Nguyễn Thị Kim Thoa
Âm thanh và tiếng hát quanh tôi
Âm thanh trong trẻo, líu lo của những chú chim sâu hót trên khóm lựu bên ngoài cửa sổ mỗi sáng đẹp trời đánh thức tôi dậy dù tôi còn muốn nằm nướng thêm năm, mười phút. Những chú chim nho nhỏ, những điệu nhạc vui vui, những buổi mai lòng bừng sáng.
Tiếng bầy sẻ ríu ra ríu rít gọi nhau, đùa giỡn, tán tỉnh dưới mái ngói, thoạt nghe hơi khó chịu vì làm tôi mất ngủ, nhưng cũng có lúc thấy hay hay vì những nốt nhạc lúc cao đỉnh núi, lúc trầm đáy sông đã đưa tôi vào giấc ngủ mỏng mảnh những trưa hè oai bức.
Tiếng con cu gáy: cúc cù cu… cúc cù cu… trên ngọn những cây dừa sau vườn nhà mỗi trưa, mỗi chiều, điệu nhạc đều đều, êm ả, thân thương như thầm nhắc nhở đây là nhà… đây là nhà… làm sao tôi không nhớ, làm sao tôi không luyến lưu dù có đi xa ngàn vạn dặm.
Tiếng con chào mào: chót màu, chót màu, chút màu, chút màu… tiếng reo ba bốn nốt liền nhau, không phải của một con mà của cả bầy năm, bảy con với cái mũ nhọn hoắt màu nâu trên đầu, chùm lông đỏ phía dưới đuôi, chúng chuyền từ cành nọ sang cành kia trên những cây mai, cây đào trước sân vào một sớm mùa xuân, chúng bắt sâu, chúng ca hát làm tôi vui lây, một niềm vui không rõ nguyên cớ, một niềm vui khi đất trời nở hoa khiến tôi thấy yêu đời.
Tiếng con bìm bịp nơi bến sông: bìm bịp, bìm bịp… kéo dài lưa thưa mỗi chiều mưa nghe rất thê thiết. Ở Huế loài chim này ít xuất hiện, nhưng trong khu vườn rậm rạp nhà tôi, nhất là từ sau khi cha tôi qua đời và khi ông cậu Mới vào chùa, tiếng chim bìm bịp vào chiều mưa nghe nhiều hơn. Mẹ tôi buồn nói: vườn âm u không người trông coi, rắn rít về, kéo theo chim bìm bịp. Bìm bịp, bìm bịp… b…ì…m b…ị…p, nhiều lần tôi đã khóc vì nhớ cha, nhớ ông cậu Mới.
Thỉnh thoảng có vài con chim khách, đó là những con chim có lông màu xám bóng, cái đuôi dài chẻ hai, có con đen xám toàn thân, có con có hai vệt trắng hoặc vàng cuối đôi cánh, buổi trưa, hay xế chiều bay đậu ở cây thanh trà hay cây vải trạng trước sân, chúng kêu “khoách quệt, khoách quệt” âm thanh rất lạ và vui tai. Âm khoách rất cao và âm quệt rất thấp, mỗi lần như vậy cha mẹ tôi thường nói là sẽ có khách. Và đúng như vậy, ngày hôm sau nhà tôi có khách, các vị khách thường là các bà bán trầm, mật ong, dầu phụng cho mẹ tôi. Âm thanh “khoách quyệt, khoách quyệt” lâu lắm rồi tôi không còn được nghe.
Những năm sau chiến tranh (1977 – 1980) tưởng chừng chiến tranh đã kết thúc, nhưng không phải thế, chiến tranh vẫn tiếp tục và dữ dội hơn ở phía Tây Nam và phía Bắc đất nước. Lên Ban Mê Thuột làm việc, mỗi đêm trực đi trên những hành lan đèn vàng mờ ảo, tiếng cú rúc: cù rút…cù rút… cù rút… kéo dài thê lương.
Bệnh viện nơi tôi đang làm việc nằm trong một thung lũng nhỏ bốn bên là những ngọn đồi thấp cây cối âm u, thung lũng bao trùm chết chóc đau thương: “…Thung lũng đen rồi thung lũng sâu/ cú rúc dài cú rúc rất lâu/ trên thây người cỏ mọc/ nhưng kẻ khác vô tình/ chồng lên chồng lên mãi/ mắt mẹ buồn thêm sâu…”. (Quê Nhà – Chu Sơn)
***
Mưa về sớm mai, mưa qua chiều muộn, mưa đến đêm khuya, mưa thánh thót, mưa tí tách, mưa long tong, mưa lộp độp, mưa bay bay, mưa xối xả, mưa như trút nước… Tiếng mưa rơi đã làm nên không biết bao nhiêu bài thơ, bản nhạc đi vào lòng người và trở thành gia tài văn chương chữ nghĩa của nhân loại.
Lần đầu anh đưa em về trong đêm hẹn hò làm quen, cuống quít, dạt dào trong tiếng mưa rơi đều đều trên hàng cây muối, tiếng long tong, tí tách trên chiếc dù che chung quả là những nốt nhạc đời yêu thương, ấm áp: “…Giọt mưa trên lá bối rối, bồi hồi /Ráo riết, miệt mài/ Em biết yêu lần cuối/ Giọt mưa trên lá bỡ ngỡ, xôn xao/ Cuống quít, dạt dào/ Em biết yêu lần đầu…” (Giọt mưa trên lá – thơ Thích Nhất Hạnh, nhạc Phạm Duy).
Đêm khuya trở giấc, ngoài trời mưa tầm tả, tiếng mưa xối xả bên mái hiên, bản tin cuối ngày trên truyền hình về lũ quét Trà Leng, thương cảm lẫn oán hờn trổi dậy, tiếng mưa xé lòng, tôi bật khóc, tại sao? tại sao? “…Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh/ Lặng lội qua muôn lối quanh/ Gập ghềnh đường đi tối tăm/ Nghe trẻ thơ thức giấc bồi hồi… (Kiếp nghèo – Lam Phương)
Chiều chiều ngồi bên cửa sổ, nhìn từng giọt mưa rơi trên những tàu lá chuối, tiếng mưa rơi đều đều, lòng tôi lại nao nao, thương nhớ vẩn vơ… “Ngoài hiên giọt mưa thu/ Thánh thót rơi/ Trời lắng u buồn/ Mây hắt hiu ngừng trôi/ Nghe gió thoảng mơ hồ/ Trong mưa thu/ Ai khóc ai than hờ...” (Giọt mưa thu – Đặng Thế Phong).
***
Buổi sáng thức giấc, sương giăng mờ trước ngõ, hơi lạnh ùa về, trời se se lạnh, tiếng gió lướt nhè nhẹ trên hoa lá cây cành. Những sớm chớm thu: “Tôi nghe con gió đi trên lá/ Nghe mẹ trở mình quàng lại khăn/ Bao năm gió mãi phiêu bồng gió/Dáng chị gầy hao bóng in tường…” (Nguyễn Thị Kim Thoa – Đông Về)
Lắng nghe gió đi, gió lách qua kẽ lá, gió thổi qua hàng hiên, gió lay lay rèm cửa. Âm thanh nhẹ như bước đi của cô gái ngày xửa ngày xưa: “Thoảng nghe tiếng hài của em/ Tiếng hài của em, tiếng hài của em/ Như sương lắng động, lắng động trên thềm/ Trên thềm ngõ sau, ngõ sau…” (Gọi em là đóa hoa sầu – thơ Phạm Thiên Thư – nhạc Phạm Duy).
Có ai từng ngồi nghe gió vi vu? Có ai đã từng thả hồn theo gió ? Có lẽ tất cả chúng ta đã từng nghe gió thổi, từng nghe gió gào, từng được gió mơn trớn và có lẽ cũng có rất nhiều người đã mơ màng thả hồn theo gió: “Gió là tên em ngày còn thơ dại/ Mây là tên nàng cô gái rừng Phong” (Lê Tuyên).
Gió và mây trong bài Tương Tư của Nguyên Sa: “…Có phải em mang trên áo bay/ hai phần gió thổi, một phần mây/ hay là em gói mây trong áo/ rồi thở cho làn áo trắng bay…”, “…Hay từng hơi thở là âm nhạc/ Đàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương…”
Nửa đêm thức giấc, nghe tiếng gió khua lá khô ngoài sân, thổn thức nhớ đến nỗi lòng của người đợi chờ: ‘Tiếng lá thu rơi ngoài hiên/ Tôi ngỡ bước chân anh/ Quay về quên sầu thương…” (Lá úa chiều thu- Huỳnh Anh). Hay “Đêm buồn về nào ai đó nào ai đó/Thế ra là bàn chân gió cuốn lá khô…” (Đêm Buồn – Hoàng Thi Thơ).
Khi gió rú, khi gió gào thét, gió trên rừng, gió ngoài biển khơi: “…Khi gió rú lên bay vừng tóc rối/ mắt hoang sơ theo dấu vạc xa về/ hồn cũng muốn tung cao cùng khói nhạt/ một chút tình lên mấy dặm sơn khê… (Rừng – Chu Sơn)
Gió reo, gió đùa, gió lướt, gió gầm, gió gào, gió thét, gió là nguồn thơ cảm, là mối lo âu sợ hãi của muôn loài.
***
Mỗi sáng mai thức giấc trong tiếng mõ, tiếng cầu kinh của mẹ: “Đệ tử chúng con từ vô thỉ/ Gây bao tội ác bởi lầm mê/ Đắm trong sinh tử đã bao lần…”. Mỗi khuya đi vào giấc ngủ cũng trong tiếng mõ, tiếng chuông của mẹ: “Ma ha Bát Nhã Ba La Mật Đa tâm kinh/ Quán tự tại bồ tát/ Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa/ Thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không…”
Tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng kinh cầu đi vào tâm khảm tôi từ tấm bé. Một lần trong ngày kỵ ông nội, chợt thức giấc lúc gần sáng, trong bầu không khí tĩnh lặng của đêm khuya, trong khói hương trầm thoảng nhẹ, tôi nghe tiếng chuông tiếng mõ và những lời tụng lên bổng xuống trầm của vị sư già quyện vào nhau làm nên một hợp âm kỳ lạ, một lời tự sự nhỏ nhẹ, thanh thoát, thiêng liêng, nó thấm đến tầng sâu tâm thức của tôi, nó lưu giữ mãi cho đến hôm nay. Tôi yêu tiếng mõ, tiếng chuông, lời kinh cầu từ ngày ấy.
Tiếng hát Hà Thanh với bài Thích Ca Mâu Ni Phật của Thẩm Oánh mà tôi được nghe từ tấm bé: “…Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật/ Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật/ Xin Ngài ban phước lành cho Từ Bi cao đầy ước mơ/ Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật/ Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật/ Người vớt tâm hồn đầy buồn thương/ Ban ngàn phước cho trần gian…” lại về và tôi khe khẽ hát để trấn an mình mỗi khi buồn đau lo sợ.
***
Tiếng chim hót, tiếng mưa rơi, tiếng gió thổi, tiếng cầu kinh và còn bao nhiêu âm thanh chung quanh đã cho tôi những cảm nhận, dẫn dắt tôi đi vào thế giới âm nhạc, thơ ca.
Giai điệu, lời ca mà đứa trẻ nghe đầu tiên trong đời là lời ru của mẹ. Những câu ca dao mẹ đưa tôi vào giấc ngủ tuổi ấu thơ, tôi ru con tôi ngủ cũng bằng những điệu ru man mác buồn vui, sầu nhớ, suy tư đó: “Con chim phượng hoàng bay ngang hòn núi bạc/ Con cá ngư ông móng nước ngoài khơi/ Gặp nhau đây xin phân tỏ đôi lời/ Kẻo mai kia con cá về sông vịnh/ Con chim nọ đổi dời về non xanh”, hoặc “Ngó lên Hòn Kẽm Ðá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi/ Thương cha nhớ mẹ thì về/ Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng”.
Điệu ru đầu câu à… ơ…, cuối câu đưa giọng kéo dài à… ơ… Những tiếng ru à …ơ, à… ơ, nối tiếp đời này qua đời khác cho đến ngày nay hình như đã thất truyền. Điệu hò ru em đã đi vào quá vãng rồi chăng?
Lên bảy, tám tuổi tôi theo cha đi nghe ca Huế. Tôi rất thích những buổi nghe cô Minh Mẫn ca trong vườn nhà cụ Ưng Bình: “Gió vầm vập mưa lưng chừng nơi bể Bắc/ Hạt mưa rơi tinh tang tích tắc rỉ rắc trước hàng hiên/ Muốn lơ đi mà ngủ, e sợ ngủ không yên/ Sợ mai kia mưa già nước ngập không biết dựa con thuyền vào đâu”. Tiếng ca trong vắt, cao vút, uyển chuyển, láy đi láy lại, ngân nga vừa khoang thai vừa mềm mại đã cuốn hút tôi. Cũng đôi lúc cô Minh Mẫn hò mái đẩy với nhịp diệu ngắn hơn, nhanh hơn, mạnh hơn nhưng rất mượt mà: “Gió thổi pho pho đưa đò lên Huế/ Trăng non Đoài vội xế Ba Vinh/ Gặp nhau đây giữa ngã ba Sình/ Có ai vô kết nghĩa chung tình ngàn năm?
Sau này lớn lên tôi mới hiểu vì sao gọi là hò mái nhì, hò mái đẩy. Điệu hò mái nhì xuất phát từ đò dọc chèo trên dòng Hương. Hò mái nhì là hò nhịp hai, ăn khớp với tay chèo đưa tới đưa lui hai nhịp. Do vậy mà giọng hò khoang thai, chậm rãi, trải dài, nghe êm ái mà có sức lan tỏa đi xa. Hò mái đẩy xuất phát từ cửa sông Bồ, phá Tam Giang, giọng hò giống hò mái nhì nhưng mạnh mẽ, ngắn hơn để đẩy thuyền đi ngược nước.
Tuổi ấu thơ của tôi còn gắn liền với tiếng hát của cha. Trong khu vườn rộng, xanh nghít cây trái, lá hoa, cha cõng tôi trên lưng chỉ cho tôi những trái chín, những tổ chim mới nở. Có bữa vui vui cha vừa cõng vừa hát vừa nhảy những bản nhạc khi thì du dương: “Chiều ơi lúc chiều về rợp bóng nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi ơi chiều…” hoặc những giai điệu hùng tráng: “… An Phú Đông ôi An Phú Đông muôn đời uy danh núi sông…” Những vũ khúc lạ lẫm không giống ai, những lời ca nho nhỏ vừa đủ hai cha con nghe ngày nào âm vang mãi trong tôi.
