản đồ đó, mặc dù vị trí của chúng chính xác hơn so với vị trí trong Quảng dư đồ, nhưng chúng không chính xác đến mức phân biệt rõ Hoàng Sa với Trường Sa. Trên bản đồ, chúng dường như nằm trên một đường thẳng và cả hai đều xuất hiện ở phía đông đảo Hải Nam. Có vẻ thích hợp hơn nếu coi chúng là Tây Sa (Hoàng Sa) và Trung Sa. Những bản đồ này đều là bản đồ thiên hạ [天下], tức là bản đồ thế giới lấy Trung Quốc làm trung tâm, bao gồm nhiều nước xung quanh. Chúng thường thiếu ranh giới quốc gia rõ ràng, còn Trường Sa và Thạch Đường nằm xen lẫn với các địa điểm nước ngoài ( dù không hoàn toàn trộn lẫn như ở Quảng dư đồ), nên rất khó để xác định liệu chúng có thuộc về Trung Quốc hay không.

Đại Thanh vạn niên nhất thống địa lí toàn đồ [大清萬年一統地理全圖] (khoảng năm 1800, Hình 49) là một bản đồ khổng lồ thời Gia Khánh với các khu vực liên quan được cắt riêng ra. Vạn Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường xuất hiện trên bản đồ này. Dựa theo màu sắc, không thể biết chúng có phải là một phần của Trung Quốc hay không, vì trên bản đồ cũng có những địa danh nước ngoài như Aceh, Karutian và Java.[385]

Hình 49 Đại Thanh vạn niên nhất thống địa lí toàn đồ

Đại Thanh nhất thống thiên hạ toàn đồ [大清一統天下全圖] (1818, Hình 50)[386] do Chu Tích Linh vẽ. Bản đồ này là bản đồ hiếm hoi có ranh giới quốc gia theo nghĩa hiện đại trong số các bản đồ cổ của Trung Quốc. Toàn bộ khu vực quản lí và biên giới của Trung Quốc được viền màu đỏ. Như vậy, trên bản đồ này có thể thấy rõ đâu là lãnh thổ Trung Quốc, đâu không là lãnh thổ Trung Quốc. Kim Môn, Hạ Môn và đảo Hải Nam cùng với đại lục đều được vẽ với đường màu đỏ, trong khi Đài Loan và quần đảo Chu Sơn được khoanh tròn đặc biệt bằng đường màu đỏ để cho thấy chúng là một phần của Trung Quốc. Hai cái tên Vạn Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường xuất hiện trên bản đồ, nhưng chúng cùng với Johor, Mantrika và Srivijaya… nằm ngoài biên giới Trung Quốc. Các đảo nhỏ ngoài khơi Quảng Đông như Nhai Sơn và Hổ Đầu Môn cũng nằm ngoài biên giới lãnh thổ Trung Quốc.

Cách thứ ba là trong bộ bản đồ Tứ hải tổng đồ [四海總圖] do Trần Luân Quýnh vẽ trong Hải quốc văn kiến lục (1730) (Hình 24). Đây là bản đồ của Trung Quốc với một số kiến ​​thức phương Tây. Tham khảo khái niệm vẽ bản đồ của phương Tây, tác giả sử dụng hai vòng tròn để hiển thị toàn thế giới, đây là điều chưa từng có trong lịch sử bản đồ của Trung Quốc. Trường Sa và Thạch Đường được vẽ đại khái ở các khu vực tương ứng, Nam Áo Khí, Trường Sa Đầu, Trường Sa Môn tạo thành một đường, trong khi Thạch Đường nằm ở phía nam song song với Trường Sa. Trên bản đồ, Trường Sa và Thạch Đường không được thể hiện là lãnh thổ của Trung Quốc. Bản đồ trong Hải lục (1820) cũng là bản đồ thế giới hình tròn (Hình 29). Trường Sa và Thạch Đường về cơ bản cũng được vẽ ở các khu vực tương ứng, mặc dù vị trí của chúng vẫn chưa thật chính xác. Không có dấu hiệu nào trên bản đồ cho thấy chúng thuộc về Trung Quốc. Ở Trung Quốc cận đại, các bản đồ như vậy bắt đầu tăng lên.

Hình 50 Đại Thanh nhất thống thiên hạ toàn đồ, từ Địa đồ Trung Quốc

Hình 51 Khôn dư vạn quốc toàn đồ của Matteo Ricci, phiên bản khắc gốc của Đại học Minnesota

Cách thứ tư trong bản đồ theo cách vẽ phương Tây được du nhập từ nước ngoài về, thực chất là phiên bản Hán hóa các bản đồ phương Tây, chẳng hạn như Khôn dư vạn quốc toàn đồ [坤輿萬國全圖] (1602, Hậu Minh, Hình 51) được các nhà truyền giáo phương Tây như Matteo Ricci thực hiện, dựa trên bản đồ phương Tây kết hợp với tư liệu của Trung Quốc. Tên Vạn Lí Trường Sa không có trong phiên bản gốc của bản đồ này,[387] nhưng đã được thêm vào trong phiên bản dịch (có tô màu) bằng tiếng Nhật[388] (Hình 52). Vạn Lí Trường Sa ở đây hình như là quần đảo Trường Sa, hoặc chỉ chung các đảo ở biển Đông. Có vẻ người Nhật đã tự thêm nó vào trong quá trình dịch thuật. Bản đồ không có bất kì dấu hiệu nào để thể hiện sự quy thuộc chủ quyền. Vạn Lí Trường Sa, như được vẽ trong Khôn dư toàn đồ (1674)[389] của Ferdinand Verbiest, chính là Hoàng Sa trên bản đồ phương Tây (Hình 53) (xem 4.1.2).

Hình 52 Khôn dư vạn quốc toàn đồ của Matteo Ricci, bản dịch tiếng Nhật

Hình 53 Khôn dư toàn đồ của Nam Hoài Nhân

Hình 54 Hoàng dư tổng đồ (trái) và Quảng Đông đồ (phải) trong Quảng dư kí

Ngoài ra, còn phải lưu ý đến các bản đồ khác nhau không bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng cũng minh họa tương đương (hoặc thậm chí tốt hơn) biên giới của Trung Quốc trong thời kì này. Có 18 bản đồ trong Quảng dư kí [廣輿記] (năm Khang Hi thứ 15, 1686) do Thái Phương Bỉnh biên soạn. Dù trên Hoàng dư tổng đồ[390] hay trên Quảng Đông đồ,[391] ranh giới phía nam của Trung Quốc chỉ đến Quỳnh Châu (Hình 54).

Thanh đại nhất thống địa đồ [清代一統地圖] (1760) là một tập bản đồ chi tiết của Trung Quốc được xuất bản vào năm Càn Long thứ 25, thường được gọi là bản đồ 13 hàng, là bản đồ để hoàng đế tham khảo. Đây là bản đồ có thẩm quyền nhất vào thời điểm đó, minh họa lãnh thổ của nhà Thanh ở thời kì hưng thịnh. Theo bản đồ này, biên giới phía nam của Trung Quốc kết thúc tại đảo Hải Nam, không có Trường Sa và Thạch Đường (Hình 55)

Các bản đồ được liệt kê ở trên về cơ bản minh họa 3 điểm:

Thứ nhất, trong các bản đồ từ thời nhà Tống đến giữa thế kỉ 19 thì bản đồ toàn quốc Trung Quốc, bản đồ tỉnh Quảng Đông và bản đồ phủ Hải Nam cũng như các bản đồ phòng thủ biển của Trung Quốc đều không bao gồm Trường Sa và Thạch Đường.

Thứ hai, trên một số bản đồ thế giới, bản đồ nước ngoài (Đông Nam Di, Tây Nam Di, Đông Nam dương, v.v.), và các bản đồ có tên hỗn nhất thiên hạ có các từ Thạch Đường và Trường Sa xuất hiện. Tuy nhiên, các bản đồ này đều chứa các địa điểm nước ngoài và thậm chí rất nhiều trong số đó là nước ngoài. Nhìn chung không có dấu hiệu nào cho thấy hai nơi này thuộc về Trung Quốc mà ngược lại, có những bản đồ dùng đường đỏ để tách hai nơi này ra ngoài địa phận Trung Quốc. Nói cách khác, cái gọi là “Trường Sa và Thạch Đường được vẽ trên bản đồ Trung Quốc từ lâu” thật ra chỉ là được vẽ trên các bản đồ xuất bản ở Trung Quốc chứ không phải được vẽ nằm trong địa phận Trung Quốc. Vì vậy, luận điểm cho rằng bản đồ “cho thấy Trường Sa và Thạch Đường từng là một phần của Trung Quốc từ xưa tới nay” không thể đứng vững được.

Thứ ba, đại đa số các bản đồ cổ của Trung Quốc rất không chính xác về vị trí địa lí của Trường Sa và Thạch Đường, nếu các chuyên gia Trung Quốc sử dụng tiêu chuẩn của bản đồ phương Tây để rà soát Trường Sa và Thạch Đường trên các bản đồ do Trung Quốc xuất bản thì có thể nói rằng chúng cũng không phải là quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa hiện nay. Tất nhiên, tác giả luôn ủng hộ thái độ khoan dung như nhau đối với tính chính xác của các bản đồ được xuất bản thời xưa.

Tóm lại, không có bản đồ cổ nào của Trung Quốc có thể chứng minh rằng Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ Trung Quốc, mà ngược lại có một số lượng lớn bản đồ có thể chứng minh rằng chúng không thuộc về Trung Quốc. Tất nhiên, có rất nhiều bản đồ Trung Quốc nên không thể kiểm tra hết được. Tuy nhiên, về mặt thống kê, quan điểm này có thể được ủng hộ. Các bản đồ vào giữa và cuối thế kỉ 19 sẽ được thảo luận tiếp tục trong chương về thời cận đại.

