Juan Pablo Cardenal & Heriberto Araújo
Những ngày này ‘ma trận nguồn nước’ thâm hiểm vô đạo mà Trung Quốc mấy chục năm nay khi âm thầm khi náo nhiệt bày bố trên sông Mêkông đã chính thức xuất chiêu. Trong số các nạn nhân vùng hạ lưu Mêkông, Việt Nam hứng chịu tổn hại lâu dài và khốc liệt nhất. Hàng vạn bài báo và hàng trăm đầu sách từ khắp thế giới đã cảnh báo thảm họa này, trong đó trường thiên phóng sự 300 trang khổ lớn Đạo quân Trung Quốc thầm lặng của hai nhà báo Tây Ban Nha Juan Pablo Cardenal và Heriberto Araújo (TS Nguyễn Đình Huỳnh dịch từ bản tiếng Anh, China’s Silent Army; bản tiếng Việt do nhà xuất bản Hội Nhà văn, tháng 3, 2015) là bức tranh sinh động đầy sức thuyết phục từ hiện trường, là tiếng nói lương tri và khách quan trước bi kịch một dòng sông huyền thoại.
Để hoàn thành Đạo quân Trung Quốc thầm lặng hai tác giả phải từ bỏ vị trí nhà báo thường trú tại Bắc Kinh và Hồng Kông, phải tự bỏ tiền túi thực hiện dự án để được ‘độc lập’, đã dành hai năm di chuyển 235.000km đường hàng không, tới 25 quốc gia (trong đó có Việt Nam) thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn, chứng kiến tận mắt những tác động kinh hoàng đối với môi trường, kinh tế xã hội ở bất cứ nơi đâu trên thế giới mà Trung Quốc tìm đến hợp tác, khai thác.
Vĩnh Quyền giới thiệu
Rắn nước huyền thoại Mêkông
Dễ dàng nhận ra bức tranh mua bán phồn thịnh tại Cảnh Hồng – một thị trấn ở phía nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), cách biên giới Thái Lan và Myanmar vài cây số. Cảnh Hồng yên bình với các thảm thực vật nhiệt đới và những ngôi chùa Phật giáo, nơi người dân, phần đông là dân tộc Đại thiểu số, dùng thời gian rảnh rỗi vào trò đá gà ăn tiền. Các đường phố chính san sát cửa tiệm ngọc bích và hàng nội thất gỗ Myanmar sang trọng.
Tuy nhiên, không phải những tác động xấu lên rừng Myanmar khiến chúng tôi thực hiện cuộc hành trình thứ hai đến vùng này. Mà chúng tôi đi tìm con rắn nước huyền thoại chạy suốt 4.880km xuyên Á, ghé qua Cảnh Hồng, rồi cuối cùng nghỉ ngơi bên bờ biển Việt Nam: Sông Mêkông.
Dù đã đặt vé trước, chúng tôi vẫn phải xác nhận một ngày trước cuộc hành trình đề phòng mực nước xuống, phải hủy bỏ chuyến đi. “Có, có đủ nước. Thuyền khởi hành ngày mai, tám giờ ba mươi” – người hướng dẫn du lịch xác nhận qua điện thoại. Gần đây, lưu lượng giao thông trên đoạn sông này giảm đáng kể do mực nước thấp.
Giờ đây mỗi tháng chỉ có hai tàu cao tốc nhỏ qua về Thái Lan theo sông Lan Thương, phần sông Mêkông nằm trên lãnh thổ Trung Quốc. Nhà chức trách đổ lỗi tình hình trên sông cho biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, từ cầu Tây Song Bản Nạp bắc qua sông Mêkông, chúng tôi có thể thoáng thấy một yếu tố khác góp phần: Các dự án thủy điện xây dựng dọc theo sông.
Cách duy nhất chúng tôi có thể tiếp cận bức trường thành bêtông khổng lồ đang chặn dòng Mêkông đục ngầu phù sa là tham gia chuyến đi trên một xuồng nhỏ của ngư dân địa phương. “Người nước ngoài không được vào” – một cảnh sát canh giữ trạm kiểm soát trên đường đến đập Cảnh Hồng nói với chúng tôi. Căng thẳng đang dâng cao trong khu vực.
“Đập đã ảnh hưởng đến các dân tộc thiểu số sống trên bờ sông, cũng như tác động trực tiếp lên khu bảo tồn thiên nhiên Tây Song Bản Nạp” – Yu Xiaogang – Giám đốc tổ chức phi chính phủ China Green Watershed – giải thích. Tổ chức này ước tính vài nghìn cư dân đã bị di dời khỏi khu vực.
