Vòng tròn ma thuật (kỳ 5)

Arthur Koestler

Phạm Nguyên Trường dịch

13.

Ban đêm tình hình còn tệ hại hơn nữa. Suốt đêm hôm đó anh không thể nào chợp mắt được. Chốc chốc anh lại run bắn người lên, cái răng sâu nhức không thể nào chịu nổi. Anh có cảm giác như tất cả các trung tâm thần kinh đều nhức nhối và sưng tấy lên, các hình ảnh và lời nói từ quá khứ xa xôi cứ liên tục đập vào óc não. Đấy là Richard mặc bộ áo vét màu đen đang nhìn anh với đôi mắt đỏ: “Các đồng chí không được làm như thế. Bọn chó ấy sẽ giết tôi…”. Đấy là Levy Còi với một bên vai hơi bị lệch: “Có ai muốn nói gì nữa không?”. Có rất nhiều người muốn nói. Nhưng cách mạng lại không chấp nhận bất kỳ sự lưỡng lự nào, nó luôn tiến về phía trước, luôn hướng đến mục tiêu đã chọn và để lại bên mỗi khúc quanh trên đường đi của nó xác của những kẻ chậm tiến, những kẻ không theo kịp phong trào. Đường đi của cách mạng có nhiều bước ngoặt và khúc quanh, đấy là qui luật sinh tồn của nó. Trên mỗi khúc quanh lại có vô số xác người, đấy cũng là qui luật của nó. Đối với nó, động cơ của từng cá nhân chẳng có giá trị gì. Nó cũng chẳng quan tâm đến lương tâm, lý trí hay tình cảm của từng cá nhân. Những kẻ có tội, nghĩa là những kẻ đi chệch khỏi đường lối của Đảng sẽ bị hất sang bên đường, sẽ bị trừng phạt, mà hình phạt thì chỉ có một: chết. Chết không phải là bí mật của phong trào, chẳng có gì là cao quí ở đây cả: mọi sự lệch lạc đều đáng bị trừng phạt như thế.

Kiệt sức, Rubashov lăn ra ngủ ngay trước khi trời sáng hẳn. Anh chỉ thức giấc khi nghe thấy tiếng còi báo thức, ngay sau đó anh được viên giám thị già và hai lính canh đưa đến gặp bác sĩ.

Rubashov tưởng có thể đọc được tên người tù ở buồng 402 và tên anh chàng Môi Thỏ, nhưng hoá ra họ dẫn anh theo hướng ngược lại. Buồng 406 còn trống. Đấy là phòng cuối cùng, đi quá một chút thì gặp một cánh cửa bằng bê tông dày, người giám thị già ì ạch mãi mới mở được. Họ bước vào một hành lang dài khác, người giám thị già đi trước rồi đến Rubashov, hai người lính áp giải theo sau. Ở đây, tấm thẻ trước mỗi cửa buồng đều có ghi tên mấy người; có tiếng nói chuyện, tiếng cười và cả tiếng hát vọng ra hành lang, chắc chắn đây là khu giam những tội phạm hình sự không nguy hiểm. Họ đi ngang qua một cái buồng dùng làm chỗ cắt tóc cho tù nhân. Cửa buồng mở, hai người tù có dáng nông dân đầu cạo trọc lóc, người thứ ba, già hơn có cái mặt nhọn như mỏ chim thì đang cạo râu: cả ba người cùng tò mò nhìn theo Rubashov và đoàn tuỳ tùng của anh. Rồi đến một cái buồng có vẽ hình thập tự màu đỏ trên cánh cửa. Người giám thị gõ cửa, ông ta cùng bước vào phòng với Rubashov, hai người lính đứng đợi bên ngoài.

Phòng khám quá chật và rất ngột ngạt, mùi thuốc lá và mùi phenol xông lên nồng nặc. Cả một cái xô lẫn hai cái đĩa đều đầy cứng gạc và bông băng bẩn. Viên bác sĩ ngồi quay lưng ra cửa, vừa xem báo vừa nhai nhồm nhoàm khúc bánh mì kẹp mỡ lợn muối. Tờ báo phủ lên đống dụng cụ để trên bàn. Mãi đến khi viên giám ngục đóng cửa tay bác sĩ mới từ từ quay người lại. Trên cái đầu bé một cách bất thường loe hoe một vài sợi tóc, trông chẳng khác gì đầu một con đà điểu.

“Anh ta bảo bị đau răng”, người giám thị già nói.

“Răng à”, viên bác sĩ nói, trong khi mắt vẫn nhìn đi đâu. “Há miệng ra… Nhanh lên…”

Rubashov nhìm chằm chằm vào mặt anh ta. “Tôi có một đề nghị”, anh bình tĩnh nói. “Tôi là tù chính trị, đề nghị đối xử với tôi cho phù hợp.”

Tay bác sĩ quay sang phía người giám thị và hỏi:

“Con gà này ở đâu ra thế?”

Sau khi người giám thị già cho biết tên tuổi, Rubashov nhận thấy cặp mắt tròn như mắt đà điểu của anh ta nhìn mình một cách chăm chú hơn. Sau đó anh ta bảo:

“Má ông bị sưng. Há miệng ra xem nào.”

Đúng lúc đó cái răng lại không đau nữa. Rubashov há miệng ra.

“Phía bên trái hàm trên của ông chẳng còn một cái răng nào”, tay bác sĩ vừa nói vừa lấy tay sờ vào hàm Rubashov. Rubashov bỗng giật bắn người lên vì đau, mặt tái mét, anh phải dựa lưng vào tường.

“Đây rồi!”, tay bác sĩ nói. “Chân của một cái răng hàm trên bị vỡ nhưng chưa rụng hẳn.”

Rubashov phải đứng thở một lúc mới hoàn hồn. Cơn đau chạy xuyên từ hàm lên mắt rồi chạy thẳng lên đỉnh đầu. Mạch máu trên thái dương giật từng hồi. Tay bác sĩ đã lại ngồi xuống ghế và giở tờ báo ra.

