Sự trung thực trong sử học và trong xã hội

Lê Học Lãnh Vân

Chắc ai cũng thấy có quá nhiều sự thiếu trung thực trong xã hội hiện nay. Xin các anh chị còn nhìn thấy nhiều điều trung thực và chủ trương viết về người tốt việc tốt đừng phiền lòng vì bài này. Tôi cũng thấy số trường hợp trung thực còn nhiều, nhưng Trung Thực là một giá trị đạo đức cốt lõi nhất, giá trị ấy dù chỉ bị xâm phạm một đôi lần cũng đã cần báo động, huống chi sự xâm phạm có thể thấy đều khắp, kể cả ở những tuyên bố của các nhân vật có trách nhiệm cao!

Bài viết này nhìn nguồn gốc của hiện trạng từ góc độ những sự kiện sử học qua hai nhân vật Lê Văn Tám và Phan Thanh Giản.

Lê Văn Tám là một nhân vật trong lịch sử chống Pháp. Nhân vật này được sử cách mạng kể lại là một thiếu niên anh hùng tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng Thị Nghè, gây cho quân Pháp thiệt hại lớn đồng thời nêu tấm gương anh dũng chiến đấu giành độc lập.

Hoá ra Lê Văn Tám là nhân vật ảo. Giáo sư sử học được kính trọng Phan Huy Lê viết chính ông được ông Trần Huy Liệu kể cho nghe riêng rằng “nhân vụ kho xăng của địch ở Thị Nghè bị đốt cháy vào khoảng tháng 10 – 1945 và được loan tin rộng rãi trên báo chí trong nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của Anh”, giáo sư Trần Huy Liệu “đã dựng lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám” (1).

Cho dù có nói gì đi nữa, thí dụ nói rằng vụ nổ kho xăng là có thực, có người bắn súng vào kho xăng, phóng hoả kho xăng… thì khi tài liệu cũ được lục tìm lại, người ta không hề thấy, nghe báo chí và dư luận thời đó đề cập tới nhân vật nào tên Lê Văn Tám. Vậy thì câu chuyện về Lê Văn Tám chính là câu chuyện nguỵ tạo, không trung thực khoa học.

Phan Thanh Giản là một nhân vật lớn thời Pháp tiến công Nam Kỳ Lục Tỉnh. Trước chênh lệch thực lực quân sự quá lớn giữa Pháp và Việt Nam, không muốn dân chúng bị tàn sát bởi chiến tranh mà rồi cũng thua, ông Phan Thanh Giản đã nhượng đất cho Pháp, thực hiện một số việc rồi tự tử bằng thuốc độc. Dân chúng Nam Kỳ rất thương ông, qua các bài văn tế của cụ Đồ Chiểu, qua những câu chuyện lưu truyền, qua các tác phẩm, bài viết của người đời sau…

Tứ sau năm 1954, ông Trần Huy Liệu, người giữ vị trí quan trọng trong nền sử học Miền Bắc, đã đưa ra quan điểm rất xấu về cụ Phan Thanh Giản, cho rằng ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp, chánh và phó sứ điều đình với Pháp, can tội bán nước cho Pháp. Cơ sở cho lập luận này là câu truyền khẩu được cho là trong dân chúng: “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.

Câu nói này thực ra xuất hiện lần đầu tại Miền Bắc vào tháng 8 năm 1955, trên số 9 Tập san Văn Sử Địa, tiền thân của tờ Nghiên cứu Lịch sử “trong một bài viết có tựa đề là  “Việt Nam Thống Nhất Trong Quá Trình Đấu Tranh Cách Mạng” của ông Trần Huy Liệu” . Từ đó về sau, mỗi khi bàn về ông Phan Thanh Giản, ông Trần Huy Liệu lại dựa vào câu nói đó mà theo ông là lời kết tội bán nước đanh thép của nhân dân đối với ông Phan Thanh Giản. Điều đặc biệt là câu nói đó được đưa ra lần đầu tiên từ Miền Bắc bởi ông Trần Huy Liệu, và cho tới lúc mất ông chưa từng đưa ra được nguồn gốc trích dẫn. Tìm các nguồn trước đó, trên các bài viết tại Miền Nam trong gần trăm năm sau sự kiện Phan Thanh Giản, ông Phan Đào Nguyên thấy “nó chưa hề xuất hiện trong sách vở hay bài viết nào khác, như người viết [tức ông Phan Đào Nguyên] được biết”. (2)