Hình 55 Thanh đại nhất thống địa đồ

3.7 Các đảo ở biển Đông có được sáp nhập vào khu vực hành chính của Trung Quốc hay không

Phía Trung Quốc cho rằng nhiều phương chí cổ của Trung Quốc có ghi rằng “Vạn Châu có Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường”, điều này chứng tỏ quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa)( và quần đảo Nam Sa (Trường Sa) đều là lãnh thổ của Trung Quốc và nằm trong phạm vi hành chính của Trung Quốc từ thời Tống. Khẳng định này có đúng không?

Kiểm tra các tài liệu gốc, quả thực có không ít phương chí có ghi mục “Trường Sa hải, Thạch Đường Hải” trong phần viết về sông núi Vạn Châu, xuất hiện trong một số phiên bản của Quảng Đông thông chí [廣東通志] (Khang Hi, Ung Chính, Đạo Quang) và Quỳnh Châu phủ chí [瓊州府志]] (Khang Hi, Càn Long, Đạo Quang) sau thời Minh. Đây dường như là một bằng chứng chắc chắn về quyền quản lí của nhà Thanh đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, khi kiểm tra đầy đủ nội dung của nó thì lại dẫn đến kết luận ngược lại. Xét một vài ví dụ.

Quảng Đông dư đồ thời Khang Hi (lưu ý, Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường không được vẽ ra trên bản đồ):

Biển Trường Sa và biển Thạch Đường: ở ngoài đại dương phía đông thành phố. Ghi chép xưa nói: Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường đều ở ngoài biển, không biết có thật hay không.

Quảng Đông thông chí thời Khang Hi [康熙廣東通志] (Kim Quang Tổ, 1697):

Biển Trường Sa và biển Thạch Đường: đều nằm ở ngoài đại dương phía đông thành phố. Ghi chép xưa nói: Vạn Châu có Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường, nhưng đều ở ngoài biển, không biết có thật hay không.[392]

Quảng Đông thông chí thời Ung Chính [雍正廣東通志] (Hác Ngọc Lân, 1731, hình 56):

Biển Trường Sa và biển Thạch Đường: đều nằm ở ngoài đại dương phía đông thành phố. Ghi chép xưa nói: Vạn Châu có Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường, nhưng đều ở ngoài biển, không biết có thật hay không.[393]

Hình 56 Quảng Đông thông chí thời Ung Chính (雍正廣東通志)

Quỳnh Châu phủ chí thời Càn Long [乾隆瓊州府志] (Tiêu Ứng Thực, 1774), Địa lí – Vạn Châu – Xuyên:

Biển Trường Sa và biển Thạch Đường: ở ngoài đại dương phía đông thành phố. Ghi chép xưa nói: Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường, đều ở ngoài biển, thuyền đi biển đụng vào cát, lao vào bờ đá, phần lớn không thể thoát ra được, người không dám đến gần, không biết có thật hay không.[394]

Quảng Đông thông chí thời Đạo Quang [道光廣東通志] (Nguyễn Nguyên, 1822)

Vạn Châu: biển Trường Sa và biển Thạch Đường nằm ở ngoài biển phía đông thành phố. Ghi chép xưa nói: Vạn Châu có Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường, nhưng đều ở ngoài biển, không biết có thật hay không.”[395]

Quỳnh Châu phủ chí thời Đạo Quang [道光瓊州府志] (Minh Nghị, 1841, hình 57)

Biển Trường Sa và biển Thạch Đường: đều ở ngoài đại dương phía đông thành phố. Ghi chép xưa nói: Vạn Châu có Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường, đều ở ngoài biển, thuyền đi biển đụng vào cát, lao vào bờ đá, phần lớn không thể thoát ra được, người không dám đến gần, không biết có thật hay không.[396]

Hình 57: Quỳnh Châu phủ chí thời Đạo Quang

Vạn Châu chí thời Đạo Quang [道光萬州志] (Hồ Thụy: 1828, hình 58):

Biển Trường Sa và biển Thạch Đường: đều ở ngoài đại dương phía đông thành phố. Ghi chép xưa nói: Vạn Châu có Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường, đều ở ngoài biển, thuyền đi biển đụng vào cát, lao vào bờ đá, phần lớn không thể thoát ra được, người không dám đến gần, không biết có thật hay không.[397]

Hình 58 Vạn Châu chí thời Đạo Quang

Trong phương chí nói chung còn có rất nhiều ghi chép tương tự khác, chúng gần giống như nhau nên không cần liệt kê từng cái một.Từ những ghi chép này có thể thấy rõ rằng mô tả về hai địa điểm này tập trung vào hai cụm từ: thứ nhất, Ghi chép xưa nói (古志云: cổ chí vân), cho thấy rằng điều này dựa trên những ghi chép xưa; thứ hai, không biết có thật hay không (莫稽其實: mạc kê kì thực), tức là không biết điều đó có đúng hay không.

Những cuốn phương chí này dù không hẹn mà đều có 2 chữ “cổ chí” xuất hiện. Vậy “cổ chí” này thực chất này là gì? Ý kiến chung đó là Quỳnh quản chí [瓊管志] [398] vào đầu thế kỉ 13 đời Tống.

Quỳnh quản chí đã bị thất lạc từ lâu. Cả Dư địa kỉ thắng lẫn Phương dư thắng lãm được đề cập ở trên đều trích dẫn trực tiếp Quỳnh quản chí, còn Quảng Đông thông chí Quỳnh Châu phủ chí sau nhà Tống đều trích dẫn Quỳnh quản chí, và có khả năng đến từ Dư địa kỉ thắngPhương dư thắng lãm. Tuy nhiên, so với Chư phiên chí thì chúng chưa đầy đủ và đều có từ “vân vân”. Lời văn của chúng gần giống như lời văn trong Chư phiên chí, vì vậy không chắc liệu Chư phiên chí trích dẫn Quỳnh quản chí hay ngược lại. Ghi chép trong Chư phiên chí là đầy đủ nhất, như sau:

Cát Dương là nơi tận cùng của biển cả, không còn đất liền. Bên ngoài có mấy châu tên là Ô Lí và Tô Cát Lãng, nam hướng Chiêm Thành, tây nhìn Chân Lạp, đông là Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Sàng, mênh mông vô tận, trời nước một màu.[399]

Cát Dương chỉ Nhai Châu. Câu chữ này nói: Bên ngoài Nhai Châu có hai (ba) nơi gọi là Ô Lí và Tô Cát Lãng.[400] Cả hai đều thuộc khu vực Huế ở miền Trung Việt Nam. Phía nam của hai nơi này là Chiêm Thành, phía tây là Chân Lạp, phía đông là Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Sàng.

Có người cho rằng phần mô tả “nam hướng Chiêm Thành, tây nhìn Chân Lạp, đông là Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Sàng” là cho Cát Dương, không phải cho Ô Lí và Tô Cát Lãng. Điều này không thuận lí về mặt vị trí. Vì phía tây Nhai Châu là Giao Chỉ hay Chiêm Thành chứ không phải Chân Lạp. Chân Lạp không sát biển ở vĩ độ này nhưng Việt Nam lại gần biển, còn Chân Lạp nằm xa hơn về phía tây của Việt Nam. Chỉ có Việt Nam thay vì Chân Lạp mới thỏa điều kiện nằm ở phía tây. Vì vậy, phía nam, phía tây và phía đông ở đây là của Ô Lí và Tô Cát Lãng, nằm ở miền Trung Việt Nam ngày nay. Miền Trung Việt Nam giáp Chân Lạp ở phía tây, Chiêm Thành ở phía nam và Hoàng Sa ở phía đông, phù hợp với vị trí địa lí. Vì vậy, trên thực tế, chủ ý của Quỳnh quản chí là trước tiên mô tả rằng miền Trung Việt Nam ở phía nam Nhai Châu, nhân đó mô tả vị trí địa lí của miền Trung Việt Nam, để mô tả đầy đủ vị trí của Nhai Châu. Từ cách mô tả này, hoàn toàn không thấy có ngụ ý rằng Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Sàng được coi là lãnh thổ của Trung Quốc, và tất nhiên cũng không có ý rằng những lãnh thổ này thuộc về Việt Nam mà chúng chỉ là những mô tả thuần túy về vị trí.

Hơn nữa, ngay cả mô tả “nam hướng Chiêm Thành, tây nhìn Chân Lạp, đông là Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Sàng” là cho Cát Dương, thì cũng không cho biết điều gì về vấn đề quy thuôc. Vì Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Sàng đều nằm cạnh Chiêm Thành và Chân Lạp, và cả hai nơi sau đều lãnh thổ nước ngoài, nên không chắc câu này có ý nói rằng Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Sàng thuộc về Trung Quốc.

Cuối cùng, Thạch Sàng và Trường Sa ở đây đều cùng chỉ quần đảo Hoàng Sa chứ không chỉ Hoàng Sa và Trường Sa. Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh cho rằng Thạch Sàng chỉ Tây Sa (Hoàng Sa), và Trường Sa chỉ Nam Sa (Trường Sa) chỉ là chuyện đương nhiên. Vào thời Tống, thạch sàng và trường sa dùng để chỉ hai địa hình khác nhau, thạch đường là đảo san hô vòng, thạch sàng là nền đá san hô (thạch đường và thạch sàng được sử dụng thay thế cho nhau), và Trường Sa là một bãi cát và đảo cát được phát triển trên thạch sàng. Liên quan đến lời văn trong chương Hải Nam, Thạch Sàng và Trường Sa đều chỉ quần đảo Hoàng Sa (hoặc cũng chỉ cả quần đảo Trung Sa).[401] Quần đảo Trường Sa nằm ở phía nam hoặc đông nam của miền Trung Việt Nam và Hải Nam, không phải phía đông.

