LỊCH SỬ CÁI XẤU: Khổ nạn, Cái chết, Tuẫn đạo

Umberto Eco

Hà Vũ Trọng dịch

CHƯƠNG II: Khổ nạn, cái chết, tuẫn đạo

1. Quan điểm ‘toàn mĩ’ về thế giới

2. Sự khổ nạn của Chúa Kitô

3. Kẻ tuẫn đạo, ẩn sĩ, kẻ sám hối

4. Sự chiến thắng của Thần Chết

1. Quan điểm ‘toàn mĩ’ (pancalistic) về thế giới

Văn hoá Hi Lạp không tin rằng thế giới nhất thiết phải hoàn toàn đẹp. Thần thoại Hi Lạp kể về những thứ xấu xí quái dị và sai sót, và Plato cho rằng thực tại giác quan chỉ là một mô phỏng vụng về sự hoàn hảo của thế giới ý niệm. Mặt khác, các nghệ sĩ xem các vị thần là khuôn mẫu cho vẻ đẹp tối cao và sự hoàn mĩ này là mục đích của việc tạo tượng điêu khắc nhằm tái hiện chư thần trên đỉnh Olympus.

Nghịch lí thay, với sự ra đời của thế giới Kitô giáo, mối quan hệ này – ít ra ở một số phương diện – đã bị đảo ngược: từ quan điểm thần học-siêu hình, toàn thể vũ trụ đều đẹp vì nó là công trình thần thánh và chính nhờ cái đẹp toàn diện này, ngay cả cái xấu và cái ác cũng được cứu chuộc theo một cách nào đó.  

Bằng sự chuộc tội, Chúa Kitô, là biểu hiện con người mang thần tính, đấng đã chịu đau khổ vì chúng ta, được miêu tả vào thời điểm chịu sự sỉ nhục tột cùng.

Từ những thế kỉ đầu, các Giáo phụ của Giáo hội đã liên tục nói về vẻ đẹp của vạn hữu. Họ học được từ Sáng thế kí, rằng vào ngày thứ sáu, Thiên Chúa thấy mọi thứ ngài tạo ra đều tốt đẹp (1,31), và từ Sách Khôn ngoan nói rằng vạn vật do Thiên Chúa tạo ra phù hợp theo số lượng, trọng lượng, và đo lường, nói cách khác, phù hợp theo tiêu chuẩn hoàn hảo về toán học.

Song song với truyền thống Kinh Thánh, triết học cổ điển cũng đóng góp vào sự tăng cường quan điểm thẩm mĩ này về vũ trụ. Vẻ đẹp của thế giới như là sự phản chiếu và là hình ảnh của vẻ đẹp lí tưởng vốn là một khái niệm có nguồn gốc từ Plato; và trong Chú giải tác phẩm Timaeus, Calcidius (giữa tk. 3 và 4 CN) đã nói về ‘thế giới lộng lẫy của những hữu thể… với vẻ đẹp vô song’.

Hildegard Bingen, Vũ trụ trong hình dạng quả trứng,

quả đất với bốn nguyên tố bao quanh; từ cuốn Scivias, Codex Rupertsberg, tk 12

Thời Trung cổ chịu ảnh hưởng bởi một tác phẩm mang dấu ấn Tân-Plato (Tk. 5 CN), Luận về Thần Danh (On the Divine Names) của Pseudo-Dionysus Areopagite. Ở đây, vũ trụ hiện ra như một nguồn chiếu sáng huy hoàng và vô tận để tạo nên một biểu hiện tráng lệ tràn ngập vạn vật với vẻ đẹp uyên nguyên, như một dòng thác chói lọi: ‘Vẻ đẹp của Bản thể-Siêu việt này được gọi là cái Đẹp bởi vẻ đẹp của nó được ban phát cho tất cả mọi hữu thể theo mỗi thước đo riêng, và bởi nó là nguyên nhân tạo nên sự hài hoà và huy hoàng của vạn vật. Vẻ đẹp này mang dạng ánh sáng, chiếu lên vạn vật, tuôn trào những tia sáng tự nhiên làm cho mọi thứ trở nên đẹp đẽ, và gợi lên trong tự thân vạn vật điều mà chúng ta gọi là cái Đẹp – và trong tự thân cái Đẹp chứa đựng vạn vật’ (Luận về Thần Danh, IV, 7, 135).

