Gặp anh Trương Vũ (Trương Hồng Sơn)

Lê Học Lãnh Vân

Khoáng mười một giờ sáng ngày 17/10/2024, một cú phôn từ anh gọi tới, Lãnh Vân đang ở đâu? Dạ, ở nhà! Em dùng buổi trưa với anh được không? Dạ được! Tôi gần như reo lên! Theo địa chỉ anh cho, tôi xin khoảng hai mươi lăm phút có mặt. Không gấp, anh đợi!

Ấy là một quán cơm giữa Sài Gòn cũ, có phong vị phương Tây, phù hợp với một buổi tâm tình. Anh cho biết hôm nay anh rảnh vì chị về nhà người bà con gần gũi, anh đi công chuyện ngoài Sài Gòn, ghé dùng buổi trưa và nhớ tới tôi…

Anh thuộc hàng lớn tuổi, thế hệ anh chị tôi. Sống trọn đời nghề nghiệp với khoa học, kỹ thuật, nơi quốc gia được đánh giá có trình độ khoa học kỹ thuật cao nhất thế giới, giờ anh về Việt Nam, để hẳn khoảng đời ấy sau lưng để toàn tâm ý sáng tác, vẽ và viết văn. Với những người như vậy tôi lắng nghe nhiều hơn. Nghe chứng nhân của thời cuộc khi tôi còn nhỏ tuổi.

Tôi biết tên anh hơn ba mươi năm trước, từ ai không nhớ, hình như từ nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Hai năm trước được gặp anh tại Sài Gòn, cảm giác có một sự tương quý, có lẽ vì tác phong trí thức Miền Nam cũ, lịch sự, ôn hòa, nhỏ nhẹ, lắng nghe, nơi anh. Cảm nhận khi giao tiếp với anh là sự thiệt tình, không màu mè vòng vo mà từ trái tim đi thẳng vào trái tim. Không có chỗ cho những điều không quan trọng, chỉ có kiến thức, nhận xét, tình cảm về thế sự, nhân sinh được chia sẻ…

Hai anh em vừa nhắm rượu pha vừa bàn chuyện thức ăn, thú vui uống rượu, nghe nhạc, viết văn… Ấy là phần vào tiệc (entrée). Phần bữa chánh gồm hai món, món chia sẻ về đời sống cá nhân, gia đình, và, món thời cuộc…

Cũng như hầu hết các buổi nói chuyện giữa những người Việt sáu mươi lăm trở lên, thời cuộc là thời cuộc kéo dài từ trước năm 1975 cho tới bây giờ…

Một ý anh nêu ra và tôi rất muốn thuật lại trong bài viết ngắn này. Các lời thoại dưới đây là của anh, được ngắt ra nhiều dòng theo với những lần anh dừng lại suy nghĩ thêm hay tìm cách diễn tả ý tưởng rõ ràng hơn

Anh hỏi:

– Lãnh Vân có biết tại sao Miền Nam thua không?

Thấy tôi ngần ngừ và nhìn chờ đợi, anh tiếp…

– Theo anh bởi vì người Việt đánh giá hai Miền qua lãnh tụ chứ không qua thể chế. Miền Bắc được đánh giá qua ông Hồ, ông Giáp, Miền Nam được đánh giá qua ông Diệm, ông Nhu và giai đoạn sau qua các tướng lãnh cầm quyền…

– Thực lòng mà nói, phần lớn thành phần ưu tú của Việt Nam ủng hộ cuộc chiến chống Pháp. Khi Pháp rút lui, thời cuộc chuyển qua tranh chấp giữa hai thể chế Tự do và Độc tài, không còn là tranh chấp giữa thuộc địa và thực dân nữa. Cũng do phân bố lực lương trên thế giới, phe Miền Nam ủng hộ xây dựng chế độ Tự do cần dựa vào phương Tây và Mỹ. Có những nhà lãnh đạo Miền Nam dính líu với chính phủ thuộc địa trước kia, từng là sĩ quan cho Pháp. Họ không thể có uy tín trong dân tộc bằng các nhà lãnh đạo Miền Bắc đã được thần tượng hóa trong và sau cuộc kháng chiến chống Pháp, và cuộc kháng chiến ấy còn rất gần!