Khi chúng tôi so sánh với các tác động xã hội và môi trường của đập Tam Hiệp, rõ ràng đập Cảnh Hồng là một dự án nhỏ hơn. Tính đặc thù của nó là đập cuối cùng trong loạt bốn đập đã được xây dựng xong trên sông Mêkông thuộc lãnh thổ Trung Quốc, trong khi bốn đập khác đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch. Chuỗi đập thủy điện này nhằm cung cấp năng lượng cho khu vực phía đông Trung Quốc, trung tâm công nghiệp của nước này, cũng như tạo thuận lợi cho kinh doanh với Thái Lan và Lào, các nước mua điện từ Trung Quốc.
Mọi chuyện đều được Trung Quốc đơn phương thực hiện: Từ việc phê chuẩn đập Mạn Loan đầu tiên năm 1986 cho đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ hỏi ý kiến bất kỳ nước nào (Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam) nằm trên đường đi của dòng sông có mức độ đa dạng sinh học thứ nhì trên hành tinh, chỉ sau sông Amazon.
Sau khi đóng dấu xuất cảnh, chúng tôi lên chiếc thuyền nhỏ xuôi dòng Mêkông. Hai bên bờ sông, thảm thực vật dày của vùng Đông Nam Á dần hiện ra. Mỗi lần chạy ngang thuyền bè khác, như thường xảy ra với những bè gỗ giản đơn của ngư dân Myanmar – dễ nhận biết nhờ các chảo vệ tinh lắp trên mái gỗ – thuyền chúng tôi chạy chậm lại.
Điều tương tự cũng xảy ra mỗi khi chúng tôi gặp tàu chở hàng của Trung Quốc ngược dòng sau khi vận chuyển sản phẩm “Made in China” đi khắp Đông Nam Á. Êm ả theo dòng sông vào lãnh thổ Myanmar, chẳng bao lâu thuyền chúng tôi dừng lại để hai người lính thu một xấp tiền màu đỏ từ thuyền trưởng: Không biết thu phí đường như vậy có đúng luật hay không.
Đi tiếp, dòng sông bắt đầu mở rộng và trở nên sống động với hình ảnh phụ nữ giặt quần áo bên bờ và những người đàn ông còng lưng gieo trồng trên mảnh đất màu mỡ dọc theo “Mẹ nước” – cách người Thái gọi sông Mêkông. Trên tất cả, chính sự rộn ràng hối hả của những chiếc thuyền đánh cá mũi nhọn đã làm tăng không khí huyền bí trên dòng sông khởi thủy từ dãy Himalaya và mang lại nguồn sống cho hơn 60 triệu người.
Thuyền của Som Wang dài gần 20m, mui dán đầy áp phích màu mè và một dàn máy phát những bài hát Thái thời thượng. Làn da rám nắng của chàng ngư dân Thái Lan và đồng bạn của anh ta đầy các hình xăm. Hình xăm sau lưng Som Wang thể hiện một con cá sắp cắn lưỡi câu: Biểu tượng niềm đam mê của những người đàn ông dành phần lớn cuộc đời đánh bắt cá trên sông nước Chiang Khong – một thị trấn ngư nghiệp nhỏ ở miền Bắc Thái Lan.
Anh kể với chúng tôi cách gia đình anh đã sống nhờ vào sông Mêkông qua các thế hệ. Nhưng lối sống này giờ đang gặp nguy. Mười năm trước, có hàng trăm thuyền đánh cá hoạt động trong khu vực. Năm 2008 còn 60. Nay không quá 30. Sự sụt giảm này do “những thay đổi lớn mà dòng sông phải chịu đựng”, dẫn đến sụt giảm nghiêm trọng tính đa dạng của các loài trên sông cũng như số lượng và trọng lượng của cá.
“Chúng tôi thường biết chính xác thời điểm chuyển mùa trên sông Mêkông. Mùa mưa và mùa khô. Chúng tôi biết luôn có cá ở những nơi nhất định. Giờ đây tất cả đã thay đổi” – Som Wang – người đàn ông 38 tuổi – giải thích. Anh ta không đồng ý cho con trai theo nghề này vì không có tương lai.