Vì vậy, dù có những mô tả liên quan trong Quỳnh quản chí, nhưng ghi chép của nó không chỉ ra rằng Trung Quốc đã bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa vào khu vực hành chính của mình thời nhà Tống, mà chỉ nêu ra thực tế địa lí rằng quần đảo Hoàng Sa tồn tại ở vùng biển phía đông của Cát Dương Quân (xem 3.4.2).

Từ đó trở đi cho đến thời Vạn Lịch nhà Minh, việc trích dẫn Quỳnh quản chí của hệ thống phương chí trong hàng trăm năm không hề có sai lệch. Ví dụ, trong phần Cương vực của Quỳnh đài chí [瓊管志] triều Chính Đức, tập 4, mô tả về Quỳnh Châu như sau:

Vòng ngoài của biển cách xa các nước phiên [Quỳnh quản cổ chí nói rằng vòng ngoài của biển nối liền các châu Ô Lí, Tô Mật, Cát Lãng, phía nam là Chiêm Thành, phía tây là Giao Chỉ và Chân Lạp, phía đông là Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường, và Từ Văn của Lôi Châu.[402]

Quyển 6: Sơn xuyên hạ (Về núi sông), ở cuối có mô tả về địa lí Hải Nam:

Phần lớn các nước phiên di đều nằm ở phía tây Nam Hải, chạy một mạch đến phía nam của Nhai, Chiêm Lạp, Xiêm Lạt Oa và Phật Nê, trong khi phía đông của Quỳnh là biển, Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường, tức là những nơi đất không sung túc.[403]

Quyển 21 Hải đạo [海道] (Hình 59) có ghi:

Nó được biển lớn bao quanh ở bên ngoài, nối liền với các châu Ô Lí, Tô Mật, Cát Lãng, phía nam là Chiêm Thành, phía tây là Giao Chỉ và Chân Lạp, phía đông là Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường, xa về phía đông bắc là Quảng Đông, Phúc Kiến và Chiết Giang, gần tới Khâm, Liêm, Cao, Hóa, xuồng thuyền đi 4 ngày đến Quảng Châu, 9 ngày đến Phúc Kiến và 15 ngày đến Chiết Giang.[404]

Hình 59 Quỳnh đài chí thời Chính Đức

Trong phần giới thiệu địa lí của Vạn Châu không có mục “biển Trường Sa, biển Thạch Đường”. Có thể thấy, mô tả trong sách này ăn khớp với mô tả trong Quỳnh quản chí, vốn không coi Trường Sa, Thạch Đường thuộc Vạn Châu. Trong Quảng Đông thông chí (1561) của Hoàng Tá thời Gia Tĩnh, không có mô tả nào về Trường Sa Thạch Đường cả.[405] Cũng không có mô tả nào như vậy trong Quảng Đông thông chí (1602) của Quách Bùi thời Vạn Lịch.[406] Điều này cho thấy rằng cho đến thời Gia Tĩnh, loại khẳng định sai lầm này vẫn chưa xuất hiện.

Hình 60 Quỳnh Châu phủ chí thời Vạn Lịch

Bắt đầu từ Quỳnh Châu phủ chí (do Đái Hi Tu, Trần Ư Thần biên tập, 1616) thời Vạn Lịch nhà Minh, mục này xuất hiện lần đầu tiên trong Sơn xuyên Vạn·Châu (Hình 60):

Biển Trường Sa, biển Thạch Đường: đông [Vạn] Châu, Quỳnh quản chí nói 2 điều về Vạn Lí Thạch Đường, xem thông chí của phủ này. Theo phần có tựa đề Vạn Ninh Sơn Hà thì Hoa Phong, Thản Lãng, Bạch Thạch, Quy Hà, Thiên Mã, Kim Ngưu, Tiên Hà và Liên Phong là 8 thắng cảnh đẹp nhất. Và trong 8 thắng cảnh thì Kim [Ngưu], Tiên [Hà] ở Đông Sơn là đẹp hơn hết. Còn Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường là hai nơi hơn hết có biển bao bọc nên được đặc biệt trình bày ở cuối chương.[407]

Ở đây ghi rõ rằng tác giả lần đầu tiên thấy ghi chép trong Quỳnh quản chí, tức là những ghi chép được trích dẫn ở trên. Đồng thời, ông thấy phần sông núi Vạn Ninh (tức Vạn Châu) có 8 cảnh được kể ra, nên ông đã thêm Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường vào phần Vạn Châu như một lẽ đương nhiên, và được coi là nơi “hơn hết có biển bao quanh”, cùng bậc với 8 thắng cảnh trên đất liền.

Quỳnh Châu phủ chí thời Vạn Lịch là phương chí sớm nhất có ghi “biển Trường Sa, biển Thạch Đường”. Xét từ việc đưa vào này, có thể thấy rằng cái gọi là đưa “biển Trường Sa, biển Thạch Đường” vào mục Vạn Châu, không phải do sự phân chia lại các khu vực hành chính vào thời điểm đó, cũng không phải do bất kì biện pháp đặc biệt nào do chính phủ thực hiện, cũng không phải do có hoạt động mới nào phải ghi lại, mà đơn giản là vì người biên soạn thấy mục này trong sách cổ, và do tiện bố trí nên đưa nó vào Vạn Châu như chuyện đương nhiên.

Quảng Đông tân ngữ – Trướng hải [廣東新語·漲海] của Khuất Đại Quân đầu thời Thanh có một tường thuật mới:

Ngoài khơi bờ biển phía đông của thành phố Vạn Châu có Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường, được trời đất tạo ra để ngăn nước biển tràn vào. Biển trương phồng lên nên được gọi là Trướng hải.[408]

Đây là văn bản sớm nhất nêu “Vạn Châu có…Trường Sa…Thạch Đường”. Tác phẩm này cũng dựa trên tác phẩm của những người đi trước, cách nói bên ngoài Vạn Châu có “Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường” có lẽ là dựa trên Quỳnh Châu phủ chí thời Vạn Lịch. Cái gọi là đê đá (thạch đường) phòng vệ có lẽ lần đầu xuất hiện trong cuốn “Quảng Châu kí” thời Tấn: “(Mã Viện thời Đông Hán) dùng đá làm đê ngăn sóng biển, từ đó chưa thấy nước biển tràn vào trở lại”.[409] Từ đó về sau, truyền thuyết về “thạch đường” ngăn biển dâng đã được lưu truyền. Ngay cả khi Mã Viện dựng các đê đá (thạch đường) ở Việt Nam thì nhiều nhất chúng cũng chỉ có thể nằm trên bờ biển đất liền miền Trung Việt Nam (Tượng Phố, tức là nước Lâm Ấp), và hoàn toàn không thể nằm ở vị trí hiện tại của quần đảo Hoàng Sa. Khuất Đại Quân trộn lẫn cả hai lại với nhau, và cho rằng Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường được “trời đất tạo ra” để ngăn chặn ngăn nước biển tràn vào. Khẳng định này tất nhiên là không thể đúng về mặt khoa học. Hơn nữa, trong tác phẩm này, nó chỉ mô tả vị trí địa lí của Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường chứ không liên quan đến sự quy thuộc chủ quyền của chúng.

Trong các phương chí mà các thế hệ sau tiếp tục biên soạn, họ cũng đều tham khảo tác phẩm của những người đi trước. Sau khi được lưu truyền nhiều lần, nội dung câu này đã thay đổi và trở thành ”Vạn Châu có Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường”. Qua những đoạn văn trích dẫn nêu trên có thể thấy, những người biên soạn những cuốn phương chí này của nhà Thanh khi biên soạn gần như sao chép hoàn toàn từ sách cổ nên lời văn gần giống như nhau, nội dung cũng không tăng lên. Hơn nữa, bản thân những người biên soạn cũng không biết nhiều về nó. Vì vậy “Ghi chép xưa nói: Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường, nhưng ở ngoài biển, không biết có thật hay không“, “Không biết có thật hay không” chính là không thể kiểm tra xem đó có phải là sự thật hay không. Điều này cho thấy rằng họ không rõ Trường Sa và Thạch Đường có nằm ngoài Vạn Châu hay không, và họ chỉ ghi lại vào sách chỉ vì chúng được cho là tồn tại từ thời xưa. Trong tình huống như vậy, thật vô lí khi nói rằng hai nơi này đã thật sự thuộc quyền quản lí của Vạn Châu vào thời đó.

Hình 61 Vạn Lịch Quỳnh Châu phủ chí

Từ “có” (有: hữu) có thể có nhiều cách hiểu, nghĩa gốc của nó là “tồn tại”, và nghĩa mở rộng của nó là “sở hữu”. Các tác giả của những cách diễn giải ban đầu này có thể đã có ý định thể hiện nghĩa “tồn tại” gốc, điều mà các thế hệ sau này hiểu lầm thành nghĩa “sở hữu”. Đáng khen là các tác giả trích dẫn đoạn văn có trước đã rất chuyên nghiệp và trung thực khi thừa nhận rằng trên thực tế, họ không biết gì về những địa điểm này mà chỉ là kiến ​​​​thức mang tính truyền thuyết. Điều này để lại manh mối cho thế hệ tương lai khôi phục lại sự thật. Hiện nay, các học giả Trung Quốc đã giải thích sai đoạn trích dẫn sai rõ ràng này thành Vạn Châu sở hữu quyền hành chính đối với Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường, điều này rõ ràng là sai chồng lên sai.

