Saxophone giữa chiều không (kỳ 5)

Tiểu thuyết của Phong Linh

5.

Hơn một tuần sau, Thụy Anh tỉnh lại. Căn phòng âm u như kiểu cả năm trời không có người ở.

– Con lên phòng thờ đi. – ông Minh nhìn Thụy Anh mệt mỏi nói.

– …

Thụy Anh im lặng đi theo bố lên phòng thờ. Khói hương vẫn nghi ngút. Bên dưới đó đặt rất nhiều vòng hoa và một vài lọ hoa cúc vàng đặt ngay ngắn bên dưới bàn thờ.

– Mẹ con và em mất rồi. Mẹ đẻ khó. Bố đã muốn cứu cả hai người nhưng rồi lại để cả hai cùng phải ra đi….. Bố xin lỗi.

– ….

– Con thắp hương cho mẹ đi.

– Mẹ mất rồi…., con sẽ không bao giờ được gặp mẹ nữa. – Thụy Anh nói những âm thanh ấy như một chiếc máy, khô khan. Không có một giọt nước mắt nào rơi xuống.

– Con gái…., ông nói rồi nghẹn lại, từ từ đến ôm cô con gái bé nhỏ của mình. Vai Thụy Anh khẽ rung lên nhưng rồi cô bé bảy tuổi ấy vẫn im lặng. Cô nhẹ nhàng gỡ vòng tay của bố ra và từ từ lấy ba nén hương thắp lên bàn thờ.

– Con về phòng đây. Con mệt rồi.

– ….

Thụy, con vẫn ổn chứ? , Ông Minh kéo tay Thụy Anh lại và nhìn cô với vẻ mặt lo âu, vẻ vừa như bất lực vừa như cầu xin. Cô bé choàng đôi tay bé xíu của mình ôm ông lấy cổ ông, khẽ vuốt mái tóc rất nhiều sợi bạc của ông và thì thầm: “mình đi ăn cơm nhé. Con biết làm món trứng rán, con sẽ rán cho bố ăn”.

Một giọt nước mắt lăn dài trên đôi má đã hóp lại vì nhiều ngày mất ngủ của ông. Rồi ông khóc, khóc như một đứa trẻ. Cuối cùng những giọt nước mắt mà ông cố nén trong suốt những ngày qua đã bị cô con gái bé nhỏ làm vỡ òa. Ông ôm cô, xoa đầu và bế cô xuống bếp, đặt cô bé vào bàn ăn, và bê một nồi cháo đỗ xanh thơm nức đặt trên bàn.

– Hai bố con mình cùng ăn. Bố ninh từ sáng sớm, bây giờ đã nhừ lắm rồi.

– Bố cũng biết nấu cháo đỗ xanh ạ?

– Bố phải học nấu chứ. Nấu cho con gái còn đang ốm ăn mà. Đỗ xanh mát lắm, con ăn nhiều vào cho khỏe để còn đi học chứ.

– ….

Thụy Anh im lặng.

– Sáng mai con sẽ bắt đầu đi học lại.

– Con không muốn nghỉ ngơi nữa sao? Bố thấy con vẫn còn hơi yếu.

– Con khỏe rồi, mai bố đưa con đi học nhé.

Con lên phòng trước nhé.

Ông Minh ngồi nhìn Thụy Anh bước lên tầng hai mà vẫn không thể nào cắt nghĩa nổi những gì diễn ra trong mấy ngày nay với đứa con gái của mình. Tại sao bỗng dưng con bé lại trở nên như vậy, để rồi ngày cả khi biết mẹ và em trai không còn nữa, nó cũng chỉ có được một thái độ dửng dưng như vậy. Nhưng ông đã quá mệt mỏi với quá nhiều chuyện ập đến chỉ trong mấy ngày này. Ông thậm chí không còn sức để thở nữa. Ngay chính cái bản năng nhất để duy trì sự sống cho mình mà ông cũng phải khó nhọc lắm mới có thể tiếp tục. Từng hơi thở khò khè, như một con bò già kéo cả một đoàn người nặng nề trên sa mạc. Chỉ cần dừng lại một giây thôi, mọi thứ sẽ dừng lại vĩnh viễn. Ông sẽ ngã quỵ trong chính khi đang cố gắng.

Những ngày đó bây giờ vẫn còn hiển hiện một cách sáng tỏ nhất trong tâm trí của Thụy Anh. Những ngày tháng mười một đầy mưa bụi và hoa cúc. Những ngày tháng mười một, cô chỉ còn lại là một cơ thể héo mòn hao gầy. Không có một dấu chấm hỏi nào được đặt ra vào khi ấy, bởi cô không còn một ý niệm nào về bất kì chuyện gì. Cô bé lặng lẽ, lặng lẽ mãi đi như một con người đã chết và cơ thể đang tồn tại chỉ là một mô hình được tạo nên bởi điều gì đó.

Bảy tuổi, mọi trí nhớ biến mất, và rồi từ từ ùa về trong đêm qua những giấc mơ chập choạng. Những hình ảnh của mẹ, của đứa trẻ mới ra đời ấy cứ đè nặng trong bộ não bé nhỏ, chưa kịp phát triển hoàn chỉnh của cô. Ban đầu chúng trở về chập chạp, mờ mở nhưng rồi dần dần chúng ùa về, sắc nét, sáng rõ. Hình ảnh mẹ bế đứa em trai bé bỏng chạy giữa những con phố heo hút của một đêm tháng mười một gió đầu mùa lạnh rát. Giấc mơ ấy trở về thường xuyên quá, nó khiến cô bé sợ hãi, nhưng cô vẫn không than khóc. Cô giả vờ im lặng. Giả vờ bình thản. Chỉ mong cái thái độ dửng dưng của mình sẽ làm hai người thất vọng mà biến mất. Bảy tuổi thôi, ai đã dạy cho cô học được những điều đó để sau này cô mới hiểu rõ một điều rằng “những tâm hồn tưởng đã thuộc về nhau cũng vẫn có thể buông tay nhau. Họ có lẽ không biết mình đã nhẫn tâm đến như thể nào, bởi họ bao giờ cũng nghĩ cho họ trước. Họ nói họ làm mọi việc đều có lý do, đôi khi biện minh rằng, làm thể là vì mình, nhưng họ không biết rằng trong bản thân con người chỉ có bản năng hành động cho riêng mình, vì mình chứ không phải bản năng hành động vì người khác. Nếu vì Thụy Anh, mẹ đã không ra đi, và cũng như hơn mười năm sau Phương không tự tử. Họ làm chủ chính cơ thể họ, và họ có quyến làm những điều mà họ muốn. Mình cũng vậy thôi. Chết hay sống, ra đi hay ở lại, tất cả đều do mình quyết định, và lý do vì ai hay vì điều gì đó chỉ là một cái cớ mà chính mình lại nghĩ rằng cái cớ đó cũng thật cao thượng. Vậy nên mình chẳng mộng mơ làm gì nữa, không có một tâm hồn nào tan hòa tận cùng với tâm hồn nào cả. Rồi thế nào cuối cùng người ta cũng lìa bỏ nhau vì một điều gì đó thôi”.

