Chuyện đời tôi (kỳ 19)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Bệnh viện Phú Tân

Những năm 1978-1979 dịch sốt xuất huyết hoành hành, cướp đi sinh mạng hàng trăm trẻ em. Ngay như chú Bảy Hồ là Phó Bí thư Huyện ủy mắc bệnh phải lên Sài Gòn mà còn suýt chết, để lại di chứng nặng nề rồi về hưu sớm. Nghe nói người lớn ít mắc bệnh này, nhưng nếu bị thì rất khó trị. Nhân dân vô cùng hoang mang. Có người làm hình nhân “Tề Thiên Đại Thánh”, vẽ hình đầu lâu lên lu nước uống, làm “bùa yếm quỷ” treo trước nhà, làm bè tống gió đuổi tà ma. Ngành Y tế gần như bó tay nếu bệnh nhân chậm đi khám và phát hiện trễ. Ai cũng sợ!

Tôi về nghỉ hè 1978, đang trong mùa dịch sốt xuất huyết, con gái tôi bị sốt cao, tôi mượn xe La Dalat của Văn phòng Huyện ủy, đưa cháu về Long Xuyên khám bịnh. Phòng Y tế Long Xuyên nói Phú Tân đang có dịch nên cho thử máu và kết luận cháu không có dấu hiệu sốt xuất huyết. Tôi quá mừng và cũng tò mò hỏi y sĩ Bạch, làm sao mà chị biết? Chị kêu tôi nhìn vào kính hiển vi, chỉ cho thấy những hạt nhỏ trên từng ô vuông rồi chị nói: “Đếm số hạt tiểu cầu trên một ô rồi nhân ra với số ô đã định, sẽ cho ra con số cụ thể, khoảng 200 tiểu cầu là bình thường, còn dưới 100 gọi là tụt tiểu cầu, coi chừng là sốt xuất huyết”. Từ đó, tôi có suy nghĩ: Nếu ở Phú Tân có trang bị kính hiển vi này sẽ sớm phát hiện, trị được bệnh cho các cháu mà khỏi phải đi đâu xa thì hay quá.

Cuối năm 1979, anh Bảy Cường, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân huyện đi họp ở tỉnh về, báo lại với tôi: Ủy ban Kế hoạch tỉnh cấp cho Phú Tân 40 ngàn đồng để sửa chữa Trạm xá huyện. Số tiền này qui ra khoảng 114 tấn lúa, theo giá chỉ đạo (3,5 cắc/ký). Trạm xá huyện là Nhà Hộ sinh cũ, Tổ đình cải tạo lại làm “Cứu tế viện” với vài y sĩ, do anh Lương Tâm phụ trách trị bịnh dân nghèo làm phước, nhà cấp bốn, tường vôi, có gác lầu bằng cây, sau Giải phóng giao lại cho chính quyền để làm Trạm xá huyện. Phòng Y tế huyện được thành lập do anh Hai Thuận, Y sĩ ở Giao bưu ở Trạm B2 năm 1969 tôi quen, làm Trưởng phòng, kiêm Trưởng Trạm xá huyện, vừa mới được tỉnh rút và thay anh là y sĩ Ba Mộng, y sĩ Dự và thím Sáu Bửu, y sĩ sản làm phó, đều người quen cũ Kháng chiến. Phòng và Trạm xá là một, ở chung trong nhà ấy, mặc dù có được cơi nới ra thêm bằng vật liệu nhẹ như gỗ, tre, tole, lá… trên nền đất để làm nơi khám bệnh phát thuốc và kê được mươi giường lưu bệnh.

Trước khi bàn sử dụng kinh phí tỉnh cho kế hoạch 1980, tôi đến Trạm xá mấy lần để hình dung xem bốn mươi ngàn đồng này dặm vá chỗ nào được. Trong khi đó, bờ sông trước mặt trạm xá đang sạt lở với tốc độ nhanh. Tôi sợ di dời không kịp. Không hiểu sao tôi nảy ra ý nghĩ: Xây bệnh viện mới! Với số tiền này, có thiếu xin thêm ngân sách tỉnh và cả của dân. Tiền để mua vật tư, nhân công huy động dân. Tôi rất biết tín đồ Phật giáo Hòa Hảo dù ở xứ nào cũng đều có truyền thống làm công tác xã hội – từ thiện rất hay; các Ban Trị sự cũ, dù của phái nào cũng đều có một ủy viên phụ trách công việc này với một ban bệ hẳn hoi. Nếu ta lãnh đạo và kiểm soát tốt, tôi tin dân họ sẽ làm được. Và tôi cũng nghĩ đơn giản: Có cái vỏ khang trang trước, mới có cái ruột hiện đại sau. Từ suy nghĩ ấy, tôi gặp riêng chú Ba Dừa (Trần Văn Nên) vốn là Ủy viên Xã hội – Từ thiện Ban Trị sự Thánh địa cũ, có uy tín và có hiểu biết nhiều về lĩnh vực này, tham khảo khả năng huy động sức dân và nhờ chú giới thiệu những người có tâm huyết, có uy tín, có tiền và từng tham gia công tác xã hội từ thiện, kể cả số từng là chức sắc các giáo hội cũ. Được chú đồng tình và giới thiệu người. Tôi hỏi chú, ai là người thầu xây trụ sở của Lương Trọng Tường mà Huyện ủy đang trưng dụng, vì tôi thấy nó có vẻ chắc chắn. Chú nói ngay: “Ông Chín Dắt”. Tôi rất yên tâm vì tìm được người mình cần, mà lại là người đang ở trong huyện. Tôi báo cáo riêng với Bí thư Huyện ủy Bùi Văn Hương và đề xuất ý tưởng xây bệnh viện mới. Anh nói: “Ông thấy được thì làm”. Anh là bộ đội tuy mới chuyển qua nhưng là dân cố cựu xứ này, hiểu biết mọi lẽ. Anh hiền lành và chân thật. Anh rất tin tôi nên cũng rất dễ tán thành.

clip_image002

Cùng anh Tư Hương Bí thư Huyện ủy. Sau lưng là Tòa trụ sở Huyện ủy

(Trước 1975 là của Trung ương Hòa Hảo nhiệm kỳ II) do ông Chín Dắt chủ thầu xây dựng.