Hình 62 Bản đồ Quảng Đông trong Đạo Quang Quảng Đông thông chí

Bằng chứng ủng hộ khẳng định rằng Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường không thuộc thẩm quyền của Vạn Châu là hầu hết các phương chí này đều có bản đồ của tỉnh Quảng Đông, phủ Quỳnh Châu và thậm chí cả huyện Vạn Châu. Không có bản đồ nào trong tất cả các phương chí được đề cập ở trên, cho thấy vị trí của Thạch Đường ở Trường Sa. Điều này càng cho thấy những người biên soạn phương chí không quen thuộc với hai nơi này, đồng thời cũng cho thấy điều khẳng định rằng Vạn Châu cai quản Trường Sa và Thạch Đường là không đứng vững. Ví dụ: bản đồ Quỳnh Châu (Hình 61) trong Vạn Lịch Quỳnh Châu phủ chí[410], bản đồ Quảng Đông (Hình 62), bản đồ Quỳnh Châu, bản đồ Vạn Châu trong Đạo Quang Quảng Đông thông chí,[411] và bản đồ Vạn Châu trong Đạo Quang Vạn Châu chí (Hình 63) đều không có Trường Sa và Thạch Đường. Ngay cả trong bản đồ phòng thủ biển trong Đạo Quang Quảng Đông thông chí, cũng không có Trường Sa và Thạch Đường,[412] và trên bản đồ này còn ghi chú rõ rằng “Quỳnh Nhai nằm ở cực nam, biệt lập ngoài biển, ba phía đông, tây và nam biển rộng không bờ bến.” Có thể thấy trong các phương chí này, điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc vẫn nằm ở Quỳnh Nhai, Hải Nam.[413]

Hình 63 Bản đồ trong Đạo Quang Vạn Châu chí

Ngoài ra, cũng có thể xem thêm các địa lí chí cấp quốc gia. Kể từ thời nhà Nguyên, các vương triều trung ương của Trung Quốc bắt đầu biên soạn ‘nhất thống chí’. Nhất thống chí [一統志] là sách địa lí do các tổ chức chính thức trong triều đại phong kiến biên soạn, phê duyệt và ban hành. Đây là tài liệu địa lí chính thức được ghi chép trong thời kì này, đồng thời cũng là tài liệu tham khảo quan trọng cho các thế hệ học giả sau này nghiên cứu diễn biến địa lí lịch sử. Vì vậy, chúng sẽ được cập nhật để đáp ứng với những thay đổi về ranh giới của mỗi triều đại, đồng thời do được chính quyền trung ương phê duyệt nên chúng cũng là những tác phẩm có căn cứ xác thực nhất về ranh giới của Trung Quốc, phản ánh thực tế ranh giới của mỗi triều đại. Có 7 bộ Nhất thống chí, đó là Đại Nguyên đại nhất thống chí, Đại Minh nhất thống chí (Thiên Thuận, Hoằng Trị, Vạn Lịch), và Đại Thanh nhất thống chí (Khang Hi, Càn Long, Gia Khánh). Tại các chương tiết về Quảng Đông và Quỳnh Châu ở tất cả các nhất thống chí đều không có mục nào về biển Trường Sa và biển Thạch Đường. Điều này cho thấy mục này không được chính quyền trung ương thừa thuận, và cũng không phản ánh sự phân chia hành chính thực tế của Trung Quốc.

3.8 Biển Đông trong ‘đo đạc bốn biển’ thời Nguyên

Nếu như chính phủ Trung Quốc có những ví dụ thực tế về quản lí các đảo ở biển Đông thì đó là bằng chứng mạnh mẽ hơn trong luật pháp quốc tế. Từ đầu thời Tống đến khoảng 1 000 năm trước thời cận đại, những bằng chứng về quản trị mà Trung Quốc đưa ra không nhiều. Chúng có thể được chia thành ba loại: loại thứ nhất là khảo sát thiên văn, tức là các đo đạc thiên văn của Quách Thủ Kính vào thời Nguyên, theo một số chuyên gia Trung Quốc, địa điểm đo là Tây Sa (Hoàng Sa), trong khi những người khác nói rằng địa điểm đó là đảo Hoàng Nham; loại thứ hai là các ghi chép về tuần tra trên biển, cứu trợ và các ghi chép dân sự khác; loại thứ ba là các ghi chép về đi sứ hoặc đi chinh phạt ngang các đảo ở biển Đông. Liệu những bằng chứng này có đúng hay không và hiệu quả của chúng như thế nào cần phải được phân tích cẩn thận.

Năm 1279, nhà khoa học vĩ đại Trung Quốc Quách Thủ Kính chủ trì một dự án quy mô lớn mang tên “Đo đạc bốn biển” (四海測量: Tứ hải trắc lượng), vào ngày hạ chí với tổng cộng 27 địa điểm được đo để lấy dữ liệu thiên văn, và cuối cùng một lịch mới đã được thiết lập. Một trong những điểm đo là ở “Nam Hải” (南海), không có mô tả chi tiết về vị trí của “Nam Hải”, đó là lí do tại sao có nhiều ý kiến ​​​​khác nhau về nó. Phép đo thiên văn này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc “chứng minh” vấn đề quản lí của Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough và quần đảo Hoàng Sa trong lịch sử. Điều này đặc biệt đúng với đảo Hoàng Nham, vì đây là ghi chép duy nhất mà Trung Quốc đưa ra về khả năng có mối liên hệ với đảo Hoàng Nham từ “thời xa xưa”. Nếu không có nó thì chỉ có sau thế kỉ 20 mới có các ghi chép về đảo Hoàng Nham trong lịch sử Trung Quốc. Vì vậy, trong vụ tranh chấp đảo Hoàng Nham giữa Trung Quốc và Philippines năm 2012, truyền thông và quan chức Trung Quốc đều trích dẫn việc Quách Thủ Kính đo đạc Nam Hải năm 1279 làm bằng chứng đầu tiên.[414]

Nhưng khẳng định này có đúng không? Phần này sẽ phân tích chi tiết: thứ nhất, lịch sử nghiên cứu địa điểm đo Nam Hải của Quách Thủ Kính; thứ hai, địa điểm đo Nam Hải ở đâu; thứ ba, địa điểm đo Nam Hải có sức thuyết phục như thế nào đối với sự quy thuộc chủ quyền.

1. Lịch sử nghiên cứu địa điểm đo Nam Hải của Quách Thủ Kính

Trước nhất hãy điểm lại lịch sử nghiên cứu việc đo đạc ở Nam Hải của Quách Thủ Kính, đây là một ví dụ rất điển hình. Ngược lại với những gì công chúng hiểu, địa điểm đo Nam Hải của Quách Thủ Kính năm 1279 không được sử sách ghi chi tiết. Trong Nguyên sử · chí nhất · thiên văn [元史·志一·天文], địa danh “Nam Hải” được ghi lại một cách đơn giản. Sách lịch sử Trung Quốc chưa bao giờ ghi rằng Quách Thủ Kính đã tiến hành đo đạc trên “đảo Hoàng Nham” hay “Trường Sa Thạch Đường” (thật ra, trong sử sách Trung Quốc cổ không hề có ghi chép nào về đảo Hoàng Nham). Địa điểm đo của Quách Thủ Kính đến từ các nghiên cứu hiện đại và suy diễn.

Có thể có người cho rằng khi mở rộng lãnh thổ trên bản đồ (地圖開疆: địa đồ khai cương) vào năm 1935, Trung Quốc đã tin rằng địa điểm khảo sát của Quách Thủ Kính là đảo Hoàng Nham (lúc đó gọi là đá Dân Chủ) nên đã đưa đảo Hoàng Nham vào lãnh thổ Trung Quốc. Điều này là hoàn toàn sai. Địa điểm đo của Quách Thủ Kính được xác định tại đảo Hoàng Nham là do Hàn Chấn Hoa, một học giả Đại học Hạ Môn, đưa ra lần đầu tiên vào năm 1979 trong bài báo “Biên giới quốc gia Trung Quốc ở biển Đông thời Nguyên trong ‘Đo đạc bốn biển’.”(Nguyên đại tứ hải trắc nghiệm trung Trung Quốc cương vũ đích Nam hải) [415] Theo như tác giả được biết, chưa có nghiên cứu nào ở Trung Hoa Dân Quốc lúc đó xác định được địa điểm đo này. Vì vậy, khi mở rộng lãnh thổ trên bản đồ năm 1935, việc các quan chức Trung Hoa Dân Quốc đưa đảo Hoàng Nham vào lãnh thổ Trung Quốc là hoàn toàn chủ quan.

