Trong thoáng xuân Hà Nội (thư từ, ghi chép, 1986-1991) (kỳ 19)

Lại Nguyên Ân

clip_image001

Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771

 

26/11/1987

Hội nghị tại Ban Văn hóa tư tưởng Trung ương Đảng

TRẦN ĐỘ: Một số tình hình. Bộ Chính trị ra Nghị quyết. Hội nghị này bàn triển khai Nghị quyết và bàn một số vấn đề:

+ chức năng, vai trò, bản chất văn nghệ (“con hát”? – ngược lại: nghệ sĩ cao “tính dự báo”)

+ quan hệ văn nghệ – chính trị.

+ tự do sáng tác

+ hiện thực xã hội chủ nghĩa; vấn đề chống tiêu cực

NGUYỄN VĂN HẠNH (…)

HỒ SĨ VỊNH (đọc bài sẵn) – Văn nghệ và chính trị ; – Hiện thực XHCN.

NGUYỄN HẢI HÀ: – bản chất: văn nghệ trình bày các khả năng.

“Ta đã gán cho tác phẩm một tải trọng tư tưởng quá mức”

– Văn nghệ và chính trị, tự do sáng tác (dẫn quan hệ Lenin-Gorky trong hồi ký Gorky).

– Vấn đề hiện thực XHCN: chúng ta sống trong “thời lãng mạn”, thời “CNXH không tưởng”.

TRẦN TRÍ TRẮC (phó TS. sân khấu):

Chức năng nghệ thuật: chỉ có một chức năng thẩm mỹ.

3 chiều: người sáng tạo; người quản lý; công chúng.

MAI QUỐC LIÊN: – Văn nghệ và chính trị: thời gian dài trong lịch sử không có các ban bệ tổ chức lãnh đạo, nhưng vẫn có văn nghệ. Có thì cái chính là tạo điều kiện cho văn nghệ; chỉ thị nghị quyết có tác dụng nếu nó vào đời sống.

– Vấn đề chức năng văn nghệ: ở Liên Xô đã bàn: phân biệt nghệ thuật (gần trực giác) với khoa học (chân lý, cũng thông qua trực giác), nhưng nghệ thuật cũng gần khoa học.

– Không tán thành nêu chức năng dự báo, vì dự báo nằm trong chức năng nhận thức.

– Tự do sáng tác: chừng nào còn ăn lương mà viết −> chưa có tự do.

– Hiện thực XHCN: 20 năm đề ra như 1 methode; đề ra như khái niệm để làm việc. Với những tác phẩm như phim Sám hối, truyện Rasputin, khái niệm không đứng vững. Hiện thực XHCN chỉ còn lại là vấn đề thế giới quan. Nên để cho người ta tự do nói, đừng cấm đoán.

– Phê bình văn học: Địa vị phê bình nhếch nhác.

VŨ ĐỨC PHÚC:

– Bàn lý luận phải liên hệ thực tiễn

– Chức năng: Nghệ thuật nhiều chức năng, nhưng chức năng tư tưởng là hàng đầu. Theo Vũ Đức Phúc: người đưa lý thuyết 3 chức năng văn nghệ vào VN là Septulin, đưa vào giảng dạy hồi những năm 60 ở trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.

– Văn nghệ và chính trị: Ta định nghĩa chính trị lơ mơ nên không rõ quan hệ. Chính trị là đường lối, chính sách của các thể chế, của bộ máy chính quyền.

Người viết phải lụy người biên tập, đó là chính trị. Chính quyền cho diễn hay cấm diễn một vở kịch, là chính trị. Thể chế phải lãnh đạo văn nghệ. Nếu bây giờ ai viết đụng đến 3 chính sách lớn của Nghị quyết Đại hội 6 −> chết ngay.

Cái cần là bộ máy chính trị phải tốt từ trên xuống dưới chứ không phải sửa quan hệ văn nghệ và chính trị.

