Chuyện đời tôi (kỳ 15)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

PHẦN III

Chương III

Đến bờ mong đợi

Mơ giữa ban ngày

Thời gian công tác ở Thường Thới Tiền tuy không lâu nhưng tôi rất gắn bó với anh Hai Xã, Bí thư Đảng ủy, đồng chí Phạm Hồng Quân, Bí thư Xã đoàn. Bước đầu tôi có thiện cảm và rất trân trọng cán bộ Kiến Phong. Họ đều rất trẻ, như Hai Đạt mà tôi vừa mới quen trong công tác, khoảng 25 tuổi đã là Huyện ủy viên dự khuyết, Phó Ban Tuyên huấn Hồng Ngự. Gần họ, tôi như có thêm “công lực”.

Lúc đầu, ban ngày, tôi và anh em ở ngoài dân, tối mới về cứ của xã ở sau xóm nhà chừng vài ba cây số, nhưng rồi sau đó ở ngủ lại nhà dân luôn. Tôi được gởi ăn ngủ nhà anh Chín Vàng, bước ra cửa nhà anh là thấy chợ Tân Châu rất rõ. Sáng 30 tháng Tư, tôi cùng các anh Trường Cửu bên Tiểu ban Giáo dục làm việc với hai cơ sở học sinh trường Trung học phổ thông Tân Châu vừa từ nhà bên chợ sang. Tôi chỉ được yêu cầu nói tình hình ta thắng địch thua tới đâu và sẽ thắng ra sao, còn nhiệm vụ là do bên giáo dục họ giao. Hai cô cùng trang lứa, nhưng cô Kiền vai dì, cô Đẹp vai cháu và xinh như chính cái tên cô. Kết thúc làm việc, gần 10 giờ, tôi đi trước và nói lời chia tay hai cô, hẹn “Tuần lễ sau, tôi sẽ có mặt tại chợ Tân Châu”. Hai cô cười cười vẻ hoài nghi. Còn tôi, hay tin quân ta chọc thủng phòng tuyến Xuân Lộc, nghĩ rằng đường về Sài Gòn gần lắm, nên rất tự tin lời mình nói.

Về đến nhà anh Chín Vàng, bỗng nghe dân hai đầu xóm xôn xao: “Đảo chánh… Có đảo chánh!”. Nhìn sang chợ Tân Châu, thấy tàu ghe chộn rộn, tôi mở radio bắt đài Sài Gòn, nghe ông Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ ngừng giao chiến, chờ giao nộp Chánh quyền cho Cách mạng. Tay tôi run run nâng chiếc máy thu thanh mà nước mắt trào ra hồi nào không biết. Tôi hình dung Tân Châu đang không có chủ, có thể xảy ra cảnh cướp giựt, tẩu tán vũ khí, tài liệu, tài sản và tiền bạc công khố, thậm chí nhân cơ hội trả thù nhau. Ban ngày không thể sang sông được, tôi thảo ngay một bức thư gởi Trung tá Hùng, Quận trưởng Tân Châu, yêu cầu ổn định hàng ngũ công chức và lực lượng vũ trang, bảo toàn vũ khí, tài liệu, xăng dầu và tài sản quốc gia, chờ bàn giao cho Cách mạng. Thư thảo xong mà đọc lại không trôi, làm sao gởi, tôi vốn viết chữ xấu mà lúc này tay run vì nỗi mừng trào dâng. Tôi đọc cho chú Hai Thanh Niên và anh Lê Quốc Việt nghe để thông qua và ký tên anh Quốc Việt, vì Tỉnh ủy vừa mới có quyết định nâng cấp Hành chánh thị trấn Tân Châu lên Thị xã, ý đồ sẽ làm tỉnh lỵ Long Châu Tiền sau Giải phóng nên gấp rút thành lập Thị xã ủy lâm thời mấy ngày nay, và ông Hai Thanh Niên từ Phó Ban Tuyên huấn được điều qua làm Bí thư Đảng ủy, anh Lê Quốc Việt (Bí thư Tỉnh đoàn) được điều qua làm Phó Bí thư, kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng thị xã.

Không có máy đánh chữ, tôi nhờ cô Thư, con của chú Võ Thái Bảo – cựu Bí thư Tỉnh ủy An Giang, cũng vừa từ bên nhà ở Tân Châu qua, chép lại cho sạch và đẹp. Các anh chọn Lâm Minh Khai là nữ cán bộ nội thị mang thơ đi giao cho cơ sở, đưa trực tiếp và nhận thơ trả lời của Trung tá Hùng. Lúc chuẩn bị xuống đò, bất thần cơn dông nổi lên, sóng to, đò không dám tách bến. Tôi đề nghị địa phương tìm chiếc ghe lớn và người lái giỏi đưa Minh Khai đi. Lúc này là 14 giờ. Minh Khai đi rồi, khoảng 17 giờ, nghe anh em báo cáo: Địch ở đồn Cây Dừa án ngữ cho Tân Châu đã rút chạy. Chú Hai Thanh Niên và tôi tổ chức một ghe máy, với mấy em mới tòng quân ba bốn ngày nay như Phan Đàng Chiến, võ trang gọn nhẹ chạy lên thì… từ ngoài, đã thấy đồn trống không, chúng có đủ thời gian dọn dẹp để tháo chạy.

Khoảng 21 giờ, Minh Khai trở về, có thư trả lời của Quận trưởng Tân Châu: Đồng ý tất cả yêu cầu của ta, nhưng phải 7 giờ sáng ngày 1.5 mới chánh thức tiếp ta và bàn giao chánh quyền. Đành vậy, vì lúc này, tại đây chỉ có du kích và bộ phận võ trang mới lập cho Thị xã, toàn dân “tứ chiếng”, không thể sang sông được. Lực lượng của tỉnh điều gấp về phải nửa đêm mới đến, và lúc này các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng mới từ từ có mặt.

4 giờ sáng 1.5.1975, chúng tôi sang sông, nhắm đoạn cây số 5 – Long Sơn. Chạm chân lên bờ, tôi thầm nghĩ: Đến bờ mong đợi! Lòng tôi xôn xao chưa từng có. Tôi đi cùng anh em võ trang Thị xã, mà mới chiều hôm qua họ đến đăng ký tòng quân với tôi đông đến không đủ súng cấp cho họ, nhiều người đành đi với tay không nhưng rất hăng hái. Thật ngẫu nhiên, bến ghé của tôi trước cửa nhà của hai cô Kiền và Đẹp. Gặp hai cô đang rửa cá, chắc lo ăn sớm để chờ xem động tịnh. Tôi chào hai cô và nói vui: “Hôm qua tôi hẹn một tuần, mà nay tôi qua hơi sớm phải không?”. Hai cô cười trừ và mời tôi lên nhà cho biết. Tôi hẹn dịp khác, và cho đến giờ đành sai hẹn!

Tôi bước nhanh lên lộ đá lúc trời vừa tỏ rạng. Trời tháng Năm ngày dài đêm ngắn, nên 5 giờ mà tỏ như 6 giờ sáng của tháng Mười. Anh em vũ trang triển khai ra hai đầu, còn tôi một mình nhìn quanh: Nhà cửa san sát hai bên đường yên ắng như ngưng đọng, không như tôi hình dung trước đây và hay viết báo là “dân nổi dậy” và “đón mừng”; cờ ba sọc còn khắp xóm và vô tư như không có chuyện gì xảy ra. Bất giác, nước mắt tôi lại trào ra. Tôi cúi người xuống nhìn: Mặt đường cán đá chớ không phải đường lầy lội mà tôi đã đi mười lăm năm qua; rờ từ chân lên đầu và bấm thử cảm giác để biết rằng mình còn sống mà như đang trong mơ. Mơ giữa ban ngày trong sự tỉnh táo lạ thường. Giấc mơ đổi đời!

