Kẻ lạ

Truyện Khuất Đẩu

clip_image002

1.

Bỏ chiếc khung xe đạp chưa sơn xuống thềm nhà, anh ôm con búp bê bằng nhựa, ngồi chờ. Đây là con búp bê anh mua được với một cái giá gần như cho không trên đường phố Sài Gòn sau ngày Miền Nam giải phóng. Đương nhiên nó không đẹp như búp bê của Nga, nhưng vẫn đẹp hơn những búp bê bằng gỗ hay đất sét ở Hà Nội. Chân tay nó hồng hào, mũm mĩm, mà mắt lại biết nhắm biết mở nữa. Để nằm là nó ngủ, để ngồi là nó thức. Nhất định con gái anh sẽ reo lên, bố ơi, bố ơi, con yêu bố lắm.

Và vợ anh, chắc chị sẽ ôm lấy anh mừng mừng tủi tủi. Chị sẽ khóc, khóc nghẹn ngào vì mừng vui chứ không phải vì lo sợ, như năm năm trước khi tiễn anh lên đường đi B.

Năm ấy, người ta đã không cho chị khóc. Trong buổi liên hoan, chị phải tươi cười, phải hát hò, phải hô khẩu hiệu để động viên anh. Nhưng khi về đến nhà, chị đã rũ xuống như một cọng rau héo. Có bao nhiêu nước mắt là chị để nó tuôn ra hết bấy nhiêu. Cả anh cũng vậy, khóc mùi mẫn, khóc dầm dề, khóc gần như suốt đêm.

Mãi đến khi đã đeo ba lô lên vai, hai người mới nhận ra rằng, sao ngu dữ vậy, sao cứ khóc lóc than thở hoài mà không yêu nhau đi.

Thế là, cũng trên thềm nhà này, chính chỗ anh đang ngồi này, anh vật chị và chị cũng vật anh, nên cả hai cùng ngã xuống một lúc để cho những thứ cần có nhau tự tìm đến nhau. Những thứ đó không thèm dỗ dành, không cần an ủi, cũng không hứa hẹn, cứ trần trụi xông thẳng vào nhau, hùng hục cắn xé như ăn tươi nuốt sống lẫn nhau, khiến cả anh và chị cùng quằn quại, rên siết một cách hả hê đến nỗi người hàng xóm thức giấc chỉa miệng sang: “Định giết nhau đấy à?!”.

Chính lần “yêu” tưởng chừng đã chạm đến gót chân của cái chết ấy mà trong những trận đánh khốc liệt nhất, anh đã sống sót một cách thần kỳ. Và cả trong những cơn sốt rét rừng bải hoải, trong những lần bị thương thịt da thối rữa dòi bò lổm ngổm, anh cũng vượt qua khi nhớ tới tiếng kêu đắm đuối “Em chết mất anh ơi”!

Rồi chốc nữa đây, chỉ nghĩ tới thôi đã thấy sướng ran, thì hãy cứ để mặc cho con bé chơi với con búp bê nhắm mắt mở mắt, cả hai sẽ lén đưa nhau vào buồng, sẽ không dữ dội điên cuồng như buổi sáng hôm ấy, nhưng nhất định không có cuộc ăn mừng hòa bình nào thắm thiết và no say bằng.

2.

Anh chưa hút xong điếu thuốc thì chị dẫn con gái đi vào sân gạch. Ôi, đúng là con bé xinh đẹp và dễ thương làm sao! Nó xúng xính đi cạnh mẹ, miệng lí nhí hỏi nói gì kia, chắc là hỏi có phải bố về rồi, phải không mẹ? A, dường như nó đang chạy tới bên anh. Và anh rướn người lên để dang tay ra, đón bé.

Nhưng không, nó bấu chặt lấy ống quần của mẹ, rồi giấu mặt vào đó.

Nó sợ! Đúng rồi, nó chưa gặp anh lần nào, sợ là phải.

Nhưng mẹ nó, sao lại nhìn anh với cái nhìn lạnh lẽo, khó chịu như nhìn một người lạ.

Anh đang lúng túng, chưa kịp thốt lên hai tiếng “Chào em”, thì đã nghe đau nhói vì những tiếng nói khô lạnh, như đá sỏi ném xuống cái mặt hồ đang nổi sóng của lòng anh.

“Ông gì kia, sao lại ngồi trước hiên nhà tôi?”.

