Lê Văn Luân
Phiên toà bà Thêu và cậu Tư có rất nhiều điều để nói. Riêng chỉ hình ảnh và những câu nói của họ thôi đã là một thứ đủ để viết thành một cuốn sách ký pháp rồi.
Một người nông dân, một người đàn bà mạnh mẽ và kiên trường chưa từng có. Đứng trước các cáo buộc của các kiểm sát viên và toà án xét xử, họ vẫn hiên ngang, họ vẫn nói những điều kiên định vì vốn lương tâm của họ chẳng có gì để thay đổi nữa.
Tôi nhớ tới đoạn, đại diện viện kiểm sát hỏi rằng bà có nhận tiền từ ai đó để làm việc này không. Bà ấy dõng dạc và dẫn dắt câu chuyện bằng một vấn đề khác, và rồi quay về câu chuyện của gia đình bà, bà ấy nhấn mạnh nhiều lần cụm từ “khi nào các ông bị” mỗi khi đặt trước một cụm động từ “cướp đất”, “đàn áp”, “bỏ tù” như gia đình chúng tôi thì các ông sẽ biết đấu tranh chứ ở đó mà hỏi nhận tiền.
Khi toà hỏi, ở phiên toà, bị cáo xưng là bị cáo, bà nói tại phiên toà tôi xưng tôi, vì tôi không có tội. Tư cũng tuyên bố như vậy. Họ phản kháng từ trong danh xưng cho tới hành vi của mình trước những cáo buộc đến từ các cơ quan tư pháp.
Ngoài việc khi thẩm tra lý lịch, về tên, bà nói “tôi là nạn nhân của cộng sản”, kết thúc tuyên án bà Thêu và cậu Tư đều hét lớn lên liên hồi những cụm từ “đả đảo cộng sản”, nhưng trước khi bị dẫn ra cửa, bà ấy vẫn ngoái lại nở một nụ cười chào các luật sư và cảm ơn các luật sư đã bào chữa cho họ.
Với bà Thêu, đây là lần thứ ba bà bị bắt và xử, và đây là lần thứ hai tôi bào chữa cho bà với tội danh có mức hình phạt nặng nhất, lần thứ nhất vào năm 2016 với tội gây rối trật tự công cộng.
Trong phiên toà, khi tôi hỏi, “chửi” có phải một quyền không (như là một quyền về giám sát, quản lý, làm chủ nhà nước và tự do ngôn luận), thưa bà, bà Thêu nói, thưa luật sư tôi chưa bao giờ dùng một từ tục tĩu nào để phản kháng, tôi vẫn luôn ôn hoà và nói những từ bình thường.
Chủ toạ có đôi lần muốn ngắt lại việc hỏi và tranh biện của tôi, với những từ như “cần đi vào nội dung” hoặc “không đi sâu vào vấn đề”, và tôi đã thưa lại rằng, trước một sinh mạng và tự do của con người, những nông dân, trong bối cảnh này ta phải kiên nhẫn và buộc phải kiên nhẫn trước những vấn đề cần phải giải quyết. Trước tự do của con người, ta không xem xét sâu sắc các vấn đề thì phiên toà sẽ không thể đảm bảo công bằng tối thiểu, mà ở thời kỳ văn minh này ta không thể làm điều đó.
Với một người nông dân, gần 13 năm đi khiếu kiện đất đai chưa được giải quyết đến cùng, những tiêu cực và tham nhũng vẫn hoành hành và việc lên tiếng “trước cái ác” (mà tại phiên toà tôi gọi đó là “cái ác có quyền lực”) thì đó là bổn phận của lương tâm và là nghĩa vụ của công dân, của con người, nó cần được bảo vệ để mỗi người dân được nhìn nhận sẽ là chủ quốc gia.
Bà ấy nói, với ngần ấy thời gian chịu bất công, chẳng mấy người có thể ôn hoàn và kiên nhẫn như gia đình chúng tôi. Thế mà các ông lại bắt bớ và xét xử chúng tôi và còn không cho chúng tôi được trình bày tại toà. Những điều gia đình chúng tôi phải chịu đựng thật kinh khủng, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì và ôn hoà để đấu tranh. Vậy thì phải để cho chúng tôi nói…
Giọng bà lúc nào cũng vang vọng, cũng trơn tru, cũng rõ ràng, cũng quyết liệt và đầy thần khí. Đấy là hình ảnh một người nông dân bị xét xử vào thế kỷ 21. Thật đau đớn. Thật bi ai.
Nguồn: FB Lê Văn Luân