“Nếu ông muốn thì tôi sẽ nhổ cái chân răng cho”, vừa nhồm nhoàm nhai bánh mì kẹp thịt lợn muối anh ta vừa nói. “Nhưng thuốc tê thì không có. Việc này kéo dài từ ba mươi phút đến một tiếng.”

Rubashov đứng dựa vào tường, tai vẫn còn ù, tiếng tay bác sĩ nghe như từ đâu vọng lại.

“Cám ơn”, Rubashov đáp. “Để lúc khác”, anh nói thêm.

Anh chợt nghĩ đến anh chàng Môi Thỏ cùng từ “tắm hơi” và nhận thấy việc mình lấy đầu thuốc lá đang cháy gí vào tay là một hành động kì quặc. “Khó khăn đây”, anh tự nhủ.

Vừa về đến buồng là anh nằm vật ra giường và ngủ thiếp đi ngay lập tức.

Từ bữa trưa hôm đó Rubashov được ăn như mọi người. Răng đã đỡ đau hơn, có thể chịu đựng được. Anh tin rằng rồi cái chân răng sẽ tự rụng.

Ba ngày sau anh được đưa đi thẩm vấn.

14.

Anh được dẫn đi vào lúc mười một giờ sáng. Chỉ cần nhìn thấy thái độ trang nghiêm của viên giám thị là Rubashov đã biết họ định đưa mình đi đâu. Cũng như mọi khi, trước hiểm nguy bao giờ anh cũng tỏ ra bình tĩnh, có thể nói đấy là một tặng phẩm hiếm hoi mà số phận đã dành cho anh.

Ba ngày trước họ cũng đã đi theo con đường này. Cái cánh cửa bê tông mở ra rồi nặng nề khép lại phía sau. “Lạ thật”, Rubashov tự nhủ, “người ta có thể nhanh chóng thích nghi với mọi hoàn cảnh.” Anh có cảm giác như đã thở hít không khí nặng nề của cái hành lang này suốt mấy năm rồi, dường như không khí của tất cả các nhà tù mà anh từng đi qua đều ngưng tụ lại ở đây.

Họ đi ngang qua phòng cắt tóc, còn cửa phòng khám bệnh thì đóng, có ba người tù và một giám thị ngái ngủ canh chừng họ đang đứng đợi ở bên ngoài.

Bên dưới phòng khám bệnh hoá ra còn một tầng nữa. Họ đi xuống theo một cầu thang xoắn như cái lò xo. “Dưới đó là nhà kho hay phòng tra tấn?”, Rubashov tự hỏi. Anh bỗng có linh cảm không hay khi nhìn thấy cái cầu thang này. Họ đi qua một khoảng sân hẹp, hai bên là những bức tường cao, không có một chiếc cửa sổ nào, nhưng bầu trời phía trên thì sáng sủa, không một gợn mây. Sau đó lại đến một hành lang, nhưng ở đây sáng sủa hơn, không còn cửa bê tông nữa, trên những cánh cửa gỗ là những tay nắm bằng đồng đỏ sáng bóng, các nhân viên điều tra đi đi lại lại nhộn nhịp, có cả tiếng nhạc của đài phát thanh lẫn tiếng máy chữ. Nghĩa là họ đã đi đến khu vực hành chính của nhà tù.

Họ dừng lại trước một phòng nằm ở cuối hành lang, người giám thị gõ cửa. Trong phòng có người đang gọi điện thoại; anh ta nói vọng ra “Đợi một chút” rồi lại tiếp tục nói chuyện, chỉ nghe thấy những câu như: “Vâng…”, “Chính thế ạ…”. Giọng nói nghe có vẻ quen, nhưng Rubashov không xác định được đấy là ai. Đấy là một giọng đàn ông, hơi khàn, chắc chắn là anh đã nghe ở đâu rồi. “Vào đi”, tiếng nói từ trong phát ra; người giám thị mở cửa cho Rubashov vào rồi đóng lại ngay. Anh trông thấy Ivanov, một người bạn học cũ và cũng là đại đội trưởng dưới quyền chỉ huy của anh, đang ngồi sau một cái bàn viết khá rộng. Ivanov vừa đặt ống nghe xuống vừa mỉm cười nhìn Rubashov.

“Thế là chúng ta lại gặp nhau”, Ivanov nói.

Rubashov vẫn đứng cạnh cửa.

“Vui thật”, anh đáp.

Ivanov từ từ đứng lên, anh ta cao hơn Rubashov đến nửa cái đầu.

“Ngồi xuống đi”, Ivanov vừa mỉm cười vừa nói.

Họ cùng ngồi xuống, cách nhau một cái mặt bàn và chằm chằm nhìn nhau: Ivanov vẫn mỉm cười còn Rubashov thì có vẻ căng thẳng, thận trọng. Anh liếc nhanh về hướng cái chân phải của Ivanov bên dưới gầm bàn.

“Cái chân này tốt lắm”, Ivanov nói. “Có khớp, lại mạ crom, không rỉ. Tôi có thể bơi, cưỡi ngựa, lái xe ô tô và nhảy đầm nữa. Anh hút thuốc chứ?”

Anh ta đưa cho Rubashov một cái hộp gỗ đựng đầy thuốc lá.

Rubashov liếc nhìn hộp thuốc lá và chợt nhớ đến lần vào bệnh viện thăm Ivanov sau khi anh ta bị cắt chân. Ivanov nhờ anh mua cho một ít thuốc ngủ và suốt buổi chiều hôm đó anh ta cứ khăng khăng chứng minh rằng ai cũng có quyền tự sát. Cuối cùng Rubashov đồng ý sẽ suy nghĩ thêm, nhưng ngay hôm đó lại bị điều sang hướng khác của mặt trận. Nhiều năm sau anh mới gặp lại Ivanov. Anh nhìn những điếu thuốc trong hộp thuốc lá. Chúng được quấn bằng tay, từ thuốc lá sợi, chắc là loại thuốc lá trắng của Mỹ.

