Không khói hoàng hôn (Tập II – kỳ 7)

Nguyễn Thị Kim Thoa

Hoa Phù Dung

Một đêm trực cuối tháng chạp, trời Đà Nẵng se lạnh. Nhìn đồng hồ gần hai giờ sáng, mệt mỏi, lưng đau ê ẩm do cả ngày chủ nhật phải đi lên, đi xuống bốn tầng lầu kiểm tra lại bệnh cũ, khám và cho y lệnh bệnh mới (ngày chủ nhật phải kiêm nhiệm nhận bệnh cho toàn khoa). Chuông cấp cứu báo có bệnh nặng vào. Một bé gái ba mươi hai ngày tuổi nhập viện. Nhìn đứa bé đỏ hỏn quấn trong tấm khăn lông cũ nát, vàng ố trên tay bà mẹ trẻ có nét mặt, dáng vẻ thanh tú nhưng nước da xanh mướt, tóc tai rối bời, áo quần xốc xếch đã khiến mọi mệt mỏi, đau nhức trong tôi tan biến. Tôi vội giúp chị y tá đặt đứa bé lên giường, cân đo, lấy nhiệt mạch.

–  Cân nặng 2kg9, nhiệt độ 40 độ C, mạch 120. Chị y tá Diệp báo cho tôi.

– Efferalgan 120mg 1/4 gói bơm qua xông dạ dày, lau mát toàn thân. Tôi nói với chị Diệp và vội vã khám bệnh.

Sờ cái đầu nóng hổi, cái thóp căng phồng, cái cổ cứng cùng với sự tăng trương lực cơ nhẹ toàn thân, nhịp thở không đều, thôi rồi: đây là một trường hợp viêm màng não nặng, tôi thầm nghĩ như thế và quyết định chọc dò tủy sống trước khi làm các xét nghiệm khác. Nước não tủy đục như nước vo gạo: Viêm màng não mũ.

Người mẹ trẻ với đôi mắt ngơ ngác, vô hồn nhìn tôi khi tôi thông báo bệnh rất nặng, có thể khó qua. Chị đứng yên một chốc rồi hỏi tôi:

– Tiền thuốc có nhiều không thưa bác sĩ?.

– Phải dùng kháng sinh mạnh, cháu nhỏ dưới sáu tuổi được miễn phí hoàn toàn. Trong trường hợp phải dùng thuốc ngoài danh mục thì số lượng cũng ít thôi, nếu chị không có tiền, chúng tôi sẽ có cách giúp chị từ quỹ bệnh nhân nghèo (do chúng tôi tự thành lập). Chị yên tâm. Tôi đáp.

Người mẹ kéo chiếc ghế ngồi xuống cạnh giường bệnh.

Sau khi các chị y tá thực hiện y lệnh, tôi thăm khám lần hai, tiếng rên è è kết hợp với nhịp thờ không đều … Tiên lượng bệnh tình của cháu bé trầm trọng, nhưng không thể làm gì khác hơn, phải chờ đợi thôi.

Đi một vòng kiểm tra bệnh nặng ở các phòng trên, lúc trở về, các xét nghiệm máu và nước não tủy đã có kết quả. Nhìn quanh, tôi muốn thông báo cho mẹ cháu những gì có thể xảy ra. Người mẹ không còn ở đó. Các chị y tá nói cô ấy gởi gắm cháu để đến phòng ngoại chấn thương chăm cho chồng cũng đang điều trị do tai nạn lao động.

Sau phiên trực đêm đó, tôi trở lại phòng nhi I để hàng ngày thực hiện nhiệm vụ theo chuyên khoa riêng của mình, nhưng tôi vẫn theo dõi bệnh tình của cháu Lê Thị Bé qua các buổi giao ban sáng.

Tình trạng của cháu tiếp tục xấu thêm; có lẽ do sức đề kháng của cháu yếu và cũng có thể gặp phải vi trùng kháng thuốc.

Năm ngày sau, trong phiên trực của tôi, bệnh của cháu Lê Thị Bé trở nặng. Cháu có những cơn rối loạn nhịp thở nhiều hơn, rồi ngưng thở, hồi sức cấp cứu không có kết quả, cháu đã ra đi.

