Thơ Lê Thị Thấm Vân

(Trích từ tập thơ sắp xuất bản Những khoảnh khắc nghẹt thở trong thời Covid)

 

unnamed

39.

nửa thế kỷ gặp lại

khuôn mặt em giờ đây

ánh mắt, khoé miệng chùng như dây đàn tranh treo cất ở nhà kho

khuôn mặt

tàn phá bởi sầu khổ

khuôn mặt kẻ sắp chết

mùi hương em, đoá hoa mọc trong nghĩa điạ

có phải em đã nuốt nước bọt của em

để sống?

cứu vãn nỗi đau, em tự gây mê bản thân bằng những suy nghĩ đầy nắng

nhưng em đã không làm theo sự dẫn dắt của nắng

em thường chế nhạo mặt trời

gạt bỏ mọi lời mời gọi

khoảng thời gian của em trong chiều

đi tìm kiếm mình ở nơi hoang vắng

giữa đống đổ nát – mảnh đất cằn cỗi

một kho từ ngữ trong cuốn sách tác giả vô danh thì thầm với giọng khô khan, "tôi đang có mặt ở đây."

hỏi người lính, bao giờ đầu hàng?

hỏi tù nhân, bao giờ được thả?

hỏi người dân. người dân tự choàng vào cổ họ vòng hoa xương xẩu bê bết máu

em đưa cánh tay nếm hương vị da thịt mình

vục đầu xuống miệng giếng thấy khuôn mặt của ai đó

từ ngày ra đi- đánh cược bản thân với niềm tin nới rộng mảnh ruộng cho cha

anh đã phải tay cầm gươm – tay giơ cao đầu người

oán hận là vĩnh cữu

trong thời điểm nguy khốn, làm thế nào để anh mơ về một thế giới của kẻ khác

để trái tim dùng dằng nỗi niềm trắc ẩn

lịch sử của hiếp dâm – chối bỏ – tra tấn tội phạm – xâm lăng – thất trận – phản bội

sự thánh thiện bên trong âm đạo -sự tôn nghiêm bên ngoài đền thờ – ranh giới giữa các quốc gia – lòng tham của những nhà lãnh đạo

’em không thuộc về bất cứ nơi nào.’

‘anh không biết nơi khác là ở đâu.’

tên được thốt lên, quả là gánh nặng

gánh nặng của xa cách và mất mát

được nói, nhưng không được lắng nghe

thất vọng khi em cúi xuống

nhặt nhạnh một phần của trí tưởng tượng đã bị rơi

bí mật được anh giấu kín ở cột xương sống

để khỏi xáo trộn sự cân bằng

len lỏi vào vũng lầy

trong thế giới của ánh sáng và tro tàn

tro tàn cần phải di dời

cuộc hành trình xuyên thái bình dương

xuyên qua bầu không khí ngột ngạt

cuộc chiến chớp nhoáng hai mươi năm

muôn vàn sinh linh bị bóp cổ từ trong trứng nước

em nhớ anh từng nói, anh không muốn giết đứa trẻ con trong anh

nhưng giờ anh trở thành con chó sói bị tước luôn tiếng hú gào dưới ánh trăng

chiếc váy em khâu tay với bao mộng tưởng thời con gái

vương vấn đâu đó bên thềm nhà, sau cánh cửa, trên bàn thờ, cạnh cái giếng chứa đựng mùi đất cũ

anh và em đã lướt qua nhau

chọn ở giữa lời ly biệt

37.

tập chịu đựng cơn đau như tập sống

tập làm quen với cơn đau như tập sống

bởi cơn đau chẳng thể biến thành vì sao băng

vết sẹo sâu, cánh cửa hỏng, câu chuyện cũ

chôn vùi trong cát lún

quá khứ, nhánh củi mục ruỗng

khơi lại, chỉ còn khói cay

tôi từng chạy loạn trối chết qua bao vùng mưa bom bão đạn

hiên nhà chiều ba mươi pháo nổ đì đùng

từng chòm sao non rụng lả tả

cha dẫn năm mươi đứa con đi đâu?

mẹ dẫn năm mươi đứa con đi đâu?