Cũng như đêm nay khi mọi điều đang ùa về, khi hai sinh linh ấy vẫn lẩn khuất theo đuổi, chêu ghẹo cô, cô vẫn cố giữ vẻ mặt bình thản, ngồi đốt thuốc.Trời đêm càng ngày càng sau, càng ngày càng xa khuất. Và bóng đen bao trùm xuống cả một vùng rộng lớn. Gió rít mạnh từng cơn như thét gào trong chính nỗi cô đơn của lòng mình. Mười lăm năm rồi, cô sống những đêm như thế này. Còn lại duy nhất chỉ là những tiếng khóc hờ của một đứa trẻ nhỏ khát sữa, với một người phụ nữ da xanh xám, ánh mắt vẳng vất nỗi tuyệt vọng. Nhưng cô không mảy may động lòng. Cô cứ mở to đôi mắt trừng trừng nhìn họ. Và rồi người phụ nữ hét lên một tiếng, tan đi, lẩn vào đám khói sương. Cô choàng tỉnh dậy, đau đầu, tức ngực và tâm trí mỏi mệt như chưa bao giờ có một giấc ngủ, mà chỉ đơn giản là nhắm mắt ở nơi này, để bắt đầu thời gian sống ở một nơi khác. Nhiều khi cái chết không đơn giản chỉ là ngừng thở mà là cảm giác không còn tồn tại ngay cả khi mình đang thở rất đều. Thụy Anh đã cảm giác được điếu đó khi cô chạm phải giấc ngủ ở đây nhưng lại biết mình đang phải thở, phải nhìn, phải thức ở một nơi khác. Những giấc mơ ấy kéo cô gần với sự chết hơn bao giờ hết, dù cách đây mười lăm năm cô khẳng định với chính mình rằng mẹ chưa bao giờ chết. Những càng ngày cô càng cảm nhận rõ mùi của sự chết. Có khi cô nghĩ,”biết đâu trong khoảng thời gian ấy, mẹ đã chết”, và càng ngày những câu hỏi ấy càng hiện rõ trong đầu cô, đôi lúc nó thôi thúc cô phải đi tìm câu trả lời. Nhưng cô khống chế được nó. Có khi cô sợ hãi đến nỗi không dám ngủ vì những cơn ác mộng mơ hồ ấy, nhưng rồi cô không còn sợ nữa, cô ngủ, ngủ gục trong chính những nỗi sợ hãi, vật vã của tâm hồn mình.

Bình mình đang lên, đuổi những bóng đen khỏi bầu trời kia. Và Hà Nội ngột ngạt sáng trong những tiếng ồn ào náo động của những người bán hàng sáng sớm. Lại tiếng rao quen thuộc “Xôi lạc đê!, xôi lạc nào….”. Không biết người đàn bà ấy đã ngồi đây từ bao nhiều năm trước cả ngày cô sinh ra, và chỉ bán duy nhất một thứ quà đó là xôi lạc. Không biết tại sao bà chỉ bán xôi lạc, mọi người ở đây chỉ biết một điều rằng xôi của bà ngon nhất cả phố này. Còn Thụy Anh thì nghĩ có lẽ vì bà muốn giữ cho mình sự lạc quan gì đó, hay nụ cười nào kia thay cho những nỗi buồn, những nỗi tuyệt vọng của đời người. Mùa đông chỉ cần ra muộn một chút là không còn xôi để mua. Thụy Anh đã chứng kiến bà già đi từng năm, từng tháng. Bà hơn mẹ cô dăm ba tuổi gì đó. Khuôn mặt đen sạm và nhiều vô cùng những vết nám trên hai gò má. Nhưng phải nói rằng, bà trông đẹp. Người ta nhìn thấy bà hẳn đều rất thích bởi bà cười nhiều hơn nói. Ai nói gì cũng cười. Kể những câu chuyện vui thì cười to “hở cả hàm răng”, ai kể chuyện buồn thì cười một nụ cười ái ngại, chia sẻ. Dù bán hết hàng hay có những hôm ế bà cũng vẫn cười rất tươi mỗi lần có ai hỏi. Thụy Anh quý bà, nhưng nhiều khi cô lẩn tránh bà, vì bà luôn làm cô nhớ đến người mẹ đã bỏ lại cô cách đây mười lăm năm trước. Người đàn bà đó biết cô bé ấy lẩn tránh mình nên cũng chỉ ngày ngày đứng từ xa nhìn cô lớn lên.

Lại một đêm thức trắng. Lại một đêm day dứt với những khoảng kí ức xưa cũ. Cuộc sống của cô vẫn cứ xoay vòng trong một vòng luẩn quẩn không thể nào thoát ra được. Càng vùng vẫy lại càng bị chìm vào sâu hơn, nhưng ngay trong những giây phút của tháng mười hai lạnh giá này, cô chưa thể nhận ra điều đó bởi vậy cô đã phải trải qua nhiều, nhiều hơn những đêm như đêm qua. Vẫn cứ đi đến những ban mai bằng sự mỏi mệt của một đêm thức trắng.

Sáng nhẹ nhàng đến bên ô cửa sổ nhỏ bé, hắt vào bên trong một vài vạt nắng hanh hao của mùa đông đầy gió với một màu trời âm u, bàng bạc.

Thụy Anh đến lớp, vẫn ngồi vào chiếc bàn cuối cùng nhìn ra phía cửa sổ tầng bốn. Lớp vẫn tẻ nhạt như mọi ngày, vẫn là những câu chuyện không đầu không cuối, là những nụ cười nhạt nhạt đưa đẩy nhau.

Chưa hết tiết hai, cô chui ra ngoài quán trà đá gần trường đốt thuốc. Những hàng cây mùa đông liêu xiêu rụng lá. Bất chợt có người đến ngồi bên cạnh, rất gần.

– Lại có người trốn học rồi?

– …… – Thụy Anh ngạc nhiên quá nên không thể nói được điều gì.

– Muốn đi dạo phố cùng tôi không?

– Cũng được.

