Trần Văn Chánh
B. CHƯƠNG TRÌNH VÀ SÁCH GIÁO KHOA TRUNG HỌC
I. CHƯƠNG TRÌNH TRUNG HỌC
1. Chương trình Trung học Hoàng Xuân Hãn 1945
a. Tổng quát
Đây là chương trình Trung học đầu tiên của Việt Nam dùng chuyển ngữ tiếng Việt được một nhóm giáo sư dựa theo chương trình Pháp biên soạn cấp tốc chỉ khoảng 10 ngày dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ thuật Hoàng Xuân Hãn trong thời Chính phủ Trần Trọng Kim. Mặc dù vậy, chương trình này đã được áp dụng trên toàn quốc (gồm cả vùng quốc gia và vùng kháng chiến) trong thời gian từ năm 1945 đến niên khóa 1952-1953, mà tất cả những chương trình Trung học đến sau đều căn bản mô phỏng theo nó, lấy nó làm cơ sở để từ đó bổ sung, sửa đổi cho thích hợp với trình độ học sinh cũng như tình trạng tiến triển chung của nền giáo dục và khoa học ở mỗi thời kỳ khác nhau. Kể cả đối với những chương trình mới nhất được áp dụng trong thời VNCH (1955-1975), dấu ấn và ảnh hưởng của chương trình Hoàng Xuân Hãn vẫn còn khá sâu đậm.
Trung học chia làm 2 cấp: (1) Phổ thông học 4 năm, gọi là Đệ nhất niên, Đệ nhị niên, Đệ tam niên, Đệ tứ niên. Lại chia làm 2 ban gồm: Cổ văn (A) và Kim văn (B); (2) Chuyên khoa học 3 năm, gọi là Đệ nhất niên, Đệ nhị niên, Đệ tam niên. Lại chia làm 4 ban gồm: ban Khoa học A (chuyên Vạn vật học, Hóa học, Vật lý học), ban Khoa học B (chuyên Toán, Lý hóa), ban Sinh ngữ C (chuyên Văn Việt Nam, Anh, Pháp văn), ban Hán tự D (chuyên Văn Việt Nam, Hán tự, sinh ngữ Pháp hoặc Anh).
Các môn học: Quốc văn, Hán, Toán, Lý hóa, Vạn vật, Sinh ngữ, Triết, Kinh tế, Sử, Địa, Vẽ, Thủ công, Nhạc, Nữ công, Nuôi trẻ.
Do tính cách tiên phong, lịch sử và tầm quan trọng của bộ chương trình Trung học đầu tiên này, chúng tôi xin chép lại nguyên văn “Thể lệ bậc Trung học” đặt ở đầu bộ chương trình, qua đó thấy được cách sắp xếp, phân chia của các cấp và các ban:
THỂ LỆ BẬC TRUNG HỌC
I. Chiếu theo Dụ số 67 ngày 30.6.1945 của Việt Nam Hoàng đế [Bảo Đại], bắt đầu học khóa 1945-1946, sẽ bãi bỏ bậc Cao đẳng Tiểu học và bậc Trung học tổ chức theo thể lệ ban hành từ trước.
II. Sau bậc Tiểu học, sẽ tổ chức một bậc Trung học (trường học duy nhất). Bậc Trung học mới chia ra làm hai cấp:
1) Cấp trung học phổ thông: Gồm có bốn lớp: đệ nhất niên, đệ nhị niên, đệ tam niên và đệ tứ niên trung học phổ thông [tương đương với lớp Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ, Đệ tứ hay lớp 6,7,8,9 sau này].
Mỗi lớp có hai ban: Ban A hay là ban Cổ văn.
Ban B hay là ban Kim văn.
Bảng chia giờ hàng tuần và chương trình học khóa đính theo đây.
Tốt nghiệp thi bằng trung học phổ thông [tương đương Trung học Đệ nhất cấp hay cấp II sau này].
2) Cấp Trung học chuyên khoa: gồm có ba lớp: đệ nhất niên, đệ nhị niên và đệ tam niên trung học chuyên khoa [tương đương Trung học Đệ nhị cấp hay cấp III sau này]. Mỗi lớp có bốn ban:
Ban khoa học A chuyên về Vạn vật học.
Ban khoa học B chuyên học Toán pháp và Lý Hóa học.
Ban Sinh ngữ chuyên khoa.
Ban Hán tự chuyên khoa.
Học sinh hai ban khoa học A và B, tùy theo chí hướng và sức học, có quyền chọn học chương trình Hán học hay chương trình một sinh ngữ thứ hai.
III. Bắt đầu từ khai giảng niên khóa 1945-46, tất cả các trường Cao đẳng Tiểu học sẽ đổi làm trường Trung học phổ thông, và tất cả các trường trung học hiện tại sẽ đổi làm trường Trung học chuyên khoa.
Riêng trong niên khóa 1945-1946, sẽ còn giữ lại các lớp Triết học văn chương, Triết học khoa học và Toán pháp sơ đẳng, dành cho học sinh đã đỗ bằng Trung học Sơ cấp.
IV. Theo nghị định số 113 ngày 3/7/1945 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ thuật, muốn vào lớp Đệ nhất trung học phổ thông [tương đương Đệ thất hay lớp 6 sau này] các trường công, học sinh phải có bằng Tiểu học và không quá 14 tuổi chẵn, kể tới ngày 31 tháng 12 dương lịch năm xin vào.
Muốn vào lớp Đệ nhất niên trung học chuyên khoa [tương đương Đệ tam hay lớp 10 sau này] các trường công, học sinh phải có bằng Trung học phổ thông hay một bằng tương đương (Cao đẳng tiểu học, Brevet Elémentaire, Brevet d’enseignement primaire supérieur) và không quá 18 tuổi chẵn kể tới ngày 31 tháng 12 dương lịch năm xin vào.
Riêng năm 1945, hạn tuổi thi vào hai lớp ấy gia thêm cho là 15 tuổi và 19 tuổi.
Đối với nữ học sinh, các hạn tuổi trên này đều gia thêm một năm.
V. Ngày thi và số học sinh lấy vào các lớp sẽ do Bộ Giáo dục Mỹ thuật định. Hội đồng khảo thí gồm hiệu trưởng trường chủ tịch và giáo sư mỗi cấp làm giám khảo.
VI. Các môn thi định như sau này:
1) Thi vào Đệ nhất phổ thông [tương đương Đệ thất hay lớp 6 sau này]:
Một bài ám tả và câu hỏi 1 giờ nhân số 2
Một bài luận quốc văn 1 giờ nhân số 3
Hai bài toán 1 giờ 30 p nhân số 3
Không thi vấn đáp
2) Thi vào Đệ nhất chuyên khoa [ tương đương Đệ tam hay lớp 10 sau này]:
Một bài luận quốc văn chung cho 4 ban 2 giờ nhân số 3
Một bài toán (chung cho 2 ban khoa học A và B) 2 giờ 30 nhân số 3
Hai bài sinh ngữ (riêng cho ban Sinh ngữ) 3 giờ nhân 2 x 2 = 4
Dịch chữ Hán (riêng cho ban Hán tự) 2 giờ nhân số 4
Không thi vấn đáp
b. Nội dung chương trình
Để cụ thể hóa mà không quá rườm rà, nhằm có cơ sở thực tế so sánh với các chương trình đến sau, chỉ xin nêu thí dụ về chương trình môn Quốc văn và môn Luân lý-Công dân giáo dục của lớp Đệ tứ niên A và B cấp Trung học phổ thông [tương đương Đệ tứ hoặc lớp 9], như sau:
CHƯƠNG TRÌNH QUỐC VĂN
TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
LỚP ĐỆ TỨ A VÀ B
Văn phạm: Các loại tiếng (tiếp theo). Cách đặt câu. Các thứ mệnh đề. Mỹ từ pháp [tức biện pháp tu từ].
Luận: Như lớp Đệ tam, chỉ thêm những đề hơi có tính cách văn chương.
Giảng văn:
a) Trích Đoạn trường tân thanh. Các tác phẩm khác bằng tiếng Việt của Nguyễn Du. Tỳ bà hành (bản dịch). Quốc sử diễn ca.
b) Thơ văn sau Đoạn trường tân thanh: Lý Văn Phức, Cao Bá Quát, Cao Bá Nhạ, Nguyễn Đình Chiểu (trừ Lục Vân Tiên). Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Trứ; Dương Khuê, Vũ Phạm Hàm, thơ văn cận đại và hiện đại.
CHÚ:
Nhân giảng văn sẽ cho học trò biết ít điều đại cương về văn học sử từ đầu thế kỷ thứ XIX đến nay cùng những điều thường thức về các thể thơ: thơ cổ phong, hát nói, phú, thơ mới.
c) Văn xuôi, trích ở các tác giả, hiện tại.
CHƯƠNG TRÌNH LUÂN LÝ VÀ CÔNG DÂN GIÁO DỤC
TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
LỚP ĐỆ TỨ
Luân lý: Giá trị tinh thần.
Chọn nghề nghiệp theo khuynh hướng. Luân lý về chức nghiệp.
Cổ tục xấu và cổ tục tốt.- Bảo thủ và tiến bộ.- Tinh thần kỷ luật.- Tinh thần đoàn kết.- Tinh thần hy sinh.
Những tư cách phải có của người đứng chỉ huy.
Chức vụ thanh niên trong nước.- Chức vụ anh tài trong nước.
Cần phải có một lý tưởng hoạt động.
Công dân giáo dục: Kinh tế học lược giảng.
Sản xuất tài sản.- Lưu thông tài sản.- Phân phối và tiêu thụ tài sản.
Địa vị nước Việt Nam ở Đại Đông Á và trong hoàn cầu.- Bổn phận và quyền lợi đối với vạn quốc.- Cách dung hòa lòng yêu nhân loại với lòng yêu nước.- Bình luận về trạng thái hiện thời của nước Việt Nam.- Lòng tin tuyệt đối ở tương lai nước ta.
2. Chương trình Trung học 1949
a. Tổng quát
Ban hành theo Nghị định 9-NĐ/GD ngày 5/9/1949 và áp dụng từ năm học 1949-1950, dưới thời Quốc gia Việt Nam với Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Phan Huy Quát.
Trung học chia làm 2 cấp: (1) Phổ thông học 4 năm, gọi là lớp Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ, Đệ tứ (tương đương với lớp 6,7,8,9 bây giờ). Chia làm 2 ban: ban A Cổ điển và ban B Sinh ngữ; (2) Chuyên khoa học 3 năm, gọi là Đệ tam, Đệ nhị, Đệ nhất (tương đương lớp 10, 11, 12 bây giờ). Chia làm 3 ban: Khoa học, Sinh ngữ, Cổ điển.
Các môn học: Quốc văn, Hán học, Luân lý và Công dân giáo dục, Toán học, Lý Hóa học, Vạn vật học, Pháp ngữ, Anh ngữ, Triết học, Sử học, Địa dư, Vẽ, Thủ công, Âm nhạc, Dưỡng nhi, Gia chánh, May.
Phát huy thêm một bước từ chương trình Hoàng Xuân Hãn, có thể coi đây là lần cải cách chương trình quy mô và có tính bước ngoặt, phản ảnh tinh thần và phương pháp của nền giáo dục mới trong giai đoạn đầu du nhập Việt Nam. Những bộ chương trình trung học về sau của VNCH đã được biên soạn chủ yếu dựa theo chương trình này, cả về nội dung lẫn câu chữ, rồi thêm hoặc bớt một số chi tiết cho phù hợp. Dưới đây là nguyên văn “Mấy lời nói đầu” rất tâm huyết của Bộ trưởng Giáo dục Phan Huy Quát:
MẤY LỜI NÓI ĐẦU
Kể từ niên học 1949-1950, một chương trình giáo dục mới bậc Trung học sẽ được áp dụng trong toàn quốc.
Tiểu ban nghiên cứu chương trình giáo dục mà tôi hân hạnh lãnh trách nhiệm điều khiển trong khi tiến hành công cuộc đã chú trọng đến tinh thần người công dân Việt Nam mới, không hẳn sao nhãng những yếu tố thực hiện trong giai đoạn hiện tại.
Dựa vào kinh nghiệm trong mấy năm vừa qua, cùng kết quả những công trình các nhà học giả hằng lưu tâm với vấn đề giáo dục.
Chương trình mới lấy hai nguyên tắc sau đây làm chuẩn đích:
– Gây dựng một tinh thần quốc gia mạnh mẽ và sáng suốt.
– Xúc tiến một nền giáo dục hợp với trình độ khoa học hiện đại.
Phương pháp áp dụng trong các học đường sẽ là phương pháp thực nghiệm mục đích để cụ thể hóa cùng hợp lý hóa các bài học.
Nếu chương trình bậc Tiểu học có tính cách phổ thông để đạt tới nền học vấn đại chúng cưỡng bách, thời chương trình bậc Trung học phải sửa soạn thanh niên Việt Nam cho đủ kiến thức theo các ngành học chuyên môn.
Bậc Trung học định 7 năm, sau thời gian đó, học sinh thi Tú tài.
Tuy chương trình được xếp đặt điều hòa trong thời gian đó, nhưng ngay trong bốn niên đầu (từ Đệ thất niên đến Đệ tứ niên) [Đệ thất đến Đệ tứ, tức lớp 6 đến lớp 9 sau này], đã dạy cho học sinh những điều căn bản thường thức thiết yếu để một mặt có đủ học lực theo bậc Trung học đến cùng, một mặt giúp các học sinh luống tuổi sau 4 niên học có thể tìm việc làm hoặc theo học những trường chuyên nghiệp.
Vì mục đích đó, vả lại cũng muốn tránh nạn khoa cử có khi làm kìm hãm năng lực học sinh được phát triển, nên sau 4 niên học đầu đó, sẽ chỉ mở kỳ thi cốt để kiểm điểm lại kết quả 4 niên học. Những học sinh đỗ trong thời kỳ này sẽ được Bộ Quốc gia Giáo dục cấp cho một chứng chỉ nhận đã học qua 4 năm.
Từ Đệ tam niên trở lên đến Đệ nhất niên [Đệ tam đến Đệ nhất, tức từ lớp 10 đến lớp 12 sau này], chương trình chú ý đến việc đặt nền móng những ngành đại học chuyên môn. Học sinh theo học những ban chuyên khoa và sau ba niên học sẽ thi lấy bằng Trung học tốt nghiệp tức là Tú tài Việt Nam. Bằng này chia làm hai phần, phần thứ nhất thì vào cuối đệ nhị niên, phần thứ hai thì vào cuối Đệ nhất niên.
Để điều hoà chương trình cùng trau dồi khả năng và sở trường học sinh Việt Nam, sẽ thiết lập những ban chuyên môn ngay từ Đệ thất niên.
Trong 4 năm đầu (từ đệ nhất niên đến đệ tứ niên) sẽ chỉ có 2 ban, ban A tức cổ điển, ban B tức sinh ngữ. Theo danh hiệu, hai ban chỉ khác nhau ở chỗ ban A thời chú trọng đến văn chương cổ điển nước nhà và Hán học, còn ban B thì cho học sinh tập học ngay những sinh ngữ chính hiện tại. Còn về các môn khác, cả 2 ban đó vẫn giữ nguyên tính cách phổ thông như nhau.
Từ Đệ tam đến Đệ nhất niên, nguyên tắc chuyên khoa cần phải duy trì, nên chương trình có quy định 3 ban: ban khoa học, ban sinh ngữ và cổ điển.
Những nguyên tắc, cùng phương pháp và thể thức nói trên sẽ được áp dụng một cách hợp lý, trong tất cả các môn học, tuỳ theo từng lớp, từng ban. Theo niên độ từ lớp dưới lên lớp trên, giữa các ban, chương trình mới sẽ giới hạn một… [mất mấy chữ].
Vấn đề chuyển ngữ đã được giải quyết: ở bậc Trung học cũng như ở mọi bậc học khác, tiếng Việt Nam phải là chuyển ngữ.
Riêng ở bậc Trung học, học sinh sẽ có dịp trau dồi cặn kẽ tiếng mẹ đẻ trong những giờ giảng văn. Những áng văn chương tuyệt tác cùng các văn gia, thi gia trứ danh sẽ được giảng tường tận qua sự phân tách những khuynh hướng trong lịch sử văn chương nước nhà.
Ngoài Quốc văn làm chuyển ngữ, Pháp văn được chọn làm sinh ngữ chính sẽ bắt đầu dạy ở lớp Đệ thất niên [lớp 6] ban Trung học.