Chiều 26/11

HOÀNG TRINH: – Sinh hoạt dân chủ hóa như thế này (cuộc họp này) là tốt.

– Lãnh đạo văn nghệ, khoa học mà quan dạng, xa cách, tạo thành một tầng lớp đặc biệt… −> không hay. Văn hóa, khoa học xa với quan dạng.

– Nhìn lại quá trình lịch sử, dù có những hạn chế lớn, dù sao ta cũng đã xây dựng được một lực lượng là vốn quý, có ích: Hải Triều, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh…

– Phải tự phê bình

– Về công tác lý luận: muốn đẩy mạnh, phảy xây dựng cơ chế lý luận văn nghệ và văn nghệ: bảo đảm chủ nghĩa Mác-Lênin, bảo đảm xuân hóa trẻ hóa lý luận một cách chủ động.

Bác bỏ lý luận định đề (đưa ra là coi như chân lý), mô thức tự xem mình là khuôn mẫu.

Chủ nghĩa hiện thực nên được phát triển thêm. Ta đã khuyến khích viết về 2 hiện thực chiến đấu, sản xuất, nhưng không được độc quyền hóa 2 hiện thực ấy. Tôi cho có những hiện thực khác: hiện thực xã hội (tâm lý-xã hội, con người-con người, giáo dục thanh thiếu nhi, hiện thực gia đình… trước đây nếu viết về chúng thì sợ xa vấn đề cơ bản).

– Lối viết (phê bình, nghiên cứu) chia chủ nghĩa lãng mạn = tích cực + tiêu cực? Lamartine, Vigny đặt vào đâu? “Thơ mới” tiền chiến rất hay, Hàn Mặc Tử rất hay, ta quên, đã để mất di sản quý. Thế giới đã khôi phục Kafka…

Cách nghĩ định đề và mô thức rất tai hại. Các bậc cha anh phải tự phê bình. Lối viết “tác giả, cuộc đời, sự nghiệp” −> lạc hậu, không xử lý được tác phẩm.

Lối chia tác phẩm = tính tư tưởng + tính nghệ thuật −> không thấy tính hữu cơ, mang định kiến.

Liên Xô tự phê thái độ trước đây, đối xử khác với nhà văn lưu vong, Hunggary khôi phục Lucacs,(12) tuy vẫn phê…

Lý luận văn học ở ta:

– Một thứ lý luận khổ hạnh gò bó trong công thức suy luận (ta phải lắng nghe cả bọn chống CNXH, bọn Marxologie).

– Một thứ lý luận an phận, không dám tìm tòi gì.

– Một thứ lý luận tỉnh lẻ, không có giao lưu, không khai thác thế giới hiện đại phương Tây, ngay cả những quan điểm tích cực của Freud.

– Một thứ lý luận thiểu lực.

– Giải quyết các vấn đề bản chất, chức năng là quan trọng; lâu nay ta coi nhẹ chức năng thẩm mỹ là một bản chất rất cơ bản của văn nghệ; trong khi ta thiên hẳn về nội dung chính trị. Cần nói thêm: – bản chất nhân bản: văn nghệ có tính giai cấp, dân tộc, nhưng còn có tính chất nhân loại, thời đại.

– chức năng sáng tạo

– bản chất chân thật: văn nghệ chân chính không bao giờ tự dối mình và dối người.

– tính nhiều nghĩa, hàm nghĩa, −> khoa học về cách đọc.

NGUYỄN ĐỨC NAM: Tôi có những băn khoăn về lý luận vì không khớp với những cách hiểu cách đọc của mình.

Lý luận ta chưa có thành công lớn

– nguy hiểm của lý luận.

– bất lực của lý luận.

Những khái quát của chúng ta bất cập, xa với sự vật đang tồn tại. Tôi chưa tin những nguyên tắc mỹ học marxism rút từ các công trình của Marx. Marx và Engels luôn nói họ không có thời giờ làm mỹ học.