Sau khi được anh Tư Hương đồng tình, chúng tôi mời một số vị như: chú Ba Dừa, chú Chín Dắt, chú Sáu Kỉnh, chú Sáu Thưởng, anh em ông chủ hãng nước mắm Hiệp Hương, Hiệp Thành (?), chú Ba Thọ (chủ máy cày), anh Sáu Vẹn (cháu Đức Thầy), v.v. họp tại phòng họp Ủy ban huyện, do tôi và anh Bảy Cường chủ trì. Các ông tán thành và rất vui. Tôi còn hỏi gặng lại: “Các ông có chắc là không bỏ tôi nửa chừng chớ?”. Tất cả như đồng thanh xác nhận quyết tâm. Tôi nói riêng với Chánh Tháo, Chánh Văn phòng Huyện ủy và Ba Trung, Chánh Văn phòng Ủy ban: “Nhớ ghi biên bản đầy đủ”. Tôi có dự cảm việc mình sắp làm khá phiêu lưu mạo hiểm, rất nguy hiểm cho cá nhân vì sự tế nhị và tính nhạy cảm của vấn đề tôn giáo, mà là tôn giáo Hòa Hảo tại trung tâm đạo Hòa Hảo. Tôi báo cáo lại anh Tư Hương. Anh rất vui và giao cho tôi lo mọi chuyện để công trình sớm được khởi công. Để chắc ăn, tôi đến gặp anh Hai Nhung (Nguyễn Thành Nhung), Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, anh Hải Yến, Trưởng Ty Tài chánh, chú Tô Sĩ Hồng, Trưởng ban Cải tạo Nông nghiệp tỉnh, vì tôi lúc này vẫn còn kiêm Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp huyện nên lên tiếng như báo cáo theo “hệ thống” nhưng cái chính là “tranh thủ nhân tâm” càng nhiều càng tốt, nhất là số đồng chí lãnh đạo các ngành tỉnh và đặc biệt là đồng chí Nguyễn Văn Hơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, là chỗ dựa đáng tin cậy trong trường hợp này, cũng như anh Mười Xê (Nguyễn Hữu Cầu), Phó Chủ tịch, phụ trách khối Công nghiệp – Xây dựng – Giao thông. Tất cả đều đồng tình và hứa ủng hộ. Anh Hai Nhung còn giới thiệu với tôi về Công trường 56 do anh Phong làm Giám đốc và La Vĩnh Trinh, kiến trúc sư đang thi công công trình nào đó ở Tân Sơn Nhất để nhờ giúp thiết kế. Các anh ấy nhận lời và cũng hết sức nhiệt tình. Lúc này, tỉnh đã tăng cường cho Y tế huyện được Bác sĩ Đinh Xuân Thu và Dược sĩ cao cấp Hoàng Thọ Phồn tốt nghiệp chánh qui Trường Y Dược thành phố Hồ Chí Minh; Kỹ sư Lê Hữu Năng về Phòng Nông nghiệp… nên huyện rất có khí thế và cán bộ cũng bắt đầu “trí thức hóa”.

Mọi chuẩn bị cơ bản xong. Anh Tư Hương và tôi chủ trì mời họp Ban Thường vụ Huyện ủy để báo cáo lại toàn bộ công việc chuẩn bị và xin chủ trương, rồi lại đưa ra hội nghị Ban Chấp hành Huyện ủy, hội nghị Hội đồng Nhân dân huyện. Tất cả đều có biên bản và có nghị quyết hẳn hoi. Ban Chỉ đạo vận động xây dựng bệnh viện huyện Phú Tân được thành lập, có các ngành liên quan, mặt trận, đoàn thể và mấy vị là của dân. Thực chất đây là Ban có tính chất pháp lý và hiệu triệu, do anh Bảy Cường phụ trách. Ban quản lý và chỉ huy trực tiếp công trình là do chú Chín Dắt làm trưởng ban. Dưới Ban quản lý còn có các Tiểu ban: Lao động, Thi công, Hậu cần, Ẩm thực, Vận tải, Kho bãi… Phải nói, về tổ chức hoạt động từ thiện có qui mô lớn, dân Hòa Hảo rất có kinh nghiệm từ lâu.

Tôi, anh Bảy Cường, anh Sáu Vẹn, chú Chín Dắt, chú Ba Dừa và đại diện thị trấn Phú Mỹ trực tiếp xuống Tập đoàn sản xuất xem mặt bằng và quyết định vị trí xây dựng theo đề xuất của một số người. Đó là vị trí bệnh viện hiện nay. Sở dĩ chúng tôi chọn chỗ này vì tránh được sạt lở nhưng lại gần chợ Mỹ Lương, gần đường xe và đường thủy Rạch Cái Tắc trước mặt rất tiện cho xe và tắc ráng, vì lúc này ở vùng sâu: Phú Thành, Phú Xuân, Hiệp Xương và các xã Đông sông Hậu không có đường ô tô. Đất xây dựng bệnh viện có gốc là của Tổ Đình, do dân trực canh trước khi lập Tập đoàn sản xuất nên rất thuận lợi cho việc thu hồi làm công ích.