Tiếp theo Areopagite, John Scotus Eriugena (tk. 9) đã xây một quan niệm về vũ trụ như một sự mạc khải của Thượng Đế và về vẻ đẹp vô song của ngài thông qua những những vẻ đẹp lí tưởng và thân thể và ông đã bàn nhiều về vẻ đẹp của mọi tạo vật, về những thứ giống nhau và khác nhau, về sự hài hoà của các loài và những hình thức, và về những trật tự khác nhau của những nguyên nhân cơ bản và ngẫu nhiên được kết thành trong sự thống nhất kì diệu (Bốn bộ phận của tự nhiên, 3), Mọi tác giả trung cổ đã quay về chủ để này về sự duy mĩ (pancalia) hay cái đẹp trong toàn vũ trụ.

Đối với truyền thống mà cái Đẹp được đồng nhất với cái Tốt, khi nói rằng toàn bộ vũ trụ là đẹp cũng tương đương nói rằng nó tốt – và ngược lại. Làm thế nào để hoà giải sự thuyết phục mang tính duy mĩ này với sự thật hiển nhiên rằng cái Ác và sự dị dạng tồn tại trong cùng vũ trụ ấy?

Giải pháp này đã được dự đoán trước bởi Thánh Augustine, người đã biện minh về sự tồn tại của cái Ác trong một thế giới do Thượng Đế sáng tạo, vốn là một trong những chủ đề cơ bản của ông.  Trong sách Luận về trật tự (De ordine), Augustine lập luận rằng, đúng, dường như có sự thiếu hài hoà và là một sự ‘xúc phạm tới con mắt’ khi các bộ phận của một toà nhà bị sắp xếp sai lầm, nhưng ông vạch ra rằng cái sai lầm cũng là một phần của trật tự chung. Trong Tự bạch (Confessions, VII) ông nói với chúng ta rằng cái ác và cái xấu không tồn tại trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Sự hủ bại là một tổn thất, nhưng chúng ta muốn nói tới sự tổn thất khi cái tốt lành ban đầu bị giảm thiểu. Nếu cái bị hủ bại phải chịu sự hao tổn giá trị, vậy có nghĩa rằng đã có giá trị tích cực trước khi có sự hủ bại. Nếu sự mất mát giá trị là hoàn toàn, thì một sự vật sẽ không còn tồn tại. Do đó, cái ác và cái xấu không thể tồn tại trong tự thân chúng, bởi vì chúng là một ‘cái hư không tuyệt đối’. Trong bút chiến của ông phản bác thuyết Manichaen, nhan đề Luận về bản chất cái thiện – phản bác lại tín đồ Manichaen (De natura boni contra Manicheos, XVII) Augustine nói rằng ngay cả những gì người xưa gọi là hyle, ‘vật chất chưa có hình dạng hoàn toàn và thiếu phẩm chất’, cũng không phải là cái xấu. Ngay cả gỗ chưa được xử lí khi qua tay con người để có thể làm ra thứ gì đó. Nhưng nếu nó không thể đón nhận hình dạng đặt ra do người thợ thủ công, nhất định nó không thể được gọi là vật chất.

Những quái vật trên mái Nhà thờ Đức Bà, Paris,

Vì vậy, nếu một hình dạng là tốt, đó là lí do tại sao thứ gì có được một số đặc tính ưu việt về hình dạng đều được gọi là cân xứng, vậy chắc chắn rằng khả năng được tạo hình dạng cũng là một điều tốt ở mức độ nào đó. Nếu ngay cả vật chất không có hình dạng cũng đẹp, thì cũng đúng tương tự với những con thú mà một số người thấy là quái dị, như loài khỉ, bởi tỉ lệ giữa các chi của chúng đều chính xác. Luận điểm của Augustine xuất hiện trở lại trong triết học Kinh viện, trong đó chúng ta tìm thấy nhiều ví dụ khác nhau về sự biện minh cho cái Xấu trong khuôn khổ vẻ đẹp tổng thể của vũ trụ, ở đó ngay cả sự dị dạng và cái xấu cũng có giá trị tương đương với cái phần chiasoscuro, hay tỉ lệ giữa ánh sáng và bóng tối trong một bức tranh.