Không thể quy trách nhiệm cho một bên duy nhất về những thay đổi đã diễn ra đối với một hệ sinh thái phong phú và phức tạp như sông Mêkông. Tuy nhiên, ở Chiang Khong, mọi người đều chỉ tay về phía Trung Quốc. Một mặt, người dân địa phương đổ lỗi Trung Quốc xây dựng các con đập, đã đẩy dòng sông đến bước cùng cực: Mực nước hiện nay không chỉ bị ảnh hưởng do mưa, mà còn do đóng–mở cửa cống để sản xuất điện.
Mặt khác, họ cáo buộc Trung Quốc chỉ quan tâm đến mục đích thương mại của dòng sông, dẫn đến việc phá hủy các ghềnh thác và đá dọc theo luồng chính để tàu thuyền đi lại dễ dàng hơn, do đó đã làm xói mòn lòng sông.
Dù nụ cười luôn nở trên mặt người Thái, ở Chiang Khong, chúng tôi gặp nhiều người đang chất chứa nỗi oán giận đối với người hàng xóm của họ. Điều này đặc biệt đúng đối với các ngư dân trên sông Mêkông đang phải tìm nghề mới để mưu sinh. Phần lớn họ chuyển sang vận chuyển hàng hóa, hành khách sang Lào ở bờ bên kia sông Mêkông.
“Trước đây chúng tôi từng kiếm được nhiều tiền nếu làm việc chăm chỉ trong mùa cá, giờ tôi làm việc từ 4h sáng đến 7h tối chỉ có thể kiếm được 500 baht (khoảng 12 euro)” – Wang phàn nàn. Cùng với sự suy giảm mật độ cá, kích thước của cá cũng giảm: Các loài vốn nặng 7–8kg, giờ hiếm khi được 2kg. Cá chình ở đây là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất hành tinh, dài đến 3m và nặng 300kg. Sinh vật di cư tuyệt vời này giờ đây đang có nguy cơ tuyệt chủng, do các thân đập chặn đường khi chúng ngược lên đầu nguồn thực hiện mùa sinh sản.
Niwat Roykaew – người sáng lập tổ chức phi chính phủ Chiang Khong Conversation Group – từ năm 1996 đã theo dõi thay đổi của sông Mêkông khi nó chảy qua 7 tỉnh của Thái Lan. Ông đi đến một kết luận giống như những ngư dân đã tham gia cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok vào tháng 4.2011, để phản đối các dự án thủy điện Trung Quốc đã được lên kế hoạch dọc theo sông Mêkông.
“Vấn đề bắt đầu vào năm 2003, khi xây dựng đập Đại Triều Sơn. Không tính đến thay đổi theo mùa, mực nước bắt đầu dao động đột ngột. Ngư dân không còn nắm bắt được chu kỳ tự nhiên của sông” – Roykaew – một người đàn ông có vẻ ngoài của dân hippy thời những năm 1970 – nhận xét. Dao động mực nước không thể tin được khi chỉ trong 24 giờ lên đến 3m mà không có bất kỳ lượng mưa nào được ghi nhận ở thượng nguồn, đã dẫn đến những tình huống khủng khiếp và chưa từng có.
“Các ngư dân bây giờ thấy mình “câu” chim” – ông giải thích – “Họ cắm cần câu xuống đất, bỏ đi nơi khác, chừng vài giờ sau trở lại, thấy các lưỡi câu phơi ra giữa trời. Mực nước sông đã rút xuống đột ngột. Vì thế, rốt cuộc họ bắt được chim thay vì cá”.
Từ Mêkông đến những dòng sông Trung Á
Trong khi sông Mêkông là hiện thân của nguồn tài nguyên quan trọng như thế đối với các nước láng giềng như Việt Nam và Campuchia, điều đáng ngạc nhiên là Trung Quốc tiếp tục đơn phương đưa ra mọi quyết định về dòng sông huyền thoại, không buồn nhìn lại kiểu ứng xử như vậy đã gây tổn hại cho hình ảnh quốc gia của họ như thế nào.
Trong những năm gần đây, mức độ hợp tác của Trung Quốc với các quốc gia cùng hưởng lợi từ sông Mêkông được cho là tăng không đáng kể. Đặc biệt trong giai đoạn hạn hán lịch sử, sau khi bị chỉ trích không chia sẻ thông tin về tài nguyên nước, và một phần do áp lực từ báo chí quốc tế, từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc chia sẻ một số thông tin do các trạm khí tượng ở Vân Nam thu thập. Tuy nhiên, mức độ hợp tác đó vẫn còn xa mới đạt mức mong muốn.
