Các bạn anh đang chờ anh

Xin kính biệt anh.

Lê Minh Hà

*

2005. Limburg

Chữ nặng.

Người khuân RỪNG XƯA XANH LÁ từ Hải Phòng về cho bạn tôi gửi sang đây là Dương Tường. Ông không biết tôi. Dĩ nhiên. Còn tôi với ông, biết chứ. Chiều se sẽ hương – Vườn se sẽ sương – Đường se sẽ quạnh – Trời se sẽ lạnh – Người se sẽ buồn… Đấy, Dương Tường. Một thoáng rợn tên là heo may – Một hương cây tên là kỉ niệm – Một góc phố tên là hò hẹn – Một nỗi nhớ tên là không tên… Dương Tường. Mea Culpa – Dương Tường. Một cái danh, gắn với bao nhiêu tên sách, gắn với dịch thuật, hội họa, với tôi, trước hết là thơ. Dương Tường thơ.

Không có bạn ông, Bùi Ngọc Tấn, thế hệ chúng tôi sẽ không biết thơ ông sống bằng gì. Sự không biết ấy, vô tình, đến một lúc nào đó phải coi là tội lỗi.

Tôi không chuộng giai thoại văn học và rất ác cảm cái lối ăn đong theo đời nghệ sĩ của một vài cây bút mãi chẳng thể nào nhớ nổi tên. Nhưng RỪNG XƯA XANH LÁ không phải là giai thoại, VIẾT VỀ BÈ BẠN không phải là giai thoại. Cũng không phải là cuốn sách về chuyện đời chuyện nghề chứa ẩn những khái quát phát hiện về tác giả, tác phẩm, thi pháp, và…

Bùi Ngọc Tấn không hì hục với kĩ thuật, vật vã với trào lưu. Với một số tác giả, việc đặt được thêm một bước trên tiến trình hiện đại hóa văn chương là toàn bộ ý nghĩa của sáng tác khiến bạn đọc vui mừng. Với Bùi Ngọc Tấn, ý nghĩa của sự trở lại với chữ là nghĩa đời.

Nặng lắm. Bởi vì ông là nghệ sĩ, là người chịu cái kiếp phải bấm chân xuống đáy đời này mà bước. Nặng, vì ông là nghệ sĩ Việt Nam.

Trong nghĩa đó, viết với Bùi Ngọc Tấn là chuyện viết lại, sống lại. VIẾT VỀ BÈ BẠN là chuyện sống, và viết, một thời.

Nhem nhuốc. Nhọc nhằn. Thì phận viết thuê ở xứ nào, miền khí hậu nào, thể chế khỉ gió nào mà chẳng nhọc nhằn, nhem nhuốc. Không thế, khối kẻ tin là chữ sẽ khô, sẽ rỗng, lâm tử.

Thì viết, nhưng viết chỉ để được viết, viết chỉ để nhận chút nhuận bút tư nhân còm, làm sinh phần chữ cho những ai ai đã quyền, đã tiền, còn muốn cái tên mình để lại được một vết cào trên mặt đất thì đau đớn. Liệu thời ấy trên thế giới này còn có một đất nước nào nữa sinh ra được một thế hệ viết văn chui như nước Việt Nam mình?

Thì viết. Viết để nuôi hơi thở tàn cho mình, cho bố mẹ, cho vợ, cho con, cho bè bạn. Để nhìn nhau mà sống tiếp. Nghệ sĩ nuôi chữ bằng hai lá phổi rỗng hay một cái đầu điên thế giới này khối. Nhưng tôi chưa đọc thấy ở đâu trên thế giới này thời hiện đại chuyện nghệ sĩ bán máu, nghĩa đen. Bằng máu, họ nuôi gia đình, nuôi tình bạn, nuôi thân, nuôi những con chữ, nuôi tiếng cười, phụng dưỡng khao khát về cái Đẹp.

Hôm nay tao uống máu thằng Tường. Câu đùa xanh rờn của một người bạn của các ông có lẽ làm cho ai đọc tới cũng phải rùng mình. Tôi ứa nước mắt.

Vì khi ấy, chúng tôi bao lần dậm chân tại chỗ dậm tập nghi thức đội ở vườn hoa đối diện quán bia Cổ Tân nơi họ thường ngồi. Bao chiều, nơi ấy chúng tôi hát ve ve ve hè về vui vui vui hè về, và những bậc thang của Nhà Hát Lớn ngay bên cạnh gần như là con đường dẫn tới đỉnh cao mơ ước về cái đẹp của nghệ thuật chưa hề có trong ý thức của chúng tôi.