Thông thường khi có một bệnh nhi trở nặng, hồi sức cấp cứu không hiệu quả, cháu qua đời, cả phòng cấp cứu như nóng lên do tiếng kêu khóc, tiếng van xin của các bà mẹ, ông cha, tiếng ơi ới gọi nhau của người nhà lo chuyện xe cộ đưa về… Thế nhưng lần này cả phòng yên lặng như tờ. Quanh cháu chỉ có chúng tôi, những người áo trắng. Tôi hỏi mẹ cháu đâu, các chị y tá nói:

– Có lẽ chị ấy đang chăm chồng ở khoa ngoại.

– Qua bên đó mời chị ấy về để làm thủ tục đưa cháu về nhà hay xuống nhà vĩnh biệt. Tôi nói với chị hộ lý.

Chừng 15 phút sau chị hộ lý về nói với tôi:

– Không tìm thấy chị ấy đâu cả.

– Sao lại thế, mẹ kiểu gì vậy, giờ con ra đi chẳng thấy bóng dáng mẹ ở đâu, tôi tức giận lẩm bẩm một mình.

– Năm ngày nay vẫn thế, sáng sớm chị ấy đến làm vệ sinh, chăm sóc con cả ngày, chừng sáu, bảy giờ tối gởi con cho y tá trực và ra đi suốt đêm. Chị hộ lý Nghiêm nói.

Không có người nhà, không thể để cháu nằm lại bệnh phòng lâu hơn, tôi đành ký giấy đưa cháu xuống nhà vĩnh biệt.

Đưa cháu bé xuống nhà vĩnh biệt về chị Diệp rưng rưng nước mắt bảo với chúng tôi:

– Bác Thoa và các chị không biết đó thôi. Thương tâm lắm, mấy ngày nay Diệp có dịp nói chuyện với chị ấy khi thấy chị cứ gởi con và đi vào buổi tối. Chi Diệp tiếp tục câu chuyện trong nước mắt:

“Chị ấy quê ở Ninh Bình, quen biết và yêu một chàng trai ở Non Nước, Quảng Nam trong một lần anh ấy ghé Ninh Bình tìm đá để đẽo tượng. Gia đình chị ấy ngăn cản nhưng rồi chị quyết theo anh về quê chồng, sống nghèo khổ bên nhau.

Ngày chị sinh cháu gái được ba tuần, người chồng bị tai nạn khi khuân vác đá. Tai nạn ập đến, tứ cố vô thân, chị vùng dậy, ẵm con đưa chồng vào viện. Để có tiền chi trả viện phí cho chồng và chi tiêu xe cộ ăn uống, chị không biết làm gì hơn ngoài việc phải “đứng đường bán thân”.  Nói xong chị Diệp ôm mặt khóc rưng rức, kêu than:

– Trời ơi là trời, còn gì đau khổ hơn khi mới sinh con chưa đầy tháng mà phải đi đứng đường bán thân?  Sao không tìm một việc gì khác như bán rau hành chẳng hạn có khá hơn không?

– Cô ấy có gì nữa đâu ngoài cái vốn có sẵn của mình. Chị tưởng dễ há, nách một trạc rau hành ra chợ cũng phải có vốn đôi ba trăm, chưa kể phải có một tí gì bôi trơn các tay công an khu vực chợ, nếu không thúng mủng bay hết chứ đừng nói bán được. Thời buổi này là như thế đó. Chị hộ lý Nghiêm nói tiếp.

– Tội nghiệp quá trời ơi, chị Loan tiếp: tiền viện phí cho chồng, tiền xe cộ, tiền ăn uống cho bản thân, làm gì có được, phải đành nhắm mắt qua truông.

Câu chuyện “bán thân” vẫn tiếp tục nói qua nói về giữa các chị y tá, người đồng tình thương cảm, người chê bai khinh miệt.