Tôi không ngờ, sau khi có quyết định thành lập ban bệ xong, mặt bằng mới nhận, Ban Quản lý công trình đã có mặt đầy đủ, nhà cửa dã chiến dựng lên trước Tết Nguyên Đán 1980. Hôm tôi đến, bất ngờ hơn, thấy một đống đá to tướng đã đổ vun trước sân, trong kho đã có xi măng chất thành hàng, v.v. Tôi hỏi ngày cúng động thổ. Chú Chín Dắt nói: “Đó là ngày làm lễ đặt viên đá đầu tiên, còn bây giờ có nhiều việc mình cứ làm trước”. Như vậy, phần móng làm xong đâu đó, ngày 29.3.1981 mới làm lễ “Đặt viên đá đầu tiên”. Khi xây lên, chú Chín Dắt nhờ tôi nhân ngày giờ tốt cùng chú nâng một khung cửa mà theo chú là quan trọng đặt nhìn về hướng tốt. Hình như hướng Nam, thì phải.

Tôi rất lo, vì là công trình lớn mà không nằm trong kế hoạch, không có danh mục xây dựng, không có chủ trương của cấp trên mà là do dân làm, dưới hình thức “lao động công ích”, “quyên góp” mà ta đã cấm quyên góp khi tiếp quản chánh quyền. Huy động lao động công ích mà dân cứ gọi tắt “công quả”, trong khi đó lại thường xuyên tập hợp hàng trăm lao động tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đi làm “công quả” là vấn đề hết sức nhạy cảm. Bọn phản động, tàn quân còn giấu mặt dễ lợi dụng kích động, còn nội bộ cũng dễ hoài nghi và không loại trừ có người không tốt sẽ phá mình. Rồi không biết có lo đủ tiền, vật tư, nhân công để xong cái bệnh viện đồ sộ này không? Vì qui mô lúc đầu là 50 giường rồi nâng lên đến 100 giường, lớn nhất nước lúc bấy giờ, so cấp huyện. Thật là mất ăn mất ngủ. Câu “Liệu bề đátt đặng thì đươn/ Đừng gầy mà bỏ thói thường cười chê” cứ ám ảnh tôi.

Công việc được triển khai suôn sẻ. Người dân Phú Tân ai ai cũng nhiệt tình tham gia, thu hút các huyện và các tỉnh lân cận, nhất là Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long…. Tiếng lành đồn xa mà “tiếng dữ” cũng lọt vào “chốn thâm sâu”. Có ông “thầy dùi” nào không biết “chọt” với Bí thư Tỉnh ủy rằng: “Bảy Nhị làm đầu têu cho Hòa Hảo tập hợp lực lượng, lợi dụng làm công quả để trốn nghĩa vụ quân sự”. Họ gọi bệnh viện đang xây là “Bệnh viện Hòa Hảo”. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nổi trận lôi đình, hôm họp báo tuần tại Văn phòng Tỉnh ủy có tôi dự, ông nói như mắng vào mặt tôi là “muốn làm nổi, cho hơn người tiền nhiệm”. Và ông quay sang cật vấn Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Trưởng Ty Tài chánh, v.v. Các ông đều chối phăng “không biết”. Tất cả đều lánh né! Lần đầu tiên tôi bị xúc phạm, cho dù là cấp trên, tôi phải hết sức kềm chế để khỏi phải khóc hoặc phát ngôn “manh động”. Hình như ông bực bội về chuyện tổ chức nhân sự có liên quan tới Phú Tân sao đó, mà nhè tôi trút giận. Chú Bảy Hà (Lương Văn Khách), Phó Ty Văn hóa – Thông tin là lãnh đạo cũ của tôi trong Ban Tuyên huấn An Giang, kéo riêng tôi ra ngoài chia sẻ, an ủi!

Tôi vừa buồn vừa lo. Buồn vì ít người hiểu mình, thậm chí phá mình, lo là nếu bỏ dang dở thì ăn nói sao với dân? Đặc biệt, cái cảnh dịch sốt xuất huyết đang hoành hành, không có chỗ trị bệnh, đường về bệnh viện Long Xuyên quá xa… Rồi tôi tự lý giải, tự trấn an cho tôi: “Làm bệnh viện trị bệnh cho dân Hòa Hảo thì người Hòa Hảo phải làm, chớ sao. Gọi Bệnh viện Hòa Hảo là đúng. Cán bộ có bệnh viện cán bộ, có xe đưa đến nơi; còn dân đi đâu?”. Hồi đó, chưa có cái khẩu hiệu như sau này “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để viện dẫn! Trong tôi lại nổi lên cái cá tính ngang tàng, không sợ ai. Tôi về Long Xuyên nhân cuộc họp tại Ủy ban tỉnh, gặp các ông Hai Nhung, Hải Yến hỏi cho ra lẽ và trách các ông không dũng cảm bảo vệ tôi. Hai ông giả lả: “Tao nói “biết” để chết hay sao. Tao chết rồi ai cứu mầy. Ổng (Bí thư Tỉnh ủy) nói vậy rồi cũng qua, để tụi tao bí mật ủng hộ, có phải hay không?”. Nghe hai ông giải thích, tôi sung sướng vô cùng. “Thừa thắng”, sẵn trong túi có bản đề nghị xin mua 200 bao xi măng do anh Bảy Cường đưa, tôi lật đật chìa ra và nói “Nè ủng hộ đi”. Anh Hai Nhung, anh Mười Xê đều duyệt vào; vậy mà tới ông Tâm (Giám đốc Xí nghiệp Vật tư tỉnh) chỉ cho có 100 bao thôi. Nhưng tôi rất biết nhẫn nại, cho bao nhiêu cũng lấy, không sĩ diện tự ái. Khi về báo cáo lại, anh Tư Hương cũng chia sẻ, vui lây.

