Đào Tuấn Ảnh
Tôi nhận được tập bản thảo thơ Đỗ Quang nghĩa đúng vào chuỗi ngày tâm trạng “văn xuôi” của tôi lấn át mọi thứ, kể cả/nhất là thi ca. Mà đây lại là thơ của một người lần đầu xuất hiện trên văn đàn nghiệt ngã, kén người ở cái chốn được trời ban cho thứ ngôn ngữ hễ nói là thành thơ, nên người người luôn tưởng mình là nhà thơ. Nhưng vốn tò mò, tôi muốn biết đây là kẻ tự tin vô thức hay kẻ liều mạng có ý thức, nên dặn mình, sẽ đọc mươi bài, không hay, gấp lại.
Thế rồi, không hiểu sao, tôi đã vượt qua số 10, đọc đến số 186 – tức bài thơ thứ 186 – kết thúc tập thơ. Một sự lạ không cố ý làm màu – những bài thơ Đỗ Quang Nghĩa hầu như không có tên, chúng được đánh bằng số (sau này những con số được thay bằng kí hiệu hoa thị (*), điều cả thơ Ta, lẫn thơ Tây (chí ít là thơ Nga) người ta có lẽ không/chưa làm. Thơ Ta thì phải có đầu đề, có tên. Thơ Tây thì lấy vài từ, thậm chí hẳn câu đầu làm tên.
Có lẽ, sự lạ về phương diện hình thức này đã cuốn tôi vào sự đọc chăng. Nó khiến tôi nghĩ tới dạng nhật kí bằng thơ liền mạch, trong đó người viết nhìn nhận những sự kiện xảy ra, bàn cãi, đối thoại với chính mình. Đọc xong tập thơ tôi lại thấy nó giống như một trường ca hơn, một thứ trường ca không theo thể loại truyền thống, vì trong nó sử thi và trữ tình hòa kết với nhau, bổ sung cho nhau tạo một thế giới nhiều chiều của nhân vật – người kể chuyện và hình tượng nhân vật trữ tình mang tính phản tư sâu đậm – tức khả năng tự ý thức, hướng vào đời sống tinh thần không chỉ của bản thân, còn của người khác. Hai nhân vật này luôn đổi chỗ cho nhau, đối thoại với nhau, hòa nhập vào nhau thực hiện sự kết nối giữa góc nhìn những sự kiện lịch sử với những suy tư, trải nghiệm, tâm trạng, cảm xúc… khiến trường ca liền mạch nhưng không đơn tuyến, tạo tính phức điệu và độ sâu tư tưởng. Có thể gọi nhân vật trong tập thơ – trường ca này là nhân vật “hai trong một” – một bản thể hai diện mạo.
Diện mạo tinh thần của nhân vật này, xét theo “kí ức thể loại” (sử thi), ngay mở đầu tập thơ đã được xác định rõ ràng bằng hình ảnh mang tính ẩn dụ: từng đàn trẻ thơ chạy trên phố ngập nắng sau buổi tan trường trong nhịp trống náo nức vô hình. Và một ý nghĩ về hạnh phúc le lói rồi sáng bừng. Thứ ánh sáng tinh khiết, thiêng liêng ấy theo nhân vật trong suốt cuộc đời, rọi sáng những nẻo đường đi nhiều lúc trở nên tối tăm, mù mịt, xua tan sự giá lạnh của cô đơn không chỉ bới không gian địa lí mà hơn thế, bởi không gian tâm hồn. Trẻ thơ luôn trở đi trở lại trong thơ Nghĩa, khi ẩn hiện nơi khuôn mặt của đứa con gái nhỏ thiếu cha vắng mẹ vẽ tranh từ quê nhà gửi tặng bố, khi ở cậu con trai bi bô học nói suốt cuộc dạo chơi bên hồ, sưởi ấm tâm hồn người cha chốn tha hương. Trẻ thơ, người thân, gia đình, tình yêu mong muốn và những người phụ nữ đi qua cuộc đời mà anh luôn trân trọng cùng với với vẻ đẹp thiên nhiên không gì sánh nổi của nơi ấy, chốn này, là những thứ đã neo giữ, gìn giữ và giúp nhân vật vượt qua những thời khắc khó khăn nhất, khi phải chứng kiến, phải đương đầu với những điều mà các tráng sĩ trong các trường ca cổ khi xưa chưa từng biết đến.
Để có được cái thế giới đa lớp lang vượt khỏi không gian trữ tình tiến vào lãnh địa “trường ca” hai phương diện sử thi và trữ tình trong tập thơ đã “tuyển dụng”, chọn lọc những phương tiện nghệ thuật phù hợp và sử dụng chúng một cách tinh tế, tự nhiên và uyển chuyển. Đó là đại từ nhân xưng các ngôi, các kiểu gọi – một thứ “đặc sản” của tiếng Việt: anh, em, ta, tôi, hắn, “người”… Trong thơ Nghĩa chúng thay thế, đổi chỗ cho nhau một cách tự nhiên, linh hoạt, tùy vào từng trường hợp thể hiện các sắc thái cảm xúc, định giá trị, tạo sự độc đáo của giọng điệu (đôi khi không kém phần tự giễu khi gọi mình là “hắn” ở ngôi thứ ba khi nói chuyện với người mình yêu, hay trân trọng gọi người đàn bà “hoa quỳnh” có vẻ đẹp kiêu sa là “người”…), đa dạng hóa mạch trữ tình khiến nó trở nên độc đáo, khác lạ.
Sự độc đáo của trữ tình trong thơ Nghĩa có được còn bởi thữ ngôn ngữ tu từ giản dị như không xét theo vẻ bề ngoài, nhưng đọc kĩ thấy nó thật kĩ lưỡng, tinh xảo và có độ dày bởi những liên văn bản và những tầng ngầm văn hóa Đông-Tây dày đặc. Diễn tả tâm hồn, tư tưởng con người nên phải có thứ ngôn ngữ này.
Và chính cũng chính ngôn ngữ này đã giúp tạo dựng thành công thủ pháp nghệ thuật “kết hợp những thứ không thể kết hợp – oskimoron/oxymoron” ở tất cả các bình diện từ thể loại tới câu từ, hình tượng, ảnh trong một bài thơ. Đó là sự kết hợp giữa sử thi và trữ tình trong trường ca, là câu thơ xem ra có vẻ phi lí “Tôi sưởi ấm lòng mình / bằng những câu thơ buồn và lạnh, hay “người-đàn-bà-trinh-nữ” trong “Cuộc chia tay mùa hạ”, hay “Em có lạ trên đất quê/ Hắn đã quen trên đất lạ”…
Tất cả những thứ trên đây thể hiện một cách bình tĩnh, nhưng rốt ráo cái nội lực mẫn cảm “lá trên cành vẫy khẽ cũng đau” trong thơ Đỗ Quang Nghĩa, điều thi ca muôn đời đòi hỏi.