Về môn này, lối học thụ động áp dụng từ xưa phải bỏ đi, để nhường chỗ cho phương pháp hoạt động. Những bài văn phạm sẽ đi đôi với bài ngữ vựng hoặc giảng văn, như vậy sẽ thêm phần linh hoạt và không mất nhiều thời giờ.
Bên cạnh Pháp ngữ, còn có Anh ngữ, một thứ tiếng phổ thông nhất trên thế giới, tiếng này sẽ cũng được dạy ngay từ Đệ thất niên.
Về việc dạy ngoại ngữ, môn âm ngữ học [ngữ âm học] sẽ được đặc biệt chú ý.
Cũng về phần văn chương, chương trình mới duy trì giá trị Hán tự, nên lập ra ban cổ điển. Bài học chữ Hán sẽ không còn là bài học khô khan, trái lại sẽ hòa hợp với những bài giảng Việt văn. Ban cổ điển cũng như ban sinh ngữ, sẽ đào tạo sau này những sinh viên theo học văn chương trong đại học đường Việt Nam.
Toán học cùng môn Vật lý hóa, Vạn vật học trong chương trình mới phải là phản ánh những sự tiến triển mới mẻ nhất của khoa học hiện đại. Phần lý thuyết sẽ thu hẹp lại trong khuôn khổ những nguyên tắc căn bản, phần thực hành trái lại sẽ dồi dào để cụ thể hóa các bài học. Vạn vật học dạy ở 4 ban từ Đệ tam đến Đệ nhất niên, nhưng chỉ có trong chương trình thi Tú tài phần thứ hai.
Sử ký, Địa dư của chính nước nhà bấy lâu bị bỏ rơi sẽ được đặt vào địa vị môn học xứng đáng và trình bầy, giảng dạy một cách khoa học ngoài cả những thành kiến hủ lậu hoặc nghi sử. Tuy nhiên địa dư cùng lịch sử các nước trên hoàn cầu cũng được chú trọng hơn nữa.
Môn Triết dạy ở các lớp Đệ nhất niên các ban, thứ nhất là ở ban cổ điển. Học sinh sẽ tập suy luận trong những buổi đàm thuyết hướng dẫn. Hơn nữa tư tưởng các triết gia Âu Mỹ sẽ được nghiên cứu bên cạnh các học thuyết Á Đông.
Ngoài các môn học chính kể trên, chương trình Trung học mới còn chú ý đến phần đức dục và thể dục học sinh. Luân lý và Công dân giáo dục trong bốn năm đầu dạy cho học sinh, qua những bài học thực tế, bổn phận làm người, làm công dân trong một nước.
Bài học thể dục từ nay sẽ được bồi bổ thêm bằng những buổi tập võ bị.
Tóm lại, đại cương chương trình giáo dục bậc Trung học mới dựa trên quan niệm tổ chức một nền giáo dục quốc gia trong một nước độc lập.
Về phương diện cá nhân học sinh, nguyên tắc tổng hợp được áp dụng, vừa để các khả năng học sinh tự do nẩy nở, vừa chỉ huy những môn học thiết yếu cần trau dồi.
Về phương diện giá trị tổng quát, chương trình mới này sẽ phối hợp được những sự tiến triển mới mẻ với những đặc điểm văn hóa thuần túy Việt Nam. Như vậy đối chiếu với văn bằng ngoại quốc, thứ nhất là bằng Tú tài Pháp, giá trị chắc chắn của văn bằng Việt Nam sẽ là đảm bảo cho các sinh viên Việt Nam tòng học bất cứ ở trường đại học nào, trong nước hoặc ở ngoại quốc.
Sau cùng, Bộ Quốc gia Giáo dục thấy cần phải nói rõ thêm về việc thi hành chương trình mới, vì với thời gian thi hành, mới thấy rõ thêm các đặc điểm cùng khuyết điểm.Tôi rất mong các giáo sư, lâu dần với kinh nghiệm thu lượm trong khi dạy học, sẽ vạch rõ quan niệm riêng, để đính chính những chỗ sai, thừa hoặc thiếu, như vậy chương trình sẽ thêm phần hoàn hảo.
Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 1949
Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục
PHAN HUY QUÁT
b. Nội dung chương trình
Trích thí dụ chương trình Quốc văn và Luân lý-Công dân giáo dục lớp Đệ tứ (tương đương lớp 9 bây giờ):
CHƯƠNG TRÌNH QUỐC VĂN
Nguyên tắc.- Học trò vào cấp Trung học đã biết đủ những tiếng thường dùng để biểu diễn các tư tưởng thiển cận quan hệ đến đời sống hàng ngày và những môn khoa học thường thức. Vậy chỉ nên chú trọng đến những danh từ do chữ Hán mà ra và những danh từ khoa học thông dụng.
a) Những danh từ ấy cần định nghĩa cho rõ và nếu có thể được nên viết cả nguyên chữ Nho cho những chữ phiên âm để khỏi ngộ nhận những chữ đồng âm.
b) Nên chú trọng đến cách viết những chữ âm gần giống nhau (như s, x, ch, tr, v.v…).
c) Nhiều chữ kép gồm một chữ Nho với một tiếng Việt ghép vào với nhau mà cả hai chữ cũng cùng một nghĩa (như sinh sống, tu sửa, bàn luận v.v…). Nên sửa bỏ những chữ điệp ý ấy đi.
d) Nên dùng những bài giảng văn để dạy ngữ vựng. Đồng thời dạy học trò quan sát sự vật, đặt câu với những chữ học trong bài ngữ vựng.
Đệ tứ niên A và B
Ngữ vựng.- Danh từ về luân lý, công dân giáo dục, triết học và kinh tế học (chỉ dạy những tiếng phổ thông).
Tập văn.- Như lớp Đệ ngũ, chỉ thêm những đề hơi có tính cách văn chương.
Giảng văn:
a) Trích Đoạn trường tân thanh, Tỳ bà hành (bản dịch), Quốc sử diễn ca.
b) Thơ văn sau Đoạn trường tân thanh: Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu (trừ Lục Vân Tiên). Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, thơ văn cận đại và hiện đại.
CHÚ:
Nhân giảng văn, sẽ cho học trò biết ít điều đại cương về văn học sử từ đầu thế kỷ thứ XIX đến nay cùng những điều thường thức về các thể: thơ cổ phong, hát nói, phú, thơ mới.
c) Văn xuôi trích ở các tác giả hiện đại.
CHƯƠNG TRÌNH LUÂN LÝ VÀ CÔNG DÂN GIÁO DỤC
Đệ tứ niên
Luân lý.- 1) Lương tâm. Quan niệm về trách nhiệm, lý trí và lương tâm.
2) Các môn phái về luân lý. Luân lý hòa hợp với nhân loại.
3) Anh hùng. Lý tưởng của người quân tử.
4) Bình luận vài đoạn trích ở Tứ thư và Cổ học tinh hoa.
Công dân giáo dục.- Kinh tế học lược giảng. Nói qua về kinh tế tự do, chỉ huy. Sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu thụ tài sản.
Chú ý.- Trong các bài luân lý nên chọn những câu phương ngôn, ngạn ngữ, cách ngôn, châm ngôn của Á Đông và của Âu Tây có liên quan đến bài dạy mà cho học trò học thuộc lòng.
3. Chương trình Trung học 1958-1959
a. Tổng quát
Được ban hành theo Nghị định số 1286-GD/NĐ ngày 12/8/1958, dưới thời Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Trần Hữu Thế, ấn định kể từ niên học 1958-1959 chương trình Trung học trên toàn cõi Việt Nam (tức toàn cõi miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ). Đây là bộ chương trình được áp dụng xuyên suốt thời kỳ VNCH, mà những chương trình cập nhật hóa đến sau đều căn cứ vào với sự thay đổi chút ít ở một vài chi tiết nhỏ không đáng kể.
Học trình gồm 4 năm Trung học Đệ nhất cấp (Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ, Đệ tứ, tương đương các lớp 6,7,8, 9) và 3 năm Trung học Đệ nhị cấp (Đệ tam, Đệ nhị, Đệ nhất, tương đương các lớp 10, 11,12).
Các môn học: Quốc văn, Hán tự, Sử địa, Công dân giáo dục, Sinh ngữ, Vạn vật, Lý hóa, Toán, Triết học (chỉ có ở lớp Đệ nhất), Vẽ, Âm nhạc, Thể dục, Thủ công (dành cho nam sinh), Nữ công Gia chánh Dưỡng nhi (dành cho nữ sinh).
Tuy cũng chỉ cải biên từ những chương trình đã có trước, bộ chương trình Trung học mới này đã tỏ ra có nhiều điểm tiến bộ, được biên soạn có quy củ và công phu hơn. Vì vậy, bởi tầm quan trọng của nó, để làm tài liệu tham khảo cho nền giáo dục miền Nam trước 1975, dưới đây xin chép lại nguyên văn bài “Nguyên tắc cải tổ Chương trình Trung học” đặt ở đầu sách Chương trình Trung học do Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn xuất bản năm 1960:
NGUYÊN TẮC CẢI TỔ CHƯƠNG TRÌNH TRUNG HỌC
I. Nguyên tắc căn bản của nền giáo dục Việt Nam
(Lược bỏ bớt, vì chỉ nhắc lại y như Chương trình Tiểu học 1959-1960 đã giới thiệu ở phần trên)
II. Nguyên tắc đại cương cho việc soạn thảo chương trình Trung học
Căn cứ vào ba nguyên tắc căn bản của nền giáo dục Việt Nam đã được ấn định, bậc Trung học có mục đích:
– Hun đúc tâm hồn và tính khí,
– Mở mang kiến thức phổ thông,
– Rèn luyện phương pháp suy tưởng và hành động, để chuẩn bị học sinh có đủ khả năng ra đời hay chuyển sang và các ngành Kỹ thuật chuyên nghiệp hoặc tiến lên bậc Đại học.
Do đó, chương trình Trung học:
– Chú trọng đào tạo con người quân bình về hai phương diện cá biệt và cộng đồng.
– Vừa phải thích ứng với những hoàn cảnh thực tế hiện tại, vừa có tính cách trường cửu.
– Cần được giản dị hóa, tránh lối nhồi sọ, nhưng vẫn cố gắng đưa mỗi vấn đề học tập đến chỗ chính xác tinh tường.
III. Những tương quan giữa Trung học và Đại học
a) Tương quan về tổng quát:
Để cho có sự nối tiếp hợp lý giữa các cấp bậc học đường, chương trình giáo dục ở Trung học cũng như ở Đại học cần phải sửa đổi lại cho phù hợp với những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục Việt Nam mà Hội nghị đã ấn định trong bản quyết nghị đầu tiên:
b) Tương quan về Sinh ngữ:
1) Sinh ngữ ở bậc Trung học:
-Đệ nhất cấp: chỉ học một sinh ngữ.
-Đệ nhị cấp: học hai sinh ngữ (một sinh ngữ chính và một sinh ngữ phụ).
2) Chuyển ngữ ở bậc Đại học:
(a) Sẽ tiến tới việc dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ ở bậc Đại học, nhưng việc này phải được chuẩn bị ngay từ bây giờ bằng:
– Việc đào tạo giáo sư đại học.
– Việc thống nhất danh từ.
– Việc biên soạn và dịch thuật các sách.
(b) Mặc dù chuyển ngữ ở đại học là tiếng Việt, sinh viên cũng cần phải thành thạo một sinh ngữ và biết qua một sinh ngữ khác.
IV. Chia bậc và chia Ban
Ở Đệ nhất cấp: không chia thành ban.
Ở Đệ nhị cấp từ lớp Đệ tam lên đến tới Đệ nhất chia làm 4 ban:
-Văn chương sinh ngữ,
– Văn chương cổ ngữ,
– Khoa học Toán,
-Khoa học Thực nghiệm.
V. Thời hạn học tập ở bậc Trung học
– Đệ nhất cấp: 4 năm.
– Đệ nhị cấp : 3 năm.
VI. Các môn học, số giờ của mỗi môn, của mỗi ban
1. Trung học Đệ nhất cấp:
BẢNG PHÂN PHỐI GIỜ CHO MỖI MÔN Ở BẬC TRUNG HỌC ĐỆ I CẤP
MÔN HỌC |
Lớp Đệ thất |
Lớp Đệ lục |
Lớp Đệ ngũ |
Lớp Đệ tứ |
1. Quốc văn và Hán tự ………………………. 2. Sử địa …………………………………….. 3. Công dân giáo dục (lý thuyết và thực hành) ……………………………………………….. 4. Sinh ngữ ………………………………….. 5. Vạn vật …………………………………… 6. Lý hóa …………………………………… 7. Toán ……………………………………… Cộng ……………….. |
5 + 1 2 2 6 1 2 3 |
5 + 1 2 2 6 1 2 3 |
5 + 1 2 2 5 2 2 1/2 3 1/2 |
5 + 1 2 2 5 2 2 1/2 3 1/2 |
22 |
22 |
23 |
23 |
|
Vẽ …………………………………………… Âm nhạc ……………………………………. Thể dục ……………………………………… Thủ công (Nam) ……………………………. Nữ công Gia chánh Dưỡng nhi (Nữ) ………… Tổng cộng ………….. |
1 1 3 1 1 |
1 1 3 1 1 |
1 1 3 1 1 |
1 1 3 1 1 |
28 |
28 |
29 |
29 |
2. Trung học Đệ nhị cấp
BẢNG PHÂN PHỐI GIỜ DẠY Ở CÁC MÔN HỌC CHO BẬC TRUNG HỌC ĐỆ II CẤP
BAN |
VĂN CHƯƠNG SINH NGỮ |
VĂN CHƯƠNG CỔ NGỮ |
KHOA HỌC TOÁN |
KHOA HỌC THỰC NGHIỆM |
||||||||
Môn học |
III |
II |
I |
III |
II |
I |
III |
II |
I |
III |
II |
I |
1. Quốc văn …………………… 2. Sử địa ………………………. 3. Công dân giáo dục (lý thuyết và thực hành) …………………. 4. Triết học …………………… 5. Sinh ngữ 1 …………………. 6. Sinh ngữ 2 …………………. 7. Cổ ngữ (Hán văn hoặc Latin) 8. Lý hóa ……………………… 9. Toán ………………………… 10. Vạn vật …………………… Cộng ………….. Thể dục (1) ………………… Nam học sinh ……………… Nữ học sinh ……………….. Nữ công gia chánh dưỡng nhi Tổng cộng …….. |
5 2 2 0 6 6 0 1 1 1 |
5 2 2 0 6 6 0 1 1 1 |
0 2 1 9 6 6 0 1 1 1 |
5 2 2 0 6 0 6 1 1 1 |
5 2 2 0 6 0 6 1 1 1 |
0 2 1 9 6 0 6 1 1 1 |
3 2 2 0 4 4 0 4 6 1 |
3 2 2 0 4 4 0 4 6 1 |
0 2 1 3 3 3 0 6 8 1 |
3 2 2 0 4 4 0 4 4 3 |
3 2 2 0 4 4 0 4 4 3 |
0 2 1 4 3 3 0 6 4 4 |
24 |
24 |
27 |
24 |
24 |
27 |
26 |
26 |
27 |
26 |
26 |
27 |
|
3 3 1 |
3 3 1 |
3 3 0 |
3 3 1 |
3 3 1 |
3 3 0 |
3 3 1 |
3 3 1 |
3 3 0 |
3 3 1 |
3 3 1 |
3 3 0 |
|
27 và 28 |
27 và 28 |
30 |
27 và 28 |
27 và 28 |
30 |
29 và 30 |
29 và 30 |
30 |
29 và 30 |
29 và 30 |
30 |
(1) Khi có đủ phương tiện và huấn luyện viên, số giờ thể dục có thể tăng lên tới 6 giờ mỗi tuần.
b. Nội dung chương trình
CHƯƠNG TRÌNH QUỐC VĂN
Phần Việt văn
A. Giảng văn và Văn học sử
(Lược bớt, không trích phần B. Chính tả và Văn phạm, và C. Bài tập Quốc văn)
Mục đích: Mục đích của môn Giảng văn là làm cho học sinh thấu hiểu giá trị về hình thức và nội dung của một tác phẩm hay một đoạn văn, để nhờ đó hun đúc tính khí và tâm hồn, mở mang kiến thức về văn học và thâu thái những điều bổ ích cho việc luyện văn.
