Trong thoáng xuân Hà Nội (thư từ, ghi chép, 1986-1991) (kỳ 11)

Lại Nguyên Ân

clip_image001

Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771

 

Hà Nội, 27. 5. 1988

Nhàn thân,

Hôm trước, định gửi thư qua ông Trần Lê Văn rồi trượt mất, bây giờ có lẽ gửi theo anh Hoàng Minh Châu. Tình hình có thêm mấy nét gần xa:

– Nhà xuất bản mình, Quỳnh và anh Kiên nằm Việt Xô. Quỳnh bị tim, loạn nhịp nhiều, người ta gọi là tâm thu gì ấy. Ông Kiên có lẽ sẽ phải mổ dạ dày.

– Có thể Đại hội Nhà văn sẽ vào đầu tháng 7, nhưng không khí khá rối và phức tạp. Nghe nói 3 vị cao nhất trong Секретариат [Sekretariat = Ban thư ký] (Thi, Chính Hữu, Khải) đều chống cả Ng.Ngọc lẫn Tr.Độ. Ông Thi chê ông Độ ít văn hóa, khó lãnh đạo văn hóa và đặt vấn đề với ông Tr.Tr.Tân (trưởng ban Tuyên huấn): nếu đại hội chỉ là để bầu lại ban lãnh đạo thì đại hội làm gì, họp Ban chấp hành cũng xong!

Tờ “Văn nghệ” cũng bị sức ép tợn. Tuy vậy chưa phải là đến nỗi chỉ còn đường lùi. Cuộc gặp ông Linh với các tổng biên tập một số tờ báo nghe nói rất tốt. Ông N.V.L. sang tháng 6 sẽ lại xuất hiện trên báo chỉ với những bài ngắn.

Dẫu sao, sức ép từ phía bảo thủ vẫn lớn. Ở Tác Phẩm Mới định in Về Kinh Bắc và thơ Trần Dần thì bên công an liền đến “có ý kiến”. Cứ cái con đường “nội bộ” ấy để hãm phanh hoặc trù úm văn hóa. Kể ra có nhiều cách đáp lại, nhưng ông V.T.N. bây giờ khác trước nhiều lắm, cho nên phần chắc là sẽ nghe lời. Thế mới buồn! Cái “khôi phục hội tịch” không khéo chỉ là hình thức. Ông N.V.Phú thuyết phục tôi: ai bảo ta cứ muốn in chính những cái đã bị “đánh” ấy, dẫu tác phẩm không có tội nhưng cái việc in nó ra sẽ là “chửi” vào họ, xúc phạm họ! – Đầy những lý lẽ như thế.

Bên ngoài, anh em cũng phân hóa nhiều. Đến cậu N.V.Bình thân quen là thế, cũng viết trên “Quân đội nhân dân” (cùng H.P.Phú) chê trách Tôn Gia Các và Hồ Ngọc. Thế là bênh P.C.Đ. rồi, lo sợ đổi mới rồi. Có thể có tình huống đáng buồn là nhiều nhà văn sẽ quay về bênh P.C.Đ. hoặc ít ra cũng che đỡ y (ông Khải là một)…

– Theo ý ông Tr.Độ, tôi và ông N.Thảo đang chuẩn bị làm số phụ của tờ Thông tin Văn hóa văn nghệ của ban. [1] Sẽ in ngắn một số bài, nhằm tiến tới một tờ tạp chí phê bình. Ông Nhàn có thể góp cho vài mẩu về những ý kiến khác nhau xung quanh một số tác phẩm được không? Ví dụ các tác phẩm khôi phục? Hoặc về các tác phẩm của Dudincev, Rybakov, Bek, v.v.? [2] Nếu dịch được một chùm ý kiến khác nhau (độ 5-10 trang thôi, lấy thật kỹ vào) thì gửi gấp về, bọn tôi dùng ngay cho kịp.

Những dòng đáng ngại thì nhiều, nhưng không làm tới thì chẳng có gì để tồn tại cả. Nên cứ phải làm, kiên định rồi sẽ đến lúc rõ ràng.