Phong cười rất tươi và để mặc cho Thụy Anh còn băn khoăn không hiểu sao cậu ta lại có mặt ở trước cổng trường cô vào lúc này. Đang mải suy nghĩ vẩn vơ thì cô đã giật mình vì Phong đã phóng xe đến ngay cạnh mình: – Đi nào. Cũng không hiểu sao mỗi lúc gặp Phong, cô lại chỉ muốn được như một đứa trẻ, bé nhỏ vâng lời. Phong chạy xe chầm chậm trên phố. Cả hai cùng im lặng ngắm nhìn thành phố bé nhỏ. Những con phố nhộn nhịp, ồn ào quá, chỉ còn lại những ngôi nhà cổ nép sâu vào trong những ngõ nhỏ là lặng lẽ như thể đã sống qua cái tuổi nhộn nhịp đua chen của cuộc đời nên bây giờ chỉ biết nằm im đếm thời gian chảy trôi và dõi theo dòng người đang lớn dần lên qua những năm tháng cuộc đời. Hà Nội bé nhỏ quá, phố xá như một mê cung mà chính Phong dù đã ở Hà Nội hơn mười năm, đã đi qua bao nhiêu những con phố, hàng cây của nơi này vẫn nhiều lần phải chững lại vì sợ mình đi nhầm.

– Chị đang nghĩ gì?

– Nghĩ về những con phố. Tôi muốn chạm chân vào chúng.

– Đợi tôi tìm chỗ gửi xe nhé.

Phong tạt vào phố Gia Ngư gửi xe.

– Bao lâu rồi chị không đi qua những con phố này?

– Bao lâu?, tôi không nhớ nữa, cũng không biết mình có phải đi thật không hay chỉ là một ảo giác nào đó mà chính tôi cũng không thể cảm thấy được.

Cả buổi sáng hôm ấy hai người đã đi qua rất nhiều nhưng khu phố cổ Hà Nội. Trời vẫn gió, ngày một lạnh hơn trong chính cái nhỏ bé, hun hút của những ngõ phố. Sáng hôm ấy, hai con người vốn vẫn còn nhiều xa lạ ấy đã cùng nhau sống giữa lòng phố, bình yên như biêt bao nhiêu căn nhà xưa cũ. Đã lâu lắm rồi Thụy Anh mới cảm thấy có điều gì đó níu rất gần tâm hồn mình về lại với tâm hồn Hà Nội. Cô nhớ lại những bức tranh phố, những bản tình ca về phố mà cô đã được nhìn và nghe thấy cách đây vài hôm. Khẽ giữ một tiếng thở dài trong lồng ngực, nhớ âm thầm một điều gì đó rất xa xôi. Phong nhẹ nhàng chạm vào đôi bàn tay đang lạnh giá của cô thì thầm: – Để tôi nắm tay chị.

Thụy Anh cứ để im đôi bàn tay mình trong tay Phong và cô càng cảm thấy rõ hơi ấm từ đôi tay với các ngón tay rất dài và mềm của Phong.

– Tay cậu thật ấm nhỉ?

– Bởi vì tay chị lạnh mà.

– …….

Phong khẽ cười, cười rồi nhìn về phía bên kia phố “Hãy cho tôi được ở bên Thụy Anh hết ngày hôm nay nhé”, và anh siết chặt tay Thụy Anh hơn nữa. Lần đầu tiên cô cảm giác đi giữa phố mùa đông mà lòng thanh thản đến chừng ấy vì cảm giác đôi chân đã biết mỏi, đã biết rằng mình đang bước đi trên chính những góc phố mà cả một thời cô đã gắn bó. Từng khoảnh khắc của Hà Nội vào giây phút này đều khiến cô yêu thương và muốn giữ lại. Bên Phong cô cảm giác được tâm hồn mình, cô không cần phải chống đỡ với bất kì chuyện gì nữa nên cô chỉ bước rất nhẹ, rất chậm.

– Thật ra Hà Nội vẫn như thế nhỉ. Đôi lúc tôi thèm ra phố, chạy thật nhanh qua những con đường để hít hà chút gì đó. Có lúc bụi bặm, khói bụi, xăng xe cũng khiến tôi mỏi mệt, nhưng càng như thế, tôi càng muồn lao mình vào những nơi đó để vuốt ve những con đường đang đau đớn vì nhiều khi phải làm việc quá sức chịu đựng.

– …….

– Chị hãy thử nhìn về một phía thôi. Cứ nhìn vào đó, chị sẽ thấy những con đường hiện ra dần dần, ngày một sâu thêm và nhỏ lại. Cũng giống như chúng ta thôi. Con đường mà những con người như chúng ta đang cố gắng để lao tới cứ dài thêm mãi. Chị hãy tưởng tượng rằng, một lúc nào đó chị sẽ phải dừng lại vì nó ngày bỏ xa chị. Càng cố đuổi theo nó càng dài ra. Và nhất định chị phải nhớ một điều rằng, chị không thể quay trở lại bởi vì khi chị đang đi thì những đoạn đường phía sau đã tự cắt mình quăng về phía trước, nối dài thêm mãi. Cứ như vậy những con đường không bao giờ có điểm kết thúc, chỉ có chúng ta có thể đi được đến đoạn nào trong hành trình của những con đường ấy mà thôi. Vậy nên đừng vội, bởi dù có muốn thế nào, vội thế nào, chị và tôi cũng đều không thể đi được đến cuối cùng.

– Còn quay lại cũng không có đường quay lại phải không?. Hình như vì vậy mà những người cứ bị dằn vặt bởi quá khứ, cứ muốn quay trở về quá khứ níu giữ, và sống chìm ngập trong đó lại chính là những người buộc phải dừng lại quá sớm trên con đường dài dằng dặc mà họ đang phải đi ấy.

– ……

– Ừm, vô nghĩa thôi. – Thụy Anh nói rồi lảng nhìn đi chỗ khác. Cô nghĩ thầm “Vô nghĩa thật mà”. Cô chỉ còn biết lúc này thôi.

Im lặng một lúc, Phong cảm thấy thèm ngồi lại bên quán trà đá mà anh vẫn hay ngồi trước đấy, vì trà đá ở đó còn có một hương vị đặc biệt, nhẹ nhàng kì lạ mà ai cũng phải thích thú.

– Đi uống trà hoa nhài nhé. – Phong đề nghị.

– Ok.