Những đêm trăng, trong sân nhà với chiếc đàn mandolin cha con chúng tôi cùng hát những bài ca vui nhộn của hướng đạo sinh: “Anh em ta về cùng nhau ta sum họp này năm bốn ba hai một…”, “Trong đêm thâu quanh ánh lửa hồng, dưới ngàn cây xanh lá. Anh em ta quây quần chốn này cất cao muôn lời ca...”
Vào những năm 1956 – 1958 ở làng tôi, những đêm trăng tỏ có hai cha con người mù đi hát dạo. Hai cha con người hát dạo dùng đôi sênh tiền gõ “lanh canh, lon con” báo hiệu ngoài đường làng. Họ thường được cha tôi mời vào hát cho chúng tôi nghe. Có hôm, họ hát bài Quê Mẹ của nhạc sĩ Thu Hồ: “Đêm khuya trăng mơ mắt trông về nơi cõi xa mờ/ Nơi xa xăm kia tôi say nhìn quê cũ dấu yêu/ Ôi tình quê hương nơi chốn xưa có người mẹ hiền/ Tóc màu hoa bạc chiều chiều mắt ngấn lệ vì con…” Giọng ca réo rắt, lâm ly đã làm tôi khóc, và cha phải dỗ dành tôi rằng: chỉ là một bài hát.
Lớn lên tôi mê nghe hát. Tôi say sưa sưu tầm những bản nhạc của nhiều tác giả do nhà xuất bản Tinh Hoa in ấn. Lúc học bài, lúc làm bài tập tôi luôn mở đài FM của chiếc đài bán dẫn nhỏ nghe bất cứ làn diệu nào.
Thời tiểu học tôi chỉ nghe hát qua chiếc máy phát thanh Phillip của cha tôi mỗi chiều thứ bảy hay chủ nhật khi có chương trình thiếu nhi của đài phát thanh Sài Gòn hay Huế: “Ai bảo chăn trâu là khổ/ Ϲhăn trâu sướng lắm chứ/ Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau/ Và miệng hát nghêu ngao...” (Em bé quê – Phạm Duy), “Dòng sông Hát nước xanh mờ sâu/ Êm đềm trôi về đến nơi đâu?/ Sóng đưa lăn tăn con thuyền ai xuôi/Theo gió khơi tiếng ca âm thầm trầm rơi… (Ngày Xưa – Hoàng Phú)…
Ở trường học cô giáo là người tập hát, dạy múa cho chúng tôi. Trong năm năm học tiểu học tôi có một nhận xét là các cô giáo của tôi đều hát hay, múa đẹp. Chính các cô đã làm cho chúng tôi yêu thích ca hát. Rất nhiều bài hát về lịch sử đã được cô giáo dạy, và nhiều vở hoạt kịch, múa cũng do các cô dàn dựng: “Bạch Đằng giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, giống Lạc Hồng, Nam Bắc Trung… (Bạch Đằng Giang – Lưu Hữu Phước), “ Trưng Nữ Vương lau phấn son mưu thù nhà/ Mài gươm ta ca toàn thắng hùng ca/ Thu về giang sơn cho lừng danh gái Nam/ Bầu trời Á sáng ngời ánh quang…”( Trưng Nữ Vương – Thẩm Oánh).
Thời trung học tôi nghe nhạc Việt qua đài phát thanh. Những giọng ca được ưa thích là Thanh Thúy, Lệ Thanh, Thái Thanh, Hà Thanh, Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao, Duy Khánh, Anh Ngọc, Duy Trác, đôi song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết…Ngày ấy đài phát thanh Huế có một giọng ca hát khá hay là Thanh Vỹ, về sau không còn nghe nữa, nghe đâu anh ấy đã chết trong Tết Mậu Thân.
Những tác giả mà chúng tôi hay nghe là Phạm Duy, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Văn Đông…
Thời kỳ này thỉnh thoảng chúng tôi tụ nhau tại nhà bạn Hoài để cùng nhau nghe nhạc nước ngoài. Hoài là bạn học với tôi 7 năm trung học Đồng Khánh và 8 năm đại học Y, ra trường cùng lên làm việc tại Ban Mê Thuột, Hoài làm ở Viện Vệ sinh dịch tể được một năm, buồn quá Hoài vượt biên.
Nhà bạn có chiếc máy Pickup nghe đĩa than. Những bản nhạc Pháp: “Le temps de l’amour”, “Le Premier bonheur du jour”, “Fleur de lune”… qua giọng ca Françoise Hardy. “Allmer le feu”, “Quelque chose de tennesse”, “Que je t’aime” do Johny Hallyday hát. “La Maritaza”, “En écoutant la pluie”, “Tous mes copains” do Sylvie Vartan trình bày. Có lẽ bài hát tiếng Pháp mà chúng tôi yêu thích và chép tặng nhau nhiều nhất là bài “Paroles, Paroles” do Dalida hát:
“C’est étrange, je ne sais pas ce qui m’arrive ce soir/ Je te regarde comme pour la première fois/ Encore des mots toujours des mots, les mêmes mots/ Je ne sais plus comment te dire/ Rien que des mots/ Mais tu es cette belle histoire d’amour que je ne cesserai jamais de lire… Caramels, bonbons et chocolats/ Par moments, je ne te comprends pas/ Merci, pas pour moi mais tu peux bien les offrir à une autre/ Qui aime le vent et le parfum des roses/ Moi les mots tendres enrobés de…”
Đặc biệt chúng tôi rất ái mộ những bài ca của ban The Beatles: “Imagine” là bài ca cả bọn ưa thích và tập hát cùng nhau:
“Imagine there’s no heaven/ It’s easy if you try/ No hell below us/ Above us, only sky/ Imagine all the people/ Livin’ for today… You may say I’m a dreamer/ But I’m not the only one/ I hope someday you’ll join us/ And the world will live as one”. Còn rất nhiều bài khác của ban The Beatle như các bài: “Hey Jude”, “A day in the life”, “I want to hold your hand”… chúng tôi chuyền tay nhau chép thành tập.
Ngoài ra còn có Elvis Presley, B.J Thomas là hai ca sĩ hát nhạc đồng quê chúng tôi cũng hay nghe.
Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước tôi và bạn bè cùng trang lứa nghe nhạc qua các máy và băng cassette. Thời này các giọng ca Khánh Ly, Lệ Thu, Sĩ Phú là những giọng ca ưa thích của chúng tôi. Qua băng casstte chúng tôi cũng nghe nhạc Anh và Pháp dễ dàng hơn. Cũng đầu thập niên 70 chúng tôi còn nghe hát qua đài truyền hình.
Sau 1975 dòng nhạc đỏ là loại nhạc nghe bắt buộc. Tôi nói là bắt buộc vì ngoài nhạc đỏ chúng tôi không được nghe nhạc gì khác, muốn nghe lén nhạc khác cũng khó vì hầu như tất cả các băng đĩa đã bị đốt sạch.
Thật lòng mà nói những bài nhạc đỏ có bài cũng hay, cũng hấp dẫn: “Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng/ Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân/ Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương/ Nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ/ Ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai/ Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm/ Có mùa xuân nào đẹp bằng…” (bài ca Hy vọng – Văn Ký) hay “Xe ta bon trên những dặm đường,/ Giữa làng quê ta băng qua bao suối đèo đồi nương/ Mà xe ta bon ra chiến trường/ Chào em cô gái Lam Hồng/ Giữa tiếng bom gào đạn dội, vẫn nghe vang vang câu hò trên đường/ Niềm vui lớn toả lan trên quê ta…” (Chào em cô gái Lam Hồng – Ánh Dương)…
Âm nhạc lúc này đến với chúng tôi là từ những lời ca của bạn bè hoặc qua cái đài bán dẫn nhỏ và đặc biệt qua loa phường oang oang mỗi sáng sớm, mỗi chiều muộn.
Cái hay, cái hấp dẫn của nhạc đỏ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, không lưu lại để nhớ, nếu có nhớ, chỉ nhớ đến “cuộc chiến đau thương không nên có” mà thôi.
Tiếng chim hót, tiếng mưa rơi, tiếng gió thổi, tiếng mõ, tiếng chuông lời cầu kinh… là âm thanh, là tiết tấu, mà âm nhạc lại là nghệ thuật kết hợp tiết tấu và âm thanh. Quanh tôi luôn có một thứ âm nhạc rất riêng. Từ cái rất riêng đó tôi tiếp nhận những giai điệu, lời ca từ các nhạc sĩ và các ca sĩ. Nếu không có những tiết tấu và âm thanh của thiên nhiên và của sáng tạo, cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết chừng nào.
Quảng Trị
Là người thích nghe nhạc, âm nhạc với tôi là thứ không thể thiếu. Những âm thanh trầm bổng, những lời ca tha thiết, lãng mạn, tươi vui, rộn rã, buồn bã, mong chờ đều đã đi vào ký ức, đã để lại trong tôi những nỗi nhớ có lúc bâng quơ, xao xuyến; nhiều lúc da diết; và lắm lúc thẳm sâu vô bờ.
Huế và Quảng Trị về mặt địa lý không xa, chỉ cách nhau chừng 30 – 40 cây số, về mặt lịch sử, Nguyễn Hoàng đã chọn Quảng Trị là nơi dừng chân lập nghiệp đầu tiên khi Nam tiến. Mặc khác có những nhạc sĩ sinh quán không là Huế, nhưng sống và làm việc lâu dài ở Huế, để lại cho Huế những bài ca tuyệt hảo.
– Viết về một góc hồi ức, nên tôi chỉ ghi lại những gì còn lại trong trí nhớ, như là những kỷ niệm, do vậy phần tài tiệu tham khảo không có, riêng phần thân thế của các tác giả tôi tham khảo từ Wikipedia.
– Viết để nhớ lại các nhạc sĩ quê nhà, nếu có gì sai sót xin được quí anh chị và các bạn chỉ bảo, xin chân thành cảm ơn. Mặt khác tôi chỉ có thể ghi lại các nhạc sĩ ở thế hệ 5X trở về trước, các nhạc sĩ ở thế hệ từ 6X trở về sau tôi không biết nhiều, xin được thứ lỗi.
1/Nguyễn Văn Tuyên (1909 – 2009)
Nguyễn Văn Tuyên sinh năm 1909 ở Huế. Ông được học nhạc Tây từ lúc nhỏ, tự học căn bản từ những sách giáo khoa về lý thuyết âm nhạc của Pháp. Năm 1936 ông di cư vào Sài Gòn và trở thành người Việt duy nhất tham gia hội Ái Nhạc (Philharmonique) ở Sài gòn. Ông bắt đầu hát nhạc Tây và đoạt được cảm tình của báo chí và radio (truyền thanh). Năm 1937 ông phổ bài thơ Kiếp Hoa của bạn ông: Nguyễn Văn Cổn và viết thành ca khúc đầu tay cùng tên. Thống đốc Nam Kỳ (Cochinechina) khi đó là Pagès nghe ông hát và mời ông du lịch tới Pháp để tiếp tục học nhạc, nhưng Nguyễn Văn Tuyên từ chối vì lý do gia đình. Sáng tác của ông: Bông cúc vàng, Một kiếp hoa, Anh hùng ca…
MỘT KIẾP HOA: “Rồi một ngày sắc tươi thêm phai lạt/ Rồi mối ngày cánh hao thêm rời rạc/ Trông thấy hoa mà lòng những lo thầm…Một kiếp hoa, kiếp người đâu khác/ Tàn tạ hoa ơi, biết vì đâu/ Thấy hoa khôn giữ lệ sầu…/ Dưới thân cây cánh rời rụng ngổn ngang”
BÔNG CÚC VÀNG: “Bông cúc nở, nở luôn ngày hớn hở/ Một mùa Xuân thêm tưng bừng rực rỡ/ Ngọn gió Xuân hiu hắt những mùi hương/ Nhắc lại ta tình ấm yêu đương/ Bông cúc nở hương sac đậm đà/ Yêu vì hoa, say đắm vì hoa/ Ta không muốn mưa dầu nắng dãi/ Để cúc thơm, thơm hoài thơm mãi…”
2/ Nguyễn Hữu Ba (1914 – 1997)
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba sinh tại làng Đạo Đầu, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và mất năm 1997 tạị Sài Gòn, hưởng thọ 83 tuổi. Tuy sinh ra tại Quảng Trị nhưng suốt cuộc đời và sự nghiệp của ông đã gắn liền với cố đô Huế.
– “Sương trên cành còn thắm sắc mai/ Hoa đua cười chào đón gió vui/ Non nước bình minh uống ngàn muôn tia sáng/ Chim líu lo cười vang trời/ tung cánh bay chuyền khắp nơi/ ong bướm say màu nắng tươi/ Trên đường rộng ra khơi…” đó là lời ca của bài hát QUÃNG ĐƯỜNG MAI mà các cô giáo tiểu học đã dạy chúng tôi múa hát trong những buổi văn nghệ cuối năm.
Các cô còn dàn dựng vở hoạt cảnh “LỬA RỪNG ĐÊM” mà chúng tôi, những học trò nhỏ đóng vai chiến sĩ lên đường bảo vệ quê hương: “Ta người chiến binh/ ta đời chiến chinh hiến thân vì nước/ Muôn đời thề ước vang tiếng hùng anh/ nước biếc rừng xanh/ trong bốn phương tung hoành/ Rừng càng giá thân này nào sá sương khuya lạnh lùng/ Lửa càng bùng cháy nung hờn núi sông/ Reo ca vang lên (ô hô ô hô)/ Tay cầm tay quanh lửa hồng (ô hô ô hô)/ Muôn quân xung phong (ô hô ô hô)/Nghe hồn réo say máu nồng chứa chan/ Tuốt gươm vùng lên thề vững giang sơn,/ Quyết tan niềm căm hờn,/ Giết quân thù tham tàn./ Muôn đời còn vang lừng tiếng quân Nam…”
Lớn lên theo học đàn tranh ở Tỳ Bà Trang: “họ, xừ, xàng, xê, liu, cống”, ông đã dạy chúng tôi những âm giai ngũ cung, những âm giai đã giúp tôi hiểu hơn, yêu hơn những lời ca tiếng hát mang âm điệu Huế thân yêu.