ra đi trong đêm, không lời từ biệt

những đứa con ghèn còn đóng cứng mắt

một ngày, nếu có ai đó hỏi

con hãy đáp rằng, hình hài được đắp từ cửa miệng không răng của nữ chiến binh

hai chân con ra trước, có chó dại chờ chực liếm sạch, hà hơi ấm

và hãy bình tĩnh khi chuyện trò về những khoảng tối trong lịch sử

trời chiều lạnh, tôi muốn đi ngủ một giấc dài và thức dậy với mặt trời chiếu sáng cùng tiếng mèo cười khúc khích ở chân giường

nhưng, tôi đã qua đời trong giấc ngủ buồn bã

gần nửa thế kỷ nôn nao trôi lạc. những thiên thần tròn trĩnh quấn tôi trong chiếc áo tang truyền thống, dặn dò tôi cứ nằm yên đấy!

tôi hoảng sợ. không biết phản ứng thế nào. bầu sữa mẹ đã bị vắt cạn

lửa cháy bùng

không nghe tiếng thét gào

hỡi những đứa con của ta ơi!

ngay cả khi ngày mai không đến

các con vẫn có ta của ngày hôm nay

nửa thế kỷ trước,

một trưa, tấm ván tuột ra từ chiếc xà lan trôi giạt ra biển lớn

chiếc nón tưa vành ngoắc-ngoắc xin được cứu gíup

chiếc nón – tấm ván

vô hình-không nhìn thấy-không xác định

tấm ván trôi…

chiếc nón trôi…

ôi, giấc mơ trôi

tôi đi ra vườn, tha thẩn lượm mấy hạt nắng đọng trên nhánh sồi khô

từ từ trút xuống đất

tôi ôm tấm ván – giữ chặt trong tay chiếc nón tưa vành

như ôm chặt ước mơ không tưởng

người đàn ông nằm cạnh sờ vào bầu vú

tưởng chạm vào sọ người.

ông cõng sọ người trên lưng

băng qua bao xóm làng

sức nặng trái tim đè ông té ngã

trong giờ nghỉ giải lao, tôi ngồi vắt chéo đùi

ngôn ngữ mong manh như hơi thở. làm thế nào hít sâu, rồi để lại một câu thơ đầy dấu-hỏi-ngã-sắc-huyền-nặng mà không quay đầu lại

tivi đang đưa tin cuộc bạo loạn tại toà nhà quốc hội

bọn phản loạn đòi treo cổ, đòi doạ giết những chính trị gia và tất cả những ai không cùng màu lá phiếu

bên kia vách tường chống đạn, vị tổng thống đương nhiệm với vạt tóc nhuộm màu cam chín phất phới cùng nhịp điệu đôi chân nhảy mừng lễ hội

ông không quên giấu bàn tay đã lau sạch máu đằng sau lưng

khi nắng chiều chưa tắt

mòng mẹ chui lên từ biển

chiếc bàn trống cuối cùng

cái chết của một ngôn ngữ bắt đầu từ đứa con ngày trước

41.

đi lại trong nhà, mắt cá chân va vào bàn ăn

ngồi xuống ôm chân, tôi nhắc tôi phải cẩn thận

đau mà tránh than van

bởi, đời sống ngoài kia đang quá đỗi bấp bênh với những cơn mưa, nắng

tiếp tục ngồi đánh bóng mặt trăng và gắn lại từng vì sao lỡ rơi rụng

chuẩn bị chuyến du hành xa, sâu đến tận chân trời

ôm chặt vào người túi hành lý cao uỷ tị nạn liên hiệp quốc phân phát

chất chứa quá khứ đầy lỗ hổng, lịch sử thất vọng, giọt nước mắt hoa khô của mẹ

thu gom thêm vài thứ biết vô dụng và phù phiếm

trái tim tôi phồng-xẹp dưới bầu trời sa mạc đầy xác và phân người thổ dân châu mỹ

ngôi sao trên cao cúi xuống đùa nghịch lọn tóc tôi

cho qua ngày tháng đợi chờ covid-19 tan biến

covid-19 nào biết phân biệt quốc tịch, giới tính, tuổi tác, giàu nghèo…

nơi nào kẻ lưu đày trú ngụ cũng là mồ hoang

mỗi màu da là cả một buổi chiều

những buổi chiều gặp nhau, ngơ ngác hỏi, “mình đã làm điều gì nên tội?”