1. Phần Kim văn: Hình thức và nội dung của những bài Giảng văn phải phù hợp với chương trình Luận văn đương được giảng dạy: chẳng hạn, dạy những bài Giảng văn có tính cách miêu tả trong giai đoạn dạy Luận văn về loại miêu tả, có tính cách thuật sự trong giai đoạn dạy Luận văn về loại thuật sự, v.v…
Phải lựa những bài văn có giá trị để rồi bắt học sinh học thuộc lòng hầu luyện ký ức và văn khiếu.
2. Phần Cổ văn: Phải chọn những đoạn rất tiêu biểu, nhiều hay ít, dài hay ngắn tùy theo lớp và cấp học. (Về điểm này, bộ sẽ có những chỉ thị rõ ràng để ấn định nên trích những đoạn nào trong một tác phẩm, giảng những bài nào của một tác giả).
3. Việc đọc sách: Giáo sư phải hướng dẫn học sinh đọc sách. Học sinh phải có vở riêng để ghi chép những đoạn văn hay, tóm lược cuốn sách đã đọc. Mỗi tháng nên kiểm soát vở đó một lần để theo dõi sự tự học của học sinh, khuyến khích sự đọc sách cho thành một sự ham mê để khi ra đời học sinh nhờ đó mà luôn tiếp tục việc học hỏi.
ĐỆ THẤT
I.- Văn xuôi hiện kim: Mỗi tuần 2 giờ
Bài chọn trong tác phẩm của nhà văn hiện kim, phù hợp với chương trình Luận văn.
II.- Văn vần và truyện cổ: Mỗi tuần 1 giờ
Trích giảng
a) Văn vần: Tục ngữ, ca dao, vè; Lục súc tranh công; Nhị thập tứ hiếu.
b) Truyện cổ: của Nguyễn Văn Ngọc, Phan Kế Bính (Nam Hải dị nhân, Hưng Đạo Vương)
ĐỆ LỤC
I.- Văn xuôi hiện kim: Mỗi tuần 2 giờ
Cũng như ở năm Đệ thất nhưng chọn nhiều bài về loại thuật sự, loại hỗn hợp (vừa miêu tả vừa thuật sự). Lẽ tất nhiên bài dài hơn năm Đệ thất.
II.- Văn vần và truyện cổ: Mỗi tuần 1 giờ
Trích giảng:
a) Văn vần: Gia huấn ca (Nguyễn Trãi); Bích Câu kỳ ngộ; Bà Huyện Thanh Quan.
b) Truyện cổ: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của
III.- Văn thể: Lục bát và biến thể.
ĐỆ NGŨ
I.- Văn xuôi: Mỗi tuần 2 giờ 30
1) Một số bài về loại miêu tả, thuật sự có tính cách tế nhị, phức tạp.
2) Văn nghị luận của Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bá Học, Phan Kế Bính và những bài trích trong tạp chí văn chương, khoa học (Đông Dương tạp chí, Nam phong tạp chí, Tri tân,Thanh nghị, Tao đàn…)
II.- Văn vần: Mỗi tuần 1 giờ 30
Trích giảng: Lê Thánh Tôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khắc Hiếu.
III.- Văn thể: Song thất lục bát và biến thể; thơ Đường luật.
ĐỆ TỨ
I.- Văn xuôi: Mỗi tuần 2 giờ
Văn nghị luận của Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan Chu Trinh.Trích các bài nghị luận trong các tạp chí (như đã nói ở năm Đệ ngũ).
II.- Văn vần: Mỗi tuần 1 giờ
1) Trích giảng: Cung oán ngâm khúc, Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương.
2) Một hai bài tiêu biểu: Cao Bá Quát, Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị.
Thi ca của các nhà ái quốc: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh.
III.- Văn thể: Hát nói.
IV.- Văn học sử: Đại cương về văn học sử Việt Nam từ thời khởi thủy đến thời hiện kim (5 giờ cho toàn niên khóa).
ĐỆ TAM VĂN CHƯƠNG (Sinh ngữ và Cổ ngữ)
I.- Văn học sử: Văn chương truyền khẩu; – Văn nôm từ đời Trần cho đến hết đời Nguyễn Du; – Giới thiệu những tác phẩm Hán văn do người Việt sáng tác tương ứng với các thời kỳ của nền văn nôm.
II.- Văn thể: Đối, phú, văn tế.
III.- Trích giảng: Tục ngữ, ca dao
1) Một hai bài tiêu biểu: Thơ Hồng Đức, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Thái, Nguyễn Huy Lượng, Lê Quý Đôn.
– Đặng Đức Siêu (Văn tế)
– Nguyễn Văn Thành (Văn tế)
2) Trích nhiều hơn: Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, Hoa tiên truyện, Đoạn trường tân thanh.
ĐỆ TAM KHOA HỌC (Toán và Thực nghiệm)
I. Văn học sử: Cũng như đệ tam Văn chương nhưng khái quát, sơ lược hơn (với mục đích mở mang kiến thức phổ thông và đào tạo tâm hồn nhân bản hơn là hướng dẫn vào các ngành văn học nghệ thuật như ở các ban văn chương).
II. Trích giảng
1) Một hai bài tiêu biểu:
– Tục ngữ ca dao, thơ Nôm đời Hồng Đức, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Văn tế trận vong tướng sĩ.
2) Trích: Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, Đoạn trường tân thanh.
ĐỆ NHỊ VĂN CHƯƠNG (Sinh ngữ và Cổ ngữ)
I. Văn học sử: Từ sau Nguyễn Du đến năm 1945.
– Giới thiệu những tác phẩm bằng Hán văn do người Việt sáng tác trong thời kỳ đó.
II. Văn thể: Ôn lại Hát nói, thơ Đường luật, Thơ mới.
III.Trích giảng:
– Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu (thơ và văn tế), Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, Tự tình khúc.
– Nhóm Đông Dương tạp chí (Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính).
– Nhóm Nam phong (Phạm Quỳnh, Nguyễn Trọng Thuật).
– Nguyễn Khắc Hiếu (văn vần).
– Tự lực văn đoàn: Nhất Linh (Đoạn tuyệt), Khái Hưng (Nửa chừng xuân), Hoàng Đạo (Mười điều tâm niệm).
ĐỆ NHỊ KHOA HỌC (Toán và Thực nghiệm)
I. Văn học sử: Cũng như lớp Đệ nhị Văn chương nhưng khái quát, sơ lược hơn (với mục đích mở mang kiến thức phổ thông và đào tạo tâm hồn nhân bản hơn là hướng dẫn vào các ngành văn học nghệ thuật như các ban văn chương).
II. Văn thể: Thơ mới
III. Trích giảng: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nhóm Đông Dương tạp chí (Nguyễn Văn Vĩnh), Nhóm Nam phong (Phạm Quỳnh), Nguyễn Khắc Hiếu (văn vần), Tự lực văn đoàn: Nhất Linh (Đoạn tuyệt), Khái Hưng (Nửa chừng xuân), Hoàng Đạo (Mười điều tâm niệm).
CHƯƠNG TRÌNH CÔNG DÂN GIÁO DỤC
HUẤN THỊ
VỀ CÁCH GIẢNG DẠY MÔN CÔNG DÂN GIÁO DỤC
Môn Công dân giáo dục có mục đích làm cho học sinh:
– Nhận định được chân giá trị của con người cùng địa vị và bổn phận con người trong gia đình, giữa xã hội;
– Thấu triệt quyền lợi cùng bổn phận người công dân trong một quốc gia dân chủ và độc lập.
Trong chương trình này, Đức dục và Công dân giáo dục bổ túc lẫn nhau, dùng học đường để chuẩn bị học sinh bước vào đời sống xã hội và quốc gia, đào luyện một “con người” đầy đủ đức tính đồng thời cũng là một “công dân” xứng đáng.
Trong phương pháp giảng dạy, lý thuyết sẽ đi đôi với thực hành. Về mỗi vấn đề đem ra giảng dạy có hai phần:
– Phần lý thuyết gồm một bài học ngắn, giản dị, dùng ít danh từ trừu tượng, và một bài học thích ứng trích trong văn chương, sử ký;
– Phần thực nghiệm một bài vấn đáp cốt làm sáng tỏ ý nghĩa bài học hoặc giải thích những điểm phụ thuộc vào bài học và một hoạt động để thực hành những điều giảng dạy.
Từ Đệ thất đến Đệ nhị, giờ Hiệu đoàn [Sinh hoạt học đường] sẽ dành riêng cho hoạt động thực hành này. Tại lớp Đệ nhất, không còn một giờ lý thuyết về môn Công dân giáo dục, giờ Hiệu đoàn sẽ dùng để thực hành và nhắc lại những điều đã học trong những năm trước.
Sự giảng dạy phải có tính cách thực tế và linh động làm cho học sinh hiểu những điều học tập. Giáo sư cần phải nêu rõ lý do của những bổn phận hoặc quy tắc, tránh cách học nhồi sọ. Trong khi diễn giảng, giáo sư có thể dùng tranh ảnh, đĩa thâu thanh hoặc các phương tiện khác. Giáo sư sẽ lấy thí dụ trong thời sự, đời sống hàng ngày và những sự kiện lịch sử hiện đại Việt Nam. Học sinh không được thụ động: bài vấn đáp rất quan trọng giúp cho học sinh suy nghĩ, đặt câu hỏi diễn tả và trao đổi ý kiến. Hoạt động thực hành dưới sự điều khiển của giáo sư, có thể dùng phương pháp diễn kịch, du học thực hành, điều tra, phỏng vấn, thuyết trình, bích báo, tham gia các tuần lễ xã hội do chánh phủ tổ chức (tuần lễ giao thông vệ sinh…).
CHƯƠNG TRÌNH CÔNG DÂN GIÁO DỤC
(Từ Đệ thất đến Đệ nhị: 2 giờ mỗi tuần)
ĐỆ THẤT
Nhân bản:
Thể xác và tinh thần- Con người và ngoại vật- Bổn phận không phung phí vật phẩm, không hành hạ súc vật.
Bổn phận đối với bản thân: Thân thể-Tình cảm- Ý chí-Trí tuệ. Trau dồi nhân cách và đề cao tinh thần tự trọng.
Đời sống trong gia đình:
– Tổ tiên, cha mẹ; anh em, thân thuộc (họ nội, họ ngoại), gia nhân.
– Tri ân tổ tiên, gia đạo, hiếu đễ, tương thân, tương ái.
Đời sống tại học đường:
– Bổn phận đi học, học nghề – Bổn phận đối với thầy học (kính trọng, vâng lời, tri ân).
– Cách đối xử với bạn học- (sự ganh đua, nghĩa đoàn thể, tính khiêm nhượng, lòng tôn trọng lẫn nhau).
– Kỷ luật học đường- (chuyên cần, tôn trọng kỷ luật, danh dự học đường, giữ gìn vật dụng học đường).
– Tư cách học sinh (y phục, cách ăn nói, danh dự và giá trị cá nhân).
ĐỆ LỤC
Đời sống trong xã hội:
Liên hệ giữa cá nhân và xã hội-nhân loại-hoạt động và công trình liên đới của các thế hệ đã qua, hiện tại và tương lai.
Chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, tập quán, tục lệ.
Các đoàn thể nhân quần: xóm giềng, làng xã, quốc gia, quốc tế – ái hữu, hiệp hội, hợp tác xã, nghiệp đoàn.
Bổn phận đối với xã hội:
– Kỷ luật trong đoàn thể và luật pháp trong xã hội, công lý và bác ái.
– Bổn phận cần lao, đời sống người cần lao, bổn phận góp sức vào sự tiến triển của nhân loại.
– Yêu chuộng hòa bình (những đức tính cần thiết).
Xã giao:
Phép lịch sự và kỷ luật xã hội: phục sức, chào hỏi, giới thiệu, tiếp khách; cử chỉ tại những nơi công cộng: ngoài đường, rạp hát, tiệm ăn…
ĐỆ NGŨ
Tổ chức công quyền Việt Nam:
Hiến pháp và luật lệ (căn bản của tổ chức công quyền).
Quốc kỳ, quốc ca.
Tổng thống; Quốc hội; Các bộ, các công sở, các tòa án; Các địa phận hành chánh: làng, tổng, quận, tỉnh, thành phố, thủ đô.
ĐỆ TỨ
Quốc gia:
Yếu tố cấu thành quốc gia: lãnh thổ, dân tộc, chính quyền.
Quốc gia độc lập, giao dịch quốc tế: tình thân hữu và chính sách không bài ngoại.
Chính quyền trong quốc gia: hiến pháp (thành lập, sửa đổi).
Sơ lược về các chính thể: quân chủ, dân chủ, độc tài, cộng hòa.
Quyền lợi và nhiệm vụ của công dân:
Các đảm bảo về bản thân (an ninh cá nhân, tôn trọng đời tư và danh dự cá nhân, quyền làm việc), các tự do tư tưởng (tín ngưỡng, ngôn luận, hội họp, vãng lai, cư trú, hành nghiệp, tham chính), các quyền kinh tế và xã hội (quyền tư hữu, tiết kiệm, kinh doanh, các an ninh xã hội) – lòng ái quốc, bổn phận tôn trọng và bảo vệ hiến pháp, tinh thần trọng luật, bổn phận đóng thuế, quân dịch.- Nhấn mạnh về quyền và bổn phận bầu cử.
Ghi chú: Về chương trình Đệ ngũ và Đệ tứ, giáo sư sẽ lấy thí dụ cụ thể trong những thực hiện của Chánh phủ Việt Nam để củng cố nền độc lập và chính thể Cộng hòa.
ĐỆ TAM
Khái lược về chính trị:
– Chế độ dân chủ: nguồn gốc, tiến triển.
– Nguyên tắc phân quyền.
– Hình thức tổ chức chính quyền: Tổng thống chế, Đại nghị chế và Quốc hội chế.
– Tổ chức quốc tế : Liên Hiệp Quốc và thí dụ về vài cơ quan Quốc tế (cơ quan Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Quốc tế (U.N.E.S.C.O.), cơ quan Lao động Quốc tế ( B.I.T.), cơ quan Y tế Quốc tế (O.M.S.)
Giao tế và sinh hoạt xã hội: nơi công cộng- lễ gia đình (lễ cưới, tang lễ…) – hội họp, tiệc tùng.
Hiệp hội có tính cách xã hội: nghiệp đoàn, hội ái hữu, đoàn thể văn hóa…
ĐỆ NHỊ
Khái lược về kinh tế:
– Chủ nghĩa kinh tế, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, kinh tế tự do, kinh tế chỉ huy.
– Yếu tố sản xuất: vốn, nhân công, kỹ thuật, tài nguyên, thiên nhiên.
– Cơ quan sản xuất và mậu dịch: xí nghiệp tư và công, công nghiệp và nông nghiệp, hợp tác xã.
– Tiền tệ: tiền vàng và tiền giấy.
– Ngân hàng và tín dụng.
– Mậu dịch và quốc tế.
CHƯƠNG TRÌNH TRIẾT HỌC
ĐỆ NHẤT
Ban Văn chương: Sinh ngữ, Cổ ngữ
(Mỗi tuần lễ 9 giờ)
I. Tâm lý học
Đối tượng Tâm lý học – Tính cách các hiện tượng tâm lý. Những tương quan giữa hiện tượng tâm lý và hiện tượng sinh lý. Quan điểm nội quan và quan điểm ngoại quan.
Tri giác. Cảm giác và hình ảnh.
Liên tưởng. Ký ức. Trí tưởng tượng. Chú ý.
Trừu tượng và khái quát. Công dụng của ký hiệu. Ngôn ngữ và tư tưởng.
Phán đoán và suy luận.
Cảm giác và hoạt động. Khuynh hướng và cử động.
Khoái lạc và đau khổ tinh thần và vật chất. Cảm xúc. Đam mê.
Bản năng.Tập quán. Ý chí. Tình hình.
Ý thức.Vô ý thức. Nhân cách. Nhân vị.
Lý trí và tự do.
II. Luận lý học
Những nguyên tắc căn bản của lý trí.
Phương pháp thông thường của tư tưởng: trực giác và suy luận.
Diễn dịch và quy nạp, Phân tách và tổng hợp.
Khoa học và tinh thần khoa học. Khoa học và kỹ thuật.
Toán pháp: Đối tượng – nền tảng – phương pháp – lý luận. Công dụng.
Khoa học thực nghiệm: Sự kiện – giả thuyết – khám phá và kiểm chứng định luật – nguyên lý – lý thuyết.
Một vài thí dụ về những thuyết lớn thuộc Vật lý học, Hóa học và Sinh lý học hiện đại.