“Nếu đây là câu chuyện giữa những người quen cũ thì được, còn nếu trước khi thẩm vấn nghi can nào cũng được anh cho thuốc thì tôi không hút đâu”, Rubashov nói. “Anh biết như thế mà.”

“Nhảm nhí”, Ivanov nói.

“Thôi được”, Rubashov vừa nói vừa châm một điếu. Anh hít thật sâu, cố ý không để cho Ivanov nhận thấy sự khoan khoái của mình. “Bệnh tê thấp của anh sao rồi”, anh hỏi.

“Có vẻ như khỏi rồi, cám ơn”, Ivanov bảo, “thế vết bỏng của anh thì sao?”

Ivanov nhoẻn miệng cười rồi giơ tay chỉ vào tay trái của Rubashov. Giữa hai gân máu trên mu bàn tay trái, chỗ hai ngày trước đây anh đã lấy đầu thuốc lá cháy dở dí vào, có một vết bỏng to bằng đồng xu. Cả hai cùng nhìn vào chỗ bị bỏng. “Làm sao hắn biết nhỉ?”, Rubashov tự nhủ. “Chắc chắn là hắn cho người theo dõi mình rồi.” Không giận mà chỉ thấy xấu hổ, anh hít một hơi thật dài nữa rồi ném điếu thuốc đi.

“Buổi nói chuyện riêng tư coi như chấm dứt ở đây”, anh nói.

Ivanov thả ra những vòng khói tròn và tiếp tục ngắm nhìn Rubashov với nụ cười thân thiện như cũ.

“Đừng nóng”, Ivanov bảo.

“Tôi đâu có nóng”, Rubashov nói. “Tôi bắt anh hay người của anh bắt tôi đến đây?”

“Đúng, chúng tôi bắt anh”, Ivanov nói. Anh ta gí điếu thuốc lá vào cái gạt tàn rồi châm liền một điếu nữa và đưa hộp thuốc cho Rubashov nhưng anh không cầm.

“Tuỳ anh”, Ivanov nói. “Anh có nhớ câu chuyện thuốc ngủ không?”, anh ta nhoài người lên bàn và thở cả khói vào mặt Rubashov.

“Tôi không muốn người ta bắn anh”, Ivanov nói một cách chậm rãi và tựa hẳn người vào lưng ghế phía sau.

“Cám ơn”, Rubashov nói. “Tại sao các anh lại muốn bắn tôi?”

Ivanov không trả lời. Anh vừa hút vừa lấy bút vẽ nguệch ngoạc lên tờ giấy để trên bàn. Có vẻ như anh ta đang tìm từ thích hợp.

“Anh hãy nghe đây”, Ivanov nói sau một hồi suy nghĩ. “Có một việc tôi phải nói cho anh rõ. Anh vừa nhắc đi nhắc lại từ ‘các anh’, ám chỉ Đảng và Nhà nước, đối lập với ‘tôi’, tức là Nicolas Salmanovitch Rubashov. Về lý thuyết thì để kết tội một người cần phải lập toà án, phải có bào chữa công khai, nhưng đối với chúng ta thì chỉ cần như thế là đủ rồi.”

Dĩ nhiên là Rubashov hiểu nhưng anh vẫn bị bất ngờ. Có cảm tưởng như Ivanov vừa gảy lên những tiếng đàn đồng vọng trong tâm hồn anh. Tất cả những gì anh tin tưởng, anh giảng dạy và chiến đấu trong suốt bốn mươi năm qua ào ạt tràn về trong tâm trí. Cá nhân không là gì, Đảng là tất cả; lá xa cành thì nhất định bị héo úa… Rubashov lau kính vào ống tay áo. Ivanov đã ngồi xuống ghế, miệng tiếp tục nhả khói nhưng không còn mỉm cười nữa. Rubashov đưa mắt nhìn quanh và bỗng phát hiện ra một khoảng tường hình vuông, sáng hơn những chỗ khác. Không cần suy nghĩ anh cũng biết ngay rằng đấy là chỗ đã từng treo bức ảnh các triết gia để râu. Ivanov nhìn theo Rubashov nhưng không để lộ bất cứ tình cảm nào.

“Xưa rồi”, Rubashov nói. “Anh đã nói rất đúng, có một thời chúng ta đã quen với đại từ số nhiều ‘chúng ta’ và tránh dùng đại từ nhân xưng ở ngôi số ít. Tôi đã bỏ thói quen ấy rồi, còn anh thì chưa. Nhưng ‘chúng ta’ mà anh đang nói hôm nay là ai? Đấy là vấn đề.”

“Tôi hoàn toàn đồng ý như thế”, Ivanov phụ họa. “Tôi rất vui là chúng ta đã đi vào thực chất vấn đề một cách nhanh chóng như thế. Nói cách khác: anh tin rằng ‘chúng tôi’ nghĩa là Đảng, Chính phủ và quần chúng không còn đại diện cho quyền lợi của Cách mạng nữa?”

“Xin để quần chúng sang một bên”, Rubashov nói.

“Anh có thái độ coi thường quần chúng như thế từ khi nào vậy?”, Ivanov hỏi. “Có phải từ khi anh chuyển đại từ nhân xưng từ ngôi số nhiều sang ngôi số ít không?”

Ivanov nhoài người lên mặt bàn và nhìn thẳng vào mặt Rubashov với ánh mắt đầy vẻ khôi hài. Đầu anh ta che hết cái hình vuông sáng mờ mờ trên tường và Rubashov chợt nhớ cảnh tượng khi Richard che khuất hai bàn tay của Đức Mẹ đang chìa trong bức tranh Pietà ngày nào. Đúng lúc đó một cơn đau xuyên thấu từ hàm trên lên trán và lan sang tai. Đau quá, anh phải nhắm mắt lại. “Giá phải trả đấy”, anh tự nhủ. Chỉ một giây sau anh đã không còn biết là mình có nói câu đó thành lời hay không nữa.

