Con ba ba

Dương Đình Giao

clip_image001

Đã một thời, tôi cũng như nhiều người cho rằng đó là con rùa. Vốn là thời còn đi học, mỗi trưa thứ 7, tôi phải ra Bờ Hồ mua “các” tàu điện (một loại vé tuần, rẻ hơn mua vé hàng ngày dành cho người đi lại thường xuyên) bán ở chỗ nhà “Hàm cá mập” bây giờ. Vào tiết Thu, hầu như hôm nào cũng thấy rùa nổi. Hồ Gươm lúc bấy giờ là nơi tụ tập rất nhiều trẻ con lang thang, đứa bán báo, bán kem, đứa câu tôm, câu cá. Mỗi khi rùa nổi, trẻ con cùng những người từ xa về Hà Nội mới hiếu kỳ đứng xem, khi nào thấy cái đầu nổi rõ trên mặt nước thì reo hò, bọn trẻ có đứa ném đá, ném gạch (xung quanh bờ hồ bấy giờ chưa được lát hay đổ bê tông nên những thứ tương tự nhiều lắm). Còn những người lớn sinh sống ở Hà Nội thì chẳng mấy ai quan tâm . Nó là con rùa, có gì lạ mà phải xem! Không phải người ta không biết truyền thuyết về con rùa đòi gươm của Lê Lợi. Nhưng ai cũng biết, đó chỉ là truyền thuyết, cũng như truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ, về Yết Kiêu, Dã Tượng, … chỉ có tác dụng dạy trẻ con thời thơ ấu chứ chẳng có ai “điên” mà tin là thật! Đó là những suy nghĩ của những người tử tế xưa nay.

Có lẽ cái con rùa ấy đã chết rồi và nó đã được đặt trong hòm kính ở đền Ngọc Sơn. Việc lưu giữ hình hài của con rùa tôi nghĩ là việc làm hợp lý, nhằm cho người ta thấy một con rùa to khác thường, một điều lạ (chưa hẳn là kỳ lạ) trong thế giới tự nhiên.

Khoảng ba chục năm trở lại đây, khi con người khủng hoảng niềm tin, lao vào thờ cúng thánh thần, đi chùa đi chiền không phải vì muốn cái tâm thanh thản mà để thỏa mãn cơn khát giàu sang phú quý, chuyện con rùa mới được nhắc lại với đủ mọi sự hoang đường nhảm nhí, rồi thậm chí người ta tôn nó thành “cụ”, thành hồn thiêng sông núi khiến nhiều nhà khoa học nước ngoài cũng phải quan tâm.

Số nhà khoa học khẳng định “rùa Hồ Gươm” cùng loài với giải Thượng Hải chiếm số đông. Các nhà khoa học nước ngoài, thuộc các chương trình bảo tồn rùa của quốc tế hoạt động ở Việt Nam, sau quá trình nghiên cứu, cũng khẳng định “rùa Hồ Gươm” là giải, cùng loài với cá thể giải Thượng Hải, hiện chỉ còn 2 con ở Trung Quốc. Dù có là loài giải khổng lồ thì đó cũng chỉ là con giải. Mà cái con giải này thì tôi đã không lạ thời kháng chiến chống Pháp sống ở Phú Thọ. Nơi tôi ở có một cái đầm lớn, thông với sông Hồng. Người dân địa phương nói dưới đầm, có con giải lớn bằng cái nong (không biết họ tin là thật hay chỉ nói để dọa bọn trẻ con không được xuống đầm nghịch ngợm?). Và con giải này chính là con ba ba, những con ba ba chắc đã sống lâu đời.

Khi chưa được nhìn những tấm ảnh chụp, tôi cũng như nhiều người đều quen hiểu cái con vật thỉnh thoảng nổi lên hay nằm phơi nắng dưới chân Tháp Rùa là con rùa. Nhưng khi đã được nhìn những tấm ảnh chụp, thậm chí cả những đoạn video, không hiểu sao người ta vẫn còn giữ niềm tin ấy. Không am hiểu khoa sinh vật học nhưng cứ theo những hiểu biết thông thường của tôi thì rõ ràng đó là con ba ba. Nó không thể là rùa vì cái mai láng bóng. Đó là những điều tôi tiếp thu được từ những người dân chất phác vùng Phú Thọ, Yên Bái ven sông Hồng, nơi có nhiều loài vật này cư trú. Theo họ, rùa có mai cứng, ít thịt, chẳng mấy ai tìm bắt để ăn, còn ba ba có mai mềm và cái riềm xung quanh. Những con ba ba sống hàng trăm năm có hình dáng to khác thường được gọi là con giải. Đó chính là đối tượng săn bắt vì chúng rất nhiều thịt, có con nặng tới tạ rưỡi.