Khoa học nhân văn: Tâm lý học, Sử ký và Xã hội học.
III. Đạo đức học
Vấn đề đạo đức. Đạo đức và khoa học.
Lương tâm: bản chất và giá trị.
Bổn phận và quyền lợi. Trách nhiệm.
Công lý và bác ái.
Các quan niệm lớn của đời sống đạo đức Đông và Tây.
Đạo đức và đời sống cá nhân.Thân thể và tinh thần. Nhân phẩm. Nhân vị và cộng đồng.
Đạo đức và đời sống gia đình: Gia đình. Vấn đề hôn nhân và vấn đề sinh sản.
Đạo đức và kinh tế. Phân công. Liên đới. Nghề nghiệp, vấn đề xã hội.
Đạo đức và chính trị. Chủ nghĩa “dân vi quý” của Mạnh Tử. Tự do và bình đẳng. Tổ quốc, quốc gia, nhà nước (Patrie-Nation-Etat).
Luật pháp. Quyền lợi và bổn phận của công dân. Vấn đề dân tộc thiểu số.
Đạo đức và giao thiệp quốc tế.
Nhân loại. Bổn phận đối với nhân loại.
Thuyết “nhân ái” của Khổng Tử. Thuyết “từ bi” của Phật giáo. Thuyết “bác ái” của Thiên Chúa giáo.
IV. Triết học tổng quát
Nhận thức luận, những nguyên tắc căn bản của lý trí.
Vấn đề chân lý.
Triết học và khoa học. Triết học và đạo đức.Triết học và tôn giáo.
Không gian và thời gian. Vật chất.
Sự sống.
Tinh thần.
Tự do. Nhân vị và giá trị.
Thượng đế.
V. Triết học Đông phương
Khái quát về:
Khổng Mạnh.
Lão Trang.
Phật nguyên thủy.
VI. Tác phẩm triết học
Trong số 9 giờ học, định cho mỗi tuần lễ 2 giờ trong đệ nhị lục cá nguyệt sẽ dùng để đọc một tác phẩm triết học Tây phương và một tác phẩm Đông phương, tùy ý lựa chọn trong bảng sau đây:
Hai tác phẩm ấy sẽ ghi vào học bạ và sẽ có hỏi đến lúc thi vấn đáp.
Platon: Phédon, Gorgias, La République (một quyển).
Aristote : Morale à Nicomaque (một quyển)
Marc Aurèle: Pensées.
Descartes: Discours de la methode.
Pascal: Pensées et Opuscules.
J.J. Rousseau: Le contrat social (một quyển)
CI. Bernard: Introduction à l’étude de la medicine expérimentale (phần đầu).
Bergson: Le rire. La pensée et le mouvant. Les deux sources de la morale et de la religion.
Emmanuel Mounier: – Le Personnalisme.
– Introduction aux existentialismes.
Gabriel Marcel: Etre et avoir.
Tác phẩm Đông phương:
Bộ Tứ thư: Đại học, Trung dung, Mạnh Tử, Luận ngữ.
Đạo đức kinh.
Dharma Pada. Khóa hư lục.
Ban Khoa học thực nghiệm
(Mỗi tuần 4 giờ)
1. Tâm lý học:
Như ban Văn chương, trừ những điểm:
– Trừu tượng và khái quát.
– Công dụng và ký hiệu.
– Ngôn ngữ và tư tưởng.
– Phán đoán và suy luận.
– Ý chí – tính tình.
– Lý trí và tự do
2. Luận lý học (Như ban Văn chương)
3. Đạo đức học (Như ban Văn chương)
Ban khoa học Toán
(Mỗi tuần 4 giờ)
1. Luận lý học (Như ban Văn chương)
2. Đạo đức học (Như ban Văn chương)
c) Nhận xét về Chương trình Trung học 1958-1959
(1) Nhận định tổng quát
Chương trình Trung học 1958-1959 với một số điểm cải biên, phát triển lên từ những chương trình đã có trước là một nỗ lực lớn của ngành giáo dục thời Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963) đồng thời cũng là kết quả thu lượm được từ những cuộc thảo luận trong Đại hội Giáo dục Quốc gia lần I (năm 1958) dưới thời Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Trần Hữu Thế. Có thể nói, đây là bộ chương trình đã được áp dụng chính thức ở miền Nam xuyên suốt gần 20 năm, vì những chương trình khác gọi là “cải cách” hay “cập nhật hóa” sau đó thật ra chỉ chép lại nguyên văn chương trình này với một vài chi tiết thay đổi không đáng kể, như chúng ta sẽ thấy ở những đoạn khảo sát kế tiếp.
Chương trình “mới” 1958-1959 so với chương trình cũ có vài điểm tiến bộ như ở Trung học Đệ nhất cấp chỉ học một sinh ngữ chính (thay vì hai); ở Đệ nhị cấp có phân ban ngay từ lớp Đệ tam (lớp 10 bây giờ)…
Mặc dù vậy, Chương trình Trung học 1958-1959 vẫn phải chịu khá nhiều sự phê bình của học giới và giới giáo chức công cũng như tư ngay từ khi nó mới ra đời và cả trong khi đang được áp dụng.
Đa số ý kiến đều cho rằng chương trình chỉ cải biên, phát triển lên từ Chương trình Trung học Hoàng Xuân Hãn (1945) vốn đã lạc hậu với thời thế vì chịu ảnh hưởng của chương trình Pháp cũ, vừa nặng nề vừa quá thiên về lý thuyết, không hợp với hoàn cảnh Việt Nam, thiếu thực tế, còn nhiều phần lỗi thời vô dụng (xem phần đúc kết của Tiểu ban Trung học trong Đại hội Giáo dục Toàn quốc 1964, Văn hóa nguyệt san, tập XIV, tlđd., tr. 598), thiếu cải tiến cập nhật theo đà phát triển của khoa học, ít chú trọng hướng nghiệp, với cái học từ chương để phục vụ thi cử hơn là hướng tới những môn học thực dụng cần ích cho xã hội hiện đại đang cần nhiều hơn về các ngành khoa học-kỹ thuật. Các nhà biên soạn chương trình đã có quá nhiều tham vọng, nên đưa ra nhiều yêu cầu cao hơn so với tuổi tác và trình độ thực tế của học sinh, dường như muốn biến học sinh trung học trở thành những con người vừa hoàn thiện về nhân cách vừa bác học đa năng về tri thức, học vấn.
Ngoài những “nguyên tắc căn bản” (Nhân bản, Dân tộc, Khai phóng, áp dụng chung cho cả bậc Tiểu học), Bộ Giáo dục còn đưa ra những “nguyên tắc đại cương” cho việc soạn thảo chương trình với quá nhiều cao vọng, đòi hỏi một cách lãng mạn về những mục đích cao đẹp cần phải đạt, nên đã thiết lập một chương trình học quá nặng quá cao, mà theo ông Nguyễn Hiến Lê, nếu đọc hết cả chương trình mỗi môn từ Việt văn, Hán văn, Pháp văn, Anh văn đến Toán, Lý hóa, Triết học, Âm nhạc…, “người ta càng phải thán phục rằng học sinh trung học Việt Nam có một trình độ vượt hết cả các học sinh trung học thế giới” (“Phải mạnh bạo cải tổ nền giáo dục Việt Nam”, bài 1 trong loạt 5 bài, tạp chí Bách khoa, số 128, tlđd, tr. 15). Rồi tác giả bài viết phê phán xuống từng môn, về Việt văn, Sinh ngữ, Khoa học (Toán, Lý, Hóa, Vạn vật), mà môn nào cũng nặng hơn trước khi cải tổ mấy năm, đặc biệt ở hai môn Triết học và Âm nhạc. Một câu hỏi khác được tác giả đặt ra là giả định Bộ Quốc gia Giáo dục có khả năng làm cho học sinh trung học có được trình độ học thức tổng quát và quảng bác như Bộ muốn đi nữa, thì liệu khi học hết trung học họ có làm được việc gì không, có đủ khả năng ra đời không, hay chỉ làm được cái việc cạo giấy? Ý tác giả muốn nói rằng Chương trình Trung học 1958-1959 cải tổ rồi vẫn còn nặng nề khó theo, khó thực hiện hiệu quả và nhất là thiếu hẳn tính thực dụng so với hoàn cảnh thực tế đất nước.
Trong bài “Góp ý kiến Chương trình Trung học” (Bách khoa, số 184, ngày 1.9.1964), ông Đoàn Thêm cũng cho rằng chương trình học vẫn còn quá nặng. Môn Triết quá khó hiểu đối với hạng thiếu niên 17, 18 tuổi, mà chính ông đọc còn không hiểu, đề nghị chỉ nên giữ lại phân môn Luận lý học “vì môn này đi đôi với khoa học cùng toán học mà trẻ đã quen thuộc trong nhiều năm”; ở ban Toán (B) và ban Vạn vật (A), số giờ Việt văn quá nhiều trong khi số giờ Sinh ngữ quá ít; môn Thủ công ở Đệ nhất cấp dạy qua về các nghề mộc, rèn, hàn… nhưng sao không dạy trồng cây, trồng rau, nuôi gia súc ở một xứ canh nông, hoặc có dạy nhưng lại liệt vào chương trình kinh tế gia đình (lớp Đệ ngũ) dành cho con gái; môn Âm nhạc thì chương trình “phong phú quá thể, đọc qua chắc ai cũng tưởng lạc vào một Viện Âm nhạc”; môn Công dân giáo dục thì cần phân phối lại vì một mục có khi được ghi nhiều lần ở các lớp khác nhau, lại cũng nặng về phần chính trị và kinh tế còn phần xã hội chỉ lướt qua…
“Chương trình Trung học đầy những khuyết điểm không thể kể xiết. Đáng lẽ Chương trình Trung học phải là một chương trình sửa soạn cho trẻ vào đời, người ta lại quy cho chúng một mục đích sai lầm là học để thi. Vì thế những môn cần thiết cho một thanh niên ra đời đã bị xem nhẹ như Sử Địa, Công dân, Sinh ngữ và nhất là các môn dạy cho con người sống xứng đáng là con người…; đó là môn Đức dục hay là Đạo đức… Chúng ta thử hỏi với cái kiến thức phổ thông, những kiến thức về khoa học, về Toán học ở Trung học, chúng ta có thể dùng vào được việc chi… Với những môn học khác cũng vậy… Về Sinh ngữ, chương trình thì quá nặng mà học sinh thì lại càng ngày càng kém…” (Hà Văn Kỳ, “Giáo dục trong chiều hướng phát triển quốc gia”, tập san Minh đức, số 1 & 2, tháng 6-7/1972, tr. 166-167).
Chương trình lại rời rạc, thiếu tính liên kết chặt chẽ thành hệ thống, như có người nhận định: “Không ai thấy rõ chủ điểm của giáo dục hiện tại xuyên qua cái chương trình đang được áp dụng, hoặc giả người ta ngụp lặn trong từng phần chuyên môn rời rạc, không có một sự kết hợp chặt chẽ để đồng quy về một chủ điểm duy nhất. Chính vì thế mà giáo dục chỉ đóng vai trò tích tụ kiến thức góp nhặt từ mọi phía, còn cái trọng trách phát huy kiến thức một cách sâu rộng theo một chiều hướng nào đó, quy về một chủ đích, hầu đạt đến một đường hướng chung để thống nhất tư tưởng và hành động của quần chúng, đã không được để ý đến…” (Quang Minh, “Vai trò của giáo dục trong sự phát triển xã hội”, Giáo dục nguyệt san, số 53, tháng 12/1971, tr. 2).
(2) Nhận định về chương trình Việt ngữ
Chương trình Trung học Phổ thông 1958-1959 nói chung và chương trình Việt ngữ nói riêng tuy có được “cập nhật hóa” vài lần vào những năm 1970-1971, 1971-1972… nhưng hầu như không có gì thay đổi, (như chúng tôi sẽ trình bày ngay ở đoạn tiếp sau), nên những nhận định sắp nêu ra dưới đây về chương trình Việt ngữ dù có được phát biểu sau đó 10 năm là nói chung và phù hợp cho cả nhiều bộ chương trình từ chương trình 1958-1959 này trở đi cho đến lúc chế độ VNCH cáo chung tháng 4.1975.
Trước hết, theo đánh giá của ông Nguyễn Hiến Lê (tlđd, tr. 15), chương trình môn Việt ngữ (cũng quen gọi Việt văn, Quốc văn) năm 1958-1959 là quá cao, hơn cả chương trình của Pháp: bắt những học sinh 14, 15 tuổi của ta ở lớp Đệ ngũ, Đệ tứ phải học cách “nghiên cứu thân thế và thời đại tác giả” từ Lê Thánh Tôn… đến Phạm Quỳnh, Khái Hưng…, rồi lại phải học nghị luận tổng quát, nghị luận luân lý, nghị luận văn chương nữa, trong khi những học sinh cùng tuổi đó ở các trường bên Pháp còn đương học làm bài miêu tả và tự sự.
Thứ đến, có ý kiến cho rằng chương trình Việt ngữ trong suốt 10 năm hầu như không thay đổi, vẫn rườm rà giẫm chân lên nhau giữa lớp Đệ ngũ (lớp 8) và Đệ tam (lớp 10), lớp Đệ tứ (lớp 9) và Đệ nhị (lớp 11), “làm như không có gì đáng để học thêm”; nó lại được sắp xếp theo lịch sử văn học mà không để ý sự phát triển tâm hồn học sinh, như một học sinh lớp 7 lại bắt học những tư tưởng ủy mị, ướt át trong Bích Câu kỳ ngộ. Thêm vào đó là sự vắng bóng của những nhà thơ yêu nước, nhất là trong thời kháng Pháp. “Cuối cùng Việt văn cũng chỉ là một môn được dạy cho có mà không nhằm một mục đích nào hết cả” (Hà Văn Kỳ, tlđd, tr. 168).
Trong bài viết “Nhận định về chương trình Việt văn bậc Trung học” của Bảo Cự (Giáo dục nguyệt san, số 57-58, tháng 4-5/1972, tr. 38-65), tác giả còn phê phán mạnh mẽ hơn, trong mục số 2 “Những điểm phản động và sai lầm trong nội dung học trình”, do thiếu một định hướng và những mục đích rõ rệt. Có thể tóm tắt thành một số điểm chính như sau:
– Tính cách thoái hóa và phản dân tộc. Tác giả trích lại một số ý kiến của GS Nguyễn Văn Trung đăng trên tạp chí Tự quyết (số 4, tháng 11/1970), đại khái: (a) Chương trình Việt văn bỏ quên không cho học văn chương chữ Hán và chữ Nôm của những phong trào nhà văn cách mạng chống Pháp, hoặc có nhưng rất ít (lớp 9 chỉ nhắc đến Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh). Trong khi đó lại học trùng nhau quá nhiều về Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến… (ở lớp 9 rồi lại lớp 11), về Đoạn trường tân thanh (ở lớp 9 rồi lại lớp 10); cho học Chinh phụ ngâm khúc… mà không cho học 2 bài “thiên cổ hùng văn” là “Bình Ngô đại cáo” và “Hịch tướng sĩ văn” (với 2 bản dịch tiếng Việt hay nổi tiếng, đều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim) khêu gợi lòng yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm.
– Trong chương trình lớp 11, về Tự lực văn đoàn học đến 3 tác giả Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo mà lại bỏ quên những tác giả hiện thực xã hội như Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao… trong khi văn chương tiền chiến không phải chỉ có Tự lực văn đoàn…
– Người soạn chương trình đã “miệt thị” và không hiểu được giá trị của văn chương truyền khẩu, qua việc bỏ phần giảng văn về văn chương truyền khẩu ở Đệ tam (lớp 10), chỉ học khái quát trong phần Văn học sử, như thế suốt 7 năm Trung học học sinh chỉ được học văn chương bình dân truyền khẩu vốn rất phong phú ở lớp Đệ thất (lớp 6), nên sự hiểu biết về tục ngữ, ca dao, truyện cổ của học sinh rất khiếm khuyết.