Cả hai tạt vào một ngõ rất sâu, tìm một quán trà đá mà chủ quán vì thích mùi hoa nhài quá nên đã nghĩ ngay đến việc cho hoa nhài vào cả trà đá để pha mời khách. Nhìn những cốc trà bé bé có vài bông hoa nhài mà hương thơm của chúng bốc lên thoang thoảng cùng những vòng tròn của hơi nước nóng, mới cảm thấy hết cái mênh mang của mùa này.

– Tìm cảm giác bình yên từ trong chính những điều quá nhỏ bé như vậy thôi để biết mình còn có thể dừng lại khi mình đang bị cuốn đi quá nhanh, chị nghĩ có đúng không?. – Phong trầm ngâm nói như giọng một ông già khi đưa cốc lên uống một ngụm trà đầu tiên, rồi thảnh thơi ngồi nhìn ra con ngõ phía trước mặt mình.

Thụy Anh đáp lại mà không nhìn Phong:

– Có những người dù rất muốn nhưng đôi khi vẫn không thể nào dừng lại được, vì họ sẽ không biết phải dừng lại ở đâu, dừng lại như thế nào?

Đôi lúc cứ trôi đi, trôi thật nhanh như một cơn lốc xoáy, sẽ không còn nhớ điều gì nữa, chỉ có như vậy mới có thể đi được. Chỉ cần dừng lại, tôi sợ mình sẽ không còn bước nổi đi đâu được nữa.

Thời gian âm thầm trôi đi rất chậm bên cạnh hai con người, hai tâm hồn ấy như một ông cụ râu tóc bạc phơ, đang mỉm cười vì nhìn những con người bỗng nhiên sống giản đơn lại giữa rất nhiều những ngột ngạt hiện tại mà ngay chính ông cũng nhiều lúc muốn bỏ trốn đi đâu đó hoặc trốn chạy vào khoảng đêm tĩnh mịch, ngủ một giấc thật dài để không còn phải trở dậy.

Cả Thụy Anh và Phong đều đã khá mệt vì đi bộ nhiều nhưng hình như không ai có ý muốn dời nhau. Tay Phong vẫn nắm rất chặt tay người con gái ấy. Không còn điều gì xen giữa họ, và dù cho họ nói với nhau quá ít để có thể hiểu nhau nhưng chính từ trong im lặng ấy, cả Thụy Anh và Phong đều cảm thấy thật thà với chính tâm hồn nhau. Cô thật sự muốn được yêu thương trái tim bé nhỏ đã quá nhiều vết xước của mình. Cho đến tận giây phút này, điều duy nhất cô đang nghĩ là muốn được cùng Phong đi hết đêm Hà Nội, để cho trọn vẹn những điều vốn dĩ đang dang dở trong tâm hồn mình.

Hoàn Kiếm bắt đầu lên đèn.

Gió thổi heo hút qua những cành liễu buông mình xuống mặt hồ mênh mang. Đêm, Phong và Thụy Anh phóng xe lao vun vút qua cầu Long Biên. Chưa bao giờ cô phóng xe với tốc độ nhanh như thế trên cây cầu cổ xưa này, nhưng hôm nay nhìn dáng Phong mỏng dần và trôi xa dần khỏi tầm nhìn của mình, cô đã phóng xe lao theo anh như chiếc lá vội vã cuốn đi cùng gió. Đầu óc trở nên trống tênh buốt lạnh, như những cơn gió từ phía sông Hồng thổi thốc vào trong lồng ngực. Gần hai giờ sáng, cô và anh cùng câm lặng trên một dòng sông cũ, lao đi như sợ thần chết nắm được đôi bàn tay gầy. Cô nép sâu vào anh như nép sâu vào một cõi nào đó không còn phải ở nơi đây. Chỉ biết rằng mọi cảm giác đang trôi đi rất xa, và mọi ký ức cũng tan thành những bọt nước, để cả hai cùng nhìn thấy nhau, im lặng đốt thuốc, và im lặng lắng nghe nhau trong tận cùng những khoảng sâu của lòng mình.

Đêm hôm đó khi Phong đưa Thụy Anh về đến nhà thì đã gần ba giờ sáng. Sáng Hà Nội trong veo, điềm đạm. Những mái phố vẫn âm thầm đốt một chút hương hoài niệm cho những ngày tháng cũ đang trôi đi. Ngọn đèn cũ kĩ trước cổng nhà cô vẫn sáng lên một thứ ánh sáng cũ kĩ mù mờ, nhưng Thụy Anh thấy tim mình đập chậm lại. Những ngày cuối năm của tuổi chín trăm chín chín ngày, Thăng Long của cô vẫn bé bỏng như thế thôi. Tiếng gió đêm lạnh buốt khiến cô bước lại gần Phong, khẽ choàng tay lên cổ anh và đặt lên đôi môi đang run lên vì lạnh ấy một nụ hôn rất nhẹ, rất chậm. “Cảm ơn”, vẫn như lần đầu tiên anh đưa cô về nhà, tiếng cô nhẹ như một âm thanh từ rất xa thoảng qua khiến Phong chợt tỉnh. Anh muốn ghì sát cô vào lòng mình, muốn trao cho cô một nụ hôn ấm nồng nhất nhưng cô choàng ra, bước vào đằng sau cánh cửa mà không một lần nghiêng mình nhìn lại anh. Họ chia tay nhau trong im lặng và nhiều day dứt, nhưng cả hai đều đã biết rằng, có điều gì đó đang tồn tại, chỉ cần chạm nhẹ thôi, bước thêm một chút nữa, họ sẽ tìm ra và giữ chặt được điều đó.

Những ngày cuối tháng mười hai, sắp đến giáng sinh, thành phố chợt lạnh buốt. Không ai còn muốn bước chân ra khỏi nhà nữa mà lại trở nên gắn bó với ngôi nhà của mình hơn bao giờ hết. Vẫn đang còn ngủ, cô bị đánh thức bởi tiếng nhạc giáng sinh. Hóa ra dì Hạnh đang cùng Bi xem phim.

Vừa trông thấy Thụy Anh từ trên gác bước xuống, cu Bi đã rối rít nói:

– Thụy ơi, xem phim cùng Bi không?, lát nữa mẹ phải đi chợ rồi, hôm nay chị ở nhà xem phim cùng Bi nhé.

Cô vẫn để mái tóc dài đang buông còn rối của mình đến đưa tay nựng hai má bầu bĩnh của đứa em chưa đến năm tuổi cùng cha khác mẹ của mình.

– Dì đi đâu cứ đi đi. Sáng nay con sẽ ở nhà trông Bi.

Hơi ngỡ ngàng trước thái độ của Thụy Anh, bà mẹ kế của cô nói:

– Con không phải đi đâu buổi sáng à?