Ví dụ có 2 trường hợp quan trọng:

Sáng tạo

– của nghệ sĩ

– đơn lẻ, không lặp lại, cô độc

Tiếp nhận

– của công chúng

– đông đảo, kéo dài trong không gian thời gian vô tận

Ta chưa có những khảo sát hành động sáng tạo, cũng chưa có những khảo sát hành động tiếp nhận, mà không có thì không có đời sống văn học nghệ thuật. Ta đang loay hoay giữa khâu môi giới, vận động của cái nghệ thuật được vật chất hóa, di động giữa hành động sáng tạo và hành động tiếp nhận. Đối tượng của khoa học này cuối cùng là gì? Phải chăng nó tinh tế quá, chưa thể đo đạc? Công cụ của nghiên cứu văn học đến giờ vẫn là tư duy tư biện, − như thế không được!

Ví dụ nói 3 chức năng. Nói phổ cập quá bây giờ trở nên nguy hiểm. Sáng tác mà chăm chăm vào một chức năng (nhận thức, giáo dục) thì tất hỏng. Chức năng thẩm mỹ rõ ràng là bản chất biểu hiện lên các chức năng kia.

3 chức năng là khung của lý luận giành cho người quản lý.

Nghệ sĩ sáng tác bị thôi thúc ở cái gì? − ở cái không thể không nói.

Lý luận 3 chức năng không ổn khi nói từ phía người tiếp nhận.

– Quan hệ văn nghệ – chính trị chỉ riêng có vấn đề: xã hội ta tạo điều kiện thuận lợi cho sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm. Nhưng tại sao không làm được, không đẻ ra được một Vũ Trọng Phụng chẳng hạn? Có những điều rất nguy hiểm giống như ở các lĩnh vực khác, do quan liêu bao cấp…

– Hiện thực XHCN và phương pháp sáng tác: Tôi không công nhận có khái niệm phương pháp sáng tác, − tôi đã viết. Tôi thấy có trục trặc của lý luận này:

+ Phương pháp sáng tác chỉ nói được đến văn xuôi có cốt truyện, khó nói đến thơ, nhạc, họa…

+ Liên Xô, nơi đề ra khái niệm phương pháp sáng tác, đã đến lúc nói hệ thống “mở”.

+ Các nước XHCN rất dè dặt với khái niệm hiện thực XHCN (Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không nói đến phương pháp sáng tác).

VŨ QUẦN PHƯƠNG: – Hoài nghi lý luận

– Về quan hệ văn nghệ – chính trị; tự do sáng tác: liên hệ với y tế: làm thế nào mà Đảng ủy lại… chỉ vẽ được cho người bác sĩ mổ gan? Thời kỳ vụ Cây táo ông Lành: những cái buồn thảm của người viết. Những vụ việc như vậy đẻ ra tâm lý tùy thời. Đề nghị: quản lý văn nghệ theo pháp luật (Đừng quản lý kiểu mafia như trước đây: không đăng bài, bỏ quên hàng vài chục năm…).

– Pháp luật văn nghệ phản ánh theo thực tiễn.

– Chú ý lòng dân: dân muốn, dân thích −> những tác giả được in lại, những tác phẩm hợp lòng dân.

– Hiện thực XHCN là dự báo, nhưng theo ý chủ quan – bảo nắng thì bị mưa.

HÀ MINH ĐỨC: Về lý luận, ta không có thêm gì lớn, không phát triển, trong nhà trường cứ theo nếp cũ. Các bài báo lý luận ít. Thông tin lý luận yếu, đưa vào chính thống chậm.

Vài khâu lý luận tránh né: lý luận tính giai cấp: thuận; tính người: hình như ở ta không chấp nhận, Marx thừa nhận. Chỗ nào lý luận khó thì mình ngại khai thác.

Về nghiên cứu: Nhà văn không chịu ảnh hưởng lý luận gì cả. Tô Hoài: không biết hiện thực XHCN là gì, viết thì chỉ duy trì một niềm tin.

