Vé trở về (kỳ 7)

Tiểu thuyết Liêu Thái

Một cách viết riêng từ góc nhìn của một công dân Việt lớn lên/trưởng thành sau-hòa-bình 1975 (tác giả sinh năm 1976).

Người cầm bút trẻ (so với những người đã-trưởng-thành trước 1975) nhìn nhận/nhìn xuyên-qua cuộc chiến ấy dưới lăng kính nào/màu gì? Quá khứ đã không thể thay đổi (dù có thể bị bóp méo/ám sát), tương lai chưa biết ra sao (dù có bao nhiêu dự tưởng/dự đoán/dự phần… vừa mơ hồ phi lý vừa thực dụng ngang nhiên tới mức tàn bạo), chỉ hiện tại là nhà văn có quyền dòm vào/góp-tiếng, cho dù chưa chắc đã được ai nghe/biết/quan tâm…

Xin giới thiệu với các bạn tiểu thuyết Vé trở về của Liêu Thái, tác giả thường được biết tới như một nhà thơ…

Văn Việt

15. Quê nhà

Mi đã nhai ngấu nghiến mấy ngàn ngày trên mặt đất, và còn tiếp tục nhai nữa, điều đó như một định mệnh. Đôi khi mi ngồi nhớ một cội tùng già ở một góc sân chùa nào đó, trên đỉnh núi cao, nơi có những tia nắng xuyên qua đám lá và khói của ai đó đốt lên làm mi ngồi nhớ tháng Chạp quê nhà. Mọi thứ cứ đảo lộn trong khoảnh khắc và ngồi nơi này nhớ nơi kia để hình dung tự nơi kia đang nhớ nơi này.

Nhưng có lẽ, điều làm mi nhớ hay nói đúng hơn là ám ảnh, có lẽ cây chim chim. Nó không cao ráo, mạnh mẽ và quý phái như cây tùng, nó cũng không tràn trề nhựa sống như cây vú sữa hay cây mận, nó không lạnh lẽo, cô đơn và tinh khiết như hoa mận. Nói cách khác, hoa chim chim có chút gì đó của hoa dủ dẻ và chân chất, cục mịch như đứa con gái quê quen chân lấm tay bùn, nói chuyện cộc lốc và đôi khi hơi vô duyên, chỉ có lúc nó mỉm miệng cười thì mọi thứ hồn nhiên hay duyên dáng gì đó còn sót lại đúng chỗ nó cười và khi yêu thì yêu đáo để. Nhưng hình như thứ mi nhớ về nó không phải cái chỗ đứa con gái quê kia cười, mà nó chứa quá nhiều thứ, nhất là các oan hồn.

Người ta kháo nhau rằng các oan hồn thường cô đơn, lẻ loi và không có hội đoàn hay phe nhóm, họ cũng giống như các đám cô hồn trên mặt đất, sống lây lất rày đây mai đó, không nhà cửa, không căn cước và không cả thân phận. Họ đi lang thang kiếm ăn, đương nhiên là những chỗ kiếm ăn của họ thường là chỗ không ai thèm động vào hoặc những chỗ đã được bỏ mứa. Và thi thoảng, trong một sự may mắn nào đó, họ dùng mọi sức lực có được để đi vào một giấc mơ của người yếu bóng vía nào đó mà xin ăn. May mắn xin đụng người có chút của ăn thì họ có cái mà ăn, không may mắn thì người đó sẽ ra vườn ỉa vất, sau đó bẻ một cành cây thành đôi đũa lệch và kêu mắng: “Tổ cha đứa nào tối qua cho tao nằm mộng thì hãy ăn hết đống cứt của tao!”. Vậy là không những không được cho một bữa no, các oan hồn lại trúng thực trong lời nguyền ỉa vất.

Tự dưng mi lại nghĩ tới các oan hồn! Bởi lẽ, thế giới của mi đã và đang tạo ra quá nhiều oan hồn. Kể từ những oan hồn của người Chăm mà mỗi khi cúng, câu mào đầu của người chủ bái bao giờ cũng là xướng tên quốc gia, tỉnh thành, quận huyện, xã phường, thôn xóm và xứ đất, mở đầu bài cẩn cáo bao giờ cũng có thêm câu “Cung nghinh hồn liệt Chăm Chợ mọi rợ…” để khấn vái, kêu gọi những hồn ma Chăm thương tình giúp đỡ, bỏ dữ làm lành…

Hôm giao thừa Tết nguyên đán đến nay, có lẽ đã có hàng ngàn oan hồn, và sẽ còn nhiều oan hồn khác trên thế giới này. Mi nhớ đinh ninh cái đêm giao thừa đầy pháo bông nổ khắp mọi nơi, có thể nói rằng từ sau ngày nhà nước cấm pháo tới nay, lần đầu tiên mi nhìn thấy pháo bông nở tứ phía.

Nàng bảo chắc năm nay có một thứ gì đó đặc biệt lắm. Và đáng sợ là những khối hình họa của COVID-19 lại rất giống pháo bông đang bung tua tủa trong màn đêm. Thông tin về cái chết hằng ngày chất đầy ứ các trang báo và đầy ứ trong góc buồn bã của mi.