Vì địa điểm đo của Quách Thủ Kính không được ghi lại trong sử sách nên một số nhà địa lí lịch sử hi vọng tìm ra được địa điểm này. Có 4 giả thuyết về địa điểm đo Nam Hải của Quách Thủ Kính. Sớm nhất có lẽ là “thuyết Quảng Châu”, vì Quảng Châu thời xưa từng được gọi là Nam Hải. Thuyết này dường như do Joseph Needham, người Anh, đưa ra. Ông là người tiên phong nghiên cứu lịch sử khoa học kĩ thuật Trung Quốc cổ đại, khi nghiên cứu thiên văn học Trung Quốc cổ đại, ông đưa ra quan điểm Nam Hải là Quảng Châu.[416] Trong những năm 1960, thuyết Quảng Châu vẫn là thuyết tiêu chuẩn. Ví dụ, cuốn sách “Quách Thủ Kính” năm 1966 vẫn còn theo quan điểm này. Cuốn sách này là một cuốn sách phổ thông nên nó mang ý nghĩa tổng quát và chủ đạo hơn.[417]

Trong những năm 1970 và 1980, tư tưởng chủ đạo trong giới học thuật lại là “thuyết quần đảo Hoàng Sa” (về việc ai là người đầu tiên đưa ra thuyết về quần đảo Hoàng Sa, tác giả tạm thời không tìm được nguồn, các bài viết lịch sử Trung Quốc chuộng trích dẫn nguyên văn các tài liệu lịch sử nhưng không thích trích dẫn kết quả của các nghiên cứu trước đây khiến các thế hệ sau khó nắm bắt được diễn biến của nghiên cứu, nhưng chắc chắn rằng thuyết Hoàng Sa đã xuất hiện trước thuyết đảo Hoàng Nham). Thuyết đảo Hoàng Sa trở thành xu hướng chủ đạo vào những năm 1970 và 1980, phần nào do chính trị ảnh hưởng. Vào thời đó, Trung Quốc và Việt Nam đang đối đầu nhau và tranh chấp quyền sở hữu quần đảo Hoàng Sa. Sách trắng năm 1980 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc “Chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa là không thể tranh cãi” viết: “Điểm đo Nam Hải này với ‘góc nhìn sao Bắc Đẩu từ mặt đất là 15°’ ứng với 14° 47’ vĩ bắc, cộng với sai số khoảng 1° nên vị trí của nó đúng là ở quần đảo Tây Sa ngày nay.” Điều này cho thấy “quần đảo Tây Sa nằm trong lãnh thổ của Trung Quốc vào thời Nguyên”.[418] Có thể thấy, vào năm 1980, chính phủ Trung Quốc đã xác định điểm đo Nam Hải của Quách Thủ Kính là quần đảo Hoàng Sa chứ không phải đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) như họ nói hiện nay.

Khi Hàn Chấn Hoa đưa ra thuyết đảo Hoàng Nham (bãi Scarborough) vào năm 1979, thuyết này không hề mang tính chủ đạo. Bài viết gốc không hề đề cập cụ thể đến thuyết quần đảo Hoàng Sa. Sau khi chính phủ Trung Quốc khẳng định thuyết quần đảo Hoàng Sa vào năm 1980, trường phái Hàn Chấn Hoa, chủ yếu là học trò của ông, Lí Kim Minh, bắt đầu tìm cách dung hoà ý kiến của mình với ý kiến của chính phủ: ông cho rằng địa điểm đo là đảo Scarborough, nhưng cũng nói rằng địa điểm đo cũng là quần đảo Hoàng Sa. Ví dụ, ông viết trong cuốn “Nam hải chư đảo thực địa nghiên cứu trát kí” (Ghi chú nghiên cứu thực địa các đảo ở biển Đông) năm 1995: “Với kinh độ và vĩ độ, chúng ta có thể tìm thấy địa điểm đo Nam Hải thời Nguyên trên bản đồ, nói một cách lỏng lẻo là tại khu vực quần đảo Tây Sa; còn nói chính xác là tại đảo Hoàng Nham thuộc quần đảo Trung Sa ngày nay.”[419] Năm 1996, Lí Kim Minh viết trong “Nguyên đại ‘tứ hải trắc nghiệm’ trung đích Nam hải” (Biển Đông trong ‘Đo đạc bốn biển’ thời Nguyên): “Điểm đo đạc trên biển Đông lúc đó phải nằm ở tọa độ 15° 12’ vĩ Bắc,116° 7’ kinh Đông, tức là khu vực quần đảo Tây Sa của nước ta… Việc nhà Nguyên lấy Nam Hải làm điểm đo cực nam trong ‘Tứ Hải trắc nghiệm’ có thể cho thấy quần đảo Tây Sa lúc đó nằm trong lãnh thổ của nhà Nguyên..…”[420] Trong chuyên khảo “Trung Quốc Nam hải cương vực nghiên cứu“ (Nghiên cứu lãnh thổ biển Đông) xuất bản năm 1999, Lí Kim Minh một lần nữa viết: “Chúng ta có thể tìm thấy vị trí của nó trên bản đồ, nói một cách lỏng lẻo là tại khu vực quần đảo Tây Sa; còn nói chính xác là tại đảo Hoàng Nham thuộc quần đảo Trung Sa ngày nay.” [421]

Rất có khả năng giáo sư Lí Kim Minh làm điều này vì toan tính chính trị, vì trong những năm 1980 và 1990, tranh chấp của Trung Quốc ở biển Đông chủ yếu chỉ là khẩu chiến với Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa. Vì vậy, trong những bài viết này, Lí Kim Minh không thể nói điều trái ngược với chính phủ Trung Quốc. Ông không thể làm gì khác nên một mặt chỉ có thể chứng minh địa điểm đo là đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough), mặt khác lại phải chứng minh từ xưa tới nay quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) là một phần của Trung Quốc. Vì vậy, ông đã phải dùng những lí do khiên cưỡng để mô tả bãi Scarborough là một phần của quần đảo Hoàng Sa. Điều này ít nhiều phản ánh tình cảnh không lối thoát khi nghiên cứu lịch sử phục vụ chính trị.

Khi tranh chấp chủ quyền bãi Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines bắt đầu hiện rõ vào năm 1997, lập trường của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa đã ổn định, tầm quan trọng của tranh chấp bãi Scarborough dần vượt qua quần đảo Hoàng Sa. Năm 2001, Lí Kim Minh cuối cùng trong cuốn sách “Tòng lịch sử dữ quốc tế hải dương pháp khán Hoàng Nham đảo đích chủ quyền quy chúc” (Quy thuộc chủ quyền bãi Scarborough theo lịch sử và luật biển quốc tế) đã coi bãi Scarborough là trọng điểm.[422] Kể từ đó, tuyên bố chính thức của Trung Quốc cũng đặt địa điểm đo của Quách Thủ Kính trên bãi Scarborough, và “thuyết đảo Hoàng Nham” đã trở thành câu trả lời chuẩn mới, đúng đắn về mặt chính trị. Trong vụ đối đầu bãi Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines năm 2012, giới truyền thông và giới học thuật đã lặp lại tuyên bố này một cách rập khuôn.

Trong hơn 30 năm, địa điểm đo đã thay đổi từ quần đảo Hoàng Sa sang bãi Scarborough, trong khoảng thời gian này có phát hiện và lí thuyết mới nào có thể ủng hộ thuyết này không? Câu trả lời là không, và ngược lại cũng có nhiều bằng chứng phủ định (xem bên dưới). Nếu phân tích kĩ lập luận của Hàn Chấn Hoa năm 1979 đến lập luận của Lí Kim Minh ở thế kỉ 21, xét theo nguyên tắc, phương pháp và tài liệu, có thể thấy rằng về cơ bản là giống nhau. Trong 30 năm qua có cách lí giải nào có thể bác bỏ ‘thuyết quần đảo Hoàng Sa’ không? Hoàn toàn không. Ít nhất theo Nữu Trọng Huân thuộc Viện Địa lí, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, người ủng hộ chính cho thuyết Hoàng Sa về địa điểm đo, trong một bài báo xuất bản năm 1998, phát biểu rằng bằng chứng từ những năm 1980 vẫn còn vững chắc.[423] Thuyết của Nữu Trọng Huân đã có giá trị chính thức trong nhưng năm 1980. Trong bài viết năm 1998 này, ông còn phân biệt rõ ràng thuyết Hoàng Sa của chính mình với thuyết Hoàng Sa sai lầm của Lí Kim Minh (tức là thuyết đảo Hoàng Nham).

Buồn cười hơn nữa là vào năm 2014, do mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Việt Nam về giàn khoan 981, tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa một lần nữa lại được dư luận quan tâm. Vào lúc đó, Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ bãi Scarborough sau cuộc đối đầu Trung-Philippines về bãi Scarborough năm 2012. Vì vậy, quan chức Trung Quốc lại đưa ra địa điểm đo Nam Hải là quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa). Ví dụ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tần Cương cho biết vào ngày 26 tháng 5 năm 2014:

“Thời Nguyên, nhà thiên văn học nổi tiếng Quách Thủ Kính đã thiết lập một điểm thiên văn ở quần đảo Tây Sa, điều này chứng tỏ rằng quần đảo Tây Sa đã nằm trong lãnh thổ của Trung Quốc.”[424]

Thái độ dễ thay đổi của chính phủ Trung Quốc chắc chắn đã tạo ra bầu không khí tiêu cực cho việc nghiên cứu lịch sử.

Theo nhà địa lí lịch sử nổi tiếng Cát Kiếm Hùng, ngay từ những năm 1980, một số nhà sử học nổi tiếng nghiên cứu lịch sử nhà Nguyên đã cho rằng Lâm Ấp nằm ở miền Trung Việt Nam mới là địa điểm đo thật sự, nhưng dưới áp lực chính trị lúc đó, họ đã không dám đưa ra ý kiến ​​này.[425] Theo nhận định này, có thể số nhà sử học ủng hộ quan điểm này không phải thiểu số nhưng họ không sẵn lòng công bố các bài viết thuộc lĩnh vực lịch sử nhạy cảm, chẳng hạn như bản thân Cát Kiếm Hùng đã không công bố một bài báo đặc biệt nào mà chỉ đề cập đến việc ủng hộ của mình dành cho Lâm Ấp trong một bài báo không thảo luận riêng về vấn đề này.[426] Đến khoảng năm 1990, Tăng Chiêu Tuyền, một nhà địa lí lịch sử tại Đại học Sư phạm Hoa Nam ở Quảng Châu, đã công bố thuyết địa điểm đo Lâm Ấp.[427] Cả Lí Kim Minh và Nữu Trọng Huân đều đưa ra ý kiến phản bác thuyết này. Tăng Chiêu Tuyền dường như không bảo vệ thêm thuyết của chính mình. Thuyết này dường như cũng chưa bao giờ nhận được bất kì sự nhìn nhận nào trên các phương tiện truyền thông. Cuốn “Trung Quốc cổ đại Nam Hải chư đảo văn hiến sơ bộ phân tích” (Phân tích sơ bộ các tài liệu Trung Quốc cổ đại về các đảo ở biển Đông)[428]của Tăng Chiêu Tuyền xuất bản năm 1991 cũng đáng được nhắc đến. Trong khi hầu hết các học giả khác đã giải thích các địa danh Trung Quốc cổ ở biển Đông theo hướng có lợi cho chủ quyền của Trung Quốc đối với biển Đông, ông đã phân tích cách giải thích đó một cách chi tiết ở nhiều chỗ trong bài viết và làm dấy lên nghi ngờ. Tất nhiên những phân tích và kết luận của ông có hợp lí hay không thì còn có thể phân tích, bàn luận thêm, nhưng dù thế nào đi nữa, thái độ không chịu chạy theo bầy đàn, không chiều theo nhu cầu chính trị mà nhấn mạnh vào tính khách quan, hợp lí này là điều đáng được tôn trọng. Đáng tiếc là sau năm 1991, Tăng Chiêu Tuyền không còn công bố những bài viết liên quan nữa.