H.M.Đức sang Nga có gặp ông không mà không thấy có thư về. Mình có gửi qua ông Đức (hoặc Tô Ngọc Hiến) một thư dài cho ông, không biết ông có nhận được không. Tôi có nhận được mẩu thư Yến của ông qua ông V.T.Nam nên có cảm tưởng thư gửi cho ông bị lạc. Buồn thế, trong ấy cũng khối chuyện đấy.

Thôi, tạm biệt. Hẹn thư sau.

TB. – Nghe Yến nói, ông định tháng 9 mới về, không biết có thể về sớm hơn để kịp dự đại hội không? Trà về Sài Gòn, nghe nói đã viết thư cho Ng. Ngọc, nhưng chưa viết cho mình. Thảo vào Sài Gòn với ông Độ để chuẩn bị chỗ in ấn, có lẽ sẽ gặp Trà. Ta gây dựng được tờ tạp chí phê bình này thì thật tuyệt.

Tạm biệt

ÂN

Chú thích

[1] Thời gian này, Ban Văn hóa Văn nghệ trung ương ĐCSVN xuất bản tờ Thông tin văn hóa văn nghệ, do Trưởng ban Trần Độ chủ trương (giấy phép sô 357/BTT cấp ngày 7/6/1988) theo quy cách mỗi quý (3 tháng) một số, nội dung là thông báo các tin tức văn hóa văn nghệ, trao đổi kinh nghiệm công tác cho giới cán bộ đảng các cấp, nhất là các cán bộ quản lý văn hóa; trụ sở tòa soạn tại 49 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Tờ này ra được 6 số: 1988: 4 số; 1989: 2 số, ngoài ra còn ra được một phụ trương mang tên Phê bình và dư luận. Trên thực tế, tờ này chỉ hoạt động trong thời gian Trần Độ là trưởng ban.

[2] Chỗ này nhắc đến một số nhà văn LX. có tác phẩm được luận bàn hoặc tái công bố trong thời cải tổ, như Vladimir Dudintsev (1918-98) với tiểu thuyết “Không phải chỉ bằng bánh mì” (in 1956, gây tranh luận về nội dung chống quan liêu); Anatoly Rybakov (1911-98), có tiểu thuyết “Những đứa con phố Arbat” viết từ những năm 1960, công bố 1987; Aleksandr Bek (1902-72) có tiểu thuyết “Chức vụ mới” (1965) được thông báo sẽ đăng “Novyj Mir” rồi không được đăng, vì động chạm đến viên bộ trưởng luyện kim thời Stalin, phải công bố 1972 tại CHLB Đức, đến 1986 mới công bố tại LX. thời đầu cải tổ.

Hà Nội, 1. 7. 1988

Nhàn thân mến,

Từ hôm nhận thư Nhàn gần đây, được biết thế là bức thư gửi theo Tô Ngọc Hiến và Hà Minh Đức bị mất, mình hẫng đi, như một kẻ bị nghe trộm điện thoại về chuyện riêng. Thằng Hiến bảo không có thư nào cả. Thằng Đỉnh (mình đưa cho nó, bảo khi nào Hiến về chỗ H.Thỉnh ngủ để hôm sau đi thì nhớ đưa) thì bảo đưa cho Hiến rồi. Nếu Hiến vứt đi trong đống hàng hải quan thì không sao. Nhưng nếu lọt vào tay H.M.Đ. thì thật là không hay…

Nhưng thôi chuyện ấy.

Vừa nhận thư Nhàn viết 26.6.88, chắc gửi qua Từ Sơn hoặc Minh. Mình đang bận. Hơi vui vì vừa được chia nhà, có điều là chật lắm, độ 16m2 trong khi Quỳnh, B.Hòa được 26m2, ông Nguyễn Kiên 36m2, Th.B.Tân đến ở nhà cũ B.Hòa, Khuê 16m2 cộng với nhà cũ, các ông Hách 13 m2, Thịnh 13 m2, Th.Hòa 10 m2 ở chung một phòng 36m2… Tất cả đều ở Ngọc Khánh, tức là sau này, tôi với ông có thể đi bộ sang nhà nhau được. Nhưng qua “vụ” nhà cửa, nội bộ Hội và nhà xuất bản cũng lộ ra nhiều chuyện không hay, tình cảm với nhau cũng sứt mẻ, không khí không vui mấy nữa.