Về tính Đảng: ai bị phê thì sáng tác bị thui chột.

Nhiều khâu lý luận cần giải quyết: chức năng. Cần nhắc chức năng thẩm mỹ. Marx: nghệ thuật là sự vui thích cao nhất con người tự cho mình.

– Vị trí nhà văn trong đời sống xã hội khá thấp. Đời sống nghệ sĩ thấp, đáng tủi. Đời tư bị khai thác để trừ vào đánh giá tác giả.

– Hiện thực XHCN: từ đặt vấn đề đến giải quyết vấn đề (trong sáng tác) −> khiên cưỡng; chia nhân vật tích cực, nhân vật tiêu cực.

– Văn nghệ – chính trị: nguyên tắc phục vụ chính trị là phục vụ chế độ xã hội.

Những can thiệp thô bạo. Đi quá sâu vào chuyên môn. Xem nghệ thuật là phương tiện một cách tùy tiện.

NGÔ THẢO: Giới những người làm văn hóa văn nghệ có 3 mặc cảm lớn

1/ Mặc cảm nô lệ: hạn chế sáng tạo.

Từ sợ nô lệ −> giành và giữ độc lập −> quan tâm quá khứ, cha ông −> bảo lưu sản phẩm cổ (tuồng, chèo…) −> trong văn hóa: sợ cách tân.

2/ Mặc cảm bị trị: cần một minh chủ, minh chủ sai lầm vẫn theo. Ai ôm một mớ tri thức cũ đã lỗi thời vẫn ôm khư khư mớ đó. Coi chừng tâm lý người bị trị trong khẩu hiệu “dân chủ hóa”. Người ta quen phải đi hỏi: vậy tôi phải làm gì?

3/ Ý thức độc lập, thống nhất: ta có ý thức độc lập nhưng chưa có ý thức thống nhất. Ăn cây nào rào cây ấy, ít nghĩ góp những giá trị văn nghệ cho cả nước.

Ta ham cái độc lập của nước mình, không đặt nước mình trong xu trào thế giới.

TRẦN ĐỘ: – Ngày mai tiếp tục thảo luận

– Đề nghị nêu cho chúng tôi sự nhìn nhận vào văn hóa văn nghệ rộng hơn. Nêu rõ những cái cần giải quyết, nội dung, phạm vi của nó là gì, phải làm thế nào cho tốt hơn. Ví dụ trước kia nói “phục vụ nhiệm vụ chính trị” là nói việc ấy quan trọng. Nay phải quan niệm và làm thế nào?

Hoặc lý luận: từ những ấn tượng −> khái quát thành quan niệm, đúng hay sai?

27/11/1987

Tại Ban văn hóa văn nghệ Trung ương Đảng: Thảo luận tiếp tục

Nguyễn Văn Hạnh chủ tọa (Trần Độ đi họp Quốc hội)

TRẦN VƯỢNG: – Tự do của nghệ sĩ: là vấn đề bao trùm, là nguyên nhân của các nguyên nhân. Tự do là phạm vi của nhân quyền. Nhân quyền: quyền được phát biểu, phát ngôn, kể cả bằng văn nghệ.

– Chỉ có ở chủ nghĩa xã hội mới có chuyện công chức hóa văn nghệ sĩ. Việc này có lý trong lúc đầu (cách mạng, kháng chiến) bây giờ không thể kéo dài. Đây là tình trạng bao cấp, quan liêu trong văn nghệ. Cần thấy sự nguy hiểm của những viên chức trong văn nghệ (lãnh đạo, quản lý, biên tập…) ảnh hưởng đến sự phát triển văn học nghệ thuật.

THIẾU MAI: – Lý luận ở ta có vẻ nhập từ ngoài vào

– Những nhận xét về văn học hôm nay

– Bồi dưỡng đội ngũ lý luận phê bình

– Phản xạ với tình hình hiện nay: những phản ứng, suy diễn quanh một số tác phẩm, bài viết.