Điều đáng nói là mặc dù thuyết Lâm Ấp không phải là xu hướng chủ đạo trong lĩnh vực lịch sử nhưng nó luôn được chấp nhận rộng rãi trong giới thiên văn học cổ đại vốn tương đối phóng khoáng hơn. Nhân vật tiêu biểu về mặt này là Trần Mĩ Đông, nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Khoa học Tự nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Trần Mĩ Đông là một chuyên gia về lịch sử thiên văn học Trung Quốc, đã viết chuyên khảo “Trung Quốc khoa học phát triển sử · Thiên văn học quyển” (Lịch sử phát triển khoa học Trung Quốc – thiên văn học).[429] Ông cũng viết “Quách Thủ Kính bình truyện.[430]Trong cả hai cuốn sách, ông lập luận rằng Nam Hải nằm trên bờ biển miền Trung Việt Nam.

2. Địa điểm đo ở đâu?

(1) Sử liệu liên quan đến việc đo đạc ở Nam Hải

Có 4 thuyết về nơi đo đạc bốn biển ở Nam Hải: thuyết Quảng Châu, thuyết Hoàng Sa, thuyết đảo Hoàng Nham (bãi Scarborough) và thuyết Lâm Ấp. Trước khi phân tích các thuyết này, hãy kiểm tra các ghi chép lịch sử. Điểm đo Nam Hải của Quách Thủ Kính là một trong những điểm (tổng cộng 27 điểm đo) trong “Tứ hải trắc nghiệm” do ông chủ trì. Mục đích của dự án lớn này là thiết lập một lịch mới. Có một số ghi chép về sự việc này trong Nguyên sử. Dù theo quan điểm nào, nguồn tài liệu trích dẫn gốc đều từ sử liệu này.

Điểm đầu tiên được trích từ quyển 10, bản kỉ 10, ghi lại vào năm Chí Nguyên thứ 16 (1279):

Tháng 3……. Canh Tuất, Quách Thủ Kính được lệnh đi đến Thượng Đô và Đại Đô, đi qua phủ Hà Nam đến Nam Hải để đo bóng nắng.”[431]

Điểm thứ hai trích từ quyển 48 Thiên văn chí (Hình 64), ghi lại 27 địa điểm đo và dữ liệu đo:[432]

Đo đạc bốn biển

Hình 64 Nguyên sử – Thiên văn chí

Nam Hải, Bắc Cực [sao Bắc Đẩu- ND] cách mặt đất 15°, bóng cột đồng hồ lúc hạ chí ở phía nam, dài 1 xích 1 thốn 6 phân, ngày 54 khắc và đêm 46 khắc.

Hành Nhạc, sao Bắc Đẩu cách mặt đất 25°, mặt trời lúc hạ chí ở ngay trên đầu cột, không có bóng, ngày 56 khắc và đêm 44 khắc.

Nhạc Thái, sao Bắc Đẩu cách mặt đất 35°, bóng cột đồng hồ lúc hạ chí dài 1 xích 4 thốn 8 phân, ngày 60 khắc, đêm 40 khắc.

Hoà Lâm, sao Bắc Đẩu cách mặt đất 45°, bóng cột đồng hồ lúc hạ chí dài 3 xích 2 thốn 4 phân, ngày 64 khắc, đêm 36 khắc.

Thiết Lặc, sao Bắc Đẩu cách mặt đất 55°, bóng cột đồng hồ lúc hạ chí dài 5 xích 1 phân, bảy mươi khắc, ban đêm ba mươi khắc.

Bắc Hải, sao Bắc Đẩu cách mặt đất 65°, bóng cột đồng hồ lúc hạ chí dài 6 xích 7 thốn 8 phân, ngày 82 khắc,đêm 18 khắc.

Đại Đô, sao Bắc Đẩu cách mặt đất 40° quá mạnh, bóng cột đồng hồ lúc hạ chí dài 1 trượng 2 xích 3 thốn 6 phân, ngày 62 khắc, đêm 38 khắc.

Thượng Đô, sao Bắc Đẩu cách mặt đất chưa đến 43°.

Bắc Kinh, sao Bắc Đẩu cách mặt đất 42 ° mạnh.

Ích Đô, sao Bắc Đẩu cách mặt đất chưa đến 37°.

Đăng Châu, sao Bắc Đẩu cách mặt đất chưa đế 38°.

Cao Li (Triều Tiên), sao Bắc Đẩu cách mặt đất chưa đến 38°.

Tây Kinh, sao Bắc Đẩu cách mặt đất chưa đế, 40°.

Thái Nguyên, sao Bắc Đẩu cách mặt đất chưa tới 38°.

Phủ An Tây, sao Bắc Đẩu cách mặt đất hơn 34,5°.

Hưng Nguyên, sao Bắc Đẩu cách mặt đất hơn 33,5°.

Thành Đô, sao Bắc Đẩu cách mặt đất hơn 31,5°.

Châu Tây Lương, sao Bắc Đẩu cách mặt đất hơn 40°.

Đông Bình, sao Bắc Đẩu cách mặt đất quá 35°.

Đại Danh, sao Bắc Đẩu cách mặt đất 36°.

Nam Kinh, sao Bắc Đẩu cách mặt đất hơn 34°.

Dương Thành, phủ Hà Nam, sao Bắc Đẩu cách mặt đất chưa đến 34°.

Dương Châu, sao Bắc Đẩu cách mặt đất 33°.

Ngạc Châu, sao Bắc Đẩu cách mặt đất 31,5°.

Cát Châu, sao Bắc Đẩu cách mặt đất 26,5°.

Lôi Châu, sao Bắc Đẩu cách mặt đất hơn 20°.

Quỳnh Châu, sao Bắc Đẩu cách mặt đất hơn 19°.

Điểm viết thứ ba trích từ quyển 164, Quách Thủ Kính:[433]

(Năm 1279) Thủ Kính tâu: “Vào thời Khai Nguyên nhà Đường, Nam Cung Thuyết được lệnh đo bóng nắng trong thiên hạ, trong sách thấy nêu ra 13 địa điểm. Lãnh thổ ngày nay còn rộng lớn hơn thời Đường, nếu không đo đạc ở xa, nhật thực và nguyệt thực xảy ra ở những thời điểm khác nhau, độ dài của ngày và đêm khác nhau, độ cao của mặt trời, mặt trăng và các sao cũng khác nhau, nghĩa là nếu có ít người quan sát đo đạc, trước tiên có thể đặt đồng hồ ở bắc và nam, và đo bóng nắng ngắn nhất.” Hoàng đế chấp nhận lời tâu. Theo đó, 14 viên quan trông coi đã được thành lập, phân nhau đi đo đạc khắp nơi (tứ hải), đông tới Cao Li, tây tới tận Điền Trì, nam qua khỏi Chu Nhai, bắc tới tận Thiết Lặc, hợp thành 27 trạm đo.

(2) Xác định vĩ độ của “Nam Hải”

Không rõ ai là người đầu tiên đưa ra ‘thuyết Quảng Châu’. Joseph Needham, người Anh, cho rằng “Nam Hải” chính là Quảng Châu trong cuốn “Science and Civilisation in China” (Khoa học và Văn minh Trung Quốc),[434] Joseph Needham không giải thích lí do mà chỉ nói là dựa trên cơ sở Quảng Châu từng được gọi là Nam Hải vào thời cổ đại. Quảng Châu được gọi là Nam Hải vào thời cổ đại là không sai, nhưng trong Nguyên sử – Quách Thủ Kính có viết rằng địa điểm đo là “nam qua khỏi Chu Nhai” (南逾硃崖: nam du Chu Nhai), nơi gọi là Chu Nhai (hay 珠崖: Châu Nhai) ban đầu chỉ khu vực Quỳnh Sơn ở Hải Khẩu, đảo Hải Nam, và về sau chỉ chung đảo Hải Nam. Dù lí luận thế nào đi chăng nữa, thì Quảng Châu cũng không thể thoả “nam qua khỏi Chu Nhai”. Vì vậy thuyết Quảng Châu có lẽ không đúng.

Ba thuyết còn lại đều coi Chu Nhai là toàn bộ đảo Hải Nam chứ không chỉ riêng khu vực quanh Hải Khẩu. Điều này chủ yếu là do có chi tiết về vĩ độ của “Nam Hải” trong Thiên văn chí, và thậm chí còn coi cực nam của đảo Hải Nam còn ở phía bắc so với vĩ độ “Nam Hải” này. Vì vậy, vị trí của “Nam Hải” phải ở phía nam của cực nam đảo Hải Nam.