Chuyện Đảng của mình thì đang chờ (chi bộ đã làm hồ sơ lên Đảng ủy hội) chuyện thay Nhàn thì xa vời: đến thời điểm ấy, liệu các vị nhà mình có cho mình đi hay lại chọn gương mặt khác, ai mà biết được? Sắp tới bà T.Trung sang trao đổi 15 ngày, ông nên hỏi chuyện kỹ sẽ biết các việc trong nhà xuất bản, Hội và báo… Và ông cũng nên có thư cho ông Nam, ông Ng.Kiên nói đề nghị của ông là nên cử ai đi tiếp thay ông, như thế dễ cho tôi hơn. Ông Kiên vừa mổ dạ dày, ông nên có thư riêng.

Chuyện Q. mà ông bảo, tôi tự thấy không đủ hiểu biết. Có lần Q. nói với tôi, sau đó tôi bị thuyết phục hoàn toàn. Tôi tin Q., Thảo cũng hiểu và thông cảm. Cả N.T. Oanh cũng thế. Thương nữa là khác. Nhưng bên ngoài người ta nói ghê lắm. Ông Hoàng Lập Ngôn có một bài (không đăng được) bảo Q. và lũ 4 tên (+ Sinh, Khuê, D.Viên) là chui ra từ ông tay áo ông H.X.Trường. Hội M.T. họp hội viên 2 ngày, họ thay nhau mạt sát chửi bới N.Q., nào là nắm hết các chức vụ quan trọng, 5 năm lên 7 bậc lương, đi nước ngoài 6 – 7 lần, v.v. Nhìn bề ngoài thì từ khi Q. làm, bộ mặt mỹ thuật rõ ra trước xã hội, hoạt động mỹ thuật có sinh sắc. Nhưng không hiểu sao họ ghét Q. đến thế. Mà tôi cũng lạ là Q. nó nghe chửi cũng tài lắm. Tiếp xúc thì Q. tỏ ra không lo gì cả, sẵn sàng “về vườn” ngồi vẽ và viết. Nó có những tư tưởng về nghệ thuật học, về văn hóa cực kỳ sắc sảo, táo bạo, khiến tôi rất thèm. Và tôi cũng nghĩ: nếu vậy thì sẽ chẳng lo gì cả. Một nền nghệ thuật không trông chờ vào người quản lý giỏi, chỉ trông chờ tài năng! Q. hình như đã khuấy được một cái gì đó, và cái người ta ghét Q., bề ngoài là ghét cái anh “quyền chức” như ghét bất cứ ai trong chóp bu của cơ chế cũ, như đại diện cho cơ chế cũ, bề trong là ghét một tay được việc và vì được việc mà có vẻ nổi bật, át cả đàn anh. Quan chức thì phải già, – đằng này nó lại trẻ… Tôi đoán khi Q. lùi khỏi giới chức của hội, người ta sẽ lui tới với nó nhiều hơn cho mà xem. Còn những cái mà người ta bảo Q. hỏng, cũng như bảo Đ.T.Kh. hỏng, là ở các chuyện sinh hoạt. Đấy cũng là chỗ chọc tức vào lớp đàn anh vốn gia trưởng và nếu có hưởng lạc thì che đậy và không bao giờ sòng phẳng nhận rằng đấy là việc được phép…

Còn tình hình, ông chăm đọc báo ở nhà chắc cũng đoán được đôi phần. Nghị quyết của hội nghị Trung ương vừa rồi, bài ông Tr.Tr.Tân trên Nhân dân cho thấy gì, ông chắc biết. Đổi mới là xu hướng quá mạnh trong quần chúng và trí thức, trong đông đảo đảng viên, thanh niên, nhưng có vẻ các vị có chức quyền thì bắt đầu run. Cứ nhìn ứng xử của ông N.Khải là biết: ông ta nhạy cảm, thấy cấp trên không ưng bạo dạn đổi mới nên ông ấy bắt đầu trở lại lượn lờ. Ông N.L.V. không được ủng hộ nhiều lắm trong giới chức cấp cao. Với văn hóa văn nghệ, người ta tỏ ra ngại cái bạo của ông Độ nên có những trò dèm pha, dọa xa dọa gần. Không khí chung buộc người ta phải thận trọng, vì ở ta, ở phương Đông phong kiến, sự trở lại cái cũ, cái mô hình tập trung quyền uy cũ là chắc hơn, nên đổi mới khó khăn.

