Nga là cơn bão, Trung Quốc là biến đổi khí hậu (4) Con nhím và mối đe dọa từ phương Tây

Nguyễn Xuân Thọ

-Chiến lược con nhím

Tập Cận Bình đã ở đỉnh cao quyền lực sau khi ông ta buộc cả đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc phải quy phục mình. Ông ta muốn đi vào lịch sử như Tần Thủy Hoàng và một trong những mục tiêu là thu hồi Đài Loan.

Đảo quốc 23,5 triệu dân so với biển người 1.4 tỷ chỉ là David so với Goliath. Mặc dù Đài Loan có thể huy động đến 1,5 triệu quân dự bị, nhưng con số 88.000 quân thường trực chỉ là chú lùn so với 1.000.000 quân chính quy và 600 triệu quân dư bị, có vũ khí hạt nhân.

Hơn thế nữa, Tập đã đổ tiền vào xây dựng quân đội trong suốt mười năm qua. Hiện nay Quân giải phóng Nhân dân (PLA) có lực lượng hải quân đứng thứ nhì thế giới và không quân đứng thứ ba. Ảnh này cho thấy sự chênh lệch khủng khiếp giữa hai bờ eo biển. 2 tàu ngầm Đài Loan phải chống lại 70 chiếc của PLA, 800 xe tăng đối đầu 6300, 4 khu trục hạm so với 32…

Trung Quốc có 2 tàu sân bay, Đài Loan = 0, Trung Quốc 1.040.000 lính thường trực, Đài Loan có 88.000, Trung Quốc có 57 tàu đổ bộ, Đai Loan 14

Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ

Ist möglicherweise ein Bild von Text „Streitkräfte von China und Taiwan im Vergleich (2021) Bodentruppen Truppenstärke China Seestreitkräfte Flugzeugträger Taiwan Luftwaffe Kampfflugzeuge 88,000 1,040,000 000 2 Panzer Zerstörer 32 1,600 4 400 800 6,300 Fregatten 48 Bomber 22 Artilleriegeschütze Panzerlandungsschiffe 450 57 14 7,000 1,100 U-Boote Transportflugzeuge 71 400 30 Quelle: Statista, U.S. Department of Defense t-online.“

Trung Quốc có 2 tàu sân bay, Đài Loan = 0, Trung Quốc 1.040.000 lính thường trực, Đài Loan có 88.000, Trung Quốc có 57 tàu đổ bộ, Đai Loan 14. Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ

Sự áp đảo về vũ khí của Nga đã không đè bẹp được đội quân nhỏ có tổ chức tốt, trang bị gọn nhẹ bằng hightec lại nặng lòng yêu nước của Ukraine, đó là một thực tế không thể chối cãi. Hơn thế nữa, quân Nga có kinh nghiệm chiến đấu liên tục từ 1980 (ở Afghanistan, Chechnia, Gruzia, Xyria, Donbaz), trong khi PLA cho đến nay chỉ biết đàn áp các cuộc nổi dậy của người Tây Tạng, Tân Cương tay không. Do đó huyền thoại David chọi Goliath cũng giống như cuộc chiến của con nhím gai chống lại con hổ to xác.

Quả thật các chuyên gia quân sự đang nói về “Chiến lược con nhím” [Porcupine strategy) của Đài Loan [1]. Suốt 70 năm qua đảo quốc này đã chuẩn bị chống cuộc đổ bộ từ lục địa. Đài Loan đã trở thành một pháo đài chưa từng có với mạng lưới dày đặc pháo đài, boong ke, hầm ngầm. Đặc điểm địa hình của bờ biển dốc đứng, được che chắn bằng rừng dày gây khó khăn cho đổ bộ đường thủy cũng giống vỏ bọc đầy chông gai của con nhím.

Trong mọi tình huống, Đài Loan sẽ luôn nhìn thấy rõ quân đổ bộ từ lục địa tràn tới. Do vậy Mỹ đã cung cấp cho Đài Loan các hệ thống tên lửa chống tàu thủy và đối không. Mới đây Mỹ lại cung cấp tên lửa HIMARS dày dạn chiến tích ở Ukraine.