Suy đoán trên chỉ được phân tích đơn giản từ văn bản. Nếu bắt đầu bằng số liệu thiên văn để phân tích địa điểm đo bốn biển thì đó không còn là một bài toán lịch sử đơn giản mà là một bài toán khoa học, cần có cơ sở khoa học nhất định. Các phép đo của Quách Thủ Kính năm đó chỉ để lại 3 loại dữ liệu: độ cao của sao Bắc Đẩu, độ dài của bóng vào buổi trưa và độ dài của ngày. Về mặt lí thuyết, 3 điều này có thể được suy ra qua lại và cả ba đều chỉ liên quan đến vĩ độ của địa điểm đo. Chỉ một mình vĩ độ thì không xác định được địa điểm đo. Bây giờ hãy nói về cách tính vĩ độ của “Nam Hải”.

Chỉ cần biết trái đất là hình tròn, có kiến ​​thức thiên văn xưa và nay, kết hợp với các số liệu trong tài liệu thì việc tính vĩ độ của địa điểm đo tương đối dễ dàng. Sao Bắc Đẩu luôn ở đúng hướng bắc (đây cũng là cách người xưa xác định phương hướng), nếu một người đứng ở Bắc Cực thì sao Bắc Đẩu sẽ luôn ở trên đỉnh đầu người đó, lúc này là đường nối giữa sao Bắc Đẩu và người quan sát vuông góc với mặt đất (hay lập thành góc 90°); nếu một người đứng ở xích đạo thì sao Bắc Đẩu luôn ở tại đường chân trời và đường nối sao Bắc Đẩu và người quan sát song song với đường chân trời (lập thành góc 0°). Có thể thấy, góc giữa sao Bắc Đẩu và đường chân trời có liên quan đến vĩ độ của điểm quan sát và góc này được gọi là “Bắc cực xuất địa” [北極出地] ở Trung Quốc cổ đại. Tất cả các điểm quan sát trong “Đo đạc bốn biển” đều có số liệu này. Góc này thực chất là vĩ độ của điểm quan sát, nhưng do sự khác biệt giữa đơn vị xưa và nay nên cần một phép chuyển đổi đơn giản: trong hệ thống của Quách Thủ Kính, chu vi đường tròn không được chia thành 360° mà là 365° (số ngày trong một năm), do đó, các góc được ghi đều nhỏ hơn một chút so với đơn vị được sử dụng ngày nay. Đây không phải là một vấn đề lớn, chỉ cần chuyển đổi.

Tính toán vĩ độ không chỉ có một phương pháp đo góc sao Bắc Đẩu. Nếu dựng một cây cột (một dụng cụ đặc biệt, xưa gọi là đồng hồ) trên mặt đất thì vào buổi trưa theo giờ địa phương, bóng của cây cột sẽ ngắn nhất. Trong cùng một ngày, vào giữa trưa ở các vĩ độ khác nhau, độ dài ngắn nhất của bóng này không như nhau. Vì vậy, tỉ lệ giữa chiều dài của bóng và chiều dài của cột cũng có thể được sử dụng để tính vĩ độ. Khác với góc sao Bắc Đẩu, ngoài việc liên quan đến vĩ độ, độ dài nhỏ nhất của bóng (giả sử cột có chiều dài như nhau) còn liên quan đến ngày đo: mùa hè sẽ ngắn hơn và mùa đông sẽ dài hơn. Nếu người quan sát ở chí tuyến thì vào ngày hạ chí, độ dài bóng phải bằng 0 (vì mặt trời chiếu thẳng đứng vào chí tuyến) nên Quách Thủ Kính cần xác định một ngày nhất định để thực hiện phép đo này cùng lúc ở nhiều nơi khác nhau và ông chọn ngày này là ngày hạ chí. Vì vậy, tại điểm quan sát phía bắc chí tuyến Bắc, bóng nằm ở phía bắc; tại điểm quan sát phía nam chí tuyến Bắc, bóng nằm ở phía nam. Cụm từ “bóng lúc hạ chí ở phía nam” ở Nam Hải có nghĩa là vị trí của “Nam Hải” nằm ở phía nam của chí tuyến Bắc. “Dài 1 xích, 1 thốn 6 phân” là độ dài của bóng, những cột đo bóng dùng lúc đó đều dài 8 xích. Biết độ dài của bóng theo cách này có thể xác định được vĩ độ.

Ngoài ra, vĩ độ cũng có thể được xác định từ độ dài của ngày. Vào mùa hè, ngày dài hơn ở các vùng phía bắc. Ví dụ, vào mùa hè, ngày ở Bắc Kinh ở phía bắc dài hơn ở Quảng Châu ở phía nam. Nhưng độ dài của ngày này cũng liên quan đến ngày đo. Vào mùa đông, ngày ở Bắc Kinh ngắn hơn ở Quảng Châu. Vì vậy, phương pháp đo này cũng cần định ra ngày đo. Vào ngày hạ chí, thời gian ban ngày ở tất cả các điểm đo đều dài nhất trong năm. Càng đi về phía bắc thì ngày càng dài hơn. Trong hệ thống đo lường của Quách Thủ Kính, một ngày được chia thành 100 khắc. Vì thế mà trong trích dẫn về “Nam Hải” có ghi “ngày 54 khắc, đêm 46 khắc”.

Giá trị của 3 phép đo này đều liên quan đến vĩ độ và chỉ liên quan đến vĩ độ. Dù ở Trung Quốc hay Hoa Kì, miễn là ở cùng vĩ độ thì góc nhìn sao Bắc Đẩu từ đường chân trời đều giống nhau. Điều này cũng đúng đối với độ dài bóng được đo vào buổi trưa tại các vị trí tương ứng trong cùng một ngày. Cùng một ngày, độ dài của ngày cũng như nhau. Đây là những kiến ​​thức cơ bản về hình học và địa lí nên không đi sâu vào chi tiết ở đây.

Trong số 27 điểm đo, chỉ có 6 điểm (trong đó có Nam Hải) đo được 3 loại số liệu trên, còn lại chỉ có số liệu “góc nhìn sao Bắc Đẩu”.

Vì ba phương pháp đo khác nhau ở trên chỉ liên quan đến vĩ độ nên về cơ bản cả 3 phương pháp đều có thể tính toán vĩ độ và về mặt lí thuyết, kết quả sẽ như nhau. Việc áp dụng ba phương pháp khác nhau cho cùng một tham số có thể dùng để kiểm chứng cho nhau. Trong phép đo thực tế, do tồn tại sai số nên kết quả thu được của cả ba có thể khác nhau, nhưng sự khác biệt phải nằm trong phạm vi sai số cho phép. Tất nhiên, cũng có thể tính ngược, biết “góc nhìn sao Bắc Đẩu” và “bóng lúc hạ chí” của một điểm đo nào đó có thể suy ra thời gian ban ngày của ngày hạ chí ở địa điểm đó. Trong bài báo năm 1979 của Hàn Chấn Hoa, Bảng 2 và 3 lần lượt có độ dài ngày được tính từ “bóng lúc hạ chí” và “góc nhìn sao Bắc Đẩu”, rất ăn khớp với độ dài ngày đo được liệt kê trong Bảng 1.

Tóm lại, qua tính toán có thể tìm được vĩ độ của “Nam Hải”. Theo các phương pháp đo khác nhau, nó nằm ở khoảng 15° vĩ Bắc.[435] Đương nhiên, không thể đòi hỏi việc đo đạc cổ xưa phải chính xác như ngày nay. Tại một số điểm đo khác có thể xác nhận được vị trí, vĩ độ của chúng với độ chính xác có sai số tối đa khoảng 2,5°. Vì vậy, khi xác định vị trí, việc sai lệch khoảng 1° ~ 2° là điều hợp lí. Vị trí thực tế của bãi Scarborough là ở vĩ độ 15° 8′ N, gần nhất với giá trị tính toán. Quần đảo Hoàng Sa nằm trong khoảng từ 15°47′ đến 17° 8′ N. Sau khi xem xét sai số, quần đảo Tây Sa cũng nằm trong phạm vi có thể xảy ra. Lâm Ấp hay Chiêm Thành là một đất nước hẹp và dài, vĩ độ 15° N cũng nằm trong phạm vi của nó. Vậy cả ba đều đáp ứng yêu cầu về vĩ độ.

Về sai số trong phép tính vĩ độ cổ xưa, có người đã áp dụng tiêu chuẩn của các dụng cụ hiện đại để xử lí, cho rằng chỉ có bãi Scarborough nằm trong phạm vi sai số đo vĩ độ cho phép nên địa điểm đo phải là bãi Scarborough. Điều này hoàn toàn là do không có sự hiểu biết đúng đắn về khả năng đo lường cổ xưa. Bị hạn chế bởi nhiều lí do khác nhau, chẳng hạn như công nghệ chế tạo, kĩ thuật quan sát, phương pháp thống kê, năng lực người quan sát, v.v., sai số của phép đo cổ xưa không phải chỉ được xác định bởi thang đo nhỏ nhất của dụng cụ. Cách tiếp cận đúng là so sánh dữ liệu đo được với dữ liệu đo hiện đại của các địa điểm đã biết và sai số từ 1° đến 2° vĩ gần như là một phạm vi được công nhận. Ngay cả Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh cũng thừa nhận điểm này. Vì vậy, chỉ dựa vào vĩ độ thì không thể xác định được vị trí chính xác của “Nam Hải”.


[365]Trung quốc cổ đại địa đồ tập (Chiến quốc – Nguyên), tấm 94.

[366]Nt, tấm 64-66.

[367]Nt, tấm 121.

[368]Nt, tấm 174.

[369]Nt, tấm 177.

[370]Nt, tấm 193

[371]Ngô Phụng Bân, Cổ địa đồ kí tái Nam Hải chư đảo chủ quyền vấn đề nghiên cứu, Địa lí lịch sử chủ quyền, tr. 58.

