Tiếng Việt từ TK 17: một số từ Hán Việt thời LM de Rhodes (phần 37)

Nguyễn Cung Thông[1]

Loạt bài "Tiếng Việt từ TK 17" đã đề cập đến một số cách dùng Hán Việt đặc biệt như sinh thì (~qua đời, chết), Kinh Tại Thiên, Kinh Tin Kính, Kinh Thiên Chúa, lịch sự, thượng hoà hạ mục, thượng phụ, trung phụ, hạ phụ, thượng đế, thiên chủ/chúa[2], v.v. Phần 37 này bàn thêm về cách dùng một số từ Hán Việt thời LM de Rhodes đến truyền đạo: sự (~thờ) 事, thửa (~ sở) 所, kì , giao cảm 感, tinh thần 星晨, đang/đương thì 時, củ thủ 手, thiểu ngữ . Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chánh Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức). Các bản Nôm của LM Maiorica là ĐCGS (Đức Chúa Giê Su), KNLMPS (Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh), CTTr (bộ Các Thánh Truyện), MACC (Mùa Ăn Chay Cả), TCTM (Thiên Chúa Thánh Mẫu), TCTGKM (Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).

 

1. Sự là thờ (động từ)

clip_image002

VBL trang 700

Sự HV có nhiều nghĩa được VBL ghi các cách dùng như một danh từ (~ việc, công việc, vấn đề): td. sự linh hồn, sự buôn bán, sự vợ chồng, sự dâm dục… Tuy nhiên một nét nghĩa là thờ (động từ, một dạng biến âm của sự) mà tiếng Việt không còn dùng nữa; VBL cho thí dụ là sự thượng đế hay thờ vua tlên (trên, VBL ghi là cách dùng tương đương) – xem hình chụp trang 700 bên trên.

Xem lại các cách đọc của chữ sự 事 (thanh mẫu trang 莊 hay sùng 崇 vận mẫu chi 之 nhập thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

鉏吏切 sừ lại thiết (TVGT, ĐV)

仕吏切,音示 sĩ lại thiết, âm thị/kì (TV, VH, LT) – để ý sĩ và thị/kì đọc là shì (theo pinyin bây giờ) – tiếng Việt phân biệt hai dạng s- và th- (biến âm s > th), xem thêm mục sơ và thơ/thư (đọc là shū theo pinyin bây giờ) bên dưới.

側吏切 trắc lại thiết (QV, TV, LT, TViB)

逝支切,音時 thệ chi thiết, âm thì/thời (VB, KH) – để ý từ thời Vận Bổ, Tự Vị, Chánh Tự Thông đã đọc sự như thì (bình thanh) – với khả năng mở rộng nguyên âm (thì ~ giờ ~ thời): điều này cho ta cơ sở liên hệ sự và thờ (VBL đã ghi nhận bên trên): biến âm s – th như vi sang/vi thang, lơ xơ/lơ thơ, Thuận (Thŏận) Hóa/Sinua và tương quan ư – ơ như ư – ở, thư – thơ: td. thơ mờng (VBL trang 771) – gưởi thư (VBL trang 779), lơ thơ – lư thư (yếu đuối – VBL trang 428), cứ (cứ kinh, cứ mlời VBL trang 137) 據 – cớ gì/sao/nào, vô cớ (VBL trang 128), v.v. Tiếng Trung (Hoa) từ lâu vẫn dùng động từ sự như tử sự[3] phụ mẫu 子事父母 con thờ cha mẹ, sự tử như sự sinh[4] 事死如事生 (đối xử/thờ người chết cũng như khi người còn sống – Tuân Tử/Lễ Luận), v.v. Động từ kép HV phụng sự cho thấy vết tích của nét nghĩa này trong tiếng Việt.

詩紙切,音始 thi chỉ thiết, âm thí/thuỷ (KH)

疎語切,書上聲 sơ ngữ thiết, thư/thơ thượng thanh (KH) – vào thời Khang Hi (TK 18), hai âm sơ và thơ/thư đọc gần giống nhau (so với shū đọc theo pinyin bây giờ) – khác hẳn với các âm ở trong tiếng Việt.

常御切,音樹 thường ngự thiết, âm thụ (KH)

側吏反 trắc lại phản (LKTG)

仕廁切 sĩ xí thiết (NT, TTTH)

TNAV ghi vận mẫu thẩm/khứ thanh

CV ghi cùng vần/khứ thanh 侍 寺 䦙 蒔 豉 嗜 耆 視 眎 眂 示 謚 事 士 仕 是 市 恃 (thị tự sĩ)

時吏切,音嗜 thì lại thiết, âm thị (CV, TVi)

音時 âm thì/thời (TVi, CTT)

常怒切,音近樹 thường nộ thiết, âm cận thụ (TVi)

詩止切,音始 thì chỉ thiết, âm thí/thuỷ (TVi)

疎士切 sơ sĩ thiết (TVi)

時至切,音嗜 thì chí thiết, âm thị (CTT), v.v.