PHAN CỰ ĐỆ: – Về quan hệ văn nghệ – chính trị: là hai hình thái ý thức khác nhau. Chính trị: phản ánh hiện thực trực tiếp, nhanh nhạy, quan điểm chính trị thay đổi nhanh, quan điểm mỹ học thay đổi chậm.

Nhắc lại những chuyện trước, ví dụ nói vụ 1973-74, phê bình cũng khó: Chính trị biến đổi nhiều −> phê bình có cơ hội cũng khó.

Nghệ thuật: phản ánh chân lý cuộc sống, không minh họa chính sách; chân lý đời sống rộng hơn chính sách. Nghệ thuật có thể phản ánh cuộc sống đang chịu tác động của chính sách.

– Về tự do sáng tác. Tôi tán thành anh Trần Độ:

+ Sử dụng hội đồng các chuyên gia.

+ Đảm bảo tự do tranh luận trên báo chí, đảm bảo ý kiến người khác ý kiến mình cũng được đăng (điều này nói thì dễ, làm thì khó)

+ Cho phép văn nghệ thể nghiệm, giành ngân sách cho thể nghiệm.

+ Đảm bảo đời sống kinh tế.

– Về hiện thực XHCN

+ Đã có sự thể hiện ở văn học từ 1945 đến nay, dù có gây những mất mát, vẫn có thể tự hào về con đường đi của văn học đến hôm nay.

LẠI NGUYÊN ÂN: (nói, không ghi lại)

TẠ VĂN THÀNH: – Về bản chất, chức năng nghệ thuật.

– Đề nghị chấp nhận thuật ngữ văn hóa nghệ thuật (художественная культура [khudozhestvennaja kul’tura = văn hóa nghệ thuật) – nghệ thuật (văn nghệ) như một lĩnh vực, phạm vi của văn hóa.

LÊ SƠN: Tự do sáng tác gắn với dân chủ hóa. Dân chủ = để cho người ta nói thực.

Chiều 27/11/1987

Tại Ban văn hóa văn nghệ Trung ương Đảng: Thảo luận tiếp tục

PHƯƠNG LỰU: – Về chức năng nghệ thuật: tương đối nhiều. Ví dụ dùng thơ chữa thẹn −> cũng là chức năng của thơ. Nói 3 chức năng là nói gọn lại. Cái chính là chức năng thẩm mỹ.

– Về quan hệ văn nghệ – chính trị. Có vấn đề là vì lý do: chính trị tồi, nhưng phải biết ơn chính trị: có chính trị mới có Đại hội 6.

HOÀI LAM: – Không thể đi tìm chức năng nghệ thuật ở ngoài nó; những cái mà xã hội cần ở nó, đó là những nhiệm vụ, không phải chức năng (function). Nói chức năng là nói những năng lực, khả năng vốn có của nghệ thuật (các nhà mỹ học marxist đã nêu tới 24 chức năng nghệ thuật).

– Về phương pháp hiện thực XHCN:

+ Sự phát triển của sáng tác: phải vượt ra ngoài những khuôn khổ lý thuyết.

Ở các cấp độ phương pháp tư tưởng, phương pháp thế giới quan: đòi hỏi phải có phương pháp sáng tác.

+ Lý luận đòi hỏi phải khái quát −> mọi khái quát đều cực đoan. Không có chuyện chính trị lãnh đạo văn nghệ. Chỉ có quan hệ lãnh đạo giữa người với người, không có chuyện đó giữa sự vật với sự vật. Chỉ có chuyện Đảng lãnh đạo văn nghệ sĩ. Không có chuyện tách văn nghệ với chính trị. Văn nghệ phụ thuộc vĩnh cửu vào chính trị; không thừa nhận điều này là dại và thiệt.

– “Tự do” được xác định là vì có cấm kỵ, không có cấm kỵ không xác định được tự do.