phân biệt, thù hận không có số má cũng không hình dạng

chúng như quỷ dữ ẩn nấp trong xó hốc, bụi bờ

bất ngờ tung ra cú đấm vào mặt đỡ không kịp

nạn nhân màu da-đồng thời-nạn nhân covid-19

sáng sớm, tôi ra vườn hái bó hoa, đặt trên bàn thờ phật, cùng với lòng tôn kính

cầu mong tất cả những buổi chiều được an lành

một lần đang đi dạo trên bờ biển

tôi thấy tuyết rơi

trắng như cơm nguội rãi cho bồ câu ăn ở quảng trường mignanelli năm nào

những con bồ câu nói lời cám ơn bằng tiếng xứ sở nuôi dưỡng chúng

ngồi cắn hạt hướng dương – thói quen mỗi khi trong lòng tôi bối rối

kênh tivi địa phương đưa tin tên hiếp dâm sống gần nơi tôi ở

đứng trước toà,

hắn bào chữa rằng hắn không thể xuất tinh nghĩa là hắn không phải tên hiếp dâm

bằng một tiếng nện mạnh, chát chúa trên mặt bàn. hắn được toà tha bổng

nạn nhân-cô gái hai tay bưng mặt hét không thành tiếng

cô gái khơi gợi lại trong tôi,

những tên ngoại quốc mang đô la và súng đạn vào nhà thổ mái

tôn, nền đất dựng vội trong xóm lao động

chúng yêu cầu tất cả đàn bà con gái

da vàng hơn – vú to hơn

tóc dài hơn – hông nở hơn

chỉ cánh bướm cửa mình phải biết thắt chặt, co hẹp

bên ngoài vỉa hè

những người chồng, người cha xương sống lưng đã bị rút

trăm quả mìn nổ chậm bao bọc quanh người

vì lũ con, người mẹ cầu xin đủ cơm ăn áo mặc

cùng cuốn sách vẽ bản đồ thế giới tô màu buông lỏng trên bụng trong giấc ngủ trưa

sóng biển, ồ sóng biển phải đủ cao để chơi đùa rồi chết đuối

ai thừa hưởng, phải chăng lời hứa thực hiện vào một ngày lịch sử dầm mưa

bản chất của thỏa thuận

rằng, những ai đi theo ‘chủ nghĩa thần bí ngoại lai’ sẽ được cứu thoát

luồn ánh sáng tắt nghẽn theo chiều thẳng đứng trong không gian

nỗi thống khổ làm tan chảy mọi tấm bảng chỉ đường

bị tra tấn, bị buôn bán, bị đánh đập, bị hãm hiếp, bị bắt cóc, bị lừa đảo, bị bạc đãi, bị khai thác, bị phân biệt, bị mất phương hướng…

nhưng, xin đừng để dễ bị tổn thương

thần thánh không có ở đó để cứu

đạp gai đạp lửa để băng qua

tốt lành hay gian ác, ai sẽ là kẻ thừa kế?

và chúng sẽ làm gì với những buổi chiều lịm nắng?

tôi dễ đỏ mặt khi ai đó không biết nhiều về tôi nói rằng thương tôi

hoặc nói chiếc váy tôi đang mặc nổi bật vóc dáng của tôi

nhưng tôi thẳng thắn lên tiếng khi ai đó nói sai sự thật

chẳng hạn như,

tín đồ ‘thần bí ngoại lai’ là những kẻ hết sức tốt lành

33.

tôi tìm kiếm gì trong cửa hàng hương vị nụ vối

xâu chuỗi hạt từ bi?

chạm tay vào vị thần hộ mạng

như được môi cha đặt trên mí mắt thuở còn thơ

nằm đong đưa trên chiếc võng dệt thưa sợi

người canh giữ đền thờ tổ tiên đã bị ngoại xâm cắt cổ

xương ống chân bị đánh vỡ vụn

giờ biến thành lân tinh lấp lánh rải rắc giữa đêm hè

dưới ruộng mương sình lầy

ngập máu và sọ họ hàng thân quyến

trời không gió, quạt cờ ủ rủ

dân trong làng kho cá nhiều hơn kho thịt

trẻ con chín tháng tuổi đã biết lừa xương

được dạy rằng, chết vì người khác sẽ được tôn vinh

có ai hỏi phải vòng tay thưa: trắng là màu của trời

vàng là màu của máu

chiếc xe tăng

ngoại bang chèn giữa

lựu đạn – cây bút

ba lô – cặp táp

bao xác trẻ gục

lót đường cho ác thú giẫm băng ngang

thị trấn nằm hướng gió tây nam chicago đất đầy mùn, trời đầy khói

tàn năm 2020 có quá nhiều cánh tay cầm cờ mỹ và chữ maga giương cao

vừa lồng lộn vừa huýt sáo: bọn tao là giống da trắng thượng đẳng

chúng trông vừa kinh tởm vừa tội nghiệp làm sao

chúng nào biết xương cốt cha ông chúng đang dần rỉ sét

giấc mơ thực dân, xâm chiếm, sở hữu cũng sẽ phai tàn theo vòng quay thành-trụ-hoại-diệt