Anh ú ớ: Tôi là… là… là sao vậy trời? Anh thoáng nghĩ, vợ mình đây sao, người mà mình thường nghĩ tới cứ như Phật như tiên, sao lại có bộ mặt mắt xanh nanh vàng của một bà chằn ?! Chắc là đùa đấy thôi, phải không nào, cũng có thể là làm mặt lạnh chứ giữa ban ngày ban mặt mà mình đè ra thì xấu hổ chết!

Nghĩ thế, anh lấy lại bình tĩnh, nói như vuốt ve, dỗ dành:

“Thôi mà em, đừng trêu anh nữa, anh đây mà!”.

“ Ông là ai mà dám xưng hô anh em với tôi?”.

Thế này thì không phải là đùa dai nữa rồi! Anh điên tiết phun ra:

“Là chồng cô, rõ chưa?”.

Chị cũng không vừa, nói như tạt cả một thau nước vào mặt.

“Đồ điên! Bước ra ngay khỏi nhà tôi!”.

Như thế này thì trời đất đảo điên hết rồi! Anh phanh ngực ra, gào to:

“Cô dám đuổi tôi đấy à? Đây là nhà tôi, nếu cô không còn muốn nhận tôi làm chồng thì cứ việc cút xéo đi, nhưng kia là con tôi, con gái tôi”.

Anh lao xuống thềm, giằng lấy đứa bé. Cả hai đều cố sức kéo về mình khiến đứa bé dài ngoằng ra, ngất lên ặc ặc như sắp đứt làm đôi.

Thấy vậy, người hàng xóm bước qua can ngăn. Rồi cả xóm cùng kéo tới chở che cho đứa bé. Anh phân bua:

“Làng nước có thấy lạ lùng chưa? Tôi sinh ra ở làng này, là thằng Trần Mạnh T. này, thế mà ma xui quỷ ám khiến con mụ này bảo tôi không phải là chồng, con bé này không phải con tôi. Nhà này là của cha mẹ tôi chết đi để lại cho tôi, mà dám bảo tôi không phải chủ nhà, đòi đuổi tôi ra, thế là thế nào, thưa bà con làng nước?!”.

Tuôn ra cả một hơi dài những người thật việc thật tưởng sẽ được nghe mọi người cùng kêu lên: Thì đúng là ông chứ còn ai vào đây nữa, không ngờ những người đứng vây quanh đều im lặng, không một ai nói ra lời nào.

Anh lại gào lên hoang dại: Không phải tôi là chủ nhà này sao? Tôi đã chết đâu, tôi là người thật đây mà, tôi bị thương cùng mình nhưng vẫn sống để về với vợ con, tôi đâu phải là ma hiện hồn về, phải không?

Đúng lúc ấy, một người đàn ông rẽ vào. Ông ta quát:

“Mày là thằng chó nào mà dám bảo là chủ nhà này?”.

Một tay ông thộp ngực, một tay ông co lại thành nắm đấm dí sát vào mặt anh. Mặc dù vậy, anh vẫn thoát ra được và gằn giọng:

“Tao cũng muốn hỏi mày là thằng nào mà đến đây cướp nhà, cướp vợ con tao?”.

Lúc này ông hàng xóm mới lên tiếng:

“Thôi tôi xin. Dù gì, hai đồng chí cũng là bộ đội phục viên. Đồng chí Trần Mạnh T. này (chỉ người đàn ông), thì đúng là người của làng này, ở sát cạnh nhà tôi, trước khi vào Nam còn qua chào tôi thì không thể là ai khác được. Nhưng đồng chí gì đây, chắc cũng có điều chi ẩn ức, hoặc là bị chất độc khai quang của Mỹ nó làm cho đầu óc không còn sáng suốt nữa, nên mới có thể nhận lầm quê quán vợ con người khác là của mình. Tôi đề nghị hãy đem nhau ra đồn công an để làm sáng tỏ mọi việc chứ không nên hầm hầm muốn giết nhau như thế này.

3.

Tại đồn, trưởng công an nói:

“Đồng chí Trần Mạnh T. cấp bực thượng úy, tình nguyện đi B ngày… tháng, tham dự hơn mười trận đánh, trong đó có trận tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, bốn lần bị thương, được trao huy chương chiến công hạng ba, huy chương anh hùng diệt Mỹ, ngày… tháng… phục viên, được tái nhập hộ khẩu, nhận sổ mua gạo… ”.

