Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 283): Bờ Dâu – Nam Dao (2)

*

Nhà Nước ban hành lệnh đổi tiền, cứ 500 đồng tiền Cộng Hòa ăn một đồng, mỗi hộ được đổi 100,000 tức 200 đồng tiền mới. Theo chính sách, gia đình nào có thừa số qui định thì phải đem nộp Ngân Hàng, và sau có lý do chính đáng mới được rút ra. Người nhiều tiền mặt tìm cách mua vàng, mua hàng…nhưng xoay trở không kịp, biết rằng tiền gửi thì sau chỉ có mà bắc thang lên hỏi ông Trời. Họ phân tán cho bà con quen biết nhờ giữ giùm, nhưng kết cuộc cũng mất trong một xã hội giật gấu vá vai, không công ăn việc làm. Những cán bộ như Huyền phải giải thích giông dài thế nào là bình đẳng xã hội, và 200 đồng nhà Nước cho đổi tương đương với 5, 6 tháng lương giáo viên cấp 1. Vả lại, với tem phiếu nhu yếu phẩm nhà nước phát cho, tiền không quan trọng như xưa. Dân nghèo nghe yên tâm, thậm chí nhiều kẻ hả hê khi nhận thấy chênh lệch giầu nghèo giảm đi trông thấy. Đằng sau, ai cũng biết những người giầu còn giấu vàng, hột xoàn, chương mục ngân hàng ở ngoại quốc… Nhưng xe hơi, sập gụ tủ chè, máy lạnh, tủ lạnh, bếp điện, bếp ga thì nay hết thời, đồ phụ tùng gỡ ra xếp đống bán ở chợ Cũ mà không có ai mua. Người mạnh miệng reo, xã hội công bằng bình đẳng là đây. Kẻ xấu, thường là giai cấp tiểu tư sản, than nhỏ với nhau đúng là phú quí giật lùi, nhưng ngoài mặt vẫn phấn đấu chấp hành chính sách, ngoan ngoãn bước vào cái xã hội đồng phục quần đen áo bà ba trắng dẫu chẳng mấy an tâm.

Nhà Nước cử Đỗ Mười, người có kinh nghiệm cải tạo công-thương nghiệp miền Bắc cuối những năm 50, vào Nam phát động cuộc cải tạo cho lũ tư sản mọc rễ từ thời Mỹ-Ngụy. Tư sản được phân loại thành tư sản mại bản và tư sản dân tộc. Loại ‘‘dân tộc’’ gồm những người có ý thức, mang tài sản ra cống hiến, nhưng chắc họ không nhiều lắm. Loại ‘‘mại bản’’ là đối tượng đấu tranh. Chúng thu mình nằm ép xuống giấu của trong những đợt kiểm kê tài sản, tuồn vàng theo những đường dây do người gốc Hoa dựng ra, và chắc chắn có những thế lực ngoại bang che chắn. Chợ Lớn bỗng nhiên co mình lại, người vắng, cửa hàng trống trơn, không còn dấu vết sầm uất thuở nào. Kêu gọi tư sản đi vào ‘‘hợp tác’’ kiểu đã áp dụng ở miền Bắc khi xưa ít hiệu lực. Hợp tác làm sao trong một nền kinh tế không nguyên liệu, không năng lượng và nhất là không một niềm tin nào vào những chính sách ‘‘nói zậy mà không phải zậy’’. Bằng chứng là những người đi học tập cải tạo cho đến nay đã hai năm nhưng số về còn thưa thớt. Thôi thì ‘‘ta’’ xoay sang phương thức gà què ăn quẩn cối say. Anh Sáu là một trong những nạn nhân đầu của phương thức này. Đang ngồi đợi khách bơm mực hay bơm ga, anh bị một đám công an ùa đến kiểm kê ‘‘tài sản’’ đòi đem về quận. Anh nhất định không chịu, xô xát với công an, bị đánh bầm mặt. Về nhà, chị Sáu hỏi, anh bảo ‘‘ Mất hết rồi, công an kết tui là tư sản mại bản!’’ Chị Sáu ré lên cười ‘‘Cái chi mà kỳ cục vậy. Chục cái đồng hồ hư với dăm lọ mực bút bi mà tư sản sao được! Rỡn hoài. Hay là lại đế vô, nói bậy nên mới bị uýnh?’’. Anh không trả lời. Hôm sau, anh đến trụ sở Ủy Ban Phường khiếu nại. Huyền hứa sẽ giúp giải quyết, chắc sai sót hiểu lầm. Tuần sau, anh lại lên hỏi, vẫn chưa có quyết định, hồ sơ phải đưa lên cấp quận. Anh lang thang vào chợ trời, tình cờ nhận ra mấy cái đồng hồ của anh đã bị kiểm kê. Về nhà, anh uống rượu, uống liên miên, rồi vô bếp đào lên một khẩu súng ngắn anh giấu không mang nộp ngày giải phóng. Giắt vào bụng, anh loạng choạng lên trụ sở công an, to tiếng chửi ‘‘Đm…thằng nào cướp đồ nghề mần ăn của tao ra đây! ’’. Công an xông ra, anh móc súng bắn. Một công an trúng đạn. Bị bắn trả, anh chết, đạn phá nát một nửa mặt, óc phòi ra trắng hếu.