Giữa những lời qua về đó tôi thấy mình rơi vào tình trạng vừa thương cảm vừa hối hận, vừa tự trách bản thân. Tôi đã không biết rõ tình thế khó khăn của người mẹ trẻ kia mà đã vội vàng đánh giá chê bai. Đúng như lời chị Loan nói thời buổi bây giờ làm gì cũng phải có vốn, phải bôi trơn. Thà bán thân còn hơn trộm cắp, lường gạt…

Khoảng ba giờ sáng, tôi đi vào giấc ngủ lơ mơ trên chiếc ghế dài của phòng trực. Tôi thấy mình như được ai đó nâng lên rồi hạ xuống giữa một thảm cỏ xanh với những đóa phù dung trắng muốt. Những cánh hoa màu trắng tinh khôi bay lơ lửng quanh tôi.

Những đóa phù dung màu trắng tinh khôi nhởn nhơ bay trong giấc mơ của tôi sau khi cháu bé qua đời thỉnh thoảng trở lại trong tâm trí tôi mãi đến lúc này.

Nhưng câu chuyện bán thân của mẹ cháu – người phụ nữ trẻ có khuôn mặt và dáng người thanh tú quê gốc Ninh Bình luôn là một ám ảnh nặng nề đối với tôi suốt mấy chục năm trời. Tôi ăn năn sám hối vì trong nhất thời nông cạn đã có những phán đoán sai lầm và đã lầm rầm mấy lời oan ức cho chị.

Lòng tôi quặn đau khi nghĩ đến hình ảnh đơn độc của người phụ nữ trẻ đứng đường trong đêm lạnh những mong kiếm được đồng tiền nuôi con nuôi chồng đang nằm viện với tình trạng thập tử nhất sinh và nguy cơ tàn tật. Càng về sau tôi đặt tình cảnh của chị trong bối cảnh của đất nước ngày một điêu linh vì cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ngu xuẩn và bạo tàn, đảng Cộng sản từng bước quay ngược cuộc hành trình từ ngăn sông cấm chợ đối với nhân dân qua mở toang trời đất núi rừng sông biển cho ngoại nhân bằng sách lược gian dối đê tiện gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thực chất là kinh tế tư bản thời kỳ man rợ và cường quyền bạo lực Cộng sản toàn diện đến cùng hung cực ác. Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa thực chất có thể thu gom vào hai từ cướp và bán.

Vui buồn cùng kế hoạch 3

Vào những năm cuối của thập niên 80 của thế kỷ trước, một tổng kết được công bố chính thức của khoa nhi về tình hình bệnh nhi tại bệnh viện Đà Nẵng cho thấy mô hình bệnh tật của địa phương này đảo nghịch so với mười năm về trước (những năm cuối thập niên 70): các bệnh lý nhiễm trùng đã xếp hàng thứ chín, thứ mười và các bệnh lý về bẩm sinh, thiếu vitamin, suy dinh dưỡng chiếm hàng một, hai, ba.

Thế tuy nhiên, tại phòng hô hấp nơi tôi trực tiếp điều trị, các bệnh viêm phổi, viêm phế quản phổi vẫn còn nhiều. Đặc biệt vẫn còn nhiều bệnh nhi viêm màng phổi mủ.

Một ngày vào cuối tháng 5 năm 1989, cái nóng oi bức của miền Trung như bao trùm cả bầu trời, phòng bệnh số 2 của tôi có mười giường, nhưng hết bốn giường là trẻ bị viêm mủ màng phổi. Hàng ngày ngoài công việc khám bệnh cho thuốc, tôi còn phải làm các thủ thuật bơm hút, súc rửa màng phổi, đặt máy hút áp lực âm… Công việc cần sự nhẹ nhàng, kiên nhẫn, phải chịu mùi hôi thúi của các vi khuẩn sinh bệnh. Chúng tôi tất bật cả ngày.

Bé Lê Hồng Đức 4 tuổi vừa nhập viện, qua thăm khám và kết quả của cận lâm sàng, em được chẩn đoán là viêm màng phổi mủ. Tôi chọc dò màng phổi thấy có mủ màu vàng đục, đặt dẫn lưu, cho cấy vi trùng và điều trị.

