Chuyện cũ lịch sử (kỳ 5):

ẢNH HƯỞNG CỦA CÁCH TỔ CHỨC XÃ HỘI ĐỐI VỚI NHÂN CÁCH TRÍ THỨC

Vương Trí Nhàn

“Sĩ phong [khí thế, tinh thần của đám trí thức] nước ta, suy đồi đi là tự đời Lê trung hưng về sau.

Lúc bấy giờ các vua nhà Lê vẫn cầm quyền mà họ Trịnh dám dấy lên cướp quyền, quan lại và sĩ dân trong nước đều theo họ Trịnh. Hoá nên cái tâm lý sĩ phu thời ấy có hai đàng: thờ vua Lê để tránh tiếng phản quân; thờ họ Trịnh để kiếm đường thực lợi.

Ban đầu chắc cũng có người áy náy trong lòng, về sau tập thành quen, không còn biết thế nào là sỉ nhục.

Một người như thế trăm nghìn người hùa theo, người trên như thế người dưới bắt chước theo, thành ra cả một nước đều bỏ mất đại nghĩa, quên mất liêm sỉ, mà đổ xô nhau vào vòng danh lợi.

Từ đó về sau, người mình trở nên mềm như con bún, không biết vua là gì, không biết nước là gì, hễ ai mạnh thì theo. Lòng tự trọng của người mình như ngọn lửa đã tắt, không còn bừng lên, như hột giống bị ẩm, không còn nứt lên được.

Lại thêm cái kiểu chuyên chế từ xưa đến nay, cứ ở trên đè xuống ở dưới đợ lên, làm cho nhân dân ngày một đê hèn ngày một yếu ớt. Lòng tham lợi mạnh hơn lòng tư kỷ [tự ý thức về cá nhân mình] thì luồn cúi lạy lục mấy cũng chẳng từ; ưa cái sống đục hơn cái thác trong, thì mặt dạn mày dày đâu có quản.”

***

Đoạn văn trên là của Phan Khôi, ông viết trong bài “Luận về khí tiết” đưa trên tạp chí “Hữu Thanh”– cơ quan ngôn luận của hội Bắc kỳ công thương đồng nghiệp 1923.

Từ hồi biết nghĩ, đọc sử đến đoạn thế kỷ XVII Đàng Trong Đàng Ngoài, tôi đã cảm thấy trớ trêu. Sau này đọc thêm về xã hội Việt mới thấy cách tổ chức chính quyền vốn là một điểm kém cỏi của xứ ta, đến lúc ấy càng bộc lộ rõ. Từ đó thấy hoàn toàn có thể đồng ý với cách nói của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh rằng kiểu tổ chức chính quyền thời vua Lể chúa Trịnh là một thứ báng bổ đối với đạo Nho.

Một trong những lý thuyết căn bản của Khổng giáo là thuyết chính danh: “Quân quân thầnthần phụ phụ tử tử.” Vua phải ra vua quan phải ra quan, tóm lại ai phải ra người ấy, mỗi vai phải có tiêu chí chuẩn mực do xã hội quy định.

Cái này thì bao giờ cũng đúng, đến thế kỷ XXI vẫn đúng. Con người thời ta có thể có những chuẩn mực khác với chuẩn mực ở các thời khác các xứ khác. Nhưng phải có chuẩn mực của mình và phải theo nó, không theo là vô đạo – đạo đây không phải là đạo nào cả mà là đạo làm người.

Bây giờ đọc thêm Phan Khôi, mới thấy trong cái thời loạn ấy, — một thứ loạn do cách tổ chức xã hội sai lạc — con người thế kỷ XVII không thể tử tế được. Theo những lời dạy của thánh hiền, họ phải chống lại những kẻ tiếm quyền là đám võ biền họ Trịnh. Nhưng chống lại thì sống bằng gì? Lòng người trí thức trở nên phân hóa.

Vừa phải theo bên này vừa phải theo bên kia.

Sống ngược niềm tin của mình.

Dần dà họ không còn lý tưởng gì nữa. Toàn bộ hành động hướng vào việc chạy theo danh lợi. Nói theo chữ nghĩa thời nay tức là chủ nghĩa cơ hội xuất hiện. Những con người “mềm như bún” ấy – như chữ của Phan Khôi – còn mang trong mình nhiều “phẩm chất” kỳ cục khác mà chỉ con người hiện đại trong những thời buổi chính sự nhiễu nhương mới có: bất chấp đạo lý và trơ trẽn không còn biết xấu hổ là gì, nịnh nọt và trở mặt.

Ai đọc “Hoàng Lê nhất thống chí” hẳn nhớ cái câu mà một nhân vật tri huyện giải thích sự phản trắc khi nói thẳng vào mặt Lý Trần Quán là ông thầy của mình “Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu mình”. Một phát hiện như thế đang được con người ngày nay nâng lên một trình độ mới. Trên con đường lưu manh hóa, họ tìm thấy ở đấy một sự giải phóng.

***

Suy nghĩ cuối cùng của tôi: sống trong cái thời nhố nhăng, con người khó giữ được mình lắm.

Nhưng không phải vì thế mà cho phép mình buông thả hùa theo mọi người và đổ lỗi cho xã hội.

Lại còn có thể nói thêm với nhau: mọi vận động ngược dòng thường cũng mang lại những thách thức thú vị.

Không phải bao giờ tôi cũng làm được hết những điều mình nghĩ. Nhưng tôi sẽ thử, đang thử và còn tiếp tục thử.

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1946134992328429&id=100007958417043

Comments are closed.