Ký ức về xứ Cà ra

Truyện Trà Đóa

Có lần tôi được nghe một câu chuyện thú vị trong tiệc cưới của một khách hàng quen. Người kể là một ông trung niên với vẻ ngoài không có gì nổi bật. Hôm đó tôi ngồi ở một bàn gồm toàn người lạ, bởi tôi và chú rể chỉ quen nhau theo kiểu khách hàng: cậu ấy là người hay mua hàng do tôi đảm trách, vì vậy tôi chẳng biết ai khác ngoài cậu ta trong bữa tiệc hôm ấy. Tôi đã quen với tình cảnh như vậy lâu rồi. Công việc bán hàng chỉ đủ sức tạo ra những mối quan hệ đơn độc, tạm bợ và mong manh. Thường ở những trường hợp như trên, tôi hay bị rơi vào một tình huống mà trong đó hầu hết mọi người đều có cùng cảnh ngộ.

Thật vậy, hôm ấy chúng tôi ngồi đó, chẳng ai biết ai, chẳng ai nói năng gì, và chờ đợi cho tàn tiệc. Trong không khí có phần e dè ấy thì sự cởi mở của ông trung niên đã cứu cho chúng tôi khỏi cái buồn tẻ đến khó chịu của một buổi tối cuối tuần. Trước tiên ông ấy chủ động hỏi han từng người với một nụ cười khẩn thiết trên môi. Để sau đó chúng tôi biết rằng, ít ra cũng có điểm chung trong cái tổ hợp tình cờ ấy, vì hầu hết đều là dân bán hàng và chỉ quen cô dâu hay chú rể theo kiểu độc nhất mà tôi vừa kể. Tôi chờ đợi ông ấy giới thiệu về mình và cũng chẳng ngạc nhiên khi biết ông cũng từng là một người bán hàng. Nhưng trong các thông tin mà ông tự nhận có nét gì đó chung chung, có thể dùng để chỉ cho bất kỳ ai. Nghĩa là nó không rõ ràng về bất cứ phương diện nào của một cá nhân. Nhưng trong một tiệc cưới, đó là cách nói cho qua chuyện và cũng chẳng ai thắc mắc gì.

Mọi người chỉ trở nên rôm rả và cởi mở hơn khi bữa tiệc đã đi được nửa đường. Lúc ấy, hầu hết đều đã có hơi men lờn vờn. Trong những thời điểm như vậy, những câu chuyện hấp dẫn luôn là đề tài ưa thích. Và cũng ở những thời điểm đó, những kẻ có khiếu ăn nói lại được dịp trổ tài và nếu không khéo họ hay để lộ ra những dấu vết cá nhân mà bạn rất khó phân giải.

Đó là lúc ông trung niên kể cho chúng tôi nghe về một vùng đất lạ lùng mà ông có dịp ghé tới khi còn làm việc.

“Làng Cà ra” như cách ông gọi, gợi lên một cái tên của đồng bào dân tộc ít người. Và quả đúng như vậy, “đó là một làng ở Tây Nguyên… từ Buôn Mê Thuột đi ngược lên hướng biên giới, khoảng chừng hơn trăm cây số đường chim bay nhưng nếu đường bộ thì xa hơn nhiều…”, và ông không biết là xa bao nhiêu. Nhưng thôi, tạm chấp nhận sự mô tả đại khái như vậy của ông.

Câu chuyện tiếp theo là về cách sinh hoạt của dân trong ngôi làng ấy. Họ sống thanh bình và có vẻ giàu có. Ở đó họ vẫn còn giữ được những nền nếp từ lâu đời của tổ tiên họ. Ví dụ như một nhà nào đó muốn được coi là giàu có để được đặt một tượng sư tử đá trước cổng vào thì phải đãi người trong làng ăn uống ba ngày ba đêm.