Trong CHUYỆN KỂ NĂM HAI NGÀN, Bùi Ngọc Tấn đã làm tôi bủn rủn vì tập hợp từ tù nhân ngoại trú, chụp bắt chính xác sắc diện những người chưa trải cảnh tù đày như ông. Hình ảnh phóng chiếu qua tập hợp từ đó thật khủng khiếp. Nó trở lại cùng VIẾT VỀ BÈ BẠN. Phải, bè bạn của ông, dù tù án cao su như ông hay vẫn lầm lũi đi về với phố với làng những ngày đó rút lại cũng là tù nhân ngoại trú, của đời sống cơ cực một thời. Cơ cực, giá chỉ vì chiến tranh, hay bao cấp! Cơ cực, vì họ là nghệ sĩ. Mà lại ở nước mình. Mà lại ở cái thời ấy.

Một thời tin tưởng

Một thời bay bổng

Một thời hạnh phúc

Và cả một thời nhảm nhí của chúng tôi nữa.

(trang 303 – Viết về bè bạn – Nhà xuất bản Hải Phòng – 2003)

Chúng tôi sinh ra, phương trưởng chính vào những năm tháng ấy, mà thật ra chẳng biết gì về thời của các ông, nếu không có những cuốn sách như thế này. Tôi biết bóng lá khoảng phố nơi Dương Tường sống, nhưng tôi không biết ông đi về trên đó, vóc dáng cò rù, đảo chính thơ bằng những con âm. Tôi sống ở phố Lò Đúc một thời Hứa Văn Định, nhưng tôi không biết gì về ông ngoài một đôi bài báo độc đáo, và đã tưởng ông là một người viết trẻ độc sáng đôi sớm đôi chiều, không hề biết ông cũng viết lại, sống lại. Các ông cười được rồi về cái thời các ông có thể coi là nhảm nhí. Nhưng với ai ai, bên niềm tự hào vì đã sống chính trong thời ấy, lớn lên và đi qua thời ấy, rồi sẽ phải ngậm ngùi bởi cái thời mình cho là đẹp nhất đó có bao điều đáng xấu hổ. Vì trong đó, nghệ sĩ, lương tâm của thời đại nông nỗi thế vì những đày ải, vò xéo. Vì đọc họ mà không biết họ cưu mang đỡ mình và những cuộc đời khác đau khổ, khát khao. Vì họ, như lá, như nắng nhỏ, lầm lũi sống, song hành với cái đẹp và làm ra cái đẹp. Chẳng biết để làm gì. Nhưng thiếu thì cuộc đời này không đáng sống.

Bùi Ngọc Tấn viết về bè bạn mình. Tất cả là nghệ sĩ. Nhưng đằng sau cuộc đời họ, qua hồi ức của ông, qua lối viết hồn hậu bình thản của ông, ta thấy một thời, đời người.

Cảm như tiếng gào của những âm thanh im lặng khi đọc VIẾT VỀ BÈ BẠN. Đọc, không phải vì muốn có những thông tin rọi chiếu thêm vào tác giả và tác phẩm. Đọc, không phải vì tò mò chuyện bếp núc nghệ sĩ. Đọc, không phải để luyện nghề. Đây không phải là một cuốn sách làm ta dám đọc lại ngay vì những mục đích cụ thể xyz.

Đọc, để thấy mình dẫu tuổi tác rồi, dẫu lên bờ xuống ruộng bao phen rồi vẫn còn biết xấu hổ và đau đớn. Đọc, để được kinh ngạc, cảm động, và thán phục, và tin. Vào chữ, vào người.

*

2006 – Berlin

Gió. Nắng. Khu nhà vườn mênh mông ở Tegel chỉ thấp thoáng tiếng người sau bờ rào. Tôi ngồi trước cửa vườn anh bạn lơ tơ mơ trong sự đợi chờ. Trời thì cao, mây trắng về đâu uể oải. Nghĩ, chỉ thiếu mỗi cái cửa hầm chữ A lúc nào cũng phả ra hơi đất lành lạnh, ngai ngái, và một tiếng máy bay tăng tốc như tiếng sét giữa trời quang nữa thì coi như sống trọn vẹn lại không khí thời đang chiến, thời bao cấp ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Cái thời mà một nhà báo kì cựu của đài Tiếng nói Việt Nam sau khi đọc những trang viết của tôi về nó đã cảm ơn em, rồi lại bồi tiếp một cú: nhưng mà nói thật, đọc xong, bàng hoàng, bởi vì tôi vừa yêu khoảng đời đó, gian khổ, giản dị, mà trong vắt, vừa căm thù chính cái khoảng đời đó. Nó không cho người ta sống.

Tôi đang chờ đây, buổi trưa nay, một người không được sống nhiều hơn rất nhiều người, và đã sống đẹp hơn rất nhiều người qua cái thời buổi đó.

Ông lù rù ngồi trước chúng tôi. Dáng vóc bé nhỏ quá độ. Giọng nói gần như thì thầm. Đấy là phong thái của người thích ẩn mình, cũng vì đã quá nhiều người biết mình. Biết, nhưng có bao người hiểu ông, và thế hệ ông?

