Phạm Hiền Mây
1.
Đọc thơ khác với đọc truyện, cả truyện hình lẫn truyện chữ. Đọc truyện, là ta đọc một mạch, không dừng, hoặc ít dừng. Còn với thơ, thì hay dừng, hay khựng lại lắm, vì bất ngờ với một từ nào đó, hoặc không hiểu, khó hiểu; hoặc hay quá, hay đến mức ngẩn ngơ, phải đột ngột dừng lại.
Đọc thơ, không đọc nhanh được. Thơ cần phải đọc chậm, đọc nghiền ngẫm từng dòng. Đọc thơ, là đọc đi đọc lại. Những bài hay, những bài mình thích, là thuộc luôn, nằm lòng.
Thuở mười bốn, mười lăm tuổi, bọn con gái chúng tôi, mà có khi các bạn nam cũng thế thôi, khi ấy, đứa nào cũng ráng kiếm cho mình, hoặc sổ tay, hoặc quyển vở, để nắn nót ghi vào những bài thơ của những tác giả thơ mà mình thích.
Tất nhiên, trong sổ ghi chép thơ của tôi ấy có Nguyên Sa cùng hai bài thần thánh, Áo Lụa Hà Đông, Tuổi Mười Ba.
******
2.
Nói thần thánh là bởi vì lúc ấy, tôi và các bạn tôi, vẫn đương còn tuổi lớn, nghĩa là chưa lớn hẳn, chưa trưởng thành.
Thì cái tình yêu như hoa như mộng của tuổi học trò, nó chỉ mới nảy chồi chờ đợi, e e ấp ấp, kín kín hở hở, vừa lung linh vừa nấp trốn nên Áo Lụa Hà Đông và Tuổi Mười Ba, là vừa vặn với tạng chúng tôi. Nó đúng tâm trạng, nó mô tả được, nó diễn tả được, nó nói hộ được tâm hồn của bọn nữ sinh chúng tôi, nên thích lắm.
Lúc lớn hơn, vào đại học, Áo Lụa Hà Đông và Tuổi Mười Ba, xa dần, chỉ còn là những áng thơ đẹp. Tôi, khi ấy, lại thích thú hơn với bài Nga:
Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển!…
Tại sao Nga ơi, tại sao…
Đôi mắt em nghẹn như sát từng lần vỏ hến
Hơi thở trùng như sợi chỉ không căng
Bước chân không đều như chiếc thưóc kẻ ai làm cong
Ai dám để ở ngoài mưa, ngoài nắng!
Nói cho anh đi, Nga ơi…
(em làm ơn chóng chóng)
Lại bên anh đi – bằng một lối rõ thật gần
Bằng một lối gần hơn con đường cong
Bằng một lối gần hơn con đường thẳng
Bằng đôi má hồng non, bằng mắt nhìn trinh trắng
Bằng những lời yêu mến tan trên đôi môi…
Và cười đi em ơi,
Cười như sáng hôm qua,
Như sáng hôm kia…
Cười đi em,
Cười như những chiều đi học về
Em đố anh Paris có bao nhiêu đèn xanh đèn đỏ
Và anh đố em: Em có nhớ
Mỗi ngày bao nhiêu lần anh hôn em?…
Cười đi em,
Cười rõ thật nhiều đi em…
Rồi đố anh
Cho anh không kịp đếm
Cho anh tan trong niềm vui
Cho bao nhiêu ngọn đèn xanh, đèn đỏ thi nhau cười
Vì hai bàn tay chúng mình sát lại
(tay anh và tay em)
Nhớ hai giãy phố chạm vào nhau
Hai giãy phố chúng mình vẫn đi về
Em nhớ không?…
Em nhớ không, đã có một lần anh van em
Đã có một lần lâu hơn cả ngày xưa
Em sợ thời gian buồn nhu mọt nhấm từng câu thơ
Em sợ thời gian ác như lửa thiêu từng thanh củi
Mắt e ngại như từng con chỉ rối
Em sợ những ngày trời nắng như hôm nay
Em sợ những đường tàu vướng víu như chỉ tay
Không dám chọn lấy một ga hò hẹn
Em nhớ không, anh đã van em
(và anh còn van em như ngày xưa…)
Em đừng buồn như những chiếc lá tre khô
Em đừng buồn như những nóc nhà thờ không có tuổi
Anh van em đừng nhìn anh và đừng cười gượng gạo
Em đừng cười như ngọn bấc gần hao
Những nụ cười vướng trên đôi gò má xanh xao
