Bàn tròn Quỷ Vương (6)

Vài ý kiến góp bàn tròn tiểu thuyết Quỷ Vương

Nhà giáo Quang Minh

 

Nghe đồn, tiểu thuyết “Quỷ Vương” (của nhà văn Vũ Ngọc Tiến) là cuốn sách đang nóng. Tất nhiên rồi, khi một tác phẩm văn học bị có lệnh cấm hội thảo, họp báo hay bàn về nó trên các báo chính thống thì độc giả càng tò mò tìm đọc. Với vợ chồng tôi là nhà giáo nhiều năm giảng dạy, theo dõi khối C (Văn – Sử – Địa) còn có mối quan tâm khác nữa bởi theo tác giả nói, đây là tiểu thuyết lịch sử viết theo lối “tiểu thuyết giáo trình” dùng tiểu thuyết để giảng lại một phân kỳ lịch sử. Ở đây tác giả tập trung vào việc giảng giải lại lịch sử 30 năm cuối thời Lê sơ, một giai đoạn phức tạp và bi thảm của một vương triều chắc hẳn có những kiến giải mới khi tác giả triển khai những “bài giảng” đó trong tiểu thuyết…

Muốn góp nhiều điều với “Bàn tròn Quỷ Vương” nhưng sức khỏe không cho phép. Rồi tôi đã có dịp trực tiếp trao đổi với cha đẻ của “Quỷ Vương” nên tạm viết vài điều tâm đắc:

Tác giả sinh vào giờ chính Ngọ (12 giờ trưa) ngày 12, tháng 12 nên ông kể rằng, mình đã viết mấy cuốn tiểu thuyết lịch sử, “Quỷ Vương” là cuốn thứ 5 thảy đều có 12 chương. Về truyện ngắn, ngoài cuốn “12 con giáp”, ông cũng có 4 tập khác đều 12 truyện. Cuốn “Ký và phê bình tiểu luận” (Nxb Hội Nhà văn, 2002) của ông mỗi phần cũng có 12 bài ký, 12 bài phê bình… Phải chăng con số 12 là chu kỳ vận động của trời- đất và vận số con người nên ý tưởng viết cuốn “Quỷ Vương” cũng hình thành nên từ kiếp luân sinh của các nhân vật?…

 

Điều tâm đắc của tác giả qua hiện thực và văn phẩm là sự rối ren và suy thoái của chế độ toàn trị. Không biết có phải tính ngẫu nhiên của lịch sử hay không mà từ khi Lê Thánh Tông băng hà năm 1497 cho đến khi Lê Cung Hoàng bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi năm 1527 là chẵn 30 năm. “Quỷ Vương” ra đời năm 2016 thì công cuộc đổi mới cũng tròn 30 năm Dường như vận mệnh của một dân tộc cũng có tuần hoàn luân hồi chăng? Tất nhiên lịch sử không hoàn toàn lặp lại và thường đi những lối bất ngờ (ý thơ Tố Hữu). “Quỷ Vương” phơi bày hiện thực khắc nghiệt, khốc liệt cả xưa và nay. Những cách giết người, kể cả thân nhân (chú ruột và bà nội) của Lê Uy Mục thời xưa thật vô cùng bất nhân, tàn bạo: “Đêm ấy gió mùa đông bắc thổi lộng trên nóc hoàng cung như bầy sói hú… và cung Trường Lạc bốc cháy thiêu đốt hơn chục con người thành tro…” (“Quỷ vương”, trang 39,40) Những cách ám hại nhau hết sức hiện đại của quan chức tỉnh K thời nay cũng quá đỗi kinh hoàng, bi thảm. Vào thời điểm năm 1996 khi cả nước sôi động tổng kết 10 năm đổi mới, ông cũng hăm hở viết bộ ba tiểu thuyết lịch sử về 3 nhà cải cách (Khúc Hạo, Trần Thủ Độ, Đào Duy Từ) mà mộng không thành. Rồi nhà văn viết “Quỷ Vương”.

Tác giả dường như tỏ ra tiếc nuối một chút là cho đến cuối cuốn “Quỷ Vương” tâm lí nhân vật còn có thể được phân tích kĩ càng, sâu sắc thêm. Và bệnh viêm tuyến lệ rất đặc biệt của nhân vật Dung cũng nên khai thác, nhấn rõ hơn nữa. Như vậy sẽ tạo ấn tượng mạnh hơn khi người đọc khép lại cuốn tiểu thuyết giáo trình lịch sử này. Tất nhiên khai thác đống tư liệu ngồn ngộn của xưa và nay cũng đã khiến nhà văn họ Vũ này mất rất nhiều công sức và thì giờ…

Xin chúc ông sức khỏe, bình yên và như ông thường nói trời còn cho viết được thì sẽ viết, viết nữa. Tin rằng nhà văn sẽ có thêm tác phẩm mới.

Comments are closed.