Giọng BK bây giờ là shì diàn zhì so với giọng Quảng Đông si6 si2 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] she5 she.5 se5 [沙头角腔] su5 [客英字典] sii5 [海陆丰腔] sii6 se6 [客语拼音字汇] se4 si4 [台湾四县腔] sii5 se5 [宝安腔] su3 [陆丰腔] sii6 [东莞腔] su3 潮州话:se7 se6 (sūr sũr)【潮阳】su5 su6, giọng Mân Nam/Đài Loan sai7, tiếng Nhật ji shi và tiếng Hàn sa.

Vào thời VBL hai dạng sự và thờ đã song hành trong tiếng Việt, dạng thờ chữ Nôm xưa[5] dùng thừ HV 蜍 (con cóc, 蟾蜍 thiềm thừ) như trong Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh – trích Tự điển chữ Nôm dẫn giải (sđd)

敬盎那蜍几茶

Kính ang nạ, thờ kẻ già

Hay trong Cư Trần Lạc Đạo Phú (43b)

恩聖律媄吒蜍柴道

Vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo. (26b)

Tiếng Việt hiện đại không còn dùng động từ sự như thời VBL nữa, mà dùng dạng biến âm thờ, nhờ vào VBL mà ta biết được hai dạng (động từ) sự và thờ đều hiện diện[6] vào TK 17. Việt Nam Tự Điển (1931/sđd) ghi: "Việc sự thần phải cho thành kính… Tục ngữ: sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn". Một chi tiết cần nhắc lại ở đây về biến âm s-t(h): ngay cả vào TK 19, thưa 疎 vẫn có thể đọc là sưa[7] – theo tự điển La Việt trang 506 (Dictionarium Latino-Annamiticum – completum et novo ordine dispositum – Taberd, 1838) – đây là chi tiết mà tự điển Taberd (1838) đã thêm vào cho tự điển Béhaine (1772/1773, không có mục sưa 疎). Theurel (1877) tuy chép lại tự điển Taberd nhưng không ghi dạng sưa (chỉ ghi dạng thưa ~ rarus/L). Việt Nam Tự Điển (1931, sđd) vẫn còn ghi "lược sưa" là "lược thưa".

clip_image004

Taberd (1838)

2. Kì, thửa – đại danh từ – sở là thửa

VBL ghi thửa là người ấy, kia (ille La Tinh) hay chỉ người đã nói đến trước đây cũng như kì – xem hình chụp bên dưới:

clip_image006

VBL trang 781

clip_image008

VBL trang 378

Kì còn dùng trong cụm từ các kì sự 各其事 (VBL trang 378) để chỉ tất cả mọi thứ (omnia/L), PGTN trang 41, 35, 28, 20… Trích trang120 "Song le cũng phải hay, khi linh hồn ta đã khỏi xác thịt này, chẳng còn có dùng ăn uống hay là mặc, cùng các kì sự về xác, vì linh hồn ta là tính linh thiêng". Kì dư 其餘 (Béhaine/Taberd) là vân vân 云云, đẳng đẳng 等等…

So với cách diễn dịch của LM Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838):

clip_image010

Béhaine (1772/1773)

clip_image012

Taberd (1838)

clip_image014

Taberd (1838)

clip_image016

Tự điển Bồ Việt chép tay (Philiphê Bỉnh, TK 18-19)

Để ý ở đây là cụ Thiều Chửu trong Hán Việt Tự Điển (1942) cũng ghi sở và kì 其 là thửa.

Xem lại chữ sở 所 (thanh mẫu sinh 生 vận mẫu ngư 魚 khai khẩu tam đẳng, thượng thanh) có các cách đọc theo phiên thiết

疏舉切 sơ cử thiết (TVGT, ĐV, QV, TTTH, TVi)

爽阻切,數上聲 sảng trở thiết, sổ/số thượng thanh (TV, LT, VH, LTCN 六書正譌)

師吕切 sư lữ thiết (NT)

TNAV ghi vận bộ ngư mô/thượng thanh 魚模

CV ghi cùng vần/thượng thanh 所 糈 䝪 (sở *tư)

踈五切 sơ ngũ thiết (CV)

想里切, 音徙 tưởng lí thiết, âm tỉ (TVi)

孫五切, 蘇上聲 tôn ngũ thiết, tô thượng thanh (TVi)

Giọng BK bây giờ là suǒ so với giọng Quảng Đông so2 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] so3 [沙头角腔] so3 [客英字典] so3 [海陆丰腔] so3 [客语拼音字汇] so3 [东莞腔] so3 [陆丰腔] so3 [宝安腔] so3 [台湾四县腔] so3 潮州话:so2, tiếng Nhật so sho và tiếng Hàn so.