Trong khi tích cực đòi hỏi được giao một vai trò phù hợp với vị thế quốc tế của mình tại các tổ chức như Liên Hợp Quốc, WTO, hay Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc lại thẳng thừng từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán đa phương với các nước hạ nguồn luôn sẵn sàng tham gia đối thoại, nhằm mục đích đảm bảo tính bền vững của các dự án dọc theo dòng chính của sông Mêkông.
Tổ chức chịu trách nhiệm tập hợp các nước chia sẻ tài nguyên “con rắn nước huyền thoại” mang lại là Ủy ban sông Mêkông (MRC) – một tổ chức quốc tế thành lập vào năm 1995. Trung Quốc – quốc gia duy nhất cho đến nay đã xây dựng một hệ thống đập dày đặc dọc theo sông Mêkông – tham gia MRC vào năm 2002, nhưng cũng như Myanmar, không phải là một thành viên đầy đủ.
Thật không may cho các quốc gia liên quan, Trung Quốc chỉ tham gia như một đối tác đối thoại, nghĩa là trong thực tế nước này đến dự các cuộc họp nhưng không chia sẻ bất kỳ thông tin hoặc đệ trình các hoạt động trên phần sông Mêkông của họ cho MRC xem xét. Hình thức tham gia này giúp Trung Quốc giữ thể diện trên các diễn đàn ngoại giao mà không phải nhận lấy bất kỳ cam kết nào họ không mong muốn.
“Nói thẳng, cung cách đó là không chấp nhận được” – Yu Xiaogang – Giám đốc của tổ chức Green Watershed – phát biểu – “Tình trạng của dòng sông sẽ tốt hơn nếu Trung Quốc gia nhập MRC một cách đầy đủ và càng sớm càng tốt”.
Đáng tiếc, dù tính bền vững của sông Mêkông đã đến mức báo động đỏ, tình hình dường như không có khả năng thay đổi sớm. “Vẫn còn một chặng đường dài để Trung Quốc trở thành thành viên đầy đủ của ủy ban này” – Tiffany Hacker – người phát ngôn của MRC – thừa nhận, khi chúng tôi gặp cô tại trụ sở của tổ chức này ở Vientiane, thủ đô của Lào.
Như một cách ngầm biện minh sự vắng mặt của họ trong MRC, Trung Quốc lập luận rằng, nước này đã không được mời tham gia ủy ban khi nó mới được thành lập. Quyết định không trở thành một thành viên đầy đủ của MRC, Trung Quốc chắc hẳn đã tính đến việc tổ chức này sẽ ngăn cản Trung Quốc tùy ý khai thác sông Mêkông trong phần lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, He Deming, có lẽ là chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến sông ngòi xuyên quốc gia, đưa ra lý lẽ biện minh khi gặp chúng tôi vài ngày trước.
“MRC không phải là một tổ chức độc lập, vì nó nhận được kinh phí từ các nước ngoài ủy ban. Hơn nữa, nó không đủ sức để giải quyết những vấn đề của các nước về sông Mêkông” – He Deming lập luận như vậy trong một cuộc phỏng vấn đặc biệt căng thẳng tại văn phòng của ông ở Đại học Côn Minh. Và trước đó, ông đã nói với chúng tôi: “Tôi không bao giờ nói chuyện với các nhà báo nước ngoài”.
Theo Tiffany Hacker – người phát ngôn của MRC – thì MRC thực ra không nhận kinh phí từ các nước ngoài ủy ban như Pháp, Mỹ và Australia, mà đó là số tiền tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học cụ thể. Vì vậy, không thể cho rằng tổ chức này bị chính trị hóa. Sự thật là Trung Quốc chống đối việc phải từ bỏ khả năng đưa ra quyết định đơn phương về phần sông Mêkông trong lãnh thổ của họ.
“Nếu Trung Quốc là một thành viên đầy đủ của MRC, họ sẽ phải thông báo trước 6 tháng cho ủy ban về bất kỳ dự án nào liên quan đến sông Mêkông, để các dự án này được các nước còn lại thảo luận và nghiên cứu. Các quyết định của MRC không mang tính ràng buộc, nhưng đóng vai trò đối trọng, vì các nước còn lại xem xét, nghiên cứu tác động môi trường và kế hoạch cho từng dự án” – Hacker chỉ ra cốt lõi của vấn đề.