– Sắp giáng sinh rồi, hôm nay con xin nghỉ học.

– Hoan hô, hoan hô…. Bao nhiêu lâu rồi Bi chẳng nhìn thấy Thụy gì cả. Bi nghiêng nghiêng đầu vào lòng cô, dụi dụi rồi cứ thế cầm lấy tay cô lắc lắc, nhăn nhó, nũng nịu.

Phải rồi, đây vẫn là khoảnh khắc bình yên nhất với cô. Bé Bi rất yêu cô nhưng cô biết nó cũng rất sợ cô vì quá ít khi cô cười, hay đùa vui cùng nó. Nhất là trước đây khi nó còn bé, đã có lúc cô tránh thằng bé như thể chính nó là kẻ đã khiến cha cô thay đổi, và đôi lúc nó nghĩ có phải việc mẹ ra đi chính là do cha cô. Nhưng rồi, tiếng nói, cười trong veo của Bi đã nhiều khi làm cô lắng lại những xáo trộn ấy. Mọi thứ không thể mất đi. Không có điều gì nguôi ngoai trong tâm hồn cô, nhưng ít ra có lúc cô biết mình cũng khỏa lấp được nó. Cũng như giây phút này đây, cô không còn muốn bước đi nữa mà chỉ muốn ngồi lại bên đứa em trai bé bỏng của mình thật lâu, như để nhắc nhớ rằng, phải dừng lại, dừng lại đi.

Thụy Anh đã có một buổi sáng yên ổn đúng như cô mong đợi, nhưng rồi cô cảm thấy đầu mình đau nhói khi nhận được điện thoại của Phong.

– Tối giáng sinh chị có muốn đi biển không?

– ……..

– Hãy đi cùng tôi, được chứ?

– Tôi sẽ đi. Nhưng không phải đi biển. Tôi sẽ dẫn cậu đến một nơi.

– …..

– Gặp tôi ở bưu điện bờ hồ lúc 11 giờ.

Cả ngày hôm đó, Thụy Anh chỉ quẩn quanh với việc tự đặt cho mình câu hỏi “tại sao mình làm thế?”. Cô nằm cả ngày trong phòng, để mặc bé Bi loay hoay với đống đồ chơi của nó. Còn cô, cô cũng đang để mặc mình cho cảm xúc chi phối. “Liệu rằng đó có phải là bản năng cảm xúc thật nhất mà con người có thể làm được chỉ trong một khoảnh khắc nào đó rồi lại vụt mất. Tôi đang bóc từng lớp vỏ trên người tôi để cho anh mặc sức nhìn vào. Tại sao tôi không lo sợ, không đề phòng trước anh. Đã lâu quá rồi, mọi cảm giác về tâm hồn trần trụi của tôi hoàn toàn biến mất hoặc ít ra cũng là giả vờ mất ở một nơi nào đó, nhưng rồi anh xuất hiện bên cạnh tôi. Xuất hiện đúng khi tôi đã quyết định lựa chọn một cuộc sống bình ổn nhất, khi tôi đang bất đầu giàn hòa với cuộc sống này, và giàn hòa với chính mình. Một sự tình cờ thôi hay tại chính số phận đang đùa giỡn tôi, buộc tôi phải đứng giữa những chênh vênh của chính lòng mình, cay đắng, day dứt với chính những điều mà mình đã chọn. Tôi sẽ phải làm sao? Có phải anh đến đây để buộc tôi phải ở lại giữa những mảnh vỡ mệt nhọc này”. Mọi suy nghĩ có thể sẽ cứ mãi ở lại trong cô, có nhiều điều lý trí sẽ nghiệt ngã buộc cô phải chọn lựa, nhưng cô vẫn buông tay, vẫn ngoặt sang một hướng khác. Có điều gì đó đang hình thành.

Đêm giáng sinh, cô tắt máy, không nghe bất kì một cuộc điện thoại nào. Dù cô biết, Quân đang tìm cô. Có lẽ anh cũng đang chạy xe qua rất nhiều những nơi hai đứa đã đi cùng nhau để tìm cô, nhưng anh không thể hiểu một điều rằng, những nơi anh và cô đến không bao giờ là nơi thuộc về riêng cô vì vậy cô sẽ không bao giờ đến đó khi không có anh. Những nơi đó không bao giờ thuộc về cô, cũng như cô chưa bao giờ thuộc về anh. Anh rất lo cho cô dù anh biết nếu cô đã biến mất, anh sẽ không bao giờ tìm được và chỉ có một điều duy nhất Quân có thể làm, đó là đợi, đợi cô quay trở về, như bao nhiều lần vẫn thế. Cô biết mình đang quá tàn nhẫn với anh, nhưng cô không thể làm khác được cho đêm giáng sinh này. Phong đã kéo cô đi như một cơn lốc xoáy, và cô đang bị cuốn vào tâm điểm của nó mà không thể thoát ra được. Đêm nay, Hà Nội nhộn nhịp những nụ cười thật tươi của những cặp đôi yêu nhau khi đôi bàn tay còn được nắm chăt tay nhau, đôi môi còn được trao đi và nhận lại những nụ hôn nồng cháy. Ngắm nhìn mãi những khung hình hạnh phúc ấy, nhưng cô không nhớ Quân, không nghĩ gì về những kỉ niệm đã qua của hai đứa, còn lại chỉ là sự khao khát yêu thương, yêu thương đến tận cùng. Cô nhớ Phong. Muốn chạy ùa vào anh, để chạm vào thật sâu tâm hồn anh. Cảm nhận nhịp thở rất nóng, rất gấp có lẫn mùi thơm ngột ngạt của thuốc lá. Cô chạy xe lòng vòng qua những con phố ngắn ngủi của Hà Nội để mặc cho gió len lỏi qua chiếc áo len mỏng của mình. Lạnh buốt.

Cô và Phong đã tìm đến nhau tự nhiên thôi, có thể là yêu rất nhiều, có thể là không bao giờ phải là tình yêu, nhưng chỉ cần giây phút này thôi, Phong và cô đang được sống thật, sống chậm với từng khoảnh khắc của riêng mình.

Phong không đi xe.

– Thụy Anh đưa chìa khóa cho tôi. Tôi sẽ chở chị.

– Hôm nay tôi chở cậu, vì cậu không biết chỗ này đâu, để tôi chở cho tiện.

Rồi họ lao đi vào giữa phố. Gió ngày một đầy, và trời bắt đầu mưa bụi, lai rai, nhưng lạnh rát cả da thịt. Thụy Anh lạnh buốt, hơi thở của cô nhợt dần.

– Tôi ôm chị được chứ.