[372]Nt, tr. 58.

[373]http://en.wikipedia.org/wiki/Kangnido.

[374]Quảng dư đồ, Trung Quốc dư địa tùng thư chi cửu, Đài Bắc, Học hải xuất bản xã, 1969. Bản photocopy, tr. 32-33.

[375]Nt, tr. 172-173.

[376]Nt, tr. 386-387.

[377]Nt, tr. 388-389.

[378]Ngô Phụng Bân,Cổ địa đồ kí tái nam hải chư đảo chủ quyền vấn đề nghiên cứu, Địa lí lịch sử chủ quyền, tr. 59-61.

[379]Đồ Thư Biên, Thành Văn xuất bản xã, 1971, tập 10, tr. 4024-4025.

[380]Nt, tr. 3951-3952.

[381]Nt, tr. 5923-5924.

[382]Nt, tr. 5921-5922.

[383]Nt, tr. 5925-5926.

[384]Cổ địa đồ tập (Minh ), Bắc Kinh văn vật xuất bản xã, 1990, tấm 39-44.

[385]Trung Quốc cổ địa đồ trân phẩm tuyển tập, Trung Quốc trắc hội khoa học nghiên cứu viện biên toản, Cáp Nhĩ Tân địa đồ xuất bản xã, 1998, tấm141.

[386]Địa đồ Trung Quốc, Chu Mẫn Dân chủ biên, Hương Cảng đại học đồ thư quán, 2003, tấm 48.

[387]http://en.wikipedia.org/wiki/Kunyu_Wanguo_Quantu.

[388]http://vi.wikipedia.org/wiki/Kunyu_Wanguo_Quantu.

[389]Cổ địa đồ tập (Thanh), tấm 144.

[390]Quảng dư kí, Trung Quốc dư địa tùng thư chi thập, Đài Bắc, Học Hải xuất bản xã,1969, bản photocopy, tr. 21.

[391]Nt, tr. 48.

[392]Trích dẫn Sử liệu vị biên, tr. 35.

[393]Ung Chánh Quảng Đông thông chí, Tứ khố toàn thư,q. 562, tr. 206.

[394]Càn Long Quỳnh Châu phủ chí, Tục tu tứ khố toàn thư,tập 676, tr. 75.

[395]Nguyễn Nguyên, Quảng Đông thông chí, q. 112 san xuyên lược 13, Trung Hoa tùng thư Quảng Đông thông chí, Đài Bắc, Đài Loan thư điếm, 1959, tr. 2157.

[396]Minh Nghị, Đạo Quang Quỳnh Châu phủ chí, q. 4, 1890, bản khắc và đóng bìa, không có số trang.

[397]Đạo Quang Vạn Châu chí, q. 3, 1958, bản sao của Trung sơn đồ thư quán.

[398]Sử địa luận chứng, tr. 229.

[399]Triệu Nhữ Quát viết, Dương Bác Văn chú thích, Chư phiên chí giáo thích, Trung Hoa thư cục, 1996, tr. 216.

[400]Tô Cát Lãng bị nghi là Tô Mật và Cát Lãng do chép sót.

[401]Tăng Chiêu Tuyền, Trung Quốc cổ đại Nam hải chư đảo văn hiến sơ bộ phân tích, Trung Quốc lịch sử địa lí luận tùng, 1991, kì 1, 1tr. 33- 160.

[402]Chính Đức Quỳnh đài chí, Thiên Nhất Các Minh đại phương chí tùng thư, Thượng Hải cổ tịch đồ thư quán, bản photocopy, 1965, quyển 4, không có số trang. Hàn Chấn Hoa cho răng nó được trích dẫn từ Quỳnh Hải phương dư chí thời Nguyên.

[403]Nt, q. 6, Sơn xuyên hạ.

[404]Nt, q. 21.

[405]Hoàng Tá, Quảng Đông thông chí, q. 2 Đồ kinh hạ, bản Gia Tĩnh, Hương Cảng, Đại Đông đồ thư công ti, bản photocopy, 1977, 48-52.

[406]Quách Bùi, Quảng Đông thông chí, q. 57, bản scan của Đại học Waseda, không đánh số trang.

[407]Vạn Lịch Quỳnh Châu phủ chí, q. 3, Nhật Bổn tàng trung quốc hãn kiến địa phương chí tùng khan, Thư mục văn hiến xuất bản xã, 1990, tr. 50.

[408]Khuất Đại Quân, Quảng Đông tân ngữ, Vạn Hữu thư điếm ấn hành, quyển 4, Thủy ngữ, Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục, 1985, tr. 73.

[409]Lưu Vĩ Nghị, Hán Đường phương chí tập dật, Bắc Kinh đồ thư quán xuất bản xã 1997, tr. 144.

[410]Vạn Lịch Quỳnh Châu phủ chí, quyển 3, Nhật Bổn tàng Trung Quốc hãn kiến địa phương chí tùng khan, Thư mục văn hiến xuất bản xã, 1990, tr. 10

[411]Nguyễn Nguyên, Quảng Đông thông chí, Trung Hoa tùng thư quảng đông thông chí, Đài Bắc, Đài Loan thư điếm, 1959, 1434-1435, tr. 1646- 1647, 1666-1667.

[412]Đạo Quang Vạn Châu chí, q. 3, 1958, Trung San đồ thư quán, không đánh số trang.

[413]Nguyễn Nguyên, Quảng Đông thông chí, Trung Hoa tùng thư quảng đông thông chí, Đài Bắc, Đài Loan thư điếm, 1959, tr. 2426-2429.

[414]Ví dụ, Chung Thanh, Chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với đảo Hoàng Nham có đủ cơ sở pháp lí, Nhân dân Nhật báo, ngày 09/5/2012, http://paper.people.com.cn/rmrb/html/2012-05/09/nw.D110000renmrb_20120509_1-03.htm. Sáu bằng chứng thép: Đảo Hoàng Nham thuộc về Trung Quốc,” PLA Daily, ngày 10 tháng 5 năm 2012, http://news.xinhuanet.com/world/2012-05/10/c_111922007.htm.

[415]Sử địa luận chứng, tr. 315-353.

[416]Joseph Needham,Science and Civilisation in China, Vol.3 Mathematics and the Sciences of the Heavens and Earth, Cambridge University Press, 1959, p. 297. Thật ra, văn bản gốc chỉ nói đến Nam Hải ở Quảng Đông, chứ không nói cụ thể rằng đó là Quảng Châu, nhưng người ta thường tin rằng ông hiểu nó theo cách này. Không đi vào chi tiết ở đây.

[417]Lí Địch, Quách Thủ Kính, Thượng Hải nhân dân xuất bản xã, 1966, tr. 40.

[418]Bộ ngoại giao Trung Quốc, Trung Quốc đối Tây Sa quần đảo hoà Nam Sa quần đảo đích chủ quyền vô khả tranh biện, Bắc Kinh, Nhân Dân xuất bản xã, 1980.

[419]Lí Kim Minh, Nam Hải chư đảo thực địa nghiên cứu trát kí, Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu, 1995, kì 1, tr. 21.

[420]Lí Kim Minh, Nguyên đại ‘tứ hải trắc nghiệm’ trung đích nam hải, Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu, 1996, kì 4, tr. 35.

[421]Cương vực nghiên cứu, tr. 65

[422]Lí Kim Minh, Tòng lịch sử dữ quốc tế hải dương pháp khán Hoàng Nham đảo đích chủ quyền quy chúc, “Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu”, Số 4, 2001, tr. 71.

[423]Nữu Trọng Huân, Nguyên đại tứ hải trắc nghiệm trung nam hải quan trắc trạm địa lí vị trí khảo biện, Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu, 1998, kì 2, tr. 8.

[424]Bộ Ngoại giao, Trung Quốc nhân thị Tây sa quần đảo vô khả tranh nghị đích chủ nhân, Tân Hoa võng http://news.xinhuanet.com/world/2014-05/26/c_1110866911.htm.

[425]Cát Kiếm Hùng, Thống nhất dữ phân liệt — trung quốc lịch sử đích khải thị, bản cập nhật, Trung Hoa thư cục, 2008, tr. 238.

[426]Cát Kiếm Hùng, Phân cửu tất hợp,hợp cửu tất phân, nguyên tái ư ‘học thuyết Trung Quốc, Giang Tây giáo dục xuất bản xã, 5/1999. In lại trong cuốn Thống nhất dữ phân liệt — Trung Quốc lịch sử đích khải thị, bản cập nhật, Trung Hoa thư cục, 2008, tr. 238.

[427]Tăng Chiêu Tuyền, Nguyên đại Nam, 1990, kì 5, tr. 137.

[428]Tăng Chiêu Tuyền, Trung Quốc cổ đại Nam hải chư đảo văn hiến sơ bộ phân tích, Trung Quốc lịch sử địa lí luận tùng, 1991, kì 1, tr. 133.

[429]Trần Mĩ Đông, Trung Quốc khoa học phát triển sử · Thiên văn học quyển, Khoa học xuất bản xã, 2003, tr. 537.

[430]Trần Mĩ Đông, Quách Thủ Kính bình truyện, Nam kinh đại học xuất bản xã, 2003, tr. 202.

[431]Nguyên sử, q. 10, bản kỉ 10, tr. 210.

[432]Nguyên sử, q. 48, Thiên văn chí, tr. 1000

[433]Nguyên sử, q. 164, Quách Thủ Kính truyện, tr. 3848.

[434]Joseph Needham, Science and Civilisation in China, Vol.3 Mathematics and the Sciences of the Heavens and Earth, 1959, p297, xem thêm ghi chú 377 ở trên.

[435]Sử địa luận chứng, tr. 325.

Comments are closed.