所 thửa (sở là âm HV) – nghĩa mở rộng và dùng làm đại danh từ (VBL ghi thửa là ille/L để chỉ người ấy từng đã được nhắc trong văn cảnh, sau đó cách dùng này được các học giả Béhaine, Taberd, Aubaret, Theurel ghi lại (sđd). Béhaine ghi an thửa phận là an phận (mình), biết thửa lòng là biết lòng mình như thế nào. Génibrel ghi thêm cách dùng "Xin xét thửa lòng dân dã phàm ngu". Tương quan s/x – th dễ nhận ra như xanh – thanh, xâm – thâm… 疏 sơ[8]– thưa, 所 sở – thửa… Cụ Huỳnh Tịnh Của trong ĐNQATV/1895 ghi cách dùng sở ruộng, sở đất (Đàng Trong còn bảo lưu cách đọc cổ hơn? so với thửa ruộng, thửa đất/Đàng Ngoài – NCT) trong mục sở 所 nhưng lại ghi thửa bằng chữ sử 使. Cách dùng thửa (tuy rất hiếm) từng hiện diện trong Kinh Tin Kính – một bản kinh CG bằng chữ quốc ngữ ở Đàng Ngoài. Kinh Tin Kính trích từ cuốn "Chrestomathie annamite” (Quảng Tập Viêm Văn) của Edmond Nordemann (in năm 1898). "… Tôi tin thửa chịu nạn chưng thì quan Phong thi ô Phi La Tô, đóng đanh gác câu câu rút, chết mà bèn lấp. Tôi tin thửa xuống địa ngục ngày thứ ba bởi trong kẻ chết lại xống (sống). Tôi tin thửa lên lời (trời) ngự bên hữu Dêu cha hay lọn vậy…". Các bản KTK sau này thay thế thửa bằng Đức Chúa Giê Su hay Người cho rõ ý hơn.

Đại thi hào Nguyễn Du cũng dùng sở/thửa trong câu 2687 truyện Kiều (bản Kiều Oánh Mậu 1902 – xem bên dưới) cho thấy ảnh hưởng phần nào của Hán văn:

所功德意埃朋

Thửa công đức ấy ai bằng

Điều này cho thấy một vấn đề cơ bản khi đọc Nôm (td. vào TK 17 theo VBL): 所 đọc là sở hay thửa, 平 đọc là bình hay bằng, 主 đọc là chủ hay chúa, 當 đọc là đang hay đương, 刀 đọc là đao hay dao…? Đây là một chủ đề thú vị cần được tra cứu sâu xa hơn – như so sánh mức độ chính xác của âm đọc giữa chữ Nôm và chữ quốc ngữ – nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.

clip_image018

VBL ghi đặt thửa ~ đặt cọc

clip_image020

VBL trang 698

3. Giao cảm

Giao cảm 交感 vào thời VBL nghĩa là giao cấu (chung đụng xác thịt nam và nữ, khuynh hướng cụ thể/vật chất) chứ không phải là cảm ứng hỗ tương với nhau (khuynh hướng trừu tượng). Giao cảm xuất hiện hai lần trong VBL – mục giao và mục cảm – và LM de Rhodes chú thích thêm là cách dùng lịch sự (xem hình chụp bên dưới). Để ý Béhaine/Taberd ghi là giao cám[9], còn cảm thì ghi là 敢 (quả cảm).

clip_image022 

VBL trang 82/83.

Giao cảm xuất hiện 1 lần trong Phép Giảng Tám Ngày trang 299 khi bàn về điều răn thứ 6 (< không được dâm dục) và trong Các Thánh Truyện Tháng Mười Một (Maiorica, sđd) trang 110: "Ai có giữ mình sạch sẽ mà chẳng yêu sự giao cảm thì xem thấy hoa này".

clip_image024

Phép Giảng Tám Ngày, trang 299

Theo Từ Nguyên (sđd) giao cảm xuất hiện trong tác phẩm Thái Cực Đồ Thuyết 太極圖說 của học giả thời Tống tên là Chu Đôn Di 周敦頤 (1017-1073), trong đó có câu "Nhị khí giao cảm, hoá sinh vạn vật". Ngoài ra, trong tiểu thuyết Sơ Khắc Phách Án Kinh Kì 初刻拍案驚奇, nhà văn Lăng Mông Sơ 凌濛初 (1580-1644) cũng dùng giao cảm để chỉ sự giao hợp nam nữ (giao cấu). Do đó, không những giao cảm là kiểu nói thanh nhã (theo VBL) mà chính là một nét nghĩa cổ mà người Việt vào TK 17 vẫn còn dùng! VBL cũng ghi lại một số cách dùng ‘thô tục’, tương phản với cách dùng “lịch sự” của giao cảm, thí dụ như đéo, đụ, đi lại cùng nhau/đi lại cùng đàn bà, dảy xom xom/đi lại đéo, lắp đàn bà[10]… Địều đáng chú ý là các từ tục như vậy lại không hiện diện trong tự điển của LM Béhaine hay rất hiếm trong tự điển Taberd, có thể là do môi trường học tiếng Việt và truyền đạo của LM de Rhodes gần gũi với dân "đen" hơn so với các giáo sĩ sau này, hay là LM de Rhodes (và de Pina) cố tình ghi các tiếng tục để chỉ cho giáo dân CG tránh dùng?