“Đó là lý lịch của tôi, anh nói, tuy chưa được nhập hộ khẩu và nhận sổ gạo vì người lạ mặt này (chỉ người đàn ông), đã nhận vơ là tôi, chiếm đoạt tất cả”.

“Tôi không nhận vơ, rõ ràng tôi là con dân của làng này, là thừa kế của dòng họ Trần nhà tôi, là chồng của Nguyễn thị Y. vợ tôi, là cha của con gái tôi tên là Trần thị Tiểu Quyên, yêu cầu đồng chí công an, căn cứ vào hồ sơ lý lịch, giải quyết việc này một cách mau chóng, trả lại danh dự cho tôi. Đồng thời tôi cũng đề nghị điều tra làm rõ âm mưu đen tối của tên Mỹ ngụy CIA này đội lốt bộ đội ta, trước mắt làm tan rã gia đình tôi, sau đó là lót ổ cho đế quốc Mỹ trở lại lần nữa để đánh chiếm nước ta”.

“Tôi còn muốn yêu cầu nhiều hơn nữa, anh nói. Phải đối chiếu chỉ tay và thử ADN của bố và con”.

Sự việc có hai người cùng một lý lịch, cùng một màu tóc, cùng một màu mắt tranh nhau nhà cửa vợ con quả thực chưa hề xảy ra ở làng này. Chỉ có một người biết rõ ai là thật ai là giả, chính là người mẹ. Chỉ cần nghe tiếng bước chân thôi cũng đã biết ai là con của bà, nhưng tiếc thay bà mất rồi. Rối mù như thế nên công an thôn không giải quyết được phải đưa lên các cấp cao hơn.

Trong quá trình điều tra, đồng đội và các cấp chỉ huy đều xác nhận người mà tác giả đang kể chuyện, chính là Trần Mạnh T. Trong khi tại cơ sở, chính quyền và dân làng, nhất là vợ anh, lại khẳng định người đàn ông mà anh tin là ma quỷ đó, thực sự là chồng của mình.

Nhiêu đó đủ điên cái đầu rồi, mà chỉ tay hai người lại giống nhau, ADN cũng phù hợp với ADN của con gái!

Vụ án vì thế thật khó để tuyên bố ai là thật ai là giả. Dẫu có kiện lên tận trung ương, đảng cũng bó tay mà thôi. Hồ sơ đành phải xếp lại, Người ta không làm tội anh, nhưng cũng không thừa nhận anh.

Từ đó, anh không nhà cửa, không vợ con, không hộ khẩu, không sổ gạo, sống lang thang vất vưởng như hồn ma bóng quế.

Anh không tài nào hiểu được, bằng phù phép ma thuật nào mà một thằng lưu manh như hắn có thể làm mờ mắt cả làng nước, và vợ anh, người đã chia xương xẻ thịt cho nhau đến nỗi tưởng không còn gì để cho nhau hơn được nữa, lại có thể nhận hắn làm chồng!

Sau này, trên những dặm dài lưu lạc, bới rác kiếm thức ăn, ngủ dưới gậm cầu, anh cũng đã gặp chục hàng trăm, những người đàn ông đi xa một hôm trở về, bỗng thấy trong nhà mình có một kẻ lạ huơ lạ hoắc mà vợ mình lại âu yếm gọi là chồng, con mình lễ phép thưa là cha.

Và cũng không ít những người vợ mất chồng theo cách có một con mẹ nào đó ngang nhiên chui vào giường, làm cái chuyện ấy miên man, rồi má má con con với lũ con mình ngọt xớt.

Phải rất rất nhiều năm sau nữa, anh mới hiểu được rằng đây là thời của lú, của mê, thời của bọn lộn sòng lộng giả thành chân. Một thời mà ngay cả nước cũng có thể mất, khi kẻ lạ cứ ngang nhiên nhảy vào làm vua, thì chuyện anh mất cả nhà cửa, mất cả vợ con chỉ là chuyện nhỏ…

Thôi thì, hãy ráng tìm một chị mất chồng nào đó mà làm lại cuộc đời. Một khi cả hai đều đã bầm dập tới nơi thì chắc chẳng còn thằng cha con mẹ nào thèm cướp nữa…

20/12/2018

Comments are closed.