Nhưng Đài Loan với 36.000 km² không có hậu phương mênh mông như Ukraine 600.000km². Mật độ công nghiệp dày đặc sẽ rất dễ bị tổn thương bởi một đối thủ bom đạn như nước và quan trọng nhất là coi mạng người như rác. Con hổ không thể nuốt tươi con nhím, nhưng lúc nào đó, con nhím sẽ chết vì gãy xương dưới sức đè của con hổ. Cái đích của Đài Loan là phải cầm cự cho đến lúc có tiếp viện từ Mỹ. Thành thật mà nói, chỉ có Mỹ mới đủ sức và ý chí can thiệp.

Dù không có hiệp định hoặc ràng buộc nào về quân sự, nhưng trong cuộc đối đầu này thì việc mất Đài Loan sẽ là một thất bại nặng nề về địa chính trị cho Mỹ. Trả lời phỏng vấn CNN mùa thu 2021, tổng thống Biden khẳng định bảo vệ Đài Loan là trách nhiệm đạo đức của Mỹ. Từ nhiều năm nay, hạm đội Mỹ luôn có mặt ở biển Đông, ở biển Nhật Bản và quanh Đài Loan để dằn mặt Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Trung Quốc đổ bộ, số lượng binh sỹ Mỹ đóng ở Nam Hàn và Nhật Bản quá nhỏ. Đài Loan vẫn phải cầm cự cho đến khi đại binh từ Mỹ sang. Điều quyết định là Mỹ cũng phải chơi đến cùng.

Ist möglicherweise ein Bild von Natur

Chướng ngại vật chống tăng trên bờ biển Đài Loan

Tập biết điều này và cũng không điên rồ như Putin. Trung Quốc quyết phát triển kinh tế để làm chủ thế giới nên sẽ không tìm một cuộc chiến mà có thể làm nồi cơm vỡ tan tành. Con hổ sẽ chờ vào sự suy yếu của phương tây, chờ vào lúc Nhà Trắng lại có một ông chủ coi “Nước Mỹ trên hết”, coi số phận Đài Loan không bằng trận Golf.

-Mối đe dọa từ phương Tây

Thì ra hiểm họa không chỉ đến từ Trung Quốc hay Nga, mà còn từ sự suy yếu của phương Tây và điều này đang xảy ra. Mới hôm qua thế giới vừa thở phào vì Bolzonaro, đồ tể tàn phá rừng Amazon của Brazil, bị đối thủ cánh tả Lula đánh bại. Hôm nay thiên hạ bị sốc bởi chính khách diều hâu Nethanjahu mới thắng cử trở lại ở Israel.

Các thủ lĩnh cực hữu như Trump, Bolzonaro, Erdogan, Nethanjahu hay mới đây nhất là Meloni ở Italia xuất hiện ngày càng nhiều ở phương Tây. Người ta lo ngại rằng cuộc bầu cử 8.11 tới đây sẽ đẩy nước Mỹ dấn sâu vào khủng hoảng, bạo lực. Những kẻ mị dân thường tỏ ra rất hung hăng bằng các lời lẽ chống cộng, nhưng khi Trump chửi Biden là cộng sản, cũng như Bolzonaro chửi Lula, họ đã xóa nhòa ranh giới giữa đen và trắng, họ làm cho mô hình Trung Quốc “thịnh vượng không có tự do” bỗng trở nên hấp dẫn.

Hình ảnh các dân binh da trắng súng ống đầy người đi lại nghênh ngang trên đường, các cuộc xung đột chủng tộc và các vụ xả súng như cơm bữa ở Mỹ đang xói mòn nguyện vọng dân chủ của người dân các nước đang phát triển.

Trong chiến tranh lạnh, Phương Tây thống nhất trong một cộng đồng có cùng những giá trị. Ngày nay, những tính toán thực dụng quy ra tiền, như việc Mỹ rút khỏi hiệp định TPP, ý đồ xóa bỏ NATO hay rút quân Mỹ khỏi Nam Hàn, kết bạn với Kim Jong Un… là những mâm cỗ lớn cho Tập. May mà nhiều việc đã không thành. Nhưng chúng đã và sẽ không còn là điều cấm kỵ.

Đám dân túy lên cầm quyền không bằng súng, mà bằng các cuộc bầu cử dân chủ chứng tỏ nhiều người dân cho rằng hệ thống chính trị già cỗi của CNTB không còn có thể cải cách nữa. Điều này giúp những kẻ như Tập hay Putin đánh cược vào sự tan vỡ của các nền dân chủ. Putin đe dọa dùng bom nguyên tử ở Ukraine chính vì nhìn thấy sự dùng dằng của NATO.