4. Tinh thần là ngôi sao

Vào thời VBL, tinh thần nghĩa là ngôi sao (constellatio/La Tinh), không có nghĩa như cách dùng tinh thần bây giờ – để chỉ tinh thần (tâm thần/khí lực, anỉmus/L) thì thời VBL dùng lòng (‘hết lòng’ VBL trang 322), linh hồn, trí khôn chẳng hạn.

clip_image026

VBL trang 678

LM Maiorica cũng dùng tinh thần để chỉ sao như "Chúng tôi lạy đức Bà cực sang cực trọng ngự trên hết nhật nguyệt tinh thần" TCTM quyển thượng trang 122. Thần tương ứng với thần HV 晨 nghĩa là buổi sáng, sao Thần (sao mai, sao Kim/Venus – morning star). Tiếng Việt hiện đại dùng tinh thần, viết chữ Nho là 精神, với nét nghĩa hoàn toàn khác (hàm ý tâm thức thuộc phạm trù tư duy). Hai nét nghĩa trên của tinh thần được LM Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) ghi lại trong tự điển, phần nào rõ nét hơn với chữ Hán/Nôm[11] kèm theo. Tinh thần (sao) đã từng xuất hiện trong Thư Kinh, phần Nghiêu Điển 堯典: "lịch tượng nhật nguyệt tinh thần" 曆象日月星辰 – để ý cách dùng nhật nguyệt tinh thần tương tự như trong TCTM. Tinh thần (tâm thần/khí lực) cũng từng hiện diện trong Lễ Kinh. Đây là một khuyết điểm của con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ) – cũng như nghĩa của các cụm từ HV thất tình, Đại Ngu, sinh thì, phi cơ[12]… Không biệt dạng chữ Nho thì dễ hiểu lầm nguyên nghĩa!

Truyện Kiều câu 17 dùng tinh thần với nét nghĩa hiện đại[13]

枚骨格雪精神

Mai cốt cách, tuyết tinh thần

clip_image028

VBL trang 741

Một dữ kiện cần nhắc lại ở đây là thần có các nghĩa khác nhau vào TK 17, gồm nét nghĩa sao bắc thần 北辰, như định nghĩa trong VBL trang 741 bên trên. Sao Bắc Thần thường gọi là sao Bắc Đẩu 北斗.

5. Đang/đương thì

Đang HV có các nghĩa là chịu trách nhiệm, gánh vác (đảm đang), cáng đáng, hợp/thích hợp (thích đáng), cầm, đợ, chủ – các dạng biến âm của đangđáng, đươngđành (td.彭 băng/bang/bàng và bành, 凭 bằng > bành, 命 mạng > *mạnh > mệnh, 江 giang > gianh, 良 lang/lương > lành, 當 đang > đành…). Chính nét nghĩa gánh vác/chịu đã trở thành dấu chỉ thời hiện tại trong tiếng Việt (đang làm, đang gánh vác chuyện gì). Thí dụ của BBC "Tôi mạc việc bây giờ" cũng cho thấy khái niệm bận việc (mắc việc) trong hành động chỉ thời hiện tại, phản ánh chủ ý của cá nhân, người làm chủ hành động của mình. Trong khi đó tiếng Trung (Hoa) không dùng đang để chỉ thì hiện tại. Tiếng Trung (Hoa) cũng dùng các trạng từ thời gian (adverb of time, td. bây giờ/now) để chỉ thì hiện tại và các động từ thì không thay đổi (tương tự như tiếng Việt), ngoài ra các từ chánh 正, tại 在 hay chánh tại 正在 còn được dùng để chỉ hành động đang xẩy ra. Các trạng từ thời gian có thể là 每天 mỗi thiên (mỗi ngày), 每年 mỗi niên (mỗi năm), 經常 kinh thường (thường), 有時 hữu thì (có khi, đôi lúc)… Để chỉ một hành động đang xẩy ra (thì hiện tại tiếp diễn) thì thêm các trạng từ thời gian như 現在 hiện tại, 正在 chính tại, 此刻 thử khắc, 目前 mục tiền, v.v. Khuynh hướng thay đổi nghĩa cũng hiện diện trong cách dùng đang thì vào thời VBL. Đang/đương thì 當時 nghĩa là thời xuân sanh (thời còn trẻ, xuân thì – Juventus/L – xem hình chụp bên dưới) ngoài nét nghĩa khi đó/lúc đó hay tức thì trong tiếng Hán. PGTN trang 235 ghi "Hãy suy, hãy xét Chúa rất sang, rứt trọng, khi đang thì nên người, coi có xuống đầu, mà chịu chết rứt xấu hổ vì bạn"; Đang/đương thì cũng xuất hiện trong các tài liệu của LM Maiorica, như trong ĐCGS quyển chi cửu trang 23 (sđd) khi viết về cuộc đời Đức Chúa Giê Su: "chẳng để sống cho đến già, chết khi đang thì mà chữa kẻ liệt đã" hay trong Các Thánh Truyện Tháng Hai trang 116 (Maiorica, sđd) "Người chịu đòn cùng sự thương khó nhiều ngày hơn kẻ đang thì, mà chịu bằng lòng mạnh sức", v.v. Cụ Huỳnh Tịnh Của ghi đang thì là thì xuân xanh (ĐNQATV) cũng như Taberd (Béhaine định nghĩa juventus là tuổi xanh[14]):

clip_image030

Taberd[15] (1838)

Đang thì nghĩa là ngay bây giờ hay ngay lúc đó trong tiếng Hoa (dum/L), tương đương với cách dùng đang khi của tiếng Việt vào thời VBL cho đến ngày nay – xem hình chụp bên dưới

clip_image032

VBL trang 199

Tới thời LM Philiphê Bỉnh thì vẫn dùng đang thì để chỉ tuổi xuân xanh (ông còn giải thích rõ hơn là "kẻ 30 tuổi", hay vẫn còn "đương sức mạnh" theo cụ Huỳnh Tịnh Của/ĐNQATV):

clip_image034

Đoạn đầu trang 308 của Sách Sổ Sang Chép Các Việc (Philiphê Bỉnh/1822)

