Có nên dạy tiếng Nga, tiếng Trung như ngoại ngữ thứ nhất trong trường phổ thông? (bài 1)

ĐỀ NGHỊ CHỈ CHỌN TIẾNG ANH LÀM NGOẠI NGỮ BẮT BUỘC

Báo Đất Việt phỏng vấn GS Nguyễn Đăng Hưng về đề án đưa tiếng Trung và tiếng Nga lên bậc ngoại ngữ thứ nhất

Báo Đất Việt

Bộ GD-ĐT đang xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung 10 năm từ lớp 3 đến lớp 12, thí điểm năm học 2017, theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, được coi như ngoại ngữ thứ nhất cùng với tiếng Anh.

Trong khi, trước đây những ngôn ngữ này vốn chỉ được coi là ngoại ngữ thứ hai, được quyền lựa chọn. Ở góc độ chuyên gia giáo dục, theo ông việc tăng mức độ phổ cập của những loại ngôn ngữ này có cần thiết và phù hợp hay không? Vì sao ạ

GS Nguyễn Đăng Hưng

Thú thật tôi không hiểu nổi dự định này! Ngoại ngữ thứ nhất là ngoại ngữ bắt buộc trong chương trình học. Qua đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, việc chọn ngoai ngữ thứ nhất là tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông vốn là một quyết định tốt. Tuy nhiên, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo (GD&ĐT) đã không thành công trong khâu thực hiện. Bộ GD&ĐT đã không cẩn thận trong việc triển khai, không phân biệt vùng miền. Tại nhiều nơi Bộ GD&ĐT đã không làm gì để thúc đây và cải tiếng các phương pháp giảng dạy cũng như đào tạo giáo viên tiếng Anh cho đạt chuẩn tối thiểu vì thầy chưa đạt thì học trò làm sao thâu thập bài giảng có hiệu quả? Kết quả mà trong mấy năm gần đây tại Việt Nam học sinh tốt nghiệp trung học vẫn chưa nghe, nói tiếng Anh với trình độ cần thiết tối thiểu! Đây là thí dụ tiêu biểu của khoản cách khủng giữa việc đề đạt và thực thi chính sách của Bộ GD&ĐT.

Mục tiêu chưa đạt, sự yếu kém tiếng Anh chưa giải quyết thì nay đùng một cái Bộ muốn đưa cùng một lúc tiếng Nga và tiếng Trung lên ngang hàng nhất với tiếng Anh! Lại nói sẽ thí điểm ngay trong niên học tới 2017! Lại có ý định xử dụng trẻ em Việt Nam như những con chuột bạch đem ra thí nghiệm! Sự vội vã và bất chợt của dự định này làm ta không không thể không đặt câu hỏi: Cái gì đứng đằng sau dự định thất nhân tâm này? Liệu áp lực chính trị của ông anh hai bạn vàng hay ông anh cả cũ có phải là nguyên do chăng? Phản ứng đồng loạt và lan rộng của giới phụ huynh trong tuần qua nói lên đỉnh điểm của sức chịu đựng của người dân về đề án này!

Một điều mâu thuẩn đáng chú ý là cũng chính tại Bộ GD&ĐT trong báo cáo tổng kết năm học 2015-2016, Bộ này cũng đã muốn bắt chước Singapore hay Ấn Độ trước đây, đề ra một nhiệm vụ đầy tham vọng: “Tổ chức nghiên cứu, xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh (không phài ngoại ngữ thứ nhất mà) trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam”.

Tham vọng này không đáng chê tuy nó rõ ràng thiếu cơ sở thực tế. Tôi nghĩ Bộ nên khiêm tốn hơn, tập trung củng cố xây dựng tiếng Anh là ngoại ngữ một, nâng cao chất lượng giảng dạy thế nào cho học sinh rời ghế các trường trung học có thể nghe, nói và viết tiếng Anh thông thạo.

Hôm qua 22/9/20016 trên Tuổi Trẻ và VNExpress, Bộ GD&ĐT mới vừa phân trần rõ hơn là đề án mới đây không có gì quá mới so với quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5-5-2006, cho phép học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất. Nay chỉ bớt tiếng Pháp và thêm tiếng Nhật. Sau khi đã chọn tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc 4 thứ còn lại cùng với tiếng Pháp tiếng Hàn sẽ là sự chọn lựa thứ hai.

Tuy nhiên chính Bộ GD&ĐT cũng đã lúng túng và tôi cũng thấy việc đặt ngang tiếng Anh với tiếng Trung và tiếng Nga là không phù hợp. Đây là bước lùi so với trước đây khi Bộ GD&ĐT đã có lúc quyết định bỏ hai tiếng này và thay bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Tiếng Trung và tiếng Nga không phải là sinh ngữ phổ biến toàn cầu. Tiếng Trung tuy có đông người nói nhất thế giới nhưng họ đều ở đất nước Trung Hoa. Nền văn hóa hiện đại của họ không đủ đặc sắc và tiên tiến để hấp dẫn sinh viên Việt Nam. Trình độ khoa học công nghệ còn nhiều bất cập, không đủ gây cảm hứng sáng tạo như phuơng Tây để chúng ta ưu tiên học hỏi.