Nói cách khác, sự hiện diện của chúng bộc lộ sự hài hòa của tổng thể. Một số người nói rằng ngay cả những quái vật cũng đẹp bởi vì chúng là những hữu thể và như vậy chúng góp phần vào sự hài hoà của tổng thể, mặc dù tội lỗi nhất định phá huỷ trật tự của mọi thứ, nhưng trật tự này được thiết lập lại bằng hình phạt và do đó những kẻ bị đoạ trong địa ngục là ví dụ cho quy luật hài hoà. Những người khác cố gắng gán cái ấn tượng về sự xấu xí cho những khuyết điểm trong tri giác của chúng ta, mà khi nhìn thấy thứ gì đó xấu xí chẳng qua vì ánh sáng kém, vì nó quá gần hoặc quá xa, vì họ thấy nó từ một góc xiên, hoặc vì không khí có sương mù làm biến dạng đường nét của sự vật.

Cái đẹp do Thượng Đế phân phát

Pseuso-Dionysus Areopagite (tk. 5 CN)

Luận về thần danh (On the Divine Names), IV, 7

Vẻ Đẹp Siêu-bản-chất được gọi là cái Đẹp vì nó phân phối cái đẹp cho vạn vật phù hợp với tính chất của chúng. Nó là nguyên nhân của sự hài hoà và sự huy hoàng của vạn vật mà trong hình thức ánh sáng tráng lệ nhất, nó tuôn tưới nguồn sáng bản nguyên lên vạn vật. Nó là nguyên nhân của cái đẹp, và kêu gọi vạn vật hướng tới nó… chiêu tập và hấp thu chúng vào bản thân nó.

 

Hữu thể xấu đóng góp vào trật tự

Thánh Augustine (tk. 4-5 CN)

Luận về trật tự (On Order), IV, 12-13

Có kẻ nào đáng sợ hơn gã đao phủ? Có ai nghiệt ngã và tàn bạo hơn gã? Nhưng gã hoàn tất một vị trí cần thiết trong luật pháp và được đem vào trong trật tự của một nhà nước được quản trị tốt… Có điều gì được xem là bẩn thỉu hơn, thiếu phẩm giá và tà dâm hơn là những gái điếm, những ma cô, và những tệ hại khác thuộc loại này? Nhưng nếu đem những gái điếm ra khỏi xã hội thì mọi thứ sẽ đảo lộn do hệ quả dục tình bị rối loạn. Còn nếu đặt họ vào vị trí của những phụ nữ nhà lành, bạn sẽ chuốc lấy ô danh, mọi thứ tội lỗi và vô liêm sỉ…

Phải chăng nếu bạn chìn chằm chằm chỉ vào một số cơ quan nào đó của động vật, và rồi bạn không thể nhìn vào chúng, đúng vậy không? Tuy nhiên, vì chúng cần thiết nên trật tự của tự nhiên muốn chúng có ở đó, và vì chúng trông bất nhã, không cho phép thấy được dễ dàng. Còn những cơ quan dị dạng đó có chỗ riêng của chúng, dành những chỗ tốt hơn cho những cơ quan tốt hơn… Những nhà thơ đã sử dụng cái được gọi là lỗi ngữ pháp và ngôn ngữ man rợ; tuy nhiên họ ưa thay đổi danh xưng, gọi chúng là những hình tượng hay phép chuyển hoá thay vì xem chúng là những lỗi hiển nhiên. Nhưng nếu lấy chúng ra khỏi thơ, ôi chao, chúng ta sẽ mất đi sự ngọt ngào du dương nhất. Nếu tập hợp nhiều những thứ ấy vào trong một sáng tác, nó sẽ khiến ta bực mình bởi vì tất cả còn lại là sự nhạt nhẽo, khoa trương… Cái trật tự vốn kiểm soát và điều hoà những việc như vậy sẽ không bao dung vì có quá nhiều hoặc quá ít. Một bài thuyết ngôn khiêm tốn và hầu như không ai chú ý có thể làm làm nổi bật bằng những cách diễn đạt và những động tác thanh lịch xen kẽ với nhau.