cách thị trấn chúng ở là cây cầu gỗ

những đứa bé da vàng mạnh mẽ nhón chân giương cao tấm biểu ngữ: asian is not a virus, racism is

dưới chân bọn trẻ hoa cúc dại nở đẹp bao quanh

con cún đang vờn trái banh nhựa

nó chẳng quan tâm nguồn cơn thống khổ của con người

nó cũng chẳng sợ bị tắt tiếng- không còn biết mình là ai

Alan watts từng nói, trying to define yourself is like trying to bite your own teeth.

với con cún, trái banh là niềm vui thích

mùa cách ly tôi như quả trứng

đã luộc

để không dễ thấm nước

và không dễ vỡ

dù suốt ngày rùng mình trong từng vết cứa

những linh hồn gầy guộc vẫn đói khát lang thang trong rừng rậm với móng vuốt sắc nhọn

người sống ngủ quên trên ghế

tỉnh dậy, vẫn loay hoay tìm kiếm những gì không bao giờ có

đám mây ngủ vùi

với khuôn mặt dịu dàng

dẫu ánh trăng chẳng thể xuyên thấu

tôi giữ chiếc yếm của mẹ mặc trên người đi từ bắc vào nam năm 54

tôi đội chiếc mũ cha lượm trên đường chạy loạn tháng tư, bảy lăm

băng qua bao ruộng đồng lúa chết

ghe đã vỡ và lòng tin đã vỡ

để lại trong tôi nửa lá phổi bốc mùi độc dược da cam mỗi đêm về sáng

kẻ vừa trốn chạy vừa la hét: mất hết, mất sạch…

phía trước là khoảng trống không lường

dữ dội và nghiệt ngã miết thân người mỏng dần thành sợi chỉ

và lân tinh lấp lánh, lấp lánh, lấp lánh bám riết theo sau. tiếng mìn nổ. sợi chỉ tan biến

chiếc trực thăng bay lạc gần nửa thế kỷ

mang theo những câu thơ dở dang

cùng xác đôi hạc vàng

điều gì mong đợi từ lặng im

vầng trăng soi sáng- khớp xương lệch

thiết thân với động vật có vú

tiếng ồn ã bàn chân con ngựa già trốc mống nhưng vẫn muốn chạy đua

nắm chặt trong bàn tay trái lựu đạn

tưởng tượng cách phá vỡ

như bóc

từng lớp da non

trái lựu đạn

làm tôi nghĩ tới cha

ai đó cho em tôi chiếc hộp

bút chì nhiều màu

nó mang đến hỏi tôi

màu nào đẹp nhất

tôi vuốt tóc nó,

màu đỏ là máu và màu đen là mắt đẹp của em

nay nó đã trở thành cát bụi bay về hướng có vòng tay ôm của cha mẹ

lò luyện tội là chốn lưu đày

kiên cường chịu đựng

trong căng thẳng và mệt mỏi

mong chờ ánh bình minh

như số phận may rủi

hoặc

được/bị ngồi trên hai-ba chiếc ghế nhưng chẳng chiếc nào thuộc về mình

trong thời đại con người trên trái đất cách ly

mỗi linh hồn biến thành vũ trụ riêng lẻ

mùa đông lê thê trong từng căn nhà máy sưởi chạy không ngưng nghỉ

tôi sống sót

nhờ những chuyến du hành từ quá khứ đến hiện tại

rồi từ hiện tại trở về quá khứ

bằng những đoản thơ rời

đêm đêm dỗ mình từng hơi thở sâu, chậm, dài…

mọi tế bào rỗng không

con nhện bò ra bò vào từ vết thương luôn muốn được chữa lành trước khi nhắm mắt

đợi chờ lũ sóc quay trở lại

bày bừa cắn vụn vỏ hạt sồi

gần nửa thế kỳ vẫn chờ đợi

chờ đợi chẳng buông tha ai bao giờ

đêm qua tôi nằm mơ tôi là kẻ kéo tôi thành sợi chỉ

quấn quanh sợi chỉ lấp lánh muôn ngàn ánh lân tinh

48.