Gia đình bé Lê Hồng Đức cư trú tại thành phố, khá giả, người mẹ xin được nằm ở phòng điều trị theo yêu cầu, nhưng khoa nhi chúng tôi không có phòng điều trị theo yêu cầu; chúng tôi sắp xếp cháu nằm cạnh giường một bé trai 12 tuổi cũng bị viêm màng phổi mủ đã được điều trị hơn 10 ngày. Quả thật khi nhìn những đứa bé với những ống dẫn lưu cùng một bình mủ ở góc giường ai cũng phải e ngại, sợ lây lan. (điều trị theo yêu cầu – kế hoạch 3 sẽ đề cập sau).

Cháu Đức điều trị bảy ngày, mủ khô, rút ống dấn lưu và ra viện. Trong khi đó, bệnh nhi vào trước cháu Đức 10 ngày vẫn tiếp tục nằm lại, bệnh chưa dứt.

Vào một buổi trưa, vừa đạp xe về đến nhà, tôi thấy có một người phụ nữ nông thôn, áo quần nhăn nhúm, xộc xệch, nách ở hông một bao cát chừng 10kg; nhìn lại tôi nhận ra chị ấy là mẹ của cháu Nguyễn Văn Lợi 13 tuổi bị viêm màng phổi mủ, nằm giường số 8 cạnh  bé Lê Hồng Đức 4 tuổi vừa ra viện sáng nay. Tôi hỏi:

– Chị đi đâu thế?

– Thưa bác, cho tui gặp bác thưa tí chuyện. Chị ấy nói.

Tôi mở cổng, mời chị vào nhà.

Loay hoay đặt bao cát lên bàn làm việc của tôi, chị nói:

– Gia đình tui ở nông thôn không có gì, biếu bác 10kg nếp để bác dùng, mong bác chú tâm điều trị cho cháu Lợi nhà tui, nó điều trị đã 17 ngày nhưng chẳng thuyên giảm chút nào. Thấy cháu Đức mới vào mà được ra viện sớm làm tôi càng lo lắng.

Một thoáng buồn giận nhen nhóm trong lòng tôi. Tôi đi lấy nước mời chị ấy uống và cố giải thích cho bà mẹ nôn nóng đó hiểu:

– Cháu Đức bị viêm mủ màng phổi giống cháu Lợi nhà chị nhưng thể trạng cháu khỏe, bệnh phát hiện sớm, vi trùng gây bệnh là loại ít độc, không đề kháng thuốc, do vậy việc điều trị đáp ứng nhanh hơn. Còn cháu Lợi nhà chị, thể trạng chung không tốt, bệnh phát hiện chậm, vi trùng độc hơn, lại đề kháng thuốc, nên đáp ứng điều trị chậm hơn.

Bà mẹ cháu Lợi vẫn chưa hiểu được hết lời tôi, hoặc có thể chị ta cho rằng tôi nói dối.

– Mong bác sĩ quan tâm điều trị cho cháu Lợi, chúng tôi sẽ không quên ơn bác. Chị ấy nói với đôi mắt đỏ hoe và đẩy bao nếp vào tận mặt tôi.

Tôi cảm thấy bị xúc phạm, nhưng cố kìm lòng, đi lấy nước uống. Làm sao tôi có thể giải thích cho chị ấy hiểu được đây. Biết chị không hiểu hết nhưng tôi vẫn cứ nói:

– “Cháu Đức bụ bẫm, đến điều trị sớm, bệnh do phế cầu khuẩn* lại có điều kiện dùng thuốc ngoài danh mục. Còn cháu Lợi con chị đến bệnh viện khi mủ đã quá nhiều, dẫn lưu gần nửa lít, thể trạng suy dinh dưỡng, vi khuẩn gây bệnh là tụ cầu vàng**, dùng thuốc trong danh mục. Sau 5 ngày dùng methicillin, không hiệu quả, làm kháng sinh đồ thấy vi trùng kháng thuốc, chúng tôi phải huy động quỹ bệnh nhân nghèo (quỹ do chúng tôi tự lập) đóng tiền viện phí cho cháu Lợi để cháu được dùng thuốc ngoài danh mục, bệnh có chiều hướng tiến triển tốt hơn. Thế nhưng do thể trạng chung của cháu quá yếu nên mủ chưa khô, vẫn phải súc rửa hàng ngày”.