Gặp vài người lấp ló trước cửa nhà hé mở, đứng nhìn tôi như nghi ngờ, dò hỏi; tôi đến gần và nhờ dẫn tôi đến phòng đọc giảng Phật giáo Hòa Hảo (ấp nào cũng có) mượn máy phóng thanh phát lời hiệu triệu ổn định dân tình. Tôi phát Tiếng nói Cách mạng đầu tiên qua chiếc ampli của phòng đọc giảng Hòa Hảo: “Đồng bào thân mến, Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, Cách mạng đã toàn thắng”! Tôi nói tự nhiên (nói vo), ngắn gọn chừng hai trăm từ, lặp lại nhiều lần và thuộc lòng rồi xài luôn cho đến ngày 3.5, khi tôi vào được “Thánh địa – Tổ đình Phật giáo Hòa Hảo”. Sở dĩ tôi ứng khẩu mở đầu lời kêu gọi an dân bằng câu nói thân tình như vậy nên có trớn thành như “hiệu triệu” là vì mỗi khi thử giọng, thử máy phóng thanh tôi bao giờ cũng “Đồng bào thân mến!” thay cho “một… hai… ba…” như nhiều người hay làm nên quen miệng rồi. Sau này, anh Trang Văn Thành (Năm Thành) đảng viên hợp pháp xã Long Sơn nhắc lại: “Đang xôn xao, chưa biết tình hình thế nào, bỗng nghe tiếng loa từ Nhà giảng, mọi người thấy chắc ăn, thở phào nhẹ nhõm. Không như hồi Mậu Thân, nghe tiếng Ông Giáo Diệp – Hai Thanh niên kêu qua một lần rồi mất tăm luôn!”.

Nội dung tôi phát loa, kêu gọi là: “Hạ ngay cờ ba sọc và các khẩu hiệu, hình ảnh chống Cách mạng; treo cờ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh; ai có vũ khí, tài liệu giao nộp cho Cách mạng rồi về nhà; cấm mọi hành động phá hoại tài sản quốc gia; cấm trả thù, cướp phá hoặc tung tin đồn nhảm. Nhân viên chánh quyền phải có mặt tại nhiệm sở để làm việc với người của Cách mạng”. Tôi đọc đến lượt thứ ba, có mấy người lính mang súng đạn đến. Tôi chỉ có một mình nên cũng bối rối. Tôi bảo họ mang đến Trụ sở Hội đồng xã gần đó, ở đó sẽ có người nhận. Lúc này, nhìn qua, cờ ba sọc biến mất hồi nào không hay. Nhà hai bên đường mở cửa, dân tình đi lại tự nhiên, tôi cũng đi về phía Trụ sở Hội đồng xã gặp chú Bảy Hồ và các anh Ban Cán sự huyện Phú Tân, rồi đi bộ thẳng lên chợ Tân Châu. Lúc qua cầu sắt để vào chợ, khoảng hơn 9 giờ, gặp chú Tám Hoa, Phó ban trực, mang ba lô cùng đi qua hướng chợ. Gặp tôi, ông không hỏi gì mà phân công ngay: “Tỉnh ủy phân công mầy theo bộ đội xuống vùng O, tụi nó đang tổ chức tử thủ”. Tôi hỏi đi với ai, bằng phương tiện gì. Ông trả lời: “Bộ đội đi trước rồi, đang giằng co với nó. Cấp cho mầy một xe Jeep, đến Mười Thành Công bên Tỉnh đội hỏi lấy, tài xế tự lo”. Nhận xe còn rất mới, nghe nói của Đại úy Châu trong dinh quận. Tôi nhờ dân chỉ cho tài xế. Đó là một binh Nhất, con Thiếu tá Cát – sĩ quan Sài Gòn. Tôi tạt vào nhà cơ sở ăn cơm rồi trở qua Phòng Thông tin – Chiêu hồi nhờ họ lắp cho tôi bộ máy phát loa xài bình ắc-qui. Anh Bé, nhân viên Chi Chiêu hồi biết tôi đi về hướng Hòa Hảo nên nói: “Anh đi về là bạc đầu đó!”. Tôi nghĩ rằng anh nói tôi sợ bọn “tử thủ” mà bạc tóc, nên gặng hỏi lại làm anh lính quýnh thanh minh. Lúc này, anh em trong căn cứ lần lượt có mặt tại Tân Châu. Do tỉnh Long Châu Tiền là địa bàn của sáu huyện thuộc hai tỉnh An Giang và Kiến Phong ghép lại, không có thị xã – tỉnh lỵ nên cơ sở vật chất của huyện lỵ Tân Châu không tương ứng với một cấp tỉnh tuy mới nhưng bộ máy cũng rất cồng kềnh. Cả Ban Tuyên huấn tỉnh có đến năm, sáu đơn vị trực thuộc mà dồn về có cái Chi Thông tin – Chiêu hồi, nên các bộ phận phải tản ra ở nhà dân và đình, miếu…

Lại một mình đi về nơi “tử thủ”

Từ Chi Thông Tin – Chiêu hồi, “một mình một ngựa” với một tài xế, xuôi hướng Vàm Nao, tôi vừa đi vừa phát loa lời kêu gọi ứng khẩu ban đầu giờ đã thuộc lòng để an dân và bây giờ thêm nội dung kêu gọi, vận động bà con đi kêu con em rời bọn “tử thủ” về nhà lo làm ăn, kêu gọi giao nộp tài liệu, vũ khí… Trên đường đi, gặp anh Ba Lợi (Lê Văn Nhiều) đón xe đi nhờ về thăm nhà ở Mương Kinh xã Phú An. Anh còn có tên “Ô Hắc Lợi” vì dáng vóc nhỏ thó, đen đúa, nhưng gan lì vô biên; ở tù, anh là một cây khí tiết, kẻ thù còn phải nể. Anh cùng anh em dùng tay móc nên “địa đạo” vượt ngục tù Phú Quốc – “Địa ngục trần gian”, ra vùng Giải phóng trên đảo, vừa mới về địa phương. Đang cô đơn và lạ cảnh, gặp người quen là cán bộ quê tại đây đồng hành, tôi rất vui và yên tâm. Đi một đoạn đường mịt mù bụi đất, bụi phủ trắng cậu tài xế từ đầu đến chân, tôi mới hiểu ý anh Bé nói với tôi khi nãy mà tôi đã hiểu lầm. Đúng là con đường “nắng bụi mưa bùn”!