Les Heures du Croy (Sách giờ kinh phụng vụ của Croy), tk 16, Vienna,

Osterreichische Nationalbibliothek

Cái ác và cái xấu không tồn tại trong kế hoạch thiêng liêng

Thánh Augustine (tk. 4-5 CN)

Tự bạch (The confessions), VII

Vả lại, đối với Ngài không có điều gì là xấu: vâng, không chỉ với Ngài, mà cũng còn với tạo vật của ngài như một tổng thể, bởi không có gì từ bên ngoài có thể xâm phạm vào, và làm bại hoại được cái trật tự mà Ngài đã thiết lập. Nhưng trong một số bộ phận và một số thứ do thiếu hoà hợp với những bộ phận khác cho nên bị coi là xấu. Nhưng nếu chúng hoà hợp với những bộ phận khác thì được coi là tốt, và trong tự thân chúng đều tốt.

Và tất cả những thứ không hài hoà với nhau, thế nhưng lại hài hoà với phẩn thấp kém mà chúng ta gọi là trái đất, nó cũng có bầu trời đầy gió đầy mây hài hoà với nó. Vậy thì thật khác xa với khi nói rằng: ‘Những thứ này không nên tồn tại’: vì nếu tôi không nhìn thấy gì khác ngoài những thứ này, trong khi tôi vẫn khao khát những thứ tốt đẹp hơn; tuy nhiên vời ngay cả những thứ này cũng đã phải tán tụng Ngài; vì Ngài đáng tán tụng, cho thấy từ  mặt đất, biển và các loài kình ngư, thuỷ tộc, lửa, mưa đá, tuyết băng, gió bão đều làm tròn mệnh lệnh của Ngài…”

 

Vẻ đẹp của vũ trụ

Thánh Augustine (tk. 4-5 CN)

Bàn về bản chất cái Tốt, 3, 14 , 15, 16, 17

Mọi thứ càng phù hợp với thước đo, hình dạng và trật tự bao nhiêu thì chắc chắn càng nên tốt; mặt khác, chúng càng thiếu phù hợp với thước đo, hình dạng và trật tự thì càng kém tốt. Vì vậy chúng ta hãy xem xét dựa trên ba khía cạnh: thước đo, hình dạng, và trật tự, chưa kể vô số những khía cạnh khác có thể quy về ba khía cạnh kia; Chính ba phương diện này – thước đo, hình dạng và trật tự – giống như cái tốt phổ quát trong thực tại do Thượng Đế tạo ra, vừa về tinh thần lẫn thể xác… Tuy nhiên, trong số những thứ tốt này, có cái thật nhỏ so với cái cái thật lớn, được gọi bằng những đối nghịch: chẳng hạn, hình thể con người thì có vẻ đẹp lớn hơn khi so với vẻ đẹp hình thể của con khỉ được gọi là dị hình. Theo cách này, những kẻ không thận trọng sẽ dễ bị lừa, nếu cho thế đó là tốt và thế này là xấu; họ không nhận ra rằng thân thể của con khỉ đều đúng với thước đo của nó, tứ chi của nó đều hài hoà đối xứng, các bộ vị tương liên, tính bảo vệ an toàn, cùng những phương diện khác nếu kể ra thì rất dài. Ngay cả con khỉ cũng có vẻ đẹp thiên phú, mặc dù ở mức độ ít hơn… Cũng giống như vậy, chúng ta nói về sánh sáng và bóng tối như là hai thứ đối lập: tuy nhiên ngay cả trong cái cái tối tăm cũng có chút ánh sáng; còn nếu nó không có ánh sáng nào, vậy thì có cái bóng tối vì sự thiếu vắng ánh sáng, hệt như sự yên lặng là thiếu vắng âm thanh… Tuy nhiên ngay cả loại hiện tượng này khi đó cũng sẽ lại đi vào trong cái trật tự chung của tự nhiên, và có một vị trí thích hợp trong sự chiêm nghiệm của người trí tuệ. Thực sự, Thượng Đế không chiếu sáng những một số nơi và những thời điểm nhất định, cho nên đã tạo nên bóng tối và khiến nó cũng thuận tiện như ban ngày. Thật vậy, trong cuộc đàm luận, chúng ta có những khi phải ghìm tiếng, như dấu chấm câu, bằng một hồi im lặng thích hợp, huống chi với Thượng Đế, như một nhà sáng chế hoàn hảo của vạn vật đã tạo ra những chỗ khiếm khuyết thích hợp với một số sự vật như thế nào? Vì vậy, không có bản tính nào là xấu, miễn là nó tự nhiên…