Thế mà vì sao một con ba ba lại biến thành con rùa? Con ba ba (xưa thì hiếm vì chỉ có thể bắt trong tự nhiên, nay thì “đầy” vì người ta đã nuôi được trong ao nhà) thường được chế biến thành món ăn mà các quý ông ưa thích lại được tôn thành “Cụ” để biết bao người ngưỡng mộ, thành kính?

Nó là do cái tâm lý khát thần tượng của con cháu vua Hùng. Một khi luôn luôn chờ đợi ngóng tìm thần tượng thì thần tượng sẽ xuất hiện ở bất cứ đâu. Từ kết quả nghiên cứu của nhà khoa học “loài này thường được tìm thấy ở Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ…” thành ngay chuyện “Cụ” (chữ “Cụ” viết hoa nhé!) có gốc từ Thanh Hóa, quê hương Lê Lợi. “Nhà Rùa học” lại “phát minh” ra chính con ba ba đã có công xóa dấu vết cho người anh hùng áo vải khi phải trốn tránh kẻ thù ở Lam Sơn bất chấp loài ba ba chỉ có thể sống dưới nước. Chưa lâu, lại có “nhà khoa học” nghiên cứu “Cụ” chính được tay Lê Lợi thả xuống hồ, … rồi lại có “ngài trí thức” nói chính “Cụ Rùa” này đã nổi lên đòi gươm của vua Lê Thái Tổ, … và như thế, tất nó đã sống 700 năm, … Cứ theo cái trí tưởng tượng vô cùng phong phú của các bậc “tài danh”, con ba ba vốn được ưa chuộng trên bàn nhậu trở thành “hồn thiêng sông núi”. Không có gì lạ nếu đã thấy người Việt Nam chúng ta đã từng suy tôn Lệ Rơi, Bà Tưng và các ngôi sao Hàn Quốc cùng trăm thứ “ba lăng nhăng” khác.

Cái tâm lý ấy lập tức được lợi dụng để huyễn hoặc, được kích thích để ngày càng phát triển khiến con người trở nên “mụ mị” ngoài việc cầu cúng, lễ bái ,… không còn biết điều gì khác. Điều này có lợi cho ai, hẳn không khó khăn gì để nhận ra.

Đông đảo người cuồng tín mong đợi, lại được những người có tiền và có quyền tiếp tay, một bọn người bất lương lập tức đổ xô vào trục lợi. Một kẻ được coi là “nhà khoa học”, không biết đã chi tiêu hết bao nhiêu tiền để gọi là nghiên cứu nhưng qua bao nhiêu năm dòng dã, vẫn không biết cái gọi là “cụ rùa” ấy là “đực” hay “cái”, tiêu chí đầu tiên cần biết về một động vật. Cũng chẳng thấy có kết luận khoa học nào hơn, chỉ thấy ông ta gieo rắc những huyền thoại đủ loại để mê hoặc con người ở mọi nơi, mọi lúc. Con ba ba vừa chết, đã có biết bao dự án “ăn theo”, nào là bảo quản lâu dài như một biểu tượng của đời sống tâm linh, nào là đưa con ba ba từ Đồng Mô về để tiếp tục lưu giữ thần tượng, để hình ảnh “cụ rùa” sống mãi…

Nếu con ba ba này trở thành một xác ướp phục vụ nghiên cứu khoa học thì tôi không dám phản đối (vì chắc chắn nó sẽ có giá trị hơn những xác ướp khác), nhưng nếu người ta định biến nó thành một biểu tượng tâm linh thì nên nhớ ở Việt Nam hiện nay đã thừa mứa những biểu tượng loại này rồi. Người dân nước ta cần tỉnh táo, còn định mê muội đến bao giờ nữa?

Còn tôi xin các “nhà khoa học” hãy để cho con ba ba ở Đồng Mô yên phận sống ở đó. Đưa nó về hồ Hoàn Kiếm để làm gì? Các vị định biến nó thành một “cụ rùa” khác chăng? Định tiếp tục lừa mị nhân dân chăng? Hay đơn giản, chỉ để tiêu tiền? Bắt được nó trong cái hồ Đồng Mô rộng mênh mông không phải chuyện dễ, đưa một con ba ba lớn từ xa về không đơn giản. Và nó có thích nghi với môi trường mới? Hay dăm bữa nửa tháng sau, nó lại sinh bệnh, tiền của lại đổ vào bao nhiêu cho đầy các túi tham.

Con chó, con mèo ta nuôi trong nhà chẳng may chết đi, những chủ nhân của chúng ai cũng tiếc thương. Con ba ba này chết chắc cũng khiến nhiều người nuối tiếc. Có người tiếc vì sự ra đi của thần tượng, cũng không ít kẻ tiếc vì mất đi cái “mỏ” tiền.

Nhưng thôi, hãy để nó chết như một sinh vật đúng quy luật của Tạo hóa cùng với những huyền thoại của một thời!

Nguồn: http://onggiaolang.com/con-ba-ba/

Comments are closed.