Và cả những tin nhắn của Bộ Y tế gửi đến điện thoại mỗi người hằng ngày cũng đầy ứ. Rồi các cái loa phát thanh suốt ngày nói về COVID-19. Thế nhưng có một nhóm người lại rất buồn cười, dường như họ nghĩ rằng dịch không thể nào xâm nhập được họ hoặc họ đã có thuốc chống hay gì gì đó.

Trước khi có lệnh của thủ tướng chính phủ quy định từ giữa tháng Ba năm 2020 về việc mọi người ra đường đều phải đeo khẩu trang thì có khá nhiều cán bộ đeo khẩu trang. Nhưng kể từ khi lệnh được ban bố thì chính cái nhóm đeo khẩu trang này lại bỏ khẩu trang. Đáng sợ hơn, họ là cán bộ, những cán bộ nòng cốt cấp huyện, và họ là hiệu trưởng, nông dân, nhà buôn… Gần như họ làm ăn, hoạt động đều có liên quan đến nhà nước, họ lững lờ không đeo khẩu trang khi đi kiểm tra vệ sinh dịch tễ ở các cơ sở. Nếu hỏi thì họ sẽ cười và trả lời rằng “Chết sống có số!”.

Trong khi thế giới rúng động vì dịch, chính phủ mất ăn mất ngủ vì dịch thì có một nhóm người cứ réo gọi những người thân của họ từ vùng dịch hãy về nước. Nhóm này gọi là gia đình có Việt kiều. Họ từng là những người chạy trốn chế độ cộng sản hoặc không có liên quan gì đến chế độ cộng sản nhưng chịu không nổi cực khổ, lên tàu vượt biên tìm vùng đất hứa, còn một nhóm nữa là đi xuất khẩu lao động, tìm cách ở lại luôn nước sở tại. Chính vì vậy, Việt kiều thời sau 1975 có hai nhóm rõ ràng, nhóm đi tìm mạng sống và nhóm đi tìm miếng ăn ngon, công việc lương khá. Thường thì nhóm đi tìm miếng ăn ngon lúc nào cũng đông đúc hơn so với nhóm đi tìm mạng sống và tự do. Nhưng khi nói về mục đích di chuyển hay vượt biên, họ dùng chung hai chữ Tự Do, họ khẳng định họ đi tìm tự do. Và tất nhiên trong thời kỳ đất nước khốn khó, cả nhóm đi tìm mạng sống và nhóm đi tìm miếng ăn đều có gởi tiền về giúp người thân của họ ở quê nhà. Những người thân của họ sống như những ông hoàng bà hoàng ở chốn quê. Trong lúc dân nghèo tìm chưa đủ ba bữa cơm thì những gia đình có Việt kiều đã dư ăn dư để, sống xênh xang và sung túc. Họ cũng là chỗ dựa của không ít oan hồn tứ cố vô thân. Những oan hồn này lây lất sau bụi chuối, bụi tre để chờ khi họ mang thức ăn thừa đi đổ thì xúm xít lượm lặt…

Và đến khi đất nước phát triển, dường như các Việt kiều đều nhận thấy một phần đóng góp của họ trong đó. Mà thực ra, Việt kiều đã đóng góp không nhỏ cho gia đình họ, mọi quyền lợi, yêu thương và sự giàu có của gia đình họ chính là do họ đóng góp, và khi mọi sự trở nên căng thẳng thì đương nhiên gia đình của họ phải cứu lấy họ, đó cũng là đạo lý. Điều đó cũng như cán bộ tuyên bố phục vụ cho nhân dân, đất nước, nhưng kỳ thực họ phục vụ và làm giàu cho gia đình họ là chính. Cả hai nhóm gia đình Việt kiều và cán bộ đều rất giàu, sự giàu có của họ may ra có thể kéo cho chiếc tàu kinh tế trở nên bớt ỳ ạch, chỉ vậy thôi! Nhưng bảo họ có đóng góp thì khó nói cho trọn bởi trong một chừng mực nào đó, Việt kiều nghèo hơn cán bộ nhiều lần. Một nhà buôn nho nhỏ tại Việt Nam cũng có thể giàu ngang với Việt kiều lâu năm đi làm thuê, bởi nhà buôn sống trên đất quê, họ tự làm chủ và không phụ thuộc vào nắng gió, nóng lạnh cũng như chính sách rất ư khác thường so với cơ địa người Việt của các ông chủ xứ người. Lần này, có vẻ như các Việt kiều và nhóm dư luận viên đã cay cú với nhau đến độ khó hòa hợp. Thậm chí, có những Việt kiều khi bước ra đường không chừng sẽ khó giữ an toàn tính mạng bởi đã bị công kích từ nhóm dư luận viên này. Đúng sai chưa rõ nhưng căng thẳng thì quá cao.

Mi lấy làm lạ vì cho đến thời điểm bây giờ, khi mà các nước đều vỡ trận với con dịch chết chóc, mỗi ngày có hàng ngàn người chết ở Ý và mỗi ngày có hàng trăm ngàn người phải vào khu cách ly trên các nước, nhưng Việt Nam lại nằm trong vành đai an toàn. Ban đầu chỉ có vài chục ca nhiễm dịch, sau đó đã được chữa khỏi, chính phủ định sẽ tuyên bố an toàn thì đùng một cái, một ả Hà Nội con nhà quan, chơi bời thác loạn đã mang dịch từ Ý về nước làm lây lan một đám khác, sau đó đến một mụ doanh nhân trở về từ nước ngoài cũng mang một đống virus về lây lan, rồi sau đó là các chức sắc tôn giáo, một quan chức trung ương ham hố mua vé hạng thương gia bay ra nước ngoài chơi bời cũng mang về một đám virus, mọi chuyện trở nên khó kiểm soát và rối bời.