Trong Hội ta, quan hệ Khải-Ngọc căng thẳng. Khải đứng về phía Thi, C.Hữu, cho Ngọc là “tả”. Hình như hồi cuối tháng 5, ba vị Thi, C.H., N.Khải ký vào một tờ trình lên ban bí thư, nói: việc đưa Ng.Ngọc làm tổng biên tập “Văn nghệ” là “chúng tôi bị sức ép của Ban Văn hóa Văn nghệ”, rằng hiện nay tờ báo tuột khỏi tay ban thư ký, trong khi lại gần gũi quá với Ban Văn hóa Văn nghệ, rằng nếu coi tờ báo là phát ngôn của Ban thì “chúng tôi xin từ chức tập thể”… Ông Tr.Độ cũng nhận được văn bản này, có gọi 3 vị lên nói chuyện. Còn Ban B.thư thì cũng gặp 3 vị một buổi, cụ thể ra sao không rõ, đại khái có chỗ “ủng hộ”. Ví dụ bảo: Ừ, tờ báo của Hội thì Ban thư ký phải quản chứ, và tờ báo nào phải làm đúng chức năng của báo ấy. Nhưng cũng lại có lời khen “Văn nghệ” làm tốt mặt đánh tiêu cực xã hội, góp tiếng nói khôi phục công lý, v.v. Tuy nhiên, cũng có lời đồn: tinh thần cuộc gặp ấy không có lợi cho Ng.Ngọc. Cũng dễ hiểu thôi: tính hai mặt, nhiều mặt của các vị cấp trên mà.

Hôm chủ nhật 26/6 vừa rồi, Ban thư ký làm việc với báo “Văn nghệ” tức là với tổng và các phó tổng biên tập. Tôi hỏi tình hình, ông Ng.Ngọc nói: sau khi Ng.Ngọc báo cáo quan niệm, phương hướng, cách làm thì Ban thư ký hoàn toàn tán thành! Thế mới lạ chứ. Ông C.H. trước đó có tuyên bố ở chỗ nào đấy rằng “không đội trời chung” với Ng.Ngọc, hôm ấy lại bảo: hồi “Văn nghệ” đổ nát, tôi nghĩ chỉ có Ng.Ngọc là cứu vãn được nên đã đưa ra đề nghị cử Ng.Ngọc về. Thế mà các vị lại tường trình Ban B.thư ngược lại. Vẫn là trò không sòng phẳng, căng nhau, đối địch nhau trước mặt thì không tiện (mà cũng không đủ lý, vì Ng.Ngọc cũng có lý và biết cãi lý!) nên đành xuôi chiều, nhưng ở chỗ khác, với các vị có ảnh hưởng khác thì sẽ chê bai, phê phán. N.Khải cũng không thoát khỏi trò lá mặt lá trái ấy.

Bà Thiếu Mai kể tôi nghe: ông N.Đ.Mạnh được Khải gặp riêng, rủ về Hội để làm một tạp chí phê bình, cho biết Khải khuyên: “Chúng ta” phải bảo vệ Ng.Ngọc, nó đổ thì hỏng cả. Thế mà ông ta lại ngầm phá Ng.Ngọc. Ông ta còn bảo bọn tay chân ở “Văn nghệ quân đội”: Chúng mày không biết đâu, thằng Ngọc nó có ý đồ ghê lắm, không thường đâu. Tức là Khải muốn nói ý đồ Ngọc vào TW trong Hội nghị Đảng sắp tới ấy.