Trung Quốc đang mạnh lên. Nhưng bản chất của độc tài là cấm tự do tư tưởng và điều đó kìm hãm sức sáng tạo của con người. Do đó Trung Quốc vẫn tụt hậu trong rất nhiều lĩnh vưc mà ví dụ về chip ở bài trước chỉ là một. Từ trí tuệ nhân tạo, 5G, Big data, lai tạo gene, ô-tô điện đến thương mại điện tử Trung Quốc đều copy phát minh của phương tây, nhưng đạt kết quả cao hơn. Đó là nhờ thị trường mênh mông, nhờ năng lực sản xuất nội địa và cũng nhờ vào cạnh tranh méo mó. Nếu Amazon, Google, Facebook… cũng được hoạt động bình đẳng ở Trung Quốc thì không biết những Alibaba, Baidu, Weibo hiện đang ở đâu?

Lãnh đạo Trung Quốc là những nhà kỹ trị nên họ biết mình đang ở đâu. Nhưng nếu xây dựng một xã hội sáng tạo, tự do, nhân bản thì họ lại không còn là họ. Đó là một mâu thuẫn.

Phương tây tự do, đi trước, cũng biết điều đó nhưng họ không thể không ve vãn Trung Quốc, vì đó là cách kiếm lời tốt nhất trong cạnh tranh TBCN. Đó cũng là một mâu thuẫn.

Không thị trường nào khát hàng cao cấp như Trung Quốc và cũng không nước nào sản xuất hàng hóa rẻ như Trung Quốc. Người Mỹ thu nhập gấp 6 lần, nhưng đi du lịch nước ngoài hơn ít người Trung. Mỹ có GDP cao hơn Trung Quốc nhưng xuất khẩu hàng hóa ít hơn Trung Quốc (và Đức). Trung Quốc đứng đầu về vận chuyển hàng hóa toàn cầu. Đức muốn Trung Quốc vào cảng của mình là vì vậy. Đó là những kẽ hở mà Trung Quốc sử dụng để lấp dần khoảng cách công nghệ.

Trung Quốc phải mua các sản phẩm cao cấp của phương Tây để chế ra hàng tiêu dùng rồi bán ngược trở lại. Xã hội tiêu thụ đã giúp cho hàng hóa Trung Quốc tràn ngập. Tiền lời từ hàng tiêu dùng được đầu tư dần vào các ngành mũi nhọn ở Châu Âu. Cứ như vậy, các hãng công nghệ cao như Kuka và Putzmeister của Đức, Volvo của Thụy Điển rơi vào tay Trung Quốc, kèm theo Know How hàng trăm năm. Tới đây có thể là hãng sản xuất chip Elmos ở Dortmund[1], hay một phần cảng Hamburg.

Tôi biết công ty Huawei ở Düsseldorf. Chỉ có vài người Hoa nằm ở chóp bu, còn hàng trăm nhân viên, từ manager đến các kỹ sư trưởng đều là người Âu. Nguyên tắc “Tư bản tự do – Nhà nước không can thiệp” đã lỗi thời, vì nó đang giúp chủ nghĩa tư bản độc tài bóc lột sức lao động của những công dân tự do đầy sức sáng tạo.

Chủ nghĩa tư bản và xã hội tự do sau 300 năm phát triển đã đến lúc không còn mặc vừa cái áo cũ. Nó cần được canh tân tận gốc rễ. Cho dù nó ngày càng bộc lộ các khiếm khuyết nặng nề, nhưng về cơ bản đó vẫn là chế độ xã hội tiến bộ nhất hiện nay. Tự do cạnh canh, tự do tư tưởng vẫn là mảnh đất tốt nhất cho con người sáng tạo. Tam quyền phân lập và đa nguyên chính trị là cơ chế tốt nhất tự kiểm soát, tự khóa nhau để chống lạm quyền, chống tham nhũng. Tự do ngôn luận, tự do bầu cử vẫn là cách tốt nhất để phê phán và đào thải các chính quyền kém hiệu quả…

Mô hình này suy yếu thì sẽ không còn ai chặn được “biến đổi khí hậu” từ Trung Quốc nữa. Đó là đe dọa lớn nhất hiện nay.

Nguồn: FB Nguyễn Xuân Thọ

Comments are closed.