Tửu công mộ

Dư Thu Vũ

Một năm trước đây, chịu lời với người dưới mộ, tôi phá lệ lần đầu tiên viết một bài văn bia đặt là: “Tửu công Trương tiên sinh chi mộ”. Viết xong, cuộn lại trịnh trọng gửi về quê.

Cái bia mộ này kể cũng lạ. Làm sao lại gọi là “tửu công”, sao lại phải tránh tên thực, cớ gì mà riêng nhờ tôi viết, chuyện kể ngọn ngành như này.

Tửu công Trương tiên sinh tuổi tác ngang thế kỉ này, cái kiếp của ông có lẽ khởi từ một địa danh trên Ngư Bối Lĩnh, đoạn cuối của dãy Tứ Minh Sơn: “Mộ Trạng Nguyên”. Tương truyền vào thời Tống, nơi này đã sản sinh một ông trạng họ Trương, chính là tổ tiên của Trương tiên sinh. Sau khi trạng chết, mộ táng tại quê nhà. Ngư Bối Lĩnh vì thế mà đâm ra rạng danh lây. Gia tộc họ Trương thích bàn chuyện đó lắm. Có điều cho đến đời ông nội Trương tiên sinh thì cả làng tìm chả ra một người biết chữ.

Bà nội ông Trương là một quả phụ hiền thục, ngày đêm kéo sợi dệt vải, góp được ít tiền, nhất quyết bắt thân sinh ông Trương đi học. Nói là không thì có lỗi với cụ tổ đang nằm dưới mộ trạng nguyên. Trường cách nhà hai quả núi. Bố ông Trương rất chịu khó, học hành ra trò lắm, đến tuổi trưởng thành thì xa nhà đến học nghề buôn ở Thượng Hải, không ngờ làm ăn cũng phát đạt. Họ hàng bà còn ở quê thấy nhà họ Trương đến hồi trung hưng, ai cũng ngưỡng mộ.

Bố ông Trương tiền của tuy nhiều, nhưng trước sau vẫn ghi nhớ mình là con cháu của trạng nguyên, thường thẹn sự nghiệp học hành bỏ dở nên dồn hết sức lực cho người con. Thế là đứa con một – tức nhân vật chính của chúng ta, học đến trung học thì du học ở Mỹ. Tại Mỹ, sau khi đọc xong luận văn tiến sĩ Luận về lôgíc học tiên Tần của Hồ Thích, Trương tiên sinh quyết định cũng học lôgíc. Nhưng tôn chỉ của Trương không giống với họ Hồ. Trương tiên sinh cảm thấy suy nghĩ của người Trung Quốc quá tuỳ tiện. muốn dùng lôgíc để chấn chỉnh lại. Đám học sinh lưu học ở Mỹ đều gọi đùa Trương là “nhà lôgíc cứu quốc luận”. Cuối những năm 20, Trương tiên sinh tốt nghiệp về nước, dạy học ở một trường sư phạm tại Thượng Hải. Lúc đó lưu học sinh từ Mỹ về đã không đến nỗi quý hiếm như hồi ông Hồ Thích về nước. Hiệu trưởng trường sư phạm nọ lịch sự nghe xong bài luận về tính quan trọng cấp thiết của việc đem môn lôgíc học vào trường học của Trương bèn mỉm cười rồi nói một câu: “Thưa ông, trường chỉ khuyết một chân dạy Anh văn”. Trương tiên sinh ngơ ngác một hồi, sau cũng nhận lấp chỗ khuyết ấy. Ông Trương bắt đầu giao lưu với giới văn hoá ở Thượng Hải, đương nhiên vẫn cứ không quên được “lôgíc học”. Người ta biết ông là lưu học sinh ở Mỹ về, đều chủ động làm thân bắt chuyện, nhưng vừa nghe Trương giảng đến lôgíc thì chẳng mấy chốc ai cũng ngơ ngơ ngác ngác, rút êm cả. Một lần trong buổi gặp mặt của giới văn nghệ, một vị trưởng lão hỏi đến “chuyên môn, công tác”, ông Trương vốn đã mất hết tin tưởng, lúng búng đáp đến hai chữ “la tập”.[1] Vị kia trầm ngâm một chút rồi nói vẻ hiền từ: “Đúng vậy, đúng vậy, đó chính là khoa thâu la, sưu tập – căn bản của mọi học vấn”. Một chàng trẻ tuổi ngồi bên lập tức cãi: “Bác ơi, bác nghe lầm rồi, “la” ở trong “la tập” – cái môn của ông Trương ấy là “tuần la” chứ không phải là “thâu la”. Nói đoạn quay sang hỏi Trương tiên sinh: “Có phải ông đã làm ở phòng tuần la?”. Trương ngơ cả người, sau mới hiểu ra là anh ta hiểu “la tập” là “tuần la truy nã”. Từ đó họ Trương chẳng bao giờ dám nói đến môn logic nữa.