6. Củ thủ là cắp tay

Củ HV 纠 là họp lại (chặp lại), thủ HV 手 là tay: củ thủ là cắp tay lại trước ngực. Không thấy Từ Nguyên (sđd) ghi cách dùng này, có thể là từ HV đã ‘Việt hoá’ như sinh thì, đang thì…

clip_image036

VBL trang 148

clip_image038

VBL trang 895

clip_image040

Hình minh hoạ tay chắp lại[16] – trích từ Kim Vân Kiều Truyện (Trương Vĩnh Ký 1911)

Cắp tay theo Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) là manus tergo postpositis habere (để tay cặp lại sau lưng[17]/NCT – Génibrel và Bonet cũng ghi nghĩa này) khác với định nghĩa của de Rhodes là compositas manus habere justa pectus hay chụm tay lại ở trước ngực/NCT (Génibrel cũng cho nghĩa này). VBL phân biệt[18] cắp taychắp tay (iungere manus hay chụm hai tay lại), có lẽ do ảnh hưởng của truyền thống đạo Phật khi lễ lạy hay chào hỏi (đa số dân chúng theo đạo Phật vào thời VBL).

Cắp tay từng xuất hiện trong Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa (sđd) – chữ Nôm cắp viết bằng bộ thủ hợp với chữ cập 及:

生聖主萬年 扱治边順和

Trời sinh thánh chúa vạn niên. Cắp tay xem trị bốn bên thuận hoà.

7. Thiểu ngữ là ít đều

Thiểu ngữ xuất hiện hai lần trong VBL: trang 536 và 766. Các cách dùng tương đương vào thời VBL là ít đều (ít điều), ít mlời (ít lời) hay còn có thể là "hay ở lặng". Chưa thấy tài liệu nào dùng cụm từ thiểu ngữ HV 少語, có thể là cách dùng đặc biệt của người Việt cũng như đang thì (thời trẻ), sinh thì (qua đời), củ thủ (cắp tay) – thiểu (~ ít), ngữ (~ nói) : thiểu ngữ dịch ra tiếng Việt là ít nói. Tiếng Việt bây giờ thường dùng ít nói, kiệm lời… Một thành ngữ tương đương trong tiếng Trung (Hoa) là thiểu ngôn quả ngữ 少言寡語, lần đầu dùng bởi nhà văn/kí giả/giáo viên TQ Lưu Á Chu 劉亞舟(1943-1999). Một điểm nên nhắc ở đây là tiếng Việt đã mở rộng nghĩa của thiếu để chỉ việc mượn chưa trả như thiếu nợ, thiếu tiền so với tiếng Trung (Hoa) lại dùng 欠錢 khiếm tiền…

clip_image042

VBL trang 766

clip_image044VBL trang 536

Tới thời LM Philiphê Bỉnh (1759-1833) thì thiểu vẫn hiện diện trong cách nói "khổ thiểu thì phúc thiểu" hàm ý khổ ít thì phúc ít/NCT:

clip_image046

Trang cuối của Tựa Sách Truyện cuốn "Truyện nước Anam Đàng Ngoài chí Đàng Trong" (Quyển thứ nhất nói sự Đàng Ngoài -Philiphê Bỉnh, 1822 sđd).

Chữ thiểu thường đọc là thiếu như trong các cách dùng thiếu niên, thiếu nữ, thiếu phụ, thiếu tướng, thiếu uý… So với cách đọc thiểu sức, thiểu tài, thiểu trí, thiểu binh, thiểu lương (Béhaine/Taberd) và thiểu số… Xem và kiểm lại chữ thiểu/thiếu 少 (thanh mẫu thư 書 vận mẫu tiêu 宵, thượng/khứ thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

書沼切 thư chiểu thiết (TVGT, ĐV, QV, TTTH) – các tài liệu thời sau thường chép lại định nghĩa của thiểu từ TVGT là 不多也 bất đa dã.

尸沼切 thi chiểu thiết (NT, LT)

申兆翻 thân triệu phiên (BH 佩觿)

始紹切,燒上聲 thuỷ thiệu thiết, thiêu thượng thanh (TV, VH, LT, CV, TVi)

式照切 thức chiếu thiết (QV)

失照切,燒去聲 thất chiếu thiết, thiêu khứ thanh (QV, TV, VH, CV, TVi)

TNAV ghi vận bộ 蕭豪 tiêu hào thượng/khứ thanh

CV ghi cùng vần/thượng thanh

CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 少 燒 (thiếu)

始沼切,燒上聲 thuỷ chiểu thiết, thiêu thượng thanh (CTT)

書久切, 音守 thư cửu thiết, âm thủ/thú (KH), v.v.