“Sòng phẳng như bán hàng phải không nào?”, ông thích thú thốt lên. “Đơn giản nhưng sòng phẳng, chẳng cần phải khoe khoang như hầu hết người Kinh chúng ta…”, ông nhận xét rồi nổi lên cười ha hả. Tất cả chúng tôi cũng cười theo vui vẻ.

Và cái làng Cà ra lạ lùng ấy không chỉ có chừng đó, còn nhiều chuyện lý thú hơn nhưng tôi chỉ nhớ được vài chi tiết như:

“Họ sống tự do tự tại và hài hoà với thiên nhiên. Tình nhân ái là đạo đức chính yếu nơi đó. Họ hiếm khi sử dụng bạo lực, mọi chuyện xích mích giữa các thành viên đều được giải quyết thông qua thương lượng và đối thoại. Tuy không có một bộ luật thành văn nào nhưng mọi thứ dường như đều theo một kỷ cương rất chặt chẽ hợp lý mà mọi thành viên đều tự giác tuân thủ. Như có ai muốn chặt một cây trong rừng, trước hết phải nêu ra lý do chính đáng và phải được hội đồng làng đồng ý”…

“Không có ngoại tình hay lang chạ ở đó, vợ chồng cần làm chuyện ấy chỉ ôm nhau lăn vài vòng là xong…”, ông lại khiến cho chúng tôi cười thật sảng khoái.

Về các chuyện cộng đồng khác, họ cũng có cách giải quyết rất ư dân chủ và văn minh hiếm có. Chẳng hạn mọi chuyện công đều được giải quyết ở các cuộc họp cộng đồng theo hình thức biểu quyết đa số mà bất kể ai đã trưởng thành đều bình đẳng như nhau và có quyền đưa ra ý kiến đồng ý hay phản đối…

Nghe như một kiểu dân chủ trực tiếp trong xã hội Hy Lạp cổ đại mà những người ham đọc sách đều biết.

Hẳn nhiên như mọi khi, câu chuyện ấy sẽ chỉ lưu lại trong đầu tôi không quá giấc ngủ đêm hôm đó. Nhưng lần này, như một ngoại lệ, khi đến mấy ngày sau tôi vẫn còn vấn vương với nó. Có một vài khúc mắc mơ hồ tôi cố nhận ra nhưng chịu, không biết đó là gì. Nó giống một làn sương mù buổi sớm che khuất tầm nhìn trên cánh đồng mùa xuân. Đến cả tháng sau tôi vẫn chưa quên hẳn câu chuyện có vẻ hơi kỳ lạ đó. Tôi còn bỏ công tìm hiểu thêm liệu trên Tây Nguyên có một nơi thật sự như vậy hay không. Sự hoài nghi luôn gây cho tôi nhiều điều khó chịu, nó luôn khiến tôi phải đi cho đến tận cùng mới thôi. Nhưng rồi câu trả lời mà tôi muốn biết, cho đến những người rất am hiểu về Tây Nguyên cũng phải lắc đầu chịu thua. Tựu trung, thái độ của họ không dứt khoát hẳn là không có một nơi như vậy, nhưng để khẳng định thì họ không dám. Cũng đúng thôi, có ai cả gan nói mình biết cặn kẽ về một nơi rộng lớn và phức tạp đến thế.

Cuối cùng rồi cũng như bao chuyện tầm phào khác, câu chuyện đó cũng rơi vào quên lãng, nó trở về với thế giới của nó còn tôi phải trở lại với cái thế giới nhảm nhí hàng ngày của mình. Từ đó tôi chẳng còn chút tơ tưởng gì đến nó cũng như kẻ đã kể câu chuyện hôm ấy.