Huyền đến nhà thì chị Sáu ôm hai đứa con, mắt đỏ hoe, mũi sụt sịt. Xác anh Sáu quàn trong đồn công an để điều tra thêm xem việc anh Sáu làm có bọn phá hoại phản động nào đứng đằng sau không. Chị Sáu khóc, ‘‘Tội tui quá cô Hai à, cách mạng chi mà kỳ ghê, tui hết hiểu nổi!’’. Huyền ngậm ngùi. Nàng cũng thế, nàng cũng không còn hiểu gì. Công an quận gặp Huyền, đề nghị tìm hiểu thêm và có chi lạ thì báo cáo. Huyền gượng cười, khiên cưỡng gật đầu. Ít lâu sau khi chôn cất anh Sáu, chị Sáu xin cho về quê làm ruộng, sống trên Thành Phố hết nổi. Chị nói, ‘‘ Cô Hai à, ảnh chết mới thấy thương. Mẹ con tui mang bàn thờ ảnh về cho ông già bà già, làm nương làm rẫy mà sống dưới quê chớ cứ tem phiếu hoài, vừa cực, vừa nhục. Cô Hai làm phước giúp xin cái giấy cho phép mẹ con tui hồi hương, nghe cô Hai! ’’. Huyền đề đạt, nhưng không có quyền quyết định gì. Một tháng, rồi hai tháng trôi qua. Chị Sáu thôi không ra đường. Không thấy hai đứa nhỏ đi học, nhà trường hỏi. Cửa nhà chị Sáu khoá trái. Báo lên công an, họ phá cửa xông vào, chỉ thấy xác ba mẹ con chị Sáu lê lết trên những bãi nôn mửa đã bốc mùi. Ba mẹ con chị uống thuốc rầy trộn vào một bữa cháo lòng cuối cùng, ăn xong đứt ruột ra chết. Nghe anh Thiếu úy công an hồn nhiên hỏi căn cớ, Huyền đáp,‘‘ Chắc chị Sáu bị bọn ‘‘phản động’’ đẩy vào đường cùng! ’’. Hôm sau, Huyền gặp Chủ Tịch Ủy Ban hành chính xin tạm ngưng công tác một thời gian. Hỏi tại sao, Huyền đáp: ‘‘ Tôi bị dao động! Cái hòm đồ nghề khiến anh Sáu thành tư sản mại bản là do chính tôi bày ra, đâu ngờ vì vậy mà cả nhà anh ấy chết! ’’.