Đến Mương Kinh, anh Ba Lợi xuống xe vào nhà, còn tôi tiếp tục đi. Vừa đi, thỉnh thoảng dừng lại mươi phút phát lời kêu gọi; có người đứng lại lắng nghe. Ngang thị trấn Chợ Vàm tôi dừng lại lâu và phát loa liên tục nội dung an dân. Gặp chị Tư Bình, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận, đang phụ trách Vùng O – Phú Tân, người cùng quê Nhơn Hưng. Chị hỏi em đi đâu mà có một mình. Tôi nói lại, sự phân công của Tỉnh ủy. Chị nói: “Tụi nó “tổ chức tử thủ”, nó và bộ đội đang lập phòng tuyến phía trước, không đi được”. Tôi dừng lại, chuyển qua phát loa, tập trung vào yêu cầu binh vận, với nội dung kêu gọi bà con, gia đình có người thân đang bị bọn phản động trong Hòa Hảo kềm cặp, hãy buông súng về nhà, toàn miền Nam giải phóng, một nhúm tàn quân không “bẻ nạng chống trời” được đâu. Chị Tư thấy tôi đi một mình rất nguy hiểm nên kêu cậu Thê đang là cận vệ của chị mang khẩu AK cùng đi với tôi. Tôi từ chối nhưng chị kiên quyết, vả lại chị cũng là cấp trên nên tôi xuôi theo. Cậu Thê rất hiền, ít nói, tôi vừa có bạn vừa có bảo vệ nên rất yên tâm. Còn tôi lúc nào cũng thủ sẵn bên lưng khẩu K-54 đạn lên nòng, không cài bao, luôn cảnh giác nhưng rất tự tin khả năng quan sát, phán đoán và hành động đúng lúc của mình. Thê đi với tôi đến khi ta hoàn toàn giải giáp bọn tàn quân tử thủ ở Phú Tân là ngày 3.5. Sự trầy trật, kéo dài ngày kết thúc như vầy, một mặt nói lên tính chất phức tạp, gay gắt lịch sử chánh trị của vùng đất và con người ở đây một thời, điển hình của cảnh “nồi da xáo thịt” có yếu tố ngoại bang, mặt khác nói lên chủ trương nhân văn của Tỉnh ủy Long Châu Tiền và Ban cán sự Vùng O là kiên trì vận động đồng bào và binh sĩ (tàn quân), tranh thủ sự đồng thuận của Tổ đình giải giáp bọn tử thủ để không đổ máu dân lành Thánh Địa, chớ anh em pháo binh Sài Gòn mới đầu hàng ở mặt trận Thanh Bình – Đồng Tháp Mười không ưa bọn này, họ nói: chỉ cần ta ra lịnh là họ sẽ nã pháo tan hoang hết. Nhóm đầu sỏ tàn quân nhưng cũng biết nể Tổ đình và quân đội Sài Gòn còn biết tuân thủ lịnh của Tổng thống của họ mà hạ vũ khí, không ở đâu có sự manh động vô kỷ luật trừ những trường hợp “tuẫn tiết” ở đâu đó tôi nghe. Ba phía hội tụ ở tầm nhân văn, là phúc của dân tộc ta. Điều đó cần ghi nhận.

clip_image002

Trước Dinh Trung táHuỳnh Trung Hiếu – Hòa Hảo, ngày 24/5/1975

clip_image004 

(Ảnh lấy qua mạng)

Ngày 5.5, cán bộ Ban tăng cường có Năm Lợi là cán bộ Thông tấn ở chỗ của tôi, thay cho cậu Thê vừa đi làm nhiệm vụ an dân, vừa cũng là hỗ trợ, bảo vệ tôi. Tôi đi họp dân, nói chủ trương, chánh sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam về những vấn đề hòa giải, hòa hợp và đoàn kết dân tộc, ổn định tình hình, ổn định sản xuất và đời sống, v.v.

Sau Năm Lợi, Ban phân công thêm các đồng chí Trình Minh Phước, Lê Máy, Trần Chí Điệc (cán bộ nhà in) xuống cùng tôi tiếp quản nhà in Hương Sen; đồng chí Đoàn Lập, Bảy Trang, Nguyễn Kán… tiếp quản ngành Giáo dục.

Được biết, cả “Thánh địa Hòa Hảo” chỉ có vài ba Đảng viên mới kết nạp, toàn bộ phải xây dựng mới. Xã Tân Hòa mới tách ra sau Giải phóng từ xã Hòa Hảo, phần còn lại là hai chợ Mỹ Lương và Chợ Đình thành lập thị trấn Mỹ Lương (nay là Thị trấn Phú Mỹ). Tôi được phân công trực tiếp chỉ đạo hoặc phụ trách – chỉ đạo vùng “Thánh địa” này gồm ba xã: Tân Hòa, Phú Mỹ, Phú Hưng từ ngày đầu 5.5 cho đến suốt những năm 1975-1977.

Người dân kể, tôi nghe: Ngày 30.4, bọn tàn dư phản động điên tiết, gom góp lực lượng còn sót lại từ các nơi khác về mà theo họ nghe đồn có trên một vạn (10.000) tên (?); bắt quan quân Chánh quyền Sài Gòn giao trụ sở, tài liệu, vũ khí để chúng lập “khu vực tử thủ”. Lúc đầu, có mặt tên Đại tá Của, Tỉnh trưởng Châu Đốc, Hai Ngoán, Tướng “ở không” và Hai Tập (Trần Hữu Bảy), Tổng đoàn trưởng Bảo an quân Hòa Hảo chủ trì đốc chiến, thúc ép Tổ đình ra tuyên bố ủng hộ chúng nhưng bị từ chối. Riêng Hai Tập cố thủ tại đại bản doanh chùa Tây An (Chợ Mới); đến 5.5 ta mới giải phóng được ổ đề kháng cuối cùng ở đây, sau Phú Tân hai ngày.

Nhớ hôm từ Tân Châu xuống Hòa Hảo, khi qua Chợ Vàm, cùng với những công sự, vật chướng ngại do bọn tàn quân dựng lên làm phòng tuyến, một tấm băng to tướng nền màu và, chữ vàng: “Khu vực thánh địa Phật giáo Hòa Hảo” căng ngang qua đường. Rồi liên tiếp là cổng chào được xây dựng lâu rồi. Nhiều khẩu hiệu căng lên cổng chào thấy có vẻ “áp đảo” lắm. Tôi chưa thấy ở đâu có nhiều “Khải hoàn môn” như vậy. Đáng chú ý có những khẩu hiệu: “Khu vực tự trị Phật giáo Hòa Hảo”, “Khu vực phi chiến sự”… mới được căng lên thay cho những khẩu hiệu chống Cộng cuồng nhiệt với hy vọng vớt vát “tình cảm” và cũng là yêu sách dài lâu sau này về một “Thánh địa tự trị”, mà ngay cả Mỹ-Thiệu cũng chưa bao giờ bàn chứ đừng nói gì đến “cho phép”.

“Thánh địa Hòa Hảo”

clip_image006

(Hình lấy qua mạng)

Làng Hòa Hảo thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc xưa, nằm ở cuối đuôi Cù lao Kết, nơi giao nhau giữa sông Tiền và sông Hậu bằng một đoạn sông có tên Vàm Nao và bờ đối diện là huyện Chợ Mới. Cù lao Kết là một dãy đất liền tự nhiên đến tận Nam Vang. Dưới thời thuộc Pháp, đầu thế kỷ 20, nhà cầm quyền cho cơ giới đào kinh Vĩnh An và kinh Tân An phân lũ Sông Tiền về Châu Đốc, giảm áp lực ngập ở Tân Châu.

Ông Huỳnh Phú Sổ, người làng Hòa Hảo, khai sinh một tông phái Phật giáo mới có gốc từ Bửu Sơn Kỳ Hương – Phật Thầy Đoàn Minh Huyên, ngày 3/7/1939 tại nhà ông, lấy tên là Phật giáo Hòa Hảo. Nghĩa nôm na dễ nhớ là Đạo Phật Làng Hòa Hảo. Năm ấy ông chưa tròn 20 tuổi. Ông là con thứ Tư của ông Huỳnh Công Bộ (Cả Bộ) và bà Lê Thị Nhậm, nên còn có danh xưng Thầy Tư. Từ đó phủ thờ nhà ông được gọi là Tổ đình Phật giáo Hòa Hảo. Trước 1975, hai xã quanh Tổ đình gồm Hòa Hảo, Hưng Nhơn được người dân trong vùng gọi là “Thánh địa Hòa Hảo” còn với Giáo hội Hòa Hảo thì “Thánh địa” như một “Đặc khu hành chánh” tương đương cấp Tỉnh hội của họ. Vì vậy, danh xưng Hòa Hảo, Đức Thầy hoặc Thầy Tư, Cả Bộ, Tổ Đình, Thánh địa… đều có ý nghĩa quan trọng về vùng đất và nhân vật một thời không xa, gắn liền với một giai đoạn lịch sử sôi động của Miền Tây Nam Bộ – Việt Nam. Năm 1975 xã được tách ra làm thành xã Tân Hòa (Hòa Hảo mới) và Thị trấn Phú Mỹ, nơi tọa lạc Tổ đình Hòa Hảo.