Đẹp và Xấu

Alexander Hales (tk. 3 CN),

Tổng luận thần học (Summa Teologica), II

Giống như một gam màu tối được đặt chúng chỗ thích hợp trong một bức tranh, cũng như vậy mặc dù có những kẻ tội lỗi nhưng toàn thể thế giới đều đẹp đẽ.

 

Vincent Beauvais (tk. 12-13)

Cái gương lớn (Speculum Majus), 27

Sự dị dạng của cái xấu không làm giảm vẻ đẹp của vũ trụ.

 

Robert Grosstest (tk. 12-13)

Về sự khác biệt (De Division)

Nếu sắc đẹp và sức khoẻ vốn được coi là tốt, là một tỉ lệ của cân đối của các bộ phận và chi thể với vẻ đẹp của màu sắc… thì ở một cơ thể xấu xí và ốm yếu tỉ lệ này không hoàn toàn biến mất mà chỉ biến đổi, vì vậy xấu xí và bệnh tật có thể gọi là kém tốt thay vì là sự xấu xa thực sự.

2. Sự khổ nạn của Chúa Kitô

Đóng đinh Chúa trên thập tự, kh. 420-30, London, British Museum

Matthias Grünewald, Chúa bị đóng đinh, chi tiết trang thờ Eisenheim, 1515, Colmar, Bảo tàng Unterlinden

Khi nghệ thuật phải thể hiện sự Thương khó của Chúa Kitô, chúng ta nhận ra những gì Hegel đã chỉ ra trong cuốn Mĩ học, ‘người ta không thể dùng các hình thức vẻ đẹp của người Hi Lạp để miêu tả Chúa Kitô mình đầy thương tích, đội mão gai, và chết trên thập tự.’ Tuy nhiên, sự chấp nhận vẻ ‘xấu xí’ này không đến ngay tức thời. Đúng là có một trang trong sách tiên tri Isaiah, trong đó đấng Messiah được miêu tả bị biến dạng vì đau đớn, và sự đề cập này đã được một số Giáo phụ trong Giáo hội lưu ý, nhưng sau đó Augustine đã hấp thu chứng cứ này vào thị kiến toàn mĩ (pancalistic) của ông, nói rằng Chúa Jesus nhất định đã mang vẻ biến dạng khi ngài bị treo trên thập giá, nhưng qua vẻ biến dạng bề ngoài đó ngài cho thấy vẻ đẹp nội tại từ sự hi sinh của ngài và vinh quang mà ngài đã hứa với chúng ta.

Nghệ thuật Kitô giáo sơ khai đã tự hạn chế với hình ảnh khá lí tưởng về ‘Người chăn chiên tốt lành’. Hình ảnh đóng đinh trên thập giá không được coi là một chủ đề tiếu tượng thích hợp và nó được gợi ý nhiều nhất là qua biểu tượng trừu tượng của hình thập tự. Một số người cho rằng sự miễn cưỡng miêu tả cuộc khổ hình của Chúa Kitô là do những tranh cãi thần học và trong cuộc chiến chống những người dị giáo muốn khẳng định nhân tính của ngài và phủ nhận thần tính của ngài.