Rút lại thì tờ “Văn nghệ” chỉ có làm phật ý “Hội” ở chỗ: không đăng diễn văn của ông Thi trong kỷ niệm 30 năm thành lập Hội, và tin ký hiệp định hai hội nhà văn Việt-Xô thì đăng ở cột nhỏ, trang phụ, trong khi thư Kachin mừng báo thì đăng trang nhất. Tất nhiên đấy là những cái cớ để tức vặt, chứ phần sâu xa thì không ra ngoài thái độ đối với đổi mới. Nhiều người bảo: lúc này thái độ đối với “Văn nghệ” là thước đo thái độ đối với đổi mới.

Nếu nói thái độ đối với đổi mới của nhà văn có tên thì thật buồn. Lại một lần nữa họ quay lưng bằng tâm niệm “vị nghệ thuật”, và lần này là một lần sai lầm khi dùng cái điều ấy làm lá chắn. Họ đánh đồng những thứ tố tiêu cực, hà hiếp quần chúng, đảo ngược công lý của bọn quyền chức… với lối viết “phục vụ chính sách”, “tuyên truyền vào hợp tác xã” trước đây. Mình tự cắt nghĩa được cho mình là vì sao, khác Liên Xô, khi tham gian đổi mới, ta không dựa được vào những nhà văn tên tuổi mà lại phải dựa vào và đẻ ra những người viết mới, “một lũ tên tuổi vô danh” như có người đã rủa. Khá mỉa mai là tờ tạp chí “Tác phẩm văn học” ra đến số 6 rồi, toàn dựa vào các tên tuổi có danh, cả những tên tuổi đã chết, mà cũng không sao nổi nênh lên được. Đám nhà văn có tên đã bị nền nếp viên chức uốn hỏng đi, và phản xạ “vị nghệ thuật” của họ trở thành phản xạ tự vệ vô ý thức. Họ chẳng mấy quan tâm đến xã hội, số phận dân tộc, vận mệnh đất nước. Họ chỉ mong sao người cầm quyền Đảng, Nhà nước, công an… đừng làm phiền họ. Họ viết gì, đổi mới văn học ra sao, chắc cũng thấy rõ là không có chút hy vọng gì. Thằng N.Q. có lúc bảo “phải đem bắn cả loạt”, cũng có lý một chút đấy. Can dự vào xã hội thì không muốn, lấy vị nghệ thuật làm lá chắn, mà làm gì cho văn hóa thì không còn năng lực. Thế mà vẫn muốn làm nhà văn, muốn xã hội trọng vọng. Thế thì chỉ có cái tước vị (kèm lương bổng), ông quan viết văn, ông cán bộ nhà văn… là thỏa chứ gì?

Mươi năm nay ta trông vào một ông N.Khải, một ông N.M.Châu. Nhưng ông Khải cũng chỉ làm được chút ít, nửa nạc nửa mỡ, để vây vo với đám chính trị hơn là vì tiến bộ của dân tộc, của xã hội. Ông Châu đáng quý hơn, nhưng bút lực thì đã tự tổng kết rồi, và tính mạng thì đã đi đến đoạn gần chót rồi (ông ấy trong Nam ra, lại bị nặng, mới vào Bạch Mai). Những người trẻ như Lựu thì cái được là ngẫu nhiên, khi quên mình là “nhà văn quân đội” thì được một cái, những cái khác chắc sẽ hỏng thôi. D.T.Hương thì lặp lại, những “tam Tuấn” ở Sài Gòn thì rơi vào câu khách và viết dễ dãi, cẩu thả… Tôi có hy vọng vào một vài người như N.H.Thiệp nhưng đâu đã chắc đâu. Nói nghiêm khắc thì thời ta sẽ đi qua mà không có nhà văn lớn, không có văn học lớn. Đấy có thể là điểm đáng buồn nhất, nó nói lên sự vô nghĩa của nghề phê bình bọn ta.

