Tuyên truyền đến người Việt hải ngoại?

Nguyen Tuan

clip_image002

Mới đọc tin trên BBC thấy Chính phủ VN sẽ tiêu ra 20 triệu USD để tuyên truyền đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Theo trang web của Chính phủ thì mục tiêu là “[…] phải tăng cường chất lượng biên tập và biên tập lại các nội dung chương trình phát thanh, truyền hình theo hướng thông tin tuyên truyền về thành tựu của cộng cuộc đổi mới, về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước […]”. Hình như mấy người chủ trương vẫn chưa học bài học “tuyên truyền”, cái chữ mà người ngoài này rất kị. Xin post lại một bài cũ tôi bàn về cái chữ này.

Câu chuyện xưa đó xảy ra ở Úc, cũng hơn 10 năm rồi. Thời đó, VTV4 thương lượng với đài truyền hình SBS của Úc để phát sóng chương trình VTV4 cho người Việt ở Úc. Đài SBS (Special Broadcasting Services) là đài của chính phủ, dành cho các sắc tộc đang định cư ở Úc. Hình như hai bên đồng thuận với nhau, và trong thực tế SBS đã phát sóng một số chương trình. Thế là người Việt bên này phản đối kịch liệt. Biểu tình xảy ra nhiều nơi, có lúc lên đến cả 5 ngàn người. Đài SBS ngạc nhiên không hiểu tại sao biểu tình, trong khi họ nghĩ họ làm một việc có ích cho cộng đồng người Việt! Nhưng một số người chống cộng bên này chỉ ra rằng đó là những chương trình tuyên truyền – propaganda. Tuyên truyền có định hướng. Chính phủ Úc không tin, SBS cũng không tin là có chuyện tuyên truyền. D(ối với họ tuyên truyền là cái gì đó rất xấu xa, ghê gớm, đâu có ai lại đi nói rằng mình tuyên truyền. Thế là có người ta chỉ ra rằng ngay trên website của VTV và trong các bản tin, VTV4 vẫn dùng chữ tuyên truyền. VTV4 vô tư nói rằng họ tuyên truyền đến cộng đồng người Việt ở Úc! Đến lúc này thì chính phủ Úc và ban giám đốc SBS mới tin là có chữ này. Thế là họ đi đến quyết định chấm dứt chương trình VTV4 trên SBS. Câu chuyện dài dòng và phức tạp hơn nhiều, nhưng tôi chỉ nói trên khía cạnh ngôn ngữ mà thôi, để cho thấy rằng cách nói cũng ảnh hưởng đến chính sách.

Ở Úc hay các nước phương Tây, họ xem tuyên truyền hay propaganda là một cái gì xấu xa. Nói đến propaganda họ nghĩ ngay đến Nazi, đến Liên Xô. Còn ở Việt Nam ta hay Trung Quốc thì người ta vô tư dùng chữ tuyên truyền, như chẳng có vấn đề gì phải bàn. Mà, nói đúng lí ra, tuyên truyền chẳng có gì đáng nói là xấu xa, vì nói cho cùng nước nào và chính quyền nào mà không tuyên truyền? Nhưng cái khác là ở cách nói và cách làm. Một bên thì vô tư nói ra tôi tuyên truyền, tôi định hướng dư luận, còn một bên thì làm mà không nói!

Chữ propaganda có lẽ xuất phát từ truyền thống hoạt động của phong trào cộng sản quốc tế. Các tổ chức cộng sản rất coi trọng công tác “Agit’Prop” (tuyên truyền vận động). Và, cũng như nhiều từ ngữ của phong trào cộng sản, chữ propaganda xuất phát từ truyền thống của giáo hội Công giáo. Propaganda khởi thuỷ là tuyên truyền, rao giảng niềm tin vào Chúa. Sau đó, propaganda/tuyên truyền mới trở thành “hoạt động nhằm dư luận tán thành, ủng hộ đường lối, chính sách của một đoàn thể, chính quyền” (định nghĩa của từ điển Robert).

