2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 26)

Hoàng Hưng

261. Compromised formation: (sự) Hình thành thoả hiệp

(phân tâm học): Một hình thức mà ước muốn, ý nghĩ, hay kí ức bị đè nén tự khoác áo để đi vào được ý thức như một triệu chứng, thường mang tính thần kinh, một giấc mơ, một parapraxis (hành động hay lời nói lỡ, nhịu) hay biểu thị khác của hoạt động vô thức. Ý nghĩ gốc bị bóp méo vượt khỏi khả năng nhận biết để cho yếu tố vô thức cần đè nén và ý thức cần được bảo vệ khỏi nó đều thoả mãn phần nào nhờ sự thoả hiệp. Ý tưởng này được Sigmund Freud (1856-1939) đưa vào năm 1896 trong bài viết “Nhận xét thêm về những chứng thần kinh-tâm thần của sự phòng vệ” và sau đó phát triển trong sách “Những bài giảng Dẫn nhập về Phân tâm học” (1916-17). “Hai lực vốn không khế hợp lại gặp nhau một lần trong triệu chứng và được hoà giải. Cũng vì thế mà triệu chứng thật dai dẳng: nó được cả hai phía chống đỡ”.

262. Compulsion: (sự) Thúc ép

Một mẫu hành vi lặp đi lặp lại (như rửa tay, đề phòng, kiểm tra) hay hoạt động tâm trí (như cầu nguyện, đếm, thầm đọc những câu, từ) mà một người cảm thấy buộc phải thực hiện theo những luật lệ hay nghi thức nghiêm ngặt, nhắm rũ bỏ lo âu hay tránh được một kết quả kinh sợ nào đó. Hành vi hay hoạt động tâm trí có thể là quá mức hay không thực sự có khả năng đạt được mục tiêu ham muốn, và được nhận biết là thế bởi chính người thực hiện.

 263. Concept formation: (sự) Hình thành khái niệm

Khái niệm là một biểu trưng, ý tưởng, hay suy nghĩ trong tâm trí, tương ứng với một thực thể chuyên biệt hay một lớp thực thể, hay sự định nghĩa hoặc những đặc điểm nổi bật mang tính nguyên mẫu của thực thể hay lớp, có thể là cụ thể hay trừu tượng. Theo một số nhà nghiên cứu có thẩm quyền, để có được một khái niệm đủ tư cách, tiến trình tâm trí phải có ý thức: trẻ nhỏ không có các khái niệm về danh từ hay động từ mặc dù hành vi ngôn ngữ của các em cho thấy các em hiểu những khái niệm ấy và có thể phân biệt hai cái.

Tiến trình thu nhận được hay học được một khái niệm thường là từ những ví dụ về những khoản mục thuộc về phạm trù của khái niệm và những khoản mục không thuộc về nó. Nói chung, việc này bao hàm học cách phân biệt và nhận biết những thuộc tính thích đáng mà theo đó các khoản mục được phân loại và những qui tắc chỉ huy việc kết hợp những thuộc tính thích đáng vốn có thể không có liên hệ với nhau, như trong khái niệm về một đồng tiền kim loại (có thể có hình tròn, đa giác, hay hình nhẫn). Cũng gọi là concept identification (nhận dạng khái niệm) hay concept learning (học khái niệm).

264. Concrete operations: (các) Thao tác cụ thể

(lý thuyết phát triển nhận thức của Jean Piaget (1896-1980)): Giai đoạn phát triển nhận thức giữa các độ tuổi 7-12, trong giai đoạn ấy đứa trẻ trở nên thành thạo việc thao tác với những biểu trưng nội tâm của các vật thể vật chất và đạt được sự nắm vững những hình thức bảo tồn khác nhau của vật thể (bảo tồn dung tích, khối lượng…).