– …

Chẳng cần phải đợi Thụy Anh nói gì, anh choàng tay ra phía trước ôm lấy cô. Thụy Anh im lặng để Phong ôm chặt lấy mình. Cô nhẹ nhàng nép mình gần về phía anh. Chiếc xe vẫn lao đi trong đêm tĩnh lặng, bỏ lại ồn ào phố xá với những ấm áp thân yêu của mọi người ở đằng sau, Thụy Anh đi dần về phía bên ngoài thành phố. Con đường càng ngày càng tối, nhỏ dần và quanh co đầy những những lối rẽ. Phong khựng lại khi Thụy Anh dừng xe dần trước một khu nghĩa trang rộng thênh thang, lô nhô những nấm mồ cũ lẫn mới.

Nghĩa trang.

– Ở đây tôi thấy bình tâm. – Thụy Anh chỉ nói như vậy.

Thụy Anh nhìn Phong, vừa nói vừa bước vào bên trong. Cô đi rất chậm, và khẽ cúi đầu xuống khi đi qua những ngôi mộ được xây đắp thẳng hàng. Phong theo sau cô, im lặng bao trùm không gian của hai người.

– Cậu hãy ngồi đây đi.

– …..

– Mộ của một đứa bé bị chết ngay khi chưa đầy hai tuần tuổi. Lần đầu tiên tôi biết đến nơi này cũng chính là ngày tôi chứng kiến bố mẹ nó cùng những người mà nó sẽ không bao giờ biết là ai đem nó ra đây chôn cất. Bảy năm rồi, tôi đã ngồi ở nơi này chỉ để chứng kiến nó lớn lên từng ngày. Đêm giáng sinh này là đúng sinh nhật bảy tuổi của nó đấy.

Thụy Anh vừa nói vừa đặt bàn tay của mình mân mê lau đi lau lại tấm bia vẫn còn rất mới của ngôi mộ. Cô rất gần gũi với đứa bé này, cứ như thể nó đang ngồi ở ngay đây mà nói chuyện với cô, mà nhìn cô thắp nến và đưa bàn tay bé nhỏ của nó ra để nhận lấy một bó hoa cúc vàng tươi mà Thụy Anh vừa mua ở chợ hoa đêm cạnh đó để giành cho riêng nó. Phong cứ đứng im lặng ngắm nhìn cô gái ấy. Anh để cô được sống như chỉ riêng với cảm xúc của cô, như không có anh bên cạnh.

– Thằng bé nó vẫn cảm nhận được rằng tôi đang ở đây. Có đôi khi tôi như chạm phải bàn tay nó, lạnh hơn cả đất, nhưng mềm lắm. Những ngày đầu tôi rất sợ, nhưng rồi tôi cứ đến đây, có lần còn ngủ thiếp đi. Trong cơn mơ, tôi gặp chính tôi đang dắt tay đứa bé ấy trong một đêm tôi lạnh căm căm. Nó năn nỉ tôi đừng đi, hãy ở lại bên cạnh nó vì ở đây lạnh lắm. Tôi ở lại, dù có tỉnh dậy hay chìm sâu vào giấc ngủ tôi cũng ở lại, nắm lấy đôi tay bé nhỏ của nó. Những khi ấy tôi biết mình không cô đơn, vì tôi luôn có người đồng hành cùng mình, có người nắm tay mình. Tôi đã chứng kiến nó lớn lên từng ngày. Nước da ngày một trắng, và mái tóc mượt cứ ngày càng dài ra. Bây giờ nó bảy tuổi, giống như tôi ngày tôi mất mẹ. Cũng vì thế mà tôi không dám rời xa nó, vì tôi sợ nó cũng giống như tôi, sẽ không biết cười không biết khóc.

– Cậu hiểu tất cả những điều này mà, phải không? – Thụy Anh quay về phía Phong, nhìn sâu vào đôi mắt anh bằng với vẻ như cầu xin, khẩn thiết.

– “Mẹ tôi đã bỏ tôi đi khi tôi chỉ là một con bé bảy tuổi. Không một lời giải thích, không một điều gì dặn dò. Và đứa em tôi chưa thể một lần có cơ hội nhìn thấy nó cười hay khóc. Bảy tuổi, tôi đã biết nhớ rất nhiều những nỗi đau. Nhưng rồi thay vì im lặng hay nói thật với tất cả mọi người rằng mẹ đã bỏ bố con tôi mà đi, ông lại đi làm đám tang cho mẹ. Tôi không hiểu tại sao tất cả mọi người lúc ấy lại tin ông. Biết đâu cũng có thể tất cả mọi người đều biết tại sao ông làm vậy, trừ tôi. Nhưng tôi đã không hỏi ông về bất kì một lý do nào. Lúc bấy giờ, không còn điều gì tồn tại trong tôi ngoài hình ảnh của mẹ. Nhưng tôi bắt đầu chạy trốn. Chạy trốn như một tên nô lệ thời trung cổ, quá sợ hãi trước những gông cùm của những ông chủ mà cố tìm cho mình một lối thoát khác. Dù biết sẽ không thể nào thoát được nhưng vẫn cứ chạy, đi đến bất kì đâu, dù có chết cũng không phải chết dưới thứ gông cùm của những tên chủ độc ác ấy. Tôi phủ nhận tất cả những gì thuộc về mẹ. Nhưng tôi không đủ can đảm đốt hay vứt đi mà chỉ len lén xếp tất cả vào một cái giương cũ kĩ.

Từ ngày ấy, tôi không bao giờ còn nghe saxophone nữa”.

Thụy Anh dừng lại. Ngửng lên nhìn bầu trời thăm thẳm một màu đen kịt đang co lại vì lạnh kia. Im lặng. Cô quay sang nhìn Phong như sực tỉnh lại, và nhớ ra rằng có một người vẫn đang ngồi ở đây, vẫn đang nghe cô nói.

– Phong có nghĩ đêm sắp tàn? – Nhìn Phong rồi Thụy Anh nói vu vơ trong khi Phong lại đang cố gắng sắp xếp lại những điều mà cô đã nói. Về cô. Về người mẹ mà cô đang yêu, đang nhớ, đang hận. Và saxophone.

– Hãy cứ đi đi. Đi về nơi đang thuộc về chị. Kí ức của chị, nắm chặt lấy nó và chia cho tôi một phần nếu như chị tin tưởng rằng điều đó là có thể, và điều đó làm chị thanh thản.