Những nụ cười vướng trên mắt nhìn trắng đục
Đừng để anh nhìn em rồi nghẹn ngào chớp mắt
Như hai vì sao le lói trong đêm sương mù
Đừng để thời gian dầy như trăm vạn lớp chấn song thưa
Về xen giữa hai bàn tay sầu tủi!…
Em nhớ không, anh đã van em đừng buồn
Anh đã van em đừng để những nụ cười chắp nối
Mắt anh sẽ mờ vì những vết kim khâu
Và anh buồn, rồi lấy ai mà dỗ nhau
Lấy ai mà dỗ hai con chó ốm!…
Em nhớ không cả một hôm trời mưa
Một hôm trời mưa tấm tức
Một hôm trời mưa không ướt cánh chuồn chuồn
Những hạt mưa không đan thành mắt áo len
Những hạt mưa không làm phai màu nước mắt
Em đã khóc, anh đã khóc và chúng mình đã khóc
Bước chân lê trên những hè phố không quen
Chúng mình đã khóc vì không được gần nhau như hai con chim
Chúng mình đã khóc vì không có tiền làm lễ cưới, lễ xin
Và em nhớ không, chúng mình đã hỏi nhau:
Tại sao phải làm lễ tơ hồng
Tại sao phải nhờ người ta buộc chỉ vào chân
Khi tay em đã vòng ra đằng sau lưng anh
Khi tay anh đã vòng ra đằng sau lưng em
Người ta làm thế nào cắt được
Bốn bàn tay chim khuyên!…
Người ta làm thế nào cấm được chúng mình yêu nhau
Nếu anh không có tiền mua nhẫn đeo tay
Anh sẽ hôn đền em
Và anh bảo em soi gương
Nhìn vết môi anh trên má
Môi anh tròn lắm cơ
Tròn hơn cả chữ O
Tròn hơn cả chiếc nhẫn
Tròn hơn cả hai chiếc nhẫn đeo tay!…
Chúng mình lấy nhau
Cần gì phải ai hỏi…
Cả anh cũng không cần phải hỏi anh
“Có bằng lòng lấy em?…”
Vì anh đã trả lời anh
Cũng như em trả lời em
Và cũng nghẹn ngào nước mắt!…
Và em sẽ cười phải không em
Em sẽ không buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển!…
Em sẽ cười phải không em
Vì không ai cấm được chúng mình yêu nhau!…
Không ai cấm được anh làm những câu thơ anh thích
Không ai cấm được anh làm cả bài thơ
Với một chữ N
Với một chữ G
Và với một chữ A
Người ta có thể đọc một câu, hai câu, hay cả ba
Người ta có thể không thích
(thì người ta không thích một mình)
Nhưng người ta không cấm được anh yêu bài thơ của anh
******
3
Hết hơi. Là tôi nói, đọc bài thơ xong, hết hơi.
Nên tôi đâu nhớ cả bài, đâu thuộc cả bài. Tôi thuộc duy nhứt chỉ mỗi khổ đầu: Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm / Như con mèo ngái ngủ trên tay anh / Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình / Để anh giận sao chả là nước biển.
Tôi thích vì giọng thơ dzui dzui, ngồ ngộ. Dzui dzui, ngồ ngộ đó khiến tôi khoái. Khoái vì tánh hiện thực, có sao nói vậy của người làm thơ. Ví gì không ví, lại ví người yêu buồn, giống con chó bị ốm, giống mắt con cá bị ươn.
Nếu là tôi thì chắc là tôi sẽ giận. Ai đời, người ta đang buồn chết đi được đây, mà ở đó, còn nham nhở.
Nhưng chưa kịp giận thì đã nghe xon xót, bởi người ta, coi vậy mà yêu mình quá chừng, thương mình quá chừng. Thì đó, bây giờ thì ví sang cây thước kẻ, ai dám làm cong, ai dám để ngoài mưa ngoài nắng vậy chớ hả. Cái từ “dám” thiệt diệu kỳ. Nàng là tiểu thơ, nàng là trâm anh, đài các, tôi cưng nàng không hết, nâng niu nàng không hết, vậy mà ai, ai đã “dám”, ai lại “dám” với nàng như thế.