Nhưng sau rồi thì ông Trương cũng mở mặt dần với giới trí thức. Số là có người dò biết ông là hậu duệ của một ông trạng nguyên. Người ta sốt sắng tìm hiểu gia phả họ ông, rồi lại còn lũ lượt đến xin chữ đề quạt. Trương tiên sinh chịu không được cảnh tĩnh mịch trước đây cũng dần dà vui vẻ mua về một ít mẫu chữ khắc đá và bắt đầu luyện thư pháp. Không chỉ vì chuyện đề chữ khắc bia, mà còn vì để cho đúng vẻ con cháu trạng nguyên – trang phục cũng khác trước – đổi sang mặc áo dài. Môn dạy cũng xin đổi sang quốc văn. Ông đã hiểu logic – chào tạm biệt môn logic mới hợp logic.

II

Năm 30 tuổi, thân sinh ông Trương tạ thế, di chúc dặn táng tại quê, chỗ gần mộ trạng. Ông Trương về quê chịu tang. Mộ làm rất oai, tang lễ tiêu tiền không tiếc, xung quanh làng xóm đều cho là chuyện lớn, đi xem đông như hội. Chuyện đến tai lão lùn họ Trần, vốn là trùm một bang hội lớn. Lão đang buồn chưa có cơ hội gây thanh thế, bèn dẫn đầu một bọn đến sinh sự. Hôm đó dân trong làng đều thấy cảnh xô xát giữa một ông thư sinh nho nhã với đám ba trợn. Đối với họ mà nói, cả hai bên đều không phải là cánh nhà mình, chả bỏ miệng vào được, mà cũng chẳng ai muốn bỏ miệng vào, chỉ thích thú đứng xem. Lão lùn vặn vẹo ông Trương có biết đây là đất của ai không, mà lại dám xây mồ xây mả; cớ gì mà không đến bẩm báo trước một tiếng? Ông Trương giải thích quan hệ giữa nhà mình với “mộ trạng nguyên”, lại nói bản thân xa quê đã lâu không biết phép tắc làng, nhân tiện cũng nói rõ mình là lưu học sinh từ Mỹ về. Nghĩ là để doạ non doạ già bọn này một chút. Lão lùn biết được thân thế ông Trương, cũng biết ông Trương chẳng có ô dù gì, cả cười nói với dân làng: “Hội Khôi Vũ của thằng Viên rỗ ở Hà Tây tìm được một thằng học sinh cấp III làm mưu sĩ, thanh thế đã oai lắm. Lão này mời được con cháu nhà trạng nguyên, lại lưu học Mỹ quốc về làm tham mưu, để xem thằng Viên tức đến mức nào”. Nói xong quát bọn tay chân quỳ trước mộ thân sinh ông Trương rập đầu ba cái, xong áp nách ông Trương lôi đi mất. Hôm đó ông Trương mình mặc áo tang, giãy dụa kêu gào giữa hai tên thuộc hạ của lão lùn. Trương bị kéo đi đã xa, nước mắt chan hoà ngoái nhìn lại hai ngôi mộ ở đầu núi – mộ Trạng Nguyên một nắm đất vàng, kế đó là mộ thân sinh vừa xây bày đầy cúng phẩm.