Thụy Anh châm thuốc và bắt đầu hút. Khói thuốc bay vòng vèo như nhắc nhớ rất nhiều đến sự trở về của những linh hồn khi đã chết. Cô hút rất nhiều, liên tục, liên tục như sợ dừng lại cô sẽ không thể nắm giữ được bất kể điều gì nữa.

– Mẹ tôi từng theo học saxophone suốt mười tám năm hoặc cũng có thể là hơn thế nữa. Nó như trái tim, nhịp thở của bà. Ngày ấy, tôi không thể hiểu được điều đó, nhưng rồi cho đến khi mẹ ra đi, đến khi tôi phải tự mình đối diện với những bản saxophone giăng đầy nhà, tôi mới hiểu rằng, không có saxophone mẹ sẽ chết. Chết thật, chứ không còn chỉ là cảm giác nữa. Bà chính là người đã gieo mầm những âm thanh ấy vào tâm hồn tôi, ngay từ khi tôi mới chỉ là một mầm sống trong bụng mẹ. Tình yêu đến tự nhiên như nó vốn dĩ như thế. Tôi đã nhớ tên phần lớn các bản nhạc có ở nhà tôi, vì bất kể lúc nào tôi và mẹ cũng có thể cùng nhau nghe chúng. Nhưng từ ngày mẹ ra đi, tôi bỏ. À, không phải chỉ tôi mà bố tôi cũng không còn nghe nữa. Ông cũng giống như tôi. Chúng tôi đã cố gắng để chạy trốn những kí ức về mẹ. Tôi không còn có bất kì cảm giác nào về tất cả. Và tôi bắt đầu sợ những âm thanh phát ra từ chiếc kèn ấy. Sợ đến nỗi chỉ cần một thoáng gợi lại từ rất xa xôi cũng có thể khiến đầu tôi đau đến muốn vỡ tung. Khoảng thời gian ấy, tôi đã sắp xếp tất cả, gói gém tất cả, xếp dưới đáy của chiếc rương đựng đồ của mẹ. Tôi đã mang nó thả xuống dòng sông Hồng để nó mặc sức trôi tự do, rồi biết đâu sẽ gặp lại chủ nhân mà nó thật sự thuộc về, nó không thuộc về tôi, chưa bao giờ và không bao giờ. Tôi cắt đứt với mối quan hệ này vĩnh viễn, không còn một dấu vết nào. Nhưng đêm nào tôi cũng gặp mẹ. Trong những cơn ác mộng của một giấc ngủ chập chờn, những thanh âm da diết của saxophone vẫn vang lên, ám ảnh đến nghiệt ngã, nó bóp nghẹt hơi thở của tôi. Saxophone mồ côi. Tôi cũng như nó, mồ côi từ rất lâu rồi và đến bây giờ tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ mồ côi ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Từ ngày bảy tuổi ấy, tôi không bao giờ đụng đến bất kì một bản nhạc nào nữa. Và không bao giờ còn có sự liên quan hay va chạm gì với những âm thanh ấy. Trong thành phố này có quá nhiều thứ khiến tôi sợ hãi.

– …..

Lại một khoảng im lặng rất dài, rất dài. Mọi điều đứng yên trong khoảnh khắc vọng về của những âm thanh từ quá khứ.

– Đó là lý do mà đêm đầu tiên khi gặp nhau, Thụy Anh đã bỏ về khi tôi vừa bắt đầu cầm kèn lên?

– Tôi không đủ sức chịu đựng những âm thanh ấy, vì chỉ cần lắng nghe chúng, mọi điều tôi đang chôn chặt trong tâm hồn sẽ ùa về như thác lũ. Và tôi biết như thế tôi nhất định sẽ bị chúng bóp nghẹn. Tôi sẽ chết.

– Chị đang cố chạy trốn.

– Tôi vốn dĩ đã chạy trốn suốt mười lăm năm qua rồi. Tôi không còn có ý định làm gì nữa, cứ mặc kệ cho cuộc sống chảy trôi đi. Đừng nghĩ gì nữa. Tôi vẫn còn nhớ, nhớ đến tha thiết những điều rất nhỏ bé đi qua cuộc đời mình. Nhưng tôi sợ hãi quá đến mức phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của nó. Thụy Anh mà mẹ tôi sinh ra và chăm bẵm đã vĩnh viễn chết vào lúc tôi lên bảy cùng với sự ra đi của mẹ.

Có những khi tôi thèm được nép vào bầu ngực căng phồng ấm áp của mẹ đến mức như đã chạm được vào nơi ấy. Tôi cảm giác đúng là mẹ đang ở rất gần tôi, nhưng có điều gì đó đã ngăn mẹ lại nằm bên cạnh và vuốt ve tôi. Sau tất cả những cuộc chạy trốn, tôi vẫn nhớ mẹ, nhớ nhiều đến nỗi không thể nào chạm đất thật sự ở nơi này.

Đêm xuống sâu hơn. Cả anh và cô đều cảm nhận hơi lạnh từ những cơn gió cuối năm xanh xao và nhiều day dứt. Gió heo may cũng khác theo từng đợt. Gió heo may của đêm nay cũng chỉ lởn vởn quanh đây để ám thêm vào bầu không khí vốn đã quá lạnh giá của bãi tha ma. Hơi lạnh tỏa ra ngày một rõ từ những ngôi mộ mới đắp khiến những kẻ yếu tim và hay gặp ác mộng phải sợ hãi vì nó sẽ để lại những dư âm rất lâu. Nhưng Phong và Thụy Anh vẫn ngồi im lặng như đang lắng nghe những tiếng vọng về của những linh hồn đã rời xa cuộc sống ở nơi này để chọn một sự bắt đầu ở nơi khác. Sống và chết cuối cùng không biết có ranh giới nào không hay chỉ là sự nhập nhằng về cảm giác của mỗi người. Nếu nghĩ mình đã chết rồi thì dù hơi thở vẫn đang tồn tại ở nơi này thì điều đó cũng còn ý nghĩa gì nữa đâu. Vẫn là đã chết, và đây chỉ là sự ra hạn thêm cho thời gian chờ đợi “lâm sàng”

– Tôi sẽ ôm chị. Nào, im lặng nhé, hãy nghe những điều xung quanh chị.

Hai người cứ ngồi im lặng như vậy cho đến khi cảm giác chân tay mình đã khô cứng vì sương đêm đã xuống. Hình như trời đang dần chạm đến bình minh. Có lẽ sắp sáng. Thụy Anh vẫn còn đang ngẩn ngơ với rất nhiều những suy nghĩ của riêng mình.