3/ Nguyễn Văn Thương (1919 – 2002)
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh ngày 22 tháng 5 năm 1919 trong một gia đình công chức tại huyện Hương Thuỷ (nay là thị xã Hương Thủy), tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Trời bình minh lướt theo chiều gió/ bướm bay bướm bay, chàng đi tìm yêu/ Đầu cành muôn đóa hoa hàm tiếu/ lả lơi mỹ miều, trêu bướm đa tình/ Vườn hồng hoa ẩn sau màn lá,/ cánh phong kín hương nàng chưa hề yêu/ Thường nàng trông những con bướm tơ, nàng không ước mơ, đời hoa thơ trinh…/ Bướm là những lá thư nàng xuân gửi đi chào mừng non sông./ Hoa dấu chân muôn màu, Nàng xuân đã ghi khi nàng vừa sang/ Bướm là những thiếu niên lòng khao khát yêu, đời còn tươi sáng,/ Đóa hoa: khách yêu kiều, tình thơ chớm gây đời xuân trắng trong”…
Bài hát BƯỚM HOA tôi được nghe vào một chiều xuân, ngày mùng mười tết Mậu Thân (1968). Những ngày nay làng tôi do quân Bắc Việt tạm chiếm, những lúc im tiếng súng, trú ẩn trong hầm tránh đạn, chị Hai bắt sóng FA từ chiếc radio transistor nhỏ. Hai chị em ôm nhau nghe nhạc, thật ấm dù bên ngoài trời tháng Giêng rét mướt và mưa phùn.
Nhưng bài hát làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương theo tôi là bài “ĐÊM ĐÔNG”.
… “Thời gian như ngừng trong tê tái /Cây trút lá cuốn theo chiều mây/ Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều/ Sương thướt tha bay, ôi đìu hiu…
“Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phụ/ Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng/ Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư/ Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…”
Đêm Đông đã làm lòng người nghe chùng lắng nỗi nhớ quê nhà da diết. “Đêm Đông” với tôi còn là một kỷ niệm thật bi thương não nùng: Vào một đêm cuối đông năm 1975, trong bối cảnh đất nước vừa thoát chiến tranh, có niềm vui sum họp, nhưng cũng không thiếu cảnh chết chóc, đau thương chia lìa. Tại khoa phụ sản bệnh viện Trung Ương Huế, đảm trách đỡ đẻ cho một thiếu phụ có tên là Tịnh Biên, tôi đã nghe vài câu của bản nhạc này từ một người phụ nữ nhỏ nhắn, yếu mềm: “Đêm đông ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương, đêm đông ta lê bước chân phong trần tha phương… Gió nghiêng, chiều say/ Gió lay ngàn cây/ Gió nâng thuyền mây/ Gió reo sầu tư/ Gió đau niềm riêng/ Gió than triền miên…”
Những lời ca đã vang vọng trong tôi niềm đau thương khôn nguôi của cuộc chiến tương tàn, nỗi đau đó đến nay vẫn còn âm ỉ, (xem thêm bài “Người bác sĩ và cơn go của sản phụ” diendan.org).
4/ Thu Hồ (1919 – 2000) Thu Hồ là một ca sĩ, nhạc sĩ, kiêm nhà soạn kịch.
Tên thật của ông là Hồ Thu, sinh ngày 14 tháng 10 năm 1919 tại làng Tân Mỹ, tỉnh Thừa Thiên.
Ông mất ngày 19/5/2000 tại thành phố Westminster, Nam California, hưởng thọ 81 tuổi.
“Đêm khuya trăng mơ, mắt trông về trong cõi xa mờ /Nơi xa xăm kia, tôi say nhìn quê cũ dấu yêu /Ôi! Tình quê hương, nơi chốn xưa có người mẹ hiền /Tóc màu hoa bạc, chiều chiều mắt ngấn lệ vì con.
…
“Mẹ ơi! Ra đi đời con xá chi /Mơ ngày ngồi dưới ánh đèn lâm ly /Bên mẹ thương hát khúc ca ngày đi/Ai ngờ rồi cũng đến phút phân ly”.
Bài hát QUÊ MẸ tôi được nghe từ thuở ấu thơ. Ngày còn nhỏ, những đêm trăng sáng, trên đường làng tôi thường có hai cha con người mù đi hát dạo. Có hôm cha mời hai cha con họ vào hát cho chúng tôi nghe và tôi đã khóc mùi mẫn bởi giọng ca buồn da diết của người ca sĩ mù khi ông ta cất giong cùng cây đàn guitar “… Mẹ ơi! Ra đi đời con xá chi/ Mơ ngày ngồi dưới ánh đèn lâm ly/ Bên mẹ thương hát khúc ca ngày đi/ Ai ngờ rồi cũng đến khúc phân ly”.
Những nữ sinh Đồng Khánh ngày trước, có lẽ ai ai cũng đều thuộc rồi hát thầm đôi câu: “Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi/ Cô đi về đâu tan buổi học rồi/ Cô xuôi Đập Đá hay về Nam Giao/ Cô về Bến Ngự hay về Đông Ba/ Cô về Vỹ Dạ hay ngược Kim Long… Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi/ Cô đi về đâu sau buổi học rồi/ Tôi mơ một bóng khi về đơn côi/ Áo dài dáng đẹp tóc còn buông lơi/ Ghi một kỷ niệm cuộc đời trong tôi…”
Bài hát “CÔ GÁI NỮ SINH ĐỒNG KHÁNH” Thu Hồ sáng tác năm 1966, nhưng đã đi vào tâm hồn, của bao thế hệ nữ sinh Đồng Khánh nói riêng và thiếu nữ Huế nói chung những tình yêu nhẹ nhàng tươi thắm: “Ai ra xứ Huế không ít nhiều mộng mơ/ Khi nhìn thấy bên bờ Hương Giang nên thơ/ Cô gái nữ sinh Đồng Khánh ra về/ Mà lòng không thấy xuyến xao/ Mà lòng chẳng thấy dạt dào/ Một phút nhớ bâng khuâng/ Với tình yêu Cố đô…”
5/ Ưng Lang (1919 – 2009)
Nhạc sĩ Ưng Lang sinh năm 1919 tại Huế. Ông là cháu nội của Hòa Thịnh vương Miên Tuấn, hoàng tử thứ 37 của Thánh Tổ Minh Mạng. Cha là Hồng Khanh, một quan văn dưới triều Tự Đức.
Ở Huế nhiều người biết đến quán cà phê của nhạc sĩ Ưng Lang, quán nằm góc đường, cạnh trường trung học Nguyễn Tri Phương. Chị Ba của tôi là bạn của chị Sơ Huyền, con gái của nhạc sĩ do vậy có đôi lần tôi theo chị Ba đến quán này.
Những tác phẩm của Ưng Lang thất lạc khá nhiều, nay chỉ còn lại chừng mươi bài. “MƯA RƠI” có lẽ là bài được ưa thích nhiều nhất trong các tác phẩm của ông.
“Mưa rơi / Chiều nay vắng người /Bên thềm gió lơi / Mơ bóng ngàn khơi / Mưa rơi/ Màn đêm xuống rồi / Mây sầu khắp nơi/ Thương nhớ đầy vơi …Mưa rơi/ Đìu hiu dưới trời / Ðêm dài vắng ai /Thương nhớ nào nguôi”.
Tôi đã nghe ca sĩ Hà Thanh hát nhiều lần bài hát này, giai điệu nhẹ nhàng, rung cảm và nếu nghe trong những chiều mưa thì thật tuyệt.
6/ Châu Kỳ (1923 – )
Nhạc sĩ Châu Kỳ sinh ngày 5 tháng 11 năm 1923 tại làng Dưỡng Mong, Phú Mỹ, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Cha ông là Châu Huy Hà, một nghệ nhân ca Huế; chị là Châu Thị Minh, được coi là một trong Ngũ nữ minh tinh (miền Nam có Phùng Há, Năm Phỉ; miền Bắc có Ái Liên, Bích Hợp và miền Trung có Châu Thị Minh).
Dòng nhạc của Châu Kỳ có thể nói là tiêu biểu cho dòng nhạc thời trang (dòng nhạc bolero) của miền Nam trước 1975. Ông sáng tác khá nhiều về thể loại này cỡ chừng hơn 100 bài. Thực lòng mà nói giới học sinh, sinh viên thế hệ tôi hồi đó ít hát những bài ca này, nhưng nghe thì nhiều hơn. Chúng tôi hồi đó ai cũng có thể thuộc vài câu chẳng hạng như: “ Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê/ Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi/ Những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về /Chiến trường anh bước đi… (CON ĐƯỜNG XƯA EM ĐI), hoặc “Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng / Ngày xưa ai quyền quý cao sang/ Em, chính em ngày xưa đó/ Ước xây đời lên tột đỉnh nhân gian…( GIỌT LỆ ĐÀI TRANG) hoặc: “Cầu xin cho đất mẹ ngày mai/ Hàn bao đau thương, xoá u hoài/ Cho đời thôi buồn, thôi sầu hận/ Cùng nói tiếng nói đất mẹ tôi/ Lệ mừng xót thương ơi/ Tìm đâu thấy những người?/ Ði chết vì đất mẹ/ Vượt qua sông, qua bể/ Hồn chẳng chút đam mê”…(GIỮA LÒNG ĐẤT MẸ).
Chúng tôi biết nhiều ca khúc của Châu Kỳ, nhạc của Chây Kỳ phổ thông dễ hát, dễ trình bày ở bất cứ cuộc vui nào, dù lời ca buồn da diết thế nào nhưng hát xong vẫn có thể nhoẻn miệng cười: “Đừng nói xa nhau, cho tâm hồn đau khổ./Đừng nói xa nhau cho mắt lệ hoen mờ./ Lời thiết tha qua tâm tư tròn mộng tròn mơ/ Vết tình khắc lên môi đưa mấy tuổi yêu vẫn chờ…/Mình đã đi chung trên con đường máu nhuộm./ Mình đã gieo neo, nghe chớp bể mưa nguồn./ Màu áo xưa em đan cho người nặng hành trang./ Có bạc trắng với phong sương vẫn còn đậm tình thương…” (ĐỪNG NÓI XA NHAU).
7/ Lê Mộng Bảo (1923 – 2007)
Lê Mộng Bảo sinh năm 1923 trong một gia đình người Phúc Kiến tại Huế. Ông từng là phóng viên báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng năm 1939. Năm 18 tuổi, ông ra Hà Nội học. Song song với học văn hoá và học nghề, ông còn thích âm nhạc nên đã thụ giáo nhạc sĩ Đặng Thế Phong về nhạc lý và vĩ cầm, thụ giáo nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương về nhạc lý và sáng tác ca khúc. Ba năm sau, ông về Huế làm ở sở Bưu điện.
Ông còn là một nhà thơ, ký bút hiệu Mộng Quỳnh, với những bài thơ in rải rác trên các tạp chí xuất bản tại Huế vào khoảng những năm 1950.
Đa phần nhạc của ông đều viết theo thể loại bolero.
Tác phẩm của ông chừng 50 ca khúc viết riêng và chừng 20 ca khúc viết chung với Mạnh Phát, Lam Phương, Châu kỳ, Văn Phụng.
Tác phẩm được các ca sĩ trình bày nhiều là Đập Vỡ Cây Đàn, Thương Về Quán Trọ, Thân Phận
“Biết rằng anh sẽ buồn/ Ngày mai đến nhà tôi mong thăm người bạn cũ/ Dừng bước chân đầu ngõ/ Anh thấy nhà chơ vơ không tiếng cười trẻ thơ/ Người người như đợi chờ/ Một màu lam thương nhớ/ Hỏi thăm ai cũng biết tôi lên đường tòng chinh/ Giờ tôi nghiệp lính/ Đời tôi đã vướng kiếp phong trần rồi bạn ơi…” (THƯƠNG VỀ QUÁN TRỌ)
Một ngày của năm 1972 tôi được nghe một chị trong đoàn “Em gái hậu phương”, chị Sửu ở đại học Sư Phạm hát bài “BÔNG HỒNG CỦA ANH” tôi mới thấy ngoài bolero ra nhạc sĩ Lê Mộng Bảo còn sáng tác các thể loại khác:
“Tôi đến thăm em một buổi sáng mưa hồng còn rơi/ Tôi thấy đăm chiêu em ngồi hát cho một người nằm xuống/ Em đan chiếc áo màu quê hương em đan chiếc áo màu hòa bình/ Quê hương mình đau khổ quá mùa xuân nát ngày xưa mùa thu chết chưa về/Tiếng đau thương trên quê hương/Tiếng kêu rên trong tan hoang/ Tiếng oan khiên trong không gian/ Tiếng giận hờn của đoàn người chạy loạn”.
8/ Lê Cao Phan (1923 – 2014)
Nhạc sĩ Lê Cao Phan sinh năm 1923 tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là một Phật tử lão thành. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống Phật giáo nề nếp. Ông là một nhà giáo dạy Anh, Pháp, Nhạc, Họa, ông đã không ngừng nghiên cứu, trau dồi tri thức và tiến thân trên con đường văn học nghệ thuật, đa số là tự học.
Tôi biết ông qua hai nhạc phẩm: Một nhạc phẩm mà tuổi thơ tôi hay hát: TẬP TẦM VÔNG: “Tập tầm vông tay không, tay có/ Tập tầm vó tay có, tay không/ Mời các bạn đoán sao cho trúng/ Tập tầm vông tay nào có tay nào không/ Có có, không không” và một nhạc phẩm khác là: PHẬT GIÁO VIỆT NAM, bài ca này thỉnh thoảng tôi được nghe tại chùa Từ Đàm mỗi mùa Phật Đản: “Phật Giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung từ nay/ Một lòng chúng ta tiến lên vì đạo thiêng/ Nào cùng vui trong ánh đạo vàng rạng ngời bốn phương/ Vang ca đón chào Phật Giáo Việt Nam… Noi tấm gương Ngài Thích/ Ca giải thoát chúng sinh/ Chúng ta dốc lòng nguyện cùng gieo rắc quanh mình/ Bao mối vui lành tràn lan hàng tan đau đớn/ Chắp tay ta cùng dưới Đài sen thắm kết đoàn…”
9/ Văn Giảng (1924 – 2013)
Nhạc sĩ Văn Giảng tên thật là Ngô Văn Giảng sinh ngày 12 tháng 5 năm 1924 trong một gia đình trung lưu có truyền thống về âm nhạc tại Huế. Ông nội của ông là một nhạc sĩ cổ nhạc. Ngay từ bé, Văn Giảng đã tỏ ra những năng khiếu về âm nhạc. Ông bắt đầu tập chơi mandolin rồi sau đó đến guitar.
Văn Giảng là nhạc sĩ Việt Nam có sáng tác thuộc nhiều thể loại. Các bút danh khác của ông là Thông Đạt, Nguyên Thông, Nguyên Đàm, Tiến Tài, Anh Phương, Nguyên Diệu. Văn Giảng sang tu nghiệp âm nhạc tại Hawaii và Bloomington Hoa Kỳ, về nước và được đề cử làm giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế.