“Anh nói gì thế?”, Ivanov hỏi vừa nhạo báng vừa pha chút ngạc nhiên.

Cơn đau đã dịu bớt, sự bình thản đã trở lại trong tâm hồn anh.

“Xin để quần chúng sang một bên”, Rubashov nhắc lại. “Anh chẳng hiểu gì quần chúng đâu. Có thể bây giờ chính tôi cũng chẳng hiểu gì. Khi cái ‘chúng ta’ vĩ đại còn tồn tại, đấy là lúc chúng ta hiểu quần chúng hơn bất cứ người nào trước đây. Lúc đó chúng ta đã thâm nhập được vào tận đáy sâu tâm hồn quần chúng và vì vậy mà chúng ta có thể làm nên lịch sử…”

Anh đưa tay với điếu thuốc, Ivanov bật diêm rồi nhoài người qua bàn châm lửa.

“Lúc đó”, Rubashov tiếp tục, “chúng ta được mệnh danh là Đảng của những người cần lao. Những người khác quan niệm về lịch sử như thế nào? Họ chỉ thấy những gợn sóng lăn tăn, những cơn gió lốc và những trận cuồng phong. Những thay đổi trên bề mặt như thế làm họ ngạc nhiên nhưng họ không thể nào giải thích nổi. Nhưng chúng ta đã lặn xuống tận đáy, chúng ta đã thâm nhập vào khối quần chúng vô danh, họ luôn luôn là người làm nên lịch sử; chúng ta là những người đầu tiên phát hiện ra các qui luật vận động của lịch sử. Chúng ta đã phát hiện ra qui luật về tính ý, qui luật về sự thay đổi một cách chậm chạp cấu trúc tế bào, qui luật về sự bùng nổ đột ngột của nó. Đấy chính là sức mạnh vĩ đại của học thuyết

của chúng ta. Jacobin là những người thuộc trường phái đức hạnh, còn chúng ta theo phái kinh nghiệm. Chúng ta đã thâm nhập vào cội nguồn của lịch sử và đã tìm ra các qui luật của nó. Chúng ta hiểu biết xã hội loài người hơn bất kỳ người nào khác, vì vậy mà cuộc cách mạng của chúng ta đã thành công. Các anh là những kẻ đào huyệt chôn tất cả rồi…”

Ivanov dựa hẳn vào lưng ghế vừa nghe vừa vẽ nguệch ngoạc lên tờ giấy trên mặt bàn.

“Tiếp tục đi”, Ivanov nói, “tôi đang muốn biết anh sẽ dẫn dắt đến đâu.”

“Như anh thấy đấy, tôi đang đi đến pháp trường đây”, Rubashov ngừng lại và đưa mắt nhìn khoảng tường màu trắng, nơi trước đây có treo bức ảnh của những người cận vệ già của cách mạng. Lần này Ivanov ngồi im. “Vâng”, Rubashov tiếp tục, “đằng nào thì cũng vậy thôi. Các anh đã chôn sống tất cả, các anh đã chôn sống đội cận vệ của nó, đã chôn vùi trí tuệ và niềm hi vọng của cách mạng. Các anh đã giết chết cái ‘Chúng ta’, đã tiêu diệt tinh thần tập thể. Chả lẽ các anh vẫn tin rằng quần chúng ủng hộ các anh hay sao? Những tên độc tài khác ở châu Âu, giống như các anh, cũng có quyền làm ra vẻ như thế…”

Rubashov cầm lên một điếu thuốc nữa và tự châm lửa hút vì không thấy Ivanov đứng lên.

“Xin lỗi, đao to búa lớn quá phải không?”, Rubashov nói tiếp. “Nhưng chả lẽ các anh vẫn tin rằng quần chúng đang ủng hộ các anh hay sao? Họ buộc phải chịu đựng các anh như dân chúng ở các nước khác chịu đựng những kẻ có quyền lực mà thôi. Quần chúng đã lại trở thành những người câm, điếc như cũ, một lần nữa họ lạI trở thành ẩn số X câm lặng vĩ đạI của lịch sử, tương tự như mặt biển đưa đoàn tàu đi một cách vô tình mà thôi. Ánh đèn pha chỉ còn chiếu sáng trên bề mặt, còn bên dưới vẫn tối tăm và lặng lẽ như xưa. Trước đây chúng ta đã từng khuấy đảo tất cả lên, nhưng thời đó đã qua rồi. Nói cách khác”, anh dừng lại và đeo kính lên, “trong những ngày đó chúng ta đã tạo ra lịch sử, còn hôm nay các anh đang làm chính trị. Đấy chính là sự khác biệt.”

Ivanov ngả hẳn người vào lưng ghế và thả ra những vòng khói thuốc lá màu trắng.

“Xin lỗi, nhưng tôi không hiểu rõ lắm”, anh ta nói. “Anh có thể giải thích kỹ hơn được không?”

“Dĩ nhiên”, Rubashov đáp. “Có nhà toán học từng nói rằng đại số là môn khoa học của những người lười: người ta xử lý với ẩn số X như là đã biết rõ về nó vậy. Trong trường hợp của chúng ta X là quần chúng, là nhân dân. Người làm chính trị chỉ cần xử lý cái ẩn số X vô danh này mà không cần quan tâm đến bản chất thật sự của nó. Còn người làm nên lịch sử thì phải tìm hiểu xem cái X này đóng vai trò gì trong phương trình.”

“Hay quá”, Ivanov nói. “Nhưng đáng tiếc là trừu tượng quá. Xin trở về với những sự vật cụ thể hơn: ý anh muốn nói rằng ‘chúng tôi’, cụ thể là Đảng và Nhà nước không còn đại diện cho quyền lợi của Cách mạng, không còn đại diện cho quyền lợi của quần chúng nữa hay như anh nói không còn đại diện cho sự tiến bộ của nhân loại nữa chứ gì?”

