(Rút từ facebook của Lê Minh Hà)
Gió không còn thổi nữa, giữa thành phố. Hà Nội biến đổi hoàn toàn trong mắt người về. Hà Nội không còn cái xao xuyến xưa, khi bước qua mặt phố tấp nập đã có thể tình tự ngay với một mặt giếng tôi tối phả hơi man mát, với hương cây, hoa sói chăng, hoa ngâu chăng, giữa vườn trong số (nhà), chứ không hẳn chỉ là vườn trong phố. Không mấy gia đình Hà Nội giữ được cho mình cả một không gian nhà – vườn, cửa tiền mở ra phố này cửa hậu lại mở qua phố khác như thế sau hòa bình lập lại. Cũng bởi thế mà cái duyên dáng Hà Nội này một thời lại có cái uy riêng, phảng phất trong nếp ăn nếp ở nhất quyết không xô bồ giữa thời buổi tạp giao kéo dài, gọi đẹp là thời bao cấp. Trong cái không gian đặc biệt Hà Nội đó, luôn luôn có bóng dáng một ông cụ hay một bà cụ, vừa minh mẫn vừa thư thái, kiệm lời, và mình có cảm giác quyền uy văn hóa của thành phố này hiện diện nhiều nhất qua chính họ.
Nhưng đó là một kiểu uy quyền thất thế, giữ được cũng nhờ còn chút của nả chống lưng. Chứ Hà Nội thật sự của chúng mình, lứa tuổi trên dưới năm mươi, rất khác. Chúng mình không từng biết thế nào là đường ra trận mùa này đẹp lắm, nhưng lại biết nỗi sợ lạnh người khi từ một xóm nhỏ nào đó hướng về Hà Nội sau đêm máy bay oanh tạc. Hà Nội với chúng mình là “em bé Hà Nội ” Lan Hương với cây vionlon trên tay sau trận bom về Hà Nội tìm mẹ, mắt đen như là đêm, đau lặng lẽ. Hà Nội với chúng mình là đèn điện, là kem, kem Hàng Vôi, Tràng Tiền, Cẩm Bình, cao sang hơn thì có Bốn Mùa bên hồ Gươm nước nặng một màu xanh của cây lá và của lớp lớp dĩ vãng. Hà Nội với chúng mình là rạp Tháng Tám, Công Nhân, là bể bơi Tăng Bạt Hổ, là trường lớp. Và giữa những niềm vui là những lo toan xếp gạch hàng ngày ở cửa hàng gạo, cửa hàng chất đốt, cửa hàng thực phẩm. Đứa thạo chợ búa hàng họ Ô Đống Mác, Chợ Hôm, đứa rành Hàng Da, Hàng Bè. Đứa nào may mắn thì được lai vãng cửa hàng Nhà Thờ, Tôn Đản. Cái sự này thì đúng là may mắn, chứ đến thế kỉ hay đất nước để đầu thai đã không chọn được, nói gì đến chọn người “làm to” làm cha mẹ cho mình.
Hà Nội bây giờ nhiều bể bơi, nhưng bể bơi thiếu nhi Tăng Bạt Hổ thì không còn nữa. Nhà chồng mình ở phố này, ngày xưa yên tĩnh lắm. Giờ lúc nào cũng ngùn ngụt người xe, tụ tập bên phía nhà xác viện 108 thì ít, tụ tập ở hàng ăn thì nhiều. Bể bơi Tăng Bạt Hổ là một điểm ăn chơi cùng với câu lạc bộ Thanh Niên (xưa là câu lạc bộ Lao Động) liền kề. Rồi Lan Chín, Hải Xồm, và giữa những nhà ăn nhà uống đời mới này là vô số hàng nước, hàng buôn bán vặt. Đi trên phố lúc nửa đêm còn thấy ngốt ngát người xe hơn cả ban ngày, không dưng thương cho tuổi mình. Biết dừng đâu, để nhớ về trong yên lặng cái nỗi nhớ ngày xưa, nhớ giọt nắng nhảy nhót trên vai người sau cơn mưa, nhớ tiếng ve, nhớ lá, nhớ một người con trai đi xa, đêm chia tay chỉ nhìn không hẹn ước, nhớ cả nỗi ngạc nhiên mà chưa biết bàng hoàng khi chứng kiến cảnh bà con nông dân ngồi im lặng dưới mắt nhìn của rất nhiều cảnh vệ trước nhà cái H. học khoa Lý sau mình. Bố nó lúc đó mới lên thủ tướng. Nhà nó sau đó chuyển đi, thành trụ sở của cơ quan dầu khí. Mãi sau này mình mới hiểu những cuộc bà con tụ tập như thế, ở gần lăng, trước nhà nó hay đâu đó là những cuộc biểu tình thầm lặng, trong khuôn khổ xin – cho. Mấy chục năm qua, trở lại, chứng kiến cảnh bà con nơi này đấu tranh nơi kia đi thăm quê bác, mình ngộ ra một điều xem chừng khá là phản động: chỉ có mấy ông bà lắm chữ mới cần dân chủ, chứ dân thì không, dân mình đến tận thế kỉ này hình như vẫn nghĩ cần có chủ, chủ sáng dân nhờ. Khát vọng của số đông về một minh chúa đời mới này sẽ dẫn đất nước về đâu?