Việc tôi được phân công “một người một ngựa” về “Thánh địa Hòa Hảo” trưa ngày 1/5/75 trong tiếng súng tử thủ của bọn tàn quân, tự tôi cũng thấy được khó khăn và vinh dự trên đường đến đó. Tôi phải bắt đầu công việc từ và với những con người Hòa Hảo!

Gần một năm ở nhà chú Ba Trình, anh Chín Sương, chú Ba Dừa, chú Ba Thọ, chú Út Dùng (em chú Năm Thận cán bộ Hòa Hảo vận, là cơ sở Cách mạng), anh Năm Hành… là những tín đồ Phật giáo Hòa Hảo có tâm đạo. Qua những người này, tôi quen biết thêm nhiều người tốt khác như anh Tư Lẹ, Sáu Suối, Tư Xề, Sáu Thưởng, Tư Liếm, Hai Hữu, v.v. cũng đều là những tín đồ đạo tâm. Qua làm việc, tôi quen biết cô Năm Biên là em gái Giáo chủ và các anh Sáu Vẹn, Bảy Đương… là cháu gọi Đức Thầy bằng cậu. Đặc biệt anh “Bảy râu” (Phan Văn Bảy), khi gặp tôi, còn giới thiệu với tôi anh Sáu Vẹn, anh Ba Bảo là người thuộc lực lượng học sinh, sinh viên yêu nước. Cái tôi muốn biết thật sự là thái độ của những người này đối với Cách mạng bây giờ và với Việt Minh hồi hai lăm năm trước; hiểu biết và nhận xét về các giáo hội vừa mới tự giải tán; lòng thành của họ đối với Đạo, Thầy và Tổ đình Phật giáo Hòa Hảo. Qua tìm hiểu, tôi thấy: Tất cả đều là nông dân chân chất nên có cái nhìn giống nhau về một thời đã qua cũng như nhận thức về thời cuộc. Ai cũng cho rằng chuyện cũ hàng thập kỷ nên bỏ qua, nhất là trong tình cảnh nước nhà loạn lạc, giặc Pháp mưu ma chước quỉ, đẩy dân ta đến cảnh nồi da xáo thịt; chuyện Đức Thầy vắng mặt là điều Thầy có dự báo trước lúc ở vườn Thơm: “Nếu khi nào Thầy vắng mặt, có Sư thúc đây (Huỳnh Văn Trí) thay Thầy giữ giềng mối đạo”, còn đối với số chức sắc Giáo hội cũ, đa số tín đồ không tín nhiệm. Số này có người bề ngoài chống Thiệu nhưng thực chất là cấu kết để chống Cách mạng, bắt thanh niên tín đồ đi lính cho Mỹ – Thiệu và nay còn chôn giấu vũ khí tại trụ sở để mưu đồ tạo phản… Những người tôi tiếp xúc, có ông Nguyễn Văn Hầu, nhà nghiên cứu có tiếng ở miền Nam, đặc biệt là vùng Hậu Giang. Ông có nhiều khảo cứu, viết sách về Thoại Ngọc Hầu, về Thất Sơn (Bảy Núi), về công cuộc khẩn hoang của tiền nhân… là người tôi quan tâm, vì quan điểm của ông là đại diện cho trí thức trong đạo Phật giáo Hòa Hảo. Ông rất mến tôi và hứa tặng tôi cả tủ sách cá nhân. Tôi cám ơn và gởi lại ông. Hôm Nguyễn Huy Diễm (con ông Hầu) đắc cử phó Ban trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, tôi nói: “Tủ sách của ông thân anh là của quí lắm, ráng giữ gìn và khai thác”.

Những nơi tôi đã ở qua, bà con xem tôi như người nhà. Sau này có dịp tôi cũng trở về thăm như về thăm xứ sở. Không một ai trong họ lợi dụng chỗ quen biết mà nhờ vả tôi chuyện gì. Thật là đáng quí. Ở đây có một kỷ niệm không quên. Đó là vào cái đêm rạng 15/5/1975 sẽ làm lễ mừng chiến thắng, có đám mưa đầu tiên, rất lớn sau ngày tôi về Phú Tân. Tôi ngủ trên gác nhà anh Chín Sương. Mưa rào rào trên mái tôle làm tôi thức giấc. Tôi ngồi dậy, hút thuốc, rồi chạnh nhớ các anh: Đấu, Hai Cừu, Bảy Mý, Mười Thành, Tư Đức, các em: Tuyết, Phụng, Hoàng, Thanh, Cẩm Sườn… còn nằm lại trên con đường mà tôi đã qua, tự nhiên tôi bật khóc, không kềm được. Đồng chí của mình chết để mình còn được sống. Ba má tôi giờ này chắc cũng đang trông, nhưng tôi nhất định sẽ về nay mai. Còn họ, cha mẹ đang tuyệt vọng vì không được đón con về! Tôi có nghĩa vụ phải tiếp tục chiến đấu, tiếp tục con đường các đồng chí ấy đã chọn: độc lập – tự do – ăn ngon – mặc đẹp!

Vợ anh Chín Sương tên Hường, có hai con mà còn rất trẻ. Bác Năm, má chị, rất chân chất, thương tôi như con cháu trong nhà. Bà kể: “Con ơi! Tụi thằng Cứng, thằng Hiếu nó dữ lắm, con Hường lúc 18, 19 tuổi thấy nó đẹp quá, bác sợ tụi nó làm bậy. Con gái ở đây đẹp dễ bị nó bắt làm bé lắm. Bác phải gởi con Hường đi ở nhà bà con, đến gả chồng nó rồi bác mới yên tâm”. Đến giờ này nhắc đến hai tên này người dân ở đây còn không quên tội ác của chúng. Chúng như những tên bạo chúa, cùng lũ cụt Định, Mách… lập đảng “Cua vàng”, “Nhạn trắng”, “Cánh buồm đen”… hoành hành một cõi. Ai sáng sớm ra cúng trước bàn thông thiên, thấy tờ giấy hoặc trên giấy có dằn cây đinh một tấc (10 cm) hay viên đạn thì hồn phi phách lạc, chúng ra giá bao nhiêu là phải chạy lo cho đủ, không thì bị bắt nhốt dưới hầm để chờ tiền chuộc, có người bị mưa ngập chết nước dưới hầm. Một nhân chứng còn lại ở gần nhà anh Tư Lẹ (chợ Đình), tôi đến thăm mà ông còn nằm liệt (suốt đời) kể lại hành động tàn bạo của chúng; cách chúng bắt người nhốt để cho chuộc tiền y như bọn Cù, Đởm ở Gáo Ba hầm trên biên giới những năm 60. Những tên lưu manh: Cù, Đởm, Cứng, Hiếu… đều được Mỹ và Chánh quyền Sài Gòn dụ đầu hàng rồi phong “lon” tướng, “lon” tá để tàn hại dân lành và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, càng làm say cuồng vọng chống Cộng của chúng. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, chịu không nổi bọn hai mặt này lộng hành, Thiệu huy động cả sư đoàn Thủy quân lục chiến, có trực thăng và tàu chiến, xe lội nước yểm trợ, mở cuộc càn quét vào “Thánh địa Hòa Hảo” để bắn chết được có một tên Mách “Đảng trưởng”, còn tên cụt Định một mình thoát khỏi tấm lưới to mà Thiệu bủa ra, để đến sau 30.4.1975 còn tái lập đảng cướp “Cua vàng” rồi mới bị sa lưới nhân dân.