Sướng ghê. Hả dạ ghê.
Thiệt là hả dạ ghê. Bây giờ thì anh lại chuyển sang van nài, vừa van nài lại còn vừa nói ngọt nữa, nói là, đôi má hồng non, nói là, mắt nhìn trinh trắng, nói là, lời yêu mến tan trên đôi môi.
Lòng ai mà chẳng dịu lại. Dịu lại để nghe tiếp những lời yêu thương, chất ngất. Những van nài, nằn nì, những khẩn cầu, chẳng dứt. Những khẩn cầu rất đáng yêu, rất làm em muốn nghe. Nghe hoài, ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm kia, cũng hổng chán.
Chỉ muốn người yêu mình vui thôi. Chỉ muốn cho nàng cười, những vui cười bất tận. Anh sẵn sàng đổi hết bằng những lần đầu hàng, chịu thua, đổi hết những thiệt thòi, chỉ cần em cười thôi. Nhớ này không em, nhớ kia không em, sao mà thơ, sao mà hay, sao mà tình đến vậy, không biết nữa.
Tôi phục ông quá, ông Nguyên Sa, khả năng liên tưởng của ông. Chàng và nàng, sóng đôi bên nhau, ngày hai buổi đi về, và kìa hai dãy phố, chúng cũng dường như đương chụm đầu vào nhau, nhỏ to không ngớt chuyện.
Những van nài, đâu chỉ mới bữa hôm nay. Giờ nào chẳng thế, ngày nào chẳng thế, tuần nào chẳng thế, kìa, anh cuống quýt, khi dồn dập hỏi, em nhớ không, em còn nhớ không em.
Hỏi tới tấp. Hỏi và không đợi em trả lời. Là anh đang độc diễn, bởi vì em đang buồn mà, như con mèo ngái ngủ trên tay anh, cuộn tròn trong vòng tay anh và nằm nghe anh nói. Những câu nói của anh là những thước phim quay về quá khứ, nơi có những cảnh thần tiên, hệt truyện cổ tích ngày xưa. Cái gì của em, anh cũng biết. Cái gì trong đầu của em, anh cũng hay. Cái gì trong tim của em, anh cũng tỏ, anh cũng cảm, và, sẵn sàng chia sẻ cùng em.
Ai yêu thì sẽ biết, khi yêu nhau, sợ nhất là đợi chờ. Thời gian lúc ấy như mọt nhấm, như lửa thiêu. Sợ cả sân ga, sợ cả đường tàu. Và vì vậy, em mới buồn nè, buồn như lá tre khô mà anh vừa tả, buồn như nóc nhà thờ, trăm năm đứng sững trong muộn phiền, rong rêu, vắng lặng mà anh vừa nhắc đấy thôi.
Sau tràng giang đại hải, rằng này, rằng kia, cuối cùng, anh ngon ơ, tỉnh bơ:
Và anh buồn, rồi lấy ai mà dỗ nhau
Lấy ai mà dỗ hai con chó ốm
Có đang buồn muốn chết cũng phải bật cười. Đang hiu đang hắt cũng thấy ra bình minh nắng sớm.
Tình yêu thiệt diệu kỳ, phải thế không. Tình yêu là phép màu. Tình yêu đẩy lùi buồn đau. Tình yêu làm người ta, thậm chí, mạnh mẽ hơn, yêu cuộc đời này hơn.
Và, dường như, anh vẫn chưa yên tâm, vẫn chưa tin rằng, em sẽ mau chóng hết buồn như lòng anh mong muốn, nên anh lại nói tiếp, bằng những câu hỏi không ngừng, em nhớ không, em nhớ không.
