(về bộ ba Nguyễn Việt Chiến – Nguyễn Phan Quế Mai – Lê Vĩnh Tài)
Inrasara
Giữa bạt ngàn thơ ra đời từ sự kiện Biển Đông, ba bài thơ: “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến, “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai, và “Biển kể về nhiều chuyện khác” của Lê Vĩnh Tài là nổi tiếng nhất. Nổi tiếng từ ba vị thế và bằng ba cách thế khác nhau.
“Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến được viết ngay khi anh mãn hạn tù, và chắc chắn đó là một trong những bài thơ “yêu nước” sớm nhất được trình làng từ phía văn học chính thống. Bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai nổi tiếng qua ca khúc phổ nhạc “Tổ quốc gọi tên mình” được trình diễn ở rất nhiều sân khấu lớn nhỏ sau đó, nó càng nổi tiếng hơn nữa qua nghi án “đạo thơ”. Riêng Lê Vĩnh Tài, đây là hiện tượng thơ mạng trong thời gian dài, từ “Khi nào bà muốn – xin hãy đến!” xuất hiện ở thời đoạn sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa đầu năm 2008 cho đến tận “Trường ca Tây Tạng” đăng trên Tienve.org giữa năm 2015.
Thế nhưng do ở vị thế khác, viết bằng tâm thế khác nên cách thể hiện mỗi nhà thơ mỗi khác. Khác từ thái độ của người thơ, khác qua ngôn từ, thi ảnh, nhịp điệu, khác sang tận tận thi liệu được sử dụng.
Nguyễn Việt Chiến (tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 5-2009)
TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi
Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình goá phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng
Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân
Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thửa trước
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi
Chọn điểm nhìn “từ biển” [chú ý, Nguyễn Duy có bài thơ “Nhìn từ xa… Tổ quốc”], dù Nguyễn Việt Chiến có tăng cường độ của hiểm họa, của tình yêu và của hành động: “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển”, “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển”, “Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo”, “Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích”, “Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa”, “Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả”, “Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát”, thơ vẫn không bật lên cái gì mới, cứ dàn trải với chung chung. Thơ khiến độc giả có cảm tưởng nó viết vào thời đoạn biến động nào của đất nước cũng được, chớ gì phải là ở sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa.
Cái chung chung kéo dài đến tận Nguyễn Phan Quế Mai, không khác.
Nguyễn Phan Quế Mai (Lethieunhon.com, 23-6-2011)
TỔ QUỐC GỌI TÊN
Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình
Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá
Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả
Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây
Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi!
Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ
Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã
Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông
Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình
Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc
Chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước
Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau
Sóng chẳng còn bình yên dẫn lối những con tàu
Sóng quặn đỏ máu những người đã mất
Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc
Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng “Việt Nam”
Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng
Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố
Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa
Tôi lắng nghe
Tổ quốc
gọi tên mình!
Chung chung với kẻ lạ mặt rập rình, bão tố dập dồn được nâng lên cấp độ sến với bao cụm từ làm sẵn được dùng đến sáo mòn: Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ, thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã, dẫm đạp lên dáng hình đất nước, lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng, giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố, Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa… bất cứ ai cũng dễ dàng nhặt ra từ trang báo ngày, tờ quảng cáo để “sáng tạo” nên một bài thơ.
Thơ với những khẩu hiệu hô hào, cổ vũ như thế, để làm gì, hôm nay? Gương sáng từ Chế Lan Viên ở một thời chưa xa vẫn chưa đủ cho người làm thơ thức tỉnh sao?(*).
Lê Vĩnh Tài trước đó và sau này, đã khác hẳn.
Lê Vĩnh Tài (Tienve,org, 2008)
BIỂN KỂ VỀ NHIỀU CHUYỆN KHÁC
Ông Lê Dũng năm 2007: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”
Ông Lê … năm 2027: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền đảo Phú Quốc”
Ông Lê … năm 2047: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền thành phố Sài Gòn”
lấn ở ải Nam Quan
cướp đất ở Hà Giang
giờ đến biển
vết dao cắt không lành
xanh màu xanh máu của người sốt rét
những người lính “nguỵ” đã chết ở đây
những người lính “cách mạng” đã chết ở đây
trời cao đất dày
với 16 chữ vàng
hảo hảo
cô bé quàng khăn đỏ đang tâm giao
cùng chó sói.