Nhờ dân tín đồ báo lại, hôm Tỉnh ủy và Huyện ủy phân công tôi tham gia làm việc cùng với chú Bảy Tạo (Ban Thường vụ Huyện ủy), anh Tư Hương (Chủ tịch Ủy ban quân quản huyện) với hai Giáo hội Tường, Nhiệm, tôi có tư liệu và bằng chứng để đủ vạch trần những thủ đoạn và tội ác của họ, nhất là phái Nhiệm, là loại người “Ngụy quân tử” cố tình che giấu tâm địa trước kia, cũng như hiện đang chôn giấu hầm súng đạn dưới nền trụ sở Trung ương của Nhiệm mà mọi người chứng kiến và cô Năm Biên đại diện Tổ đình hôm ấy lên án, không công nhận tư cách Giáo hội của Tường và của Nhiệm. Họ đuối lý và chấp nhận “tuyên bố tự giải tán” và “tự nguyện đi cải tạo”. Bọn họ đi rồi, dân tình nhẹ nhõm. Sau đó, ở trên đưa họ trở về “ra mắt nhân dân” để “hứa hẹn hoàn lương”.

“Khu vực Thánh địa” bao gồm ba xã với gần hai vạn dân, vậy mà ở đây có đến hai cơ quan Giáo hội Trung ương Phật giáo Hòa Hảo, hai Ban chấp hành Trung ương Đảng Dân xã Chữ Vạn do Phan Bá Cầm lãnh đạo và Đảng Dân xã Ba Sao do Nguyễn Ang Ca cầm đầu. Riêng Giáo hội Trung ương và Đảng Dân xã do Lê Quang Liêm cầm đầu đặt trụ sở tại Thốt Nốt, vì không ăn cánh và nhất là bị tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tại Hòa Hảo tẩy chay nên Liêm ít khi dám về đây. Sau này, lợi dụng chính sách khoan hồng nhân đạo của Cách mạng mà ông kêu gào Mỹ vì “dân chủ nhân quyền” để ủng hộ ông ta, phục vụ cho ý đồ riêng tư. Thật là quá đáng! Chắc là họ thích cái cảnh đấu đá, đối lập nhau, giết chóc nhau như chính họ ám sát Hồ Thái Ngạn, nồi da xáo thịt đã quen rồi. Yên ổn là không sống được.

“Cách mạng muôn năm!”

Thấy lực lượng ta quá mỏng, dân tín đồ bị kềm kẹp quá lâu, tôi nghĩ: Tình hình này phải dùng áp lực hình thức “lấy ruột làm da” để nâng uy thế Cách mạng lên. “Cách mạng muôn năm!”. Tôi thông báo nhà nhà phải treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng và cờ đỏ sao vàng, ảnh Hồ Chủ tịch và khẩu hiệu: “Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam muôn năm!”. “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta!”. Tất cả khẩu hiệu phải viết bằng chữ đỏ trên nền vàng, hoặc ngược lại. Riêng khẩu hiệu “Không có gì quí hơn độc lập tự do” phải được viết bằng chữ màu vàng, trên nền nửa xanh nửa đỏ. Phải nói dân sống với thị trường nhạy bén thật. Vậy là họ làm hàng loạt khẩu hiệu các loại trên tấm tôle cỡ 30 x 60 cm, màu sắc như vừa kể để bán. Sau mấy ngày là tràn ngập khắp nơi, vượt ra ngoài Phú Tân và ngoài tỉnh mà ngày 30-8 trên đường đến Mỹ Tho để lên Sài Gòn ra Hà Nội dự lễ Quốc khánh 30 năm, tôi thấy ở đâu cũng có.

Huyện ủy Phú Tân thành lập thay cho hai Ban cán sự Phú Tân A và Phú Tân B trước 30.4 để xứng tầm với nhiệm vụ mới. Tôi được Tỉnh ủy biệt phái giúp huyện. Huyện giao tôi giúp xây dựng ngành Tuyên huấn, Văn hóa – Thông tin và Giáo dục. Phòng Thông tin – Văn hóa nhờ có loa phóng thanh và lực lượng cờ-đèn-kèn-trống là Đội ca múa xung kích thuộc Phòng mới xây dựng, giao cho Năm Lợi và anh Ba Bảo (người tại chỗ) đảm trách nên rất sung, rất có khí thế. Riêng ngành Giáo dục, tỉnh đưa đồng chí Chù, cán bộ miền Bắc tăng cường để sau làm Trưởng phòng và rút đồng chí Kán về làm Trưởng phòng Giáo dục Châu Phú. Tôi lúc này hoạt động rất hăng hái. Cậu tài xế đi với tôi chịu cực không nổi, được hơn một tuần là bỏ trốn, không tìm được người lái nên tôi phải trả xe. Một thân một mình bám theo anh em ở trên tỉnh xuống công tác; ban đêm gom lại ở trong nhà dân, tự bảo vệ nhau nên cũng yên tâm. Nhà chú Ba Trình ở ấp Thượng 3, là cơ sở và nhà chú Ba Dừa ở Chợ Đình, là tín đồ Hòa Hảo tâm đạo, là hai nơi tôi ở lâu nhất. Việc ăn uống hàng ngày là vấn đề tế nhị, phải ở nhà cơ sở hoặc gia đình cơ bản, họ đều nghèo nên tôi phải đóng tiền cơm như ở nhà chú Ba Trình hay nhà anh Năm Hành thợ may trước cửa Trụ sở Giáo hội Lương Trọng Tường. Riêng ở nhà chú Ba Dừa được bao ăn miễn phí.

clip_image008

Từ trái qua: Nguyễn Kán, cán bộ Giáo dục, Chú Sáu Hưởng, cán bộ Tuyên truyền, Bảy Nhị (Thông tấn xã – Ban Tuyên huấn tỉnh),

Chú Ba Cung (cán bộ Phú Tân) tại nhà tên Hiếu ngày 24-5-1975 do ta đã quản lý. Ảnh: Lê Trí Thức.

Được người trông coi Trụ sở Giáo hội Nhiệm kỳ IV (của Huỳnh Văn Nhiệm) mật báo với ta: Bọn tay chân Nhiệm chôn giấu vũ khí ngay trong trụ sở tại Chợ Đình, ta bí mật cho đặc công ban đêm vào xác nhận, là có. Vậy là kế hoạch vạch mặt bọn này để hạ uy thế chúng trước bà con tín đồ được vạch ra. Riêng Giáo hội của Lương Trọng Tường và lực lượng Bảo an quân của Trần Hữu Bảy (Hai Tập) công khai, rầm rộ nên ngay ngày đầu ta đã quản lý trụ sở, thu gom vũ khí rồi. Tôi được phân công cùng với Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Ba và Chủ tịch Quân quản huyện Bùi Văn Hương trực tiếp làm việc với Ban Trị sự Nhiệm kỳ IV. Anh Sáu Bê (Quân báo) người ngồi đầu bàn đối diện Bảy Nhị trong ảnh trên và anh Tư Tới (Tuyên huấn) Khu 8 về dự và ghi biên bản làm việc. Khi khui hầm vũ khí, có cô Năm Biên (em Đức Thầy) thay mặt Tổ đình chứng kiến. Họ nhận tội và cô Năm tuyên bố với toàn đạo Phật giáo Hòa Hảo không thừa nhận tính hợp pháp của các Ban Trị sự hiện hữu. Toàn bộ hai Ban Trị sự được đưa đi học tập tập trung.

Vũ khí chôn giấu tại Trụ sở được công khai khui lên và trưng bày tại chổ. Bọn này tham lam, kém hiểu biết, manh động, chớ số vũ khí này có là gì mà chôn giấu chờ “trở cờ”? Khác nào tự thú: “Lạy ông tôi ở bụi này”!

clip_image010

Anh Bùi Văn Hương (mặc quân phục), Chủ tịch Ủy ban Quân quản Phú Tân và Nguyễn Minh Nhị (cầm micro) đang báo cáo lại sự việc với dân trước bằng chứng trưng bày.

clip_image012

Cô Năm Biên (em ruột Đức Thầy) người có búi tóc cùng dự họp với Ủy ban Quân quản huyện Phú Tân lúc 14 giờ ngày 2/7/1975

bàn chánh sách đối với giáo hội Hòa Hảo có nợ với tín đồ. Ngồi bên phải Cô Năm là người của Tổ đình.

