Cánh chim mùa đông

Truyện Trần Mộng Tú

Anita đứng rửa đĩa chén, cô vừa rửa vừa nhìn ra bên ngoài cửa sổ ngắm nghía con chim đang đậu xuống, bay lên, ở cái máng đựng thức ăn treo trên cành tùng. Sau trận tuyết tuần qua, hai hôm nay trời có nắng ấm, hai đứa con gái nhỏ của cô đòi mẹ treo cái máng thức ăn gọi chim trở về.

Con chim mới đẹp làm sao! Cả mình nó màu nâu nhạt nhưng phía dưới ngực nó lại có màu đỏ, trên cái đầu như một hòn bi lông nó lại có màu xám tro, cái mỏ nó cũng có màu đỏ, mình nó tròn như một quả trứng gà nhỏ. Nó mổ những hạt kê tung cả lên, rồi đập cánh tới tấp.

Anita nghĩ nếu nó đứng yên thì nó giống như một món đồ chơi, một con chim bằng nhựa cho trẻ con chơi mà thôi. Cô chỉ vừa cúi xuống tráng nước mấy cái đĩa, ngửng lên thấy nó bay vụt vào đám lá trên cao rồi biến mất, cô cố dõi mắt vào những tán lá rậm nhất tìm nó mà không thấy, nó mất tiêu đâu rồi. Bất giác cô so sánh với chồng mình.

Anh Jose, anh cũng lại mất tiêu rồi. Đây không phải là lần đầu tiên anh biến mất mà là lần thứ hai. Năm năm trước anh cũng bị gửi về nước khi bị bắt vì đập phá đánh nhau với bạn trong một quán rượu. Ba năm sau ngày đó, một tối anh lại xuất hiện trước cửa nhà. Cô không biết bằng cách nào mà anh chui qua được hàng rào biên giới vào Mỹ một lần nữa. Lần này khó có hy vọng anh trở lại được.

Anita sang Mỹ cả gần mười lăm năm. Cô là di dân bất hợp pháp từ khi mới mười tám tuổi. Ở quê nhà đói khổ quá, cha mẹ cô chấp thuận cho cô tìm đường qua biên giới, vào Mỹ. Cô đi tới lần thứ ba mới thoát và không bị bắt trả lại. Trong ba năm ở Mỹ, cô làm đủ mọi thứ nghề lao động, từ rửa chén nhà hàng, lao công ở siêu thị, nhặt dâu, cắt rau ở bất cứ nông trại nào, cô cần kiệm, gom góp được đủ mười ngàn Mỹ kim nộp cho một luật sư và cô đã có Thẻ xanh.

Jose nói:

-Em không nên yêu tôi, em nên kiếm người bản xứ để họ bao bọc em, em đã nói được tiếng Anh và em có nhan sắc mà.

Anita không trả lời, họ đi giữa hai luống dâu chín, nơi Jose đang làm việc. Công việc kiếm được lợi tức rất khiêm nhường không đủ cho Jose trang trải sinh sống cho mình, nói chi đến việc có vợ hay việc gửi tiền về giúp gia đình ở quê nhà. Anita ngắm cái gáy khỏe mạnh nâu sậm của Jose đang cúi xuống  nhổ một đám cỏ dại chen giữa những đám dâu, cô nhớ lại những ngày ở quê nhà khi cả hai còn rất trẻ, họ sống trong một khu lao động nghèo, quanh năm thiếu ăn thiếu mặc, quanh năm cha mẹ họ nghĩ đến việc đưa con sang bên kia hàng rào cản của nước Mỹ. Khi họ vừa lớn lên vừa biết yêu, cả hai cùng bỏ học, cùng làm những việc lao động ở trong khu xóm, cùng ôm mộng qua nước Mỹ. Nhiều lần chào nhau từ giã, rồi gặp nhau lại khi chuyến đi không thành, cả Jose và Anita vừa buồn vừa vui vì nếu một người đi được, một người rơi lại thì họ sẽ mất nhau.

Rồi một ngày Anita đã đi thoát, Jose vẫn kẹt lại. Người ở lại có nỗi buồn của kẻ ở lại, người đi có cái khổ của người đi, Anita lao đầu vào cuộc sống ở Mỹ, không có gia đình ở tuổi mười tám, cô làm đủ mọi thứ việc lúc mới sang. Chăm chỉ và cộng thêm may mắn, Anita cuối cùng xin được việc dọn dẹp vệ sinh trong một nhà hàng ăn khá lớn của Mễ. Cô vừa gửi tiền về quê giúp ra đình vừa dành dụm trong ba năm thu đủ mười ngàn Mỹ Kim đưa cho luật sư để đổi lấy tấm thẻ lưu trú hợp pháp (Green Card).

Jose cũng tìm được cô, sau bảy năm. Trễ thật, nhưng không quá trễ. Anita vẫn còn yêu anh.

Và họ dọn vào ở với nhau. Anita chờ ngày vào quốc tịch, Jose vẫn cư ngụ bất hợp pháp, đi nhặt dâu một thời gian, anh đi cắt cỏ theo mấy người bạn tới Mỹ trước. Họ là chủ, họ trả lương ngày bằng tiền mặt cho anh. Anh chăm chỉ nhưng lại hay uống bia và mặc cảm làm công cho bạn nên dễ gây chuyện. Anita đã cảnh báo anh là nên nhẫn nhục, chịu khó và cố sao cho được Green Card để hợp pháp. Anita sanh cho anh hai đứa con gái, một đứa đã lên năm, một đứa lên bảy mà Jose vẫn chưa có giấy tờ hợp pháp. Anh đã bị lôi thôi với pháp luật và bị trả về nước, rồi sau ba năm anh lại tìm cách vượt rào. Nhưng lần bị bắt trả lại này thì Anita chắc khó lòng mà gặp lại được chồng.

Cô nghĩ đến anh, những kỷ niệm thời thơ dại, nghĩ đến tình yêu của hai người rất nghèo nhưng cùng một khu xóm, một quê hương.

Cô nhớ hồi mới gặp lại nhau, anh đã khuyên cô không nên lấy anh, cô nên lấy một người đã có sự nghiệp có nhà cửa, và cô đã nói với anh:

-Chúng mình đã có bao nhiêu kỷ niệm với nhau, dù em bỏ đi nhưng em yêu quê hương của mình. Anh chính là quê hương của em, quê hương nghèo khổ của em.

Jose bây giờ là một cánh chim mùa đông, không tìm lại được mùa xuân nữa, anh đã bị bắt vào một cái chuồng và thả lại ở bên kia hàng rào cản. Hai đứa con của anh có quốc tịch Mỹ nhưng liệu khi trưởng thành chúng có bảo lãnh được cho anh hay không? Cuộc sống ở đây thay đổi không ngừng, tương lai mù mịt quá, Anita không muốn nghĩ tới nữa. Bây giờ cô một mình đi làm, nuôi hai đứa con, gửi tiền về cho gia đình (Chẳng phải đó là mục đích của cha mẹ khi tìm cách cho cô đi hay sao?) Bây giờ cô lại còn phải gửi cả cho cha của hai đứa con cô nữa. Anh là quê hương của cô mà.

Con chim mùa đông bay mất tiêu rồi, chỉ có một mình Anita ngơ ngác đứng nhìn hoài vào khóm tùng bên ngoài cửa sổ.

3/3/2019

Comments are closed.