Nhưng đối với Trung Quốc, một đất nước bị ám ảnh với việc ngăn chặn các nước khác áp đặt họ trong thương thảo quốc tế, thì vai trò “đối trọng” của MRC là một hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
“Dự án phối hợp giữa sáu nước Mêkông sẽ rất phức tạp. Trong hệ thống điều hành của chúng tôi ở Trung Quốc, tất cả được thực hiện theo mô hình kim tự tháp: Cấp trên ra lệnh và cấp dưới thực hiện. Chúng tôi nghĩ các nước khác nên làm theo mô hình này, vì nếu cho phép mọi người đưa ra ý kiến cá nhân thì rất khó để đưa ra quyết định” – Jiangwen Qu – giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á ở Côn Minh – biện hộ cho lập trường của Trung Quốc về tổ chức của MRC.
Một phân tích về cách ứng xử của Trung Quốc với các quốc gia mà họ chia sẻ những dòng sông xuyên biên giới cho thấy, rõ ràng tình hình trên sông Mêkông không phải là riêng biệt. Trừ Bắc Triều Tiên, các nước khác chia sẻ tài nguyên nước quan trọng với Trung Quốc như Ấn Độ, Nga và Kazakhstan đều lên án cách tiếp cận đơn phương của Trung Quốc.
Trong trường hợp của Ấn Độ, một số nguồn tin thậm chí còn cảnh báo về khả năng một cuộc chiến tranh trong tương lai về nguồn cung cấp nước; tuy nhiên, tranh chấp tài nguyên nước dường như chỉ là một phần cộng hưởng vào không khí căng thẳng chung, vốn là đặc trưng cho quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này.
Trong khi vấn đề của sông Mêkông rõ ràng là quan trọng và gây tranh cãi nhất đối với các tranh chấp tài nguyên nước, nhưng nơi Trung Quốc áp đặt mạnh mẽ ý chí của họ lên các nước khác lại là vùng biên giới giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung Á. Trung Quốc đã chuyển dòng các sông Irtysh và Ili (phát tích từ khu tự trị Tân Cương, chảy sang nước Kazakhstan) phục vụ nông nghiệp Tân Cương, và ngành dầu mỏ của vùng này.
Mặc dù mối quan hệ giữa Trung Quốc và Kazakhstan đã phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây, điều đó không làm Trung Quốc hợp tác hơn trong vấn đề quan trọng như tài nguyên nước. Chính quyền Kazakhstan đã cảnh báo đối tác Trung Quốc: Việc Trung Quốc dịch chuyển dòng chảy các con sông đang đe dọa sự sống còn của hồ Blakhash – một trong những nguồn nước ngọt quan trọng nhất trong khu vực và là nơi cư trú của một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất hành tinh. Tuy nhiên, những cảnh báo đó đã rơi vào những cái tai “điếc” khi Trung Quốc tiếp tục né tránh vấn đề.
Nước – một vấn đề an ninh quốc gia đối với Trung Quốc – là không thể thương lượng. Ngoài nhu cầu của một đất nước hơn 1,3 tỉ dân, lý do chính dẫn đến chính sách cứng rắn về tài nguyên nước được tìm thấy trong ngành sơn văn học (orography) của Trung Quốc. Dãy núi Himalaya đóng vai trò địa lý quan trọng về tài nguyên nước và từ đó Trung Quốc được biết đến như một đất nước “đầu nguồn”.
Nói cách khác, Trung Quốc là nơi phát tích các dòng sông lớn. Điều này có nghĩa quốc gia này có nguồn cung cấp nước ngọt độc lập, và họ có thể kiểm soát nguồn tài nguyên nước của các quốc gia khác (với tất cả sức mạnh và tiềm năng xung đột). Điều này khiến Trung Quốc – chính thức là một nhà vô địch thực sự của “hợp tác cùng thắng” (win-win co-operation) trong quan hệ ngoại giao với các nước khác – tỏ ra “rất ít quan tâm” đến các ưu tiên của láng giềng.
“Trong thực tế, Trung Quốc là một trong ba quốc gia duy nhất, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Burundi, bỏ phiếu chống lại Công ước về Luật sử dụng không thay đổi dòng chảy sông ngòi quốc tế (Law of the Non-Navigational Uses of International Watercourses) của Liên Hợp Quốc, một văn bản mất 27 năm soạn thảo để đạt được đa số nhất trí.
Thử hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc phải đấu tranh với một láng giềng hùng mạnh hủy hoại một con sông chảy qua lãnh thổ Trung Quốc và là nguồn sống thiết yếu của hàng triệu người Trung Quốc? Điều gì sẽ xảy ra nếu, ví dụ, sông Dương Tử bắt đầu ở Siberia và Nga quay lưng lại với thảm họa môi trường và kinh tế xã hội xảy ra trong lãnh thổ Trung Quốc? Chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào?