Tạp ghi Trần Doãn Nho
Bắt chước các nhà biên soạn từ điển Anh, Mỹ tìm “chữ của năm”, thử áp dụng cho Việt Nam, tôi google, thì thấy tính đến 10 giờ 24 phút sáng 29/1/2019, những chữ sau có lượng người truy cập cao (không biết đã cao nhất?):
1. Dân chủ: 242 triệu lượt
2. Nhân quyền Việt Nam: 219 triệu lượt
3. Đồng Tâm Mỹ Đức: 112 triệu
4. Nguyễn Phú Trọng: 103 triệu
5. Trường Sa: 101 triệu
6. Luật Đặc khu: 67 triệu
7. Hoàng Sa: 65 triệu
8. Chiến tranh biên giới: 52,7 triệu
9. Luật An ninh mạng: 50 triệu
10. Lộc Hưng: 33 triệu
Sơ sơ, cho thấy cư dân mạng Việt quan tâm những gì!
Hoàng Hưng
“Chữ của Năm”, Word(s) of the Year, viết tắt là WOTY, là một/nhóm từ ngữ nổi bật và tiêu biểu nhất được sử dụng trong lãnh vực truyền thông trong suốt một năm do các công ty biên soạn tự điển như Merriam-Webster, Dictionary.com (Hoa Kỳ) và Oxford (Anh) chọn lựa. “Chữ của Năm” không phải là chữ mới, cũng không mang theo nghĩa mới, nhưng là chữ được dùng nhiều nhất và gắn liền với những sự kiện hay biến cố đáng quan tâm nhất, có thể để lại những di chứng lâu dài về sau. Hàng năm, những nhà biên soạn tự điển theo dấu những từ ngữ được sử dụng rộng rãi trong tất cả các ngành truyền thông, đề cử một danh sách các “ứng viên” vào chung kết và cuối cùng chọn một ứng viên sáng giá nhất để “phong tặng” chức danh “Chữ của Năm”.
Peter Sokolowski, biên tập viên của công ty biên soạn tự điển Merriam-Webster’s Collegiate® Dictionary, giải thích, “Để trở thành một Chữ của Năm, một mục từ phải cho thấy vừa có một lượng truy cập lớn vừa có một sự gia tăng đáng kể sự tra cứu năm này qua năm khác.” Để tìm ra một chữ như thế, phải dựa vào dữ kiện thu thập được, chứ không phải dựa vào suy đoán. Đó không phải là một chữ chỉ lan truyền vòng vòng đâu đó hay một chữ đột nhiên đạt đến cao điểm một lúc nào đó rồi biến mất mà phải là “một chữ được người ta suy nghĩ về trong suốt một năm,” theo Sokolowski. Tất nhiên, “Chữ của Năm” là một chữ xuất phát từ công chúng, không phải là sự áp đặt từ nhà cầm quyền hay từ một nhóm quyền lực nào.
· “Chữ của Năm” 2018 của Merriam-Webster là “justice”.
Tại sao justice?
Trong tiếng Anh, justice có nhiều nghĩa khác nhau liên quan đến nhiều những việc khác nhau từ lãnh vực kỹ thuật và pháp lý cho đến triết học: racial justice (bình đẳng chủng tộc), obstruction of justice (cản trở công lý), social justice (công bằng xã hội), Justice Department (Bộ Tư Pháp) và có khi đồng nghĩa với “judge” (thẩm phán).
Sokolowski cho biết, justice vươn lên chiếm vị trí hàng đầu trong danh sách khoảng 20 đến 30 chữ được tra cứu nhiều nhất trong năm 2018, đã có lúc đạt đến cao điểm do một số biến cố đặc biệt nào đó và tiếp tục xuất hiện đều đặn trong suốt năm. So với năm 2017, lượng truy cập chữ này tăng 74 phần trăm trên trang mạng của Merriam-Webster vốn có gần nửa triệu mục từ với hàng triệu lượt người vào xem hàng tháng. Sự chọn lựa chữ này để tra cứu xuất hiện ngay sau khi Michael Cohen, nguyên là luật sư của tổng thống Trump, bị kết án ba năm tù vì nhiều tội khác nhau, trong đó có tội trả riền hối lộ cho cô nhân tình đóng phim con heo Stormy Daniels của tổng thống Trump. Mặt khác, trong các “tuýt” (tweet) của mình, tổng thống Trump thường nói gọn “Justice” để chỉ Bộ Tư Pháp (Department of Justice). Trong cái tuýt ngày 1 tháng 8, ông bày tỏ ý muốn bộ trưởng bộ Tư Pháp Jeff Sessions chấm dứt cuộc điều tra của Robert Mueller liên quan đến cuộc vận động tranh cử của ông vào năm 2016; đề nghị này lập tức bị quy vào tội “cản trở công lý” (obstruction of justice) khiến cho số lượng tra cứu chữ justice tăng vọt lên 900 phần trăm trong cùng một ngày. Chữ này cũng xuất hiện khi Thượng Viện bầu cho dự luật “First Step Act” (cải cách tòa án hình sự), được sự hỗ trợ của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa hay khi liên hệ đến tội buôn bán, sở hữu và sử dụng thuốc phiện. Tất cả những sự kiện như thế đều có liên hệ mật thiết đến các hoạt động văn hóa và xã hội ở Hoa Kỳ và là động lực khiến cho justice xâm nhập vào trong các hoạt động truyền thông, nằm ở hàng đầu chữ tra cứu suốt năm 2018 và còn tiếp tục kéo dài qua năm 2019.