Nâng tiếng Trung hay tiếng Nga lên ngang hàng với tiếng Anh là làm ngược lại kỳ vọng trong tương lai dài hạn đưa tiếng Anh lên thành ngôn ngữ hai sau tiếng Việt tại nước ta. Thật vậy, sẽ có một thiểu số người Việt như đồng bào các tỉnh sát biên giới Trung Quốc, đồng bào gốc Hoa đã hội nhập trên địa bàn Việt Nam, sẽ chọn tiếng Trung làm ngoại ngữ thứ nhất. Hậu quả không tránh được là họ sẽ kém tiếng Anh, sẽ không đủ khả năng hội nhập toàn cầu, thường trực thiếu thông tin đẳng cấp quốc tế. Vô tình Bộ GD&ĐT đã biến họ thành công dân hạng hai, tác hại đến việc đoàn kết dân tộc! Tôi chưa nói đế việc ông láng giềng của chúng ta với tham vọng bành trướng, lắm của lắm tiền sẽ ra tay bằng quà cáp bổng lộc thu hút người Việt Nam có điều kiện kinh tế thấp đua nhau chọn tiếng Trung, phương hại đến tương lai phát triển của Việt Nam độc lập tự chủ!

Báo Đất Việt

Về việc đưa tiếng Trung vào giảng dạy trong trường phổ thống đã từng được Bộ GD-ĐT đề cập từ năm 2015, nhưng vướng nhiều ý kiến trái chiều. Đặc biệt, theo các chuyên gia, việc chọn tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ một hay ngoại ngữ hai là dựa vào nhu cầu và nguyện vọng của học sinh.

Hơn nữa, quá trình dạy và học còn nhiều bất cập, chưa thống nhất khiến việc dạy tiếng Trung trong nhà trường chưa đạt hiệu quả cao. Theo ông, Bộ GD-ĐT cần phải lắng nghe và cân nhắc thế nào?

GS Nguyễn Đăng Hưng

Tôi cho rằng tiếng Trung và tiếng |Nga không có được ảnh hưởng toàn cầu như tiếng Anh. Tiếng Trung chỉ là tiếng nói của một nước đông dân nhất thế giới. Biết tiếng Trung chỉ dùng để bang giao với người Hoa, khả năng hội nhập quốc tế sẽ bị thu hẹp ở mức tối thiểu.

Bộ GD&ĐT không nên thay đổi như vậy làm hoang mang dư luận.  Bộ GD&ĐT nên theo quyết định cũ, giử lại tiếng Trung và Nga làm ngoại ngữ hạng hai, cho phép học sinh tự chọn khi thấy cần cho tương lai cá biệt của mình.

Rõ hơn tôi để nghị nên chỉ chọn tiếng Anh làm ngoại ngữ 1. Các tiếng khác theo thứ tự quan trọng sau đây sẽ là ngoại ngữ hai: Pháp, Tây Ban Nha, Trung, Nga, Nhật, Đức và Hàn

Tôi đánh giá tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha cao hơn tiếng Trung hay tiếng Nga vì tính phổ quát trong xử dụng và ảnh hưởng văn hóa toàn cầu.

Báo Đất Việt

Mới đây, tại Hội thảo Vai trò của Hán Nôm trong văn dụng dạy tiếng Hàn ở cấp 1 và cấp 2, rồi lên cấp 3 cho học sinh tự lựa chọn, vì tiếng Hán thực tế về bộ gõ khá giống với tiếng Nhật, tiếng Trung?

GS Nguyễn Đăng Hưng

Trước nhất không nên lẫn lộn hai vấn đề khác nhau. Tiếng Trung là một sinh ngữ, tiếng Quang Thoại, tiếng nói chính thức của dân Trung Quốc hiện đại. Còn tiếng Hán là một cỗ ngữ mà người Việt đã dựa vào để hình thành chữ viết Hán-Nôm cách ghi âm của tiếng Việt khi chưa có chữ quốc ngữ dùng ký tự la tinh.

Tôi không nghĩ biết chữ Hán sẽ làm trong sáng tiếng Việt mà làm ta hiểu tiếng Việt sâu hơn, viết văn Việt thâm thúy hơn. Học tiếng Hán là cần thiết để duy trì chữ viết Hán-Nôm giúp ta tiếp thu, lưu giữ gia sản thi phú văn chương của tiền nhân. Vì là cổ ngữ, tiếng Hán giữ vai trò soi sáng trong nghiên cứu giống như tiếng La Tinh trong tiếng Pháp. Nó chỉ có ích cho việc nghiên cứu. Bởi vậy, nên dành cho lớp người có khiếu văn chương lịch sử, có xu hướng đi về các ngành như văn học, lưu trữ, thư viện… Chữ Hán nên là ngôn ngữ 3 không dạy đại trà mà chỉ ở  các lớp cuối cấp 3 trung học và các trường đại học nhân văn.

Sài Gòn ngày 23/9/2016

Liên kết trên Đất Việt online:

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/tieng-trung-thanh-ngoai-ngu-thu-nhat-mot-su-voi-va-3319360/

Comments are closed.