Hàng loạt những kỷ niệm, được anh nhắc lại. Và khi nghe, lòng em tràn ấm áp. Vì nếu như anh không yêu, không yêu em nhiều đến thế, thì anh hẳn đã, trong đầu, giờ đây, chẳng có mẩu chuyện nào mà kể cho em nghe. Anh nhắc đến cả chuyện mong muốn được lấy nhau của chúng mình, với bao khốn khó bủa vây. Chúng mình đã từng phải khóc vì điều ấy. Nhưng rồi, nhìn vào mắt nhau, chúng mình hiểu ra, cần chi những lễ nghi rườm rà, tốn kém. Chúng mình sẽ chẳng bao giờ phải xa nhau vì những điều không đáng ấy. Chúng mình đã quyết định:
Khi tay em đã vòng ra đằng sau lưng anh
Khi tay anh đã vòng ra đằng sau lưng em
Người ta làm thế nào cắt được
Bốn bàn tay chim khuyên
Rồi anh hỏi, nụ hôn của anh sẽ thay cho nhẫn cưới, được không em.
Em không trả lời được, em đang buồn mà, nhưng em khóc. Anh cũng khóc. Khóc vì hạnh phúc. Khóc vì hiểu được lòng nhau. Khóc vì biết rõ, sẽ chẳng có thể ai, có thể điều gì, chia rẽ tình yêu hai đứa.
Em sẽ cười phải không em. Hai khổ thơ, lập đi lập lại câu hỏi ấy, hai lần. Nghe mà nhức, mà buốt con tim. Ông Trịnh Công Sơn, ổng cũng phải nói kìa, tình yêu như trái phá con tim mù lòa. Yêu khổ thiệt chớ. Mà không yêu, thì đời, lỗ biết bao nhiêu.
Nếu có cái gì đẹp nhất trên đời này, thì đó là tình yêu, thì đó là hạnh phúc.
Nên tôi ghi lại đây, bạn ơi. Nó như liều thuốc. Nó an ủi mình, rằng thì là, cứ yêu bằng hết chân tình. Phần còn lại, để thượng đế sắp xếp. Các bạn có đồng ý với tôi không:
Không ai cấm được anh làm cả bài thơ
Với một chữ N
Với một chữ G
Và với một chữ A
Người ta có thể đọc một câu, hai câu, hay cả ba
Người ta có thể không thích
(thì người ta không thích một mình)
Nhưng người ta không cấm được anh yêu bài thơ của anh.
******
4.
Đúng kiểu tình yêu thuở còn đi học. Hỏi sao ngày xưa, tụi tôi, không ái mộ thi sĩ Nguyên Sa.
Điều làm tôi thích thơ của Nguyên Sa là vì thơ ông vẫn lãng mạn và đầy chất thơ dù ông chẳng bao giờ khen người yêu của mình đẹp, theo những khuôn đúc, khuôn mẫu, quy định, sẵn có trước giờ, kiểu như mắt bồ câu, mũi dọc dừa, miệng trái tim.
Vẻ đẹp người yêu của Nguyên Sa, qua thơ ông, là một vẻ đẹp tổng thể, đó là sự hồn nhiên, chân thật, không làm dáng, không làm điệu, không làm màu. Chỉ rất nữ tính, và, thông minh, hiểu chuyện.
Đó cũng là tiêu chuẩn về vẻ đẹp, mà ngày xưa, bọn con gái chúng tôi, hướng đến.
Cái nữa, là thơ ông luôn viết về những chuyện riêng, rất riêng, gọi rõ họ tên, thế mà tôi, khi đọc, vẫn cứ ngỡ như ông đang viết thay mình, nói hộ mình. Ông đã làm cho cả một thế hệ trước tôi, rồi đến chúng tôi, những lứa được sinh ra trước 1975, nối tiếp nhau say mê thơ ông, thần tượng thơ ông, như điếu đổ.
******
5.
Nguyên Sa không chỉ làm thơ. Ngoài thơ, ông còn dạy học, làm chủ bút tập san và xuất bản các tác phẩm thuộc thể loại bút ký, hồi ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, triết học, tâm lý học, luận lý học.
Trong hồi ký của mình, ông viết, tôi mơ hồ cảm thấy tôi không muốn trở thành một nhà thơ dấn thân. Tôi cũng mơ hồ cảm thấy tôi không phải một đệ tử trung thành của nghệ thuật vị nghệ thuật. Tôi là người làm thơ, thơ tình, mà vẫn xúc động trước những khổ đau của quê hương, dân tộc tôi.
Nghe đồn đại, thuở sinh thời, Nguyên Sa thân với Mai Thảo nhứt, dẫu hai người là hai thái cực, một ông thì sống với rượu, bạn bè, quán xá, người tình, ông còn lại thì mẫu mực, nghiêm chỉnh, dạy học, làm thơ.