đêm chia nhau mồi ngon
dưới gầm bàn
những chiếc ghế đang diễn vai vua
vua đang diễn vai chim câu khờ khạo
thi sĩ
nếu câu thơ lặng im
là lặng im để chết
đôi mắt trừng trừng vào trời xanh
sau đó người vuốt tay lên mắt
như vuốt lên sự thật
sự thật đang khép lại
ngơ ngác những cuộc biểu tình
ngơ ngác bông hoa đang khóc
ngơ ngác đôi môi bám chặt
vào răng chó sói giữa khơi…
thi sĩ
giữa hai bàn tay người
những con chữ vẫn hay đùa cợt
về những điều không sao tin nổi
nhưng đêm nay con chữ đang rơi
nặng nề như đá. Làm chìm lỉm ngoài khơi
một con tàu với một vết thương thật lớn
thi sĩ
sau khi người thiếp ngủ
những chiếc ghế vẫn diễn vai vua
vua vẫn diễn vai chim câu khờ khạo
chỉ có một khoảng không ngoài biển khơi
là không sao tin nổi
duy có điều nó không lay người dậy
vì vở diễn này
nó tin rằng người đã biết
Thơ đề cập đến một thời điểm lịch sử cụ thể: Ông Lê Dũng năm 2007: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” với những sự kiện cụ thể: “lấn ở ải Nam Quan/ cướp đất ở Hà Giang/ giờ đến biển”, “với 16 chữ vàng/ hảo hảo”, “ngơ ngác những cuộc biểu tình/ ngơ ngác bông hoa đang khóc”… thì không thể lẫn vào đâu được. Chúng thuộc hôm nay, lù lù trước mắt chúng ta.
Bài thơ Lê Vĩnh Tài còn khác ở điểm nhìn, dù viết về biển, nhưng biển còn “kể về nhiều chuyện khác”. Không chỉ “lần, cướp”, mà còn có cả “ngơ ngác biểu tình”, “đêm chia nhau mồi ngon/ dưới gầm bàn”, có cả “những chiếc ghế đang diễn vai vua/ vua đang diễn vai chim câu khờ khạo”. Nghĩa là qua biển, nhà thơ còn nhìn Tổ quốc từ đất liền, trong đất liền.
Cả hai hiện thực ấy tuột khỏi thơ Nguyễn Việt Chiến lẫn Nguyễn Phan Quế Mai.
Vậy để làm gì, thi sĩ? Chữ “thi sĩ” ba lần lặp lại:
thi sĩ
nếu câu thơ lặng im
là lặng im để chết
… thi sĩ
giữa hai bàn tay người
những con chữ vẫn hay đùa cợt
… thi sĩ
sau khi người thiếp ngủ
những chiếc ghế vẫn diễn vai vua
Lê Vĩnh Tài với tư cách là thi sĩ [cùng trăm thi sĩ ngoại vi khác] đã tỏ thái độ. Bằng lên tiếng và cả hành động. Trong khi ấy, ở phía chính thống, thi sĩ vẫn “lặng im”. Nguyễn Việt Chiến đã muộn, Nguyễn Phan Quế Mai [và ngàn thi sĩ khác] càng muộn màng hơn.
Muộn, và tụt lại phía sau. Cả về ngôn từ, thi ảnh lẫn nhịp điệu thơ. Không thể khác, khi nhà thơ còn mang tâm thức cũ cùng thái độ hướng tâm.
Và điều nữa không thể không nói tới, đó là thái độ của Lê Vĩnh Tài khi xử lý đề tài vốn được cho là nghiêm trọng như sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa và vấn đề Biển Đông bằng sự đùa nghịch, hơn thế – một thứ hài hước đen (black humor) hậu hiện đại, là điều cả “Tổ quốc nhìn từ biển” lẫn “Tổ quốc gọi tên” không thể với tới được.
Ông Lê Dũng năm 2007: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”
Ông Lê … năm 2027: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền đảo Phú Quốc”
Ông Lê … năm 2047: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền thành phố Sài Gòn”
______
(*) Chế Lan Viên: AI? TÔI!
Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi!
Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong.
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời,
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ.
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười
(Chế Lan Viên, “Ai? Tôi!”, Di cảo thơ)