Giọng BK bây giờ là shǎo shào (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông siu2, siu3 và các giọng Mân Nam 客家话:[沙头角腔] sau5 sau3 [陆丰腔] shau5 shau3 [台湾四县腔] seu3 seu5 [梅县腔] shau3 shau5 [宝安腔] sau3 | sau5 [客语拼音字汇] sau3 sau4 seu3 seu4 [东莞腔] sau5 sau3 [客英字典] shau5 shau3 seu3 seu5 [海陆丰腔] shau3 shau5 [梅县腔] sau5, 潮州话:ziê2/zio2(chié), siou3/siao3(siàu), tiếng Nhật shō và tiếng Hàn so.

Tóm lại, lớp từ Hán Việt vào TK 17 cho thấy một tập thể từ vựng đa dạng và rất sống động: từ một số cách dùng đặc biệt ở VN khác với cách dùng ‘chính thống’ của TH (từ thời dành lại độc lập vào cuối TK 10) như đang/đương thì (thời trẻ), sinh thì (qua đời, TK 17 trong các tài liêu CG), tinh thần (ngôi sao), củ thủ (cắp tay), thiểu ngữ (~ ít lời), giao cảm (~ giao cấu); cho đến một số từ HV có thể được dùng khá tự do (< free morpheme) như quốc, tiểu, trở, thậm, vô, cùng, tiền (trước)… Tuy nhiên, một số từ HV vẫn duy trì chức năng ngữ pháp trong Hán văn như sở (~ thửa, VBL trang 781) 所, kì 其 (ngôi thứ ba), mỗ 某 (VBL trang 475), nghỉ 伊 (y ta, ông ta – VBL trang 526), ư 於 và chưng 烝 hay 蒸 (giới từ[19] – VBL trang 122, 853), nhi 而 (liên từ ~ mà VBL trang 551)… VBL và PGTN còn cho ta một số dữ kiện ngữ âm như tương quan s/x – th khá rõ nét như sự – thờ, sở – thửa, đặc biệt là các dạng biến âm đều hiện diện vào TK 17 trong tiếng Việt như dư và thừa, mựa và vô, xanh – thanh, vi sang/vi thang, lơ xơ/lơ thơ, Thuận (Thŏận) Hóa/Sinua (~ kẻ Hóa), xuy – thổi. Ngoài ra VBL còn ghi một số âm cổ mà bây giờ không thấy dùng nữa như mựa – vô 無 (td. mựa nói dối – VBL trang 487). Lại có những trường hợp mà cách dùng HV rất đáng chú ý như "Kiên thằng khả kế ngưu giác lý ngữ năng phục nhân tâm là dây bền khá buộc được sừng trâu, lẽ thật khá phục được lòng người ta" PGTN trang 11; cho đến nay (12/2022) người viết (NCT) không thấy vết tích câu trên trong các tài liệu[20] sau này? Hi vọng bài viết nhỏ này gợi ý cho người đọc tìm hiểu và khám phá thêm nhiều kết quả thú vị về lớp từ HV từ TK 17, nhất là khi chữ quốc ngữ cho ta cơ hội đọc/phát âm chính xác hơn so với các dạng chữ Nôm và Hán.

8. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

2) Philiphê Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

(1822) “Phép Giảng Tám Ngày”, “Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị”… Các tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.

3) J.M.J. Caspar/Louis Caspar ~ Cố Lộc (1877/1879) “Dictionnaire annamite-francais” nhà in Tân Định xuất bản năm 1877, 1879.

4) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).

5) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

7) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

8) Gustave Hue (1937) “Dictionnaire annamite-chinois-français” Imprimerie Trung-hoà – NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937

9) Giêrônimô Maiorica (thế kỉ XVII) “Mùa Ăn Chay Cả”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung”, “Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập” (ĐCGS), “Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông” (TCTGKM), “Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba”, “Các Thánh Truyện” (CTTr) từ tháng giêng đến tháng mười hai… Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).

10) Josepho Maria Morrone (khoảng đầu TK 19) “Lexicon Cochin-sinense Latinum” đăng trong cuốn “A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing” viết bởi nhà ngôn ngữ Mỹ Peter Stephen Du Ponceau (1838), in lại bởi NXB Kessinger Publishing. Kèm thêm bảng từ vựng căn bản có 333 chữ Nôm và chữ quốc ngữ với giải thích về cấu trúc và nghĩa.

11) Hội Khai Trí Tiến Đức – ban văn học (1931/1954) “Việt Nam Tự Điển” NXB Trung Bắc Tân Văn (Hà Nội).

12) Edmond Nordemann (tên Việt là Ngô Đê Mân) (1898) “Chrestomathie annamite” (Quảng Tập Viêm Văn) – NXB Hà Nội.

13) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

“Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

14) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh – Việt (Dictionarium Latino-Annamiticum – completum et novo ordine dispositum – 1838).

15) Trương Văn Thắng (2012) "Cách dịch cấu trúc định – trung từ Hán sang Việt thiên Cáo tử trong Mạnh Tử ước giải (TBHNH 2012)" – có thể tham khảo toàn bài trên trang này http://www.hannom.org.vn/default.asp?CatID=490

16) J. S. Theurel (1877) “Dictionarum Anamitico-Latinum” LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) – Ninh Phú (Đàng Ngoài).