Tôi không nghĩ tất cả cùng ngồi đây hiểu ông. Quả khó! Làm sao giữa châu Âu này, làm sao bằng kinh nghiệm mấy chục năm xa xứ có thể hiểu được nỗi cơ cực phải nuốt vào trong của một người con, một người chồng, một người cha, một người thơ một thời bán máu để sống, để trọn vẹn nghĩa vụ trong mỗi tư cách của mình! Vẫn còn, trên đất nước ta, những mảnh đời rách nát, rút máu nuôi mồm theo nghĩa đen, thậm chí có cả những làng bán máu. Nhưng khi nghệ sĩ, người nuôi khí của một dân tộc phải sống còn theo kiểu này, nỗi đau khủng khiếp kiểu khác, thành nỗi thẹn. Cho ai ngày ấy? Cho ai bây giờ?

Ông sẽ không kể về những năm tháng ấy nếu không có người gặng hỏi. Có những đôi mắt lảng nhìn chỗ khác. Có những đôi môi mở hé kinh ngạc. Có cả tiếng cười vì dù sao tất cả cũng đã qua rồi. Nhưng người đàn bà ngồi bên cạnh tôi thì run:

“Chị bảo bác thôi đừng kể nữa!”

“…?”

“Em biết chuyện ấy có thật. Em cũng đọc về bác nữa. Em ở Sài Gòn sau bảy nhăm đến tận năm chín hai mới qua đây chị à. Nhưng bây giờ thấy người đã từng sống vậy kể chuyện ngay trước mặt mình…”

Tôi không nhiễm nỗi sợ đó, nhưng lòng lại vẹn nguyên nỗi bàng hoàng cũ. Tại sao sống vậy mà con người vẫn có thể cưu mang nhau, cưu mang thơ, cưu mang khát khao về cái đẹp? Hay với typ người như ông, cái Đẹp đúng là một sự cứu rỗi! Hay làm việc mới là cứu rỗi?

Làm việc, với kiểu người như ông có nghĩa là sáng tạo.

Nếu cứ phải soi chiếu thành quả của một ai đó qua lí lịch trích ngang của họ thì khi nghe khi đọc về ông, hoặc không tin, hoặc nhất định phải tin đó là một sự kì diệu. Làm sao một người học trò không qua quá trình đào tạo trường lớp chính quy, và cái chính là làm sao một người đã chìm nổi qua bao nhiêu cay đắng như thế của một đời sống bất bình thường (không phải chỉ vì chiến tranh) mà vẫn có thể làm và đạt được nhiều đến thế trong thế giới nghệ thuật muôn đời quyến rũ và nghiệt ngã.

Chỉ tính riêng từng mảng trong khối công việc đồ sộ ông đã làm, từ văn chương sang hội họa, từ sáng tác sang dịch thuật, với người trong nghề ở từng lĩnh vực đã là một mong ước. Nói tới hội họa Việt của hai thập kỉ về trước với những nỗ lực tìm kiếm đường đi mới qua việc tìm kiếm chính mình của một thế hệ họa sĩ trẻ giờ thành danh, định hình phong cách như Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Hoàng Hồng Cẩm, Hồng Việt Dũng, Lê Thiết Cương, Trương Tân, Vũ Dân Tân, không thể không ghi nhận công lao sưu tầm giới thiệu ra thế giới của Dương Tường. Hơn năm mươi tác phẩm dịch, mà phần lớn lại là những tác phẩm thách thức trí tuệ con người có đủ làm vinh hạnh cho một đời dịch giả không? Thừa sức! Con đường xứ Flandres, Bức thư của người đàn bà không quen… và gần đây nhất: Cái trống thiếc của Guenter Grass, giải Nobel văn chương Đức, đã được ông chuyển ngữ. Những giá trị văn chương đích thực đó đã là hành trình tinh thần cần thiết của biết bao người Việt để nhìn ra thế giới, từ bóng tối đời sống một thời. Đeo đuổi từng con âm để đổi mới thơ, ngay cả khi không thành tựu, với nhiều người thế cũng đã thừa đủ để tuyên ngôn nhiều điều. Nhưng mà với ông thì đấy không phải là một hành trình vô vọng. Lầm lũi trên con đường hiện đại hóa thơ ca Việt, người thơ bé nhỏ đó tuyên ngôn độc nhất một điều: Tôi đứng về phe nước mắt. Tôi nghĩ bài thơ một câu (Thơ đề trên mộ chí) đó đủ cho một hình dung về mọi tư cách nghệ sĩ của ông, trong thơ, trong văn, trong dịch thuật, trong hội họa.