Thời gian trôi đi, cho đến một ngày tôi đi dự một đám cưới khác, của một khách hàng quen làm bên ngành xây dựng. Và cũng như nhiều lần trước, đó cũng là một kiểu quan hệ đơn độc đến thảm hại. Tôi lại phải ngồi chung bàn với những kẻ lạ hoắc mới gặp lần đầu. Rồi cái kiểu e dè giữ kẽ vẫn là thái độ hành xử chính. Nhưng khi bữa tiệc bắt đầu, bàn chúng tôi lại đón thêm một người nữa. Không sao, vẫn còn thừa chỗ cho cả hai người. Tôi không nhìn kẻ mới đến lấy một lần, một chút tò mò cố hữu để xác định sơ sài cũng không. Nghĩa là tôi đã chán chường đến mức chẳng thiết tha gì đến việc làm quen với ai, dù chỉ là xã giao, mà chỉ đợi tàn tiệc là đứng lên ngay tắp lự. Trong cái không khí nặng nề quái đản đó, bỗng nhiên có một giọng nói trầm ấm cất lên và lập tức lôi cuốn mọi ánh mắt trong bàn hướng về. Đó là một ông đã sồn sồn, vẻ mặt không có gì đặc biệt ngoài chút khắc khổ và hiền lành. Ông bắt đầu giới thiệu về mình và khuyến khích mọi người giới thiệu với nhau. Sau đó chúng tôi bắt đầu cụng ly. Không khí trong bàn có vẻ được hâm nóng chút ít. Và khi đi hết nửa tiệc (tôi xác định bằng thứ tự món ăn được ghi trong thực đơn để trên bàn) người đàn ông đó bắt đầu nói nhiều và dẫn dắt đến một câu chuyện lạ vui vui. Ban đầu tôi không để ý, nhưng dần dà tôi bắt đầu ngửi thấy cái mùi gì đó thật quen quen trong câu chuyện ấy. Và khi ông ta kể đến đoạn “Không có ngoại tình hay lang chạ ở đó…”, tôi liền bật lên như một cái lò xo bị nén lâu ngày: “…vợ chồng muốn làm chuyện ấy chỉ ôm nhau lăn vài vòng là xong…”.

“Có đúng vậy không?”, tôi hướng cái nhìn đầy dò xét vào ông ấy với câu hỏi dằn mạnh.

Người đàn ông bị bất ngờ, mặt tái đi, môi run run. Một hồi, tôi nghe tiếng ông ta thở dài rồi nói “cậu đã nghe chuyện đó rồi à, nó cũng hấp dẫn đấy chứ…”.

Tôi gọi người bạn lại và yêu cầu anh ta nhận diện. Người bạn ngắm nghía rồi lắc đầu “có khi là bên vợ…”. Cô dâu sau đó cũng góp mặt và cũng lắc đầu. Rất nhiều ánh mắt ngờ vực chăm bẵm vào người đàn ông. Ông ấy vẫn ngồi im có vẻ chịu đựng.

“Thôi không cần làm vậy nữa, tôi không quen ai ở đây hết. Đúng vậy, tôi chỉ xin ăn ké một bữa thôi…”.

Nói xong ông ấy đứng dậy chào tất cả và bắt đầu bỏ đi. Nhưng tôi hỏi vọng theo “sao ông không im lặng mà ăn?”. Người đàn ông quay lại nhìn tôi và trả lời “Tôi muốn phải làm một cái gì đó để xứng đáng với bữa ăn, nhưng tôi thì làm được gì, nên tôi kể một câu chuyện góp vui. Cũng sòng phẳng phải không cậu trai?”… Nói xong ông ấy bước đi liêu xiêu về hướng cửa chính và mất dạng giữa những bóng người đang đi lại đông đúc.