“Chính thế”, Rubashov vừa mỉm cười vừa nói. Ivanov làm như không nhìn thấy Rubashov cười.

“Anh có quan niệm như thế từ bao giờ vậy?”

“Nói cho ngay là dần dần: trong suốt mấy năm qua.”

“Có thể nói cụ thể hơn được không? Một năm? Hai năm? Hay là ba năm?”

“Thật là một câu hỏi ngớ ngẩn”, Rubashov nói. “Anh trở thành người lớn từ khi nào? Mười bẩy tuổi? Mười tám rưỡi? Hay mười chín tuổi?”

“Anh giả vờ làm người ngớ ngẩn thì có”, Ivanov nói. “Mỗi một bước phát triển về mặt tinh thần đều là kết quả của những trải nghiệm trước đó. Nếu anh thực sự quan tâm thì xin nói rằng tôi trở thành người lớn lúc mười bảy tuổi, đấy là lần đi đày lần đầu tiên.”

“Lúc đó anh còn là một người tử tế”, Rubashov nhận xét. “Hãy quên chuyện đó đi.” Anh lại nhìn lên cái ô vuông màu trắng nhạt trên tường và vứt điều thuốc lá đang hút dở xuống sàn.

“Tôi xin nhắc lại câu hỏi”, Ivanov vừa nói vừa khẽ nhoài người ra phía trước. “Anh đã tham gia vào lực lượng chống đối có tổ chức được bao lâu rồi?”

Chuông điện thoại reo. Ivanov nhấc ông nghe lên và nói: “Tôi đang bận”, rồi lại treo vào chỗ cũ. Anh ta lại ngả người ra lưng ghế, chân duỗi thẳng, mắt nhìn chằm chằm vào Rubashov, chờ đợi.

“Anh biết rõ”, Rubashov đáp, “rằng tôi không bao giờ tham gia một tổ chức chống đối nào cả.”

“Anh buộc tôi phải xử sự theo kiểu quan liêu đấy”, vừa nói Ivanov vừa đưa tay kéo cái ngăn bàn và lôi ra một tập giấy.

“Xin bắt đầu từ năm 1933”, anh ta nói và xếp những tờ giấy lên mặt bàn. “Việc thiết lập chế độ độc tài và sự tan rã của Đảng ở chính cái đất nước mà thắng lợi có vẻ đã cận kề. Anh được cử đến đó để tiến hành thanh lọc và tái tổ chức đội ngũ…”

Rubashov ngả người ra phía sau và dỏng tai lên nghe lý lịch của chính mình. Anh chợt nghĩ đến Richard, nhớ đến ánh hoàng hôn trên con phố trước viện bảo tàng nơi anh đợi taxi.

“…Ba tháng sau anh bị bắt. Hai năm tù giam. Không có bằng chứng, thái độ rất mẫu mực. Được thả và vinh quang trở về…”

Ivanov ngừng đọc, anh liếc nhìn Rubashov và tiếp tục:

“Anh được đón tiếp rất trọng thể. Lúc đó chúng ta không gặp nhau, có thể lúc đó anh bận nhiều việc quá… Chuyện đó tôi cũng chẳng trách gì anh. Anh cũng chẳng có đủ thì giờ để gặp gỡ tất cả bạn bè cũ được. Nhưng tôi đã hai lần trông thấy anh trên chủ tịch đoàn của hai cuộc mít tinh. Lúc đó anh vẫn phải chống nạng và trông mệt mỏi lắm. Đúng ra sau khi công cán những bốn năm ở nước ngoài như thế, anh phải được đi an dưỡng vài ba tháng rồi sau đó nắm giữ một chức vụ nào đó trong chính phủ. Nhưng sau có hai tuần anh đã lại được cử ra nước ngoài công tác rồi…”

Ivanov đột ngột chồm hẳn về phía trước và nhìn thẳng vào mắt Rubashov:

“Tại sao?”, đây là lần đầu tiên anh ta lên giọng như thế. “Anh không cảm thấy thoải mái ở đây, đúng không? Đã có nhiều thay đổi trong khi anh đi vắng làm anh khó chịu, đúng không?”

Ivanov ngừng lại chờ đợi câu trả lời; nhưng Rubashov vẫn ngồi yên, tiếp tục chà kính vào ống tay áo.

“Chuyện đó xảy ra không lâu sau khi nhóm đối lập đầu tiên bị kết án và tiêu diệt. Một số người trong đó là bạn thân của anh. Quần chúng trên khắp cả nước đã tỏ ra vô cùng căm phẫn khi họ biết được mức độ thối nát của nhóm đối lập đó. Nhưng anh không nói một câu nào. Sau hai tuần anh vội xin ra nước ngoài mặc dù vẫn phải chống nạng…”

Rubashov cảm thấy như mùi của cái hải cảng nhỏ, mùi của dầu xăng và tảo biển thối đang phảng phất đâu đây, anh như trông thấy cựu đô vật Paul đang vẫy tai, còn Levy Còi thì đang giơ cái tẩu thuốc lên chào mọi người… Anh ta đã treo cổ trên một cái xà nhà. Ngôi nhà cũ nát cứ rung lên mỗi lần có chiếc xe tải chạy qua, mỗi lần như thế xác Levy Còi lại đung đưa cho nên lúc đầu người ta cứ tưởng anh ta vẫn còn cử động được, sau này người ta đã kể lại với Rubshov như thế…

“Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và sau đó được cử giữ chức trưởng Phái đoàn Thương mại của ta ở nước B. Ở đây anh cũng hoàn thành nhiệm vụ. Hiệp định thương mại mới, ký với B. rõ ràng là một thành công. Nếu nói về biểu hiện bên ngoài thì lý lịch của anh không có một vết nhơ nào. Nhưng sáu tháng sau khi anh nhận nhiệm sở thì hai cán bộ dưới quyền anh, trong đó có Arlova, thư ký riêng của anh bị triệu hồi về nước vì bị nghi là có tham gia nhóm chống đối bí mật. Cuộc điều tra sau đó đã chứng tỏ rằng họ có tội. Đáng lẽ anh phải công khai đoạn tuyệt với họ. Nhưng anh vẫn không nói gì…”

“Sáu tháng sau nữa thì chính anh bị triệu hồi. Quá trình chuẩn bị cho phiên toà thứ hai xét xử nhóm đối lập đang được tiến hành. Tại phiên toà tên tuổi của anh được nhắc đến nhiều lần, Arlova hi vọng anh sẽ lên tiếng bảo vệ cô ta. Trong hoàn cảnh như thế im lặng thì chẳng khác nào thú nhận ‘lạy ông tôi ở bụi này’. Anh biết rõ như thế, nhưng anh chỉ tuyên bố công khai sau khi Đảng đã đưa ra tối hậu thư. Chỉ lúc đó, khi chính tính mạng của anh đã “ngàn cân treo sợi tóc” anh mới chịu xuống nước và như thế nghĩa là Arlova coi như xong. Anh biết rõ số phận của cô ta…”

Rubashov yên lặng, lắng nghe, cái răng sâu lại bắt đầu đau. Anh biết rõ số phận của Arlova, số phận của Richard, của Levy Còi. Và của chính anh nữa. Anh đưa mắt nhìn lên cái khoảng trắng mờ trên tường, những nhà triết học để râu và được đánh số ở trên đầu chỉ để lại có thế thôi. Số phận của họ anh cũng biết. Lịch sử đã từng khởi động và hứa hẹn mang lại cho nhân loại một cuộc sống đàng hoàng hơn; nhưng ngày ấy đã qua rồi. Thế thì còn biểu diễn những trò này để làm gì? Nếu cơ thể con người còn lưu lại được cái gì đó sau khi chết thì ở một nơi nào đó trên cao xanh kia Arlova, với đôi mắt hiền dịu, vẫn đang nhìn chằm chằm vào đồng chí Rubashov, người được cô coi là thần tượng và cũng là người đã đưa cô đến đoạn đầu đài… Cái răng sâu càng ngày càng nhức nhối hơn.

“Có cần đọc lại lời tuyên bố của anh lúc đó không?”, Ivanov hỏi.

“Cám ơn, không cần”, Rubashov đáp, anh nhận thấy giọng mình nghe có vẻ khàn khàn.

“Chắc anh còn nhớ, lời tuyên bố của anh – người ta cũng có thể coi đây là một lờI tự thú – đã kết thúc bằng việc lên án một cách nghiêm khắc phe đối lập và hứa trung thành tuyệt đối với đường lối của Đảng và cá nhân Anh Cả nữa.”

“Đủ rồi”, Rubashov mệt mỏi nói. “Anh biết rõ là những lời tuyên bố được sản xuất như thế nào rồi mà. Nếu chưa biết thì là may cho anh. Lạy chúa tôi, hãy thôi trò này đi.”

“Cũng sắp hết rồi”, Ivanov bảo. “Chỉ còn phải xem xét hai năm cuối nữa thôi. Lúc này anh đứng đầu Công ty Nhôm quốc gia. Một năm trước, trong vụ án chống Đảng thứ ba, một số tên cầm đầu liên tục nhắc đến tên tuổi của anh một cách rất tù mù. Không có bằng chứng cụ thể nào cả. Nhưng mối nghi ngờ trong hàng ngũ của Đảng thì ngày một gia tăng. Anh lại tuyên bố công khai ủng hộ đường lối của Lãnh đạo Đảng và lên án phe đối lập bằng những lời lẽ còn mạnh mẽ hơn trước… Chuyện này xảy ra cách đây sáu tháng. Thế mà hôm nay anh lại nói rằng trong suốt mấy năm qua anh đã coi đường lối của lãnh đạo là sai lầm và có hại…”

Ivanov ngừng lời và ngả người ra đằng sau.

“Thế nghĩa là những lời thề thốt trung thành với Đảng của anh chỉ là vờ vịt. Anh đừng nghĩ rằng tôi đang giáo huấn. Chúng ta đều từ một lò mà ra cả. Anh tin rằng chính sách của chúng tôi là sai còn của anh là đúng. Tuyên bố thẳng thừng như vậy thì anh sẽ bay ra khỏi Đảng ngay lập tức, nghĩa là anh sẽ chẳng thể nào chiến đấu cho tư tưởng mà anh cho là đúng đắn của mình được nữa. Và anh buộc phải thả bớt tải trọng đi để tiếp tục cuộc đấu tranh cho quan điểm duy nhất đúng của mình. Ở địa vị của anh tôi cũng sẽ hành động y như vậy. Cho đến nay thì mọi thứ đều hợp lý cả.”

“Thế rồi sao?”, Rubashov hỏi.

Ivanov nở một nụ cười thân thiện. “Tôi chỉ không hiểu”, anh ta nói. “Anh thú nhận là đã nhiều năm nay anh cho rằng chúng tôi đã chôn vùi Cách mạng, đồng thời anh cũng phủ nhận việc tham gia vào phe đối lập. Anh có thực sự nghĩ rằng tôi sẽ tin là anh khoanh tay ngồi nhìn trong khi chúng tôi, theo quan điểm của anh, đang đưa đất nước và Đảng đến sự diệt vong?”

Rubashov nhún vai:

“Có thể tôi đã già quá và hết hơi rồi… Thôi thì tùy, anh muốn nghĩ thế nào cũng được.”