Theo Sokolowski, tiếng Anh Cổ (Old English) vốn không có chữ justice. Khi người Norman xâm lăng Anh quốc vào thế kỷ thứ 12, họ mang theo hệ thống nhà nước và luật pháp áp đặt lên dân tộc mà họ chinh phục, trong đó có tiếng Pháp Cổ (Old French), lúc đó chủ yếu dựa vào tiếng La-tinh. Do đó, tất cả những ngôn ngữ pháp lý hiện nay trong Anh ngữ, kể cả chữ justice, đều có gốc La-tinh. Cũng theo ông, tiếng Anh Cổ như law (luật pháp), fair (công bằng), right (ngay thẳng), cũng mang cùng một nghĩa như justice, nhưng dễ gây xúc động hơn trong khi quy cho hệ thống luật pháp, nên ít được lưu ý.
Một số chữ khác cũng nằm trong danh sách “ứng viên” được tra cứu nhiều trong năm 2018 là: maverick (cởi mở/tư duy độc lập/phi đảng phái), respect (kính trọng), excelsior (cao cấp), pissant (vô nghĩa, đáng khinh), pansexual[1](toàn tính luyến ái), feckless (tắc trách), epiphany (tên một bài hát do ban nhạc trẻ Nam Hàn Bangtan Sonyeondan trình diễn), lodestar (nguyên tắc chỉ đạo/sao bắc cực), nationalist (người theo chủ nghĩa dân tộc)… Cũng như justice, mỗi chữ thường liên hệ đến một hay nhiều biến cố/sự kiện gây dư luận rộng rãi nào đó. Chẳng hạn như maverick được dùng để chỉ tinh thần phi đảng phái, cởi mở của Thượng nghị sĩ McCain trong một số lần bầu phiếu ở Thượng Viện[2]; hay chữ nationalist liên hệ đến sự kiện tổng thống Trump lần đầu tiên tự tuyên bố mình là một người theo chủ nghĩa dân tộc trong một buổi diễn thuyết ngày 22/10/2018 ở Texas.
Cũng cần nhắc lại, “Chữ của Năm” 2017 của Merriam-Webster là feminism (chủ nghĩa nữ quyền) vì liên hệ đến nhiều sự kiện quấy nhiễu và lạm dụng tình dục, đưa đến sự thành lập phong trào #MeToo movement”.
· Trong lúc đó, “Chữ của Năm” 2018 của tự điển Oxford là toxic (độc hại).
Theo các nhà biên soạn tự điển này, “Chữ của Năm” là một chữ hay một ý tưởng phản ảnh các đặc tính hay mối ưu tư trong năm và có tiềm năng kéo dài như một thuật ngữ có ý nghĩa về mặt văn hóa.” Năm 2018, các số liệu cho thấy chữ này gia tăng 45 phần trăm số lần tra cứu trên tự điển oxforddictionaries.com, so với năm trước (2017).
Toxic xuất hiện nhiều khi đi kèm với những chữ khác.
Tiêu biểu nhất là toxic chemical (hóa chất độc hại). Nhóm chữ này liên hệ đến một biến cố quan trọng trong năm ở Anh quốc khi viên cựu sĩ quan tình báo Nga làm gián điệp nhị trùng, Sergei Skripal, và con gái bị gián điệp Nga đầu độc bằng một hóa chất làm tê liệt thần kinh vào tháng 3/2018.