Giờ thêm đám người sống cẩu thả cũng luồn vào trong nước. Thay vì về nước đến tránh dịch, để cách ly trong 14 ngày đầu và sau đó cùng góp tay với cộng đồng mà chống dịch hoặc chí ít cũng có lời cảm ơn cái nơi đã giúp mình chống dịch thì họ ăn nói trâng tráo, lên mạng chửi bới lung tung. Có thể nói rằng qua đợt dịch này, mi nhìn thấy mọi thứ tệ hại, mặt khác của cái gọi là thế giới văn minh hiện ra rất rõ. Và cũng chẳng có gì là văn minh nếu không muốn nói rằng bọn họ cũng có cái man di mọi rợ, cũng thèm ăn và tục tĩu chẳng kém bất kỳ đứa tục tĩu nào trên đất nước này. Thế giới chính thức đổ vỡ trong mi! Đương nhiên, mi sẽ bị nàng phàn nàn và nhắc nhở khi dùng từ lông lá, mọi rợ ghép cho nhóm tây ăn ở cẩu thả và một số người hống hách. Mi thấy nàng đúng và mi cũng nói với nàng rằng mi không còn lựa chọn từ ngữ nào khác để có thể gọi chính xác bản chất của bọn họ. Mi hơi buồn vì điều này, và sự đổ vỡ họ gây ra trong mi không phải là nhỏ!

16. Đại ngàn

Một cái Tết dài, y đã nhìn thấy chết chóc, có thể ở quốc gia y đang sống không bị rúng động hay nháo nhào vì cả ngàn xác người đổ xuống trong một ngày như Mỹ hay Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ý… Dường như nơi nào cũng thấy chết, cái chết đeo đẳng khi người ta đi chợ, đi mua thức ăn và sau đó quay về với một túi thức ăn, một thứ quà Thượng Đế ban cho con người để duy trì sự sống. Và người ta không nhìn thấy hay hiểu rằng đây có thể là giỏ thức ăn cuối cùng của Ngài. Bởi nếu Ngài sống dậy hoặc hiện hình ra lúc này, hay nói khác đi, Ngài chuyển hóa thành một dạng vật chất để di chuyển như con người, thì không chừng ngài sẽ bị bắt đưa đi cách ly đầu tiên nếu không đeo khẩu trang ra đường. Rất khó để biết được cái chết đang nấp chỗ nào và nó sẽ chụp vai áo người ta lúc nào.

*

Thời sinh viên, y thường nghe những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn, mặc dù lúc đó không có tiếng súng, nhưng không hiểu sao khi đứng trên ban công khu học xá Thủ Đức, còn gọi là Đại học Quốc gia mỗi sáng, dường như nơi này tách biệt khỏi mọi thứ ồn ào của Sài Gòn. Mặc dù nằm trong địa phận hành chính thành phố, nhưng Thủ Đức mang dáng dấp một thành phố riêng biệt với rừng cao su lâu năm mới bị ai đó bứng đi, một ít cây điều, một ít hoa bằng lăng tím, một ít cây xanh mang dáng dấp phương tây và một ít đá sót lại dưới lòng hồ đá, nơi nước xanh leo lẻo và có thể dìm bất kỳ người nào có ý định tắm mát ở đây. Trong sân học xá, thỉnh thoảng vẫn còn những tổ mối đụn lên cao quá đầu người.

Cũng từ ban công, nhìn xa hơn một chút là những dãy rừng tràm, và nhìn xa hơn nữa là khu du lịch Suối Tiên, nơi đây có những đoàn tàu điện chạy ngược lên trời rồi lại lao xuống dốc. Những năm cuối thập niên 1990, cái đoàn tàu này còn khá là xa lạ với một sinh viên gốc rạ như y.

Những lúc đứng nhìn như thế, chỉ đứng nhìn thôi, y miên man về tương lai, vì tương lai của y hình như mang dáng dấp nào đó của bầy chim én đang chao lượn trên bầu trời, chẳng biết sẽ đậu về tổ nào và trong cái tương lai ấy, thế giới quanh y vẫn chao đảo những tiếng bom mìn không phải bằng thuốc nổ mà bằng những ký tự âm nhạc và những ca từ. Một buổi sớm mùa xuân, một đứa bé ra đồng, đạp trái mìn nổ chậm, xác không còn đôi chân… Hình ảnh từ một ca khúc phản chiến của Trịnh Cộng Sơn khiến y không ít lần rùng mình và thấy buồn, thấy loài của y nhỏ nhoi và tội nghiệp.

Điều y nhìn thấy như một thứ linh cảm nào đó, và đương nhiên, câu chuyện của hiện tại khiến y thấy tin rằng con người có linh cảm, và thứ linh cảm ấy là cái phần thiên nhiên nhỏ nhoi còn gắn lại nơi con người.