Tôi thường xuyên đến thăm tiến độ công trình, hỏi thăm chú Chín Dắt để nắm kỹ tình hình, những khó khăn và nguồn vật tư đủ thiếu để mà tính. Đồng thời cũng “ghé mắt” xem bà con lao động có đọc kinh giảng Hòa Hảo như “báo cáo” không? Tôi thấy hình như “sinh mệnh chánh trị” của tôi bị gắn vào cái bệnh viện này, nên rất lo! Nhưng được cái, người tốt ai ai cũng ủng hộ làm bệnh viện. Anh Bảy Cường còn vận động được với Bác sĩ Bình Tân (Trưởng Ty Y tế) xin Bác sĩ Nguyễn Văn Châu và vợ là Dược sĩ Liễu, chỗ quen biết trong kháng chiến về làm giám đốc bệnh viện mới. Anh Châu hiền lành, có kinh nghiệm lãnh đạo nên làm cho tôi rất tin tưởng và yên tâm về công tác quản lý, lãnh đạo bệnh viện trong tương lai. Tôi nghĩ nhà đẹp khang trang phải có “ông chủ” tương xứng mới được. Tuy nhiên, khi thấy bị soi xỉa quá, để đề phòng cho chắc ăn, nhân một buổi chiều sau giờ làm việc, tôi mời anh Năm Tiến (Nguyễn Văn Tiến), Trưởng Công an, anh Năm Thắm (Lê Văn Thắm), Huyện đội trưởng đều là Thường vụ Huyện ủy mà cũng là bạn kháng chiến, đều lớn tuổi hơn tôi, đến nhà ăn Ban Tuyên giáo huyện, nơi vợ chồng tôi ăn cơm tập thể ở đấy lai rai vài xị, để nhân đó tôi nói với hai anh: “Nếu ngành dọc có chủ trương gì mới hoặc các anh phát hiện tình hình có gì lạ, báo cáo lại tôi, trước khi báo cáo về ngành cấp trên hoặc có hành động. Hai ông làm “bể ổ”, tôi để công trình này cho hai ông làm. Tín đồ Hòa Hảo làm bệnh viện cho dân Hòa Hảo nằm trị bịnh là phải rồi. Họ ăn chay thì đỡ tốn tiền, còn họ ăn mặn anh có tiền mua cá thịt cho họ ăn không? Chúng ta còn không có cá thịt để mà ăn nữa. Còn họ rảnh rỗi, nhân nghĩ trưa ngâm nga Sấm giảng cũng như ở nhà họ đọc kinh giảng, anh có cấm được không, theo rình rập làm gì? v.v.”. Các anh trước sau như một, ủng hộ chủ trương của Huyện ủy mà các anh đã biểu quyết. Từ đó, hễ có khách đến huyện tham quan đều có đưa đến công trình, như vừa để khoe vừa tranh thủ lòng hảo tâm để vận động giúp đỡ. Hôm các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội đến ra mắt cử tri, có anh Võ Tòng Xuân mà lần đầu tôi mới gặp, đích thân tôi cũng đưa họ đến đây để tiếp xúc cử tri và ý cũng để cử tri biết công trình xây bệnh viện. Tiếng lành đồn xa là vậy!

Công trình xây dựng trôi chảy, an toàn nên càng lúc tôi càng yên tâm và tự tin sẽ thành công, bởi kịch bản mà tôi xây dựng là: Lòng dân quá mong muốn, lao động có thừa, như vậy là lao động không tính tiền công, ăn không tính tiền chợ; vật tư thời bao cấp vì quá thiếu mà kế hoạch phân cho mỗi nơi một ít, không ai đủ làm mà cũng không ai dám bán chợ trời, thà trả lại cho Nhà nước, thiếu mà thành thừa là vậy. Ta lựa “kẽ hở” này mà khơi lòng từ thiện các cơ quan trong và ngoài tỉnh để huy động, vì chưa có ai làm như chúng tôi. Tôi nhớ Quân khu 7 bán cho không biết bao nhiêu là sắt xây dựng mà chỉ với giá 0,5đ/kg. Các anh Công trường 56 tận tình cho đến ngày khánh thành, họ chỉ nhận thù lao bằng gạo. Hợp tác xã Đồng Tiến thành phố Hồ Chí Minh giúp lo máy phát điện, đóng phà sắt trang bị cho bến Năng Gù cũng chỉ nhận quà “đối lưu” là gạo… Phần xây dựng vừa đổ xong tầng thượng, thì tháng 8.1981 tôi có quyết định của Tỉnh ủy về tỉnh công tác, anh Ba Thu đi học cũng đã về. Việc tôi đi xem như bất ngờ nhưng thật tình, trước đó, nhân lúc tôi đi làm qui hoạch nhân sự Đại hội huyện khóa mới với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban là anh Ba Ca (Nguyễn Văn Khoảnh) là chỗ quen thân với gia đình tôi hồi ở kinh Tám Ngàn – Kiên Giang, tôi đề nghị được về tỉnh công tác. Lúc đầu anh không cho, vì Tỉnh ủy đã qui hoạch tôi ở lại huyện, khóa tới thay cho anh Tư, song lý lẽ tôi đưa ra cũng rất thuyết phục. Và tôi được toại nguyện! Khi đồng chí Bí thư Huyện ủy nêu thắc mắc với tôi, vì sao Ban Tổ chức Tỉnh ủy không tham khảo trước với anh việc rút tôi, tôi thấy bối rối và rất ân hận vì mình không dám trung thực nói trước với anh chuyện này. Anh rất tin và rất chân thành với tôi, giao cho tôi nhiều việc, cả những việc thuộc chức năng của Bí thư; chính vì vậy mà có dư luận rằng tôi “qua mặt” anh, “làm nổi” cá nhân! Tôi buồn, không thố lộ cùng anh, mà lại âm thầm ra đi trong khi nghĩa tình giữa tôi và anh đang đầy. Và nay anh đã về thiên cổ, tôi cũng chưa dám nói thật với anh vì sao tôi ra đi nửa chừng như vậy. Tôi thật có lỗi!

