Nhà thơ – dịch giả – nhà văn hoá Dương Tường như tôi biết

Hoàng Hưng

image_6487327

Từ tối hôm qua, ngay sau khi cái tin Dương Tường ra đi vào lúc 20 giờ 8 phút ngày 24/2/2023, một xúc cảm hiếm thấy đã lan truyền khắp các phương tiện truyền thông chính thức và các tài khoản mạng xã hội.

Trong cuộc đời 91 năm của ông, có gần 60 năm đóng góp đáng trân trọng cho văn học nghệ thuật Việt Nam.

Trước nhất là sự nghiệp dịch văn học của ông đã được ngưỡng mộ rộng rãi. Không ít nhà văn và người yêu văn chương Việt Nam đã được khai tâm mở trí nhờ đọc những tác phẩm văn học thế giới mà ông chuyển tiếng Việt. Điều cần nói là: ngoài những tác phẩm kinh điển đã chinh phục đông đảo người đọc nhờ tài hoa của bản dịch như Anna Karenina, Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, Lolita…, dịch giả Dương Tường là người tiên phong đưa đến cho bạn đọc Việt Nam những tác giả cách tân không dễ đọc như Chết chịu (Louis-Ferdinand Céline), Đi tìm thời gian đã mất (Marcel Proust), Phố những cửa hiệu u tối (Patrick Modiano)…

Thật khó hình dung thành công ấy ở một người tự học, một người lính chống Pháp học chưa hết trung học cơ sở, sau trận đánh nào cũng tha thẩn đi tìm chiến lợi phẩm là những quyển sách tiếng Pháp, trong túi lúc nào cũng sẵn cuốn từ điển… để rồi trở thành một con người uyên bác hiếm có về văn hoá thế giới ở miền Bắc Việt Nam trước 1975.

Kiến văn uyên bác ấy là cơ sở cho thành công của ông trong việc chuyển ngữ trên 50 tác phẩm đa dạng của văn học thế giới. Kiến văn của Dương Tường trải rộng nhiều bộ môn nghệ thuật, từ âm nhạc, kịch, điện ảnh, đến mỹ thuật, đặc biệt là hội hoạ. Ngoài dịch thuật, ông đã góp phần thúc đẩy sự cách tân, hiện đại hoá trong các ngành nghệ thuật Việt Nam qua những bình luận súc tích, trí tuệ, nhất là những bài giới thiệu những hoạ sĩ trẻ như nhóm năm người (Gang of Five) ở Hà Nội (Đặng Xuân Hoà, Trần Lương, Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Phạm Quang Vinh). Nhiều người ngoài giới nghệ thuật gần đây mới biết đến những tạp văn phong phú của Dương Tường qua cuốn Chỉ tại con chích choè.

Một điều cốt lõi mà ông luôn nhấn mạnh trong nghiệp dịch thuật: dịch giả phải là “đồng tác giả”. Vì dịch hay không chỉ nhờ giỏi tiếng bản gốc, mà phải nhờ giỏi tiếng bản đích. Tức phải giỏi tiếng Việt! Tức dịch giả tiếng Việt phải là nhà văn, nhà thơ Việt! Phải làm CHỮ VIỆT!

Trả lời các cuộc phỏng vấn, Dương Tường luôn khẳng định cái nghiệp của đời ông là nghiệp CHỮ. Nói thế, là nhất quán với việc ông tự coi cốt cách của mình là người làm THƠ. Giống như các bạn ông đã nói: “Làm thơ là làm tiếng Việt” (Trần Dần), “(mình là) Phu Chữ” (Lê Đạt).

Dương Tường từng tuyên bố: (Thơ nằm ở) “Ngôi vị tối thượng”.

Bạn đọc chưa biết nhiều về Thơ Dương Tường, ngoài mấy bài phổ biến nhờ Phú Quang phổ nhạc (Tình khúc 24, Serenade). Thơ ông là sự tìm tòi, cách tân táo bạo trong thập niên 1960 ở miền Bắc, với thi pháp ÂM BỒI.

Nói cách khác, ở thơ các bạn đó là mặt chữ nhìn “thẳng” còn tôi là ở mặt chữ nhìn “nghiêng”. Tôi nghĩ sức gợi của thơ mình nằm ở mặt chênh đó, nó nảy lên một cái gì giống như âm bồi (son harmonique) trong âm nhạc vậy. Tôi muốn đi theo một thi pháp âm bồi nếu có thể gọi thế. Và nếu như những câu thơ tôi có một nghĩa nào đó thì là do các âm chữ hắt ánh lên thành một thứ cầu vồng trên mặt chữ mà thôi. (trả lời tạp chí Sông Hương).

Mấy năm trước, sinh nhật thứ 85 ông, trong 36 bức tranh triển lãm có bức “tranh chữ” của tôi,

VỊNH DƯƠNG TƯỜNG

Nhìn đời bằng con mắt trái tim

Anh cứ đứng về phe nước mắt.

Nước mất anh thành người lính

Giữa chiến trường cuốn sách đến tìm anh.

Trở thành sứ giả hoà bình

Đem tiếng nói năm châu kết nghìn năm tiếng Việt

Con chữ con âm con hình con bóng

Những ngón tay mưa trên mái Dương Tường

85 năm ròng se sẽ mùi hương.

Tôi tìm cách “đúc” cuộc đời và tính cách người anh đa tài, đa tình trong mấy câu giả thơ ấy, dựa vào những câu chữ của chính anh: tuyên ngôn “đứng về phe nước mắt”, thi liệu “con âm”, và những câu thơ: “những ngón tay mưa/ dương cầm trên mái”, “chiều se sẽ hương”…

Tình cảm của giới yêu văn chương nghệ thuật thể hiện trong những lời tiễn biệt Dương Tường có phần quan trọng do tấm lòng yêu thương rộng mở của ông đối với bạn bè văn nghệ, nhất là cho những người yếu thế, những người trẻ bước đầu dấn thân vào con đường sáng tạo gian nan, những người trong “phe nước mắt”.

Có thể nói, nhiều người tìm đến ông để chia sẻ, ông cũng tìm đến nhiều người để an ủi, động viên. Nhiều người nhắc đến tấm lòng “liên tài” của ông. Thêm nữa, có lẽ trong sinh hoạt văn nghệ Việt Nam hiện đại, chưa có “ông anh, ông chú” nào tận tình, sốt sắng với tất cả mọi thằng em, con cháu như ông. Hình như ông không biết từ chối bất cứ ai nhờ vả. Thậm chí sẵn lòng để ai đó “lợi dụng” mà vẫn vui vẻ. Cũng như ông không từ chối bất cứ cuộc chơi nào, ở bất cứ đâu!

Trong “ba chàng ngự lâm” Hà Nội (Dương Tường, Châu Diên, Nguyễn Xuân Khánh), ông là chàng nghệ sĩ nhất, tài hoa nhất, chịu chơi nhất, duy mỹ nhất. Và… Hà Nội nhất!

Comments are closed.