Có lẽ thời ăn lông ở lỗ, con người cũng giống muôn thú, cũng dự cảm những rủi ro, tai họa, những mối nguy mà thiên nhiên sắp mang tới, con người tiếp tục tồn tại đượcnhờ khả năng dự cảm này.

Trong bối cảnh hiện tại, mọi thứ giá trị vật dục có vẻ như rất thiết yếu nhưng cũng rất vô nghĩa, mâu thuẫn nằm ở chỗ nếu người ta không có tiền thì nguy cơ chết đói, nguy cơ không đủ dinh dưỡng để tạo kháng thể chống dịch là trước mắt. Nhưng nếu con người vẫn giữ thói quen bất chấp mọi thứ để có được tiền và xem nó như một chuẩn mực giá trị của con người thì hình như, đó là một sai lầm quá lớn.

Hầu hết các dòng sông mà tuổi thơ của y từng nhìn thấy đôi lần, hoặc từng được những người thân dắt xuống tắm thì bây giờ đã cạn kiệt hoặc không còn màu xanh, có đôi dòng sông đầy rác và bùn đen.

Mọi thứ đã thay đổi chóng vánh trong vòng chưa đầy ba mươi năm, những cánh rừng bạt ngàn Trường Sơn với muông thú hú hét đại ngàn trước đây giờ là rừng trồng và muông thú còn lại lác đác vài con, chúng phải khó khăn, chật vật lắm để tồn tại.

Không biết đâu đó trong sâu thẳm tâm thức đại ngàn, cả rừng xanh và muông thú có nhìn thấy rằng mình đang trong một đại dịch. Và khả năng che chở con người của thiên nhiên đã mất dần. Mọi thứ trở nên lỏng lẻo, nhạt loãng và có thứ gì đó giống như khí dung hôi hám bao phủ loài trái đất.

*

Trong vòng chưa đầy ba tháng, y chỉ có thể webchat với Rô được hai lần.

Lần thứ nhất hắn khoe nước Mỹ vẫn vĩ đại, sự vĩ đại của một quốc gia giàu có với những dòng sông trong xanh, những ngọn đồi được đảm bảo nguyên sơ và những cánh rừng nguyên sinh trong một khế ước xã hội tiến bộ.

Và những nước khác mà Rô từng đi ở Châu Âu cũng cho thấy sự tiến bộ, sạch sẽ của nó đã giúp con người sống tự nhiên, thoải mái. Và khi những nước thứ ba, những nước đang phát triển vẫn phải chật vật với bệnh dịch, cái đói và cái chết thì ở những nơi như Rô vừa nói, người ta chỉ cần suy nghĩ sáng mai nên ăn món gì cho hợp bụng, cho ngon và nếu có lòng lân mẫn thì nghĩ đến người ở cố hương giờ đang làm gì, vì cách nửa vòng trái đất nên chắc chắc sắp đi ngủ, và có bao nhiêu người đi ngủ với cái bụng đói, không có mền đắp mặc dù giữa mùa nắng, bởi ngủ đường, ngủ gầm cầu rất cần những thứ ấy cho cả bốn mùa.

Nhưng rồi chính Rô cũng nói với y rằng dường như cái thời Rô đói khổ vẫn lặp lại trên xứ sở tự do ở một số người, nếu không may mắn, sáng mai ra có thể trở thành vô gia cư sau một cú phá sản, mà chuyện phá sản trên xứ tư bản thì nhiều như cơm bữa.

Rất may là Rô có được tuổi thơ bị hắt hủi và cơ cực, Rô hiểu được giá trị của một bữa ăn và Rô yêu gia đình, cho dù gia đình đôi khi xem như không hề có sự hiện hữu của Rô nhưng điều ấy không hề chi, bởi mỗi khi đi làm về mệt, Rô còn nhìn thấy được những người thân, họ có thể nhìn Rô bằng đủ kiểu ánh mắt nhưng có một điều Rô tin chắc rằng cho dù ánh mắt nào đi nữa thì Rô vẫn có hiện hữu trong họ chút đỉnh, và cuộc đời này, con người sống sót được nhờ cái chút đỉnh hình ảnh của mình đã gắn vào một ai đó, nó vô hình nhưng luôn hiện hữu…

Nhưng rồi, sau lần webchat ấy, y không thể nào liên lạc được với Rô, y nghĩ rằng hắn bận việc gì đó, hoặc không chừng hắn đi ra biển. Nếu y không lầm thì trong lúc y nói chuyện với Rô trên webchat cũng là lúc tuần dương hạm Theoder Rosevelt ghé cảng Đà Nẵng để giao lưu với hải quân vùng 4, và các thủy thủ lên bờ để giao lưu với người dân thành phố này, một thành phố chất đầy ký ức về người Mỹ.

Sở dĩ nói vậy bởi hơn ai hết, cha của nàng tức ông Khanh, đã kể cho y nghe rất nhiều chuyện về những năm Mỹ đóng quân tại Đà Nẵng. Ông Khanh bảo rằng Mỹ không phải hoàn toàn tốt như nhiều người thần tượng, Mỹ cũng găng-xtơ, Mỹ cũng có thể nổ súng với đôi mắt đầy máu lửa, cũng quan hệ tình dục tập thể và gào rống trên một cô gái điểm thở dốc, Mỹ cũng hiếp dâm đàn bà, Mỹ cũng lừa dối… Mỹ có mọi thói xấu, nhưng có một thứ mà người ta vẫn mê Mỹ, đó là Mỹ không bao giờ nói dối với ai một khi họ đã hứa cho một thứ gì, và một khi Mỹ đưa ra một cam kết nào đó thì cho dù có phá sản họ cũng thực hiện, họ không soi mói.