Toxic algae disaster (tai họa tảo biển độc hại): tai họa gây ra bởi loại tảo biển độc hại ở Florida đã trở thành đề tài tranh cãi giữa các ứng cử viên trong cuộc vận động tranh cử Thượng Viện giữa kỳ (Mid-Terms) tại tiểu bang này.
Toxic masculinity (nam tính độc hại): cách hành xử thô bạo của những ông chủ đàn ông đối với phụ nữ dưới quyền trong các cơ quan, xí nghiệp nhằm chứng tỏ ưu thế của đàn ông đối với đàn bà trong xã hội phương Tây. Toxic masculinity đưa đến toxic culture, văn hóa độc hại. Nhóm chữ này dính liu đến một sự kiện diễn ra vào đầu tháng 11/2018 khi nhân viên của công ty Google trên toàn thế giới lãn công (Google walkout) để phản đối cái mà họ gọi là “văn hóa chỗ làm” (workplace culture) bị đầu độc vì sự quấy nhiễu tình dục và phân biệt đối xử của các cấp chỉ huy của công ty. Nhân viên hãng khắp nơi trên thế giớ, từ Tokyo đến San Francisco, đồng loạt bước ra khỏi chỗ làm lúc 11 giờ sáng giờ địa phương. Nhóm từ này đồng thời cũng để ám chỉ sự kiện “đại gia” Philip Green, chủ tịch của công ty Arcadia Group của Anh quốc, bị tố cáo quấy nhiễu tình dục và phân biệt chủng tộc đối với nhân viên, đưa đến chỗ bị tước mất chức hiệp sĩ (knighthood), vốn được quốc hội Anh phong tặng vào năm 2016. Toxic culture đưa đến #MeToo movement: phong trào khuyến khích phụ nữ tố cáo sự quấy nhiễu và lạm dụng tính dục trong các cơ quan công quyền cũng như trong các giới kinh doanh, nghệ sĩ, thể thao được hình thành vào tháng 10/2017 tiếp theo sau những cáo buộc tấn công tình dục chống lại một “đại gia” khác trong ngành điện ảnh Hollywood, Harvey Weinstein.
Ngoài ra, còn có toxic substance (chất độc), toxic gas (hơi độc), toxic environment (môi trường độc hại, toxic relationship (quan hệ độc hại), toxic waste (chất thải độc hại), toxic air (không khí độc hại).
“Chữ của Năm” 2017 của Oxford là một từ mới, youthquake: một sự thay đổi văn hóa, chính trị và xã hội có ý nghĩa nhô lên từ những hành động hay ảnh hưởng của giới trẻ (a significant cultural, political, or social change arising from the actions or influence of young people.).
· Trang mạng Dictionary.com lại chọn một chữ khác cho WOTY 2018: misinformation.
Misinformation, theo những nhà ngữ học, đã có mặt trong Anh ngữ từ cuối thế kỷ thứ 16, nhưng mãi đến thập niên vừa qua, khi các trang mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, thì nó mới xuất hiện trở lại, một trở lại đầy ý nghĩa, vì nó cho thấy cách mà tin giả được loan truyền và ảnh hưởng ghê gớm của nó trên mọi mặt sinh hoạt xã hội. Sự nổ bùng của lượng tin giả trong thời gian gần đây và số lượng từ vựng người ta dùng để hiểu nó càng ngày càng nhiều.
Dictionary.com lưu ý: misinformation khác với disinformation.
Misinformation: false information that is spread, regardless of whether there is intent to mislead (tin giả được loan truyền, dù có ý định lừa gạt hay không), tạm dịch là “thông tin sai lạc”.
Disinformation: deliberately misleading or biased information; manipulated narrative or facts; propaganda (tin tức có chủ tâm lừa gạt hay xuyên tạc; thay đổi cách diễn đạt hay sự kiện; tuyên truyền), tạm dịch là “thông tin giả mạo”.
Disinformation không khác với fake news.[3] Đó là những câu chuyện bịa đặt, thường có nội dung nhạy cảm, được tung ra và loan truyền rộng rãi nhằm mục đích nâng cao hay hạ uy tín của một/nhiều nhân vật tiếng tăm hay một/nhiều phong trào chính trị hay công ty kinh doanh nào đó.