Rồi tác giả bài viết đưa ra kết luận bằng những lời lẽ nặng nề (cũng chủ yếu dựa theo ý kiến của Nguyễn Văn Trung): “Chương trình Việt văn hiện tại ở bậc Trung học có tính cách thoái hóa, phản dân tộc và do đó phản giáo dục. Chương trình đó chỉ nhằm đào tạo một số người cầu an, đầu hàng, hèn nhát, khuất phục ngoại bang. Nó phải được phê phán và sửa đổi tận gốc rễ… Không thể chỉ dạy Văn học một cách thưởng ngoạn hay với thái độ vô thưởng vô phạt, nhằm cung cấp một vài kiến thức để thi cử, nhưng phải coi Văn học như một phương tiện giáo dục khêu gợi, nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý chí quật cường, truyền thống bất khuất của dân tộc qua việc khai thác, đề cao văn chương cách mạng và những việc tố cáo, phơi bầy tính chất phản dân tộc, thoái hóa của văn chương công khai tay sai đồng lõa” (tr. 52-53).
– Tính cách mơ hồ và có tác dụng nguy hiểm: Ở cả phần Kim văn và Cổ văn của các lớp Đệ nhất cấp (từ Đệ thất đến Đệ tứ/ lớp 6 đến lớp 9), Bộ Giáo dục chỉ nêu gợi ý chung chung mà không xác định cần trích những bài văn, thơ nào cụ thể. Ngoài ra, còn thiếu sách giáo khoa chính thức do bộ biên soạn để cụ thể hóa, thống nhất hóa và hữu hiệu hóa môn Văn, “kéo nó về với thực tại, tận dụng năng lực, phát huy tính chất phục vụ đích thực” (tr. 53-56).
– Thiếu hợp lý trong phân phối giờ dạy ở các lớp Đệ nhị cấp: môn Sinh ngữ ở bất cứ ban nào và Toán ban B quan trọng hơn gấp đôi môn Việt văn, làm cho học sinh các ban khoa học đều khinh thường môn này…
Từ những nhận định nêu trên, tác giả Bảo Cự đã mạnh dạn đưa ra một số đề nghị tóm tắt: (1) Cần định hướng và xác định những mục đích rõ rệt cho môn Việt văn (như: xiển dương văn học dân tộc, rèn luyện tinh thần dân tộc, xây dựng nhân sinh quan, luyện óc suy luận, sáng tạo và tài ăn nói, mở mang kiến thức văn học và hướng dẫn vào các ngành văn học nghệ thuật); (2) Sửa đổi nội dung học trình hiện tại vì học trình này phản động và sai lầm…
(3) Nhận định về chương trình Triết học lớp 12
Tất cả các bậc thức giả và giáo chức đều thừa nhận chương trình Triết học (chỉ dạy ở lớp Đệ nhất tức lớp 12) là quá nặng nề. Dường như các nhà biên soạn chương trình muốn cho học sinh lớp cuối cấp ban Triết (tức ban C, D) trong lúc còn trẻ đều trở thành những nhà thông thái hoặc triết gia!
Chỉ trong vòng một năm học ở lớp cuối cấp, lần đầu tiên xiếp xúc với môn Triết mà học sinh đã bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức mới lạ, trừu tượng và cao siêu đến bội thực.
Theo ông Nguyễn Hiến Lê, Triết học thì học trọn chương trình của Pháp nhưng còn học thêm triết học Đông phương. Học sinh mỗi năm phải đọc 2 cuốn sách Triết viết bằng ngoại ngữ, một của Đông phương và một của Tây phương, trong khi học sinh cùng cấp lớp ở Pháp chỉ phải đọc có 1 tác phẩm.
Tình hình nặng nề nêu trên đã khiến ông Bùi Hữu Sủng phải viết loạt 2 bài “Nên bỏ hay nên sửa chương trình Triết ở bậc Trung học” (Bách khoa số 130 và 131, ngày 1/6/1962 và và 15/6/1962) để thảo luận vấn đề.
Sau khi thừa nhận việc thêm vào phần triết Đông phương làm cho chương trình trở nên quá nặng so với chương trình của Pháp, tác giả đề nghị hoặc phải bãi bỏ môn Triết, hoặc phải bằng cách này cách khác giảm nhẹ chương trình đi để tránh sự lao tâm cho học sinh. Nếu cứ giữ như cũ, trong tương lai Việt Nam sẽ thiếu số giáo sư đủ khả năng đảm nhận môn Triết; hơn nữa, chương trình học vừa thoát ly thực tế đời sống đã không đáp ứng nguyện vọng của các bậc phụ huynh, vừa quá cao không hợp với trình độ học sinh, nên nếu không bãi bỏ thì cũng phải tìm cách sửa đổi dựa theo một phần kinh nghiệm cải cách năm 1960 về môn Triết của Pháp theo hướng giản lược và thích nghi kiến thức Triết học với thời đại mới. Vì vậy, Việt Nam cũng cần dự thảo một chương trình học thích hợp với thanh niên học sinh trong nước, theo 4 nguyên tắc đề nghị của tác giả: (1) Rút nhẹ chương trình và bớt giờ Triết (lớp Đệ nhất ban C, D, 9 giờ rút xuống còn 5 giờ; Đạo đức học và Siêu hình học sẽ đưa lên bậc Đại học tùy theo ngành chuyên môn…); (2) Bắt một nhịp cầu giữa Triết và môn văn chương đã học ở các lớp dưới (như “Tư tưởng triết lý trong Đoạn trường tân thanh”…); (3) Cần kim hơn cần cổ (linh động lý trí bằng cách hướng nó về thời sự, về thực tế, như muốn luyện tập óc phê bình và xây dựng cho học sinh một nhân sinh quan thì phải mang những nhân sinh quan của Nguyễn Công Trứ, của Nguyễn Du ra xét lại dưới ánh sáng của thời đại…); (4) Rút nhẹ chương trình đọc Triết phẩm bằng cách định ra mỗi tuần một giờ “đọc sách có chỉ dẫn” (lecture dirigée) cho lớp Đệ nhất (lớp 12).
Cuối bài viết, tác giả còn “Thử phác họa vài nét về chương trình mới” dựa trên 4 nguyên tắc đã đề ra, nhưng thiết tưởng không cần thiết giới thiệu, vì đây chỉ là một đề xuất có tính cá nhân chưa từng được chính thức công nhận và áp dụng.
4. Chương trình Trung học Phổ thông Cập nhật hóa 1970-1971
a. Được ban hành theo Nghị định số 1152A-GD/KHPC/HV/NĐ ngày 26/6/1970, “hợp thức hóa chương trình Trung học đã cập nhật hóa” để áp dụng từ ngày khai giảng niên học 1970-1971, do Phó thủ tướng kiêm Tổng trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Lưu Viên ký, dưới thời Đệ nhị Cộng hòa.
Chương trình này được cập nhật hóa từ Chương trình Trung học 1958-1959 sau khi đã lần lượt ban hành một số văn kiện gồm nghị định, thông tư sửa đổi chương trình ở một số môn học trong khoảng thời gian từ 1959 đến 1966 với vài chi tiết sửa đổi không đáng kể, với “Lời nói đầu” nêu rõ:
“Mặc dù vậy, trước sự tiến bộ không ngừng của tư tưởng và khoa học, việc cải tiến giáo dục phải được coi là một công tác thường xuyên.
Do đó bộ đã triệu tập Hội đồng Chương trình gồm một số giáo chức Đại học, Trung học công lập và tư thục để: (1) Cập nhật hóa chương trình cho niên khóa 1970-1971, và (2) Chuẩn bị cải tổ toàn bộ chương trình vào niên học 1972-1973 tới đây.
Hội đồng đã thực hiện xong nhiệm vụ thứ nhất và Bộ Giáo dục chấp thuận cho áp dụng chương trình đính kèm kể từ niên học 1970-1971” (theo Chương trình Trung học Phổ thông Cập nhật hóa, Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1970).
b. So sánh với chương trình cũ 1958-1959, ta thấy về tên gọi các cấp, lớp, chương trình mới 1970-1971 đã đổi gọi theo Sắc lệnh 660/TT/SL do Tổng thống VNCH ký ngày 1/12/1969 quy định hệ thống giáo dục mới duy nhất gồm 12 năm học chia thành hai cấp: cấp 1 từ lớp 1 đến lớp 5 (bậc Tiểu học), cấp 2 từ lớp 6 đến lớp 12 (tức là từ Đệ thất đến Đệ nhất ở hệ thống cũ) (xem Giáo dục nguyệt san, số 37, tháng 3/1970, tr. 22-23).
Về nội dung chương trình cụ thể, ở 3 môn Quốc văn, Công dân giáo dục và Triết học, ta nhận thấy có vài thay đổi nhỏ như sau:
– Việt ngữ:
Lớp 6, phần trích giảng văn vần bỏ bớt Lục súc tranh công; Lớp 7, phần trích giảng văn vần bỏ bớt Gia huấn ca; Lớp 8, phần trích giảng văn vần bỏ bớt Chinh phụ ngâm, Chu Mạnh Trinh; Lớp 9, phần trích giảng văn vần bỏ bớt Cung oán ngâm khúc; Lớp 10 ban C, D (Đệ tam văn chương Sinh ngữ và Cổ ngữ), phần trích giảng văn vần bỏ Tục ngữ, ca dao, thay vào vài bài hát bội trích trong các vở Kim thạch kỳ duyên, Địch Thanh ly hận, Tượng kỳ khí xa; Lớp 10 ban A, B (Đệ tam khoa học Toán và Thực nghiệm) không thay đổi; Lớp 11 ban C, D (Đệ nhị văn chương Sinh ngữ và Cổ ngữ), Văn học sử bỏ bớt “Giới thiệu những tác phẩm bằng Hán văn do người Việt sáng tác…”, phần trích giảng văn vần và văn xuôi bỏ bớt Dương Khuê, Tự tình khúc, nhóm Đông Dương tạp chí bỏ Nguyễn Văn Vĩnh; Lớp 11 ban A, B (Đệ nhị khoa học Toán và Thực nghiệm), không thay đổi.
– Công dân giáo dục:
Lớp 6 (Đệ thất), bỏ “Đời sống tại học đường”, thay vào bằng Luật đi đường; Lớp 7 (Đệ lục), bỏ “Đời sống trong xã hội”, “Bổn phận đối với xã hội”, thay vào bằng Tổ chức học đường và Bổn phận của học sinh; Lớp 8 (Đệ ngũ), thay Tổ chức công quyền Việt Nam bằng: Đời sống trong xã hội, Bổn phận đối với xã hội, Đời sống tôn giáo; Lớp 9 (Đệ tứ), Quốc gia, Quyền lợi và nhiệm vụ công dân, thay bằng: Nhân quyền (Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền), Công dân quyền, Quyền tự do cá nhân, Quyền tự do tư tưởng, Quyền kinh tế xã hội, Bổn phận công dân; Lớp 10 (Đệ tam), Khái lược về chính trị, thay bằng: Quốc gia (Yếu tố cấu thành quốc gia, Quốc gia độc lập, Giao dịch quốc tế, Căn bản tổ chức và điều hành công quyền, Tổ chức công quyền- lấy thí dụ tại VNCH), Xã hội (Giao tế xã hội, Vấn đề thiếu nhi phạm pháp); Lớp 11 (Đệ nhị), “Khái lược về kinh tế” đổi thành “Kinh tế phổ thông”, với những tiết mục gần như tương tự.
Nhìn chung, môn Công dân giáo dục qua chương trình cập nhật hóa 1970-1971 có sự thay đổi khá nhiều, có phần sát thực tế hơn, để cập nhật kiến thức với những biến chuyển mới về chính trị, xã hội trong nước và thế giới.
– Triết học:
Lớp 12 ban Văn chương Sinh ngữ và Cổ ngữ, phân môn Đạo đức học bỏ cả đoạn chương trình từ “Đạo đức và kinh tế” đến hết “Bổn phận đối với nhân loại”.
Lớp 12 ban Khoa học Thực nghiệm A, phân môn Luận lý học vẫn “như ban Văn chương”, nhưng bỏ: – Một vài thí dụ về những thuyết lớn thuộc Vật lý học, Hóa học và Sinh lý học hiện đại.- Khoa học nhân văn: Tâm lý học, Sử ký và Xã hội học.
Lớp 12 ban Khoa học Toán B (ban khoa học Toán), 2 phân môn Luận lý học và Đạo đức học, thay vì “như ban Văn chương” thì đổi thành “như ban Khoa học Thực nghiệm”.
5. Chương trình Trung học (Cập nhật hóa) 1971-1972
Ban hành theo Nghị định số 1867-GD/KHPC/HV/NĐ ngày 4/10/1971 “ban hành Chương trình cập nhật hóa áp dụng từ niên khóa 1971-1972”, dưới thời Tổng trưởng Bộ Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh. Chương trình này thực tế chỉ là bản sao chép lại gần nguyên xi Chương trình Trung học Phổ thông Cập nhật hóa 1970-1971 vừa giới thiệu ở trên, chỉ biên tập câu chữ, xáo trộn trật tự trình bày với vài chi tiết sửa đổi không đáng kể ở một số môn học.
Chỉ riêng môn Triết học lớp 12 là có thay đổi khá nhiều theo hướng tinh gọn, giảm nhẹ chương trình: đổi gọi phân môn Triết học tổng quát thành Siêu hình học; bỏ bớt Triết học Đông phương và Tác phẩm triết học. Chỉ còn lại 4 phân môn: Tâm lý học, Đạo đức học, Luận lý học, Siêu hình học. Cụ thể như sau:
CHƯƠNG TRÌNH TRIẾT HỌC
LỚP MƯỜI HAI
Ban Văn chương Sinh ngữ, Cổ ngữ [C, D]
(Mỗi tuần lễ 9 giờ)
TÂM LÝ HỌC
I. Đại cương về Tâm lý học: Đối tượng, phương pháp, tương quan, Tâm sinh lý và Tâm xã hội.- II. Khuynh hướng.- III. Bản năng.- IV. Tập quán.- V. Khoái lạc và đau khổ (tinh thần và vật chất).- VI. Cảm xúc.- VII. Đam mê.- VIII. Ý thức và vô thức.- IX. Cảm giác và tri giác.- X. Ảnh tượng và trí tưởng tượng.- XI. Liên tưởng.- XII. Ký ức.- XIII. Chú ý.- XIV. Ký hiệu và ngôn ngữ.- XV. Ý chí.- XVI. Tính tình và nhân cách.
ĐẠO ĐỨC HỌC
I. Đại cương về Đạo đức học: Vấn đề đạo đức. Đạo đức và khoa học.- II. Ý thức đạo đức (lương tâm).- III. Bổn phận.- IV. Quyền.- V. Trách nhiệm.- VI. Công bình và bác ái.
LUẬN LÝ HỌC
I. Đại cương về Luận lý học.- II. Nguyên lý căn bản của lý trí.- III. Phương pháp tổng quát của tư tưởng: Trực giác và suy luận- Phân tích và tổng hợp.- IV. Khái luận về Khoa học: Nhận thức khoa học và tinh thần khoa học – Khoa học và Kỹ thuật.- V. Khoa học Toán: Đối tượng – Phương pháp – Công dụng.- VI. Khoa học thực nghiệm: Đối tượng – Phương pháp – Nguyên lý và lý thuyết.- VII. Khoa học nhân văn: Tâm lý học – Sử học – Xã hội học.
SIÊU HÌNH HỌC
I. Đại cương về Siêu hình học: Siêu hình học và khoa học – Siêu hình học và tôn giáo.- II. Vấn đề chân lý.- III. Tinh thần.- IV. Tự do.- V. Thượng đế.
LỚP MƯỜI HAI
Ban Khoa học Thực nghiệm A
(Mỗi tuần lễ 4 giờ)
TÂM LÝ HỌC: Như ban Văn chương, nhưng bỏ bớt: Cảm giác và tri giác – Ảnh tượng và trí tưởng tượng – Liên tưởng – Ký ức – Chú ý – Ký hiệu và ngôn ngữ – Bản năng – Ý chí – Tính tình và nhân cách.
ĐẠO ĐỨC HỌC: Như ban Văn chương.
LUẬN LÝ HỌC: Như ban Văn chương, nhưng bớt: Khoa học nhân văn.
LỚP MƯỜI HAI
Ban Khoa học Toán B
(Mỗi tuần lễ 3 giờ)
ĐẠO ĐỨC HỌC và LUẬN LÝ HỌC: Như ban Khoa học Thực nghiệm.
Kèm phía sau nội dung chương trình còn có một PHỤ BẢN về phân phối giờ và về chương trình. Riêng phụ bản về chương trình ghi rõ các tiểu tiết cho từng bài học, nên xem cũng giống như bảng mục lục sách giáo khoa dành cho từng phân môn của mỗi ban.