Ông Trương làm gì ở nhà lão lùn, đến nay cũng chẳng ai rõ. Nghe nói giấy tờ để lại của bang hội này chữ viết cực đẹp. Vì chuyện đó mà tên Viên mặt rỗ tức đến nỗi giết chết mưu sĩ của mình. Lại nghe nói, họ Trương tửu lượng ngày càng cao, những trò bắt thăm phạt rượu chả thua ai. Trương cũng từng trốn ra mấy lần nhưng đều bị bắt trở lại. Lão lùn giữ thể diện không có xử phạt gì. Trốn đến lần thứ tư cũng không thoát, bị đánh đến tàn tật rồi bị đuổi đi. Người ở quê nói ấy là lão lùn coi trọng nghĩa khí, còn chưa đến nỗi giết ông Trương.

Ông Trương từ đó mất tông tích. Nhiều năm sau, mấy người thân thích dò la biết được ông đã đến Thượng Hải. Ông Trương chân đi tập tễnh, chẳng muốn tìm việc làm, cũng không muốn gặp mặt ai cả, nguyện làm một kẻ lưu vong nằm nhà, dần dà ăn hết cả chút tài sản bố để lại cho.

Cho đến 1949, Trần lùn bị trấn áp, ông Trương mới về quê. Khó khăn lắm mới leo lên được lên trên núi, dọn sạch cỏ hoang trên mộ bố rồi sau đó đến chỗ chính quyền xin việc làm. Chính quyền địa phương nói ông đến thật đúng lúc, hẵng chưa vội chuyện công tác, trước hết hãy làm rõ chuyện quan hệ với lão lùn họ Trần. Vụ này kéo dài 4 năm, càng làm càng rối lắm. Cuộc sống của ông Trương chỉ biết nhờ vào việc viết câu đối, bia mộ, biển hiệu, khẩu hiệu. Năm 1957, một hôm kẻ khẩu hiệu cho uỷ ban, rượu vào ngà ngà, viết lộn “gió đông thổi bạt gió tây” thành ra “gió tây thổi bạt gió đông”. Lúc bị chất vấn còn trả lời tỉnh bơ là do ảnh hưởng của việc nghe dự báo thời tiết. Địa phương đang thiếu chỉ tiêu “phái hữu”, đương nhiên bắt ông Trương để bù vào cho đủ phần trăm.

Thực tình, cái tội danh “phái hữu” cũng chả là gì, ông Trương thì vốn là đã phần tử mục ruỗng rồi. Còn chuyện tháng trước: ông Trương kết hôn với một bà nông dân góa chồng, hơn ông 8 tuổi. Bà này phát hiện ra ông Trương là tên hư hỏng, vốn dính dáng đến vụ lão Trần lùn, nay thêm tội đi theo “phái hữu”, sợ liên lụy đến thằng con riêng, tập tức li dị bỏ đi.

Ba năm sau, cái mũ “phái hữu” chụp xuống đầu mới được cất bỏ. Lí do là ông Trương đã cải tà quy chính. Thực tế thì do yêu cầu của một hiệu trưởng trường trung học của huyện đề đạt với chính quyền. Thoát tội được mấy hôm, trường trung học mời ông Trương đến dạy Anh văn. Trường này vốn không có môn tiếng Anh mà năm ấy thi đại học thêm ngoại ngữ, ông hiệu trưởng cuống lên, yêu cầu dạy tiếng Anh cấp tốc cho khoá tốt nghiệp. Hỏi khắp huyện, chỉ mỗi ông Trương biết tiếng Anh.