Dù “sai lạc” hay “giả mạo”, cả hai loại tin đều là… giả, là những tin tức không đúng với những gì diễn ra trong thực tế. Misinformation xảy ra khi người ta loan truyền hay chia xẻ một tin giả trong lúc vẫn tưởng đó là tin thật. Ngược lại, disinformation là tin được chế ra, và loan truyền với mục đích đánh lừa kẻ khác. Mối nguy hiểm nằm ở chỗ: disinformation có thể dẫn đến/trở thành misinformation. Một chính trị gia hay một cơ quan loan truyền tin tức mà họ biết là giả dưới hình thức xã luận hay hình ảnh, thì đó là disinformation. Nhưng khi một ai đó nhận nó, tin tưởng nó là thật và lại loan truyền đi thì đó là misinformation. Vậy cái khác nhau giữa hai chữ không nằm ở chính sự kiện được thông tin mà nằm ở chỗ người hay cơ quan loan truyền và ý định của họ. Có lẽ vì thế, misinformation được gọi là một “lỗi lầm lương thiện” (honest mistake). Và tất nhiên, disinformation phải được hiểu là một “lỗi lầm bất lương” (dishonest mistake); nó ép một số khán/thính giả trong tầm ngắm tin ở một sự kiện được bịa ra hay được xào nấu lại nhằm gây hoang mang hay chuyển hướng dư luận để giành thắng lợi trong chính trường, trong thương trường hay trong một cuộc cạnh tranh nào đó.
Trong kỷ nguyên của mạng xã hội, mọi loại thông tin thượng vàng hạ cám cứ tiếp tục tràn vào đời sống không cách gì ngăn chặn nổi với tốc độ nhanh đến chóng mặt; mặt khác, chúng không chỉ đến từ một người hay vài người mà từ rất nhiều người và từ rất nhiều nguồn khác nhau. Ưu điểm nhanh, nhạy, nhiều và dễ của các mạng xã hội và sự chuyển tải thông tin một cách tự do gắn liền với sở thích, với khuynh hướng chính trị cá nhân không – hoặc ít – bị chi phối bởi các nguồn kiểm chứng đáng tin cậy, khiến cho tin giả và tin thật đan xen lẫn nhau một cách vô tội vạ. Đã thế, sự thiếu vắng đáng kể của bộ phận điều tiết thông tin bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh cũng đã góp phần tăng thêm lượng tin giả do yếu tố “tam sao thất bổn”. Tất cả làm biến dạng những gì đang thực sự diễn ra trên thế giới. Dictionary.com quy cho các trang mạng xã hội như Twitter, YouTube và Apple, nơi hàng triệu người chia xẻ thông tin, chịu trách nhiệm phần lớn trong việc loan truyền tin giả, trong đó, tin giả chính trị là một trong những lãnh vực nhạy cảm nhất. Chẳng hạn những quảng cáo chính trị giả mạo gần như tràn ngập trang Facebook trong mấy năm qua. Suốt năm 2018, cuộc chiến tin-giả-tin-thật giữa tổng thống Trump cùng những người ủng hộ ông và truyền thông chính mạch (mainstream media) hâm nóng không khí chính trị hầu như hàng ngày trên tất cả báo chí và mạng xã hội. Kiểm chứng sự kiện, tờ Washingtonpost cho biết, tính từ ngày nhậm chức cho đến đầu tháng 11/2018, tổng thống Trump đã tung ra “6250 tin giả, trung bình 10 tin giả một ngày,” theo Dictionary.com. Ngược lại, ông không ngớt lên tiếng tố cáo các cơ quan truyền thông CNN, New York Times, NBC, ABC, CBS, Washingtonpost…là chuyên môn loan truyền tin giả, nhất là những tin liên quan đến ông và các chính sách mà ông đưa ra. Ngoài ra, những nhân vật nổi tiếng đủ loại cũng đóng một vai trò lớn trong việc loan truyền tin giả và được những người hâm mộ tiếp tay phổ biến nhanh chóng.
Trong thương trường, nhiều năm qua, người ta chứng kiến sự gia tăng đáng kể các thông tin giả, nhất là trong lãnh vực liên hệ đến vấn đề sức khỏe. Chẳng hạn thông tin giả được loan truyền trên Twitter về sự nguy hại của các loại thuốc chủng ngừa với mục đích làm mất niềm tin của công chúng vào thuốc chủng ngừa. Ngoài ra, các thông tin vô tội vạ về bệnh tật, cách phòng bệnh và chữa bệnh cùng với sư quảng cáo đủ loại dược phẩm lan tràn trên các trang mạng xã hội để lại một hình ảnh rất tiêu cực về thực chất của hai chữ thông tin. Thông tin dường như đã trở thành phản-thông-tin vì đàng sau những sự-kiện-tưởng-là-tin-tức hóa ra chứa đựng những dụng ý bất hảo.