Được biết, sau Chương trình 1971-1972, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên còn cho ra thêm Chương trình Trung học 1972-1973 với ít nhiều sửa đổi nhưng không đáng kể. Đại khái, như loại bỏ môn Hán văn ra khỏi Trung học Đệ nhất cấp và 3 ban A, B, C của Trung học Đệ nhị cấp, chỉ còn giữ lại môn này ở Ban Văn chương Cổ ngữ D với số giờ học mỗi tuần được giảm bớt…
6. Chương trình Trung học Tổng hợp
Có thể nói, Chương trình Trung học Tổng hợp là kết quả của sự tiếp thu đầy thiện chí của Bộ Giáo dục trước những ý kiến đóng góp từ nhiều giới trong nhiều năm về những khuyết tật căn bản của giáo dục phổ thông nhằm chuyển nền giáo dục nặng tính cách từ chương/ thi cử này sang hướng đại chúng và thực dụng, chú trọng đến khía cạnh hướng nghiệp, khả dĩ mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân đời sống của mỗi học sinh sau khi rời khỏi bậc Trung học.
Được biết, Chương trình Trung học Tổng hợp Việt Nam đã được đem ra thử nghiệm và thực hiện tại Việt Nam từ năm 1964 là năm thành lập các trường kiểu mẫu đầu tiên ở Thủ Đức và ở Huế.
Trong quá trình thực hiện nhưng còn dang dở, đã có 2 bản chương trình Trung học Tổng hợp được biên soạn, một của Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức (khởi thảo từ năm 1965; trường khai giảng lần đầu ngày 11/10/1965) để áp dụng thí điểm, và một của Bộ Giáo dục (khởi thảo từ năm 1970) ban hành để áp dụng tại các trường Trung học Tổng hợp trên toàn quốc, theo Nghị định 2346/GD/TTHBD/HV/NĐ ngày 10/12/1971 cho Đệ nhất cấp và Nghị định 5770/GD/THH/HV/NĐ ngày 22/6/1972 cho Đệ nhị cấp.
Chương trình Trung học Tổng hợp của Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức có mấy đặc điểm đáng chú ý như: có chương trình hướng dẫn học sinh, có thêm những môn học thực nghiệm, ngoài các môn học bắt buộc còn có một hệ thống các môn học nhiệm ý (tùy chọn).
Chương trình của Bộ Giáo dục được soạn thảo khá vội vã và chưa hoàn chỉnh, bằng cách pha trộn, ghép phần phổ thông của chương trình trung học phổ thông với phần chuyên nghiệp của chương trình Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức, nên nó cũng có chương trình hướng dẫn, có thêm những môn học mới và những môn nhiệm ý mới. Do chưa được hoàn chỉnh nên sau đó, vào cuối năm 1972, Bộ Giáo dục còn tổ chức thêm vài cuộc hội thảo nữa để nghiên cứu, chỉnh lý bổ sung cho chương trình nhưng kết quả vẫn tiếp tục dang dở….
Các môn học trong Chương trình Trung học Tổng hợp Đệ nhất cấp (lớp 6 đến lớp 9) của Bộ Giáo dục gồm có những môn học bắt buộc và những môn học nhiệm ý.
– Môn bắt buộc gồm: Quốc văn, Sử Địa, Công dân, Sinh ngữ, Toán, Lý hóa, Vạn vật, Âm nhạc, Hội họa, Công-Kỹ-Nghệ (Nam), Kinh tế gia đình (Nữ), Doanh thương, Canh nông, Hướng dẫn, Thể dục.
– Môn nhiệm ý, cũng bắt buộc học nhưng học sinh được tùy chọn 2 môn trong số những môn: Hội họa, Âm nhạc, Công-Kỹ-Nghệ (Nam), Kinh tế gia đình (Nữ), Canh nông, Doanh thương, với số giờ học đầu cấp (lớp 6) tổng cộng 30 hoặc 31 giờ tùy theo nam, nữ.
Chương trình Đệ nhị cấp (lớp 10 đến 12) chia làm tới 8 ban cho cả 3 cấp lớp 10, 11, 12, gồm: Ban A Khoa học Thực nghiệm, Ban B Khoa học Toán, Ban C Văn chương Sinh ngữ, Ban D Văn chương Cổ ngữ, Ban E Kinh tế gia đình, Ban F Doanh thương, Ban G Công-Kỹ-Nghệ, Ban H Canh nông. Còn các môn học thì cũng tương tự như chương trình Đệ nhất cấp nhưng có thêm Sinh ngữ II (hoặc Cổ ngữ), Triết, với số giờ học đầu cấp (lớp 10) tổng cộng 33,5 hoặc 34,5 giờ tùy theo nam, nữ.
II. TÀI LIỆU VÀ SÁCH GIÁO KHOA TRUNG HỌC
1. Những tạp chí giáo khoa Trung học
Cũng như ở bậc Tiểu học, trong giai đoạn đầu phát triển nền giáo dục Trung học chuyển ngữ tiếng Việt, sách giáo khoa cũng rất thiếu, nên đi trước một bước, một số tư nhân đã cho xuất bản những tạp chí giáo khoa để làm tài liệu học tập hoặc để tham khảo cho việc giảng dạy các môn học trong nhà trường.
Căn cứ theo 2 bản mục lục thư tịch đã dẫn trên về báo chí, và một số tạp chí còn lưu trữ ở các thư viện, tính từ khoảng năm 1948 trước khi thành lập Quốc gia Việt Nam tới thời kỳ đầu Việt Nam Cộng hòa, chúng tôi thấy có một số tuần san, nguyệt san chuyên về giáo khoa bậc Trung học như sau:
– Học báo (1948), Le guide autodidactique (Hướng dẫn tự học), xuất bản hàng tuần tại Sài Gòn. Số 1 ngày 21/8/1948, số 19 (Bộ mới) ngày 25/12/1948. Chủ nhiệm: Nguyễn Thị Tứ; Thư ký tòa soạn: Thiếu Lăng Quân.
– Tìm học (1948-1949), tuần báo xuất bản ở Sài Gòn. Chủ nhiệm: Lê Huỳnh Mai. Năm I, số 1 ngày 11/1/1948, số 2 ngày 27/2/1949.
– Giáo dục nguyệt san (1948-1949), Enseignement 2 è degrée/ Giáo dục Trung học, Hà Nội. Số 2 năm 1948-1949.
– Việt Nam giáo khoa (1950-1951), tuần san xuất bản tại Sài Gòn do Lê Tràng Kiều làm chủ nhiệm. Năm thứ I số 1 ngày 26/11/1950, năm thứ II số 10, năm 1951.
– Cần học (1951), Ban Trung học, xuất bản không định kỳ tại Gia Định, do Cha Jacques Của làm Giám đốc (Lê Ngọc Trụ ghi: Tập 22, năm thứ II, số 35, ngày 30/6/1951).
– Việt Nam giáo khoa, Dạy theo chương trình Đệ thất ban Trung học phổ thông (Chương trình Trung học 1949), xuất bản mỗi tháng 2 kỳ vào ngày 1 và 15 tại Sài Gòn do Thẩm Thệ Hà chủ biên. Bộ mới số 1 (Số tựu trường) ngày 15/9/1951. Mỗi số đều có Phần giáo khoa và Phần tổng quát. Phần giáo khoa “có đủ bài giảng dạy rành rẽ” về: Việt văn, Hán văn, Pháp văn, Toán học, Lý hóa học, Vạn vật học, Sử ký, Địa dư, Luân lý, Công dân giáo dục, Âm nhạc, Mỹ thuật… “Với chí cần học, bạn không phải chỉ bỏ tinh thần trong một khuôn khổ nhỏ hẹp nào, mà bạn có thể vươn mình lên cao, nhìn vào nền giáo dục mới thuần túy Việt Nam đang hình thành, để tìm những cái gì mà bấy lâu nay bạn mong mỏi, bạn khao khát” (trích “Bức thư gởi cho các bạn học sinh Việt Nam” của Thẩm Thệ Hà).
– Việt Nam giáo khoa tập san, Trung học phổ thông (Lớp Đệ thất và lớp Đệ tứ), xuất bản tại Sài Gòn. Năm thứ nhứt số 1 ngày 1/3/1952; năm thứ nhì số 12, ngày 15/10/1952 (Lớp Đệ thất, Đệ lục và Đệ tứ). Giám đốc: Phạm Trường Xuân; Cố vấn: Trần Cửu Chấn; Thơ ký tòa soạn: Nguyễn Khoa. “Các bạn sẽ thấy nơi đây nhiều bài học soạn một cách kỹ càng, hợp phương pháp giáo khoa và chương trình giáo dục hiện hành, bởi một nhóm giáo sư và văn nhân mà các bạn từng nghe tên, biết tiếng” (trích “Cùng quý độc giả” của Trần Cửu Chấn).
– Tập sách hồng, Luyện thi Trung học Đệ nhất cấp, dành cho lớp Đệ tứ. Bộ A tập 1 đến tập 7 (15/3/1957 đến 1/6/1957). Do Nxb Thăng Long chủ trương, đã ra từ tập 1 đến tập 26.
– Tập sách xanh, Luyện thi Tú tài phần I, dành cho lớp Đệ nhị. Do Nxb Thăng Long chủ trương, đã ra từ tập 1 đến tập 24.
– Giáo khoa Trung học (1959), do Thanh quang xuất bản không định kỳ tại Sài Gòn. Tập 1-tập 5 (1959).
– Hiếu học (1959), tuần báo do Nxb Sống mới phát hành tại Sài Gòn. Tập 1 đến 16 (1959).
– Siêng học (1959-1962), tuần báo xuất bản tại Sài Gòn. Chủ nhiệm: Trịnh Vân Thanh (Lê Ngọc Trụ ghi: Tập 1 đến tập 21, niên khóa 1959-1960, và các tập về niên khóa 1960-1962).
– Chăm học (1959), tuần báo xuất bản tại Sài Gòn do Nguyễn Văn Hợi làm Giám đốc. Tập 1 đến tập 12.
– Luyện thi Trung học Đệ nhất cấp (1959), bán nguyệt san do Nxb Văn hào phát hành tại Sài Gòn. Số 1 tháng 3/1959 đến số 5 tháng 5/1959.
– Khuyến học (1959), tạp chí không định kỳ tại Sài Gòn do Việt Nam Tu thư cuộc chủ trương. Tập 1 đến tập 5 (1959).
– Học báo Anh ngữ (1959-1960), mỗi tháng 3 số tại Sài Gòn do Lê Bá Kông làm Giám đốc. Số 1 năm 1959, xuất bản đến năm 1960.
– Học báo dẫn giải (1961-1962), tuần báo xuất bản tại Sài Gòn do Liêm Huyền Vũ chủ trương, Phan Văn Sĩ làm Giám đốc. Số 1 không đề ngày, số 3 ngày 15/10/1961 đến số 17 ngày 30/7/1962.
– Học hỏi (1964), Trung học Đệ nhất cấp, tuần san xuất bản tại Sài Gòn. Số 1 ngày 27/5/1964, đến số 10 thì đình bản.
2. Sách giáo khoa Trung học
Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, trong thời kỳ Quốc gia Việt Nam (1949-1954), sách giáo khoa các môn học bậc Trung học lấy tiếng Việt làm chuyển ngữ đã bắt đầu xuất hiện lần lần.
Năm 1951, nhà xuất bản Tân Việt (Sài Gòn) cho in sách Việt Nam thi văn giảng luận (2 quyển) của GS Hà Như Chi (Quốc học Huế), biên soạn rất công phu, được coi là bộ sách giáo khoa tiên phong quy mô nhất, đầy đủ nhất về môn giảng văn/ văn học trích giảng dùng cho giáo chức dạy Quốc văn ở các trường trung học. Trước đó chúng ta còn được biết đến cuốn Giảng văn Chinh phụ ngâm của Đặng Thai Mai xuất bản năm 1950…
Cũng khoảng năm 1951, nhà xuất bản Thế giới (Hà Nội) do ông Nguyễn Văn Hợi làm Giám đốc đã bắt đầu cho ra nhiều sách giáo khoa thuộc đủ các môn học, như Giảng văn Đệ thất và Đệ lục của GS Lê Hữu Thu, Sử Việt Nam Đệ tứ của Lê Hữu Thu, Luận văn thị phạm (Đề thi Trung học Phổ thông và Tú tài) của GS Nghiêm Toản, Địa lý từ Đệ thất đến Đệ tứ của GS Bùi Đình Tấn, Để hiểu rõ mẹo tiếng Pháp (bậc Trung và Tiểu học) của GS Nguyễn Văn Dung, Toán pháp Đệ thất và Đệ tam của GS Ngô Duy Cầu, Tính đại số, Số học, Hình học, Vật lý, Hóa học của GS Ngô Ngọc Bích, Toán lý hóa Đệ ngũ và Đệ tứ của GS Đào Văn Dương, Bản kê số (table de logarithme) của Nguyễn Dương Đôn…
Nhà xuất bản Trường Thi, hoạt động từ hồi còn ở Hà Nội, sau năm 1954 di cư vào Nam, tiếp tục in các loại từ điển (Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn, Chánh tả Việt ngữ của Lê Ngọc Trụ…), sách tham khảo văn học (Đại Nam quốc sử diễn ca, Mai đình mộng ký…), và cho ra những sách giáo khoa về Văn, Toán, Thiên văn, Lý hóa… của một số tác giả nổi tiếng (như Khảo luận về Khái Hưng của Lê Hữu Mục, Thiên văn học của Nguyễn Xuân Vinh…).
Từ thời Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963) trở đi, sách giáo khoa trung học đủ loại của các nhà xuất bản tư nhân trăm hoa đua nở. Phải nói về mặt này nhà nước không theo kịp tư nhân, phần vì số học sinh trung học tư thục chiếm đến hơn 65% tổng số học sinh trung học toàn miền Nam (xem H.G.C., “Tư thục Việt Nam”, Giáo dục nguyệt san, số 25, tháng 12/1968, tr. 11), phần vì nhà nước lo không xuể, lại phải tập trung ưu tiên mở trường, in sách, thực hiện chính sách cưỡng bách giáo dục cho bậc Tiểu học. Khoảng thời gian này, trong điều kiện tự do báo chí-xuất bản, hàng chục nhà xuất bản ra đời, cạnh tranh nhau in sách giáo khoa. Không ít nhà nổi tiếng như Tân Việt, Bốn phương, Tao đàn, Sống mới, Á Châu, Văn hào, Khai trí, Trí đăng, Trí dũng, Hàn Thuyên, Yểm Yểm thư quán…. Sang thời Đệ nhị Cộng hòa (1967-1975), trong lò lửa chiến tranh ác liệt, việc học hành thi cử trở nên vội vã và càng nhộn nhịp hơn (với một phần mục đích thi đậu Tú tài để được lên Đại học và được hoãn dịch học vấn…), mạng lưới trường tư thục và các lớp luyện thi phát triển mạnh, không ít nhà xuất bản mới được lập ra chỉ để in sách giáo khoa, như Siêng học, Yên Sơn, Thăng Long, Bạn trẻ, Học đường, Đăng đàng, Giáo dục nguyệt san (tên gọi nhà xuất bản), Alpha…
– Về môn Quốc văn cấp 2 có thể kể tiêu biểu một số tác giả quen thuộc được tin cậy như Phan Ngô, Đỗ Văn Tú, Vũ Khắc Khoan, Tô Đáng, Phạm Xuân Thu…; cấp 3 có Phạm Thế Ngũ, Trịnh Vân Thanh, Trần Trọng San, Nguyễn Sỹ Tế, Nguyễn Duy Diễn, Vũ Ký, Tạ Ký, Lữ Hồ, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Tăng Chương, Võ Thu Tịnh, Hoàng Khôi, Cao Bá Vũ, Hà Khải Hoàn… Các sách giảng luận/ luận đề văn chương dành riêng cho từng tác giả có trong chương trình học (như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Khắc Hiếu, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…)
Sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng hòa
để “luyện thi” môn nghị luận văn chương được xuất bản hàng loạt, phần nhiều do nhà xuất bản Thăng Long (từ Bắc di cư vào Nam năm 1954), như những sách của Bùi Giáng, Nguyễn Sỹ Tế, Vũ Khắc Khoan, Tạ Văn Ru, Kiêm Đạt…
– Về môn Công dân giáo dục, từ năm 1956 trở đi có đến hàng chục tác giả: Trần Mộng Chu, Phạm Thị Tự, Lê Xuân Khoa, Lê Thái Ất, Nguyễn Quý Bình, Nguyễn Huy Côn, Ngô Đình Độ, Phạm Gia Hưng, Trần Đức Long, Cao Văn Luận, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Bá Lương, Lê Kim Ngân, Đàm Sỹ Hiến, Nguyễn Vũ Khương, Nguyễn Bá Kim, Vũ Huy Chấn…
– Sách Triết lớp 12, có vẻ ít người tham gia vì biên soạn không đơn giản, và phần lớn là của những tác giả từng đi du học nước ngoài về. Đáng kể có: Nguyễn Văn Trung (Luận lý học, Đạo đức học), Cao Văn Luận (Đạo đức học, Luận lý học, Tâm lý học), Trần Văn Hiến Minh (Tâm lý học, Luận lý học, Đạo đức học, Triết học tổng quát), Phạm Mạnh Cương, Trần Bích Lan (Luận lý học, Tâm lý học), Trần Xuân Tiên (Luận lý học, Đạo đức học, Tâm lý học), Vĩnh Đễ (Tâm lý học, Luận lý học, Đạo đức học, Siêu hình học), Nguyễn Đăng Thục (Triết học Đông phương)… Vào những năm cuối của chế độ Cộng hòa, bộ sách Triết lớp 12 của Vĩnh Đễ được nhiều người chọn dùng vì biên soạn gọn gàng, dễ hiểu, và lại kịp cập nhật hóa theo chương trình mới.