Chính ba đặc điểm này khiến người ta quên tiếng máy bay gầm thét nhả bom của Mỹ cũng như quên những xác người bỏ trong bao nhà binh trôi trên sông Hàn, ngang qua cầu Trình Minh Thế. Và khi người ta mở túi ra thì xác một cô gái không còn áo quần, chết tím bầm vì thiếu oxy, người ta dễ dàng kết luận đây là cô gái điếm đã chấp nhận cuộc chơi tập thể và trả giá cho việc này, khi chết đi vẫn được bỏ một nắm đô la đỏ mà chắc chắn đây là khoản chi phí các khách làng chơi đã nhét trả cho cô trước khi cho cô vào túi và thả sông…

Có thể nói rằng không có người nào tốt với người nào hoàn toàn, bởi ngay cả thánh nhân cũng có những chuyện tế nhị, Mỹ cũng là con người.

Nhưng người Việt vẫn thích Mỹ bởi ở họ chứa cả thế giới tiêu xài và dân chủ, họ không soi mói vào chuyện của người khác và khi đã soi mói thì ở cấp độ gián điệp chứ không phải cấp độ bán dưa lê như phần lớn người Á Châu, đặc biệt là người Trung Quốc.

Có lẽ vì vậy mà khi các tàu sân bay rồi tàu hải quân Mỹ ghé Đà Nẵng thì người dân Đà Nẵng chào đón nồng hậu, họ chào đón theo cách của hai người bạn đã quá lâu không gặp nhau và sẵn sàng sà vào lòng nhau.

Những nữ chiến binh hải quân vận quần soóc, dựng một sân khấu tạm ở ngay tượng đài Mẹ Âu Cơ biểu tượng của dân tộc Việt bên bờ biển Đà Nẵng để hát. Bài đầu tiên, mở màn chương trình là Để Mỵ nói cho mà nghe, một bài dân ca của người H’mong được cải biên bởi một nhạc sĩ người Việt, hay nói khác đi là một ca khúc Việt dựa trên khúc thức dân ca H’mong.

Khi các ca sĩ thuộc đoàn binh vận Hải quân Mỹ hát, có cảm giác như đây là cách chơi chữ “Để Mỹ nói cho mà nghe”. Không khí vui nhộn và người ta quay video clip tải lên các trang mạng xã hội như một phúc phần mới có lại được. Và ngay lúc ấy, thằng Rô phía bên kia bờ đại dương đang chuẩn bị ăn sáng, hắn khoe với y một con cua hoàng đế, hắn dùng tiếng Anh là con King Grab, hắn nói rằng sức của hắn sẽ ăn hết con cua này và chuẩn bị ra khơi.

*

Gần ba tháng trôi qua, mà nói chính xác là hơn hai tháng, nước Mỹ và châu Âu từ chỗ yên bình bỗng dưng trởi thành tâm dịch, và chính quyền Trung Quốc bắt đầu giở giọng quân tử kiếm, rằng sẽ giúp Mỹ và Châu Âu khắc phục đại dịch, sẽ hỗ trợ Mỹ và Châu Âu.

Đương nhiên người ta nhanh chóng nhận ra sự lếu láo cũng như dã tâm của một quốc gia đang có ý đồ bành trướng thế giới. Mà nói đúng hơn thì người ta nhìn thấy dã tâm của một nhóm người nhân danh dân tộc Trung Hoa hàng tỉ người, trong đó có đến hơn tỉ người không có tiếng nói, bị xếp hạng công dân loại hai hoặc thấp hơn. Đám người nhỏ này muốn bành trướng thế giới, họ là hậu duệ, là những mụt măng của thứ tâm lý Đại Hán mà cha ông của họ từng trầy vi tróc vảy và đánh mất nhiều thứ vì nó. Trong khi đó, người dân Trung Quốc cũng đói khổ, cũng có nhiều vùng lạc hậu đến độ phải đi cướp vợ hoặc đi mua vợ, và mua bằng cách lừa đảo.

Hoặc giả có nhiều thành phố có những khách sạn chuẩn ba sao nhưng các phòng lại không có toilet, khách phải xếp hàng trước các cửa toilet công cộng chờ lượt… Thế nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn không ngừng bành trướng.

Không rõ sau trận đại dịch mà tâm điểm xuất phát của nó là thành phố Vũ Hán, một thành phố có bề dày lịch sử và cũng là nơi sản sinh ra những nhà cách mạng, những nhà tiền thân của đảng cộng sản Trung Quốc bây giờ, người Trung Quốc có kịp thức tỉnh hay không, và đảng cộng sản có chịu nhìn lại vấn đề, có chịu thức tỉnh hay không?