III

Ông Trương chưa bao giờ cao hứng đến vậy, nằm nì bà giúp việc sửa sang lại trang phục, không quản đường xa lập tức lên huyện.

Đối với bọn trẻ con các làng, đòi trong hai tháng dạy cho chúng từ a bờ cờ đến trình độ dự thi cấp III, việc thực không dễ. Nhưng ai cũng tin tưởng. Lí do khá đơn giản – thầy dạy du học từ Mỹ. Ở đây người có học vấn cao nhất huyện cũng mới chỉ mới tốt nghiệp trung cấp sư phạm.

Bài mở đầu xem như thuận lợi, đến bài thứ hai thì bắt đầu có chuyện. Hôm đó trong bài khoá có câu “We all love chairman Mao“. Xoay xung quanh các cụm từ thường dùng động từ love, thầy Trương giải thích thêm rằng, nghĩa phổ thông nhất của từ ấy là ái tình. Trương viết câu ví dụ lên bảng: “Tình yêu là sinh mệnh của con người“. Đúng lúc thầy giáo cao hứng quay xuống nhìn cả lớp, không khí bỗng trở nên rất lạ thường. Bọn con gái đỏ mặt cúi đầu, mấy đứa con trai hết ngó ngó nghiêng nghiêng lại đực mặt ra nhìn thầy. Đột nhiên, không biết đứa nào cười trước, kéo theo cả tràng cười không cách gì kìm lại được của cả lớp. Trương tiên sinh hốt hoảng xem lại câu vừa viết có chữ nào sai không, rồi sờ đầu, xem quần áo… có gì sơ suất chăng. Tiếng cười càng to, bốn mươi cái miệng ngoác ra cười thầy, cười cái bảng đen, cười tình yêu, cười đến nghiêng ngả rát cả tai. Bài học hôm đó không tài nào giảng hết. Thầy Trương đứng ngây ra mấy phút rồi đi ra, đến thẳng văn phòng, nói mình khó ở, xin về quê nghỉ.

Năm đó cả huyện chẳng có mống nào thi đậu. Trương tiên sinh về đến nhà, cởi bộ quần áo mặc trên lớp nhét vào góc rương. Nghĩ ngợi một lát, lại bưng nghiên mực ra tiếp tục kiếm sống bằng bút lông. Dân làng cho rằng ông Trương vận xui, thôi không thuê viết câu đố đám cưới nữa. Thứ duy nhất mà ông có thể viết chỉ còn là bia mộ.

Theo thầy địa lí, Ngư Bối Sơn là chỗ rất tốt để đặt mộ, thế là trọn cả quả núi đều dựng đầy những bia, quá nửa số bia ở đó có chữ của ông Trương. Chữ ông Trương vừa có khí cốt cứng cỏi của thi phái Liễu Công Quyền, lại có dáng vẻ đầy đặn của thư pháp Tô Đông Pha – khoẻ khoắn mà mềm mượt, đoan trang lại sống động, thu hút mắt xem lắm. Khách ở xa đến núi này ngắm bia mộ mà quên cả vẻ đẹp của thảo mộc sơn khê. Người chết cũng như người nhà bọn họ, phần lớn không hiểu chuyện đó, chỉ nghe nói Trương chữ đẹp, muốn lấy chữ để lưu tên họ mãi mãi trên đá. Đám tang ở quê rất chịu tiêu tiền. Thù lao viết bia cũng đủ sống cho họ Trương. Trương thích rượu, uống xong mấy chén cầm bút viết, chữ càng uyển chuyển. Vì thế, người làng đến nhờ vẫn thường bày rượu cùng đồ nhắm để ông nhâm nhi hồi lâu. Lại sai một đứa trẻ mài mực sẵn bên cạnh. Trương vốn không thích dùng mực nước. Đợi đến lúc mặt ngả sắc tía, cả cười đứng dậy, cũng chẳng thèm thử bút, cầm yên định thần một lát rồi một mạch viết xong.