– Pháp văn: Vũ Quý Mão, Đoàn Rạng, Trần Như Thuần, Ngô Đức Kính, Roch Cường, Vũ Ngọc Ánh…
– Anh văn: Lê Bá Kông, Nguyễn Văn Khôn, Vũ Ngọc Ánh, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Điền, Đỗ Khánh Hoan, Hà Văn Bửu, Đắc Sơn, Lê Văn Ruệ…
– Sử, Địa: Tăng Xuân An, Trần Hữu Quảng, Bằng Phong, Nguyễn Trọng Phong, Bùi Tân, Lê Như Dực, Đặng Đức Kim…
– Toán: Đặng Văn Nhân, Đặng Sỹ Hỷ, Nguyễn Đình Chung Song, Nguyễn Văn Kỷ Cương, Đinh Đức Mậu, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Tá, Nguyễn Phượng Các, Trần Kim Quy, Đoàn Văn Phi Long…
– Lý hóa: Bùi Phượng Chì, Phạm Đình Ái, Trần Thượng Thủ, Hà Văn Dương, Nguyễn Ngọc Huân, Nguyễn Đình Phú, Nguyễn Hữu Tài, Nguyễn Thanh Khuyến, Nguyễn Mạnh Hà, Lê Khắc Huy, Vũ Văn Tiên, Trần Xuân Hài, Chu Phạm Ngọc Sơn, Cao Huy Tấn, Bùi Quang Hân.
– Vạn vật học: Đỗ Đức Công, Nguyễn Nhuận, Nguyễn Đức Thịnh, Vũ Văn Tuyên, Nguyễn Ngọc Nam, Đỗ Đức Thịnh, Chu Ngọc Thủy, Phùng Thanh Loan…
Riêng sách giáo khoa Trung học của Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục xuất bản tương đối ít, tính đến năm 1972 có thể kể:
– Quốc văn: Việt văn độc bản lớp 10 (in lần thứ 6) và lớp 11 (in lần thứ 7) của Trần Trọng San, Phương pháp làm bài nghị luận của Thuần Phong Ngô Văn Phát (in lần thứ nhất, 1968), Văn phạm giản dị và thực dụng (dùng chung cho giáo chức Trung, Tiểu học) của Bùi Đức Tịnh (in lần thứ hai, 1972).
– Hán văn: Hán văn giáo khoa thư lớp 6 và lớp 7 của Võ Như Nguyện-Nguyễn Hồng Giao (in lần thứ nhất, 1964).
– Sử: Thế giới sử lớp 12 của Tăng Xuân An (in lần thứ 5 năm 1964).
– Anh ngữ: Anh ngữ lớp 6 (in lần 1 năm 1962) và lớp 7 (in lần 1 năm 1964) của Nguyễn Đình Hòa.
– Toán, Lý, Hóa: Đại số học lớp 12 của Nguyễn Bá Cường (in lần 1, năm?), Lượng giác học lớp 12 B của Nguyễn Xuân Vinh (in lần thứ nhất, 1962), Hình học họa hình lớp 12 B (in lần thứ nhất, 1960), Số học lớp 12 A, B (in lần thứ năm, 1968), Thiên văn học lớp 12 A, B (in lần thứ hai, 1960) của Đặng Văn Nhân; Vật lý học lớp 10 A, B (in lần thứ ba, 1964), Vật lý thực hành lớp 10 A, B (in lần thứ nhất, 1960), Vật lý quang học lớp 11 A, B (in lần thứ nhất, 1962), Thực tập vật lý lớp 11 A, B (in lần thứ nhất, 1962) của Bùi Phượng Chì; Cơ học lớp 12 của Nguyễn Xuân Vinh (in lần thứ hai, 1967); Hóa học lớp 10 (in lần thứ bảy, 1968), lớp 11 (in lần thứ sáu, 1970) và lớp 12 (in lần thứ sáu, 1970) của Phạm Đình Ái.
– Thủ công: Thủ công Trung học lớp 6 của Lê Xuân Thủy (in lần thứ nhất, 1963).
Nhưng có lẽ quan trọng và có ý nghĩa hơn hết là việc Trung tâm Học liệu đã cho tái bản được một số sách tham khảo rất có giá trị về Văn, Sử như: Việt Nam văn học sử yếu (in lần 10 năm 1968), Việt Nam thi văn hợp tuyển (in lần 9 năm 1968), Văn học Việt Nam (in lần 4 năm 1968) của Dương Quảng Hàm; Thượng Chi văn tập của Phạm Quỳnh (5 tập, in lần thứ nhất, 1962), Nữ thi hào Việt Nam của Phạm Xuân Độ (in lần thứ hai, 1970), Việt Nam sử lược (2 quyển) và Nho giáo (2 quyển) của Trần Trọng Kim.
Về nội dung, cũng như ở những cấp/ bậc học khác, sách giáo khoa Trung học ở miền Nam trước 1975 biên soạn theo chương trình quy định của Bộ Quốc gia Giáo dục, nhưng được tùy nghi vận dụng theo sở kiến riêng của từng soạn giả. Giáo viên đứng lớp, còn có thể tự do hơn nữa, vì không bắt buộc phải dùng hẳn một cuốn sách giáo khoa duy nhất nào, mà họ được dạy theo sự tâm đắc về môn học do mình phụ trách. Họ có thể dẫn một đoạn văn hay bài toán nào đó, không có trong bất kỳ sách giáo khoa chính thức nào, để giảng cho học trò. Riêng phần Kim văn (tức văn học hiện đại) của môn Quốc văn, trích giảng đầy đủ các tác giả không phân biệt nhân thân, xu hướng chính trị hay ý thức hệ, vì thế hầu hết những tác giả là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học… đang sống, làm việc cho phía đối kháng “bên kia dòng Bến Hải” đều được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy, như Nguyên Hồng, Tô Hoài, Trần Tiêu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Lân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên…, không kể những tác giả miền Bắc khác vào lúc đó đã quá cố.
Về hình thức, sách giáo khoa Trung học phần lớn in bìa 2 màu, ruột sách in đen trắng. Chỉ vào khoảng đầu những năm 70 của thế kỷ trước, nhà xuất bản Alpha ở Sài Gòn do ông Lý Thái Thuận làm giám đốc mới bắt đầu có sáng kiến cho ra những sách in màu cả bìa lẫn ruột theo kỹ thuật in offset hiện đại, cho những sách về các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý hóa, Vạn vật…, và đã khá thành công, vì lần đầu tiên ở Việt Nam sách chữ Việt có màu mè đẹp, thu hút được sự chú ý của giáo chức và học sinh Trung học thời đó.
C. SƠ LƯỢC CHƯƠNG TRÌNH VÀ SÁCH GIÁO KHOA ĐẠI HỌC
Bậc đại học phổ thông (Văn khoa, Luật khoa…) và chuyên nghiệp (Y, Dược, Sư phạm…) của miền Nam trước 1975 đào tạo cử nhân, cao học và tiến sĩ. Hệ thống đại học được tự trị về học vụ và chuyên môn theo quy định của Hiến pháp 1967, không lệ thuộc Bộ Giáo dục, cũng không có cơ quan chủ quản (trừ trường Y Dược thuộc Bộ Y tế chủ quản), vì thế chương trình học và sách giáo khoa cũng được tự do, phần lớn chỉ tùy thuộc ở giáo sư phụ trách giảng dạy bộ môn dưới sự chấp thuận của Hội đồng Khoa và Khoa trưởng của mỗi nhà trường riêng biệt.
Nói chung, chương trình học trong các cơ sở giáo dục đại học miền Nam được chia làm ba cấp. Cấp 1 học 4 năm, nếu theo hướng các ngành nhân văn, khoa học… thì lấy bằng cử nhân (như cử nhân Triết, cử nhân Văn chương, Toán…); nếu theo hướng các ngành chuyên nghiệp thì lấy bằng tốt nghiệp (như bằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm, bằng tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh…) hay bằng kỹ sư (thí dụ kỹ sư Điện, kỹ sư Công chánh…). Cấp 2, học thêm 1-2 năm sẽ thi lấy bằng cao học hay tiến sĩ đệ tam cấp (tiếng Pháp: docteur de troisième cycle, tương đương thạc sĩ bây giờ). Cấp 3, học thêm 2-3 năm có thể làm luận án để lấy bằng tiến sĩ (tương đương với bằng Ph. D của Hoa Kỳ). Riêng ngành Y, vì phải có thời gian thực tập ở bệnh viện nên sau khi học xong chương trình dự bị y khoa phải học thêm 6 năm hay lâu hơn mới hoàn tất chương trình đại học.
Vì hệ thống đại học rộng lớn phức tạp, tri thức đại học lại quá mênh mông, nên tại đây, chỉ xin nói lướt qua riêng về chương trình học của các trường đại học-cao đẳng sư phạm, và về tình hình chung của sách giáo khoa các trường đại học, cao đẳng, giai đoạn 1955-1975.
Thời VNCH, có nhiều trường sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học và giáo học bổ túc như Quốc gia Sư phạm (Sài Gòn), Sư phạm Long An, Sư phạm Vĩnh Long, Sư phạm Quy Nhơn, Sư phạm Ban Mê Thuột (Buôn Ma Thuột)…, hoặc các trường sư phạm đào tạo giáo sư trung học đệ nhất cấp, đệ nhị cấp như Cao đẳng Sư phạm sau đổi thành Đại học Sư phạm (Sài Gòn, Huế, Đà Lạt). Có Đại học Sư phạm 1 năm đào tạo giáo sư Trung học Đệ nhất cấp; 3 năm đào tạo giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Nói chung, loại trường nào cũng gồm nhiều ban như Việt văn, Triết, Sử Địa, Pháp văn, Anh văn, Toán, Lý hóa, Vạn vật… tương ứng với các môn sẽ dạy khi ra trường, vừa giúp các giáo sinh củng cố, mở rộng kiến thức chuyên môn (học về nội dung các môn mình sẽ dạy), vừa đào tạo khả năng chuyên nghiệp cho họ về khoa sư phạm cả lý thuyết lẫn thực hành.
Lấy Đại học Sư phạm Sài Gòn (thuộc Viện Đại học Sài Gòn) làm tiêu biểu. Chương trình học tại đây thay đổi tùy theo ngành mà giáo sinh được lựa chọn. Như ngành Đệ nhất cấp học trong 2 năm với quyền chọn một trong 4 ban: Việt văn, Anh văn, Toán, Lý hóa. Ngành Đệ nhị cấp học 4 năm, chọn một trong 4 ban: Anh văn, Pháp văn, Toán, Lý hóa. Nếu đã có sẵn Chứng chỉ Dự bị Đại học của trường khác, giáo sinh được miễn học năm Dự bị ở Sư phạm và chỉ phải học 3 năm ở ngành Đệ nhị cấp, với tất cả 7 ban được lựa chọn, gồm: Việt Hán, Sử Địa, Anh văn, Pháp văn, Toán, Lý hóa, Vạn vật. Riêng ở ngành Đệ nhị cấp Cấp tốc, giáo sinh chỉ học 1 năm.
Các môn học thay đổi tùy theo từng ban. Thí dụ ban Việt Hán, phải học các phần Việt học, Cổ học, Hán văn và ngoại ngữ (Anh hoặc Pháp); ban Sinh ngữ phải học về Văn hóa, Văn chương, Văn phạm thực hành và một ngoại ngữ khác với sinh ngữ đã chọn…
Về chuyên môn, phải học một số môn như: Lịch sử giáo dục Việt Nam và Đông phương, Tâm lý giáo dục, Giáo dục hướng dẫn, Giáo dục đối chiếu, Phương pháp dạy học, Luân lý chức nghiệp, Vấn đề giáo dục, Quản trị học đường.
Trước năm 1975, đã thấy có những sách tiếng Việt xuất bản phục vụ cho chuyên ngành sư phạm như sau:
– Sư phạm khoa giản yếu của Phạm Xuân Độ và Ngô Đức Kính, tác giả xuất bản tại Sài Gòn năm 1957.
– Tâm lý học ứng dụng của Phạm Xuân Độ, Bộ Quốc gia Giáo dục in lần thứ nhất năm 1958, lần thứ 3 năm 1970.
– Sư phạm lý thuyết của Trần Văn Quế, Bộ Quốc gia Giáo dục in lần thứ nhất năm 1964, lần thứ 2 năm 1968.
– Sư phạm thực hành của Trần Văn Quế, Bộ Quốc gia Giáo dục in lần thứ nhất năm 1964, lần thứ 2 năm 1969.
– Sư phạm chuyên biệt của Hồ Văn Huyên, Bộ Quốc gia Giáo dục in lần thứ nhất năm 1969.
– Phương pháp dạy học của Mai Tâm và Long Điền, do Giáo dục nguyệt san xuất bản.
– Nghệ thuật dạy học của Sư huynh Mai Tâm, do Giáo dục nguyệt san xuất bản, in lần thứ 2 năm 1969.
– Sổ tay sư phạm của Sư huynh Mai Tâm, do Giáo dục nguyệt san xuất bản.
– Tâm lý giáo dục của Sư huynh Mai Tâm, do Giáo dục nguyệt san xuất bản.
– Tâm lý thanh thiếu niên của Sư huynh Mai Tâm, do Giáo dục nguyệt san xuất bản.
– Triết lý giáo dục của Mai Tâm, do Giáo dục nguyệt san xuất bản.
– Luân lý chức nghiệp nhà giáo của Nguyễn Gia Tưởng, Bộ Quốc gia Giáo dục in lần thứ nhất năm 1968.
– Luân lý chức nghiệp của Lê Thanh Hoàng Dân-Nguyễn Hòa Lạc, do Trẻ xuất bản tại Sài Gòn năm 1971.
– Tác phong nhà giáo, dịch của H. Simon, do Giáo dục nguyệt san xuất bản.
– Lịch sử giáo dục của Nguyễn Văn Kế, do Giáo dục nguyệt san xuất bản.
– Các vấn đề giáo dục (2 tập) của nhóm Lê Thanh Hoàng Dân, Trần Hữu Đức…, do Trẻ xuất bản tại Sài Gòn năm 1971.
– Vấn đề giáo dục của Nguyễn Hổ Dư và Trần Doãn Đức, Văn khoa xuất bản năm 1971.
– Quản trị học đường của Trần Văn Quế-Ngô Kim Xán-Vũ Nam Việt, Bộ Quốc gia Giáo dục in lần thứ nhất năm 1964.
– Quản trị và thanh tra học đường của nhóm Lê Thanh Hoàng Dân, Trần Hữu Đức…, Trẻ xuất bản tại Sài Gòn năm 1972.
Ngoài ra, đáng chú ý có những dịch phẩm dùng tham khảo cho ngành sư phạm của nhà xuất bản Trẻ (phân biệt với Nxb Trẻ TP HCM bây giờ) do Trần Hữu Đức và Lê Thanh Hoàng Dân chủ biên. Đã dịch được một số cuốn như: Lịch sử giáo dục, Triết lý giáo dục, Kinh nghiệm nhà giáo, Giáo dục mới, Tâm lý nhi đồng, Tâm lý giáo dục, Phái nữ, Phương pháp sư phạm, Tâm lý tình cảm, Tánh tình và giáo dục, Trẻ khó dạy… Tất cả đều đã được xuất bản trong khoảng những năm 1970-1971.