Bên trái cô Năm là chú Ba Thông, bên trái chú Ba thông là cán bộ An ninh tỉnh,

trước mặt chú Ba là anh Sáu Bê cán bộ quân báo tỉnh, ông Nguyễn Văn Ba (Bảy Tạo), Tư Hương, Bảy Nhị.

Không hiểu, lúc này, sợ gì mà danh xưng “Tổ đình Phật Giáo Hòa Hảo” được thay bằng “Gia đình Giáo chủ họ Huỳnh”. Bí thư huyện nói với tôi phải gọi vậy và tôi cũng phát hiện ra rằng những cán bộ gốc là Việt Minh có thái độ với Phật giáo Hòa Hảo khác hơn lứa cán bộ sinh sau Cách mạng tháng Tám như tôi. Ngược lại, số chức sắc Phật giáo Hòa Hảo có tuổi cỡ Bí thư huyện có thái độ với Cách mạng cũng khác với tín đồ sinh sau 1954. Bản thân tôi vì ngại “nội bộ” mà phải thể hiện “lập trường Cách mạng”: Không ăn, không ở những nhà giàu, nhà nông dân có lợp ngói, kể cả những cán bộ người tại chỗ ta mới xây dựng lên. Cách “đề cao cảnh giác” này thành quen, đến khi làm Thường trực Huyện ủy (1979), có lần vợ tôi nói: “Vậy thì… anh chỉ có chơi với Huyện ủy thôi!”. Tôi trả lời: “Đúng vậy. Cho chắc ăn”.

Cái hố lịch sử nghi kỵ, chia rẽ dân tộc, dòng tộc và gia đình khó lấp bằng hoặc hàn gắn được nếu chỉ “Cách mạng muôn năm”. Đấu tranh giai cấp muôn năm!

Đoàn tụ muộn màng

Những ngày mới tiếp quản, công việc dồn dập nhưng tôi liên hệ được với anh Tư Đào (trong những lần từ huyện về Tân Châu hội họp) nên biết rõ tin tức ba má do anh có liên hệ và đã rước về ở Long Xuyên rồi, có em Định công tác ở thị xã Long Xuyên lui tới nên tôi cũng yên tâm. Sau lễ mừng chiến thắng ngày 15.5.1975 do Ủy ban Quân quản tỉnh tổ chức tại Sân vận động Phú Mỹ – Phú Tân, tôi tranh thủ về thăm ba má và cháu Minh Hiền.

Ba má vừa mới được anh Tư Đào rước về từ Kinh H xã Định Mỹ – Thoại Sơn, đang ở tạm nhà Thuế quan (cũ) gần với Nhà in tỉnh Long Châu Hà, do Thị ủy Long Xuyên bố trí. Chiếc ghe của Long Xuyên giao cho ba má làm “nhà ở” đồng thời cũng là “nút” giao liên lưu động còn đậu dưới bến cầu Hoàng Diệu. Tài sản ông bà chỉ vẻn vẹn chở không đầy một xe Jeep lùn, kể cả một bầy vịt con và một bầy gà con. Ba má lúc này tuy vẫn còn vẻ lam lũ nhưng rất tươi tắn. Cháu Minh Hiền đã lớn và hết ghẻ trên đầu, nên dễ cưng lắm. Nhắc đến cháu Minh Đức con của em Sương, ba má và tôi không khỏi xót xa. Ngày cháu bệnh thương hàn chết, ba má buồn quá bỏ ghe lên bờ tá túc nhà anh Mười Bảo ở Định Mỹ; mợ Bảy tìm thăm, gặp nhau khóc kể lại nghe mà não lòng. Không hiểu sao cho đến giờ này, hơn 40 năm qua kể từ sự kiện đau buồn ấy, mỗi lần nhắc đến Minh Hiền, Minh Đức là mắt tôi rưng rưng. Tất nhiên là thương hai cháu một thời khổ cực, nhưng bao trùm lên hết là thương cha mẹ một đời tần tảo, gian khổ, chịu đựng vì con cháu, vì Cách mạng mà cắn răng không rên than mà đỉnh điểm là thời gian ba má tôi nuôi hai cháu này từ còn đỏ hỏn trên tay, chạy giặc liên miên, không tấm giấy căn cước lộn lưng, làm thuê mua gạo, thậm chí ba đi làm giùm để được ăn cơm. Sau này, cháu Minh Hiền có chồng con, không ngờ cháu tôi bạc phước, mắc bệnh hiểm và chết ở tuổi 37 để lại chồng và hai con nhỏ. Nhớ hôm cháu bị bệnh hành đau nhức oằn oại, cắn răn không rên la mà chỉ kêu: “Nội ơi! Con đau quá!”. Tôi nghe mà đứt ruột. Người ta lúc đau khổ tột cùng, thường kêu “Mẹ ơi” hoặc “Trời ơi”, đàng này cháu tôi gọi “Nội ơi!” thì đủ thấy công ơn ba má tôi thấm vào máu cháu con như thế nào. Vì vậy, hễ khi nào nhắc tới Minh Hiền (cháu nội), Minh Đức (cháu ngoại) là tôi rơi nước mắt hồi nào không biết! Có một chi tiết cần nhắc, trong khi bị rượt đuổi đi bỏ xứ, ba má tôi thường “núp lưng” các Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo ấp ở vùng rặt Hòa Hảo như Thoại Sơn. Vì không căn cước nên đậu ghe ở dưới bến các chỗ ấy không ai dòm ngó, xét hỏi, thậm chí có khi họ cũng có bố thí cho gạo đỡ đói. Tình đồng bào là vậy, gia đình tôi rất biết ơn!

clip_image016

Má trông!

clip_image018 

Nghe ba má kể lại, tôi kiểm kê, biết các chị, em Sương và các cháu đều bình yên rất mừng. Gặp bà con cô bác quen biết, ai ai cũng trầm trồ ba má tôi có phước, trong chống Mỹ cứu nước các con đi đông về đủ, chỉ trừ một mình chị Hai tôi hy sinh do bệnh hồi đầu kháng Pháp và anh rể thứ Ba (Quế) và em rể thứ Tám (Kết) hy sinh trong chống Mỹ. Như thế được xem là tổn thất rất ít so với nhiều người. Ba má tôi thường hay nhắc việc này như một niềm an ủi và động viên con cháu tiếp tục sống có đạo lý, tích đức cho đời sau.

Cán bộ biệt phái

và “Sĩ quan biệt phái”

Thời gian biệt phái công tác ở huyện gần một năm, tính từ ngày 1.5.1975 đến sau Tết Nguyên Đán năm Bính Thìn (2/1976), thực hiện Quyết định 19 của Bộ Chính trị về việc tách nhập tỉnh, tôi mới chánh thức được bổ nhiệm về Phú Tân. Thời gian biệt phái tuy làm đủ thứ việc, nhưng có hai việc chung một bài học: Nhờ dựa vào dân mà tôi đấu tranh thắng lợi với số thành viên các Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo (cũ) và biết thực chất cái gọi là “Sĩ quan biệt phái” trong đội ngũ giáo viên (cũ) để có đề xuất với lãnh đạo lưu dụng họ thay vì đưa đi “cải tạo”.

