Svetlana Alexievitch, chính trị của văn học

Jean Birnbaum, Le Monde ngày 15/10/2015

Nguyên Ngọc dịch

clip_image001

Svetlana Alexievich ở Minsk, Biélorussie, ngày 8/10. MAXIM MALINOVSKY / AFP

Tôn vinh tác giả Biélorusse Svetlana Alexievitch, viện Nobel đã có một hành động cùng lúc khẳng định hai cam kết chính trị. Chính trị thế giới, đương nhiên rồi, bởi Alexievitch không hề che giấu rằng bà phản đối chủ nghĩa đế quốc kiểu Poutine. Nhưng còn một chính trị của văn học nữa, với ý nghĩa văn học không ngừng triệt hạ những biên giới tùy tiện mà người ta muốn nhốt nó trong đó. Vậy đấy, một giải Nobel cho một nhà văn nữ chưa từng xuất bản một tác phẩm hư cấu, và các cuốn sách của bà thuộc cái mà người ta gọi là “essai” (tiểu luận)[*]. Chẳng phải là năm 2013 bà đã nhận một giải thưởng Médicis về essai đó sao?

Vậy thì, là văn học hay là esssai đây? Ôi, ông Tướng của tôi ơi, là cả hai đấy ạ! Các hậu duệ của Alfred Nobel trả lời, cái ông Nobel hẳn đã không vô cớ mà sáng chế ra chất nổ dynamite. Bởi vì essai đích thị là thể loại xô các thể loại nhập vào nhau. Bạn cho rằng tri thức thì ắt phải triệt loại cảm xúc? Rằng suy nghiệm là không thể dung hợp với văn phong? Vậy thì, essai sẽ khiến bạn tỉnh ngộ ra, thiên chức của nó chính là gìn giữ vai trò của văn học trên cảnh trí của tri thức, nhất là từ khi có sự bừng trội của các khoa học nhân văn. Hãy đắm mình vào các cuốn sách của Alexievitch mà nhà xuất bản Acte Sud vừa tập hợp thành một tập thật đẹp (có tên là Tác phẩm, “Thesaurus”, 800 trang, 26 euro); bạn sẽ nhận ra lối viết của bà mò mẫm, “cố thử tìm”, chính xác là vậy, lối xây dựng “một nhận thức của tinh thần”; bạn sẽ thấy những phóng sự chủ quan của bà về chiến tranh thế giới lần thứ hai hay về thảm họa Tchernobyl đã hợp thành một thiên điều tra tuyệt vời về nhân loại, một suy nghiệm sâu xa về lịch sử của cái ác. Alexievitch xưng “tôi”, bà hòa mình vào với những nhân chứng bình thường, những “tư liệu sống” của bà. Ở bà, trữ tình của câu viết với ý chí muốn thấu hiểu chỉ là một. Bằng điều đó, các cuốn sách của bà nối kết lại với thời kỳ, không quá xa xôi, đã được Marielle Macé nghiên cứu, cái thời văn học là thể loại duy nhất có khả năng soi sáng hiện thực. Sau cùng, cần nói rằng từ “essai” đã xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1912 trong Danh mục dành cho các hiệu sách, và khi tìm tra thì sẽ gặp lối cắt nghĩa chéo thú vị này: “Essai. Xem [từ] Tiểu thuyết”.


[*] Essai, thường được dịch là Tiểu luận. Thực ra trong tiếng Pháp danh từ essai (cũng như essay trong tiếng Anh) với động từ của nó là essayer, hàm nghĩa thử, thử làm xem, cố làm thử xem, ra sức làm thử xem …, theo chúng tôi là rất gần với điều có thể gọi là “chức năng”, “thiên chức” của văn học, của tiểu thuyết: soi sáng, truy tìm, khám phá (hiện thực). Chúng tôi để nguyên từ essai trong khi dịch, và có thêm chú thêm trong ngoặc đơn (tiểu luận).

Comments are closed.