– Quan niệm về nghệ thuật: bao giờ cũng nằm trong quan hệ chủ thể – khách thể. Bản chất nghệ thuật là tình người trước cảnh đời. Lâu nay ta quá coi trọng tư tưởng, nhưng cái mà ta cần ở nghệ thuật không phải là bản thân tư tưởng mà là sự thể hiện đẹp của tư tưởng. Tài năng chủ yếu là tài năng xây dựng hình thức đẹp của tư tưởng (diễn giả biện minh chỗ đúng của từ “con hát”). Số phận cá nhân là trung tâm sự thể hiện nghệ thuật. Thế giới nghệ thuật là thế của sự kết tinh những ấn tượng đẹp.

PHẠM VĨNH CƯ: Tại sao chủ nghĩa Mác chỉ có 3 thành phần (chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa xã hội khoa học), không có văn hóa học?

Ở Lênin: không có khiếu thẩm mỹ như Marx. Marx là người người nhất trong số các bậc thầy Marxism (có tình người, những bức thư tình hay nhất), nhưng Marx không để lại cái gì giống như bộ Mỹ học của Hegel. Marx sai trong hai việc: 1/ dự đoán thời điểm sụp đổ của thế giới tư bản; 2/ không lường được học thuyết của mình lại bị phát triển méo mó như thế nào.

Thời độc tài Stalinism, có những cách giết nghệ sĩ khác nhau: giết thẳng thừng, hoặc làm cho họ luôn sống trong ngột ngạt. Muốn tổng kết, khái quát được quy luật của văn học nghệ thuật, phải có thiên tài. Mỹ học Marxism đang chờ một thiên tài.

– Văn nghệ ta đặt trong văn cảnh văn minh loài người là đặt vào một cái gì quá lớn. Ta nhìn vào đó, như Lilipút nhìn vào người khổng lồ. Với phương pháp luận hiện nay, ta đang ở trong tình hình đó. Ta có thể mạt sát phương Tây, lên án Camus, Proust, nhưng không làm gì ảnh hưởng được đến văn hóa nhân loại cả.

– Về tự do: dẫn một bức thư Dostoievsky gửi Ngài Dobroliubov và…: Tại sao anh chủ trương tự do sáng tác, nhưng những người như Saltykov-Shedrin viết anh lại chê, không muốn ông ta viết? Tại sao anh lại chỉ dồn vào một mục đích trong khi nghệ thuật có thể nhắm nhiều đích? Nghệ thuật chân chính bao giờ cũng hiện thực, bao giờ cũng hợp thời, bao giờ cũng vì con người, bao giờ cũng gắn bó với chân thiện mỹ. Nghệ thuật rởm tả tư tưởng gì cũng rởm, chỉ có hại.

Cái nguy nhất của văn nghệ XHCN là để cho nghệ thuật rởm chi phối ghê quá. Ở CNTB có pop-art, nhưng người ta không coi nó là giá trị. Ở CNXH không có −> để cho nó ngầm tràn vào, nhầm là giá trị.

– Nghệ thuật có một nhiệm vụ: bồi dưỡng nâng cao tự hào dân tộc cho từng người.

LÃ NGUYÊN (La Khắc Hòa):

– Xung quanh vấn đề văn nghệ – chính trị:

Nói chung sang thời cận đại, hiện đại: tính tổ chức quá trình văn học gia tăng. Từ thế kỷ 17 (ví dụ với nền kịch Pháp) vai trò chính trị trong đời sống xã hội, văn hóa tăng. Nhưng chính trị và văn nghệ là hai hình thái ngoài nhau. Trong văn học, chính trị là ở tình cảm, tư tưởng của tác phẩm. Nêu đặt vấn đề: Chính trị trong văn nghệ; Chính trị của văn nghệ.

– Về tự do sáng tác

Nói chung, chừng nào chưa giải phóng con người khỏi quy luật hàng hóa thì chưa có tự do.

