Xét lại vụ án Hồ Duy Hải có gì mà sợ!

Tô Văn Trường

Vụ án Hồ Duy Hải đã được Quốc hội khoá 13 thành lập Đoàn giám sát tối cao do ông Uông Chu Lưu Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn. Bà Lê Thị Nga khi đó là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp làm tổ trưởng đã có nhiều cuộc gặp thân nhân Hồ Duy Hải và viết báo cáo nêu nhiều điểm sai phạm trong tố tụng.

Tuy nhiên, những kiến nghị của đoàn giám sát không được Toà án Nhân dân Tối cao tiếp thu triệt để và Quốc hội cũng không tổ chức điều trần cho vụ việc này. Cho đến ngày 8/5/2020 Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm với những câu nói “bất hủ” của ông Chánh án Toà án tối cao Nguyễn Hoà Bình đi vào lịch sử nền tư pháp Việt Nam.

Khoảng 15 giờ chiều ngày 8/5/2020 ông Lê Thanh Vân đại biểu Quốc hội là người đầu tiên lên tiếng trên trang cá nhân của ông ở facebook. Hai ngày sau, ông Vân chính thức có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát tối cao vụ án này. Ngay sau đó, các vị đại biểu Quốc hội như luật sư Lưu Bình Nhưỡng, luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng có văn bản kiến nghị các cơ quan cấp cao của Nhà nước xem xét lại vụ án. Hầu hết các ý kiến đều phê phán sai phạm trong tố tụng và không chấp nhận kết quả xét xử giám đốc thẩm, cho rằng chưa thuyết phục.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu giải quyết vụ án đúng pháp luật. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga từng có văn bản đề nghị xem xét giám đốc thẩm, nêu ra hàng loạt điểm bất thường (nêu trong Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày 23/11/2019) nhưng nhiều tình tiết mâu thuẫn vẫn chưa được làm rõ sau phiên toà giám đốc thẩm.

Từ đó đến nay, các cơ quan cấp cao của Nhà nước chưa có động thái gì mới, trừ một lần các đại biểu Quốc hội chất vấn Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao tại kỳ họp giữa năm 2020.

Gần đây, ngày 20 tháng 5 năm 2021 với sự kiên trì của luật sư Trần Hồng Phong và sự hỗ trợ của một số nhà báo, đã có bảy nhân chứng khẳng định Hồ Duy Hải ngoại phạm, bởi chính cái đêm oan nghiệt ấy, Hồ Duy Hải dự đám tang ông hàng xóm Hồ Chi (Tư Lan) từ 20g-21g ngày 13/1/2008 – ngay tại thời điểm cơ quan điều tra cáo buộc Hải vào bưu cục Cầu Voi và sát hại hai nữ nhân viên. Đây là tình tiết mới, rất thuyết phục.

Tôi cũng như nhiều người dân suy nghĩ rất nhiều về vụ án này, vì mạng sống của một con người cả vì tính chất và bộ mặt của nền tư pháp và thể chế nói chung. Trên mạng xã hội có nhièu bài viết, các lập luận, các chứng cứ đã được nêu ra nhiều, nhất là những chứng cứ nhằm chứng minh Hải vô tội. Những tài liệu này chắc chắn được các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm cao nhất, từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội tiếp cận. “Nút thắt” hiện nay có thể đoán ra được, dư luận xã hội cần mở đường rút cho những người có sai lầm để họ có thể hồi tâm, trở lại con đường chính, có lẽ sẽ hiệu quả hơn, ít nhất là trước mắt bảo vệ tính mạng của Hải.

Đối với những người lãnh đạo cao nhất, bên cạnh mọi cân nhắc khác, cần trước hết cân nhắc việc được mất về chính trị trong vụ án này. Cứ giả định là khả năng đúng sai là 50% (một thứ giả định của những kẻ bàng quan ít hiểu biết nhất), thì giết Hải chỉ có mất mà không có được. Vì dư luận xã hội, trong đó có rất nhiều người vô tư, am hiểu luật pháp, vẫn thấy là không đủ chứng cứ kết Hải tội giết người, vẫn thấy lập luận kết án tử hình Hải là không đủ sức thuyết phục.

Vụ án vua bóng bầu dục Simpson với những chứng cứ tội phạm dường như hiển nhiên, vẫn được tha bổng tại nước Mỹ tam quyền phân lập triệt để, là một mẫu về sự cân nhắc chính trị của lãnh đạo trưởng thành.

Nếu phát huy dân chủ, coi trọng ý dân, chắc chắn vụ án Hồ Duy Hải sẽ có lối ra. Trước hết là Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao tự xem lại bản án giám đốc thẩm. Nếu Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao không tự kháng nghị, thì Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kháng nghị. Nếu cả hai không chịu kháng nghị, thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 15 yêu cầu Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao phải xem lại. Tất nhiên, Ban Nội chính Trung ương phải giúp Bộ Chính trị và Ban bí thư chỉ đạo vụ án này, chứ không thể im lặng như thời gian vừa qua.

Vụ án Hồ Duy Hải đòi hỏi những người liên quan đến vụ án hãy lắng nghe tiếng lòng của nhân dân, dũng cảm nhìn lại mình cho rõ hơn và dám vượt lên chính mình, sửa sai và minh oan cho Hồ Duy Hải, làm được như vậy nhân dân hoan nghênh và quan chức cũng được bài học quý giá, dù rất đắt, như thế là tất cả đều thắng, có gì mà sợ!

Một chính thể vững mạnh không phải tự cho mình hợp lý hoá hành vi công chức, mà phải tăng thêm niềm tin của người dân vào tinh thần phụng sự và sáng suốt của lãnh đạo qua việc quan tâm đến từng số phận con người, quyền con người và quyền được sống của họ.

Dưới xét, trên xem, sao đèn chưa tỏ?

Còn gì trong đó, để người kêu oan.

Lý phải, tình gian, tâm nghề, nghiệp tổ

Đương trung nhất chế, thế thời nương dân.

Comments are closed.