Giotto, Hạ xác Chúa, 1304-06, Nhà nguyện Scrovegni ở Padua

Chỉ tới cuối thời Trung Cổ thì người đàn ông trên thập giá bắt đầu được xem như là một con người thật, bị đánh đập, chảy máu, bị biến dạng vì đau đớn, trong khi việc mô tả sự đóng đinh và các giai đoạn khác nhau trong sự Thương khó trở nên mang tính hiện thực đầy kịch tính như để ca ngợi nhân tính của Chúa Kitô qua những đau khổ của ngài. Trong bích hoạ Tang lễ Chúa Kitô do Giotto vẽ cho Nhà nguyện Scrovegni ở Padua, mọi nhân vật (gồm cả thiên thần) đều đang than khóc, ngụ ý tín đồ đồng cảm và muốn đồng nhất với con người này. Theo cách này, hình ảnh về một Chúa Kitô đang chịu khổ nạn được truyền xuống nền văn hoá Phục Hưng và Baroque dần dần càng tăng thêm ý vị sắc tình của sự đau khổ, nhấn mạnh lên gương mặt và thân thể thần tính khắc khoải vì đau đớn đã trở nên một vở kịch gần như là sự tự mãn và mơ hồ, và không chảy máu lênh láng nhiều như trong trường hợp Chúa Kitô trong phiên bản điện ảnh về sự Thương khó của Mel Gibson.

Hans Memling, Chúa bị trói vào cột, 1485-90, Barcelona, Bộ sưu tập Mateu

Tranh của một bậc thầy Flemish, Chôn cất Chúa (Nỗi sầu bi thứ bảy của Đức Mẹ Maria), kh. 1488-90, Madrid Prado Museum

Mel Gibson (đạo diễn), Sự Thương khó của Chúa Kitô, 2003

Nhưng Hegel cũng đã quan sát rằng với Kitô giáo, cái xấu xí xuất hiện trong hình thức luận chiến qua việc miêu tả những kẻ bách hại Chúa Kitô.

Ông đang đề cập tới những hoạ sĩ miền Bắc nước Đức (có thể thêm trường phái Flemish) nhưng lưu ý ngay cả một hoạ sĩ tao nhã như Fra Angelico cũng cho chúng ta thấy không chỉ vẻ ngoài thô thiển của kẻ bắt bớ, mà y còn nhổ vào mặt Chúa Jesus. Tất cả những hình ảnh này không loại trừ vô số hình ảnh được lí tưởng hoá và cam chịu của Chúa Kitô, trong các thánh tượng phổ biến đều cho thấy ngài cao ráo, đẹp trai, thanh tú, và hầu như thường có nét mặt đa cảm. Tuy nhiên, việc du nhập sự xấu xí và đau khổ vào trong việc ca ngợi thần thánh đã khuyến khích những loại hình xấu xí khác, đã được đẩy tới những cực điểm cho mục đích luân lí và sùng mộ: từ những hình ảnh về sự chết, địa ngục, ma quỷ, và tội lỗi, cho tới những thể hiện sự đau khổ của các vị tuẫn đạo.

Hoạ sư Theodoric, Imago pietatis (Chúa Thương xót), 1360, Lâu đài Karl Stejn

Loan báo về đấng Messiah

Sách Isaiah, 53: 2-7

Trước nhan Ngài, người đã mọc lên như một chồi cây, như rễ ra từ đất khô: người chẳng có hình dung, chẳng có vẻ đẹp đẽ; khi chúng ta thấy người, không có gì đẹp cho chúng ta ưa thích được.

Ngài bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì.

Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.

Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng. (Theo bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt 1925)

Aelbrecht Bouts, Chúa chịu đau khổ, 1490, Cambridge Massachusetts, Fogg Art Museum

Sự biến dạng của Chúa Kitô

Thánh Augustine (tk. 4-5 CN)