Ông Trần Huy Liệu có vị trí lớn trong việc giành chính quyền và thiết lập chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà tại Miền Bắc. Sau năm 1945, các vị trí chính thức của ông là Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời từ ngày 28/8/1945 đến ngày 1/1/1946, rồi Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Cổ động trong Chính phủ liên hiệp lâm thời từ ngày 1/1/1946 cho đến khi thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến tại kỳ họp Quốc hội ngày 2/3/1946. Về sau, ông đảm nhiệm Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội, kiêm Viện trưởng Viện Sử học. Với cương vị đó, cùng với tự do ngôn luận rất giới hạn trong xã hội Miền Bắc, tiếng nói của ông có giá trị gần như tuyệt đối trong xã hội. Chỉ tới khi nước nhà thống nhất, trước làn sóng phản biện của Miền Nam và của cuộc sống hoà bình, các thông tin và quan điểm trái chiều mới được cất lên, dù còn dè dặt!

Nếu tin theo những lời của bộc bạch của giáo sư Phan Huy Lê, điều bài viết này muốn nêu lên là ông Trần Huy Liệu, một người cách mạng lão thành, con chim đầu đàn và bậc thầy ngành sử học Miền Bắc, vào những ngày đầu tiên sau khi giành được chính quyền, đã dựng lên nhân vật Lê Văn Tám không có thực. Sau đó, trong tiến trình xây dựng và củng cố chính quyền Miền Bắc, ông lại đưa ra câu nói “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” mà không đưa ra được cứ liệu nào và các nhà sử học khác cũng không tìm được cứ liệu!

Về mặt khoa học, hai điều trên có thể được xem là không trung thực khoa học không?

Nếu đúng là không trung thực khoa học, sự không trung thực này ảnh hưởng thế nào tới tinh thần liêm chính khoa học của ngành sử học nói riêng và các lãnh vực khoa học nói chung?

Sự không trung thực ở mức độ hàn lâm cấp cao như vậy có liên hệ nhân quả gần xa gì với sự suy thoái các giá trị đạo đức cốt lõi được quan sát trong xã hội Việt Nam hiện nay? Sự suy thoái này, tới phiên nó, ảnh hưởng như thế nào trên bước đường phát triển quốc gia sắp tới?

Xin được lắng nghe từ các anh chị quan tâm tới đề tài!

Ngày 12 tháng 7 năm 2022

=================================

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) PHAN HUY LÊ, Trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám, tạp chí Xưa và Nay, số tháng 10/2009.

2) PHAN ĐÀO NGUYÊN, Phan Thanh Giản và vụ án “Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân”- Phần 1, Nghiên Cứu Lịch Sử, ngày 20/8/2021

TÀI LIỆU ĐỌC THÊM

1) Đặc khảo về Phan Thanh Giản. Tập hợp bài viết nhiều tác giả trên tập san Sử Địa. Nxb Hồng Đức, 25/8/2016. Đọc để so sánh với cách nghiên cứu, quan điểm của giới sử học Miền Bắc trong cùng giai đoạn.

2) Phan Thanh Giản, trăm năm nhìn lại. Tập hợp nhiều tác giả từ các tham luận trong hai buổi hội thảo về Phan Thanh Giản năm 1994 và 2003. Nxb Thế Giới, 24/11/2017

Comments are closed.