– Ông Diệm có tiếng thanh liêm, chống Pháp, có công xây dựng thành công chế độ Miền Nam từ một đống lộn xộn. Tuy nhiên, sau đó, ông dính vào gia đình trị và để các sự việc như sự phản đối của Phật giáo biến chế độ ông thành xấu xí trong mắt nhiều người. Chế độ ông Diệm bị sụp đổ một cách không đáng, sự sụp đổ ấy chuẩn bị cho cả sự sụp đổ Miền Nam!

– Ngoài ra, anh có cảm giác, dù là người tốt, vì quốc gia, dân tộc, ông Diệm bị ảnh hưởng của gốc gác và truyền thống gia đình quan lại nên không theo kịp thời đại. Ông có công xây dựng đệ nhất Cộng Hòa với bản Hiến Pháp rất tiến bộ, nhưng hình như ông không theo kịp sự tiến bộ của bản Hiến Pháp đó.

– Ông Diệm là cây cột cái, ổng đổ thì Miền Nam đổ. Mấy ông tướng tiếp theo như Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, cả Nguyễn Văn Thiệu, có ai có uy tín của ông Diệm đâu!

– Vấn đề ở chỗ dân mình đánh giá hai Miền sai. Đánh giá Miền Nam phài đánh giá tụi mình nè, tức anh nè, em nè, bạn bè mình nè, những người dân được đào tạo bởi nền giáo dục Miền Nam. Tức đánh giá theo thể chế, thể chế dân chủ thì phải đánh giá người dân, chứ đánh giá theo lãnh tụ thì sai! Tiếc là thời cuộc đi mau quá, nếu chi trì được chừng năm bảy năm nữa, khi nền giáo dục Miền Nam đào tạo được con số đủ đông thì Miền Nam không thể thua. Còn muốn đánh giá Miền Bắc, phải đánh giá thể chế độc tài chứ không thể nhìn phiến diện qua ông Hồ, ông Giáp…

– Mà Miền Nam thua cũng phải, như anh là sĩ quan VNCH trước năm 1975, anh chưa nhắm bắn một anh Việt Cộng nào. Chế độ Miền Nam không dạy người ta căm thù mà dạy thương yêu. Thua là phải rồi! Rốt lại trên đất nước mình, thương yêu thua căm thù!

Hết món bàn luận chánh thì cũng hết món ăn chánh trên bàn. Chúng tôi kêu hai ly Espresso. Im lặng, nghe tiếng muỗng khuấy, cả tiếng tách được nâng khỏi dĩa…

Chuyện cũ nhắc lại để chiêm nghiệm, học hỏi. Để có đôi phút xao xuyến, cảnh xưa, người xưa, tình xưa, cách sống xưa…

Hai anh em cách nhau mưới mấy tuổi mà người nào tóc cũng trắng đầu. Chúng tôi may mắn có dịp sống ở Âu, Mỹ, làm việc cho công ty Âu Mỹ, đời làm việc trải phương Tây phương Đông, cuối đời không phải chịu gánh nặng thiếu thốn áo cơm, ngoảnh lại nhìn chuyện xưa như sương khói bay nhanh, bay cả những hoài bão, ước mơ! Vạn sự vân yên hốt quá…

– Bây giờ mình sống bình thản, muốn góp sức thì góp phần xây dựng lại các giá trị đã bị phá đi. Xây dựng luôn đòi nhiều lần thời gian hơn so với phá.

– Dạ, mà còn cách nào nữa đâu anh Sơn!

Tôi muốn hỏi anh câu này: nếu đánh giá một quốc gia hay một Miền qua lãnh tụ là đánh giá phiến diện, mà đa số người Việt chọn cách phiến diện đó, vậy thì kiến thức dân Việt có vấn đề không?

Nhưng đã tới lúc chia tay, hai anh em đứng lên, bắt tay, ôm nhau một cái nhẹ. Và tôi thấy câu hỏi đó không cần đặt ra nữa.

Lòng chỉ mong sao những lần gặp gỡ khác, những người như anh như tôi không phải nhắc lại chuyện xưa trong tâm trạng thế này, chỉ phấn chấn bàn việc tương lai…

Ngày 17 tháng 10 năm 2024

Comments are closed.