Thơ Trần Duy Trung – sự tìm về bản thế tâm linh & đánh thức mơ mộng, tưởng tượng (Đọc tập thơ “Sự tĩnh lặng của nước” của Trần Duy Trung)

Trần Hoàng Phố

Image result for “Sự tĩnh lặng của nước” Trần Duy Trung

1- HÀNH TRÌNH THI CA ĐI VÀO NỘI GIỚI THẲM SÂU VÀ SỰ TÌM VỀ THẾ GIỚI NHỮNG CỔ MẪU NƯỚC, LỬA, KHÔNG KHÍ

Tập thơ Sự tĩnh lặng của nước của Trần Duy Trung làm cho người đọc thơ như tôi ngạc nhiên, tò mò với một cảm giác lạ lùng.

Đọc những bài thơ của thi sĩ ta như đi vào một cuộc phiêu lãng của chữ, của một thứ ngôn từ tinh khôi, mới mẻ với các thi ảnh bất ngờ làm tâm hồn ta xao xuyến. Một thế giới thơ mà cái tôi trữ tình của thi sĩ nhập thân vào ra vũ trụ tự nhiên một cách khinh khoái nhẹ nhàng như một đám mây bay.

Và bên dưới đó một tâm hồn đầy mơ mộng xuất phát từ một mảnh vỡ của thiên hà hoàng tử bé đến với trần gian trong một nỗi hoài nhớ về một thế giới siêu tâm thức bản nguyên. Như nhà thơ Dư Thị Hoàn từng nhận xét “Lâu lắm rồi mới nhặt được một mảnh vỡ của siêu tâm thức trong thơ” (bìa bốn tập thơ Sự tĩnh lặng của nước).

Thử đọc chầm chậm bài thơ thứ hai của tập thơ, có tên là “Trong sự tĩnh lặng của nước”, được lấy 5 chữ sau làm nhan đề của chính tập thơ:

Trở về ngôi nhà của im lặng

một cánh cửa mở vào lòng biển cả

như viên sỏi

tôi nhẹ nhàng chìm xuống

trong giấc ngủ mùa đông

sự dịu dàng của nước

vỗ về tôi

trong sự tĩnh lặng của tâm hồn

một cánh cửa khác mở ra

và tôi của vạn vật

những xáo động không ngừng

và tôi thấy

một cánh cửa khác

rồi một cánh cửa khác nữa

mở ra…

tôi nghĩ về nước

tôi nghĩ về sự trong suốt

và tôi biết

tôi là nước

bầu trời trong mắt tôi

những đám mây và cánh chim tự do

và tôi thấy tôi

trong sự tĩnh lặng

của nước

Nước là một “cổ mẫu” (archetype) bản nguyên của thế giới theo G. Bachelard.

Tìm về với thế giới bản nguyên này, thi sĩ mời gọi ta tìm về với chính ngôi nhà hằng cửu của sự dịu dàng, của sự trong suốt tâm hồn, và chính nơi sự tĩnh lặng tuyệt đối đó, ta có thể tìm thấy được sự phản chiếu những vẻ đẹp mong manh của vũ trụ vạn vật trong chính nội giới của chính ta. Ở đó, tôi là nước, tôi cũng chính là những đám mây bay và cánh chim tự do

Thơ của Trần Duy Trung là tiếng thơ chiêm nghiệm tâm linh. Nó là thứ tìm về bản thể của chính linh hồn ta.

Khi thế giới trần gian đầy xáo động ồn ào và ở trong thế giới đó, con người đang tự đánh mất bản thân mình, bị vong thân và bị tha hoá.

Nói như R. M. Rilke trong Thư gởi người thi sĩ trẻ: “Hãy đi sâu vào tận bản thể tâm linh của mình, tiếng thơ mang bản sắc của mình bật ra từ đấy, từ hành trình vào nội giới, cô đơn, tĩnh lặng và sâu thẳm!”

2- NHỮNG KHOẢNG TRẮNG LẶNG THI CA IM CHỜ ĐỢI NHỮNG CHÂN TRỜI BẠN ĐỌC

Tập thơ này gồm 38 bài, 64 trang, tuy nhiên điều lạ lùng là bài thơ cuối cùng có tên Mật ngữ dài đến 12 trang, nhưng 11 trang để trắng, như một sự gợi mở đánh thức và chờ đợi sự tưởng tượng của người đọc từ thế giới ngôn từ của nhà thơ.