Vì vậy tuyên truyền mang sắc thái tích cực hay tiêu cực còn tùy theo bản chất của các chính sách mà nó phục vụ. Đối với những thanh niên Việt Nam thời thập niên 30-50 được “tuyên truyền giác ngộ” (từ ấy trong tim bừng nắng hạ), tuyên truyền chắc chắn mang ý nghĩa tốt đẹp. Trong thế kỉ 20, sau những tai hoạ do chủ nghĩa Nazi và chủ nghĩa Stalin-Mao gây ra, tuyên truyền chỉ còn nghĩa xấu. Công việc tuyên truyền, quảng cáo thì vẫn còn đó, và càng trở thành quan trọng trong thế giới thông tin, nên người ta tạo ra một từ mới là “truyền thông” (communication) để làm công việc xưa cũ đó. Riêng phía Việt Nam thì vẫn trung thành với ngôn ngữ cũ, nên vẫn giữ nguyên xi hay chữ tuyên truyền, vẫn còn công tác tuyên huấn (tuyên truyền, huấn luyện).

Tuyên truyền dĩ nhiên phải có thông tin. Phổ biến thông tin, nhưng không chỉ có thông tin, và khi thông tin thì bao giờ cũng “có định hướng”, đơn giản là thông tin “một chiều”, theo một chiều hướng có lợi cho tổ chức / chính quyền. Người làm việc tuyên truyền khi xử lí một thông tin, cũng có thể (hay không) làm như người làm thông tin là kiểm tra độ xác thực của nó, nhưng anh ta có một quan tâm hàng đầu, khác hẳn người làm thông tin, là: đưa tin này có lợi cho ta không, làm thế nào có lợi nhất, lúc nào có lợi nhất cho ta, nếu thông tin này có hại, nhưng đằng nào đối tượng quần chúng cũng sẽ biết, ta không đưa không được, thì ta phải đưa thế nào cho ít có hại nhất. Đưa tin hay không, đưa thế nào, tùy thuộc vào quan tâm lợi ích của đoàn thể hay chính quyền. Và do tâm lí chán ngán tuyên truyền của quần chúng, công tác tuyên truyền / truyền thông phải nguỵ trang tối đa thông điệp của mình dưới dạng thông tin. Do đó, tôi nghĩ những gì chúng ta tiếp nhận qua TV hay báo chí, kể cả báo chí Tây phương, cũng là tiếp nhận tuyên truyền.

Ông Chomsky (giáo sư ngôn ngữ học), một thần tượng của tôi, là người bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu về tuyên truyền của phương Tây. Ông chỉ ra rằng truyền thông đại chúng đều có mục đích định hướng. Mục đích của họ là làm cho đám đông không làm phiền đến họ. “Họ” ở đây là chính quyền, là các đại gia kĩ nghệ, quân sự, v.v. Ông chứng minh thực tế rằng họ muốn làm sao đám đông kia chạy theo những game show vớ vẩn, say mê với thể thao như football, với những bản tin cướp giết hiếp, mở to mắt với những xì căng đan sex, v.v. Còn những chuyện nghiêm trọng, chuyện lớn thì để cho họ lo — We take care of that. Đó là truyền thông định hướng, hay nói theo Việt Nam và Trung Quốc là tuyên truyền có định hướng. Mĩ, Úc, Việt Nam, Trung Quốc hay bất cứ nước nào đều không ít thì nhiều làm như thế. Nhưng như tôi nói trên, người ta dấu không nói ra, còn Việt Nam thì làm theo Trung Quốc, tức là nói huỵch tẹt ra: chúng tôi tuyên truyền!

Nhưng đối với những ai có tinh thần tự do tư tưởng như Chomsky, cái cụm từ định hướng dư luận nghe rất xa lạ. Người trí thức có ý kiến riêng từ thông tin họ có, và không để ai định hướng mình. Đã để cho người khác định hướng tức là mình thiếu độc lập, chẳng khác gì như những con cừu. Mà, nếu thiếu độc lập thì nói gì đến việc có ý kiến riêng? Do đó, người trí thức left wing như Chomsky không bao giờ chấp nhận chuyện tuyên truyền hay định hướng dư luận.