Từ ban đầu, tính qui mô 50 giường, nhưng khi chỉ đạo thiết kế, tôi nói với La Vĩnh Trinh và anh Bảy Cường, chú Chín Dắt là cứ thiết kế 100 và chừa không gian cho sau này là 200 giường, và, thiết kế nên chia ra từng khối cho phân biệt, dễ thi công: khối Trung tâm và 50 giường làm trước, nếu hết khả năng thì tạm ngưng để đưa vào sử dụng, sau tiếp tục cho đến 200 giường đạt chuẩn bệnh viện huyện loại I. Quá trình thi công kéo dài gần năm năm là do công trình không được cấp vốn, vật tư như bây giờ mà xin là chủ yếu và cũng vì “tham” mà qui mô cứ mở rộng ra, cho nên khi khánh thành (19.5.1985) không phải 100 mà là 120 giường. Đồng thời vẫn tiếp tục các hạng mục bổ sung đến năm 2008 thành bệnh viện 190 giường, 16 khoa phòng với 226 cán bộ, nhân viên, trong đó có 52 đại học, trên đại học. Tổng kinh phí không kể phần của dân và các cơ quan trong và ngoài tỉnh cống hiến, cho, tặng…, chỉ tính riêng phần của Chánh phủ đầu tư là 15 tỷ. Có lẽ, đây là công trình Nhà nước có giá đầu tư rẻ nhất xưa nay. Căn bịnh “Tào Tháo” của một số người thấy ai làm hay hơn mình thì hay nghi và sợ bị họ “chia quyền”, qua vụ này tan biến đâu hết. Người Hòa Hảo trước sau gì cũng vẫn là nông dân Miền Tây Nam Bộ! Tính từ khi “Lại một mình đi về nơi tử thủ” ngày 1/5/1975 tôi đã xác định: Tôi phải bắt đầu công việc từ những con người Hòa Hảo. Và tôi đã thành công!

Từ ngày có bệnh viện, dịch bịnh không còn như những năm 1978-1979, người dân Phú Tân cảm thấy hài lòng và hãnh diện! Bây giờ, mỗi khi đi qua, nhìn công trình từ ngoài cổng, lòng tôi bồi hồi xúc động, biết ơn mọi người gần xa, kẻ quen người lạ, nhất là bà con tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong và ngoài tỉnh, trong đó có các chị phụ nữ Ban Ẩm thực đã bỏ ra mấy năm ròng đóng góp công sức lao động, hàng núi lương thực, thực phẩm và chất đốt, nhất là tinh thần đoàn kết, nhiệt tình lao động, lao động an toàn, ý thức tiết kiệm, giữ gìn vật tư… để hoàn thành công trình. Đặc biệt, tôi rất biết ơn các anh: Hai Nhung, Hải Yến, Mười Xê, Tô Sĩ Hồng và lãnh đạo Ủy ban tỉnh; các anh Công trường 56 như đã nói; chú Ba Dừa, chú Chín Dắt, chú Sáu Thưởng, chú Sáu Kỉnh, anh em ông Hiệp Hương, Hiệp Thành, chú Ba Thọ… những người tâm đạo, có uy tín với bà con trong vùng, mà không có họ thì công trình này không thể có được, mà phải đợi đến gần 20 năm sau mới có phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Ngày khánh thành Bệnh viện huyện Phú Tân, cả nhà tôi đều có về chia vui với anh em bà con Phú Tân. Cho đến ngày nay, theo tôi biết, không có công trình nào “dân cùng làm” to và trong một thời gian ngắn như thế. Kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Phú Tân, anh em ở huyện nhờ tôi viết bài nói về Bệnh viên Phú Tân, tôi trích đoạn Hồi ký này gởi, anh Bảy Cường đọc, khen tôi nhớ dai, nhớ đúng, nhưng huyện cũng không đăng. Chắc sợ!

“Tai nạn nghề nghiệp

Tháng 8.1981, tôi nhận quyết định về Ban Tuyên huấn tỉnh. Ở huyện tham gia làm các việc chưa có chánh thể nào làm, đầu tắt mặt tối mà không thấy kết quả ra sao, do dân không ủng hộ như “cải tạo công thương”, thu mua lúa gạo, tổ chức hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, v.v., khi về tỉnh không trực tiếp làm những việc ấy nữa, tôi như người thất nghiệp. Nhân dịp giao thời, rảnh rỗi công việc, tháng 10.1982, tôi xin phép Ban lãnh đạo cơ quan Tuyên huấn Tỉnh ủy và Ty Xây dựng cất nhà từ số gỗ và vật liệu xây dựng chánh sách cán bộ mà tôi mua được theo tiêu chuẩn ở Phú Tân đem về.

Từ nhỏ, tôi thầm mơ ngôi nhà gỗ sàn, lợp ngói như những nhà vùng sông nước Nam Bộ xưa nay. Đất làm nhà, do tôi mua từ trước khi tôi về tỉnh (1980), do ba tôi đứng tên. Mặc dù Ủy ban nhân dân thị xã Long Xuyên có cho tôi một công đất, ở đường Thánh Thiên bây giờ, nhưng ba tôi không muốn con mình ở “đất của người ta” và ở xa anh em, nên bảo tôi mua đất gần anh Tư Đào, nên tôi đã trả đất lại cho Long Xuyên. Đất hồi ấy đâu ai dám bán dám mua, mà nếu dám thì giá của nó cũng không ai biết đâu mà lượng, nhưng chắc chắn là hơn cho không, song cũng là “thuận mua vừa bán” nên cũng là “pháp lý”. Làm nhà cũng có chuyện: Chuyện vui, chú Sáu Thanh, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tâm đạo, tôi hỏi ông tính mão hết giá bao nhiêu? Ông nói ngay 5.000 đồng. Tuy rằng không ít so với tôi đang túi không, nhưng chú Lộc tài xế cơ quan rành nghề mộc nói là quá rẻ. Vợ tôi “dự toán” 15.000 đồng mới đủ hoàn thành, nhưng cuối cùng tôi thiếu nợ đúng 50.000 đồng. Phải làm ruộng, nuôi cá, nuôi heo và làm cả một số dịch vụ nông nghiệp khác…, sau ba năm mới trả hết. Quá trình thi công, lúc rảnh rỗi, tôi theo chú coi làm và trò chuyện. Chú rất chân thành và vui tính. Một hôm chú nói với tôi: “Bảy à, chỗ nào con không vừa ý thì nói chú sửa lại, công sửa chỉ ít giờ hoặc một buổi, còn để vậy ở thì con bứt rứt cả đời”. Ông còn nói thêm: “Làm phải cho kỹ, đừng để xảy ra chuyện gì (sự cố). Người ta thấy mình hơn họ, họ không ưa đâu, còn thấy mình thất bại, họ cười, cùng lắm là thương hại”. Tôi kính phục và mừng thầm vì chọn được người có đức dựng nhà cho mình ở. Sau đó hàng chục năm, tôi quan hệ với ông như người thân gia đình.