Hà Nội không còn Phú Gia. Khách sạn Phú Gia vừa được đập bỏ. Có xây mới chăng mình không biết. Đi qua thấy lổn nhổn một mặt bằng chưa dọn hết gạch vữa. Tuổi chúng mình chỉ biết Phú Gia qua cái cửa. Mấy đứa có dịp bước chân vào! Tận bốn năm trước, nghĩ cũng thẹn, mình mới được đồng chí bạn dẫn vào đây, cho ăn kem, cho nhìn phượng đỏ còn le lói góc hồ bên kia Đinh Tiên Hoàng, cho nghe gã ta thú nhận rằng đã có thời suýt bảo rằng tớ mê cậu. Phú Gia không còn, thôi cũng được. Nhưng Bốn Mùa? Hình như chính hiệu kem này ngày xưa là nhà vợ nhà văn Hoàng Đạo? Nơi này hơi sang trọng quá với tuổi chúng mình, có dừng chân thì cũng chỉ tính chuyện đứng mút kem vỉa hè, (kem cốm hiệu này rất tuyệt), chứ qua tuổi được người lớn dắt đi mà chưa có đấng người yêu nào dắt thì đừng mơ vội. Bây giờ Bốn Mùa ngự cả ở bên này Bờ Hồ, có món kem dừa kiểu phương Nam làm thằng con mình mê mẩn. Buổi tối sát ngày bay, anh cu xin một lần ra đó, nhìn hồ đêm và ăn thêm một quả dừa kem. Mình để ý nó lúng túng khi mấy đứa bé trạc hoặc còn kém tuổi thằng bé ra mời chào mấy cái kẹo cao su. Đi ngủ, thằng bé tần ngần hỏi giá cái kem nó ăn, gồm một quả dừa xiêm tươi và kem trong đó. Bảy lăm ngàn đồng tiền Việt. Quá rẻ nếu tính ra euro. Nhưng “có lẽ tất cả kẹo cao su của mấy bạn muốn bán cho con lúc tối cũng chưa tới ngần ấy tiền phải không mẹ?”. Thằng con không biết rằng câu hỏi đó làm mẹ nó thao thức mãi, mừng con mình biết áy náy trước nỗi có có không không ở đời này, mà cũng lại thương con, tí tuổi đầu đã không còn vô tâm thì làm sao sướng.
Nhưng nó cho là nó sướng. Vì được đi học và vì không phải đi học. Về Việt Nam, thằng bé đã kinh ngạc khi thấy đầy đường học trò trạc tuổi mình mặc đồng phục đeo khăn đỏ rều rệu xe đạp chen trong dòng xe máy. Hỏi các bạn đi đâu? Học! Đó mới là đi học hè theo kế hoạch của trường, được Sở Giáo Dục chuẩn y. Chưa nói tới đi học thêm ở nhà thầy cô. Cúm lợn, trong những ngày mình ở Việt Nam nếu đối với học trò là niềm vui tột bực thì với giáo viên là nỗi kinh hoàng. Cái ngày sở Giáo Dục Hà Nội ra lệnh dừng triệt để các hoạt động (học) hè ở các trường vì nguy cơ cúm lây lan, thằng bé cháu gọi mình bằng bà trẻ từ sáng tinh mơ đã lao qua nhà, hát váng lên chưa có bao giờ đẹp như hôm nay non nước mây trời làm ta mê say và xông vào phòng lay ông chú cùng tuổi dậy thông báo cháu được nghỉ học chống dịch. Buổi sáng đó thằng bé thao thao giảng giải cho ông chú thế nào là học hè, học thêm, học phí, tự nguyện phí, thi đua, kiểm điểm, đội viên, game thủ. Buổi sáng đó bà chị mình sang trường về hậm hực thở dài vì chẳng biết khi nào được gọi học trò về dạy lại, lấy gì chi tiêu.
