Lý Đợi
Khi được hỏi như vậy, họa sĩ Ngô Đăng Hiệp trả lời: Cả 30 năm qua chăm chỉ làm thầy giáo dạy mỹ thuật, lại vẽ rất chậm, vài tháng đến nửa năm mới xong một bức, nên ít khi có đủ tranh để làm một triển lãm riêng.
Câu trả lời này hé lộ cho ta thấy hai khía cạnh:
1) Dù chọn được kiểu vẽ này từ trẻ, nhưng vì Ngô Đăng Hiệp vẽ quá kĩ và có lẽ cũng đã bán lai rai, nên không còn đủ tranh để làm cá nhân. Nói có lẽ, là vì tôi mới biết họa sĩ Ngô Đăng Hiệp gần đây, chưa nắm được kĩ “hành tung giang hồ”;
2) Thuộc kiểu họa sĩ kĩ tính, trường quy, nên Ngô Đăng Hiệp quá cẩn trọng trong các bước đi của mình.
Chính vì hai khía cạnh trên, mà triển lãm “Gặp gỡ mùa Thu” đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, dù Ngô Đăng Hiệp làm chung với 4 học trò cũ là Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Hà Văn Chúc, Đoàn Tuyên và Trần Trọng Đạt, cũng là dịp để thưởng lãm “một cá nhân nhỏ”, vì anh bày gần 30 tác phẩm.
Về tranh Ngô Đăng Hiệp, họa sĩ Hà Phước Duy nhận xét: “Đó không phải là thế giới thật như những gì chúng ta thường nhìn thấy, mà là một xứ sở thần tiên của các câu chuyện cổ tích về biết bao hồi ức tươi đẹp từ đáy lòng thầy”.
Về cảm xúc, tranh Ngô Đăng Hiệp rất tinh tế khi đi chính giữa sự thật thà và sự sến súa, mà nghiêng bên nào cũng sẽ vụng về, rẻ tiền. Bảng màu cũng vậy, đó là sự phối hợp tài tình giữa bung xõa và tiết chế.
Miền Trung sau 1975 có một khí quyển đời sống quái lạ, Nam không ra Nam, mà Bắc không ra Bắc, nếu Ngô Đăng Hiệp bê nguyên cái hiện thực này vào trong các tác phẩm, cũng khá ổn. Nhưng không, tranh của Ngô Đăng Hiệp mang không khí của hậu ấn tượng, gợi nhớ về Henri Rousseau (1844-1910), điển hình cho phong cách ngây thơ và nguyên thủy.
Có thể nói Ngô Đăng Hiệp là một trong số ít nghệ sĩ theo đuổi thành công phong cách ngây thơ (naïve art) của miền Trung Việt Nam.
Ngô Đăng Hiệp sinh ra tại Đà Nẵng, sống và làm việc tại Nha Trang, vừa bước vào tuổi hưu, mà còn nhiều sức khỏe, nên hoàn toàn có thể trông chờ một triển lãm cá nhân trong thời gian tới.
<