Người các làng mang rượu đến, mỗi lần không dưới một lít, đủ ông Trương uống mấy ngày. Gần đó có phường rượu, biết ông sành rượu thường mời đến nếm để phân loại rượu. Sau đó đem những lời bình phẩm của ông làm tiêu chuẩn để cạnh tranh với nhau. Vì thế nhà nào cũng chiều ông. Trong nhà ông vò rượu xếp đầy chân tường, người ta không thích lối xưng hô “Trương tiên sinh ” với ông, cho là khách sáo lễ nghĩa quá. Hết thảy đều gọi ông là “Tửu công”, ông cũng bằng lòng. Một nhà nấu rượu thậm chí còn đặt tên cho một loại rượu mà ông khen ngon nhất là “Tửu công tửu”. Rượu đó nổi danh suốt mấy dặm trong phường rượu.

Cuối thu năm trước tôi có về quê chơi, bị thư pháp bia mộ trên núi làm cho sững sờ. Tìm hiểu thân thế Trương tiên sinh xong tôi lại lên núi lần nữa. Bồi hồi mãi giữa những dòng mộ chí. Tự nghĩ nhà logic cứu quốc luận 50 năm trước đây dùng một cách bất đắc chí mà cũng rất độc đáo để cho sinh mệnh được tồn giữ trên quả núi này. Con người đó bình sinh chưa có thể dùng học vấn của mình thuyết phục được lấy một người, chỉ có thể dùng ngọn bút lông, thứ truyền đã mấy nghìn năm nay ở Trung Quốc, an ủi lấy một lần những người đã rời khỏi thế giới này. Đáng thương những người đó không hiểu lôgíc mà cũng không hiểu thư pháp. Thế là, dáng chữ trên những hàng bia cũng trở nên thê lương vô hạn. Ai người an ủi được vẻ thê lương ấy? Chỉ có từng hàng vò rượu màu hạt dẻ kia mà thôi.

Ở Mỹ cũng như Thượng Hải, ông Trương ngày đêm tưởng nhớ ngọn núi quê hương, ngọn núi của tổ tiên. Không ngờ kết cục một đời gió bụi lại là mấy hàng bia mộ ngày một nhiều thêm. Người ta rốt cuộc phải chết về dưới từng nấm đất tròn. Xưa nay là vậy. Nhìn trời đất quê hương mà sợ hãi. Tôi tin, kẻ giỏi logic ấy đã bao lần cầm đến bút mà ghê sợ. Cái thế giới hiện lên dưới ngọn bút đưa nhanh ấy là cái thế giới của hạng loại nào?

IV

Thỉnh thoảng ông Trương đến phường rượu, cũng lật vào trang báo. Tám năm trước, ông đọc thấy một bài trên báo nhan đề Sám hối vì cười nhạo. Thoạt đầu thấy đề mục kỳ quặc, đọc xong run cả người. Bài ấy là của một người trung tuổi công tác trên tỉnh, chính ra là một bức thư ngỏ gửi bạn học cùng lớp thời trung học. Tác giả hỏi bạn học thời xưa kia có phải đều chung một mối đồng cảm rằng khi mình đã trải qua ngọt ngào và cả cay đắng trong tình yêu, kinh qua sóng gió cuộc đời, giờ đây đang quay lại vất vả với từng từ mới trong những buổi ngoại ngữ học lẫn với đám con cháu, đều xấu hổ một cách sâu sắc cho một lần cười nhạo trong một buổi học Anh văn thời trung học?

Bộ dạng ông Trương hôm đọc tờ báo làm cho người ta cảm thấy lạ. Hai hôm sau, ông Trương tìm đến một trường tiểu học trong làng, xin lên lớp ít buổi không đòi tiền thù lao.