Sách bàn về nghề giáo, nhà giáo có 3 cuốn đáng chú ý: Vài ý nghĩ của giáo Mưu của Vũ Ngô Mưu do Nhóm Thiện Chí xuất bản, Sài Gòn, 1965 (dày 84 trang, gồm 7 chương, nêu những kinh nghiệm, những nhận xét của tác giả “về một vài vấn đề dạy học để gửi tới đồng nghiệp bốn phương”); Câu chuyện thầy trò của Huỳnh Phan (Nguyễn Hiến Lê đề tựa, Nxb Trí đăng, 1970; tập hợp các câu chuyện nhỏ và những bài thảo luận về tình nghĩa thầy trò và quan hệ giữa thầy và trò); Nhà giáo của Nguyễn Văn Y (Nxb Nam Hà, Sài Gòn, 1973).
Nếu tính chung về sách giáo khoa đại học các ngành (ngoài ngành sư phạm) thì có thể nói sinh viên trước đây phần lớn đều học theo giáo trình (cours) do các giáo sư, giảng viên đại học tự biên soạn cho môn học mình phụ trách, phần lớn in roneo, một số khác được in typo với kỹ thuật đơn giản, ít chú trọng hình thức. Tỷ như Đại học Luật khoa Sài Gòn, khi ghi tên theo học, ngay đầu năm phải đóng luôn tiền mua sách với giá khá cao, cho 9 môn học của năm thứ I (gọi là Cử nhân I): Kinh tế học, Luật Hiến pháp, Dân luật, Cổ luật, Pháp chế sử, Quốc tế công pháp, Diễn tiến kinh tế xã hội, Danh từ kinh tế, Luật đối chiếu. Những sách này thường có ghi dòng chữ ngoài bìa: “Giảng văn dùng cho các sinh viên, cấm bán tại các hiệu sách”, hoặc “Sách này chỉ ấn hành rất hạn chế để dùng trong phạm vi trường Luật”… Vì sinh viên năm thứ I đông (khoảng trên dưới 20 ngàn) nên sách giáo khoa cũng trở thành một “nguồn lợi” kiếm thêm của một số giáo sư Đại học Luật.
Ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, việc phổ biến sách giáo khoa cho sinh viên xem ra có vẻ “văn nghệ” và phóng khoáng hơn. Phần lớn giáo sư chỉ định cho tổ chức sinh viên trong nhà trường quay ronéo bài giảng với giá rẻ; một số khác dạy các môn Văn, Sử, Triết… thường có sách vừa để học trong trường vừa tiêu thụ ra ngoài như mọi sách đọc phổ thông khác (như của các tác giả Thanh Lãng, Phạm Văn Diêu, Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Thế Anh, Kim Định, Nguyễn Văn Trung, Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Duy Cần…), thường in đẹp. Ngoài sách ở thư viện (với khoảng 20.000 sách và 200 chỗ ngồi) mà sinh viên được sử dụng, các giáo sư cũng thường đề nghị sinh viên quay ronéo thêm tài liệu tham khảo, đặc biệt là đối với những sách cổ, sách cũ quý hiếm (như Kinh Thi của Tản Đà, Đường thi trích dịch của Bùi Khánh Đản…), sách của các tác giả miền Bắc.
Một số sách giáo khoa dùng chung cho nhiều trường đại học hoặc có đối tượng sử dụng rộng đã được Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục xuất bản, như Cây cỏ miền Nam Việt Nam (in lần 2 năm 1970), Sinh học thực vật (in lần 3 năm 1972), Tảo học (in lần 2 năm 1972), Hiển hoa bí tử (in lần 1 năm 1968), Rong biển Việt Nam (in lần 1 năm 1968), của Phạm Hoàng Hộ; Nông học đại cương của Tôn Thất Trình (in lần 1 năm 1967); Sản khoa của BS Đặng Hóa Long (in lần 1 năm 1968); Giao thoa (in lần 1 năm 1969), Nhiễu xạ (in lần 1 năm 1969), Phân cực (in lần 1 năm 1971), Phổ học (in lần 1 năm 1971) của Nguyễn Chung Tú; Điện học của Võ Đức Diễn (in lần 1 năm 1970); Việt Nam Dân luật khái luận (1961), Việt Nam Dân luật lược khảo (1962) của Vũ Văn Mẫu; Luật Thương mại toát yếu của Lê Tài Triển (in lần 1 năm 1959); Nhập môn Triết học Ấn Độ của Lê Xuân Khoa (in lần 2 năm 1972); Lược khảo văn học I, II của Nguyễn Văn Trung (in lần 1 năm 1968); Luận lý Toán học đại cương của Lê Thành Trị (in lần 1 năm 1972); Lịch sử Triết học Đông phương của Nguyễn Đăng Thục (in lần 2 năm 1968); Tự điển chữ Nôm của Nguyễn Quang Xỹ-Vũ Văn Kính (in lần 1 năm 1971).
Ngoài ra, còn có những sách về danh từ chuyên môn do Ủy ban Soạn thảo Danh từ Khoa học của Khoa học Đại học đường (năm 1967 đổi thành Ủy ban Quốc gia Soạn thảo Danh từ Chuyên môn) biên soạn, như Danh từ Toán học Pháp Việt, Danh từ Hóa học Pháp Việt, Danh từ Thực vật Pháp Việt, Danh từ Động vật Pháp Việt, Danh từ Mỹ thuật Pháp Việt…
Cũng có trường đại học lập được Ban Tu thư, như Viện Đại học Huế, nhưng chỉ in được lẻ tẻ vài sách tham khảo. Đôi khi cũng có một nhà xuất bản tư nhân nào đó chịu nhận in sách cho giáo sư đại học, chắc do có sự quen biết, nhưng trường hợp này hiếm, và thường thì tác giả phải tự lo xuất bản lấy.
Việc in sách giáo khoa bậc Đại học do tư nhân phụ trách có lẽ chỉ bắt đầu phát triển và thành nếp khá hơn kể từ năm 1969 khi có sự tham gia của nhà xuất bản Lửa thiêng, xuất bản tổng hợp nhiều thứ sách nhưng chủ yếu nhắm vào sách giáo khoa đại học hoặc sách tham khảo cho trình độ tương đương đại học. Đây là một nhà xuất bản tư nhân có quy mô hoạt động lớn, chỉ trong vòng 5 năm, tính đến năm 1974, đã xuất bản được khoảng 130 đầu sách, thuộc đủ các bộ môn khoa học. Có thể kể vài cuốn trong số đó như: Dân số học của Lâm Thanh Liêm (1969), Bán đảo Ấn Độ (Từ khởi thủy đến thế kỷ XVI) của Phạm Cao Dương (1970), Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ của Nguyễn Thế Anh (1970), Thổ nhưỡng học đại cương của Thái Công Tụng (1970), Nhân chủng học và lược khảo thân tộc học của Bửu Lịch (1971), Phương pháp nghị luận và phân tích văn chương của Nguyễn Thiên Thụ (1971), Căn bản địa chất học của Trần Kim Thạch (1971), Khí tượng canh nông của Nguyễn Kim Môn (1972), Địa chấn học nhập môn của Nguyễn Hải, Pháp văn tuyển dịch của Lê Trung Nhiên (1972), Văn chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp 1945-1950 của Nguyễn Văn Sâm (1972), Triết học và Khoa học của Đặng Phùng Quân (1972), Sắt thép thế giới của Sơn Hồng Đức (1972), Hình luật tổng quát của Nguyễn Quang Quýnh (1973), Cơ cấu Việt ngữ của Trần Ngọc Ninh (1973), Lịch sử các học thuyết chánh trị của Nguyễn Ngọc Huy (năm 1973), Hán văn tân khóa bản của Nguyễn Khuê (1973), Dân số thế giới của Ngô Văn Lắm (1973), Nham thạch thông thường của Liêu Kim Sanh (1973), Văn học và Ngữ học của Bùi Đức Tịnh (1974), Thống kê thực dụng của Châu Nguyệt Hồng (1974)…
TẠM KẾT
Qua sự tổng hợp tư liệu và phân tích, nhận định cho từng phần như trên, chúng ta nhận thấy chương trình học và sách giáo khoa miền Nam trước năm 1975 có cả những mặt ưu điểm lẫn khuyết điểm. Nhất là về chương trình, mặt khuyết điểm tồn tại khá nhiều, bị không ít nhà giáo dục lên án, đại khái cho rằng còn quá nặng mà lại thiên về cái học từ chương khoa cử thoát ly thực tế cuộc sống, vốn chịu ảnh hưởng chương trình học cũ của thời phong kiến và của Pháp. Tuy nhiên, các nhà chức trách giáo dục nói chung đã rất có thiện chí biết lắng nghe dư luận của các giới quan tâm, nên qua nhiều lần sửa đổi, chương trình học cũng ngày càng nhẹ đi, nhất là ngành giáo dục những năm cuối cùng của chế độ đã tích cực hướng sang chương trình giáo dục Tiểu học Cộng đồng bằng việc cộng đồng hóa 100% các trường tiểu học (theo Nghị định số 2463-GD/PC/NĐ ngày 25/11/1969), cũng như đã khởi động trên thực tế chương trình trung học tổng hợp với nội dung giảng dạy sát với đời sống hơn qua việc thử nghiệm ở Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức và một số trường khác ở các tỉnh.
Khi nghe lời phê bình gay gắt của các nhà hữu tâm với giáo dục, chúng ta dễ có cảm giác như thể tất cả các bộ chương trình Trung, Tiểu học do Bộ Giáo dục soạn ra đều hỏng bét hết cả nhưng thực tế chắc không phải vậy. Việc đời cũng như việc trị nước thông qua công trình tổ chức giáo dục quốc dân, bao giờ cũng có hai mặt, nếu “nhân bản, dân tộc, khai phóng” quá cũng chết, còn như ngược lại, cứ quá đà chạy theo khoa học-kỹ thuật thực dụng để công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước như bây giờ người ta hay nói cũng có chỗ không ổn. Vì phát triển khoa học-kỹ thuật hướng tới thực dụng mà không dựa trên nền tảng triết lý giáo dục nhân bản thì tất yếu cũng sẽ sinh ra nhiều điều tai hại, về mối quan hệ giữa người với người trong xã hội cũng như giữa con người với thiên nhiên, mà hậu quả là sự tha hóa con người và phá hủy môi trường sống, vô phương cứu chữa, như trường hợp Trung Quốc hiện nay sau mấy mươi năm “đại nhảy vọt” mà nhà cầm quyền Trung Quốc tự hào là thành công nhưng chính họ cũng đang phải xét lại nhiều mặt.
Cho nên bình tĩnh mà xét, có lẽ chúng ta cũng nên cảm thông sâu sắc với những nhà soạn thảo chương trình thời đó: nắm quyền “định đoạt” giáo dục trong tay với chút ít quan liêu chủ nghĩa, phần lớn họ đều được đào tạo trong thời Pháp thuộc, đã quen với những bộ chương trình học nặng nề dày cộp đầy lý thuyết của Pháp, nên tuy có thực tâm cải cách họ vẫn khó thay đổi tư duy nhanh chóng trong một sớm một chiều; mặt khác, họ cũng có phần hơi hào hứng, lãng mạn, lý tưởng ở chỗ đòi hỏi nỗ lực học tập quá nhiều ở con em mình, cũng như đã quá chú mục theo đuổi triết lý giáo dục nhân bản, nên dễ thoát ly thực tế. Tuy nhiên, nếu chọn một đường lối chiết trung nào đó thì có lẽ hay hơn, bởi một phần nếu học hành theo lối của họ bên cạnh cái dở cũng có nhiều điều bổ ích, trên thực tế đã đào tạo nên một thế hệ thanh niên tương đối tốt về chất lượng học vấn, nhất là ở chỗ họ không bao giờ quên phải giáo dục nhân cách con người và lòng nhân ái qua những bài học của các môn Văn, Sử, Đức dục, Công dân giáo dục…, trên tinh thần luôn không hoàn toàn đồng thuận với mọi sự kích động về lòng căm thù giữa đồng bào và đồng loại.
Còn về sách giáo khoa, chương trình học định ra thế nào thì sách giáo khoa cũng như thế ấy. Nói chung, về nội dung biên soạn tốt theo chương trình quy định của Bộ Giáo dục, theo đúng triết lý “nhân bản, dân tộc, khai phóng” ở những môn khoa học nhân văn, và nhờ tính cạnh tranh trong quyền được tự do biên soạn của tư nhân và quyền chọn của người sử dụng nên phong phú đa dạng và ngày càng được cải tiến tốt hơn.
27/10/2014
T V C
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Giáo dục Mỹ thuật Bộ, Chương trình Trung học, in lại trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Tập I, Nxb Giáo dục, 1998.
– Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam, Chương trình giáo dục (Bậc Tiểu học và Trung học), Nhà in các Công báo, Sài Gòn, 1953.
– Chương trình Tiểu học, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1960.
– Chương trình Tiểu học (áp dụng kể từ niên khóa 1967-1968), Trung tâm Học liệu, Sài Gòn, 1968.
– Chương trình Trung học, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1960.
– Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa, Chương trình Trung học Phổ thông (Cập nhật hóa), Sài Gòn, 1970.
– Bộ Giáo dục, Chương trình Trung học, Sài Gòn, 1971.
– Trần Thái Hồng, Khảo sát hiện trạng Giáo dục Trung học Tổng hợp, Tiểu luận đệ trình Hội đồng Cao học Giáo dục Trường Đại học Sư phạm, Viện Đại học Sư phạm, Viện Đại học Sài Gòn, 8/1973.
– Nguyễn Khắc Hoạch, Xây dựng & phát triển văn hóa giáo dục, Lửa thiêng, Sài Gòn, 1970.
– Lê Thanh Hoàng Dân (Chủ biên), Các vấn đề giáo dục I, II, Trẻ xuất bản, Sài Gòn, 1971.
– Nguyễn Hổ Dư-Trần Doãn Đức, Vấn đề giáo dục, Văn khoa xuất bản, 1971.
– Phòng Tâm lý và Hướng nghiệp Đắc Lộ, Chỉ nam giáo dục cao đẳng Việt Nam, Sài Gòn, 1974.
– Văn hóa tập san XIII, Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1974.
– Tập san Minh đức, Số ra mắt (đặc biệt về Phát triển & Giáo dục), Sài Gòn, tháng 6 & 7, 1972.
– Giáo dục nguyệt san, các số 28 (12/1968), 49 (5/1971), 53 (12/1971), 54 (1/1972), 59-60 (6-7/1972).
– Bách khoa, các số 128, 129, 130, 131 (từ 1/5/1962 đến 1/6/1962), và 184 (1.9.1964).
– Lê Ngọc Trụ, Mục lục báo chí Việt ngữ trong 100 năm (1865-1965), bản in ronéo, Sài Gòn, 1966.
– Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thư tịch báo chí Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.
– Nguyễn Hùng Cường, Thư tịch về khoa học xã hội tại Việt Nam, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, 1970.
– Nguyễn Q. Thắng, Khoa cử và giáo dục Việt Nam, Nxb Văn hóa, 1998.
– Trần Văn Quế, Sư phạm thực hành, Bộ Văn hóa Giáo Dục, in lần thứ nhất, Sài Gòn, 1964.
– Nguyễn Phú Phong, “Quốc ngữ trong chương trình tiểu học thời Pháp thuộc”, Từ Đông sang Tây, Cao Huy Thuần chủ biên, Nxb Đà Nẵng, 2005.
– Lê Thanh Hoàng Dân (Chủ biên), Quản trị và thanh tra học đường, Trẻ xuất bản, Sài Gòn, 1972.
– Sách giáo khoa thuở xưa (hình chụp các bìa sách), https://www.facebook.com/media/set
– Sách giáo khoa các thời kỳ (hình chụp các bìa sách), thuongmaitruongxua.vn
– Thư mục 1972 Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1972.
– Một số sách dạy Văn bậc tiểu học từ lớp Năm tới lớp Nhất (Lớp 1 tới lớp 5) xuất bản trước năm 1975.
Nguồn: Tạp chí Nghiên Cứu & Phát Triển, số 7-8 (114-115) 2014 (Chuyên đề: Giáo dục miền Nam Việt Nam 1954-1975)