cụ bà xa lạ tôi gặp ở trạm xe buýt một trưa nào kể chuyện cuộc đời bà rồi kết luận rằng, sống chẳng dễ dàng chút nào nhưng bà vẫn biết ơn vì đến tuổi này rồi mà vẫn chưa bỏ cuộc

tôi ngước nhìn cây mận, thấy một trái chín sắp rơi. tôi nhủ thầm với nó, hãy khoan, khoan rơi đã, chờ thêm chút xíu nữa nhé…

bức tường bê tông khiến tôi ngột ngạt khó ngủ. tôi đi ra ngoài. gió đêm vỗ về. mặt trăng không nhìn thấy tôi nhưng tôi thấy ánh sáng ấm áp của nó

thỉnh thoảng đọc bài thơ trên trang mạng xã hội cho tôi cảm tưởng như có sự liên hệ cá nhân

cuốn tiểu thuyết của tác giả vừa qua đời truyền ma thuật chữ nghĩa cho tôi, cùng nỗi đớn đau, sự phấn khích của các nhân vật tôi gặp rong ruổi đâu đó trên đường đời. họ bị siết cổ bởi cuộc sống. bị trói buộc để làm trò giải trí. bị giam cầm bởi quyền lực

tôi từng chứng kiến nỗi khiếp sợ của con chó ghẻ lở nơi góc sân nhà hàng xóm

tôi thôi tìm kiếm người đàn ông chỉ để thấy đôi mắt đi hoang của mình trong đó

tôi cũng từ chối vác trên lưng những túi đá nặng nề

tôi có thói quen bảo vệ người chết từ khi còn bé

cha mẹ tôi qua đời khi tóc trên đầu chưa có sợi bạc

một mình tôi hứng chịu sự vỡ oà của hoa mật đắng

tôi ngửi mùi thuốc súng còn ủ trong nòng

tôi tập đếm tiếng súng nổ từ xa vọng lại

tôi dõi mắt theo ánh hoả châu tắt ngấm trên bầu trời u tối

và không bao giờ để bất cứ ai buộc tôi cúi xuống trước đôi giày của kẻ chiến trận

bàn tay bé nhỏ của tôi không thể chùi sạch vết máu loang trên da thịt. không thể nắm giữ được bọc thịt bầy nhầy

tôi nhìn thấy màu trắng đục dãi dầu sương gió trong mắt cha và nụ cười hiền lành của mẹ trong nấm mồ nhiều năm không hương khói

ở tuổi mới lớn

trong người mọi thứ đang nẩy mầm tôi bị bứng gốc bật rễ

tôi bị nếm đi nếm lại mùi vị của sự mất mát

để sống còn trong tự do tôi dần dà biến mình thành loài cây không có rễ nên chẳng cần đến đất

tuy thế, tôi vẫn mong rằng trái đất là bạn đời của mặt trăng

khi tôi đi đến bãi biển vắng vào ngày thứ năm trong tuần

lần đầu và cũng là lần cuối tôi đứng yên ở một vị trí

con sóng mon men liếm bàn chân tôi

tôi nhận ra khoảnh khắc sầu muộn sẽ phai nhạt khi bầu trời đổi thay màu sắc

cuộc sống có lúc giống như đống rác, phải đem đi đổ

có lúc tôi thấy mình mỏi mòn như tấm thảm chùi chân phải có đặt ở cửa ra vào phía sau nhà

buổi sáng ẩm ướt

con bướm xếp cánh ủ mình trong sương mù

xác chết của kẻ ẩn danh và con hưu cao cổ nằm cạnh nhau trên con đường tắt

tôi không còn đấu tranh hay chứng tỏ cần có một quốc gia để thuộc về

những cuốn sách tôi nhọc công viết

lắm lúc nhìn, tự hỏi chẳng biết phải làm gì với chúng

ngày ngày tôi dùng ngón tay bôi một lớp kem trên da mặt

nghĩ về những chuyến tàu luôn di chuyến dù chẳng biết sẽ đi về đâu

Comments are closed.