Trong lời đề từ mở đầu tập thơ này, thi sĩ viết

hãy đọc tôi bằng sự im lặng của bạn

sự trống rỗng của nó

Hay, bài thơ Mật Ngữ, viết:

đây là khoảng trống của bạn

tôi đã dành nó cho cuộc gặp gỡ này

trên những trang giấy

bạn là mật ngữ của tôi

ở đó chúng ta là những trôi dạt

những vắng mặt của nhau

3- SỰ HIỆN HỮU CỦA PHẬN NGƯỜI CÓ-KHÔNG, RỖNG-ĐẦY TRONG CÕI VÔ BIÊN

Trong vũ trụ thơ của Trần Duy Trung, chúng ta như trôi đi trong một thế giới phi thực, trôi trong khoảng mênh mông của các thiên hà, thực và phi thực, hiện diện và vắng mặt, đầy và rỗng của tâm hồn, là những cảm giác bất định chông chênh:

“…

chúng. ta. là. một. sự. hiện. diện. vắng. mặt

sự tĩnh lặng đưa chúng ta đi thật xa

bên trong các thiên hà

sự mong manh

đôi khi làm ta vỡ

chúng ta ở đây

và chúng ta không ở đây

sự trong suốt có thể làm ta biến mất

trong một hình thù không giới hạn

và im lặng

đôi khi làm ta rơi vào bên trong

chúng ta ở đây

và chúng ta không ở đây

chúng ta là một sự hiện diện được lấp đầy

rỗng và yên lặng

(Một sự hiện diện vắng mặt)

Trong cõi vô biên, sự hiện hữu của một đời người là hết sức ngắn ngủi, chỉ một thoáng chốc, có đó, rồi biến mất đó. Sự trầm tư về cõi có-không đó, cõi phận người đầy xao xuyến đó, cũng là một nét đặc sắc trong thơ Trung. Trong thơ Trung, cõi nội giới cũng là ngoại giới, sự xuyên thấm qua lại trên đường ranh thật mong manh.

4- NƯỚC, LỬA VÀ SỰ BIỆN CHỨNG CHUYỂN SINH

Thơ Trung, còn biểu hiện một cổ mẫu hằng cửu khác là lửa, lửa gắn với sự chuyển sinh, chuyển hoá từ trạng thái này sang trạng thái khác, có khi theo kiểu đối nghịch thăng hoa, có khi mang nghĩa từ kiếp này sang kiếp khác, có khi là chuyển hóa ra vào giữa tâm linh và vũ trụ, giữa sự ràng buộc được rời bỏ và tự do, chẳng hạn trong bài Chuyển sinh [2]:

một cuối cùng nào trong tiếng reo của lửa

sự cô đơn chuyển hoá

những nỗi đau chuyển hoá

thân thể

như xác một con tàu

chìm dần…

trong hình hài ngọn lửa

trong sự chuyển hoá không ngừng

tâm linh và vũ trụ

rời bỏ và tự do

trong bao la và gió

tôi thấy tôi bay như một vì sao nhỏ

một vì sao

sáng tựa linh hồn

Ở đó có sự gắn kết giữa lửa và nước trong khổ thơ đầu” thân thể như xác con tàu đang chìm dần”. Ở đó có sự đối lập chuyển hoá giữa thân xác và tâm linh, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa nước và lửa, sự chuyển sinh còn gắn với một không gian khác, không gian bao la của không trung và sự chuyển động của không khí là gió:

tôi thấy tôi bay như một vì sao nhỏ

Điều lạ lùng là sự so sánh ngược:

một vì sao

sáng tựa linh hồn

5- TÌNH YÊU VÀ SỰ THỨC TỈNH CÁI ĐẸP

Những bài thơ tình yêu pha một chút nhục cảm, Trần Duy Trung có một cách viết mới, với một thiên nhiên diệu kỳ, rạng rỡ nhưng trong sự tĩnh lặng sâu xa, như bài Địa đàng mở đầu tập thơ Sự tĩnh lặng của nước:

ngôi sao cuối cùng rơi vào im lặng

bầu trời mở ra dưới làn tuyết trắng

tôi nghe tiếng thì thầm vọng lên từ khu rừng lạ

dậy hương và ánh sáng

tôi nghe thấy tiếng thở từ đầu những ngón tay

trên. hàng. khuy. áo. của. nàng

và mặt trời gáy vang

nơi đỉnh núi mím màu son đỏ

Sự lạ hoá ngôn từ “nghe thấy tiếng thở từ đầu ngón tay” và đặc biệt hai câu cuối

mặt trời lại gáy vang

nơi đỉnh núi mím màu son đỏ

có một sự liên tưởng khác thường mang hương vị kỳ thú.