Những năm học tiểu học, những buổi văn nghệ cuối năm được các cô tập hát, tập múa, dựng hoạt cảnh năm nào cũng không thiếu bài ca ĐÊM MÊ LINH:
“Canh dài ta ngồi trong rừng cây vang ấm nguồn thiên thu/ Trời vắng hồn lắng tiếng sơn hà trong gió hú/ Ai thấy chăng xưa hùng cường/ Ai thấy chăng mây tiệp chùng/ Đằng đằng đang hận thù/ Ai đấp non sông trường tồn,/ Ai kết nên dân tài hùng/ Xua tan giặc đông hán, xua tan giặc xâm lấn/ Ta cùng chung lòng, mong ngày vang danh ấn oai linh/ Thề quyết rèn chí quét tan quân thù đang cướp nước…/ Tay nắm tay ca trầm hùng hẹn ngày rạng lạc hồng/ Mơ xuất quân đi dẹp tàn mơ quét tan quân bạo tàn/ Xua tan giặc đông hán xua tan giặc xâm lấn…”
Tôi thuộc lòng từng câu từng chữ của bài hát và rất thích nhịp điệu hùng tráng của bài ca. Sau này tôi mới biêt đó là bài ca của Văn Giảng.
Tuổi mười tám đôi mươi, chị em tôi thích bài ca “AI VỀ SÔNG TƯƠNG” của Thông Đạt. Chị hát, em hát, những lúc làm bếp, dọn vườn chúng tôi có lúc ca nho nhỏ có lúc cùng nhau hát lớn: “Ai có về bên bến sông Tương/ Nhắn người duyên dáng tôi thương/ Bao ngày ôm mối tơ vương/ Tháng với ngày mờ nhuốm đau thương/Tâm hồn mờ bóng em luôn/ Mong vài lời em ngập hương/ Ôi duyên hờ từ nay bơ vơ/ Dây tình tôi nắn cung tơ/ Dứt lòng sầu trách người mơ…/Ôi duyên hờ từ nay bơ vơ/ Dây tình tôi nắn cung tơ/ Dứt lòng sầu trách người mơ”.
TỪ ĐÀM QUÊ HƯƠNG TÔI là bài hát gắn với tôi bao kỷ niệm. Tôi thích bài hát này và thường ngân nga: “Quê hương tôi miền Trung/ Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung/ Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng/ Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm/ Nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng/ Qua bao giông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn…”
Khi tôi hát đoạn điệp khúc và câu kết: “Bóng ai từng đến đêm về còn nhớ thuở nào đây câu thề/ Cùng ước nguyện cứu đời/ Tiếng ai chiều nay u hoài trầm lắng vọng về theo câu thề/ Nguyện hiến mình cho đời…” Ôi anh linh bóng chùa Từ Đàm/ Ôi nơi đây nắng chiều dịu dàng/ Ai hy sinh cứu đời phũ phàng Từ Đàm ơi”. Anh Hai, chị Ba tôi đều hỏi tôi: Ai là ai thế? Mẹ tôi chỉ cười và nói: Bài hát hay, cứ để em nó hát, nhưng anh chị tôi tỏ vẻ không ưa lắm. Về sau, lớn lên tôi mới biết tại sao là như vậy? (Xem thêm bài “Chùa, Sư, Thầy, Phật và…” đã xuất bản trên diendan.org).
10/ Nguyễn Hữu Thiết (1928 – 2002)
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết là một nhạc sĩ kiêm ca sĩ của nền tân nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20. Ông cùng với vợ là ca sĩ Ngọc Cẩm tạo thành một cặp song ca một thời tỏa sáng bằng tài năng nghệ thuật.
Nguyễn Hữu Thiết sinh tại Phan Thiết, quê của ông là Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng học hành và trưởng thành tại Huế.
Tôi nghe nhạc Nguyễn Hữu Thiết rất sớm, cha mẹ tôi rất thích những bài hát của ông. Cha tôi thường ngân nga: “Chiều thu ấy ánh nắng thu rơi lòng người/ Hồn chơi vơi gió cuốn mây trôi về nguồn/ Lòng bâng khuâng nghe lá rơi/ Tình lâng lâng lâng theo sóng môi/ Cầm tay nhau trao câu tiễn đưa/ Ðừng sầu gió mưa… Anh vui xây cuộc đời mà mang bao tâm tình/ Vợ hiền và con thơ chúc anh đi yên lành… Ngàn câu ca đưa ai bước đi/ Mà lòng ai như đang khắc ghi/ Rồi ngày mai quê hương sáng tươi/ Anh về mừng vui” (ANH ĐI CHIỀU THU ẤY)
Mẹ tôi cũng vậy, lúc nhặt rau, rửa chén bà cũng nho nhỏ hát: “Trời thu mưa bay bay mà lòng ai như say/ Hoa lá rơi đầy từng giọt mưa rơi rơi/ Ngoài nhịp tim chơi vơi gió cuốn mây trôi/ Ai đi ngoài mưa… Ai đi ngoài sương gió/ Gió thôi chớ buồn vì mưa/ Ai đi ngoài sương gió/ Chớ nức nở nhạc sầu/ Ai đi ngoài sương gió/ Hỡi ai xóa nỗi niềm đau/ Ai ơi mộng tàn xưa/ Không vương lụy thời gian… Dù trời còn mưa rơi đừng buồn lòng ai ơi/ Ta vẫn tươi cười rồi ngày trời thôi mưa./ Đời lại đẹp như thơ quyến luyến trong mơ/ Ấm êm tâm hồn hát câu yêu đời” (AI ĐI NGOÀI SƯƠNG GIÓ).
Tôi cũng thích nghe nhạc của Nguyễn Hữu Thiết, nhất là những bài do chính ông trình bày.
“Nhớ ngày nào hoa tươi sắc khoe màu/ Một đời hoa yêu dấu/ Những kỷ niệm hoa ôm ấp trong lòng một đời hoa luyến lưu/ Hoa lả lơi yêu kiều theo tiếng đàn/ Hoa nhởn nhơ mơ màng trăng gió ngàn/ Mong rằng thời gian qua mau hoa không hề phai/ Ôi tình hoa….Gió từ đâu mang theo những ưu hoài/ Lạnh đường khuya chiếc bóng/ Vẫn một đời bao chan chứa âm thầm/ Ngậm ngùi theo tháng năm/ Thương nhớ ai hoa sầu hoa úa tàn/ Mong ước sao cho tình hoa thắm màu/ Đẹp lại cành hoa xưa và yêu thương ngày ấy/ Hỡi người ơi”… (HOA THƯƠNG NHỚ AI)
Hoặc: “Nàng Xuân đến dáng Xuân diễm kiều thầm yêu ai đó/ Nàng Xuân hỡi với tôi hãy cùng cùng hòa tiếng tơ/ Tôi đón Xuân với lòng thắm thiết/ Tôi đón Xuân với niềm hân hoan/ Tôi đón Xuân với tình bát ngát/ Tôi đón Xuân vô vàn niềm yêu… Nàng là thơ muôn thuở của tâm hồn tôi/ Nàng là mơ muôn kiếp trao duyên đời tôi/ Nàng là hoa tươi thắm mãi trong lòng tôi/ Nàng là em ngàn đời mà tôi vẫn yêu… Nàng là thơ muôn thuở của tâm hồn tôi/ Nàng là mơ muôn/ kiếp trao duyên đời tôi/ Nàng là hoa tươi thắm mãi trong lòng tôi/ Nàng là em ngàn đời mà tôi vẫn yêu.” (NÀNG XUÂN CỦA TÔI)
Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, không thể không nhớ đến vợ của ông là ca sĩ Ngọc Cẩm. Cặp song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết nổi tiếng một thời và để lại cho chúng ta những bài hát về tình yêu quê hương tha thiết của nhiều nhạc sĩ khác như Hoàng Thi Thơ, Phạm Duy, Hoàng Nguyên…
Bài hát khá phổ biến và hay của Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết nhiều người biết là bài Gạo Trắng Trăng Thanh của Hoàng Thi Thơ: “Trong đêm trăng tiếng chày khua/ Ta hát vang trong/ đêm trường mênh mang/ Ai đang say chày buông rơi/ Nghe tiếng vơi tiếng đầy/ Ai đang đi trên đường đê/ Tai lắng nghe muôn câu hò đê mê/ Vô đây em dù trời khuya/ Anh nhớ đưa em về…
“Trong đêm thanh trăng tàn canh/ Bao tiếng ca theo tiếng chày nhanh nhanh/ Dư âm xa còn vang mãi/ Trong ánh đêm trăng tà/ Dư âm xa còn vang mãi/ Trong ánh đêm trăng tà.”
Lời bài hát này phổ biến đến nỗi quần chúng đã hát chế ra nhiều lời khác nhau.
11/ Trần Hoàn (1928 – 2003)
Nhạc sĩ Trần Hoàn thật là Nguyễn Tăng Hích, sinh năm 1928, quê quán Hải Lăng, Quảng Trị. Bố của ông là người rất yêu thích âm nhạc và sành sỏi về ca Huế, hát bội, nhạc Tây. Điều này có ảnh hưởng đến sự nghiệp âm nhạc của ông sau này.
Sau 1975, Trần Hoàn là trưởng Ty Thông tin Bình Trị Thiên.
Lên 6 tuổi, 7 tuổi tôi đã nghe những người quanh tôi hát: “Một chiều anh bước đi/ Em tiễn chân anh tận cuối đồi nghe dặn lời/ Rằng chiến đấu đừng sờn lòng/ Rằng sóng gió đừng sờn lòng đừng nề gian khổ … /Rằng muốn hát bài trùng phùng/ Thì em ơi đừng sầu lòng/ Đợi chờ anh về em ơi…/Rằng muốn có một ngày về/ Thì chiến đấu đừng sờn lòng / Đợi chờ anh về em ơi” Bài hát LỜI NGƯỜI RA ĐI phổ thông đến nỗi những người làm trong nhà tôi hát chế ra nhiều lời khác nhau.
SƠN NỮ CA là một bản nhạc tiền chiến, ở miền Nam trước 1975 là một bài hát khá thịnh hành: “Một đêm trong rừng vắng/ Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh/ Một đêm trong rừng núi/ Có anh lữ khách nhìn trời xa xa ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng… Sơn nữ ơi/ Làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian rồi thương rồi nhớ/ Sơn nữ ơi/ Hoàng hôn xuống dần đợi chờ ai đây/ Sơn nữ ơi/ Hoàng hôn xuống dần đợi chờ ai đây…”
Đây cũng là bài hát thường được các học sinh hát trong những buổi văn nghệ cuối năm.
Năm 1986, ra Hà Nội học chuyên khoa, tôi được một cô bạn cùng lớp hát cho nghe khi cả hai đi chơi trên đường Thanh Niên: “Mọc giữa dòng sông xanh một bông hoa tím biếc/ Ơi con chim chiền chiện hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi tôi đưa tay hứng về/ Mùa xuân người cầm súng lộc giắt đầy trên lưng/ Mùa xuân người ra đồng lộc trải dài nương lúa…/ Mùa xuân mùa xuân một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời/ Mùa xuân mùa xuân mùa xuân tôi xin hát khúc Nam Ai Nam Bằng/ Nước non ngàn dặm mình nước non ngàn dặm tình/ Đất Huế nhịp phách tiền” Sau này tôi mới biết bài hát “MỘT MÙA XUÂN NHO NHỎ” Trần Hoàn phổ nhạc từ bài thơ của Thanh Hải.
12/ Hoàng Thi Thơ (1929 – 2001)
Hoàng Thi Thơ sinh ngày 1 tháng 7 năm 1929 tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông thuộc dòng họ Hoàng Phủ, một dòng họ khoa bảng có tiếng tăm ở đất Quảng Trị. Ông là một trong những nhạc sĩ lớn của nền Tân nhạc Việt Nam. Một số nghệ danh khác của ông là Tôn Nữ Trà Mi, Tôn Nữ Diễm Hồng, Bích Khê và Triệu Phong.
Sau năm 1975, tại Việt Nam, ông cùng với nhạc sĩ Phạm Duy là hai người bị cấm toàn bộ tác phẩm, đến đầu năm 2009, một số bài hát của ông mới được Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép phổ biến trở lại.
Hoàng Thi Thơ sáng tác trên 500 ca khúc từ tình ca đến nhạc quê hương, dân ca đến nhạc thời trang, đoản khúc đến trường ca, nhạc cảnh đến nhạc kịch.
Tôi biết đến nhạc Hoàng Thi Thơ ban đầu qua những bài hát của cặp song ca Ngọc Cẩm Nguyễn Hữu Thiết: DUYÊN QUÊ: “Em gái vườn quê/ cuộc đời trong trắng/ dầm mưa dãi nắng/ mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm./ Anh biết mặt em/ một chiều bên thềm/ giọng hò êm đềm/ và đôi mắt em lóng lánh sau rèm… Cho đến ngày mai/ dù mưa hay nắng/ lòng/ ta vẫn thắng/ mà đôi chúng ta xây dựng/ đời này ta có bàn tay/ một tình yêu này/ một đời xum vầy/ thì đâu khó chi lấp biển vá trời…”
Một bài hát khác của Hoàng Thi Thơ khá nổi tiếng qua giọng hát của đôi song ca này là bài TRĂNG RỤNG XUỐNG CẦU: “Đêm nay bao con thuyền về đâu xuôi mái/ Ai ca dưới trăng ngà gần xa vắn dài/ Mái chèo khoan thai trên sông hai màu/ Con thuyền về đâu ô hay sao trăng rụng xuống cầu/ Vì đâu ô hay sao trăng rụng xuống cầu… Hỡi bao con đò/ Đêm nay trăng soi trên sông lờ đờ/ Mang theo bóng cờ/ Ngày về chiến thắng ánh trăng làm thơ…
Có những buổi chiều vắng vẻ, ngồi bên bậc thềm, nhớ nhà, nhớ cha mẹ, tôi hát nho nhỏ mấy câu: “Đường xưa lối cũ có bóng tre bóng tre che thôn nghèo/ Đường xưa lối cũ có ánh trăng ánh trăng soi đường đi/ Đường xưa lối cũ có tiếng ca tiếng ca trên sông dài/ Đường xưa lối cũ có tiếng tiêu tiếng tiêu ru hồn ai – Đường xưa lối cũ có em tôi tóc xanh bay mơ màng/ Đường chiều dịu nắng bóng em đi áo nâu in đường trăng/ Đường xưa lối cũ có mẹ tôi rưng rưng trong hôn hoàng/ Lòng già thương nhớ nhớ đến tôi lom khom đi tìm con – Đường xưa còn đó nắng vẫn lên vẫn trăng treo ven đồi/ Mà hình bóng cũ thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi”.
ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ đưa tôi về con đường làng rợp bóng cây xanh mát, rợp ánh trăng vàng mỗi đêm rằm ngát hương hoa dại.
“PHỐ CHIỀU bao tà áo trắng lượn trên hè phố nắng/ Những cô nàng xuân tròn trăng/ Vui cười như ngày đám cưới/ làn môi màu sáng chói/ Đi mua ngày vui trên đời… Tôi bơ vơ giữa phố chiều đìu hiu/ Tiếng mưa rơi làm thêm tiêu điều/ Ai quen ai quán bên lề/ Cầm chân lữ khách thôi đành quên lối về”.
Chao ôi là nhớ Huế, nhớ những chiều cuối tuần bát phố Trần Hưng Đạo, phố Gia Long…
13/ Lê Mộng Nguyên (1930 – )
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên sinh ngày 5 tháng 5 năm 1930, tại Phú Xuân, Huế. Lê Mộng Nguyên dùng tên thật cho hầu hết các sáng tác, đôi khi ông dùng một bút danh khác là Yên Hà hoặc Lan Đào. Ông còn là tiến sĩ Luật, và là Hội viên Hàn lâm Viện Khoa học Hải ngoại Pháp.
Ông sáng tác chừng 50 ca khúc trong đó có các ca khúc về Huế như: Bài Thơ Huế, Cô Gái Huế, Mưa Huế, Nhớ Huế, Về Chơi Thôn Vỹ…
Ngoài ra vào năm 1990, một tuyển tập nhạc Phật giáo gồm 25 bài do Lê Mộng Nguyên viết đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam xuất bản.
Trong chúng ta có lẽ có nhiều người biết và yêu thích bài TRĂNG MỜ BÊN SUỐI của ông: “Người hẹn cùng tɑ đến bên bờ suối/ Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu/ Một đêm thiết thɑ rồi đâу xɑ cách/ Rồi đâу hɑi ngả biết tới ρhương nào… Ѕuối mơ… lời hẹn ước νen bờ suối xưɑ/ Nhớ chăng… người ρhương xɑ trong ƙhói điêu tàn… Một ngàу xɑ nhɑu xóɑ bɑo hình bóng/ Trời bàу chiɑ lу chi cho lòng héo/ Giờ đâу cách xɑ người quên hɑу nhớ/ Ngàу xưɑ còn đó trăng nước mong chờ”…
Trăng Mờ Bên Suối là bài hát làm nên tên tuổi Lê Mộng Nguyên.
Sinh nhật thứ 13, mẹ hát tặng tôi bài hát “BÀI THƠ HUẾ”. Đêm sinh nhật chỉ có mấy anh chị em trong nhà với mấy chén chè bột lọc bọc thịt quay, món chè đặc biệt của Huế, giọng hát mẹ nhẹ nhàng, ấm áp đưa hồn tôi vào mộng. Lần đầu tiên trong đời ở tuổi vừa mới lớn, tâm hồn tôi lâng lâng buồn thương, nhớ tiếc về cái gì rất mơ hồ và cũng rất thân thương. Tôi như trôi, như bay lướt trên dòng Hương, trong nắng vàng: “Bài thơ Huế/ Dệt bằng gấm vàng/ Dệt bằng mắt nàng/ dệt bằng con thuyền lững lờ sông Hương/ Có ai qua khúc Trường Tiền…Bài thơ Huế dệt bằng gió vàng/ Dệt bằng áo người sầu nhớ phòng khuê/ Dệt bằng tiếng chuông chùa ngân xa vắng/ Nhắc ai ước mong ngày về…”
Cảm ơn nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên đã để lại cho Huế bài ca tuyệt hảo.
Một bài hát khác của Lê Mộng Nguyên cũng đã làm tôi nao lòng trong một ngày tưởng như xa Huế mãi mãi. Đó là ngày 19 tháng 3 năm 1975, gia đình tôi di tản vào Đà Nẵng. Cả nhà có 6 người tá túc tại nhà người chị họ. Một tối tới chơi và ở lại nhà của người bạn cùng lớp trường Y, bạn Trần Thị Quý, tôi đã nghe chị Hương hát bài “NHỚ HUẾ” với giọng Bắc rất ngọt: “Ai đi xa Huế làm sao quên được dòng Hương/ Con sông năm trước còn ghi bao tình nhớ thương/ Theo dòng nước lững lờ trôi/ Thuyền ai nghiêng mái chèo bên chùa Thiên Mụ/ Ngược bến bao tình theo tình nước mây… Chiều nay lướt cánh chim về thành phố Huế/ Chim kêu chiêm chiếp gọi đàn tha thiết/ Ngày về nào biết ai mơ thành xưa”…
Bài hát đưa tôi về ngôi nhà bên dòng Hương mà lúc này đây tôi e chẳng có ngày về.
14/ Hoàng Nguyên (1930 – 1973)
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên tên thật là Cao Cự Phúc, sinh ngày 3 tháng 1 năm 1930 tại xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Lúc nhỏ theo học trường Quốc học Huế. Đầu thập niên 1950, Hoàng Nguyên tham gia kháng chiến nhưng rồi từ bỏ quay về thành phố.
Hoàng Nguyên sinh ở Diễn Châu, Nghệ An, nhưng học tập và lớn lên tại Huế. Ông học trung học tại trường Quốc Học Huế. Sinh thời ông sống và làm việc nhiều nơi: Huế, Đà Lạt , Sài Gòn, Côn Đảo… Thế nhưng bài hát “TÀ ÁO TÍM” của ông đã nhiều năm khiến tôi nghĩ rằng ông là người Huế, một sự “nhìn lạm” dễ thương của mình. Nhưng bảo ông là người Huế cũng không sai lắm vì ông đã học và lớn lên ở đây.
Tôi nghe nhạc Hoàng Nguyên lần đầu với giọng ca của đôi song ca Ngọc Cẩm Nguyễn Hữu Thiết qua các dĩa nhạc than của anh Vĩnh Am ở Chu Hương Viên, vườn nhà cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Anh Vĩnh Am sưu tầm nhiều dĩa nhạc thuộc thể loại này:
“Nếu hiểu rằng anh đi vì lũ giặc tham tàn/ Thì em ơi, em chớ sầu thương chi/ Em thấy chăng khói súng của giặc thù/ Còn mịt mùng và còn che khuất mờ/ Khói lửa còn đang thiêu về xóm làng điêu tàn/ Đầu thơ ngây ai quấn vành khăn tang/ Bao đau thương khi quân cướp còn bạo tàn/ Còn bạo tàn và còn chưa khuất phục… Anh đi mai về chiến thắng/ Anh đi mai về chiến thắng/ Khi súng quân thù thôi vang trên non sông/ Tươi thắm màu cờ vui reo trên kinh thành… / Anh đi mai về hoà bình/ Anh đi mai về hoà bình / Ca khúc khải hoàn không còn hận biên cương / Quân cướp bạo tàn thôi xéo dầy quê hương. (ANH ĐI MAI VỀ).
Những nữ sinh áo trắng của tôi thời bấy giờ bỗng thấy lòng mình lâng lâng vui sướng khi ai đó hát lên khúc ca TÀ ÁO TÍM dù rằng áo tím đã là thời quá vãng: “Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang/ Tôi gặp một tà áo tím/ Nhẹ thấp thoáng trong nắng vương/ Màu áo tím ôi luyến thương/ Màu áo tím ôi vấn vương… Để rồi chiều chiều lê chân bên dòng Hương Giang/ Mong tìm lại tà áo ấy/ Màu áo tím nay thấy đâu/ Người áo tím nay thấy đâu/ Dòng nước vẫn trôi cuốn mau…”.
Hoặc: “Thuở ấy yêu nhau anh làm thơ/ Thuở ấy yêu nhau em đợi chờ/ Dòng nước Hương Giang trôi lặng lờ/ Chưa biết chi giận hờn và chưa biết sầu mộng mơ … Rồi đường mây thênh thang, chim núi Ngự bay đi/ Rồi thuyền xuôi Hương Giang, không nhớ bến quay về/ Rồi mùa Xuân đi qua ai dám đợi chờ ai/ Và người nay đi xa, từ giã bến sông dài…” (THUỞ ẤY YÊU NHAU).
15/ Đỗ Kim Bảng (1932 – )
Đỗ Kim Bảng sinh ngày 5 tháng 6 năm 1932 tại Huế nhưng quê gốc ở Quảng Nam. Thuở nhỏ ông sống với gia đình ở Đà Lạt & Huế. Thời gian này ông học đàn với Lê Quang Nhạc, nhạc lý với Văn Giảng, nhạc cổ truyền với Nguyễn Hữu Ba. Nhạc sĩ người gốc ở Quảng Nam nhưng sinh, lớn, học và sáng tác tại Huế, phần khác có vài bản nhạc của ông tôi thuộc từ nhỏ nên với tôi ông cũng xem như “Người Huế”
Lên bảy, lên tám mỗi mùa hè đến tôi lại nghe các anh chị tôi hát: “Hôm nay: ngày thi/ Bao nhiêu người đi/ Xe! rộn rịp/ Lớp! tràn người/ niềm vui vấn vương…/ Thi ơi là thi!/ Sinh “mi” làm chi!/ Bay, nghẹn ngào/ Bám, ồn ào/ Buồn vui vì “mi”… / Đây,bao bộ mặt cười ra nước mắt/ than câu: “Học tài thi phận”/ Đây, bao tiếng cười đắc ý/ khoe rằng:/ “Phen này mà tao trượt thì ai đậu cho”/ Hôm nay còn thi/ Mai kia còn thi/ Ôi! Đời đời/ khóc cùng cười/ hòa theo mùa thi”. (MÙA THI)
Những bài hát viết theo thể loại Bolero của Đỗ Kim Bảng, không hẳn vì thích, nhưng dễ hát và không gian ngoại ô như thích hợp với nơi tôi ở nên nghe rồi thuộc, thỉnh thoảng tôi cất giọng nỉ non, chị Hai tôi la tôi: “em lại hát nhạc sến rồi”, bản thân tôi thấy không sến và cứ hát:
“Tôi ở ngoại ô, một căn nhà xinh có hoa thơm trái hiền/ Cận kề lối xóm, có cô bạn thân sớm hôm lo sách đèn/ Hai đứa chưa ước hẹn lấy một câu, chưa nghĩ đến mai sau/ Nhưng đêm thức giấc ngỡ ngàng Nghe lòng thương nhớ biết rằng mình yêu…” (CĂN NHÀ NGOẠI Ô)
Và:
“Trời đã khuya rồi đấy trăng chênh chếch xuyên ánh qua mành/ Trời đã khuya rồi đấy, mưa trên xóm xa ánh đô thành/ Đường ngoài kia không xôn xao, không đẹp vì đèn màu/ Ôi đường dài hun hút với đêm thâu/ Bước chân ai qua mau, dưới mưa nghe nao nao/ Lộng tiếng còi tàu thét lâu… / Đây ngoại ô, nhạt ánh đèn khuya/ Đèn vàng hiu hắt soi con đường mờ mờ bóng mưa/ Nhưng tin yêu thắm lòng ta … Để những đêm trời khuya mưa tí tách như đếm canh dài/ Ở chốn xa ngoài kia, nơi biên giới sương khuất cây đồi/ Người anh tôi không quen ơi trên đường diệt giặc thù/ Nếu chợt nghe tim ấm giữa xa xôi/ Gió mang ra biên khu mến trao anh câu ca/ Một đêm mưa ngoại ô (MƯA ĐÊM NGOẠI Ô).
16/ Phạm Mạnh Cương (1933 – )
Phạm Mạnh Cương sinh ra tại Huế, là con thứ năm trong một gia đình gồm chín anh em. Cha của ông là một người yêu thích cổ nhạc và biết sử dụng đàn và sáo. Từ nhỏ Phạm Mạnh Cương đã say mê âm nhạc Tây phương và yêu thích các ca khúc của Đoàn Chuẩn – Từ Linh. Ông đã học vỡ lòng nhạc lý với nhạc sĩ Ngô Ganh.
Phạm Mạnh Cương là một nhạc sĩ hoạt động trong nhiều lãnh vực: sáng lập trung tâm băng nhạc, tham gia các chương trình âm nhạc của đài truyền hình Sài Gòn.
THẾ RỒI MỘT MÙA HÈ: “Thế rồi mùa hè qua từ đấy tạm biệt nhau ngày ấy thương nhớ trong tim đầy/ Nhớ hoài miền thuỳ dương nước xanh chiều chiều hai đứa mình ngồi nhìn đợt sóng nhô/ Biết đâu ngày vui sao chóng tàn giã từ nhau vội vàng phượng tàn trên hè phố/ Nhìn trăng khuya tránh bên mái lầu cánh phượng đã nhạt màu ép trong lòng tay sầu… Thế rồi mùa hè qua từ đấy trời vào thu dạo ấy nghe lá rơi vai gầy/ Mỗi chiều nhìn hoàng hôn/ lướt êm cõi lòng thương nhớ về biển sóng lòng mướt xanh/ Có ai đang đứng nhìn sóng buồn nhớ lại câu tạ từ hẹn về thăm lần nữa/ Giờ đây xin nhớ nhau cho tròn khắc vào đáy tâm hồn bóng ai một đêm hè…”.
Bài hát thế hệ chúng tôi hay hát mỗi khi hè về nhất là mùa hè của những năm cuối cấp. Một bài hát có lời ca đơn giản, dễ nhớ, giai điệu dễ thương rất thích hợp với tuổi trẻ chúng tôi.
THU CA là bài hát của Phạm Manh Cương mà tôi ưa thích: “Lạnh lùng sương rơi heo may/ Buồn ngơ ngác bóng chim bay/ Mây tím giăng sầu đó đây/ Ngày đi chiều mang sầu tới/ Làn sương chiều thu lả lơi/ Tiếng mưa rơi đều trên lối…/ Nhớ ai chiều thu/ Nhìn bao lá úa rơi đầy lối/ Nhẹ rung tà áo/ Làn môi cười thắm như cánh hoa đào/ Cách xa vì đâu/ Dù bao lần lá hoa phai màu/ Rung chi cành hoa lá/ Khi tà dương đã khuất non xa…”
Một chiều cuối thu 1972, sau những ngày nóng bỏng của mùa hè đỏ lửa, chúng tôi ba cô sinh viên trường Y lang thang trên các lối nhỏ trong Thành Nội, bãi cỏ trước cửa Hiển Nhơn là nơi chúng tôi ngồi lại nghỉ chân, chúng tôi yên lặng ngồi, chiều tối sương xuống khá lạnh, Quý ôm vai tôi và hát: “Lạnh lùng sương rơi heo may…” Hoài họa theo, Giọng Quý trầm, giọng Hoài cao, tôi nhớ mãi. Bây giờ các bạn ở đâu?