*

Tiếng súng lúc một gần. Tay khều Nhân, anh Trung Úy Biệt Động Quân tên Thắng nói nhỏ, giọng hả hê ‘‘ Có cả tiếng B-40. Còn lại, toàn AK-47. Thế này thì ‘‘phe ta’’ đánh nhau to rồi! ’’. Tin người nhà bên ngoài trại cho biết Việt Cộng đụng độ ở biên giới với Khơ-me-đỏ, và nghe đâu chính Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã vào thị sát chiến trường. Thiếu Tá Thưởng, xưa thuộc Cục Chiến Tranh Chính Trị của Sư Đoàn 1 lính miền Nam cười khẩy, chép miệng, ‘‘ Chỉ Khơ-me thì bố bảo cũng không dám đụng Việt Cộng. Đằng sau chắc là Trung Quốc đấy! ’’. Nhân lặng người, thì thào, ‘‘Thế lại chiến tranh nữa à?’’. Thưởng trầm ngâm một lúc, rồi thốt: ‘‘ Kiểu này cứ để Khơ-me vào làm thịt bọn ngụy tụi mình là tiện đôi bề, vừa không ra tay vừa có dịp đổ tội cho Polpot! ’’. Thắng rùng mình, quay bảo, ‘‘ Thế thì lúc hỗn loạn là phải trốn’’. Thưởng cười nhạt ‘‘ Trốn đi đâu? Chẳng lẽ qua Kampuchia nộp mạng à? ’’. Nổi tiếng bướng, Thưởng bị biệt giam một tháng vì bất tuân kỷ luật và hô hào lãng công. Số là ban chỉ huy trại ra lệnh đào phi đạo Tây Ninh lên để lấy đất canh tác trồng trọt. Thưởng xin gặp Trại trưởng, hỏi ‘‘Cán bộ có biết một thước phi đạo giá là bao nhiêu triệu không?’’. Trại trưởng lắc đầu. Thưởng tiếp: ‘‘ Nhiều, nhiều lắm. Đào cả cái phi đạo này lên để trồng trọt thì thu nhập hàng trăm năm sau cũng không bằng được thế đâu! ’’. Dĩ nhiên, có chính sách. Và chính sách là tập cho trại viên biết lao động là vinh quang, trại ‘‘ta’’ từng bước quá độ tiến lên tự túc chất xanh. Ra phi đạo, Thưởng vứt cuốc xuống đất, hô ‘‘ Anh em đừng đào! Tài sản này là thuộc đất nước, không ai có quyền phá đi! ’’. Ban chỉ huy tím mặt, cùm Thưởng vứt vào biệt giam, họp trại viên ‘‘đả thông’’ chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa, vạch mặt chỉ tên bọn phá hoại phản cách mạng mang xu hướng tư bản bóc lột ra mê hoặc lòng người.

Nhưng sự lo ngại của Thưởng tiêu tan khi trại viên nhận lệnh chuyển trại vì tình hình mất an ninh ở biên giới. Nhân bật cười khi Thắng nhìn Thưởng, tếu ‘‘Chỉ được cái lo trời sụp!’’. Thưởng nghiêm mặt ‘‘ Có thế thôi mà đã mừng à? Chuyển đi đâu mới là vấn đề’’. Vài ngày sau, một đoàn xe cam-nhông đến đón trại viên, chở ra Long Bình. Ở đó, chờ hai tuần rồi trại phân tán. Nhân và Thưởng vào một xe, đi cùng với một số người không phải thuộc diện sĩ quan quân đội. Có hai Thượng Tọa, một Linh Mục, và dăm người đã đứng tuổi, có lẽ là công chức cao cấp chế độ cũ. Thưởng nhìn, quạu cọ, ‘‘Thế này thì quả không biết đi đâu!’’. Thì thào vào tai Nhân, Thưởng tiếp, ‘‘Đi với đám dân sự này, bọn mình chắc kẹt!’’.

Xe nhắm hướng Bắc. Vị Linh Mục nhắm mắt, miệng tươi, tay lần tràng hạt, ngồi bên Nhân. Hỏi, ông ta từ tốn: ‘‘Tôi là Thuận!’’. Nói cho Thưởng nghe, anh ta xì xào, ‘‘ Tổng Giám Mục Thuận là cháu ông Ngô Đình Diệm đấy!’’. Buồn bã, Thưởng tiếp: ‘‘ Thế này thì bọn mình bị ghép vào hạng ‘‘võ lâm cao thủ’’ rồi! ’’. Quả thế thật, hai ngày sau xe vượt cầu Hiền Lương bắc ngang sông Bến Hải. Thưởng ngửa mặt nhìn trời, nói thành tiếng: ‘‘ Đi thế này thì mút mùa lệ chỉ, anh em ạ!’’. Cha Thuận nghe, bình tĩnh cười mỉm. Hai vị Thượng Tọa tuyên úy buột miệng tụng Nam Mô A Di Đà Phật. Lúc ấy, Nhân mới thót bụng.