Đời, cũng vẫn luôn có những chuyện tréo ngoe như vậy. Nhưng, vui mà, phải không.
Nguyên Sa, trong suốt hai mươi năm trước 1975, là một trong những nhà thơ hàng đầu. Ông có nhiều bài hay lắm, ngoài hai bài tôi kể ở trên, Áo Lụa Hà Đông, Tuổi Mười Ba, thì còn, Nga, Paris Có Gì Lạ Không Em, Vết Sâu, Màu Kỷ Niệm, Paris, Tiễn Biệt, Tháng Sáu Trời Mưa, Hư Ảo Trăng, Cần Thiết.
Những bài mà tôi vừa nhắc tới, đã được các nhạc sĩ danh tiếng như Phạm Duy, Anh Bằng, Phạm Đình Chương, Ngô Thụy Miên, Song Ngọc, Hoàng Thanh Tâm, Phạm Anh Dũng phổ thành nhạc. Và các ca khúc này, đến nay, sau hơn năm mươi năm ra đời, vẫn còn đang được ưa chuộng, trong và cả ngoài nước.
******
6.
Trong các bài vừa kể trên, có bài Paris, được Nguyên Sa viết vào năm một ngàn chín trăm năm mươi tư, ngay trước thời điểm ông rời khỏi nước Pháp.
PARIS
Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau…
Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn
Paris sẽ nhìn theo
Nhưng nhìn thì nhìn đời trăm nghìn góc phố
Con đường dài thẳng mãi có bao nhiêu
Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu
Giòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa
Dù hôm nay giữa một ngày tháng bảy
Chiếc tháp ngà đang ướt rũ mưa ngâu
Sông Seine về chân đang bước xô nhau
Sẽ vịn ai cho đều giòng nước chảy
Dù mai kia
trong một đêm quá khuya hay một ngày sớm dậy
trên một con đò, bên một góc phố, dưới một luỹ tre
tôi sẽ ngồi kể chuyện nắng chuyện mưa
và có lẽ tôi sẽ kể chuyện Paris
để khói thuốc xám trên môi dăm người bạn
và trên môi tôi
điếu thuốc sẽ run trên những đường cong lận đận
điếu thuốc sẽ run như chân người vũ nữ vừa quen
đôi chân người mà tôi không dám nhớ cũng không dám quên
còn quay đảo giữa điệu nhạc mềm như khói thuốc…
Tôi sẽ hỏi trong những chiều giá buốt
những chiều mưa mây xám nặng trên vai
người con gái mắt xanh màu da trời
trên áng mi dài có quanh co tuyết phủ?
Rồi cả người
cả Paris nhìn tôi qua một nụ cười nhắn nhủ
nụ cười mềm như ánh nắng của cuộc chia ly
của một buổi sáng mai khi những người phu đổ rác bắt đầu đi
những thùng rác bắt đầu cọ vào nhau
với những tiếng kêu của một loài sắt lạnh
như những tiếng kêu của những chiếc đinh khô, những mình búa rắn
của những đôi mắt nhìn theo
và tôi cũng nhìn theo
không biết người ta vừa khâm liêm mình hay khâm liệm một người yêu
Dù người yêu không phải là người con gái có mớ tóc vàng
Nhưng cũng sợ phải viết những lá thư xanh về xứ Đũa son
nên tôi không dám hỏi:
tại sao mắt em buồn
tại sao má em đỏ
tại sao môi em ngoan
vì những ngón tay tô đỏ màu đũa son
đang muốn gắp cả đời người hạnh phúc
Và cả tôi cũng vẫn nghẹn ngào trong mỗi lần nói thật
mỗi lần nghe Paris hỏi tôi:
tại sao anh về
tại sao anh không ở?…
Nhưng dòng máu không thể chảy ngoài huyết quản
dù tôi yêu Paris hơn một người bạn yêu một người bạn
hơn một người yêu yêu một người yêu
Dù đêm nay tôi vẫn làm thơ
dặn những người con gái nhỏ đi về
trên hè phố Saint Michel
gò má đỏ phồng bánh graffen
để những hạt đường rơi trên má
lau vội làm gì cho có duyên
Dù đêm nay những người yêu nhỏ vẫn đi về
vẫn đôi mắt nhìn lơi lả hở khuy
cặp môi nghiêng trong một cánh tay ghì
mỗi chuyến métro qua vồi vội
giòng Seine cười ngoảnh mặt quay đi
Dù đêm nay tháp Eiffel
Vẫn kiễng mình trong sương khuya
nhìn bốn phía chân trời
Và đôi mắt tôi
Vẫn tìm đến trong một giờ hò hẹn
Và từ mai trên những lá thư xanh
tôi không được bắt dầu
bằng một chữ P hoa
như tên một người con gái…
******
7.