Người Huế, xa quê mỗi khi nghe đâu đó câu hát:
“Một sớm mưa nhiều tôi rời thành xưa / Sông nước tiêu điều nhỏ lệ buồn đưa/ Hắt hiu tâm hồn vì không có ai/ Tiễn mình chỉ một lần cuối/ Tháng năm bẽ bàng tình duyên/… Bóng dáng một người / Biết chừ ở mô/ Mà tìm không thấy / Nhớ những năm xưa/ Tà áo tím hồng / Tạ từ mấy câu…” đều không chạnh lòng nhớ cố hương. (GIÃ TỪ CỐ ĐÔ).
17/ Tôn Thất Tiết (1933 – 2023)
Tôn Thất Tiết sinh năm 1933 tại Huế là một nhà soạn nhạc người Pháp gốc Việt thuộc dòng nhạc đương đại. Ông đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Nhạc của ông là một sự hòa hợp giữa Đông và Tây phương. Tuy học nhạc Tây phương, ông vẫn tìm âm hưởng nhạc từ triết lý Á Đông, Kinh Dịch, Phật giáo và Ấn Độ giáo Ngoài ra ông còn lấy cảm hứng từ trường phái lãng mạn của Thi ca Trung Quốc cổ điển, như của Lý Bạch và Vương Duy.
Ông là nhà soạn nhạc cho 3 phim của đạo diễn Trần Anh Hùng là Mùi đu đủ xanh (1993), Xích lô (1995) và Mùa hè chiếu thẳng đứng (2000), ngoài ra là bộ phim Mùa len trâu (2004, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh). Xích lô được trao giải thưởng George Delerue năm 1995 về nhạc phim hay nhất. Ngoài ra, ông cũng viết nhạc cho các đoạn trình tấu ballet của Régine Chopinot: Parole de feu (1995) và Danse du temps (1999)
Năm 2007, ông cộng tác với đoàn đồng ca Musicatreize ở Pháp, và soạn nhạc cho một ca kịch về cổ tích Việt Nam, thực hiện bởi Tam Quy (“L’arbalète Magique“).
18/ Lê Quang Nhạc (? – 1960)
Lê Quang Nhạc sinh ra trong một gia đình giàu có ở Huế. Ông là giáo sư dạy âm nhạc và là thầy của những nhạc sĩ như Đỗ Kim Bảng, Lê Tín Hương và từng làm trưởng ban nhạc của Đài Phát thanh Huế giai đoạn đầu thập niên 1950. Lê Quang Nhạc cũng là người chơi đàn violon và mandoline rất giỏi và có những hiểu biết về hòa âm. Ngoài tân nhạc ông còn sưu tầm các làn điệu dân ca để đưa vào một số lớn bài hát vừa mang tính nghiên cứu vừa mang tính dân tộc. Bài hát “Xa quê” được ông sáng tác cuối thập niên 1940 với sự tham gia viết lời của Hồ Đình Phương. Ông qua đời khoảng cuối thập niên1960 tại Huế.
Nhạc sĩ Lê Quang Nhạc là thầy dạy nhạc của tôi những năm cấp hai trường Đồng Khánh cùng với nhạc sĩ Lê Như Khuê (1962 -1966).
Ông chỉ để lại một bài hát duy nhất là bài XA QUÊ. “Chiều xa cố hương trông trời mênh mông nao nao gió ngân tơ trùng/ Ôi! Cánh chim chơi vơi triền miên áng mây trôi hoàng hôn rơi rơi…/ Lặng nhìn vừng dương phai nhớ nhung vườn trăng soi nay đã xa vời!.. Giờ ra đi khói sương tuôn mờ/ Niềm chia ly theo gió lững lờ…/ Dòng sông Tương là đây sóng chờ/ Sầu lâng lâng chiều lan đây đó… / Ngồi bên suối tơ Vời trông khóm tre xanh xa mờ/ Trầm ngâm bóng quê/ Lòng chim mơ bình minh: bay về…”
19/ Duy Khánh (1936 – 2003)
Duy Khánh tên thật là Nguyễn Văn Diệp, còn có nghệ danh Tăng Hồng, Hoàng Thanh, ông vừa là ca sĩ vừa là nhạc sĩ.
Duy Khánh sinh ngày 1 tháng 6 năm 1936 tại làng An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị là con áp út trong một gia đình vọng tộc gốc thuộc dòng dõi Quận công Nguyễn Văn Tường đại thần triều Nguyễn.
Ông bắt đầu viết nhạc từ năm 1959, nhạc ông thường nói về tình yêu quê hương, mang hơi dân ca xứ Huế. Ông sáng tác khoảng hơn 50 ca khúc.
Trong các sáng tác của ông, chị em chúng tôi hay hát các ca khúc về Huế:
AI RA XỨ HUẾ: “Ai ra xứ Huế thì ra/ Ai về là về núi Ngự/ Ai về là về sông Hương/ Nước sông Hương còn thương chưa cạn/ Chim núi Ngự tìm bạn bay về/ Người tình quê, ơi người tình quê/ Thương nhớ lắm chi…Ai ra xứ Huế thì ra/ Ai về là về Vỹ Dạ/ Ai về là về Nam Dao… Bến Vân Lâu còn sâu thương nhớ/ Thuyền bến Ngự còn đợi khách về/ Người tình quê, ơi người tình quê/ Có nhớ xin trở về.”
SẦU CỐ ĐÔ “Đây cầu Gia Hội thuyền ai neo bến thương/ Đây chiều núi Ngự mờ sương/ Và đây Vỹ Dạ đêm trường/ Trăng về chưa ấm lại dòng Hương/ Thì ai bước lạc đôi đường/ Tìm về đây chắp nối tình thương… / Nam Giao chiều nao nắng đổ/ Về xuôi bến Ngự mang mang câu hò nghe nặng tình xưa/ Đêm nay, mưa về hoàng thành/ Vẳng tiếng ca cầm thêm chạnh lòng đau, anh hỡi anh…”
Vào những năm của thập niên 60 của thế kỷ trước, ở Huế nhiều người biết và hát nhạc của Duy Khánh.
20/ Trần Đình Quân (1939 – 2003)
Trần đình Quân tuổi Mậu Dần (1938), mặc dù trong khai sinh ghi là 1939. Thân phụ là cụ Trần đình Dần, người làng Tam Đa, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (bây giờ là Hà Tây). Thuở trai trẻ, cụ ở Hà Nội, làm việc tại toà soạn Báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khi tờ báo này bị đóng cửa, cụ chuyển vào Huế, hoạt động cách mạng một thời gian, với chức vụ Ủy Viên Kinh Tế Xã. Không thoát ly ra Bắc, cụ ở lại Huế làm cho tờ báo TIẾNG DÂN của Võ Như Nguyện. Thân mẫu là bà Bùi thị Uyển nổi tiếng nhan sắc một thời, người làng Mỹ Xá, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. (thông tin từ bcdcnt.net)
Trần Đình Quân sinh tại Huế, ông sáng tác chừng 20 tác phẩm.
Một thời tại miền Nam bài ca được các chàng trai xếp bút nghiêng lên đường tòng chinh hay hát:
BỎ TRƯỜNG MÀ ĐI: “Bỏ trường mà đi/ Ngoài kia cuộc đời réo gọi/ Bỏ trường mà đi,/ Bỏ lại đàng sau ánh mắt nụ cười/ Bỏ lại đàng sau những buồn vui một thời/ Này phấn trắng, này bảng đen/ Sao không lên tiếng? Sao cứ im lìm/ Hôm nay ai đưa ta đi, hôm nao ai đón ta về/ Ai đón ta về / Đường xưa ngập lá, dấu chân tìm đâu/ Bỏ trường mà đi !
BẤY GIỜ: “ Bây giờ có em theo đường bay phản lưc/ Trông mây vào sau những nẽo trời buồn/ Có chị khom mình dưới xe bọc sắt/ Cấy lúa trên từng vạt ruộng hoàng hôn/ Bây giờ có cha trong ngôi nhà sập/ Đứng giưa tro tàn dựng lại cột kèo/ Mẹ ngước mắt nhìn nương khoai rấy bắp/ Đầu ngọn tre làng gió cũng hòa theo/ Bấy giờ có có anh vừa buông tay súng/ Về giữa xóm quê vòng tay mở rộng/ Đàn bé vui mừng quấn quít bên chân/ Bấy giờ có tôi trong ngôi trường cũ/ Viên phấn trên tay kẽ đậm đề bài/ Chẳng cần gọi tên từng người trong sổ/ Lớp học từ nay không vắng một ai.”
Giữa những bài hát mang âm hưởng chiến tranh, ông có một bài dành cho Huế thật tuyệt vời: KHÚC TÌNH CA XỨ HUẾ. Bài hát được sáng tác khoảng năm 1958 ban đầu có tên là Niềm Thương Xứ Huế với tên tác giả là Trần Đa Mỹ (Đa là Tam Đa quê nội và Mỹ là Mỹ Xá quê ngoại). “Chiều nay ai có về miền thùy dương/Về miền có nắng hạ giữa mùa thu/ Về miền mây khắp trời giữa mùa xuân/ Về miền thơm ngát mùa hoa yêu đương/ Nam Giao đăm đăm mắt lặng nhìn/ Tóc bềnh bồng Bến Ngự chiều nay ai mong gió lên… Đêm nao nghe khúc Nam Bình buồn trên dòng đời xuôi ngược/ Đành lãng quên bao nhớ thương/ Đêm nay dư âm đang vọng về/ Trên lòng thuyền nghe não nuột/ Mơ hồ tiếng hát Giang Châu…”
21/ Trịnh Công Sơn(1939 – 2001)
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quê ở làng Minh Hương, tổng Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông lớn lên tại Huế. Lúc nhỏ ông học trường Provindence Huế, sau vào Sài Gòn theo học trường Jean Jacques Rousseau.
Năm 1961 ông học trường Sư Phạm Qui Nhơn. Sau khi tốt nghiệp ông dạy tại một trường tiểu học ở Bảo Lộc Lâm Đồng. Sau đó bỏ dạy về Sài Gòn và Huế sống và sáng tác.
Hiện nay chưa có thống kê chính xác về số tác phẩm để lại của ông (ước đoán con số không dưới 600 ca khúc). Tuy nhiên số ca khúc của ông được biết đến rộng rãi là 236 ca khúc (cả lời và nhạc).
Khoảng những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tôi thường nghe hai chị ngân nga: “Ngoài hiên mưa rơi rơi/ Lòng ai như chơi vơi/ Người ơi nước mắt hoen mi rồi/ Đừng khóc trong đêm mưa/ Đừng than trong câu ca… Từ nay thôi mờ/ Nước mắt buồn mi em ngây thơ” (ƯƠT MI)
Hoặc: “Thương ai về ngõ tối/ Sương rơi ướt đôi môi/ Thương ai buồn kiếp đời/ Lạnh lùng ánh sao rơi/ Thương ai về ngõ tối/ Bao nhiêu lá rơi rơi/ Thương ai cười không nói/ Ngập ngừng lá hôn vai…/ Thương ai về xóm vắng/ Đêm nay thiếu ánh trăng/ Đôi vai gầy ướt mềm / Người lạnh lắm hay không?/ Thương ai màu áo trắng/ Trong như ánh sao băng/ Thương ai cười trong nắng/ Ngại ngùng áng mây tan/ Ngại ngùng áng mây tan” (THƯƠNG MỘT NGƯỜI)
Lúc bấy giờ tôi chỉ là cô bé tám, mười tuổi, nhưng sao vẫn thấy buồn buồn.
Những năm cuối cấp ba, chuẩn bị cho kỳ thi tú tài 1 và tú tài 2 chúng tôi học nhóm. Nhóm gồm năm bạn: Mai Hoa, Yến Tuyết, Hướng Thiện, Quang Ngọc và tôi. Cuối năm đệ nhị (lớp 11 bây giờ), giờ học cuối chúng tôi hát hò cùng nhau. Hôm đó có người bạn của Quang Ngọc tham gia, bạn Trần Đại Hùng, bạn ấy đã hát tặng nhóm bài: MƯA HỒNG: “Trời ươm nắng cho mây hồng/ Mây qua mau em nghiêng sầu/ Còn mưa xuống như hôm nào em đến thăm/ Mây âm thầm mang gió lên… Em đi về cầu mưa ướt áo/ Đường phượng bay mù không lối vào/ Hàng cây lá xanh gần với nhau… Người nằm xuống nghe tiếng ru/ Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ/ Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.
Từ lời ca đến giai điệu cùng giọng hát ấm áp của người bạn mới quen làm tôi có cảm nhận khác hẳn về nhạc Trịnh Công Sơn như đã có qua các bài hát Ươt Mi hay Thương Một Người mà tôi đã nghe trước đây.
Sau Mậu Thân (1968) Mai Hoa rời Huế theo gia đình vào Sài Gòn học, hàng tuần Mai Hoa chép gởi cho tôi những bài hát của Trịnh Công Sơn: NẮNG THỦY TINH, NHƯ CÁNH VẠC VAY, CHIỀU MỘT MÌNH QUA PHỐ… Những bài ca làm tôi tò mò, thích thú tìm nghe.
Cũng vào nhứng năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, những quán cà phê của Huế hay bỏ nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, những bản nhạc ca tụng yêu thương, chống bạo lực chiến tranh cùng nói lên thân phận con người trong chiến tranh: ĐẠI BÁC RU ĐÊM, TÌNH CA NGƯỜI MẤT TRÍ, GIA TÀI CỦA MẸ, TA ĐÃ THẤY GÌ TRONG ĐÊM NAY, HÁT TRÊN NHỮNG XÃ NGƯỜI…
Ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn uyên áo, gợi hình ảnh mơ hồ, chẳng hạng như “nắng khuya chưa lên” mà một loài hoa chợt tím (Chiều một mình qua phố), “vết lăn vết lăn trầm” (Vết lăn trầm), “loài sâu ngủ quên trong tóc chiều” (dấu chân địa đàng) …Có nhiều người tìm cách giải thích các ca từ này, theo tôi cứ để người hát và người nghe hiểu theo cách của mình e rằng hay hơn. Phạm Duy cũng từng nói: “Toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác lẫn hồn thơ, nghe lãng đãng, mơ hồ, khó phân định cho đúng nghĩa”.