Nói chung, truyền thông mọi loại nhồi nhét vào đầu người dân đủ thứ tin tức ngược chiều nhau, khiến cho biên giới giữa misinformation và disinformation dường như bị xóa mờ, nếu không muốn nói là tan biến hẳn vào nhau. Mọi tin tức xác thực đều bị chỉnh sửa, xáo trộn, đôi khi bị chôn vùi dưới lớp vỏ tu từ được vận dụng một cách ồn ào để bài xích lẫn nhau, nhất là trong lãnh vực chính trị.
Thông tin đâm ra trở thành “loạn tin”!
Chả thế mà Dictionary.com cho rằng nhân loại quả là đang chuyển từ thời kỳ thông tin thật (age of information) sang thời kỳ thông tin giả (age of misinformation). Thông tin giả, và đi cùng với nó là các âm mưu lừa bịp, dường như càng ngày càng đan kết trong các hành ngôn chính trị và xã hội, biến chúng trở thành một thói quen, một phong trào, một cách ứng xử. Giả mà thật, thật mà giả, giả trộn thật thật trộn giả tràn lan trong mọi ngõ ngách của truyền thông, gây ảnh hưởng đến nhiều mặt của cuộc sống.
Thành thử, đưa misinformation làm “Chữ của Năm” 2018 không chỉ là một chọn lựa thuần túy chữ nghĩa mà còn là một chọn lựa để hành động, theo Dictionary.com. Tổ hợp biên soạn tự điển trực tuyến này muốn tham gia một cuộc chiến chống lại tin giả (the fight against misinformation). Họ hứa hẹn:
– xem xét một cách cẩn thận các nguồn tin,
– kiểm chứng (fact-check) sự chính xác của các câu chuyện,
– cam kết đọc toàn bài, không chỉ đọc tựa đề trước khi loan truyền đi,
– chi cho người khác các nguồn để kiểm tra khi thấy một tin giả đang loan truyền.
Trong lúc đó, các trang mạng xã hội YouTube, Apple, Twitter, Facbook đều đã đề ra những biện pháp ngăn chặn tin giả, trong đó, bước đầu tiên là loại bỏ hàng triệu trương mục ảo vốn là nơi xuất phát vô số tin giả. Báo chí và truyền hình Mỹ cũng thường xuyên kiểm tra sự kiện, cố gắng chận đứng tin giả và sự loan truyền tin giả bất cứ chúng xuất phát từ đâu.
Trong những xứ toàn trị như các nước Cộng Sản, do nhà nước kiểm soát toàn bộ ngành truyền thông, thì “thời kỳ thông tin giả” không chỉ mới xuất hiện mà đã có mặt từ lâu. Nhà nước Cộng Sản làm disinformation, biến thành misinformation và sử dụng chúng như một hình thức trị nước. Mọi tin tức và mọi sự kiện lịch sử, hoặc bị xóa bỏ hoặc được vo tròn bóp méo cho khớp với các nghị quyết và nhu cầu chính trị, nên tin giả không những đã trở thành…chuyện thường ngày ở huyện mà hơn thế nữa, trở thành chính sách. Ở một khía cạnh nào đó, cuộc tranh đấu đã và đang diễn ra ở trong nước chống lại luật an ninh mạng có thể hiểu là một hình thức của cuộc chiến chống tin giả mà trang mạng Dictionary.com đang phát động.
TDN
(1/2019)
___________________________________________
Tài liệu tham khảo:
– Wikipedia
Các trang mạng Merriam-Webster, Dictionary.com và Oxford:
– https://en.oxforddictionaries.com/word-of-the-year/word-of-the-year-2018
– https://www.merriam-webster.com/words-at-play/word-of-the-year-2018-justice/justice
– https://www.dictionary.com/e/word-of-the-year/
[1] According to Rolling Stone, Janelle Monáe took a breath before she revealed, after much public/obsessive speculation, to the magazine that she identifies as pansexual.”Being a queer black woman in America,” she said, “someone who has been in relationships with both men and women. Merriam-Webster: “The sense of pansexuality that is most often encountered today is defined as ‘of, relating to, or characterized by sexual desire or attraction that is not limited to people of a particular gender identity or sexual orientation.'”
[2] McCain was called a maverick by the media during instances when he would break from his own party, most notably during his 2000 and 2008 presidential runs.
[3] Tự điển Anh-Hán (Google Translate, MDBG) dịch misinformation = 誤傳 ngộ truyền (chuyển tin tức sai); disinformation = 造謠= tạo dao (bịa đặt); fake news = 假新聞 giả tân văn (tin tức sai)