17) Nguyễn Cung Thông (2021) Loạt bài viết như "Tiếng Việt từ thế kỉ 17 – từ Luận Phép Học đến Khoa Học (phần 27)", “Tiếng Việt từ TK 17: thợ dào, thợ rèn, thợ máy… dộng chúa (phần 30)” (NCT: đặc biệt về tương quan đ – d như đao dao, đã dã…) có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2021/06/17/tieng-viet-tu-tk-17-tho-dao-tho-ren-tho-may-dong-chua-phan-30/, v.v.

(2021) “Tiếng Việt từ TK 17: nên mười tuổi và nên hoa” (phần 32)" – có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2021/08/16/tieng-viet-tu-tk-17-nen-muoi-tuoi-va-nen-hoa-phan-32/, v.v.

(2018) "Tiếng Việt thời LM de Rhodes – vài suy nghĩ về cuốn Phép Giảng Tám Ngày (phần 9)" – có thể xem toàn bài trên trang này chẳng hạn http://vanviet.info/tag/nguyen-cung-thong/page/3/

(2018) "Tiếng Việt thời LM de Rhodes – vài nhận xét về tên gọi và cách đọc (phần 11)" – có thể xem toàn bài trên trang này https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=24519, v.v.

(2015) "Sinh thì là chết?" – có thể tham khảo ba bài viết này (đánh số 11.1 đến 11.3) trên các trang mạng như http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=21612

(2012) "Những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt- Trung – vài vết tích sau thời nhà Minh trong từ điển Việt Bồ La (phần 1.4)" – có thể xem toàn bài trên trang này chẳng hạn https://www.daophatngaynay.com/vn/tai-lieu/tu-dien-tham-khao/18720-nhung-dot-song-giao-luu-ngon-ngu-viet-trung-vai-vet-tich-sau-thoi-nha-minh-trong-tu-dien-viet-bo-la-phan-1-4.html

18) Từ Nguyên 辭源 (2004) Thương Vụ Ấn Thư Quán – Bắc Kinh/2004

19) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

(1905) “Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin” Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.

Phụ Trương – Tranh luận về từ Hán Việt vào TK 17 (thời VBL)

Chuyện kể lại về các nhà Nho An Nam bàn cãi vì chưa thấy hai chữ HV Thiên Chúa[21]: các quan văn chúa Nguyễn (khoảng thập niên 1660) không tin là có chữ Thiên Chúa (Chủ) 天主 trong văn bản cho đến khi được cho xem sách in (có thể là từ các giáo sĩ cùng Dòng Tên đã soạn như Matteo Ricci chẳng hạn và đem qua) đã viết bằng chữ Nho thời nhà Minh – trích từ tài liệu chép tay Truyện Anam Đàng Trong, Quyển Nhị trang 181 – 188 (Philiphê Bỉnh) `

clip_image048

Để ý 1) “con sách” là cuốn sách 2) LM Bồ Đào Nha Francois Rivas ("thầy cả Rivas") đến Đàng Trong năm 1655, rời vào năm 1664 3) "cùng giã ng` trẩy" ~ cùng từ giã người (thầy cả Rivas) khi ông rời Đàng Trong 4) "Đạo Portugues" ~ đạo Hoa Lang (đạo Thiên Chúa).

clip_image050


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@gmail.com

[2] Phân biệt giữa Thượng đế (truyền thống Á Đông ) và Thiên Chúa (theo CG) là một chủ đề thú vị, liên hệ đến văn hoá, lịch sử, ngôn ngữ và tôn giáo – xem thêm phụ trương về các tranh luận của nhà Nho vào TK 17 chẳng hạn. LM de Rhodes đã phải nhấn mạnh về niềm tin ‘dị đoan’ trong các khái niệm này (mục đế/VBL superstitio – trang 212), và cho rằng Ngọc Hoàng/Thượng Đế mà dân gian thờ cúng là không đúng (không phải mlẽ) vì chỉ là ‘quỷ thần’ mà thôi (diabolum nominant – VBL trang 700).

[3] Tham khảo chi tiết về các nét nghĩa của sự trên trang này chẳng hạn https://zidian.911cha.com/zi4e8b.html

[4] Phong tục thờ cúng tổ tiên là một truyền thống căn bản của xã hội Việt Nam – một khác biệt dễ nhận thấy khi các giáo sĩ Tây phương đến truyền đạo CG ở Á Châu. Thành ra VBL và PGTN (cùng các tài liệu CG cùng thời) luôn ghi nhận các hoạt động này (td. các mục hiếu thảo, ông bà ông vãi trong VBL).

[5] Một dạng chữ Nôm hậu kì dùng bộ thị/kì 示 hợp với chữ dư hài thanh 余 (< dư – thừa – thờ) – Béhaine/Taberd (sđd) – Béhaine cũng ghi dạng Nôm cổ hơn là thừ 蜍.

[6] Nên nhắc lại ở đây là vào thời VBL phụ âm xát chưa hoàn toàn đổi qua âm tắc như cách đọc vi sang/vi thang, lơ xơ/lơ thơ, Thuận (Thŏận) Hóa/Sinua (~ kẻ Hóa), xuy (thổi – xuy ), nguyệt sa (sa – sai 釵 sau này đọc là thoa) – cũng giống như cách đọc su thay vì thu như trong cụm danh từ Giê Su 支秋 (không nên đọc là Chi Thu theo âm HV thông thường vì không phù hợp/không chính xác).

