Bàn tay của lãnh đạo văn nghệ đã trở nên lạnh giá tự bao giờ?

(Nhân Đại hội lần X Hội Nhà văn Việt Nam thành-công-rực-rỡ)

Hồi ức Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Đó là câu hỏi day dứt trong tôi suốt mấy chục năm nay, sau một sự kiện nhỏ…

Hôm ấy, với tư cách là “trợ lý không lương” kiêm xe ôm cho đương kim Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu, tôi đèo cha đỡ đầu của tôi – nhà văn Lưu Trọng Lư, tới gặp ông tổng tư lệnh ngành Văn hóa – Tư tưởng nước ta.

LUU TRONG LU[4]

Hai cha con tôi phải chờ đợi gần hai tiếng đồng hồ, mặc dù đã lên theo đúng giờ hẹn. Khi ông ta bước ra với gương mặt vô cảm, hững hờ bắt tay hai người đã chờ đợi mình, không một lời xin lỗi hoặc tỏ thái độ gì khác ngoài sự cho thấy rằng: việc phải chờ đợi là đương nhiên…

Nhưng đó là chuyện không đáng kể, so với cái ấn tượng của tôi khi được tiếp xúc trực tiếp với ông qua cái bắt tay. Không bao giờ tôi có thể quên cái nhạt nhẽo, thờ ơ, và lạnh giá như của bàn tay một người chết…

Lúc ra về, tôi có rụt rè kể cho cha tôi nghe cảm tưởng trên. Ông im lặng hồi lâu không nói gì, rồi mới nói khẽ trong tiếng thở dài kín đáo: “Con à, đừng cố chấp… Có lẽ ông ấy không muốn thế đâu, nhưng đó là một cách tự vệ bản năng của những nhà lãnh đạo đối với văn nghệ sĩ trong thời kỳ này…”.

Tôi đã tìm cách “giải mã” tâm sự của cha tôi cho riêng mình. Đó cũng là thời kỳ tôi yêu thích thơ ca cách mạng trong ngục đá Sơn La, và đã viết tiểu luận Những thi sĩ đeo số tù được cha tôi “khuyên đỏ”.

Ông lãnh đạo tối cao văn nghệ và tư tưởng đó, có lẽ cũng cùng trang lứa với những người tù đeo số vuông (tù chính trị cộng sản), cùng có những cảm xúc chân thực làm rung động nhiều thế hệ… Trái tim ấm nóng của họ đã truyền tới bao số phận khổ đau, bao kiếp lầm than vùng dậy giành Tự do – Độc lập cho Dân tộc. Những người đã từng đứng lặng xót thương bên nấm mộ của bạn tù bên nghĩa địa Gốc Ổi (thuộc nhà tù Sơn La): "Rừng sâu núi thẳm nấm mồ trơ/ Khóc bạn đầm đìa giọt lệ mưa", đã gạt lệ để thầm hứa những điều thiêng liêng với người bạn xấu số, và hò hẹn: "Rồi một ngày kia xã hội thay/ Vườn đời tươi tốt cỏ hoa đầy/ Nơi đây ghi lại bao thương nhớ/ Bạn sẽ cười vang dưới gốc cây…", có ai ngờ rằng nhiều năm sau sẽ trở thành những cây “đao búa chém chết tươi” sinh mệnh chính trị, cả tính mệnh đồng chí mình chỉ bởi căn bệnh “bách hại cuồng”, trước những câu thơ trang văn bị quy chụp là có tác dụng “đào mồ” hệ tư tưởng họ đương tôn thờ…

Tôi có kể cho cha tôi câu nói của thầy tôi – Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh: “Lãnh đạo vốn khinh miệt sâu sắc bọn văn nghệ sĩ!”. Ông gạt phăng đi, như một cách để bảo vệ tôi. Nhưng chính cha tôi, thời gian sau, đã chiêm nghiệm những nỗi đau lòng của một ngòi bút trung hậu trong những bài thơ chưa in được ở đâu, và chắc chắn là có mối trăn trở: sự giá lạnh, nghi kỵ, thù ghét văn nghệ sĩ đó bắt đầu từ đâu? Vì sao lại thế?

Xin trích đôi đoạn:

Bạn bè đồng chí đi đâu hết/ Sợ chưa, buốt lạnh một cung đàn/ Trên tường treo lớn chữ thờ Dân/ Giấu khéo trong sương lụa lộng tàn/ Chỉ biết một đời lo lót ổ/ Quỷ cướp mất hồn, tiếng chẳng oan!

– Bãi nhân sinh trơ một đá ngồi/ Trầm luân – căm giận/ Đường xoài – chim động/ Một cánh soi/ Một tiếng người/ Vòng vọng/ Thú gào/ Bụt ngủ/ Em thẫn thờ….

(Lưu Trọng Lư, Bài ca tự tình, NXB Hội Nhà văn, 2011, do con cháu chúng tôi đã thu thập bản thảo và tổ chức in)

Comments are closed.