Thế là chàng chẳng kịp báo tin cho mẹ và Dao Ánh. Lần cuối chàng gặp, mẹ nhân dịp ngày 2-9 được đi thăm nuôi. Nhân không còn dám hỏi tin cha và Dân, sợ động đến nỗi đau của mẹ. Huyền cũng không nhắc đến chồng con ngày một biền biệt, vết thương nay thành ung biếu làm độc trong lòng. Nhớ đến tình cảnh mẹ, Nhân lại chạnh lòng. Cha là cán bộ cao cấp, nếu đã chết thì chẳng có lẽ gì người ta không báo cho mẹ. Còn mẹ, hoạt động nội thành tức cũng là thành phần theo cách mạng. Vậy thì cớ gì hôm nay chàng đang ngồi chuyến xe ra Bắc trong khi đám bác sĩ đồng học nay quá nửa đã được thả về? Câu hỏi bám vào trí óc day dứt đến độ khi xe ngừng vào lúc nửa đêm, Nhân thì thào tâm sự với Thưởng. Dựa lưng vào thành xe, Thưởng ngắn gọn: ‘‘Chẳng nên tìm ra lý lẽ gì…Nó thế, thế thôi. Thời này không là thời của lý lẽ! Chịu đựng cho nó qua đi, và cố làm sao giữ được mình là mình’’.

Giữ được mình? Làm thế nào đây? Nhân ứa nước mắt nghĩ tới Ánh. Góa bụa, nay nàng đi thêm một bước với kẻ đang trên đường đi đầy! Nếu biết trước, chắc hẳn chàng đã không đưa Ánh vào những ràng buộc mà tương lai chẳng ra sao cả. Mỗi lần mẹ đến thăm nuôi, Huyền vẫn thường để Nhân hiểu là mình may mắn khi có Ánh và bé Quỳnh trong nhà. Nhất là từ khi nàng thôi không còn công tác quần chúng, đi ra đi vào với U già nay càng ngày càng lẫn. Lần cuối Ánh về Huế là để chôn cất cho mạ Ánh. Sau giải phóng, nói thế nào bà cụ cũng không vào sống trong Sài Gòn, nhất quyết ở lại để gìn giữ mồ mả tổ tiên sáu đời chôn ở Lăng Cô. Mạ Ánh bảo, con người ta có gốc có rễ, xa đi thì chết khô chết rụi. Ánh ngậm ngùi xa mẹ, xa Huế, vì chỉ còn Nhân là người Ánh bám vào để tìm ra lẽ sống.

Cuộc hành trình tiếp tục vào sáng sớm hôm sau. Nhân lơ đãng nhìn vệ đường tuồn tuột trôi về phía sau. Xe qua địa hạt Quảng Bình, đất sỏi như rắc muối, biển phía xa loang loáng ánh lên chóa mắt. Không bóng dáng con người. Chỉ có những triền đất hẹp cằn cỗi từ muôn đời khiến cuộc mưu sinh bằng trồng trọt là chuyện bất khả. Xe vào Hà Tĩnh. Lừng lững trước mắt là giải Hồng Lĩnh. Dấu vết bom đạn chưa xóa, tang thương vẫn còn đào xuống đồng ruộng hai bên đường những hố bom lỗ chỗ đó đây. Nhưng người, những người là người, vẫn đấy. Trên đường vào thị xã Vinh, họ đánh trâu trên quốc lộ, dạt vào vệ đường khi nghe tiếng còi xe bóp inh ỏi. Những đoạn đường gần làng mạc, dân đổ lúa ra lòng đường cho xe cán, đỡ công xay. Họ ngước mắt nhìn, ngơ ngác, tay đưa lên vẫy bộ đội. Đoàn xe ngừng lại ở một cái chợ huyện. Dân ùa tới. Không biết thế nào mà họ biết là xe chở ‘’ngụy’’ đi cải tạo. Thình lình, một người chỉ tay vào đoàn tù la to ‘‘ Bọn mi sao không chết đi cho rồi? ’’. Một bà già lưng còng ở đâu nhẩy ra giữa đường, tay vén váy nhẩy choi choi, tay kia ném những hòn đá to bằng nắm tay vào xe, miệng chửi ‘‘Tổ cha tụi Mỹ-Ngụy hại dân…Không cho chúng nó thoát, bà con làng nước ơi! ’’. Thế là gạch đá rào rào bay tới, bất chấp đám bộ đội bảo vệ hò hét ngăn cản. Một vị Thượng Tọa cất tiếng niệm kinh Phổ Độ. Cha Thuận lẩm nhẩm, ‘‘ Lạy Chúa, họ không biết họ làm gì đâu!’’. Thưởng bực mình cau có: ‘‘ Biết chứ! Họ ném đá giết ‘‘ngụy’’ trả thù cho con em họ!’’. Nhân chợt nhớ đến lời cán bộ rao giảng về những bà mẹ anh hùng, thường có bốn con thì chết ba đứa trong trận chiến vừa qua. Buồn rầu, Nhân khe khẽ đọc một câu thơ của bác Chương trên vách nhà chú Hoàng. Đúng là bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh, Thưởng lập lại, miệng lệch đi như mếu. Đúng, đúng như lời thơ tiên tri. Nhưng trước mặt không có biển vô tận mà là con đường ngoằn ngoèo dân hai bên vệ căng mắt nhìn bằng những ánh mắt oán hận. Tiếng súng chỉ thiên nổ. Đoàn xe nhích lên. Tù cải tạo im lìm không nói, mặc tiếng đá quăng đập vào thành xe cảnh báo một ngày mai chẳng có gì tốt đẹp. Để nhận chìm cơn hoảng loạn, ai đó khẽ đọc ‘‘ Nhờ công ơn lân tuất của Chúa ta đã từ cao cho mặt trời mọc…Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta thì dù có chết sẽ được sống lại, và ai sống mà tin ta thì không phải chết đời đời’’. Như đồng hưởng, một vị Thượng Toạ niệm ‘‘Lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng…’’, nhưng tiếng cả hai người vừa cất lời cầu cứu Đấng tối cao lạc vào thinh không, tăm tích như làn gió mỏng tanh giạt về cuối núi.