Ở Việt Nam, điều kiện cho tự do khó quá. Ở ta chưa có truyền thống thừa nhận tự do của con người tự nhiên, con người cá nhân. Trong sáng tác chỉ miêu tả những khuôn mẫu (standard), không thừa nhận cá nhân nào khác. Trong truyện chiếm ưu thế là nhân vật những người thừa hành. Sáng tác chỉ độc thoại với đời sống, chỉ xem nhân vật là người thế nào, không xem thế giới trong con mắt nhân vật là như thế nào. Văn học 1945-75, trong quan hệ nhà văn – bạn đọc: văn học thay mặt tuyên giáo để dạy dỗ. Sau 1975 có một số sáng tác muốn dạy lại người lãnh đạo −> vẫn sai lầm.

Thiếu dân chủ là cái đã ăn vào máu nghệ thuật ta. Chung quy lại là vấn đề tôn trọng con người.

– Về bản chất, chức năng văn nghệ.

– Về hiện thực XHCN: ta giỏi bàn lý luận cầm cương, chưa có lý luận về sức của con ngựa −> thiếu lý luận về bản thể tác phẩm văn học. Hiện thực XHCN không nằm ở các nghị quyết mà ở thực tế sáng tác −> phải nghiên cứu bản thể.

NGUYỄN VĂN HẠNH: Tính ra có 22 người đã phát biểu

Quan niệm của Ban văn hóa văn nghệ trung ương: để anh em nói hết, làm hết sức nghĩ của họ; vấn đề là phải nghiêm túc, thấy vẫn nghiêm túc.

– Vấn đề bản chất, chức năng văn học nghệ thuật: Thảo luận cho thấy vấn đề cũng phức tạp. Điều cần làm rõ là vai trò, nhiệm vụ văn nghệ, vì liên quan đến việc đầu tư. Cũng cần xác định văn học nghệ thuật làm gì trước yêu cầu đổi mới.

– Vấn đề tự do sáng tác: Khi nói đến vấn đề này phải nói trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước Tổ quốc, nhân dân, CNXH.

– Vấn đề dân chủ là vấn đề lớn. Cải tổ, đổi mới là dân chủ hóa mọi mặt đời sống đất nước.

– Văn nghệ – chính trị: thấy nhiều khía cạnh quá. Bực mà phản ứng chỉ là một mặt thôi. Phản ứng lối hiểu chính trị thô thiển, quy vào địa vị, vào chính sách, vào chức năng; những cách hiểu đơn giản thô thiển dẫn đến thái độ đối xử −> lố bịch. Người ta tức vì anh cho anh là bên chính trị, anh cấm cái này cái kia, rồi quy định cấp ủy, tuyên huấn duyệt tác phẩm… Đấy chỉ là một trong các khía cạnh.

– Về hiện thực XHCN: thấy là vấn đề lớn trong môn khoa học về sáng tác nghệ thuật.

Có lẽ nói đến tính chất hay/dở, nghệ thuật thật/nghệ thuật giả thì cao hơn, thích hợp hơn khái niệm hiện thực XHCN chăng? Tác phẩm, ở chỗ sâu sắc nhất, nó là một lời nhắn gửi sâu sắc chứ không phải vấn đề pháp luật. Nhưng khái niệm hiện thực XHCN hiện nay vẫn cần thiết.

Vấn đề phương pháp: tôi cho là có, nhưng chỉ ở phương diện tư tưởng nghệ thuật.

Từ Nghị quyết Bộ Chính trị: – đánh giá tình hình; – chính sách kinh tế đối với văn hóa văn nghệ. Tư tưởng của Đại hội 6: thống nhất chính sách kinh tế xã hội với chiến lược văn hóa con người; – Các hội phải biết làm kinh tế.


(12) Đây là nói về György Lukács (1885-1971), người Hungary, nhà phê bình văn học, triết gia, được coi là người đặt cơ sở cho khuynh hướng Marxism Tây Âu.

Comments are closed.