Những mùa hè vời vợi tuổi học trò đã thành quá xa xôi. Không còn nữa những đầu thu xanh và cao, ra nắng thì nóng mà chỉ vào trong bóng râm chốc lát đã thấy se mình, se cả lòng khi lá phượng rơi như mưa vàng xuống phố. Không còn nữa một không gian, để cảm, cái bồn chồn đấy mà ơ hờ đấy, cái êm lặng của một mùa lắm bão, cái đẹp chưa từng thấy của mùa thu nơi nào khác trên thế gian này. Hà Nội đã khác xưa hết cả. Hà Nội không còn cảnh cũ, còn người thì ào ào sống, dường như không thiết rưng rưng.
May mà mình được thằng con cảnh tỉnh về Hà Nội mẹ chỉ có mỗi một từ yêu thích là ngày xưa. Nói chuyện với chú lái xe tắc xi cũng ngày xưa chỗ này có cái này không có cái kia. Nói với bạn mẹ cũng chỉ ngày xưa bọn mình thế này bọn mình thế kia. Giớ thiệu học trò cũ mẹ lại bảo là ngày xưa mẹ cùng các cô chú làm việc ở một trường mẹ ngồi chỗ này các cô các chú ngồi chỗ kia. Mẹ thật là… Rồi nó lắc đầu thương cảm. Lập tức tỉnh hồn.
Thôi kinh ngạc khi đi qua những đường nay Hà Nội. À mà người Hà Nội cũng không quen nói từ phố nữa. Cũng phải. Trong từ phố chứa một cái gì đó không dễ gì nói được, như đã tàn phai nơi này. Là hồn phố chăng? Chỉ còn khi còn có những người muốn lắng nghe mình, ấp iu những mơ hồ của gió, nắng, của bước chân năm tháng đi về trong mỗi tiếng xưa chăng?
Hà Nội hôm nay có những con đường mới. Tên các vị lãnh tụ Cách mạng kể cả từ thời bóng tối được đặt cho những con đường mới mở thì mình thuộc quá, từ Nguyễn Phong Sắc tới Nguyễn Chí Thanh. Nhưng chỉ có đôi ba đường mình nhớ tên. Đường Phạm Hùng rất ấn tượng với mình, không phải vì nhà cao người đông, mà vì trồng độc sữa. Ối chao! Bụi này, khói này, lại thêm cái mùi hoa nằng nặng này thì mùa thu Hà Nội chắc thành giấc mộng kinh hoàng với ai có cơ địa dị ứng, động cái là thở như cối xay long giằng. Hoa sữa đáng yêu phải là một mùi hương mỏng dần đi khi thấp thỏm chờ nhau góc phố Quang Trung hay Bà Triệu, chứ đường cây Nguyễn Du, có họa dở hồn mới hẹn hò nhau, thứ nhất vì đứng ở đó mùa thu thì có mà tắc thở, thứ hai, quanh quanh hồ Thiền Quang, không biết bây giờ ra sao, chứ một thời thứ người hiền như chúng mình đố đứa nào có can đảm dừng xe buổi tối .
…
Nhớ cái tuổi hoàng kim của mình đã qua đi trên thành phố này, trên chính mảnh đất đang dừng chân này lâu lắm lắm rồi. Ngày ấy chúng mình có những đường cây, những vòm sao, gió, và phố, có chân trời ở mỗi góc hồ này, có nỗi cô độc làm mình lớn lên, có những ngu ngơ làm khả năng cả tin tăng trưởng. Họ bây giờ?
Bây giờ mình đang đi giữa đường cây. Berlin này thu đã. Sao phải tới tận đây mình mới tìm lại được một phần thành phố ấy, một phần mình? Cũng chỉ một phần thôi. Vĩnh viễn nơi này không có mùi hương những mùa thu cũ, hương sữa, hoàng lan, mùi lá đốt ven hè phố, mùi sương dâng khi thành phố lên đèn, vĩnh viễn nơi này không có tiếng mưa tí tách đùa trên lá, không có mùi ngô nướng tỏa từ một bếp than hồng nào dưới một mái nhà nào thoảng trong mưa.
…
Có những người đi chỉ tìm lại được mình khi trở lại. Có những người về hiểu ra đất sống của mình giờ đã khác, lại mong ngóng ngày đi.
Nơi này, chốn ấy, với người này người khác, không cứ phải là Lưu Nguyễn, nhắm mắt mở mắt là lại đã luân hồi, vĩnh viễn thành cõi thiên thai.
Ngày vẫn hằng phải sống.
Đành thế đã.