clip_image004

Nhà cất tháng 10-1982 (ảnh tự chụp năm 2003)

Tháng 12.1982, tôi về làm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy phụ trách công tác Chi bộ – Đảng viên. Anh Ba Ca làm Trưởng ban, anh Ba Đức, Phó ban trực phụ trách công tác cán bộ. Tôi tự nào giờ làm công tác Tuyên huấn cũng tạm quen, nay làm Tổ chức tuy mới nhưng không lạ, vì cũng cùng “nghề” Xây dựng Đảng. Vả lại, Trưởng ban và Phó ban trực với tôi đều thân quen cũ. Lúc này lại bắt đầu vào mùa Đại hội Đảng cấp huyện. Trước hết là đợt kiểm thảo nội bộ các Huyện, Thị ủy nên công việc khá nhiều và phức tạp, tôi cảm thấy thú vị vì “nghề mới đắt hàng”.

Khi tôi về Ban Tổ chức, cũng là lúc tôi về nhà mới. Vợ tôi chờ làm xong lúa Đông – Xuân, nhưng cái chính là chờ em Dũng, con cậu Chín Kiên được kết nạp Đảng xong và Minh Tú nghỉ hè rồi về cùng một lượt. Hôm anh Ba Đức đến nhà chơi, nhìn ngôi nhà, anh nói mà tôi không hiểu ý: “Nhị ơi, mầy mới 37 tuổi mà có nhà vầy rồi hả?!”. Tôi chỉ nghĩ rằng anh mừng giùm cho mình và còn tỏ ra mãn nguyện.

clip_image006

Cùng Trưởng ban Tổ chức (giữa) tiếp Trưởng ban Tổ chức

Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và phu nhân

Không hiểu sao mà anh Ba Ca đi kiểm thảo các huyện Tịnh Biên, Châu Phú có vấn đề nội bộ gay gắt kéo dài mà không kêu ai đi, chỉ kêu tôi đi; duy chỉ trừ một lần đi Châu Phú có anh Ba Đức đi cùng. Cũng trong chuyến ấy, anh nói với hai chúng tôi trên xe, mà không biết ngụ ý với ai: “Làm Tổ chức mà ngại đấu tranh nội bộ, “ba phải” thì đừng nên làm”. Tôi nghĩ rằng, anh nhắc nhở thái độ, quan điểm cho chúng tôi mà thôi. Và, khi vào việc cụ thể, tôi mới thấy anh nhắc không thừa. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần III vòng 2, từ 18 – 21.3.1983, tôi trượt vào Tỉnh ủy, mặc dù phiếu thăm dò trước đó, tôi và anh Nguyễn Hữu Khánh, Bí thư Chợ Mới tương đương nhau ở số cao nhất. Có người ở quê tôi nói: “Có lẽ, Bảy Nhị rớt là do cất nhà quá lớn”. Thật tình, lý do chính là ở chỗ tôi dự kiểm thảo và phê phán nặng lời với cấp ủy huyện nhà và huyện Châu Phú, từ đó tán phát ra thêm hai huyện, thị chung trong hai Tổ đại biểu, thành mất phiếu tập trung ở 4/10 huyện, thị. Anh Năm Đình Phó ban Bảo vệ sức khỏe sợ tôi bị “sốc” cho tôi uống một viên an thần để ngủ. Tôi tự an ủi, đó cũng chỉ là “tai nạn nghề nghiệp”. Dẫu sao, cũng hạnh phúc hơn người “sanh nghề tử nghiệp”! Chánh trị đúng là nghiệp chướng!

Từ chuyện này và thực tiễn qua hơn 30 năm trong xã hội ta, tôi mới nghiệm ra rằng: Trong hệ thống bộ máy Nhà nước, hệ thống chánh trị – quyền lực ở Việt Nam, người ta không chỉ sợ cấp trên như ở các nước có chế độ chánh trị khác, mà đồng thời còn sợ cả cấp dưới và sợ bao nhiêu thứ không có tên gọi khác qua các cuộc “bình bầu thi đua”, “lấy ý kiến dân chủ”, “thực hiện dân chủ cơ sở”, “phê tự phê về lập trường quan điểm” và nhất là tại đại hội Đảng, đại hội các tổ chức đoàn thể chánh trị xã hội khác…, nhưng không sợ dân. Đó là đặc thù chỉ có ở Việt Nam, một căn bệnh mới phát và trở thành thành mạn tính: “Nói vậy mà không phải vậy”, như là một “nếp văn hóa”. Văn hóa méo mó!