*

– Mợ ơi, mợ!

Tiếng U già thất thanh vang lên, Huyền chưa kịp mặc áo đã nghe tiếng dép loẹt quẹt leo cầu thang. U lại gọi. Có chuyện gì mà u cuống lên? Xưa nay u chậm chạp, có bao giờ u vội vàng, nhất là khi phải leo lên thang lên tầng hai. Vừa thấy mặt Huyền, u nắm tay lắc lắc, mắt đã kéo màng trắng đục ngước lên, miệng cuống quít:

– Có người từ Hà Nội vào, nhận là người nhà, hỏi mợ….Chắc là…

Huyền điếng đi, người lạnh toát. Có phải cái phút nàng chờ đợi là phút này. Hơn hai năm nay, mỗi khi nghe tiếng chuông cửa là Huyền hy vọng. Rồi tuyệt vọng. Từ khi Nhân bị chuyển ra Bắc đi học tập cải tạo thì Huyền không còn đợi chờ gì. Nàng nay tin Chính đã chết. Tin thế, đỡ đau xót hơn là một Chính sống nhưng quay mặt bỏ vợ bỏ con. Và nàng cũng thôi không nói như nàng đã lập đi lập lại rằng cuộc chiến vừa qua là cuộc chiến với đế quốc Mỹ, người Việt Nam ai cũng thắng. Không có kẻ chiến bại thì sao Nhân tù tội, ra Bắc biết bao giờ về? Nhân là ác ôn? Nhân bướng bỉnh? Khi Huyền lên khiếu nại, Chủ tịch Ủy ban Nhân Dân quận mới từ Quảng Ngãi vào nhận công tác nghiêm mặt hỏi ‘‘Con chị đã thực khai báo thành khẩn chưa? Tui làm sao biết mà can thiệp được? ’’. Huyền bực bội ‘‘ Tôi là mẹ nó, nằm vùng hàng chục năm, có giấy xác minh của Thành Ủy. Còn cha nó, cán bộ kỳ cựu …’’. Ông Chủ tịch ngắt ngang, giọng lạnh lùng, ‘‘Cán bộ nội thành nhiều liên quan phức tạp lắm, có trường hợp phải điều tra lại. Còn cha anh Nhân, nói thiệt, nếu ổng là cán bộ cao cấp mà can thiệp thì làm gì ảnh phải ra Bắc? ’’. Huyền không đáp, đi thẳng. Nàng hỏi dò, biết chính Tư Trọng cũng bị nghi ngờ dính líu CIA, mặc dầu Thành Ủy xác nhận là thời gian Tư Trọng bị Mỹ bắt, phần lớn những cơ sở nội thành của Đảng vẫn được bảo toàn, không hề bị đánh phá. Huyền nghe nay Tư Trọng đang phải kiểm điểm. Và cũng có thể vì thế mà những người dưới quyền Trọng như Tư Quới không còn được tin dùng, bị thuyên chuyển ra khỏi vành đai Thành Phố. Phần mình, Huyền biết mình chỉ là một con vít nhỏ trong bộ máy huyền hoặc của những hoạt động trong lòng địch ngày xưa. Vì thế, con vít đó tất nhiên phải tháo khỏi trục quay an ninh vốn là nhiệm vụ hàng đầu, và chỉ đáng để lắp vào cái vòng vô thưởng vô phạt tên gọi là công tác quần chúng.