Đây là câu chuyện dài. Bởi thế giới này đã trả giá quá nặng cho các tham vọng vật dục. Trung Quốc là quốc gia trả giá cho điều này nặng nề nhất, môi trường trở nên xám xịt, dơ dáy, lòng người băng hoại và bất chấp, đạp lên nhau để sống…

Đã có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn cái chết vì môi trường xấu đi ở Trung Quốc, và không ngừng ở đó, Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư nhưng thực tế là đi phá hoại môi trường và bành trướng. Cả một dãy dài bờ biển miền Trung đã bị ô nhiễm trầm trọng, hải sản chết trôi dạt vào bờ hôi thối cả một vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và lệch ra phía Bắc là Nghệ An, Thanh Hóa. Khi nhà báo đến hỏi các doanh nghiệp Trung Quốc thì họ trả lời với giọng đầy xấc láo rằng “Việt Nam muốn cá hay muốn thép?”.

Không dừng ở đó, môi trường tinh thần trở nên băng hoại, mục ruỗng khi có người Trung Quốc xuất hiện, vợ bỏ chồng con theo trai Trung Quốc vì họ có nhiều tiền, biết ăn chơi và đương nhiên, người Trung Quốc viết Tố Nữ Kinh, trai Trung Quốc đứa nào khá giả, đi ra khỏi làng phải có một ít vốn liếng tiền bạc, sức khỏe và chiêu thức rủ rê đàn bà xứ khác, không ngoại trừ vợ của người khác.

Điều đáng buồn là có không ít đàn ông Việt trở nên bạc nhược, rượu chè be bét và có kẻ còn dựa cả vào tiền vợ làm đĩ mà có được để mua rượu mỗi chiều. Cái lý lẽ do bế tắc đời sống không phải là không đúng ở một số trường hợp.

Nhìn chung, cả đất và người Trung Quốc đã trở thành tâm điểm về sự hổ lốn và xấu xí trước con mắt thế giới. Nhưng mọi chuyện vẫn cứ gắng gượng cho đến lúc dịch cúm Vũ Hán với tên COVID-19 xuất hiện.

Những quốc gia tưởng bình yên bởi thiên nhiên và môi trường còn trong lành bỗng chốc trở thành cái chảo hứng dịch.

Trong số hàng triệu người nguy cơ mắc dịch, có những đứa con lai như Rô và cũng có cả những người Việt từng lây lất trong trại tị nạn, sau đó sang Mỹ, được cưu mang và khi sắp có thẻ xanh thì bị đẩy ra đường vì lý do trộm cắp, cuối cùng, lang thang không nhà và không quốc tịch, đương nhiên, chạy trốn cảnh sát của nước tự do này mỗi ngày, và tìm một hốc tối nào đó để ngủ như một định mệnh mới trên quê cha đất tổ của họ.

Cũng như tình trạng của y hiện tại, y khó có thể tin rằng nhà nước hay chính phủ đã nói ra sự thật. Bởi đã có vài cái chết ngoài đường phố và sau khi người ta ngã xuống co giật, trào bọt mép rồi chết, cán bộ y tế cho phong tỏa chỗ người chết và xịt khử trùng gần cả một khu phố, sau đó cho mang người chết đi thiêu nhưng chính quyền vẫn tuyên bố không phải chết do dịch.

Và ngay cả những bác sĩ bạn y, những người làm việc ở đầu ngành cũng tỏ ra mệt mỏi, lo sợ, họ nói rằng mọi thứ nguy hiểm lắm và tốt nhất là đừng ra đường, vì lý do chính trị nên họ không thể nói thêm cũng như chính phủ không thể nói ra sự thật.

Bởi lẽ y đang sống trong một quốc gia mà người ta có thể hành xử theo lối bầy đàn, có thể như một bầy ong vỡ tổ bất kỳ giờ nào.

Mấy mươi năm rồi, con người mấy ai thiếu đói nữa, nhưng khả năng chỉ phát triển được từ cái miệng xuống tới lưng quần, thậm chí hai chân teo tóp vì quen chịu quỳ và cái đầu chứa toàn tham lam, thù hận và đạp đổ. Và, bất kỳ nhà độc tài nào tồn tại được lâu là nhờ vào tâm tính của dân tộc.

Ngược lại, tâm tính dân tộc ngày càng hiện rõ điểm xấu bởi nhà độc tài muốn vậy, và họ làm vậy sẽ dễ hơn rất nhiều so với việc làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp. Trong trận đại dịch này, dường như các quốc gia độc tài đều rất thành công trong việc dập dịch và gồm cả giấu dịch.

Y chỉ biết buồn vì điều này. Và y cũng nghĩ rằng trong cơn đại dịch, dường như mọi thứ giá trị về độc tài hay dân chủ đều rũ áo ra đi, cuộc ly tán của các thần linh và thần tượng cũng nhanh chóng đến lúc cao trào. Rất khó để nói rằng thế giới đang đứng ngoài một cuộc chiến chưa kịp đặt tên!

17. Thế chiến III

Ngươi đã nhiều lần trò chuyện với căn nhà, hay đúng hơn là ngươi nhìn thấy nó nói chuyện, nhất là trong lúc này, khi mà thế giới đóng băng, ngươi có linh cảm rằng đây là Thế Chiến III chứ không phải đại dịch COVID-19 gì sấc.