Tôi sẽ ở ngôi nhà tôi cất này cho đến ngày kết thúc, vì tôi thích và cũng để con cháu tôi sau này biết kiến trúc của ông cha chúng tuy không hơn ai nhưng cũng là nét văn hóa miền sông nước; đồng thời nó cũng ghi kỷ niệm một thời mà những con người cũ như chúng tôi khi bước vào xã hội mới, sống không tính toán với nhau: Đầu tiên là chú Lộc, tài xế Huyện ủy Phú Tân, được tôi xin về công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy và cưới vợ cho ngay sau khi xong nhà, người ta rất kỵ nhà làm đám cưới cho người ngoài trước khi gả con mình. Kế đến em Dũng về ở và cũng cưới vợ xong mới ra riêng. Đặc biệt “Bố già” là chú Ba Cẩn người Bắc (Việt kiều ở Nam Vang) công tác cùng Ban Tuyên huấn năm xưa trong kháng chiến, nay về hưu, ở Long Xuyên tuy có nhà của vợ con nhưng bị hất hủi nên bỏ đi lang thang, tôi đem về nuôi trong nhà… Sau này, thêm nhiều em cháu bên vợ bên chồng tá túc học hành, lập nghiệp như em Sơn, Châu – Nghĩa… có hơn mười người. Tôi nhớ, ba má tôi xưa từng là như vậy, nên tôi thấy việc vợ chồng tôi làm cũng không phải là nghĩa cử gì to tát lắm, bình thường thôi. Vả lại, sống chung nhau cũng là nương tựa chớ không phải chỉ giúp đỡ một chiều. Nếu nghĩ rằng, giúp ai là “ban cho” thì sống chung sao được? Nhưng càng về sau, thấy xã hội “lộn xộn” không ai dám chứa ai, nhất là không dám cho nhập hộ khẩu vào nhà mình, không dám cho mượn đất cất nhà, cho dù là người thân, đủ biết ở xã hội ta đã và đang rạn vỡ niềm tin con người. Nhìn lại việc làm của mình như vừa qua, tự nhiên tôi thấy mình hạnh phúc!

Một thời đất nước loạn ly và xã hội mà ta từng cho là “đồi trụy” nhưng nhiều người còn tin nhau. Hồi ấy, bộ máy Chiến tranh tâm lý Sài Gòn có chủ trương “Đánh vào lòng người” vì họ thấy trong bụng người dân có hình ảnh “Ông Việt Cộng” trong đó! Còn ta bây giờ thấy gì trong bụng người dân? Tôi thấy có rất nhiều dấu Chấm hỏi (?) hoặc Chấm than (!). Thế giới bây giờ người ta làm cuộc Cách mạng Khoa học Công nghê lần IV, còn chúng ta nên làm Cách mạng lòng tin! Nhiều gia đình cách mạng mà tôi quen biết ở các đô thị lớn, có thể nói rõ địa chỉ, cả nhà họ tốt trước khi vào chiến khu, nhưng sau 20 năm họ sống nguyên vẹn trong tổ chức và nay hơn 40 năm, các thành viên trong gia đình ấy có mấy phần trăm còn được cái vốn ban đầu?

clip_image008

Từ trái qua: Em Dũng và Lộc – Mai sau đám Tuyên hôn Lộc tại nhà này.

Các nhà văn Nga là con chim báo bão, bắt đầu từ đại văn hào Mácxim Goócki, sau Cách mạng tháng Mười đã từng cảnh báo: “Mọi căn bệnh đã đem từ ngoài da vào trong”. Trong khi về tiếp quản Thánh địa Hòa Hảo ngày 3/5/1975 tôi chủ trương “Lấy ruột làm da” – tức “Lấy trong đem ra ngoài” để tăng thanh thế Cách mạng. Bây giờ nghiệm lại, theo tôi, cả hai “vào” hay “ra” đều là từ thế yếu, là “tình huống” “tình thế” cách mạng. Sự sụp đổ của Liên Xô, cho đến nay, không ai, kể cả Mỹ, Tây Âu và chính Đảng Cộng sản Nga cũng không hiểu vì sao. Anh Lê Hòa, nguyên cán bộ nghiên cứu Văn phòng Trung ương Đảng về hưu ở Sa Đéc kể tôi nghe câu chuyện hồi anh đi học ở Liên Xô những năm 1980, có một bà bác sĩ người Pháp sang Liên Xô nghiên cứu một thời gian rồi viết sách, có nhận xét gây tranh cãi vì dự đoán: Chế độ Xô Viết sẽ sụp đổ trong vòng mười năm tới! Lý do mà bà ta nói, các nước chi cho quốc phòng hơn 10% ngân sách một chút là quá cao rồi; còn đây, Liên Xô chi gần 40% (?), dân sẽ kiệt sức và sẽ nổi dậy! Nhưng theo số liệu từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) Liên Xô chi 35 %, Mỹ là 3.3-4.7%. Người thứ hai, qua lời kể của giáo sư Trần Quốc Vượng là giáo sư Từ Chi: Những năm 1960 ông được cử sang giảng dạy và nghiên cứu văn hóa giáo dục ở Guinée, trên đường về nước ghé ở Max-cơ-va chỉ năm ngày mà khi về Hà Nội ông nói với giáo sư Trần Quốc Vượng rằng Liên Xô không tránh khỏi sụp đổ. Một người về dinh dưỡng, một người về nhân văn ở ngoài Liên Xô nhưng đều có chung một lời “tiên tri” về sự sụp đổ của chế độ Xô-Viết là sao? Và chính những cái “không” vừa nói, là những “khoảng không” tạo ra chênh lệch áp suất không khí thành bão, xô ngã bức tường Bá-linh và cả hệ thống tường thành “bất khả xâm phạm” của hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa – Liên Xô – Đông Âu! Qui trình ra chánh sách đáng lý ra là phải từ cuộc sống rồi mới trở lại cuộc sống, đằng này ta cứ làm tắt: “Đưa đường lối chánh sách (từ phòng kín) vào cuộc sống” nên càng làm càng sai!