Ivanov châm một điếu thuốc nữa. Giọng anh ta càng nhẹ nhàng hơn và thuyết phục hơn:

“Anh thực sự nghĩ rằng tôi sẽ tin là anh đã hi sinh Arlova và ly khai họ”, vừa nói anh ta vừa hất hàm về phía cái khoảng trắng mờ trên tường, “là để giữ cái đầu của chính mình đấy chứ?”

Rubashov không đáp. Thời gian nặng nề trôi. Đầu Ivanov càng cúi gần Rubashov hơn.

“Không, tôi không thể hiểu được anh”, anh ta bảo. “Nửa tiếng trước đây anh đã tấn công đường lối của chúng tôi một cách điên cuồng đến nỗi chỉ cần một câu trong đó cũng đủ đưa anh lên đoạn đầu đài rồi. Còn bây giờ thì anh lại khẳng định, trái ngược với lô–gích sơ đẳng nhất, rằng anh không tham gia vào nhóm đối lập chống Đảng, mặc dù chúng tôi có đủ bằng chứng như thế.”

“Thật à?”, Rubashov hỏi lại. “Nếu các anh có đủ bằng chứng thì còn cần tôi thú nhận làm gì? Bằng chứng về cái gì vậy?”

“Thí dụ”, Ivanov chậm rãi nói, “bằng chứng về việc ám sát Anh Cả.”

Lại im lặng. Rubashov đeo kính lên.

“Xin được hỏi một câu”, Rubashov lên tiếng. “Anh có thực sự tin vào điều nhảm nhí ấy không hay anh chỉ giả đò thế thôi?”

Ivanov vẫn nhìn với vẻ cười cợt, dịu dàng như cũ:

“Như tôi đã nói với anh. Chúng tôi có đủ bằng chứng. Chính xác hơn: đấy là lời thú tội. Chính xác hơn nữa thì đấy là lời thú tội của một người, theo lời xúi giục của anh, đã chuẩn bị thực hiện vụ ám sát.”

“Xin chúc mừng”, Rubashov nói. “Thế người ấy là ai?”

Ivanov mỉm cười.

“Một câu hỏi không đúng chỗ.”

“Có thể cho tôi đọc lời thú nhận của anh ta được không? Hay cho tôi đối chất với anh ta?”

Ivanov mỉm cười. Anh ta cố tình trêu Rubashov bằng cách phà khói thuốc lá vào mặt. Rubashov cảm thấy khó chịu nhưng vẫn ngồi yên một chỗ.

“Anh còn nhớ chuyện thuốc ngủ không?”, Ivanov chậm rãi nói. “Ấy, tôi đã hỏi anh câu này rồi. Hôm nay chúng ta đã đổi chỗ cho nhau: anh là người sắp đâm đầu xuống vực. Nhưng chớ có mong tôi giúp. Lúc đó anh đã bảo với tôi rằng tự sát là chủ nghĩa lãng mạn tư sản. Tôi mong rằng anh cũng sẽ không làm chuyện đó. Thế là hoà.”

Rubashov không trả lời. Anh đang nghĩ xem liệu Ivanov nói thật hay nói dối, cùng lúc đó bỗng nhiên anh lại có ước muốn, nói đúng hơn là sự thôi thúc của cơ thể, được chạm tay vào cái khoảng trắng mờ trên tường. “Thần kinh có vấn đề”, anh tự nhủ. “Bị ám ảnh. Chỉ bước lên những viên gạch màu đen, nói những câu vô nghĩa, lau kính vào ống tay áo, mình sẽ làm chuyện đó ở đây mất thôi…”

“Tôi rất muốn biết”, Rubashov nói to, “anh sẽ cứu tôi như thế nào? Chứ cách anh tra vấn tôi có vẻ như có mục đích ngược lại.”

Ivanov vẫn mỉm cười, nét mặt còn rạng rỡ hơn trước:

“Anh ngốc lắm”, anh ta vừa nói vừa vươn người qua mặt bàn và đưa tay nắm lấy cúc chiếc áo vét của Rubashov. “Tôi muốn anh nổi xung lên ở đây để không nổi xung khi không đáng nổi xung. Anh thấy là tôi không cho gọi thư ký chứ?”

Anh ta rút ra một điếu thuốc và đưa vào miệng Rubashov, trong khi tay kia vẫn tiếp tục giữ chặt cái cúc áo.

“Anh làm như trẻ con ấy. Giống như một thằng bé ưa lãng mạn”, anh ta nói thêm. “Bây giờ chúng ta sẽ phịa ra một bản tự thú ngắn và kết thúc, được chứ?”

Cuối cùng Rubashov cũng tìm cách gỡ được bàn tay Ivanov. Anh nhìm chằm chằm vào mặt anh ta.

“Thú nhận cái gì?”, Rubashov hỏi.

Vẫn nụ cười rạng rỡ trên môi, Ivanov nói:

“LờI tự thú sẽ có nội dung là từ năm này, năm này trở đi anh đã tham gia nhóm đối lập có tên thế này, thế này; nhưng hoàn toàn phủ nhận việc tổ chức và lập kế hoạch ám sát; ngược lại, anh đã rút khỏi nhóm đó sau khi phát hiện ra những kế hoạch khủng bố tội lỗi của họ.”

Kể từ đầu cuộc nói chuyện, đây là lần đầu tiên Rubashov cười:

“Nếu anh không còn gì nói thêm nữa thì xin cho kết thúc ở đây.”

“Để tôi nói nốt đã”, Ivanov bình tĩnh nói. “Dĩ nhiên là tôi biết rằng anh tìm cách lảng tránh. Chúng ta sẽ cùng xem xét khía cạnh đạo đức của vấn đề. Anh sẽ không phản bội lại ai cả. Cả nhóm đã bị bắt trước anh lâu rồi và một nửa đã bị khử rồi, chính anh cũng đã biết rõ như thế. Những kẻ còn lại có thể nhận những chuyện quan trọng hơn chứ không phải cái việc vô thưởng vô phạt như thế, nói cho ngay, nếu chúng tôi muốn thì họ có thể nhận bất cứ tội gì. Tôi hi vọng rằng anh hiểu tôi, hi vọng rằng lòng chân thành của tôi đã thuyết phục được anh.”