Bởi đây là cuộc chiến, mà có thể là cuộc chiến cuối cùng giữa trục cộng sản và trục tư bản, nó được chuẩn bị từ rất sớm, ban đầu là kế hoạch mang tên Con Đường Tơ Lụa của Trung cộng. Một kế hoạch chứa tham vọng thao túng thế giới, việc đầu tiên là thao túng các nước thuộc thế giới thứ ba như châu Phi, sau đó lan dần sang Nam Mỹ và đương nhiên, các nước Châu Âu giàu có, phồn thịnh nhưng đã ổn định quá lâu, hãnh tiến và chưa thoát được tâm lý thực dân cũ kỹ, quen hưởng thụ và để người dưới hạng phục vụ mình, đã nằm gọn trong tay của Trung Cộng.

Khi Con Đường Tơ Lụa đã hình thành thì siêu cường đứng đầu như Mỹ sẽ bị tê liệt bởi thiếu nhân sự thiếu đồng minh, vì lúc ấy, châu Âu phải phụ thuộc vào một thứ khác rẻ hơn những thứ của Mỹ. Từ lâu, Châu Âu luôn là thiên đường của vật dục và mô hình xã hội chủ nghĩa. Thực ra, mọi thứ của người cộng sản hướng đến lại chính là cái mô hình mà Bắc Âu đang có chứ không phải mô hình dân chủ kiểu Mỹ. Chính vì vậy, khi đủ mạnh thì Trung Quốc sẽ dễ dàng thao túng châu Âu hơn Mỹ.

Và biết được điều này ngay từ sớm, Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Cuộc chiến này không nhắm đánh duy nhất Trung cộng mà nó phát triển theo quy luật trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Đáng buồn cười là một quốc gia lớn mạnh như Nga bỗng dưng bị biến thành ruồi muỗi trong cuộc chiến này. Vì Trung cộng bị đình trệ nhiều thứ nên dẫn đến các nước khu vực đình trệ theo, giá dầu giảm đến mức thấp nhất. Một khi giá dầu sụt giảm thì khối vàng đen của Nga sẽ biến thành thứ rẻ rúng, của gây hại.

Bởi lâu nay, Nga vẫn mạnh, vẫn giữ vị trí cường quốc nhờ vào nguồn dầu mỏ. Dường như tất cả các đại gia của Nga đều liên quan đến dầu mỏ, họ bủa công nghệ và con người đi khắp thế giới để khai thác bằng cách này hoặc cách khác. Và đúng như dự đoán, kinh tế Trung Quốc bị khựng lại, kinh tế khu vực cũng khựng lạ và cả Nga, Ấn Độ không ngoài cuộc.

Dường như cuộc chiến thương mại làm tê liệt mọi hi vọng mở ra Con Đường Tơ Lụa của Trung cộng, họ buộc phải phát động một cuộc chiến tranh sinh học nhắm vào Mỹ và châu Âu để làm cho đối phương tê liệt mọi thứ. Sau cái gọi là đại dịch thế kỉ, COVID-19 nhưng thực chất là cuộc chiến tranh sinh học này, châu Âu và Mỹ tổn thất không nhỏ.

Ban đầu, những ai lãng mạn đều thấy rằng cúm Vũ Hán chỉ giúp cho Mỹ và châu Âu giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội. Nhưng kỳ thực, đến lúc này, sau khi hất được tổng thống thứ 45 của Mỹ xuống và đưa một cụ ông lên làm tổng thống thứ 46 mà những hành xử của ông ta không có gì ngoài việc quỳ gối và nói năng hơi lẩm cẩm, đi đứng cũng hơi bất tiện.

Sự hiện hữu của ông trên ghế tổng thống khiến cho người ta há hốc ngạc nhiên vì đã vỡ lẽ rằng bên cạnh con virus Vũ Hán, Trung Quốc đã khéo léo tác động lên cả cái ghế cao nhất của nước Mỹ. Và từ giờ phút này, Trung Cộng chẳng cần giật dây bất kỳ đứa nào khác.

Khi Thế Chiến III nổ ra, Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc nhưng mức độ ảnh hưởng lại rất nhỏ so với Mỹ và châu Âu. Và giữa cái đất nước đầy tai ương, chịu đựng, lép vế nhưng cũng đầy ước mơ, tham vọng ấy, căn nhà của ông cố của ngươi như một chứng nhân lịch sử.

Một căn nhà cổ, đã trải qua ba biến cố lớn của thế giới. Nó được xây dựng vào năm 1907, đúng bảy năm sau thì Thế Chiến I xảy ra, kéo dài trong bốn năm. Sau đó vài mươi năm sống trong yên bình, Thế Chiến II lại nổ ra.

Dường như Việt Nam sống trong bối cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt, anh em Nam – Bắc đánh nhau vì một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa hai dòng ý thức hệ cộng sản và tư bản.

Mãi đến năm 1975, cuộc tương tàn này mới dừng thì căn nhà cũng lỗ chỗ vết đạn. Và điều đáng nói là cuộc chiến Nam Bắc tương tàn này đã lấy đi quá nhiều thứ trong căn nhà, từ những con người thông minh cho đến chút tình nghĩa anh em, dòng họ còn sót lại. Cho đến bây giờ, nó đã thành một căn nhà hoang phế, không có người ở, xập xệ và buồn bã.