‘Bài giảng 27’ 6

Để duy trì đức tin của chúng ta, Chúa Kitô đã tự mình biến dạng, dù ngài vẫn đẹp vĩnh cửu… Và khi chúng ta nhìn thấy ngài, ngài chẳng có vẻ đẹp cũng chẳng hấp dẫn, khuôn mặt ngài trông gớm guốc và tư thế cũng biến dạng. Đây là sức mạnh của ngài: Ngài bị sỉ vả và tư thế biến dạng; một người mang vết thương khắp thân thể, và đã trải qua mọi sự yếu đuối. Sự xấu dạng của ngài để cho hình dạng chúng ta nên đẹp. Thật vậy, nếu ngài đã không muốn biến dạng thì chúng ta sẽ không bao giờ lấy lại được hình dạng thiêng liêng mà chúng ta đã đánh mất. Vì vậy, ngài đã biến dạng khi treo trên thập giá, nhưng sự biến dạng của ngài đã tạo nên vẻ đẹp cho chúng ta. Vì thế, trong đời này chúng ta hãy bám vào Chúa Kitô biến dạng. Vậy ‘Chúa Kitô biến dạng’ có nghĩa là gì? Vinh quang của ta có được không gì khác ngoài thập giá của Chúa Kitô chúng ta, nhờ ngài mà thế gian chịu đóng đinh vì tôi, cũng như tôi chịu đóng đinh vì thế gian… Đây là sự biến dạng của Chúa Kitô… Chúng ta mang dấu hiệu về sự biến dạng của ngài trên trán. Chúng ta không xấu hổ vì sự biến dạng của Chúa Kitô! Khi chúng ta đi theo con đường này, chúng ta sẽ thấy được ánh sáng; và khi chúng ta nhìn thấy ánh sáng, chúng ta sẽ thấy ngài đang ngồi ngang hàng với Chúa Cha.

Hans Holbein, Chúa bị nhạo báng, 1495, Stuttgart, Staatsgalerie

Sự tái hiện nỗi thống khổ

Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831)

Mĩ học: những bài giảng về mĩ thuật, II, 1

 

Bước ngoặt thực sự trong cuộc đời này của Chúa là kết thúc sự tồn tại cá nhân với tư cách là con người này, câu chuyện về sự Thương khó, đau khổ trên thập giá, trên đồi Golgotha của Tinh thần, và sự thống khổ cho tới chết. Lĩnh vực biểu hiện này tách biệt hoàn toàn với lí tưởng tạo hình cổ điển, bởi tự thân chủ đề này ngụ ý rằng vẻ bên ngoài của cơ thể, sự tồn tại trực tiếp như một cá nhân, được biểu lộ trong nỗi đau bằng sự phủ định của ngài như là sự tiêu cực, và chính vì nhờ sự hi sinh cá nhân chủ quan cùng phạm vi giác quan đó để Tinh thần đạt đến chân lí và Thiên đường của nó…

Chúa Kitô bị thương tích, đội mão gai, vác thập giá tới nơi hành hình, chịu đóng đinh vào thập giá, và qua đời trong đau đớn vì sự tra tấn và bằng cái chết chậm – điều này không thể mô tả bằng vẻ đẹp Hi Lạp được…

[Tranh sao lại từ] Hieronymus Bosch, Quân dữ bắt Chúa, 1500, San Diego, Museum of Art

Bọn quân dữ và Chúa Kitô

Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831)

Mĩ học: những bài giảng về mĩ thuật, II, 1

Thế nhưng bọn quân dữ được trình bày với chúng ta như là sự xấu xa bên trong bởi vì chúng tự đặt mình về phía đối lập với Chúa, kết án ngài, nhạo báng ngài, tra tấn ngài, đóng đinh ngài, và ý niệm về cái ác bên trong và sự thù địch với Chúa được thể hiện ra bên ngoài bằng vẻ xấu xí, thô bỉ, man rợ, giận dữ, và ngoại hình méo mó. Trong tất cả mối liên hệ này, ở đây cái không đẹp đã trở thành một đặc điểm cần thiết khi so sánh với vẻ đẹp của nghệ thuật Hi Lạp… Trong lĩnh vực này các bậc thầy miền bắc nước Đức đặc biệt với năng lực tuyệt vời khi làm trội bật sự thô lỗ của đám quân lính vô kỉ luật, sự dã man vì thù ghét Chúa Kitô trong cuộc Thương khó và cái Chết của ngài.

Beato Angelico, Chúa bị sỉ nhục, 1440, Florence, Tu viện Thánh Mark

______________

Nguyên văn: Umberto Eco, Storia della Bruttezza (Lịch sử cái xấu), Bompiani 2007

Bản tiếng Anh: Umberto Eco, On Ugliness, do Alastair McEwen dịch, Harvill Secker, London 2007

Comments are closed.