– Tôi chỉ tin vào những người đã chết, vì họ chắc chắn không biết cách nói dối. Họ chỉ có thể nói cho chúng ta những điều họ nhìn thấy và nó đang tồn tại một cách thật sự. Có lần tôi nghe thấy tiếng thì thầm tâm sự của những người đang nằm bên dưới những ngôi mộ này. Có vẻ có rất nhiều người bị gạch tên nhầm. Họ cũng than thở nhiều lắm, vì họ còn muốn sống tiếp ở dương thế này. Ngay cả những người đã tự ý từ bỏ cuộc sống nơi đây cũng có đầy những điều để luyến tiếc. Cuối cùng thì hóa ra chết chẳng ai tự nguyện cả mà đó chỉ là một giấc ngủ bị ép buộc. Biết là không nên nhưng lại cứ liều mình chết, để rồi từ nơi nào đó rất sâu trong tâm hồn vẫn thầm cầu nguyện rằng có người nào đó sẽ cứu giúp mình ở lại với cuộc sống. Những người may mắn thì sẽ được cứu, còn không, họ buộc phải đâm theo điều mà họ đã chọn.

Thỉnh thoảng đêm ngồi đây cứ thấy lặng người dần đi và chạm vào lại những cơn ác mộng trong đêm của mình.Trước đây tôi đã từng rất sợ nơi này cũng như sợ những cơn ác mộng trong đêm của mình, nhưng bây giờ tôi lại có cảm giác như đây mới chính là nơi thuộc về mình, là của riêng mình. Cũng hay thật, con người càng sợ điều gì lại càng không thể dứt da khỏi nó. Tôi không thoát được khỏi nơi này, cũng giống như việc tôi bị trói chặt vào những mảng kí ức xưa cũ mà tôi không thể nào quên được.

Chưa bao giờ tôi nói nhiều đến như thế

– Vì chị đang sợ.

– ……..

– Tôi biết điều đó. Càng sợ hãi con người càng nói thật nhiều như để cố che đi sự sợ hãi đó.

Thụy Anh quay lại nhìn Phong, mỉm cười, nụ cười xanh xao, mệt mỏi nhưng lại có phần nhẹ nhõm.

Vừa nói Phong vừa lấy tay mình siết chặt đôi bàn tay đang tái đi lạnh giá của Thụy Anh.

– Đừng nói gì và đừng nghĩ gì nữa. Nếu chị đã để mặc cho tôi bước vào tâm hồn chị, tôi tin rồi chính bản thân tôi sẽ tìm được nó.

Dù sao, đêm nay với tôi cũng đã quá dài và quá nhiều.

– Với tôi cũng vậy. Tôi sợ. Đúng là tôi rất sợ. Tôi sợ cả cuộc sống đang tồn tại này quay lưng lại với mình. Tôi không biết sẽ phải xoay sở ra sao.

– Chỉ cần chị đừng buông tay. Nếu như dù thế nào chị vẫn cố gắng bám vào nó thì nó vẫn sẽ mãi ở xung quanh chị. Chỉ cần đừng buông tay. – Phong nói những từ đó một cách thực sự nghiêm trọng, như khẩn cầu vì có một nỗi sợ hãi đang hình thành trong tâm trí anh.

Thụy Anh châm thuốc rồi cười. Cười như tiếng khóc khô khan vọng lại từ những âm hồn đã chết rất lâu mà vần còn lưu luyến với cuộc đời này. Tiếng cười của cô khiến Phong thấy lạnh gáy. Đêm Noel tàn dần với rất nhiều buốt giá còn đọng lại. Thụy Anh đang cố định hình lại những gì đã xảy ra. Nhưng cô không thể. Đầu cô như quay cuồng trong một vùng xoáy rộng, một giấc mơ lờ mờ choáng váng.

– “Tôi đang bị lạc giữa một cánh đồng mênh mông nước. Không có điều gì tồn tại ngoài một màu trắng băng. Nước mênh mông, không nhìn ra đâu là đường chân trời. Ban đầu tôi cứ ngỡ mình bị ai đó thả trôi ra biển cả. Nhưng tôi nhầm. Không có sóng. Khoảng nước im lặng như nhìn vào khuôn mặt tôi dò xét xem nó có nét gì biến đổi. Có lẽ nếu tôi để hở ra là mình đang sợ hãi, nó sẽ chồm lên như những cơn sóng giữ ở biển, sẽ nuốt trôi tôi vào trong những giông bão của chính nó. Tôi rất sợ, nhưng tôi đoán được những gì nó đang nghĩ nên khuôn mặt tôi cứ lạnh đi, cứ vênh cái mặt của mình lên đe dọa lại nó.

Khoảng trắng của những con nước ấy ngày càng rộng ra. Rộng như chạy dài mãi trên một miền cát trắng bao la. Trời mờ dần. Đêm buông xuống. Tôi loay hoay không biết phải đi về phía nào. Và có một bóng trắng hiện lên ở rất xa phía tôi đứng. Tôi nhận ra người mẹ của chính mình. Người mẹ đã mất từ cách đây rất lâu. Người mẹ đã gắn liền với cả một tuổi thơ dằng dặc những nỗi buồn của tôi. Đã lâu lắm rồi tôi mới nhìn thấy mẹ, nhưng mẹ ở rất xa. Bóng mẹ mờ ảo lẫn lộn trong rất nhiều những đám mây đen kịt của buổi tối mùa thu. Tôi bắt đầu lấy hết sức lực của mình để gọi “Mẹ ơi…..” Tôi cứ gọi những tiếng dài bất tận như thế. Và mẹ cứ trôi đi, trôi đi, khuất lấp trong những đám mây như chưa bao giờ nghe thấy bất kì một âm thanh nào của nhân gian này. Tiếng gọi thảng thốt của tôi cứ đuối dần đi, rơi tõm xuống khoảng nước trắng lặng lẽ này. Tôi bắt đầu chìm đi khi mọi cảm xúc ùa về đè nặng lấy tâm hồn bé nhỏ của mình. Nhưng tôi cố vùng vẫy, và bắt đầu chạy. Chạy trên nước. Nước vẫn lặng lẽ. Vẫn để im cho tôi đi. Nhưng tôi càng chạy, khoảng cách giữa tôi và mẹ càng xa, cứ xa mãi như vô tận, như vĩnh viễn không bao giờ gần lại được.

Và khi tỉnh dậy, những điều đó tan thành khói, ám sâu vào tận tim phổi tôi. Bởi thế nhiều khi nghĩ đến biển tôi thấy sợ”.

Đêm dừng lại ở đó, và Thụy Anh cũng như chìm sâu vào từng khoảng tối đêm ấy.

P.L.

(Còn tiếp)

Comments are closed.