“Sĩ quan biệt phái” là những giáo viên đứng lớp, bị “Tổng động viên” sau khi Mỹ rút quân theo Hiệp định Paris. Căn cứ vào học vấn và thâm niên mà phong hàm “chuẩn úy, thiếu úy, trung úy”… nhưng thực chất vẫn còn là giáo viên dạy học. Đa số không tham gia quân ngũ, nhất là không gây tội ác lần nào với nhân dân. Thấy anh em tập trung đi cải tạo tôi thật sự áy náy. Có người đến từ giã tôi mà không giấu được vẻ buồn, mặc dù miệng vẫn nói là “đi học tập để được tiến bộ”. Hôm khai giảng năm học mới, anh Kán, cán bộ miền Bắc chi viện cho ngành Giáo dục hồi trong kháng chiến, anh Chù và các đồng chí ở tỉnh về, chạy đôn chạy đáo lo giáo viên. Thiếu nhiều quá. Huyện ủy họp bàn. Tôi báo cáo tình hình giáo viên bị “phong hàm” úp bộ như vậy mà bị đi cải tạo thật oan. Trong khi con em mình đi học thiếu thầy. Huyện ủy quyết định giao cho anh Năm Thông (Nguyễn Văn Phán), Trưởng Công an huyện cử người đi lãnh số anh em “thiếu úy, trung úy biệt phái” về dạy học trở lại. Một không khí mới lại đến. Nhân dân, nhất là cha mẹ học sinh rất hoan hỉ. Vậy mà hôm tôi ở Phú Lâm, nghe các đồng chí báo lại: Chị Bảy, vợ của anh BL, Bí thư xã, sau khi nghe con méc lại là cô giáo hăm đuổi học, đã nói với con: “Mầy nói với cô: Cô đuổi mầy hay mầy đuổi cô”. Trời ơi, tôi nghe mà phát nản lòng. Tôi biết chị là người theo Cách mạng cùng chồng cực khổ suốt thời chống Mỹ, vậy mà nay mới như vầy đã lên mặt kiêu ngạo hết cỡ. Sau “Đổi mới” mấy mươi năm, đến thời kinh tế thị trường, người ta không ngại bỏ tiền ra để mua “tri thức”, mua “bằng” để được qui hoạch, để xun xoe. Trong khi đó, nhà trường, với căn “bệnh thành tích” ngày càng thâm căn cố đế, vai trò người thầy bị đẩy xuống hàng thứ yếu hoặc “đồng hạng” so với Đoàn, Đội nhà trường; nền giáo dục nước nhà ngày càng tuột dốc. Đạo đức xã hội trên một số chuẩn mực bị xuống cấp hơn một thế hệ! Gần 40 năm sau, gặp lại con chị Bảy tại đám tang anh Chín Sương, được biết cháu đã già và cũng đang nghèo mà lý do có lẽ là dốt thật!

clip_image021

Để giúp hình dung hết sự khắc nghiệt của thời điểm này, ông Nguyễn Kán (bìa trái), sau đó về làm Trưởng phòng Giáo Dục huyện Châu Phú đến khi về hưu, trong một dịp trao đổi với và nhà giáo Đặng Văn Khải (bìa phải), cho biết: “Tình hình lúc đó hết sức rối, thậm chí ngay cả đồng chí Hồ Thanh là Chủ tịch Ủy ban Quân quản của huyện Phú Tân cũng bị nhóm du kích xã bắt giữ chỉ vì nghi giấy tờ tùy thân và công vụ của đồng chí là… giả mạo. Vì vậy, việc đề xuất chủ trương bảo lãnh hàng chục “sĩ quan biệt phái” đi dạy học mà không phải đi học tập cải tạo đúng theo thời gian quy định của anh Bảy là “động trời”. Bởi chỉ cần một lời “tố”, anh không chỉ mất hết sinh mạng chính trị…”. (Lục Tùng – báo Lao Động 30-4-2017)

Việc Huyện ủy Phú Tân chủ trương xin lãnh giáo viên là “sĩ quan biệt phái” trở về dạy học thấu đến Trung ương. Sau khi tái lập tỉnh An Giang, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mời tôi đi báo cáo tại hội nghị chuyên đề về giáo dục tại Sài Gòn do Ban Khoa giáo Trung ương chủ trì. Huyện ủy phân công tôi đi để báo cáo cho trên biết lý do của Phú Tân vì sao có chủ trương cho giáo viên là “sĩ quan biệt phái” dạy học trở lại. Tại hội nghị, tôi trình bày: “Tại vì mình không đủ người dạy, người biết dạy thì mình cho ở không. Vậy mình có vì dân không hay vì mình? Huyện ủy Phú Tân nghĩ vậy nên làm vậy. Đây là chủ trương tập thể, được Công an, Quân sự đồng tình, là nhờ đồng chí Bí thư huyện ủy biết lắng nghe đề xuất và là đồng chí rất có trách nhiệm trước dân và cũng rất quyết đoán”. Trên đường từ Sài Gòn về, tôi rất phấn chấn vì cảm thấy mình được thơm lây và cũng rất tự hào: Tuy là cán bộ biệt phái, nhưng tôi dám “giải oan” cho “sĩ quan biệt phái”.

Quốc khánh 30 năm

Có lẽ, vì những hoạt động của tôi được đánh giá thế nào đó mà được Tỉnh ủy chọn đi trong đoàn “Đại biểu ưu tú Miền Nam” gồm 10 người của tỉnh Long Châu Tiền do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trung tá Chánh trị viên Tỉnh đội Nguyễn Văn Hơn (Sáu Hơn) dẫn đầu ra miền Bắc dự lễ Quốc khánh 30 năm.

Lần đầu ngồi xe du lịch sang trọng, tôi có cảm giác lạ lắm. Khi đến khách sạn Tao Đàn đi thang máy càng lạ hơn, vì nghĩ rằng cuộc đời của mình đã được sang trang. Nhưng cảm xúc mạnh nhất là khi đứng trên tầng thượng của khách sạn đưa mắt nhìn bao quát toàn cảnh Sài Gòn, tự nhiên tôi rơi nước mắt vì sự tráng lệ còn nguyên vẹn của nó. Ta có thể nào hình dung một trận ác chiến cuối cùng để chiếm lĩnh thì… Sài Gòn rồi sẽ ra sao? Tôi sực nhớ lời ông Dương Văn Minh tuyên bố trên Đài Phát thanh Sài Gòn trưa 30.4 mà tôi nghe được. Công bằng mà nói, ta không thể chỉ nhìn sức mạnh áp đảo của các binh đoàn quân Cách mạng áp sát thành phố và lực lượng tại chỗ ở Miền Nam nổi dậy mà không nhớ đến chi tiết quan trọng này, nó như góp thêm chất nhân văn của Việt Nam vào thắng lợi cuối cùng cho “Hòn ngọc Viễn Đông” còn nguyên vẹn! Phút cuối cùng, có “Thế lực thù địch mới”, cậy người đến chiêu dụ, nhưng lại gặp người tự nhận mình đã hai lần bán mình cho Thực dân – Đế quốc, nay không bán mình lần thứ ba cho “thế lực” nào nữa. Và, những người yêu nước trong “Lực lượng thứ ba” quanh ông đã góp công không nhỏ cho sự kết thúc có hậu này. Với Ông, không thể có chuyện (nhận chức Tổng thống) là người “mua vé vào xem khi màn hạ”. Bây giờ, khi giàn khoan 981 hạ đặt trái phép ở Hoàng Sa và những hệ lụy sau Hội nghị Thành Đô 1990, ta mới thấy cái TÂM và cái TẦM của Người Tướng – Tướng Dương Văn Minh lúc đó!