Và trong tình bạn. Cái chí tình của ông trong mọi quan hệ, với những người bạn từng chung trải vui buồn cay đắng như Tất Vinh, Bùi Ngọc Tấn, Mạc Lân…, với những người trẻ tuổi đáng tuổi cháu con của ông như tôi, nghĩ cho cùng không phải là cái chí tình thường, mà là cái chí tình chỉ có ở người đau khổ, ở nghệ sĩ lớn. Tôi vẫn có điều ân hận bao năm trước một cái tên: Tất Vinh. Ngày trước đi dạy, cùng trường với con gái ông, nghe bạn kể về người cha mất sớm, thú thực tôi chỉ biết lặng im. Tôi có biết gì về ông đâu, ngoài chuyện hai người em của ông (Tất Thắng và Tất Đạt) là hai đạo diễn sân khấu có tiếng. Tôi không biết ông đã từng đắm đuối với thơ, đã từng sống với Dương Tường, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Huy Cương, Vũ Thư Hiên, Mạc Lân… một thời bay bổng, một thời nhảm nhí nói như Bùi Ngọc Tấn. Ông chết sớm, chưa đến tuổi có thể nhìn đời bằng một nụ cười như thế, lòng vẫn khao khát được bay bổng trở lại với thời mình, với thơ. Năm ngoái, về Hà Nội, bạn tôi, con gái Tất Vinh hẹn gặp để tặng tập thơ này, kỉ vật cả gia đình trân trọng, tự hào, nhưng cuối cùng tôi đã nhận từ tay Dương Tường. Không có với nhau tình đồng đội, tình bè bạn lăn lóc bao năm, không có sự kiên tâm sưu tầm của Dương Tường, Tất Vinh đã không được sống lại đẹp đến thế và gia đình ông chắc còn nguyên hận. Mối ân tình ấy, Dương Tường còn trải ra cho bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ về sau. Đã là một ngạc nhiên thú vị cho tôi khi nghe ông kể về tình bạn của ông với các nhà thơ trẻ. Thật quả là thứ tình điên rồ, hợp lí chỉ có ở nghệ sĩ, mượn cách dùng chữ của Nguyễn Thúy Hằng, một nhà thơ nữ trẻ vừa công bố tập thơ Thời hôm nay – khoái cảm, điên rồ, hợp lí và gặt hái về khá nhiều ồn ào. Hỏi, ông nhỏ nhẹ: Hằng nó đang tìm cách tạo ra một kiểu độc giả mới, và anh ủng hộ điều đó. Nghe, tôi hiểu vì sao các nghệ sĩ trẻ lại tìm được ở ông sự đồng cảm. Đồng cảm ở đây là cách thế tiếp nhận sự khác ở nhau. Tinh thần đa nguyên này hình như chưa từng là căn cốt đạo đức của dân mình, và chúng ta đang rất cần, dù trong nước hay ngoài nước.

Nhưng ông, trước hết và tận cùng là một nhà thơ, theo tôi. Cách thế làm việc của ông, dù chỉn chu nghiêm túc bao nhiêu như trong dịch thuật, từ sâu xa vẫn là cách thế của một nhà thơ lãng đãng suốt đời, say đắm suốt đời. Nếu không phải là như thế, người ta vẫn có thể sống, bằng máu của mình, như các ông một thời, như nhiều người bây giờ vẫn thế, nhưng chắc gì tồn tại.

Có rất nhiều cách thẩm thấu chân lí, ngay chỉ ở một lĩnh vực là nghệ thuật, hoặc bé nhỏ hơn nữa, là thơ. Có người tốt giọng, có người thính tai. Có không gian thơ quảng trường đường lớn. Mà không gian thơ có thể chỉ đơn giản là sự trong vắt vô hình.

Chẳng biết vì thể tạng, hay vì tuổi tác, hay vì tính nết, chân lí luôn làm tôi chấn động qua những tiếng thì thầm. Có thể là tiếng của nước chúng ta – nước những người chưa bao giờ khuất – đêm đêm rì rầm trong tiếng đất – những buổi ngày xưa vọng nói về… (Đất nước – Nguyễn Đình Thi), mà cũng có thể chỉ thế này, dai dẳng và da diết:

những ngón tay mưa – dương cầm trên mái

hay nhỏ nhẹ không cùng:

Một thoáng rợn tên là heo may – một hương cây tên là kỉ niệm – một góc phố tên là hò hẹn – Một nỗi nhớ tên là không tên.

Hay đơn giản là vô ngôn.

Vì lẽ đó, viết về ông rồi, tôi lại viết về ông, một trong những đại diện xuất sắc nhất của một thế hệ nhà văn nhà thơ Việt Nam từng phải câm lặng một thời, thời đất nước đầy dông bão, xa rồi nhưng không bao giờ thật sự qua đi, dù thuộc về thế kỉ 20.

Ist möglicherweise ein Bild von 1 Person

Ist möglicherweise ein Bild von 1 Person

Comments are closed.