Nghĩ về lòng biết ơn và lòng nhân hậu

Hà Nhật

Hình như có người một lần kia hỏi thầy của mình:

– Thưa thầy, trong các thói xấu của con người, điều gì là tệ nhất?

– Sự vô ơn.

– Sao thế ạ?

– Đối với người làm ơn cho mình mà còn tệ bạc, thì còn có thể tốt với ai!

– Thế thì tính tốt nhất của con người là gì ạ?

– Đức khoan dung nhân hậu.

Ngẫm lại thấy đúng thật.

Chợt nghĩ về thế kỷ 15. Lúc ấy, gặp lúc “họ Hồ chính sự phiền hà”, triều đình nhà Minh đã phái Trương Phụ mang đại quân sang nước ta, lấy cớ là diệt nhà Hồ, phù hộ nhà Trần lấy lại quyền lực. Thực chất đây là một đạo quân xâm lược.

Có mấy ông họ Trần, không biết do ngu dại hay do tham lam, tưởng đó là thật. Họ lập vua, rồi cho người tìm xin vào gặp Trương Phụ.

Thế là lịch sử đã tạo nên một người anh hùng đặc biệt: NGUYỄN BIỂU.

Ông vốn quê xứ Nghệ, là một trong những người đầu tiên như Đặng Dung, Đặng Tất… dựng nên một triều Trần với minh chủ là vua Trần Trùng Quang.

Chính ông đã nhận lênh vị vua Trần này đên gặp Trương Phụ khi tên này đóng quân tại Nghệ An. Biết mình như đã đi vào chuồng hổ báo, vị sứ giả này chuẩn bị sẵn cho mình một tâm thế anh hùng.

Nghe nói, để dằn mặt vị sứ giả người Nam, ngay trong buổi đầu, Trương Phụ cho dọn để mời ông một món đặc biệt: một cỗ đầu người!

Cũng nghe nói, Nguyễn Biểu đã mặt không hề đổi sắc, cầm đũa gắp ngay vào món ăn, rồi kêu to lên:

– Ngon quá, ta lần đầu được ăn thịt người phương Bắc.

Rồi ông ứng tác luôn:

Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi,
Gia hào thêm có cỗ đầu người.
Nem công chả phượng còn thua béo,
Thịt gụ gan lân hẳn kém tươi
Cá lối Lộc Minh so cũng một,
Vật bày thỏ thủ bội hơn mười.
Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn,
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời!

Tôi không dám nghĩ rằng đây đích thực là sáng tác của Nguyễn Biểu, bởi ngay sau bữa ăn ấy thì ông đã bị Trương Phụ sát hại ngay, theo một cách thức vừa tàn bạo, vừa rất đê hèn.

Y cho trói vị sứ giả nhà Trần vào cây cột dưới chân cầu, để cho nước theo thủy triều từ từ dâng lên…

Sau cái chết vừa đau đớn vừa anh hùng này của Nguyễn Biểu, có lẽ tất cả đã sáng mắt ra. Đừng bao giờ tin vào lòng tốt của bọn xâm lược. Trăm nghìn năm trước chúng đã tàn bạo và trí trá, trăm nghìn năm sau vẫn trí trá và tàn bạo!

Trong hơn hai mươi năm (1406-1428), quân giặc Minh đã gây ra bao tội ác tày trời

Lẽ nào trời đất dung tha

Ai bảo thần nhân chịu được

Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội

Nhơ bẩn thay, nước Đông Hải khôn rửa hết mùi

Vậy mà thật lạ lùng, đến cuối cuộc chiến, trên đà thắng lợi như chẻ tre, đạo quân chính nghĩa của Vua Lê Lợi sẵn sàng cho bọn hàng binh yên ổn về nước, lại cấp ngựa cấp thuyền, cấp đồ ăn cho:

Ra đến bể chưa thôi trống ngực

Về đến Tàu còn đổ mồ hôi

Còn việc sau này nữa. Ấy là khi Trung Quốc đã bị xâm chiếm bởi một ngoại bang từ Mãn Châu mà lập nên nhà Thanh, thì Nhà Minh mất ngôi, mất nước. Người cũ của nhà Minh chạy đi đâu? Còn chạy đâu nữa!

Vua ta, dân ta, sẵn sàng mở vòng tay đón kẻ thù cũ nay đã thành kẻ ti nạn. Ta đã độ lượng cưu mang cho họ phương tiện, đất đai để làm ăn, lập nên những xóm làng được gọi là Minh Hương!

Chỉ người thực sự có sức mạnh, thực sự nhân nghĩa làm vậy.

Thương người như thể thương thân, ấy là nhân nghĩa Việt Nam:

Ăn mày là ai, ăn mày là ta,

Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày.

Ấy là lòng nhân Việt Nam.

Còn nhớ hơn bốn mươi năm trước, một gã đại hán đã hét lên:

Phải dạy cho Việt Nam một bài học!

Cuối cùng thì ai dạy ai, mọi người đã biết.

Không ai “dạy” được cho người Việt Nam đâu, bởi người Việt Nam biết tự dạy mình, không phải nhờ đến ai đâu! Có lẽ bọn hung hăng kia phải học lại những bài học thấm thía từ những Hàm Tử, Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa…

Thế giới ngày nay đang có những chuyện mù mờ, có lúc “chân lí mờ như sương”, có không ít kẻ cũng đang dùng súng đạn để “dạy học” người ta. Họ cũng muốn dùng mồi này mồi nọ để dạy ta.

Mussolini, Hitler… có thể lừa dân Ý, dân Đức vài năm, mươi năm, không thể lừa mãi mãi.

Xét về đại cuộc, chân lý luôn luôn thuộc về nhân dân!

Comments are closed.