Có đôi lần, ngươi đã nhìn thấy ông cố của ngươi bước qua cái bệ cửa để vào nhà. Ngươi nhớ là vậy, năm ngươi mười tuổi, trong một đêm trăng, ngươi thấy một người đàn ông vận bộ áo quần màu trắng, có chòm râu trắng muốt đi vào nhà, nhưng không đi một cách bình thường mà ông bước ngang qua cái ban công cổ trước hiên và đi thẳng vào bàn thờ. Ngươi chạy lên xem thử thì không thấy ai cả.

Nhưng lúc đó ngươi chưa biết sợ, ngươi hỏi bà cô Cửu ai đã vào nhà thì bà lắc đầu, lạnh lùng bảo ngươi đừng nói gì thêm, sau đó bà mang hương ra trước hiên đứng vái. Mãi sau này, sau nhiều lần nhìn thấy và lại hỏi, ngươi mới hiểu rằng dường như trong nhà không có ai nhìn thấy ông cố về, ngoài ngươi.

Nhưng lạ ở chỗ ngươi là một đứa chắt ngoại, nằm ngoài huyết hệ và ngươi sống bằng thân phận của đứa trẻ lạc loài, dường như mọi bà con đều không phải là bà con nhưng lại là bà con. Cuộc sống có những thứ kỳ quái khó nói.

Ông Cố của ngươi vốn là một tiến sĩ nho học, nhưng ông cũng là một trong những người đầu tiên theo tây học, để tóc ngắn, tham gia phong trào Cần Vương, sau đó chuyển sang phong trào Tân Dân của Phan Châu Trinh. Ông là học trò cưng của chí sĩ Trần Quý Cáp, ông cũng là thầy dạy chữ Nho cho Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nói về hoạt động vì xã hội, có vẻ như ông rất xuất sắc.

Nhưng nói về chơi bời, ông cũng chẳng thua ai, ông xây chùa, xây trường, xây nghĩa trũng viên, bốc mộ thầy từ Khánh Hòa về quê Quảng Nam. Nhưng cũng chính ông đi hút thuốc phiện, ngủ lại với một mụ me Tây. Và cũng nhờ mụ me Tây này đã chỉ ông cách để làm máy nước tưới tiêu, đầu tư ra sao, lấy tiền của dân như thế nào.

Chính vì mụ có máy nước đầu tiên của vùng đất này nên ông tin và ông bắt đầu xây dựng trạm bơm. Cái trạm bơm này được huy động từ vốn của dân. Người lao động đến làm, cứ sáng sớm xếp hàng, ông đứng đếm người, sau đó có người bưng một cái chảo nhọ nồi dầu đứng cạnh ông, người lao động vạch cổ áo, ông phết một vệt nhọ nồi vào gáy. Đến trưa, người nào còn nguyên vệt nhọ nồi, không bị lợt hoặc chảy nhễ nhại thì phạt giảm tiền công. Vì có làm việc, mồ hôi sẽ túa ra và lợt đi vệt nhọ nồi. Những người tinh ranh tìm cách lau nó đi thì sẽ nổi lên một vệt hơi đỏ, cũng bị phạt.

Nghe đâu phần lớn số tiền ông dùng để mua thuốc phiện cùng hút, cùng phê với mụ me Tây kia. Cuộc đời ông, nói thơm thì cũng lắm tiếng thơm mà nói chuyện trắc ẩn thì có vẻ như cũng khó che. Bởi nói cho cùng, thằng đàn ông hay và giỏi cỡ nào mà đã chạm đến cái ấy của đàn bà thì mọi thứ trở nên rối rắm, đặc biệt là của tây điệu đàng và cuồng nhiệt, lại đê mê thuốc phiện nữa thì ôi thôi! Và không hiểu sao, đến thời con cháu ông thì những đứa đàng hoàng trở nên hiếm hoi, cũng có đứa chuyên lừa gạt người khác trong đường dây đưa người đi nước ngoài, đường dây phỏng vấn H.O, lừa gạt ngân hàng nhà nước, bịp bợm cướp trắng phần thân nhân liệt sĩ của người thân… Không thứ gì là không có.

Dường như đến thời con cháu của ông, phần đông chỉ thừa kế được phần máu bất tuân, chịu chơi nhưng không thừa kế được phần trí tuệ của ông. Có lẽ do vậy mà căn nhà càng trở nên già nua, xập xệ và hiu quạnh.

Nó làm ngươi nghĩ đến những tháng ngày ông tổ của ngươi phải lang bạt kỳ hồ để tránh nạn diệt chủng của nhà Tây Sơn, mà chính xác là nhà Nguyễn Nhạc. Lúc ấy, ông tằng, tức cha ông tổ của ngươi làm tướng cho Nguyễn Nhạc, vì một lý do nào đó, Nguyễn Nhạc ra lệnh tru di cửu tộc. Ông tổ ngươi và hai người anh em nữa trốn được, duy trì dòng họ cho đến ngày hôm nay.

Sau này ngươi tìm hiểu thêm, mới biết được rằng cụ tằng của ngươi đã tiếp tay, tha mạng sống cho Nguyễn Ánh trong một trận chiến trên đầm Thị Nại, và với Nguyễn Nhạc, đây là tội phải giết không sót mống nào.

Comments are closed.