2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 15)

Hoàng Hưng

151. Automatism: Hành vi tự động

Hành vi thực hiện không có ý thức hay kiểm soát, như trong mộng du, thôi miên, những trạng thái mất nhận biết về tính cách bản thân (fugue states) hay một số hình thức mất nhận thức (epilepsy).

152. Automnesia: Sự nhớ lại bột phát

Những kí ức từ thời kì trước đây của cuộc đời bột phát sống lại.

153. Aversion therapy: Liệu pháp gây khó chịu

Một kĩ thuật trong liệu pháp hành vi (behaviour therapy) được sử dụng để triệt tiêu những thói quen không mong muốn như hút thuốc lá, bằng cách lặp đi lặp lại những kích thích khó chịu hoặc đau đớn đi đôi với hành vi ấy như sốc điện hay gây ra những đáp ứng như buồn nôn (dùng các loại thuốc chống nghiện – antabuse).

154. Avoidance-avoidance conflict: Xung đột tránh né-tránh né

Xung đột nổi lên từ sự có mặt đồng thời hai hay nhiều mối đe doạ ngang bằng nhau, một trong ba kiểu xung đột chính được nhận dạng vào năm 1931 bởi nhà Tâm lý học Đức-Mỹ Kurt Lewin (1890-1947). Những xung đột này có xu hướng bền vững và không được giải quyết, vì sự tiếp cận về phía một trong hai cực làm tăng xu hướng lui về cực kia, và do đó sự sợ hãi hay lo âu được giảm thiểu ở một điểm mà khoảng cách giữa hai cực là lớn nhất.

155. Avoidance conditioning: Sự điều kiện hoá bằng phản ứng tránh né

Trong sự điều kiện hoá tác động (operant conditioning), là một hình thức củng cố tiêu cực trong đó một cơ thể tránh né một kích thích gây khó chịu bằng cách có đáp ứng cụ thể. Điển hình là con chuột được đặt trong một lối đi dài và hẹp, sàn có lưới sắt truyền điện gây giật vài giây sau khi có một kích thích có điều kiện như một chớp sáng, và con chuột có thể tránh kích thích gây đau đớn bằng cách chạy về cuối lối đi và đi vào một cái hộp không bị truyền điện trong thời gian giữa tín hiệu và cú giật. Trong sự điều kiện hoá bằng phản ứng tránh né chủ động (active avoidance conditioning), cơ thể phải có đáp ứng tích cực nhằm tránh kích thích gây khó chịu, còn trong sự điều kiện hoá bằng phản ứng tránh né bị động (passive avoidance conditioning), nó phải nhịn việc đáp ứng nhằm tránh kích thích ấy. Cũng gọi là avoidance learning (học tránh né).

156. Avoidance personality disorder: Rối loạn nhân cách tránh né

Đặc trưng là một mẫu phổ biến của tình trạng ức chế xã hội, cảm thấy bất cập, và quá mẫn đối với sự phê bình, không công nhận hay khước từ. Bắt đầu từ tuổi mới lớn, với những dấu hiệu và triệu chứng như tránh làm công việc có sự tiếp xúc liên cá nhân đáng kể; không muốn liên kết với mọi người trừ những người mình thích; hạn chế các quan hệ thân mật vì sợ xấu hổ hay dị hợm; nặng lòng với sự phê bình hay khước từ; ức chế trong những tình huống xã hội mới vì cảm thấy bất cập; tự nhìn mình như lạc lõng, không hấp dẫn, kém cạnh người khác; không sẵn sàng tham dự những hoạt động có nguy cơ khiến mình lúng túng. Cũng gọi là anxious personality disorder (rối loạn nhân cách lo âu).

157. Avolition: Sự mất ý chí

Mất khả năng khởi sự hay duy trì những hoạt động có mục đích; một trong các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt.

B

158. Backward span: Đo nghiệm giật lùi

Đo nghiệm trí nhớ ngắn hạn trong đó người được đo nghiệm đứng trước một chuỗi hạng mục, thường là các con số, và cố nhắc lại các hạng mục theo thứ tự giật lùi.

159. Bad faith: Nguỵ tín

(Trong triết học hiện sinh của triết gia Pháp Jean-Paul Sartre (1905-80)): Một hình thức dối mình và dối người, từ chối nhận trách nhiệm về những hành động mà mình đã tự do chọn lựa, và coi hay mô tả mình là nạn nhân bị động của hoàn cảnh.

160. Balance theory: Thuyết cân bằng

Thuyết về sự nhất quán trong nhận thức của tri nhận cá nhân và sự thay đổi thái độ trong đó các yếu tố thường được mô tả bằng ba đỉnh tam giác là cá nhân (p: person), người khác (o: other person) và một thái độ (x); các quan hệ giữa ba đỉnh là các cạnh tam giác, mang tính tích cực hay tiêu cực tuỳ theo thái độ và niềm tin của p. Nhận thức của p sẽ cân bằng nếu không có mối quan hệ nào là tiêu cực hoặc hai quan hệ là tiêu cực; không cân bằng nếu chỉ một quan hệ là tiêu cực. Trạng thái không cân bằng với một quan hệ tiêu cực sẽ không bền và có xu hướng trở nên cân bằng, nghĩa là sẽ có một hay hai quan hệ có xu hướng thay đổi. Ví dụ: nếu Peter (P) ghét nhạc cổ điển (x) nhưng phải lòng Olivia (O), mà O lại yêu nhạc cổ điển, vậy là có 1 quan hệ tiêu cực và 2 quan hệ tích cực, và thái độ của P đối với nhạc cổ điển hoặc đối với O dễ thay đổi. Thuyết này được phát triển bởi nhà Tâm lý học Mỹ gốc Áo Fritz Heider (1896-1988), công bố lần đầu trong một bài báo vào năm 1946, sau đó đưa vào sách The Psychology of Interpersonal Relations vào năm 1958, và nhà Tâm lý học Mỹ Theodore Mead Newcomb (1903-84) đóng góp cho việc phát triển nó vào năm 1953.

Comments are closed.