“Nói một cách khác: chính anh cũng không tin có chuyện ám sát Anh Cả”, Rubashov nói. Thế thì tại sao anh không cho tôi gặp cái nhân vật X nào đó, không cho tôi gặp chính kẻ đã thú nhận chuyện đó?”

“Xin anh suy nghĩ một chút”, Ivanov đáp. “Hãy đặt anh vào địa vị của tôi, mà thực ra chúng ta cũng dễ dàng đổi chỗ cho nhau lắm, và tìm giúp cho tôi câu trả lời, được chứ?”

Rubashov trầm ngân suy nghĩ.

“Anh đã nhận được chỉ thị phải tiến hành công việc với tôi như thế nào rồi, phải không?”, anh hỏi.

Ivanov lại mỉm cười:

“Không hoàn toàn như thế. Thực ra thì vẫn chưa có quyết định là anh thuộc trường hợp H hay T. Anh biết những thuật ngữ này chứ?”

Rubashov gật đầu.

“Thế là anh bắt đầu hiểu rồi đấy”, Ivanov nói. “H nghĩa là xử lý hành chính, còn T là toà án. Đa số các vụ án chính trị được xử lý theo lối hành chính, nói các khác những trường hợp này đưa ra công khai thì sẽ không có lợi… Nếu anh rơi vào trường hợp H thì sẽ không còn nằm dưới quyền tôi nữa. Phiên toà sẽ do một Hội đồng xử kín, phiên toà sẽ diễn ra một cách nhanh chóng, không có đối chất gì hết. Anh chắc còn nhớ …”. Rồi Ivanov nhắc đến tên ba bốn người và liếc nhìn lên khoảng tường trắng. Khi anh ta quay lại thì Rubashov chợt nhận thấy những biểu hiện mệt mỏi trên nét mặt và đôi mắt đờ đẫn của Ivanov.

Ivanov nhắc lại bằng giọng nhẹ nhàng hơn tên của mấy người bạn cũ.

“Tôi cũng như anh đều biết rõ họ”, anh ta tiếp tục. “Nhưng chúng tôi tin rằng các anh sẽ đưa Cách mạng đến chỗ diệt vong, còn anh thì ngược lại. Đấy là bản chất của vấn đề. Hành động của chúng tôi được quyết định từ những suy luận như thế. Chúng tôi không thể để cho những rắc rối về mặt pháp lý bó tay mình được. Trước đây anh chả đã từng làm như thế hay sao?”

Rubashov không đáp.

“Cái chính là”, Ivanov tiếp tục, “làm sao để anh được vào nhóm T và tiếp tục do tôI xử lý. Anh đã biết dựa vào đâu mà người ta lựa chọn để đưa ra toà rồi đấy. Tôi phải chứng minh mức độ tự nguyện hợp tác với cơ quan điều tra của anh. Anh cần phải viết bản tự kiểm điểm và thú nhận một phần tội lỗi. Nếu anh ngoan cố, nếu anh cứ tiếp tục đóng vai người hùng và cho rằng họ chẳng làm gì được mình thì anh sẽ bị giết trên cơ sở những lời thú tội của một tên X nào đó. Mặt khác, nếu anh thú nhận một phần thì cuộc điều tra sẽ kéo dài thêm. Trên cơ sở đó tôI sẽ có thể tổ chức cho anh đốI chất; chúng ta sẽ bác bỏ việc tổ chức ám sát và chỉ nhận những tội thật nhẹ nhàng thôi. Ngay trong trường hợp như thế anh cũng sẽ bị ít nhất là hai mươi năm, nhưng chỉ sau hai ba năm là sẽ được ân xá và sau năm năm thì anh sẽ quay trở lại vũ đài như cũ. Tốt hơn hết là anh hãy suy nghĩ thật kỹ, thật bình tĩnh trước khi trả lời.”

“Tôi đã nghĩ kỹ rồi”, Rubashov nói. “Đề nghị của anh không phù hợp với tôi. Lý luận của anh có thể là đúng đấy. Nhưng tôi chán kiểu lý luận như thế lắm rồi. Tôi đã mệt mỏi và không thích đóng kịch nữa. Xin anh hãy cho tôi trở về buồng giam.”

“Thôi được”, Ivanov nói. “Tôi cũng không nghĩ rằng anh sẽ đồng ý ngay đâu. Những kiểu nói chuyện như thế này không thể có hiệu quả ngay lập tức được. Anh có hai tuần để suy nghĩ. Khi anh đã suy nghĩ xong thì bảo họ đưa lại chỗ tôi hoặc viết cho tôi một mảnh giấy cũng được. Tôi tin rằng anh sẽ viết.”

Rubashov đứng lên; Ivanov cũng đứng lên, anh ta cao hơn Rubashov nửa cái đầu. Ivanov bấm chuông. Trong khi chờ viên giám ngục tới đưa Rubashov đi, Ivanov bảo:

“Trong bài báo cuối cùng anh mới viết mấy tháng trước đây anh có nói rằng mười năm tới sẽ là mười năm quyết định số phận của thế giới. Anh có muốn tham gia vào việc đó không?”

Anh ta nhìn từ đầu xuống chân Rubashov, miệng vẫn mỉm cười. Có tiếng chân bước ngoài hành lang, cánh cửa bật mở. Hai giám thị bước vào và giơ tay chào. Rubashov len vào giữa hai người để họ đưa anh trở về buồng giam. Hành lang vắng ngắt, không một tiếng động; từ các buồng giam vọng ra những tiếng ngáy nghe như những lời ai oán. Bên trên dãy nhà, ánh đèn điện vàng vọt, nhợt nhạt đã bật sáng từ lâu.

Comments are closed.