[7] Ngay cả vào đầu TK 20: Việt Nam Tự Điển (1931/sđd) ghi lược sưa = lược thưa (mục sưa)

[8] Sơ/sớ đọc là 所菹切 sở trư thiết (TV), 所助切 sở trợ thiết (QV) – sơ > sơ (sơ sài, sơ qua), thưa (thưa thớt), sớ > thưa (thưa thốt). Sơ 初 đọc là 楚居切 sở cư thiết (ĐV, TV, QV), 楚徂切,楚平聲 sở tồ thiết, sở bình thanh (CV): sơ > xưa, sơ (ban sơ) > thơ (thơ ngây, con thơ). Chữ 餘 đọc là dư 以諸切 dĩ chư thiết (ĐV), 羊諸切 dương chư thiết (TV, VH)… còn có một cách đọc khác mà ít người biết đến (cũng là 余, dùng thông vào thời Luận Ngữ, Lã Thị Xuân Thu..) là *siu (Tập Vận ghi 詳於切,音徐 tường ư thiết, âm từ – Quảng Vận ghi 視遮切 thị già thiết…), cho ta dạng thừa trong tiếng Việt (biến âm s > th). Do đó, ta có cơ sở vững chắc để liên hệ sở – thửa. VBL trang 698 còn ghi su sichẳng tlơn (nháp, gồ ghề) – su chính là một biến âm của sơ 疏 với một nét nghĩa là gồ ghề – xem hình chụp trang sau. Sơ còn là phân 分 ra, cho ra dạng sớ – thớ – thứa ~ khứa…

[9] Tương quan thanh điệu cẩm – gấm, khẩn – khấn, sử – sứ, chủ – chúa, chủng – giống, cảm – cám (cám ơn/VBL ~ cảm ân HV 感恩), v.v. So với cảm – cám. Tuy nhiên sau thời Béhaine/Taberd (Đàng Trong), Theurel (Đàng Ngoài, dựa vào tự điển của Béhaine/Taberd) không dùng dạng cám mà dùng cảm (giao cảm) cho đến ngày nay.

[10] VBL cũng ghi lẹo là sự giao hợp của loài chó, chơi ác là khi giao hợp nam nữ không thích hợp (phạm luật).

[11] Theurel (1877, Đàng Ngoài) cũng ghi hai nét nghĩa khác nhau của tinh thần trong tự điển Việt La Tinh.

[12] phi cơ viết 丕基 là cơ nghiệp lớn lao, phi cơ viết 飛機 là máy bay, v.v.

[13] Tuy Truyện Kiều là tác phẩm chữ Nôm, nhưng câu 17 này hoàn toàn dùng từ HV.

[14] Theurel (sđd) ghi thêm cách dùng ở Đàng Ngoài "đang xoan" (đang xuân/NCT) là juventus/L.

[15] Juventas là một nữ thần La Mã cho giới thanh niên (Bụt hay đang thì/Taberd) – dạng juventas sau này trở thành juventus (La Tinh – Béhaine/Taberd). Đạo Phật thời VBL thường gọi là đạo Bụt.

[16] Trong cuốn Kim Vân Kiều Truyện này (NXB P. Schneider – Sài Gòn, 1911) có nhiều hình minh hoạ, đặc biệt là có nhiều cách chắp tay (trước ngực, dưới ngực, sau lưng…). Các dạng và hàm ý của ngôn ngữ cơ thể (body language) như cắp tay, ghé mắt cần được tra cứu thêm nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.

[17] Cụ Huỳnh Tịnh Của cũng ghi là cắp tay là xuôi hai tay gác tréo sau lưng (ĐNQATV).

[18] Theo GS Nguyễn Quang Hồng (Tự Điển Chữ Nôm Dẫn Giải, sđd) thì cắp tay cũng là chắp tay.

[19] VBL cho các thí dụ như khai ư tý, địa tích ư sửu, nhân sinh ư dần (mục ư, phản ánh sự chú trọng về khái niệm tạo thiên lập địa/sáng tạo thế giới của dân bản địa từ các giáo sĩ CG Tây phương) và chưng thì quan, chưng thì vua nọ, làm chưng cội rễ mọi sư (< giáo lý cơ bản và thánh kinh CG).

[20] PGTN ghi tục ngữ này là từ ‘sách An Nam’ (trang 11).

[21] Thật ra, Thiên Chủ/Thiên Chúa đã từng xuất hiện trong một số tài liệu Hán cổ như Sử Kí… LM Matteo Ricci (1552-1610). và LM de Rhodes theo sau (PGTN trang 22), đã đánh đồng khái niệm Thượng Đế (truyền thống Á Châu) và Thiên Chúa (Đức Chúa Trời, thuyết độc thần hay Đơn Thần Giáo/Monotheism) cùng Thượng phụ (trong Tam phụ: Thượng, Trung và Hạ Phụ). LM Ricci rất giỏi Hán văn (td. phiên dịch các tài liệu Hán cổ, cho người Tây phương biết đến các tác phẩm của Khổng Tử) đến nỗi được cho danh hiệu "ông Khổng Tử Tây Phương" mà LM Philiphê Bỉnh đã nhắc lại ở trang chụp lại chẳng hạn.

Comments are closed.