Trưa mùng 1 tháng 9, chúng tôi lên máy bay. Đoàn chia làm hai tốp, ông Sáu Hơn đi trước trên chiếc Dakota – DC-4; ông giao tôi làm trưởng nhóm tốp sau đi trên chiếc DC-3. Tốp tôi chưa kịp cất cánh thì thấy chiếc DC-4 mới đến không phận Xuân Lộc quay trở lại vì thời tiết xấu. Cuối cùng chúng tôi phải đi trên chiếc máy bay quân sự C-130. Từ trên cao nhìn toàn cảnh bờ biển miền Trung, tôi sung sướng vì vẻ đẹp hùng tráng của Tổ quốc, tự nhiên tôi nhớ đến Bác Hồ, vội đặt bút lên sổ tay làm mấy câu thơ: “Ta bay trên chín tầng mây/ Ngang tầm thời đại nhìn người hiểu ta/ Phải chăng chính vị Cha già/ Chắp cho đôi cánh để ta tung trời/ Nay về Hà Nội Bác ơi!/ Quê hương đất Tổ, chiếc nôi Lạc Hồng/ Từ ngày theo bước cha ông/ Mở mang Đồng Tháp, Cửu Long đến giờ/ Đêm mơ núi Tản, sông Lô/ Nhớ Mê Linh… luống ước mơ ngày này…. Phút giây xao động hứng khởi rồi cũng qua, tôi bỗng liên tưởng đến bờ biển đất nước mình hình chữ S dài ngoằng, khả năng phòng thủ của ta rồi sẽ ra sao? Chỉ tính xăng dầu cho tàu bè, máy bay hoạt động cũng không biết đào đâu ra, vì bảo vệ đất nước sẽ rất khác với chiến tranh du kích có chi dùng nấy. Nhưng thôi đó là chuyện của “Bề trên”, có ai bắt mình lo bao đồng, hãy vui cái đã.

Xuống sân bay Gia Lâm khoảng 4 giờ chiều, trời vừa hửng nắng trở lại sau một ngày mưa dầm tầm tã. Đội quân nhạc và Đội thiếu niên quàng khăn đỏ đón chúng tôi và các đoàn đến trước từ sáng sớm nên trông có vẻ uể oải vì đói và mệt. Một người phụ trách nói với chúng tôi như vậy. Thật là áy náy. Trên đường từ Gia Lâm về trung tâm Ba Đình, dân hai bên phố biết chúng tôi từ miền Nam ra vẫy tay chào nồng nhiệt. Có bà cụ từ trên ban công tầng hai vừa vẫy tay vừa khóc, tôi xót xa thầm nghĩ: “Có lẽ, người thân của cụ đi Nam chiến đấu đã không về như chúng tôi!”. Sau lễ Quốc Khánh, chúng tôi được tỉnh Vĩnh Phú cho xe ca xuống đón tận Hà Nội. Tôi có vinh dự mà không hay, là được Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đón tiếp, đãi cơm và báo lại tình hình hậu phương Vĩnh Phú đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa qua, trong đó có phần xây dựng hợp tác xã. Nói về hợp tác xã giọng ông như chùng xuống vẻ tâm tư. Ông nói: “Các đồng chí đi thấy lúa chín vàng đồng, nước úng tận cổ bông mà không ai ra đồng gặt lúa. Vì giá tiền ngày công bằng giá mấy con cua đồng. Chỉ có ruộng 5% là tốt và họ sống nhờ kinh tế phụ gia đình, trong đó có ruộng 5%”. Tôi nghe cũng không hiểu gì cả và cũng không tò mò. Hôm lên chơi và nghỉ đêm ở Tam Đảo, trên đường vượt đèo ngoằn ngoèo rất sợ, gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi bộ vượt dốc cùng chiều. Trong khi chờ ăn cơm, anh em chúng tôi kéo nhau đi lòng vòng ngắm các nhà nghỉ của các Ủy viên Bộ Chánh trị, trong đó có nhà của Thủ tướng. Gặp chúng tôi đứng xa xa trước cổng, ông đi ra hỏi: “Các đồng chí miền Nam phải không?”. Rồi ông nói luôn: “Các đồng chí đi chơi vui thôi, về đừng bắt chước ngoài này làm rập khuôn, nhất là hợp tác xã, dân kêu lắm”. Hôm vào nói chuyện với lớp học Nghị quyết 24 của Trung ương, tôi thấy ông tỏ ra bực bội với bệnh thành tích và báo cáo láo. Ông nói không vòng vo: “Các đồng chí nghe người ta báo cáo phải suy nghĩ, không nên tin ngay mà phải có chọn lọc. Ngoài này có nhiều “thằng” nói tướng, nói phét lắm. Các đồng chí có tin không, ở Hà Nội này mà có đến một vạn héc-ta đất bỏ hoang đấy! Xây nhà chưa xong mà đã sập như cái trần hội trường may mà Bác Tôn có đến rồi đi, nó mới sập, và cũng không ai sao vì lúc đó không có họp. Một chị làm xây dựng, kiến trúc ở miền Nam mới ra tham quan nói với tôi: “Các anh bạo tô quá”. Còn làm đường Trường Sơn anh hùng thì được, mà vẽ cái lằn sơn trắng giữa đường nhựa lại phải lấy cái máy từ trong Nam ra thì… thật xấu hổ”. Tôi bắt đầu ngờ ngợ về sự chính xác, trung thực của tuyên truyền mà có lần nghe truyền khẩu câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Công tác Tuyên truyền là hơn phần nửa thành công của Cách mạng”. Trong chuyến đi này, lần đầu tiên có dịp gần và làm thư ký cho ông Sáu Hơn, tôi thấy ông toát lên nhiều tố chất của người lãnh đạo có bản lĩnh. Tôi viết bài diễn văn mà ông đọc tại cuộc mít tinh tỉnh Vĩnh Phú mừng đoàn Long Châu Tiền và Bến Tre kết nghĩa lần đầu ra thăm, được ông chịu mà gần như không sửa gì nhiều. Ông hình như có cảm tình với tôi, nên hỏi thăm chuyện riêng tư của tôi và Minh, rồi ông động viên: “Về kỳ này làm lễ tuyên bố đi”. Tôi rất vui và càng có cảm tình với ông.

Kết thúc chuyến đi, đoàn trở về, còn tôi ở lại khoảng một tháng nữa để học tập Nghị quyết Hội nghị 24 Trung ương (Hội nghị từ 29-9-1975), rồi về sau. Thực hiện Chỉ thị 19 Bộ Chính trị ngày 20.12.1975, tháng 2.1976, tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà giải thể, tỉnh An Giang tái lập. Hồi ở Hà Nội, tôi đã nghe chủ trương nhập nhiều tỉnh thành một “đại tỉnh”, tỉnh Long Châu Hà vẫn giữ nguyên với thủ phủ là thị xã Rạch Giá, nhưng sau khi Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đi nước ngoài về có điều chỉnh lại như vừa nói, đặc biệt ông yêu cầu phải giữ nguyên tên các tỉnh Bến Tre, Tây Ninh…

N.M.N.

Hết tập I

MỤC LỤC

CHUYỆN ĐỜI TÔI

Tập I

NHƯ MỘT GIẤC MƠ

Tâm sự mở đầu

PHẦN MỘT

Chương I

Quê hương và thời niên thiếu

Làng tôi

Gia đình

Thời niên thiếu

Ra đời trong tiếng súng

Lớn lên trong nghèo túng

Học hành đành thất vọng

PHẦN HAI

Chương II

Con đường tôi đã qua

Một mình suy nghĩ một mình đi

“Đi tắt…”

Về… nơi xuất phát

Lên huyện ngang hông

Núi ở giữa đồng

Học và hành nghề VTĐ

Ô Tà Sóc

Đài Minh Ngữ

“Bước ngoặt”

Cảnh nhà tôi

Đồng Tháp Mười

Tức Dụp

Mậu Thân – Mừng hụt!

Lại về Tức Dụp!

Vạt Lài – B3

“Kinh Vĩnh biệt”

Bách nhật tại tù”

“Chiến dịch Cửu Long I”

“Đất chết”

Tình đồng chí – Tình bạn – Tình yêu

Long Châu Tiền

PHẦN III

Chương III

Đến bờ mong đợiLại một mình đi về nơi “tử thủ”

“Thánh địa Hòa Hảo”

“Cách mạng muôn năm!”

“Nghèo đói” bắt đầu

Đoàn tụ muộn màng

Cán bộ biệt phái và “Sĩ quan biệt phái”

Quốc khánh 30 năm

Comments are closed.