Đêm ấy tôi về nhà và chẳng thể chợp mắt nổi. Hình ảnh và giọng nói của ông ta cứ vang vang bên tai. Sau đó tôi nhớ lại hầu hết câu chuyện về xứ Cà ra lạ lùng không sót một chi tiết nào. Tôi trằn trọc suy nghĩ về nó thêm nhiều lần nữa, cái làn sương mỏng manh ngày trước vẫn còn nguyên vẹn nơi ấy. Liệu đó là câu chuyện bịa đặt hay có thực. Nếu là bịa đặt thì ông ấy có vẻ là một người khá hiểu biết và có một xu hướng đạo đức tốt đẹp. Còn nếu là thật thì tôi tin bây giờ nó cũng chẳng còn, bởi một thứ quá ư tốt đẹp đến mức không tưởng như vậy sẽ chẳng thể tồn tại được với cái thói ích kỷ, đố kỵ nhỏ nhen đến ác độc của xã hội ngày hôm nay. Nhưng dù là bịa hay thật cũng khó cảm thông cho việc làm không được quang minh chính đại như vậy.

Đến sáng, người bạn gọi lại và cho tôi biết có một phong bì với cái tên lạ, bên trong không có tiền, chỉ ghi vỏn vẹn vài dòng:

“Chúc hai bạn trăm năm hạnh phúc. Thật xấu hổ khi phải làm việc này, nhưng tôi không còn cách nào khác, tôi thề sẽ không để hai bạn phải tốn thêm một suất nào. Tôi sẽ chỉ dùng ở chỗ thừa thãi của bữa tiệc. Vô cùng đội ơn hai bạn”.

Những ngày tiếp theo chẳng lúc nào tôi thôi nghĩ đến người đàn ông ấy với cảm giác bứt rứt khó chịu trong lòng. Có lẽ tôi đã làm một việc hẹp hòi chẳng ra gì, một thứ sòng phẳng theo kiểu bán hàng quá đáng. Tôi đã không đủ cảm thông để nhận ra một giấc mơ đẹp dù nó xuất phát từ một con người đã hết hy vọng. Tôi tự trách mình không nguôi, tôi ước chi được gặp lại để mời ông một bữa nhậu ra trò và nói lời xin lỗi, rồi sau đó cảm ơn về câu chuyện tốt đẹp mà ông đã kể. Nhưng làm cách nào tìm lại được ông khi tôi đã phá tan cái nơi ẩn nấu tội nghiệp mà ông đã nương vào để tìm đường tồn tại? Có lẽ, nếu có một xứ Cà ra như vậy, ông ấy mới là người xứng đáng được cư ngụ chứ không phải là những kẻ như tôi.

Những năm tháng sau đó, cứ mỗi khi nhớ về chuyện cũ, tôi lại thấy hổ thẹn và nhói đau như bị một vết cào xước vào lương tâm dai dẳng. Nhưng kỳ lạ thay, cũng từ đó, tôi hay có những giấc mơ về một vùng đất lạ. Cái tính chất yên bình nơi ấy luôn khiến tôi thức dậy với một tinh thần sảng khoái và yêu đời. Rồi có những khi lẩn thẩn, tôi tự nhủ sẽ đi tìm bóng dáng người đàn ông ấy trong vùng đất mà ông đã tạo nên. Nhưng tôi đã quên hẳn gương mặt ông rồi. Có lẽ ông đã tan biến vào giấc mơ của mình để không còn có thể phân biệt được nữa. Và cũng từ đó, những giấc mơ thanh bình ấy cứ thôi thúc tôi càng ngày càng gấp gáp. Nhưng tự sâu thẳm trong cõi lòng đầy hoài nghi, đôi lúc tôi tự hỏi đời người có đủ dài để kiến tạo hạnh phúc, hay chỉ mãi mãi là cái cớ cho những trò may rủi tham lam? Để cuối cùng hạnh phúc chỉ như cánh chim cuối tận chân trời mà ta chỉ hy vọng tìm thấy trong những giấc mơ. Và những giấc mơ thì sẽ không bao giờ mất, chúng như những cơn gió lang thang vô định trên bình nguyên gồ ghề của kiếp nhân sinh và luân hồi theo cùng năm tháng. Rồi một ngày tôi chợt nhận ra rằng, cái xứ Cà ra lạ lùng ấy, dù có hiện diện trên đời hay không, cũng đã thành một phần ký ức trong tôi.

Comments are closed.