Nhưng thôi, nói như ai đó, thấy cái toàn cục là vô nghĩa, vô ích thì chính mình lại thấy tự do: tự do hành động theo lý tưởng của mình. Nó đi đến đâu, coi như biết rồi, nhưng ta sống có một lần, định ngồi yên chờ chết sao? Có một lần, tôi giật mình khi một cô bé nhân nhận xét với tôi về N.H.Thiệp có nói cái từ ấy: lý tưởng. Bọn ta không tự dối mình là mình có lý tưởng, thậm chí là theo đuổi lý tưởng theo kiểu Đông Ki-sốt nữa, nhưng hình như khi cái từ ấy bị lạm dụng nên mất giá thì ta cũng ngượng khi nói cái từ thiêng liêng ấy. Nếu ta khốn khổ, tự hành mình thì cũng là vì lý tưởng. Nếu ta phần nào “khác người” cũng là vì thế.

Ông bảo tôi có bơ vơ không ư? Luôn luôn! Tôi kể ông một lần rồi đấy: buổi tối muốn tìm ai nói chuyện, sang nhà N.V.Bình, ngồi nói chuyện nhạt nhẽo, tốn chè thuốc của nó, mà hình như lại thấy trống không. Cư thì từ khi về mình chưa gặp. P.H.G. cũng rất ít gặp. Nhưng mình biết hồi này y rất khá, nghĩa là thái độ đối với đổi mới nhất quán, tốt, và chăm viết hơn, tuy hay tránh tham gia các vấn đề lý luận. Rốt lại, có thể bàn lâu và khá thú vị là với Lã Hòa (cái cậu này lấy bút danh Lã Nguyên làm cho mình bị Ban thư ký ghét lây: họ bảo sao ông Lại Nguyên Ân xuất hiện trên báo “Văn nghệ” lắm thế. Thực ra, mình có được đăng bài mình đâu, toàn phỏng vấn với lại dịch! Bài mình nằm cả đống, phải san ra gửi báo khác. À, Sông Hương do tôi thúc nên đã đăng bài Nhàn về Nguyễn Tuân rồi). Hòa có nhiều suy nghĩ hay, nhưng hơi “thuần khoa học”, nhưng là người có tư tưởng nhất mà tôi thường đối thoại. Cậu này làm báo thì còn lóng ngóng, nhưng quan niệm văn học thì thuộc số ít những kẻ đi làm luận án ở nước ngoài về đã đem theo được một cái gì, nghĩa là đáng lắng nghe như Sử, như Trà, không đến nỗi bê các ông OV, EV về để hậu thuẫn cho ông Đức, ông Đệ.

Đôi khi mình ghen với Trà: nó viết, tư tưởng thì không triệt để đâu, nhưng người ta lắng nghe, tín nhiệm, ông Ngọc coi là nhà lý luận quan trọng mà báo phát hiện được, và sẽ dùng để đặt những vấn đề tầm cỡ (ông Ngọc có cho tôi biết, hai bài về chính trị – văn nghệ và văn nghệ – hiện thực đều do ông Ngọc đặt và có gợi ý sơ bộ, nghĩa là ý ông Ngọc cũng đi vào dàn bài của Trà).

Mình thì trò chuyện với ông ấy hàng buổi, có vẻ tương đắc vậy, nhưng không dễ ông ấy đăng “đại luận” cho mình, bảo là khó hiểu, hoặc muốn mình xuất hiện “thưa” hơn! Thế thì tôi còn biết làm gì!

– Sử bặt tin, không viết thư cho tôi, chắc nó bận… [1]

– Về ý đồ dài hơi của ông, tôi đồng tình. Nhưng góp thêm thế này:

+ Nói trong chủ nghĩa xã hội thì có lẽ cần tính thêm – tôi đọc: Бурлацкий [Burlatskiy] bài “Какой социализм народу нужен?” [Kakoj socializm narodu nuzhen? = Nhân dân cần thứ chủ nghĩa xã hội nào] [2] – vì chủ nghĩa xã hội mà ta biết là mô hình Stalin. Vậy thì phải hình dung khác một tý, hoặc có cách diễn đạt thế nào đó kẻo khi người ta cải tiến CNXH thành CNXH toàn dân, thì khái quát của mình nó giảm ý nghĩa.