Líu ríu, Huyền xỏ tay áo, thoáng nhìn mình trong gương. Nàng hốt hoảng thấy mái tóc mình chớm bạc. Đưa tay lên vén tóc, nàng bảo U già vẫn đang thở hổn hển:

– U xuống mời…khách ngồi, rót nước! Tôi xuống ngay!

Huyền bôi vội lên môi một lớp son nhạt, hít hơi đầy buồng phổi lấy bình tĩnh, nhưng vẫn nghe tiếng tim mình thình thịch. Cố nhớ lại những lời định nói khi gặp Chính nàng từng ấp ủ bao nhiêu năm nay, nhưng Huyền chỉ thấy đầu óc mình gần như tê liệt. Mím môi, nàng xuống thang, nước mắt chực ứa ra. Lúc bấy giờ nàng mới sực nhớ tối nay thành phố bị cúp điện. U già hớt hải vội đi, nghe Huyền bảo châm cái đèn măng-xông lên. Vặn cao chiếc bấc trong bóng đèn dầu chập chờn như định tắt, Huyền mím môi bước ra.

Người đàn ông mặt khuất trong khoảng tối đứng dậy, tay vẫn cầm chiếc nón cối. Cổ họng Huyền tắc lại. Thu hết sức, Huyền chậm rãi bước tới, giơ ngọn đèn lên ngang mặt. Đầu gối bủn rủn, nàng kìm lại thứ âm thanh tắc nghẹn trong cổ họng chỉ chực vỡ ra. Dưới ánh đèn, khuôn mặt người đàn ông mỗi lúc một rõ, nét hom hem, gò má cao, mắt đầy bóng tối. Huyền định thần. Trời ơi, không phải là Chính. Không, không là Chính nàng mong đợi từ thuở chia tay nhau trên Việt Bắc. Huyền nghe mông lung:

– Có phải…chị Huyền đấy không?

Nhận ra cái gì đó thân quen, Huyền khe khẽ gật đầu.

– Em đây, Khiêm đây!

A, thì ra cậu em con ông chú Huyền không gặp lại từ ngày kháng chiến toàn quốc. U già bưng chiếc đèn măng-xông ra. Huyền tiến lên một bước, căng mắt ra nhìn, tay nắm cánh tay em, miệng reo:

– Khiêm thật đấy à? Chị đây…

Khiêm đưa tay lên nắm rồi bóp chặt tay chị, im lặng nghe tiếng Huyền nghẹn ngào:

– Thoắt một cái mà đã ba mươi năm rồi, Khiêm nhỉ.

Hình ảnh Thái, anh của Khiêm bị Tây bắn chết ở Phủ Toàn Quyền năm xưa hiện ra. Rồi ngày Huyền bị chú thím đuổi, con Vện theo chân và chú bé Khiêm chạy ra gọi chó, mếu máo giơ tay lên vẫy nàng, lại như mới hôm qua, chẳng khác chi một cơn mơ cuối giấc còn vướng vất. Hai chị em kể cho nhau nghe những chuyện chẳng lấy gì làm vui. Chú Huyền mất năm 60, và hai năm sau đến lượt thím. Khiêm ở lại Hà Nội trong thời gian kháng chiến chống Pháp, học Y Khoa, ra trường đúng một tháng trước khi ký kết hiệp định Genève. Gia đình Khiêm quyết định không di cư, một phần vì người Khiêm yêu ở lại. Sau đó, họ lấy nhau, năm sau đẻ đứa con đầu lòng. Khiêm làm việc ở nhà thương Bạch Mai, đến năm 67 thì đi phục vụ chiến trường Tây Nguyên ở thời điểm khá ác liệt. Bị thương, Khiêm ra Hà Nội điều trị, khi lành thì được cho sang Đông Đức tu nghiệp sáu tháng, sau về công tác tại bệnh viện Việt-Đức cho đến nay. Khiêm buồn bã:

– Em có hai cháu, thằng lớn hy sinh ở Quảng Ngãi năm 73 lúc ‘‘ta’’ lấn chiếm ngay sau khi Hiệp Định Paris ký kết. Mẹ cháu chết lâu rồi, từ lúc cháu ba tuổi. Còn em nó, con người vợ sau, hiện mới học cấp 2. Chúng em ở vẫn căn nhà xưa đấy, chị còn nhớ không?