Hay với sự tưởng tượng thi vị lạ lùng:

Nàng dịu dàng như buổi sáng

thiêm thiếp trên những đám mây ủ mưa xuân

những đám mây như bông hoa nhiều cánh

nở trên ngực ngày da xanh

tôi thấy thân thể nàng tan ra từng tia nắng mỏng

xuống ủ hương ngày rất tôi

(Bài hát buổi sáng)

Hoặc:

Khi mặt trời đánh rơi những chiếc bóng trên ngọn đồi

và con đường dẫn về màu xanh giấc ngủ

trong đôi mắt em xáo động

những giọt mùa tan nhanh như sóng nước

và bài ca buổi sáng như một đôi cánh vút

lao vào vẻ đẹp của tháng Giêng

(Bài ca buổi sáng)

6- CHỦ ĐIỂM GIẢN DỊ ĐỜI THƯỜNG

Chủ điểm rất giản dị đời thường “Con bị ốm”, lại được thể hiện trong một thế giới thi ảnh lạ và cảm động:

Tiếng ho của đứa trẻ

xô lệch cả căn nhà tĩnh mịch

tôi ngỡ ai đó vừa đập mạnh cửa kính

làm rơi vỡ những mảnh thủy tinh

chúng làm đêm rung lên

như chiếc bong bóng vỡ

làm cả không gian như ngừng thở

chúng chạm vào tôi

như cơn gió thối tắt ngọn đèn dầu

làm tim tôi thắt lại

tôi mở cửa và cố thở

tôi thấy bầu trời như những mảnh thủy tinh vỡ

ở đó lấp lánh những ước mơ

đang nhòe đi lặng lẽ

(Bầu trời những đêm con ốm)

Chỉ là tiếng ho của con trẻ thôi mà gợi được sự tưởng tượng đêm mà như rung lên, như chiếc bóng bóng vỡ và bầu trời mà như những mảnh thủy tinh vỡ… và cảm giác người cha, tim như thắt lại, tôi mở cửa và cố thở…

7- CÂU THƠ LẠ, NHỮNG THI ẢNH ĐỘC ĐÁO

Thơ Trần Duy Trung có những câu thật lạ, nó như đảo ngược vị trí thông thường:

Buổi chiều

như cuốn sách cổ người phương đông

đọc tôi vào im lặng

(Mưa [1])

hoặc những thi ảnh kỳ thú mà u hoài như một bức tranh siêu thực:

những con chim làm tổ trong giấc ngủ của tôi

những cái cây mọc rễ trong giấc mơ của tôi

bông hoa nở từ hơi thở của tôi

tôi thấy dáng ai đi về bên kia sông vắng

hai mắt buồn như giếng cạn

xác một ngôi sao

(Ký ức tôi khu vườn gió thổi)

Cái chết cũng là một ám ảnh trong thế giới thơ của Sự tĩnh lặng của nước, tuy nhiên nó được gắn trong sự di chuyển đi về, trong tính biện chứng thời gian giữa hiện tại và triệu năm trước với một sinh nhật thấm đẫm chiêm nghiệm triết lý:

ở chỗ tôi ngồi triệu năm trước

bầy đom đóm đêm thắp đèn dạ tiệc

sinh nhật cái chết tôi

hoặc như một sự thăng hoa lạ lùng:

chúng ta nuôi dưỡng những câu thơ

bằng tiếng hót của cái chết rực rỡ

Đôi khi Trần Duy Trung viết những câu thơ thật đẹp về cuộc đời, tình yêu và đặc biệt là cái chết trong những đoạn thơ mượn lời người cha nói với con:

trên đường đi chiều nay cha bắt gặp

một ngôi nhà bỏ hoang bên vách đá

ngôi nhà đầy cỏ dại và hoa

rồi cuộc đời cha sẽ đi qua

cha sẽ thành tro bụi

cha sẽ nằm bên vách núi

trong ngôi nhà

đầy cỏ dại và hoa

vì cuộc đời là có thật

vì cái chết là có thật

cái chết

đang rung chuông ngoài cửa

chúng ta

những. bông. hoa. mùa

trần gian

nở

tàn

cha và con

và chúng ta chỉ là khoảnh khắc

vì cuộc đời là có thật

vì tình yêu là có thật

8-NHỮNG BÀI THƠ MANG TÍNH THỜI SỰ VỚI CÁCH DIỄN TẢ ĐỘC ĐÁO

Những bài thơ mang hơi hướng thời sự xã hội như Bầu trời tắt lửa hay tháng Sáu đen của tôi, Tây Tạng, qua lối viết của Trần Duy Trung cũng có hương vị và phong thái riêng:

Dưới bầu trời tắt lửa

tôi vẽ những con chim bốc cháy

tiếng thét từ đám mây

chuông nhà thờ rung lên trong gió

tôi vẽ những con mắt đỏ

tôi vẽ những ngọn lửa

những đoàn người nối theo nhau

họ vừa đi vừa cháy

trong khoảng tối im lặng này

mùi máu tươi đang chảy…”

(Bầu trời tắt lửa hay tháng Sáu đen của tôi)

Những từ lặp ba lần như “tôi vẽ”, “lửa”, “cháy” và “máu” cho ta có thể hình dung một bức tranh những người chạy loạn chiến tranh hay một cuộc biểu tình nào đó bị đàn áp…

Bài Tây Tạng cũng có lối viết đặc biệt gắn với đất nước đớn đau và bị nô thuộc này với cấu trúc những khổ hai câu và có sự nối kết bằng liên từ “và” như sự mở rộng không gian và sự việc trong bài thơ:

Tên bài thơ như tên một đất nước

tôi ôm lên ngực và khóc

tsampa và áo nâu đỏ

Om Mani Padme Hum và tự do

Nirvana và những linh hồn nhỏ

tu viện và đồng cỏ

vòng kinh luân rung lên trong gió

Himalaya và những bông tuyết đỏ

nước mắt xanh tượng cổ

lửa và tàn tro…”

Bài thơ Siêu thực có một ý vị lạ lùng, nó dựa trên một liên văn bản (intertexte) là một bức tranh của Marc Chagall về những người bay đầy lãng mạn và lại rất siêu thực, nhưng ngược lại ta thấy ở đây một hàm ý oái oăm khác, những người bị cướp đất. Đất đai, mái nhà, ruộng vườn của họ bị bay đi trong gió của các lệnh thu hồi đất:

những ngôi mộ, những ngôi nhà bay

những khu vườn bay

người đàn ông bay, người đàn bà bay

những đứa trẻ bay

nhưng không phải trong tranh của chàng Marc Chagall

họ bay trong tưởng tượng

của những kẻ

vừa cướp đi

và luôn nghĩ chúng ta có thể sống

mà không cân

một nơi nào trên mặt đất

(Siêu thực)

9-

TẠM KẾT:

1) Dẫu mới xuất hiện trên văn đàn không lâu và chỉ mới in một tập thơ, nhưng nhà thơ Trần Duy Trung đã tìm được bản sắc, phong thái riêng của mình.

2) Tiếng thơ của anh đào sâu vào hành trình nội giới thẳm sâu và tĩnh lặng, ở đó thi sĩ chiêm nghiệm những triết lý hằng cửu của con người và vũ trụ qua những cổ mẫu nước, lửa, không khí…

3) Sự nhập thân và đồng nhất với thế giới thiên nhiên qua những cảm giác nghe, thấy nhìn… của cái tôi trữ tình tạo nên một lối viết mới và các thi ảnh lạ có sức gợi mở lớn nơi chân trời chờ đợi của độc giả.

4) Vũ trụ thơ của thi sĩ Trần Duy Trung đánh thức sự mơ mộng, tạo nên những dư ba trong trí tưởng tượng, gợi lên cái đẹp trong lòng một thế giới vốn đầy lý tính, thực dụng và khô cằn.

5) Đây là nhà thơ còn đầy triển vọng, tạo được lối đi riêng và tôi tin Trần Duy Trung sẽ còn mở ra những chân trời sáng tạo mới.

6) Viết về một nhà thơ và một tập thơ mới với sự kích thích của một hệ ngôn từ và thi ảnh mới, riêng, đậm chất trữ tình nội tâm và chất triết lý, theo tôi vốn rất khó nắm bắt toàn vẹn thế giới thơ ca.

Bài viết này có thể mới chỉ chạm được một vài khía cạnh của thế giới thi ca đầy sáng tạo và độc đáo của thi sĩ này và có thể tập thơ của Trần Duy Trung đang chờ đợi thêm những cách tiếp nhận khác lạ, hay và thú vị hơn.

(Những ngày cuối tháng mười hai năm 2019)

Comments are closed.