Sau Đại IV của tỉnh (1986-1990), anh Ba Đức về Phó Chủ tịch trực Ủy ban tỉnh; tôi thay anh làm công tác cán bộ. Nhờ lợi thế ấy, tôi thuộc hết đặc điểm lý lịch cán bộ kháng chiến và đội ngũ bí thư xã toàn tỉnh. Trao đổi với chú Sáu Hơn, ông trầm ngâm, rồi nói: “Đúng là tôi có ý định điều ông qua làm kinh tế, hồi tôi còn ở An Giang, nhưng nay, ông biết vấn đề tổ chức, nhất là cán bộ quá sâu rồi, thôi cứ tiếp tục ở đó giúp tôi, rồi tính sau”. Vậy mà, trước đó, tại cuộc họp Ban Thường vụ để chuẩn bị cho Đại hội tỉnh, vài đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy nói thẳng có mặt tôi rằng tôi không đủ tiêu chuẩn làm Tổ chức nên không làm thành viên Tiểu ban nhân sự! Cho tới giờ này, tôi không hiểu sao, ông Sáu Hơn từ khi tôi biết, nhất là sau giải phóng có dịp đi ra Hà Nội tháng 9/1975, luôn ở chung hoặc cạnh phòng nhau, ông chưa bao giờ gọi tôi bằng thằng, bằng chú (nhỏ) như thường thấy ở người khác, mà ông hay “gọi trống” Bảy Nhị hoặc bằng “ông”? Với một số anh lớn tuổi hơn tôi, ông cũng có cách xưng hô như vậy, tôi cho là phải, nhưng với tôi, tuổi đáng con cháu của ông thôi?

Ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tôi chỉ làm tham mưu được mấy việc: Bảo lãnh cho bác sĩ Châu Hữu Hầu, một trung úy biệt phái (như giáo viên biệt phái) làm Giám đốc Bệnh viện Tân Châu; một cán bộ ngành Thống kê ứng cử Hội đồng nhân dân tỉnh; kiến nghị Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Nhung hủy bỏ bản án oan sai của Tòa án tỉnh xử ép mất nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Nở có công Cách mạng – Huân Chương Kháng chiến hạng Nhất; và vụ án tàu LAST của Liên Xô mà có người muốn đem anh em ở Phú Tân, vì không biết mà mua phân u-rê lậu ra làm “vật tế thần”. Chỉ được có vậy mà tôi thấy không tủi hổ với anh em, đồng thời, tôi cũng rất biết ơn Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Nhung. Tôi cũng đã góp phần, kịp thời đề xuất chủ trương và trực tiếp tổ chức thực hiện chánh sách đền ơn đáp nghĩa với các gia đình liệt sĩ tiền bối trước và trong 1945, chánh sách chăm sóc sức khỏe cán bộ kháng chiến, cán bộ tù đày, lập Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ cho đối tượng ấy… mà sau này mới có chủ trương từ Trung ương. Trong số đề xuất, có đề xuất “phải là Đảng viên mới được đề bạt trưởng phòng”, mà lúc đó anh Ba Ca, anh Ba Đức rất thích và sau đó thành chủ trương chung, là điều tôi rất ân hận, vì không ngờ sự thoái hóa trong Đảng có thêm cơ hội phát triển, làm tăng động cơ vào Đảng để làm quan, làm giàu!

clip_image010

Anh Lư Đình bìa trái, đi dự Hội nghị Bảo vệ sức khỏe Trung ương lần đầu tại Nha Trang,

trên đường về, theo lời mời của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng, ngày 29-8-1985 ghé lại Đà Lạt thăm chơi.

Mười năm sau Giải phóng, ta quản lý đất nước đi vào ngõ cụt. Một thế hệ cán bộ kháng chiến trẻ, như tôi lúc bấy giờ, cũng đã qua tuổi 40 nhưng tương lai thì không biết ra sao. Tôi và nhiều đồng chí tâm huyết như anh Mười Trị, Năm Điền… cùng nhau nghĩ đến công lao nhân dân và cán bộ chiến sĩ một thời sắp bị quên lãng vì hiện tại u tối làm lu mờ truyền thống, nên sanh ra tiếc nuối. Tôi lúc này là Phó trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy, quyền hạn khác trước, nên đề xuất Thường vụ Tỉnh ủy cho ra tập “An Giang Kháng chiến”, ghi lại gương những người yêu nước một thời. Tôi hy vọng trong khi ta chưa làm ra được cái gì mới, tốt hơn đừng để mất cái đã có và đang còn, đó là gương những người yêu nước, nếu không ghi lại khi còn nhớ được để giữ gìn, e sẽ lạt phai, quên lãng. Tôi cũng tham gia viết bài, vận động người viết và người đọc. Số đầu tiên ra tháng 7.1986, đến số thứ 6 tháng 6.1988 thì ngưng vì không có kinh phí và vì những người tâm huyết về việc này lần lượt về hưu, còn tôi được chuyển qua làm Giám đốc Sở Nông nghiệp. Tội nghiệp, anh Mười Trị đưa cho tôi thơ của cô Sáu Tuyền, Giám đốc Công ty Phát hành sách than: “Chú Mười ơi! ‘An Giang kháng chiến’ bán ế, lỗ quá trời”. Chúng tôi đành bỏ dở công việc này trong tâm trạng buồn. Có người không hiểu, không buồn mà còn cho rằng làm như vậy là “Ăn mày dĩ vãng”, còn tôi sẽ sống với dĩ vãng suốt đời! Tôi giữ lại đủ sáu số đã phát hành như giữ kỷ vật cuối cùng kỷ niệm về công tác Xây dựng Đảng mà tôi đã gắn bó hơn nửa đời người, kể từ năm 1967 đến đầu năm 1988, có đến hơn 20 năm, mặc dù tôi từng bị “tai nạn nghề nghiệp” vì nhiệt tâm, chân thành xây dựng Đảng, nhưng không ân hận!

N.M.N

Comments are closed.