265. Condensation: (sự) Cô đúc

(phân tâm học): Biểu trưng của nhiều chuỗi liên tưởng trong tâm trí bằng một ý nghĩ đơn nhất. Hiện tượng này được biểu thị trong các giấc mơ, các triệu chứng thần kinh, lời đùa cợt, và những biểu thị khác của hoạt động vô thức, và là đặc trưng của tiến trình sơ cấp. Sigmund Freud là người đầu tiên nói đến hiện tượng vào năm 1900 trong sách Diễn giải các giấc mộng. Năm 1916-17, khi sách Các bài giảng dẫn nhập về phân tâm học xuất bản, ông đã đi đến chỗ coi sự cô đúc có thể không trực tiếp có lý do ở sự kiểm duyệt nhưng dẫu sao nó phục vụ cho lợi ích của kiểm duyệt. Trong một bài viết trên tập san La Psychoanalyse (Phân tâm học) năm 1957, nhà phân tâm học người pháp Jacques Lacan (1901-81) liên hệ sự cô đúc với metaphore (ẩn dụ) và cơ chế phòng vệ của displacement (sự dịch chuyển) với metonymy (hoán dụ).

266. Conditional positive regard: Thái độ tích cực có điều kiện

Một thái độ chấp nhận và đánh giá tốt được biểu đạt bởi những người khác dựa trên một cơ sở có điều kiện, tức là phụ thuộc vào sự tiếp nhận của cá nhân và những tiêu chuẩn cá nhân của những người khác. Trong lí thuyết về nhân cách này, Carl Rogers cho rằng trong khi nhu cầu về thái độ tích cực là phổ quát, thì thái độ có điều kiện đi ngược lại sự phát triển và hiệu chỉnh Tâm lý học lành mạnh ở người tiếp nhận nó.

267. Conditional strategy: Chiến lược có điều kiện

Năng lực của các cơ thể phát triển những chiến lược hành vi khác nhau phù hợp với những hoàn cảnh và điều kiện hiện tại. Chẳng hạn, một con vật giống đực trưởng thành có thể bảo vệ một cách tích cực một lãnh thổ và canh giữ các con cái, trong khi một con đực non giữ tư cách satellite male (con đực vệ tinh) không tạo thành và bảo vệ lãnh thổ mà lại toan tính giao phối với những con cái có thể có được. Nếu con đực đầu đàn chết hay biến mất, con đực non có thể nhanh chóng thay đổi chiến lược để trở thành con đực bảo vệ lãnh thổ.

268. Conditioning: (sự) Điều kiện hoá

Tiến trình học thông qua đó hành vi của cơ thể trở nên phụ thuộc vào kích thích của môi trường. Hai hình thức hàng đầu của nó là classical/ Pavlovian conditioning (điều kiện hoá kinh điển/ kiểu Pavlov) và operant/ instrumental conditioning (điều kiện hoá thao tác / mang tính công cụ).

269. Condition of worth: Điều kiện của giá trị

Tình trạng một cá nhân coi sự yêu thương và tôn trọng là có điều kiện, khi được sự tán thưởng của những người khác. Niềm tin này xuất phát từ cảm giác của đứa trẻ thấy mình đáng được yêu thương dựa trên cơ sở sự tán thưởng của cha mẹ. Khi cá nhân trưởng thành, người ấy có thể tiếp tục cảm thấy mình xứng đáng được yêu thương tôn trọng chỉ khi nào biểu đạt những hành vi được mong muốn [đề xuất của Carl Rogers].

270. Confabulation: (sự) Nguỵ tạo kí ức

Sự nguỵ tạo kí ức trong đó những lỗ hổng của trí nhớ được lấp bằng những sự nguỵ tạo mà cá nhân chấp nhận như sự thật. Nó không bị coi hoàn toàn như toan tính có ý thức lừa bịp người khác. Một số nhà nghiên cứu có thẩm quyền coi đó là “honest lying” (sự nói dối lương thiện). Hiện tượng này thường xảy ra trong hội chứng Korsakoff (gọi theo tên nhà tâm thần học người Nga TK 19) và ở chừng mực nhỏ hơn trong những điều kiện khác liên kết với chứng mất trí nhớ có nguyên nhân cơ hữu. Trong pháp y, nhân chứng có thể nguỵ tạo chứng cứ nếu bị áp lực phải nhớ lại quá sức nhớ của mình.

Comments are closed.