+ Nên triển khai vấn đề ở các câu chuyện, các tình tiết về số phận nhà văn và cách ứng xử của họ, viết gì, do đâu mà viết thế này hay thế khác, được in hay bị cấm, giới chính trị khen hay chê, chầm bập hay ghẻ lạnh, v.v. Cách viết này sẽ rất hợp với ông. Mình không “chê” trình độ lý thuyết của ông đâu, nhưng ở vấn đề này lý thuyết chả thú vị gì.

Về văn học Việt Nam, tôi cho chúng ta sẽ thạo văn học 70-80, sẽ có lúc trở lại, vì nó là giai đoạn pha tạp nhưng thú vị, không trong cuộc khó thấy hết. Mà chúng ta lại trong cuộc.

Ban nãy nói chuyện văn học, Hội “hè”, v.v., tôi quên nói với ông là:

– Trong một số cuộc họp hội viên gần đây, một lần tôi dự, chứng kiến sự “ăn nói” của ông Ng.Đ.Thi, vẫn thấy ông ta biết cách ghê lắm. Biết cách đến độ mềm mỏng, bao quát được nhiều cái mà mọi người đồng tình. Sau cuộc ấy tôi có bảo: Không rõ ông Thi thuyết phục được ông Khải hay ngược lại? Và ông Thi sẵn sàng nói quan điểm của ông ấy hay sẵn sàng làm “đại lý quan điểm” cho số đông hội viên? Ở ta, khi theo dõi con đường của một nhân cách, có lẽ cái hay thấy không phải là sự xác tín, kiên định của một quan niệm, quan điểm, mà thường lại là sự ngả theo rất tinh vi, và đó là cách tồn tại đấy.

Ở hôm họp chỗ V.N.Q.Đ., L.T.Nghị công kích báo “Văn nghệ” rất tợn. Cậu ta bảo: báo “Văn nghệ” chủ trương tách văn nghệ ra khỏi chính trị về lý luận nhưng trên thực tế sáng tác và bài vở trên báo toàn làm chính trị chứ không làm văn nghệ. Mấy cậu V.N.Q.Đ. có vẻ đang dốc sức “phò” N.Khải, vì tôi đã nghe có người khoe rằng thế lực patron [bảo trợ, đỡ đầu] của Khải mạnh lắm: nào Tr.X. Bách, nào V.Tr.Chí (sắp ra Hà Nội làm bí thư thành ủy) nào Hai Tân, v.v. Nghe bảo tất cả hội viên nhà văn trong QĐ. sẽ dồn phiếu cho Khải! Khải cũng đang lấy thêm người bên VNQĐ. sang Hội: Phùng Khắc Bắc sang làm tổ chức thay bà Thịnh, Xuân Thiều đã có quyết định là chánh văn phòng Hội, sẽ thêm Lê Lựu, Th. Trường sang biệt phái làm Đại hội…

– Tôi không viết gì dài, nhưng đang thú vị với những khía cạnh đặc điểm của văn xuôi thế kỷ 20, và muốn ở Việt Nam người ta biết đọc nó, và biết dùng nó, thành thử đang loay hoay… Kể có ai cho phép mình viết (nghĩa là cho ký hợp đồng và hứa sẽ in) về diện mạo văn học 75-85 mình sẽ viết được vài trăm trang, tất nhiên phải đọc lại nhiều.

– Trà về Sài Gòn, đã viết thư cho tôi, nhưng mình bận nên chưa trả lời được.

Ông nhớ viết thư cho ông V.T.Nam, vì đó là cách tốt nhất, qua tôi thì không hay bằng. Nhớ tháng 9 về, đại hội không có gì nhưng gặp anh em, cũng vui.

Thân

ÂN

Chú thích

[1] Lúc này PTS. Trần Đình Sử sang Kiev, Ukraina để làm luận án tiến sĩ.

[2] Fyodor Mikhailovich Burlatzki (s. 1927, người Ukraina, LX.), Ts. triết học (1964), Gs. Khoa học chính trị, từ 1982 là bình luận viên chính trị và những năm 1990-91 là tổng biên tập “Báo Văn học” (Literaturnaya Gazeta, tuần báo văn học, xã hội-chính trị, thành lập 1929), Moskva, LX.

Comments are closed.