22/ Tôn Thất Lập (1942 – 2023)
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, với các bút danh khác là Trần Nhật Nam, Lê Nguyên,, sinh ngày 25 tháng 2 năm 1942 tại Huế là Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam và là Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam.
Trong chiến tranh Việt Nam, Tôn Thất Lập hoạt động trong phong trào âm nhạc Hát cho đồng bào tôi nghe, ông đã sáng tác các ca khúc và hợp xướng như: Hát cho dân tôi nghe, Dậy mà đi (phổ thơ Tố Hữu), Xuống đường (viết chung với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước), Hát trong tù, Lúa reo trên khắp đồng bằng… đã được hát trong phong tranh đấu của học sinh, sinh viên miền Nam. Sau đó, ông ra Bắc học tại Nhạc viện Hà Nội rồi quay vào Nam làm công tác văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
Tôi nghe nhạc Tôn Thất Lập lần đầu tiên cùng với các bài ca xuống đường: Dậy Mà Đi của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Tân. Tôi cũng nghe nhạc Tôn Thất Lập cùng với các bạn trong các đêm không ngủ hát cho dân tôi nghe. Tôi không tham gia các phong trào sinh viên nhưng thỉnh thoảng vì thích nghe nhạc nên đôi lúc đi nghe các bạn hát trong những đêm “hát cho dân tôi nghe”.
“Hát cho dân tôi nghe/ Tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát qua đêm thiên thu/ Lửa cháy trên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm/ Muôn cánh tay đang dậy lên/ Hát cho anh công nhân/ Xiềng xích như mây tan hoang/ Hát cho anh nông dân/ Bỏ cày theo tiếng loa vang…/ Hát cho sông không sâu cho tiếng kêu đò thật gần/ Hát cho đêm qua lâu cô lái đưa người vào bờ/ Hát sâu trong xa xưa tiếng hát Trưng Vương hồng thơm/ Hát vang danh Lam Sơn người cũng như/ mây lên non/ Hát cho trăm năm son sử vàng cũng biết môi thơm/ …Hát cho trăm năm son sử vàng cũng biết môi thơm/ Hát cho dân tôi nghe (HÁT CHO DÂN TÔI NGHE – Tôn Thất Lập).
Một hôm trong khu vườn yên ắng, em gái tôi ôm đàn ngồi hát: “Nửa đêm nghe xuân về/ Nghe đời lên rất trẻ/ Gọi tên anh thầm nhớ/ Lời ru em dạt dào… Mùa xuân đến thật lâu/ Mới hay tình ban đầu/ Như mùa hoa vừa nở/ Cánh én tung trời cao. Em đứng hát bên trời/ Hát tặng anh xuân này/ Bài ca của quê hương/ Bài ca của yêu… thương.” (TÌNH CA MÙA XUÂN). Thì ra ngoài những “bài ca xuống đường” ông còn có những bài hát về tình ca một thời.
Em tôi, cây đàn, bài tình ca, khu vườn yên ắng còn mãi trong tôi!
23/ Tôn Thất Lan
Nhạc sĩ Tôn Thất Lan là thầy giáo anh văn ở trường Phan Châu Trinh.
Tôi nghe nhạc Tôn Thất Lan qua những người bạn và qua các youtube. Nhạc ông vui buồn, hân hoan, rạng rỡ đều có, đôi lúc tôi cảm nhận ở nhạc Tôn Thất Lan niềm nuối tiếc, cảm thương.
Hai bản nhạc sau đây đã làm tôi thổn thức: MỘT LẦN LÀ TRĂM NĂM (phổ thơ Đông Trình “Giữa phố chiều nay người qua đây/ Thiếu phụ nào đây sau chiếc xe quay/ Lăn thật buồn như câu hát/ Lăn thật đều như cơn say, như cơn say/ – Giữa phố chiều nay người qua đây/ nằm trên băng ca vải bọc rất dầy/ Có riềng ai reo như là khóc/ Máu còn hồng, ôi chưa phai. Ôi chưa phai – Thưa
mẹ, thưa mẹ con đã về nhà/ Ngồi trên xe lăn từng vòng xót xa/ Thưa me, thưa mẹ con đa về gần/ Dù chẳng còn đôi chân/ Thưa mẹ, thưa mẹ con đã về thăm.”
Và LÀM SAO KHÔNG NHỚ KHÔNG THƯƠNG “Đây tiếng sông Hương/ Ôi sao dễ thương ngọt ngào đến thế/ Giọng Huế ai ca du dương thanh thoát lạ thường/Như gió giữa đồi Thiên An chiều nắng xế/ Đêm tàn Bến Ngự, xứ Huế mù sương, về miền Trung, áo tím qua cầu vấn vương/ Hẹn một ngày về nhớ Huế mỏi mòn bao kể xiết/ Ta với Hoàng Thành bờ đá dựng/ Ôi tiếng sông Hương nghe vẫn nặng tình thương…”
24/ Nguyên Minh Khôi
Nguyên Minh Khôi là nghệ danh của thầy giáo Vĩnh
Khôi, thầy dạy Anh văn và Triết tại trường Hàm Nghi Huế và trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng.
Tôi biết đến nhạc của Nguyên Minh Khôi qua bài CƠN MÊ CHIỀU. Lần đầu nghe ca khúc này qua giọng hát của chị Ba rất buồn: “Chiều nay không có em/ Mưa non cao về dưới ngàn/ Đàn con nay lớn khôn/ Mang gươm dao vào xóm làng/ Chiều nay không có em/ Xác phơi trên mái lầu/ Một mình nghe buốt đau/ Xuôi Nam Giao tìm bóng mình… Đường vào Thành hàng cây trơ trụi lá/ Đồi Ngự/ Bình thịt xương khô sườn đá/ Kim Long ơi, bờ lau ngóng chuông chùa tắt rồi/ Một lần thôi nhưng còn mãi/ Và chiều nay không có em/ Đường phố chẳng lên đèn…”
Về sau qua giọng ca Thái Thanh đã đưa tôi trở về Huế tan thương, tan tác… dù tôi đang ở bất cứ đâu.
Nguyên Minh Khôi còn có bài HUẾ MÙ SƯƠNG: “Huế bây giờ buồn lắm không em/ Tháng đông dài mưa lạnh buồn đêm đen/ Và đường khuya thành phố có lên đèn/ Đã lâu rồi anh không về thăm Huế/ Chân theo chân nhặt bóng nắng đường dài/ Giọt nắng ru vàng giấc ngủ ngày mai…/ Đã lâu rồi anh không về thăm Huế/ Từ độ nào thành phố chết đêm xuân/ Huế bây giờ buồn lắm không em/ Huế bây giờ buồn lắm không em/ Huế bây giờ buồn lắm không em/ Huế bây giờ buồn lắm”
Với Cơn Mê Chiều, Nguyên Minh Khôi đã làm ta đau và còn đau mãi… Với Huế Mù Sương Nguyên Minh Khôi làm ta buồn và còn buồn mãi…
25/ Nguyễn Tư Triệt (1941 – )
Nhạc sĩ Nguyễn Tư Triệt là thầy giáo của trường đại học Sư phạm. Tôi nghe nhạc của ông qua trang Art2all.net và qua youtube. Về sau đôi lần về Huế tôi được gặp tác giả cùng phu nhân trong nhóm cà phê hay ngồi ở Liễu Quán.
NHƯ LÀ MƯA SA: “Có những lúc ta lặng nghe như quanh đây trong cơn mưa về/ Chuyện buồn vui cuộc trần thế theo chân người đi về đâu đó/ Mưa trên những con đường quen trong cơn mơ đưa chân em về/ Một ngày vui chưa kịp tới đã nghe chừng ngút ngàn xa xôi… Tiếng mưa đều rơi rơi hiền hòa/ Mưa âm thầm như lời cỏ lá/ Tình sầu như từ cõi vô cùng/ Theo mưa về từ ngàn năm qua”.
SẦU ĐÔNG TRƯỚC NGÕ: “Nhớ hôm nào hẹn em đến chơi/ Gió mơn hoa sầu đông trước ngõ/ Con bướm bay nhỏ cánh xinh xinh/ Trong vườn anh dịu cơn gió chiều…Nhưng chân em chần chừ không lại/ Hương xoan bay một thời thơ dại/ Theo mỗi năm sầu đông trổ hoa”
26/ Miên Đức Thắng (1944 – )
Miên Đức Thắng (tên thật: Phan Văn Thắng, sinh năm 1944) là một nhạc sĩ kiêm ca sĩ nhạc phản chiến người Việt Nam. Ông là thành viên của phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe, nổi tiếng với tập nhạc Hát từ đồng hoang – nguyên nhân Việt Nam Cộng hòa biệt giam và xử án ông trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam.
Tác phẩm của ông gồm các tập nhạc
1/ Tập nhạc Hát từ đồng hoang, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn xuất bản (1966 hay 1967), gồm 10 bài hát:
Bài ca về người
Đêm nghe người rồi
Gọi quê hương mà nhớ
Hát từ đồng hoang
Lời ru (thơ Đỗ Hồng Ngọc)
Mẹ ơi nuôi con lớn để con làm tù binh
Sáng mai chim hót
Tiếng ca trên vùng đất khô
Tình ca cho mẹ
Viên đạn
2/ Tập nhạc Lớn mãi không ngừng (1966)
3/ Bài khác:
Đất nước cần trái tim ta
Một sáng con về (ý thơ Tường Linh)
Ngày xuân dưới mái học đường
Tôi – sông là bến đò
Nhạc trị liệu
Để nghe hờn dỗi nhuộm lòng
Độc quyền tro bụi
Lạ lùng
Mai kia lòng độ lượng
Trùng tu giọt lệ
Ban đầu tôi biết Miên Đức Thắng với vai trò ca sĩ qua các bài hát của Phạm Thế Mỹ như: Đưa em về quê hương, Bóng mát, Người về thành phố…
Về sau tôi nghe thêm những bài hát do ông sáng tác như MỘT SỚM CON VỀ: “Một sớm con về đồng lúa Việt Nam/ thoát từng lưới đạn/ Đầu làng trăng sáng/ Nhà ai chung vườn/ khói bếp mến thương”…
Gần đây thỉnh thoảng tôi lại được nghe ông hát trong các buổi họp mặt thân hữu bài hát: MAI KIA LÒNG ĐỘ LƯỢNG: Mai kia lòng độ lượng, chảy về những bến sanh, mai kia lòng độ lượng, thu về chốn hư không”… “Mai kia lòng độ lượng, chảy về cõi mong manh /Hôm nay lòng độ lượng, ngồi lại trên bến sanh, nhẹ nhàng…”,
27/ Nguyễn Phú Yên (1946 – )
Nhác sĩ Nguyễn Phú Yên sinh năm 1946 tại An Truyền, Phú An, Phú Vang, Thừa thiên Huế. Sau khi tốt nghiệp đại học Sư phạm và đại học Văn khoa Huế (1969) ông vào dạy học ở Phan Thiết.
Tôi nghe nhạc của ông phần lớn qua youtube.
GỞI HUẾ THÂN YÊU: “Lâu rồi xa quê mẹ miền Trung nắng cát vàng / Tiếng ru hời xứ Huế một thời mãi âm vang / Đường đời con xuôi ngược xa xôi chưa kịp về / Hẹn hò cùng sông nước một ngày về thăm quê… Yêu làng quê đất tổ từng nắm đất cha ông / Từ hàng tre bụi chuối đắng cay mẹ cầm lòng / Chiều nay gửi về mẹ tấm lòng con nhớ thương / Chim nào xa xứ Huế vẫn mang tình cố hương / Chim nào xa xứ Huế vẫn mang tình cố hương…”
MÀU HOA BẮP LAY (phổ thơ Trần Hữu Lục): “Xa Huế nhớ mùa hoa bắp lay/ Trong giấc mơ có bóng mẹ gầy/ Lời mẹ ru con bên cồn cát/ Tóc mẹ chừ như mây trắng bay… Hoa bắp cồn ôi chiều nay hắt hiu/ Lời mẹ ru con nhớ quá mẹ yêu/ Mẹ dịu dàng trong từng nỗi nhớ / Con mãi còn màu hoa bắp lay”.
Trong các tác phẩm của ông mà tôi đã nghe, tôi thích hơn hết là bài: THUYỀN EM ĐI TRONG ĐÊM. Thuyền em đi trong đêm lời nhẹ nhàng gợi hình ảnh, giai điệu êm đềm gợi nhớ thương. “Đêm nay đêm nay có thuyền em đi/ Thuyền trôi nhanh đến nơi đầu sông/ Đường đêm lấp lánh sao trời/ Mà em vui vững lòng đi tới/ Mong ước sao được thấy người… Như bước chân anh in trên ruộng đồng/ Những ngày nắng hồng, những chiều gió đông/ Reo mừng chiến thắng, anh mới vừa lập công/ Có em một lòng thương yêu đứng mãi bên đời anh đây”.
28/ Võ Tá Hân (1948 -)
Nhạc sĩ Võ Tá Hân (Pháp Danh Minh Hoan) sinh tại Huế năm 1948 và lớn lên ở Sài gòn, trong khi học trung học tại trường Nguyễn Trãi (1960-67), anh cũng học thêm về guitar cổ điển với giáo sư Dương Thiệu Tước tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn (1962-67) Du học Hoa Kỳ từ năm 1968. Ông còn là một doanh nhân. Ông Sáng tác hơn 500 ca khúc phổ thơ và đã phát hành 30 CD gồm các tình khúc, ca khúc Phật giáo, Trường Ca, Thiền Ca,v.v… Hiện định cư ở Singapore từ 1981.(Theo hopamviet.vn)
Tôi nghe nhạc Võ Tá Hân khá muộn, vào năm 2005 quà về hữu cho tôi của một đồng nghiệp là hai đĩa nhạc gồm những bài hát của Võ Tá Hân, đa phần là những bài hát về Huế: BÀI THƠ CHO HUẾ (thơ Hoài Trinh), ĐÂY THÔN VỸ DẠ ( thơ Hàn Mặc Tử), RẤT HUẾ (thơ Huỳnh Văn Dung) , GIỌNG HUẾ (thơ Tô Kiều Ngân), HUẾ NGỌC (thơ Vương Ngọc Long), MƯA CALI NHỚ THÀNH NỘI (thơ Phạm Ngọc), THƯƠNG NHỚ CỐ ĐÔ (thơ Phạm Ngọc), CÙNG VỚI NƯỚC MÂY (thơ Phan Như Quang Minh), ĐÊM HƯƠNG GIANG (thơ Huỳnh Văn Dung), KHI TRỞ LẠI TRƯỜNG CŨ (thơ Huỳnh Văn Dung).