Huyền gật đầu, nước mắt rưng rưng. Quên sao được cái thời mới lớn hăm hở thoát ly đi ‘‘hoạt động’’. A, cái thời ấy mới đẹp làm sao! Tất cả đều trong sáng như trời trên cao chưa hề có đến một gợn mây. Khi đó, nàng đã tin, tin chân thành, và sẵn sàng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Nhắm mắt, Huyền hồi tưởng những ngày ở Ngũ Xã làm công tác dân vận khu Đồng Xuân, vào chợ vận động các mẹ các chị bãi thị phản đối bọn thực dân Pháp. Rồi hình ảnh Chính lại hiện về. Chính ngày cùng nàng đi giải cứu cho toà báo Việt Nam của Quốc Dân Đảng. Chính ở phủ Toàn Quyền khi chàng công tác trong ban Liên Kiểm, đến nhận xác những kẻ bắn vào lính gác rắp tâm gây ra một cuộc xung đột giữa Vệ Quốc quân và lính Pháp. Rồi Chính ở Hải Phòng, khi thành phố bị bắn phá, dưới gầm cái bàn trên là cột kèo một mái nhà sụp xuống trong khi bom pháo đổ trên đầu. Nghe Huyền kể hoàn cảnh của mình, Khiêm chép miệng:

– Chị vất vả thật… Bây giờ phải lo cho cháu Nhân. Hiện cháu ở trại nào?

– Thơ cháu viết hai tháng trước thì báo là Tân Lập!

– Chắc ở khu Hoàng Liên Sơn, Khiêm ngần ngừ. Cũng lạ, học thì dĩ nhiên, nhưng phải đưa ra ngoài Bắc thì phức tạp đấy!

Huyền lắc đầu, giọng chán nản:

– Chị thì chịu…Ban đầu cháu ở trại Đồng Ban, chuyển về Trảng Lớn vì bị lính Khờ-me-đỏ pháo kích. Ở đấy ít lâu, trại giải tán, cháu được đưa về Suối Máu ở Biên Hòa. Đùng một cái, có lệnh đưa ra Bắc, chẳng kịp báo. Sau chị mới nhận được thư thì cháu đã ở Tân Lập rồi!

– Em đoán là có một cái gì đấy mà ta không biết. Chuyện Nhân phải ra Bắc học tập không đơn giản đâu. Chị thử nghĩ lại, đoán xem!

Huyền trầm ngâm:

– Thủ trưởng cấp cao nhất trong phạm vi công tác của chị bị điều ra Hà Nội rồi bị đình chỉ công tác nội vụ chờ điều tra. Ở Thành Phố, họ chuyển chị từ khâu an ninh sang công tác quần chúng. Nếu có lý do gì vì chị thì chị không biết…Nhưng cũng khó là vậy, vì xưa chị chỉ hoạt động ở cấp quận, không có chi thật sự quan trọng!

Thở ra, Khiêm nhẹ giọng:

– Nếu có vì chị thì cũng chỉ một phần thôi! Em thắc mắc là chuyện anh Chính! Nếu anh ấy biết chuyện Nhân, việc gì anh ấy phải im lặng?

– Hay chỉ vì anh ấy muốn quên chị, quên cháu…Huyền bật khóc.

Đợi một lát cho Huyền nguôi ngoai, Khiêm đắn đo:

– Không đơn giản thế đâu chị ạ! Chị có chắc biết hết những việc của Nhân không?

Huyền quả quyết gật đầu. Khiêm im lặng một lát rồi nói:

– Về Hà Nội, em sẽ cố nhờ tìm hiểu trường hợp cháu và tin tức anh Chính. Em có một số quen biết trong chính quyền, may ra thì sẽ biết, biết rồi mới gỡ được! Chị ạ, chỉ biết mới sống được thời này thôi!

*

Comments are closed.