Số ông Trương đen đủi. Dạy chưa được ba tháng, một trận bão cuốn đổ lớp học. Hôm đó ông Trương đang lên lớp, tập tễnh lôi được mấy học sinh ra thì bị ngã đè trong đống nhà đổ, từ đó liệt cả hai chân. Tay cũng không viết được nữa.

Lúc tôi đến gặp, ông Trương đã nằm liệt giường. Buổi nói chuyện của chúng tôi bắt đầu từ logic học. Tôi vừa nhắc đến Kim Nhạc Lâm[2], ông liền run rẩy nắm lấy tay tôi. Ông nói chẳng còn sống được bao lâu, nếu có thể xin viết cho bài văn bia. Không thì cũng xin đề cho mấy chữ “Tửu công Trương tiên sinh chi mộ” làm mộ chí. Không viết rõ tên vì cảm thấy một đời hổ thẹn với tổ tông, thẹn với thầy, bạn ở Mỹ, ở Thượng Hải, cảm thấy tên gọi của mình đã thành ra một chuyện hài hước nực cười.

Tôi hỏi kỹ ông Trương văn bia nên viết thế nào, ông nghiêm trang cân nhắc kĩ rồi ngâm nga một lượt. Xong đọc chậm cho nghe:

“Tửu công Trương tiên sinh, không biết quê quán, không biết tên gọi, cũng không biết tổ tông thế phả, không con, không cháu, trơ trọi một đời. Nhỏ theo Tây học, lớn đành vất bỏ; khốn cùng lưu lạc, không chốn tựa nương. Thân cô sức yếu, khi lững khững giữa văn chương nhã khách, lúc run rẩy trong tay côn đồ ác bá; hoặc kinh hãi trước cật vấn của buổi thay thời đổi thế, hoặc xấu hổ đám trẻ con bày chuyện trêu cười. Kinh sợ bất an, dở dang không quyết. Nho Phật không có thâm duyên, chân thiện mỹ đánh rơi hết thảy.

Mực thừa, rượu đục, thân tật, mộ bia dệt cuộc đời. Đức chả nên mà ác cũng chả làm. Bạc đầu ngoái lại, than tiếc để trôi như bèo như củi, phí cả công cần mẫn học hành, than thở cặm cụi. Ô hô, cố quốc thần châu, trí thức bao kẻ, như tôi tuyệt đỉnh chán chường – duy một kiếp trên đời há phải?”

Đọc xong, nước mắt nhạt nhoà. Tôi nói, nếu văn bi thương vậy, tôi không viết.

Trương tiên sinh một đời khập khễnh cũng đã đi hết đường. Giờ đây nấm hộ khắc bảy chữ tôi viết, đã định vị giữa lớp lớp những hàng bia vây quanh mộ trạng nguyên. Ông Trương nằm giữa một vùng toàn bút tích rồng bay phượng múa của chính mình. Trương tiên sinh gắng hết sức giấu đi tung tích dòng dõi của mình, nhưng ba ngôi mộ – mộ trạng nguyên, mộ thân sinh ra ông và mộ ông đã yên nhiên xếp thành một dãy, thật giống như một chứng minh lôgíc học – môn học mà ông hằng yêu mến. Dù sao đi nữa, điều đó cũng xem như là bổ sung thêm một hình ảnh cho cảnh trí ngọn núi cố hương.

Lê Thời Tân dịch từ nguyên bản tiếng Trung đăng trên tạp san Thu hoạch số tháng 6-1988.


[1]“La tập”: tiếng Trung dịch âm từ “logic” thành “la tập”, vốn là những chữ đồng âm với những tiếng xuất hiện trong các từ: “thâu la” (thâu nhặt); “sưu tập” (thu gom).

[2] Kim Nhạc Lâm: nhà lôgíc học hiện đại của Trung Quốc, giáo sư đại học Bắc Kinh.

Comments are closed.