Năm một ngàn chín trăm tám mươi tám, nhạc sĩ Anh Bằng phổ bài Paris này, và thay bằng một cái tên hoàn toàn khác hẳn, Mai Tôi Đi.
Tiếng là Mai Tôi Đi phổ từ bài Paris của Nguyên Sa, nhưng thật ra, Anh Bằng chỉ lấy trong bài Paris một vài câu, lời còn lại của toàn ca khúc, Anh Bằng dựa vào ý thơ mà viết ra.
Năm hai ngàn không trăm lẻ tư, Mai Tôi Đi được ra mắt khán thính giả hải ngoại, và nhanh chóng trở thành bản hit nhiều năm liền của cả trong và ngoài nước.
MAI TÔI ĐI
Mai tôi đi chắc trời giăng mưa lũ
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chẳng thể nào
Mình cũng sẽ xa nhau, mình cũng sẽ xa nhau
Mai tôi đi chắc rằng Paris khóc
Nhưng lệ rơi sẽ khô theo tháng ngày
Cho dù cách nào thì cũng sẽ xa nhau
Mình cũng sẽ xa nhau
Mai tôi đi xin đừng nhìn theo
Xin đừng đợi chờ
Đời trăm muôn góc phố
Con đường dài thật dài
Thẳng mãi có bao nhiêu
Thẳng mãi có bao nhiêu
Mai tôi đi xin đừng gọi tên
Thêm nhiều muộn phiền
Dù môi kêu đắm đuối
Hay mặn nồng một trời
Cũng đành lòng xa xôi
Cũng đành lòng xa tôi
Mai tôi đi chắc rằng sông Seine nhớ
Nhưng dù sao nhớ nhung rồi sẽ mờ
Muôn vạn u sầu rồi cũng sẽ xa nhau
Mình cũng sẽ xa nhau
******
8.
Khán thính giả cho rằng, đôi song ca Diễm Liên và Nguyên Khang đã làm nên tên tuổi cho ca khúc Mai Tôi Đi.
Có thể như thế.
Cũng có thể, sẽ không thể nào có ai làm nên nổi tên tuổi cho ca khúc, nếu như Anh Bằng không thổi vào một hồn vía cho Mai Tôi Đi từ Paris của Nguyên Sa.
Và lại cũng có thể, sẽ không thể nào làm nên tên tuổi một ca khúc, cũng như, sẽ không thể nào thổi vào ca khúc một hồn vía, nếu như thuở ban đầu, Nguyên Sa không từ trái tim, viết lên bài Paris, bằng chính tình yêu, bằng chính niềm đau, bằng chính nỗi nhớ và bằng chính nỗi buồn của mình khi phải chia xa.
Yêu Paris tháp ngà, với những góc phố quanh co, lúc trời đang vào Thu; với chiều sương mù và mưa ngâu tháng bảy, với khói thuốc xám trên môi, cùng lá vàng lộng lẫy rơi đầy lối. Yêu dòng sông Seine nước biếc, yêu quán khuya. Yêu người cùng cuộc tình lận đận. Nhớ một nụ cười mềm. Nhớ ánh nắng buổi sáng mai. Nhớ tiếng kêu của một loài sắt lạnh như tiếng đinh khô gõ vào quan tài, khâm liệm mình hay khâm liệm một người yêu.
Nhớ, mà không dám hỏi, tại sao mắt em buồn, tại sao má em đỏ, tại sao môi em ngoan, cũng như không dám trả lời câu, tại sao anh về, tại sao anh không ở?
Chỉ có thể thốt lên: con đường dài thật dài, thẳng mãi, có bao nhiêu?!
Nguyên Sa, Trần Bích Lan, một người thơ, một tài thơ, rất mực.
Sài Gòn 29.09.202