Tuyên truyền định hướng dư luận có nghĩa là xem thường dư luận. Sở dĩ xem thường là vì nó bắt đầu bằng một giả định rất ngạo mạn. Giả định của định hướng dư luận là công chúng chỉ là một đám đông ngu dốt, không có lập trường và chính kiến, không biết suy nghĩ. Từ giả định đó, người ta tự cho mình cái quyền giáo dục công chúng cho bớt ngu dốt, nhào nặn thành những người có lập trường, và dạy cho họ biết suy nghĩ. Dĩ nhiên là suy nghĩ theo họ. Chính vì thế mà chúng ta hay nghe những cụm từ như giáo dục quần chúng. Người ta phải hỏi ai cho anh quyền và anh có tư cách gì để giáo dục tôi? Đó là một suy nghĩ ngạo mạn, tự cho mình ngồi trên đám đông.

Cụm từ giáo dục quần chúng nghe rất nặng nề. Nó chẳng khác gì cha mẹ nói với con cái. Những người làm tuyên truyền đâu phải là cha mẹ của công chúng. Cách nói của Tân Hoa Xã chẳng khác gì nói: “Anh về dạy con cháu anh đừng có làm gì tổn hại đến tình hữu nghị giữa chúng ta”. Dạy cho chúng đừng đi biểu tình nữa. Dạy cho chúng tôn trọng 16 chữ vàng gì đó. Anh dạy dân anh, tôi dạy dân tôi. Đằng sau câu nói đó là giả định rằng người đại diện Việt Nam trong cuộc đàm phán là cha mẹ của người Việt Nam. Cố nhiên, giả định đó sai. Giả định sai thì tất cả theo sau nó cũng đều sai.

Định hướng dư luận cũng có nghĩa cung cấp thông tin một cách chọn lọc. Một sự kiện lúc nào cũng có nhiều khía cạnh. Truyền thông định hướng có nghĩa là người ta chỉ cung cấp khía cạnh nào phục vụ cho quyền lợi của người ta. Cung cấp thông tin như vậy là không đúng với sự thật, và dễ làm cho đám đông hiểu lầm. Câu chuyện về trích dẫn không đầy đủ câu nói của Giám mục Ngô Quang Kiệt là một ví dụ tiêu biểu của việc cung cấp thông tin có chọn lọc.

Định hướng có nghĩa là phản khoa học. Trong khoa học, bất cứ một dữ liệu hay bất cứ phát hiện nào cũng được soi rọi bằng nhiều lăng kính. Nhà khoa học lúc nào cũng đặt câu hỏi tại sao. Tại sao có dữ liệu này? Nguyên nhân xảy ra là gì? Cơ chế xảy ra như thế nào? Có thể diễn giải kết quả này theo cách hiểu khác không? Có bao nhiêu cách diễn giải kết quả? Trong khi đó đối với định hướng dư luận, người ta chỉ có một cách diễn giải, làm như chỉ có một chân lí. Đó cũng chính là cách diễn giải của Trung Quốc về đường lưỡi bò 9 đoạn. Họ không cho (hay không cung cấp thông tin để) người Trung Quốc diễn giải khác. Do đó, tuyên truyền định hướng là rất phản khoa học.

Tóm lại, tuyên truyền – propaganda là một từ hàm ý tiêu cực. Giáo dục quần chúng là những từ ngạo mạn và xúc phạm. Định hướng dư luận là một kiểu tuyên truyền phi khoa học và nguy hiểm. Nếu Việt Nam muốn hội nhập quốc tế, và thuyết phục người Việt ở nước ngoài, tôi nghĩ các nhà truyền thông – à quên “tuyên truyền” – cần phải xem xét lại những từ đó. Tốt hơn hết là xóa bỏ những từ ngữ đó khỏi kho tàng ngữ vựng cho người Việt ở nước ngoài.

http://dttl-nguoilotgach.blogspot.com/2014/11/tuyen-truyen-en-nguoi-viet-hai.html

Comments are closed.