Trong các bài hát của ông tôi vẫn hay nghe: BÀI RU THỜI CHIẾN: “Đông phương một cánh tay gầy/ Mẹ ru con ngủ giấc này nghe con/ Môi phai nhạt vết son buồn/ Mày đan thanh mẹ không còn điểm tô… Thê nhi tội lắm bây giờ/ Lang thang phố chợ mong gì tương lai/ Tay nâng chén rượu ngang mày/ Tin xuân chớ để cho lòng đắng cay”.
Hoặc bài: ĐỔI CẢ THIÊN THU TIẾNG MẸ CƯỜI (phổ thơ Trần Trung Đạo): “Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người/ Tiếng ai như tiếng lá thu rơi/ Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ/ Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi/ Hôm ấy con đi chẳng hẹn thề/ Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê/ Mười năm tóc mẹ màu tang trắng/ Trắng cả lòng con lúc nghĩ về/ Con đi góp lá ngàn phương/ Đốt lên cho đời tan khói sương… Nghe tiếng me ơi, bỗng lặng người/ Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi/ Ví mà con đổi thời gian được / Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười”.
29/ Lê Tín Hương (1949 – )
Nhạc sĩ Lê Tín Hương là nữ nhạc sĩ sinh ngày 18 tháng 3 năm 1949 tại Huế. Theo học nhạc cùng giáo sư Lê Quang Nhạc. Bắt đầu sáng tác năm 1970.
Theo Triệu Thần viết: Lê Tín Hương và những niềm riêng, đăng trên Trang Mạng Đặc Trưng:
“Lê Tín Hương sinh năm 1949. Cô học trò xứ Huế xưa vẫn còn cái vẻ e thẹn khi nói về những ca khúc của mình, ngay cả với người quen. Hai mươi mốt tuổi, chị bắt đầu viết nhạc. Với cái vốn thanh nhạc học rất bài bản, những ca khúc của chị ắt hẳn không tệ về mặt âm điệu. Nhưng có lẽ, cái đặc trưng trong nhạc của chị nằm ở phần ca từ, mà đôi khi, có người cảm thấy là … hơi chán. Vậy mà không có bao nhiêu người biết hoặc nghe về Lê Tín Hương, mãi cho đến khi chị phát hành hai đĩa nhạc đầu tiên của mình, Có Những Niềm Riêng và Dòng Đời Mong Manh, với những giọng hát gạo cội trong làng âm nhạc Việt Nam như Duy Trác, Bạch Yến, Thái Hiền góp phần trình diễn …” (nguồn: bcdcnt.net)
Tôi nghe nhạc của Lê Tín Hương qua youtube. Những bài hát tôi thích nghe: CÓ NHỮNG NIỀM RIÊNG: “Có những niềm riêng làm sao nói hết/ Như mây như mưa như cát biển khơi/ Có những niềm riêng làm sao ai biết/ Như trăng trên cao cách xa vời vợi – Có những niềm riêng lệ vương khóe mắt/ Như cây sau mưa long lanh giọt sầu/ Có những niềm riêng làm tim thổn thức/ Nên đôi môi xinh héo hon nụ cười… Có những niềm riêng một đời dấu kín/ Như rêu như rong đắm trong biển khơi/ Có những niềm riêng một đời câm nín/ Nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi”
Hoặc BÓNG CŨ CHIỀU MƯA: “Ngoài kia mưa đang rơi buồn ơi sao lại tới/ Nhìn bóng nước ngả nghiêng/ Theo dòng mưa nghe chơi vơi / Tiếng mưa nhè nhẹ trong hoang vắng / Như tiếng lòng ai gọi cố nhân… Ngoài kia mưa thôi rơi tình xưa như là mới / Còn nhớ thế mới hay / Trong lòng vương vương thương yêu/ Biết bao mùa lạnh trong cô lẻ/ Mơ hoài hình bóng cũ chiều xưa”.
30/ Phạm Ẩn Lan (1954 – )
Nhạc sĩ Phạm Ẩn Lan có tên thật là Phạm Thị Lộc, sinh quán tại Huế. Phạm Ẩn Lan vừa là ca sĩ vừa là nhạc sĩ, chị phổ thơ của nhiều tác giả. Phạm Ẩn Lan làm tập “ TÌNH KHÚC ẨN LAN HÁT TẶNG ĐÓA TƯỜNG VI” với lời bạt:
“Những bài hát này được viết ra từ thoáng rung động bất chợt của trái tim khi tác giả bắt gặp đâu đó một câu thơ, một tứ thơ hay từ những bài thơ của bạn bè gởi tặng.
Có lẽ đây dù là một kiểu hát thơ, một cách viết của người “ngoại đạo” không hề ảo tưởng mình là nhạc sĩ.
Nhưng dù sao chúng cũng đã tượng hình trong dạng văn của ca khúc, cho dù giai điệu có nghèo nàn và khúc thức khá giản đơn.
Tuy vậy tác giả vẫn mong tìm thấy sự đồng điệu của người thưởng lãm, thẩm thấu những cung bậc âm thanh này trong sự lắng đọng của tâm hồn yêu âm nhạc.”
Tôi nghe nhạc của Phạm Ẩn Lan qua youtube và qua facebook.
MỘT CHÚT MÂY (thơ Phạm Công Thiện): “Rất nhiều buồn và một chút đau/ Em chợt hiện về trong chiêm bao/ Chiều Paris hò hẹn hôm nào/ Tưởng gặp nhau mà không thấy nhau…”
ĐIỀU CHI MUỐN NÓI (thơ Nguyễn Kim Huy): “bông hoa có điều chi muốn nói/ mà ngập ngừng tỏa hương/ con tim có điều chi muốn nói/ mà ấp úng đến thương/ ban mai ơi có điều chi muốn nói/ mà lặng lẽ lau những gì nước mắt đêm/ em có điều chi muốn nói/ sao lặng yên.
Nhạc Phạm Ẩn Lan lúc sâu thẳm, lúc nhẹ vợi, tôi đã nghe và có úc thấy được tác giả muốn nói gì.
31/ Diệu Hương (1955 – )
Diệu Hương tên thật Lê Thị Diệu Hương sinh ngày 26 tháng 10 năm 1955 tại Huế trong một gia đình có 13 người con mà cô là con gái duy nhất. Sau nhiều lần vượt biên không thành, cuối cùng Diệu Hương và gia đình sang Mỹ vào năm 1990 theo diện HO.
Cô phát hành chừng 7 CD, tác phẩm của cô khoảng chừng 60 bài hát.
Tôi nghe nhạc Diệu Hương lần đầu qua bài “MÌNH ƠI” do Ý Lan hát: “Đôi chim là chim ríu rít trên cành/ Em yêu là yêu tiếng gọi của mình là mình mình ơi/ Đêm qua thao thức bùi ngùi/ Nhìn/ quanh là em không thấy mặt người là người mình thương… Cây xanh là xanh lá vẫn tươi màu/ Riêng em là em héo tàn nhạt nhoà là nhoà tình xuân…Đôi chim gẫy cánh ớ giữa đường/ Từ nay là chăn gối ngậm ngùi là ngùi tiếc thương… Đôi chim gẫy cánh ớ giữa đường/ Từ nay từ nay là em thôi hết được gọi mình/ Được gọi mình là mình mình ơi…”
Tôi vẫn nghe nhiều lần bài CHO DÒNG SÔNG CUỐN TRÔI: “Hạnh phúc kia ôi chỉ là một giấc mơ sao kỳ lạ/ Em đến cho vui cuộc đời chờ mau nắng qua hồn tôi/ Từng tiếng yêu thương ngập ngừng cùng gió reo lời thì thầm/ Lùa nắng lên cho tình hồng rồi băng giá như mùa đông… Ngày tháng tôi quay nhìn lại còn vẫn đâu đây ngậm ngùi/ Từ sớm mai khi tỉnh dậy chợt như thấy em còn đây/ Còn giữ trong tôi một thời một ký ức xa vời vợi/ Tôi cố quên đi một người dòng sông cuốn trôi tình tôi/ Tôi cố quên đi một người dòng sông cuốn trôi tình tôi/ Tôi cố quên đi một người dòng sông cuốn trôi tình tôi”.
Dòng nhạc của Diệu Hương êm ả, có lúc đưa tôi về bên dòng sông thơ ấu mến yêu, có lúc đưa tôi đong đưa theo nhịp sầu rất nhẹ nhưng nhớ mãi.
***
Viết về những nhạc sĩ gốc Huế – Quảng Trị thế nhưng tôi luôn nhớ đến hai nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Lê Hữu Mục, hai nhạc sĩ mà tôi luôn nghĩ rằng đó là Huế dù rằng các vị có quê quán không phải là Huế hay Quảng Trị, một sự “nhìn lạm” đáng xấu hỗ của tôi. Mong tất cả thứ lỗi vì nhạc phẩm của hai nhạc sĩ này là những trước tác bất hủ của Huế.
Dương Thiệu Tước (1915 – 1995)
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sinh ngày 15 tháng 5 năm 1915, quê ở làng Vân Đình, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hoà, Hà Nội. Ông xuất thân trong một gia đình nho giáo, là cháu nội của nhà thơ Dương Khuê. Dương Thiệu Tước là người gốc Bắc, những tôi xin mạo muội “nhìn lạm” là nhạc sĩ của Huế do hai bài hát “Đêm Tàn Bến Ngự” và “Tiếng Xưa” của ông đã thấm sâu vào tâm hồn tôi những âm giai của Huế thật sang trọng và tao nhã đến độ có ai hỏi người nhạc sĩ Huế yêu thích của chị là ai tôi không ngần ngại trả lời là Dương Thiệu Tước.
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với nhạc Dương Thiệu Tước qua bản “BẾN XUÂN XANH”. Tết năm 1963 cha tôi lâm bệnh nặng, một người bạn chí cốt của ông là bác Chương làm ở hãng sơn Đông Á từ Sài Gòn về chơi ở lại ăn Tết cùng gia đình tôi. Mỗi tối, trước hiên nhà, hai ông một người chơi guitar, một người chơi madolin, họ hòa tấu và hát cùng nhau.
“Ngày xuân êm ấm/ Nắng xuân tưng bừng/Hoa phô màu thắm/ Bướm bay quyến luyến hoa dịu dàng/ Bầy chim ríu rít vui ca trên cành… Hồ xuân duyên dáng, sóng xuân nhẹ nhàng/ Lướt trên làn nước/ gió đưa thuyền trôi về bến xuân xanh/ Mái chèo nhịp nhàng buông theo dòng nước /Sóng lan mơ màng…”
Những lời ca làm cô bé 13 tuổi xôn xao chào đón mùa xuân mới, tôi như bay lên cùng những nàng tiên trên mặt nước hồ mùa xuân xanh thắm.
Vào một chiều mưa bên hiên nhà tôi nghe chị Hai hát: “Ai về bến Ngự cho ta nhắn cùng/ Nhớ /chăng non nước Hương Bình/ Có những ngày xanh/ Lưu luyến bao tình, Vương mối tơ mành/ Hàng cây soi bóng nước Hương/ Thuyền xa đậu bến Tiêu Tương/ Lưu luyến thay phút say hương dịu buồn./ Nhưng thoảng nghe khúc ca Nam Bình sầu than/Như nức nở khóc duyên bẽ bàng/Thấp thoáng trăng mờ,/ Ai than ai thở đời vui chi trong sương gió/ Ai nhớ thương ai/ Đây lúc đêm tàn, tình đã lạt phai”… Một nỗi buồn man mác len lén, len lỏi vào tâm hồn cô gái mới lớn là tôi.
Sau này nghe ca sĩ Thanh Thúy réo rắt: “Thuyền ơi đưa ta tới đâu/Tìm trăng, trăng khuất đã lâu/ Sương xuống trên bến cô liêu, thêm sầu./ Bèo nước gió mây đêm ngắn tình dài./ Có ai nhớ, ai nơi giang đầu”, tôi mới thấy rằng cho đến lúc này không có bài hát nào về Huế có thể hay hơn bài “ĐÊM TÀN BẾN NGỰ” và theo tôi cũng chưa có ai hát bài này hay hơn ca sĩ Thanh Thúy (chỉ là ý của riêng tôi).
Lê Hữu Mục (1925 – 2017)
Nhạc sĩ Lê Hữu Mục sinh ngày 24 tháng 11 năm 1925 tại làng Lưu Phương, thị trấn Phát Diệm.
Giáo sư Lê Hữu Mục là tác giả và dịch giả nhiều sách nghiên cứu về văn học, từ cổ văn như Ức Trai Thi Tập cho tới tân văn như biên khảo về các nhà văn Tự Lực Văn …
Về nhạc phẩm hình như Lê Hữu Mục chỉ có một tác phẩm duy nhất là “HẸN MỘT NGÀY VỀ Về”. Hẹn Một Ngày Về là một bài hát về Huế mà tôi rất ưa thích. Ca từ nhẹ nhàng, gợi cảm, giai điệu ấm áp và giàu cảm xúc. Bài hát này tôi nghe lần đầu tiên qua giọng hát của một người bạn thuở ấu thơ, và tôi nhớ mãi. Cho dù nhạc sĩ Lê Hữu Mục là người gốc Bắc nhưng tôi xin được “nhìn lạm” thêm một lần vì ông chỉ làm một bản nhạc thôi, nhưng lại là một bản nhạc mang âm hưởng Huế sâu đậm. “Về đây trong hoa lá hỡi cánh chim giang hồ/ Về đây trong hương sắc thắm tươi, say mơ/ Huế, lờ lững giòng Hương/ Năm tháng còn vương lời ai mong chờ/ Huế, trong tiếng dịu êm/ Cô lái bên sông còn vang lời thơ…
Âm nhạc là sự kết hợp giữa âm thanh và tiết tấu theo định nghĩa của nhạc sĩ Tôn Thất Tiết, thầy dạy âm nhạc thời trung học. Âm thanh và tiết tấu kết hợp làm nên những bài ca, những bài ca đi vào tâm hồn, nó chia sẻ cùng tôi bao buồn vui, sướng khổ… Xin cảm ơn các nhạc sĩ đã xướng lên những cung bậc của tình yêu có niềm hân hoan cũng có niềm đau buốt.