Tôi tiếp tục giải thích:

– Bệnh của cháu cho đến giờ phút này xem có tiến triển tốt, nhưng cần phải theo dõi thêm, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, chị hãy mang 10kg nếp về bán lại đi, lấy tiền lo thức ăn cho cháu.

Người mẹ vẫn lúng ta lúng túng không chịu ra về. Để chị yên tâm, tôi nhận bao nếp của chị, và nói:

– Thôi chị về đi kẻo không ai trông cháu Lợi ở bệnh viện.

Ngày hôm sau tôi khệ nệ chở bao nếp sau xe đạp từ nhà đến bệnh viện, ôm nó lên phòng làm việc, nhờ chị y tá Ngò đi bán lại, lấy số tiền ấy đóng thêm viện phí cho bệnh nhân Lợi.

Thế rồi em Lợi cũng được ra viện sau 25 ngày điều trị. Lòng tôi nhẹ nhõm.

Ngày 25 tết năm đó, một bữa trưa, trời se se lạnh, đạp xe về đến cổng nhà tôi thấy hai mẹ con cháu Lợi đứng chờ tôi ở cổng với con gà trống nhốt trong cái lồng tre. Người mẹ ăn mặc sạch sẽ, cháu Lợi đã hồng hào hơn. Tôi mời hai mẹ con vào nhà. Đặt chiếc lồng tre có con gà trống xuống nền nhà chị ấy nói:

– Gà nhà nuôi đem biếu bác ăn tết.

– Cám ơn hai mẹ con, tôi nói và cầm cái lồng gà đem xuống bếp.

Sau khi hàn huyên vài ba câu chuyện quê làng, tết nhứt, tôi vào bàn làm việc của anh Chu Sơn ở phía trong tìm một cái phong bì và lấy tiền bỏ vào – số tiền nhiều hơn giá con gà cọng với tiền xe đi về và tiền ăn uống dọc đường của hai mẹ con cháu Lợi một chút. Trở lại phòng khách tôi đưa phong bì cho cháu Lơi và nhỏ nhẹ nói với bà mẹ:

– Đây là tiền lì xì Tết cho cháu Lợi, chúc cháu ngoan, gia đình yên vui khỏe mạnh.

Người mẹ ngần ngại không muốn lấy. Nhưng tôi cố thuyết phục chị.

Sau khi dặn dò đôi ba câu về sức khỏe cho chị, cho cháu Lợi, tôi hối thúc hai mẹ con ra về kẻo đường sá xa xôi.

Trước khi ra về người mẹ nói nhỏ với tôi:

– Bác có áo quần cũ không cho tui xin một ít.

Nghe chị hỏi, tôi ngẩn ngơ giây lát, nhưng rồi kịp định thần và nói:

– Chị ngồi chơi đợi tôi một chốc nhé.

Tôi vội vã lên gác mở tủ áo quần của chồng con tôi, của tôi và lựa những cái ít mặc, gói vội vào một túi ni lông đem xuống cho chị.

Hai mẹ con vui vẻ nhận lấy và ra về.

Từ đó, hàng năm vào mấy ngày cận Tết âm lịch, tôi lại tiếp hai người khách đặc biệt từ Đại Lộc xuống với một con gà trống, có khi là con trống thiến. Hai mẹ con cháu Lợi nhận lại một ít tiền và áo quần cũ, bánh mứt của tôi.

Té ra cái kế hoạch 3 của ông Lê Duẩn cũng có một tí khía cạnh tích cực của nó.

(Tôi không biết kế hoạch 1, kế hoạch 2 là gì chỉ nghe được kế hoạch 3 từ các chị đảng viên trong bệnh viện).

Ông Lê Duẩn quả là thiên tài kế hoạch. Sáu năm trước, năm 1976, sau cuộc chiến tranh long trời lở đất chống Mỹ – Ngụy, ông thừa thắng xông lên lùa đẩy nhân dân cả nước “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa”. Ở miền Nam ông tiến hành một loạt các cuộc cải tạo: Cải tạo ngụy quân ngụy quyền, cải tạo văn hóa văn nghệ, cải tạo tư sản công thương, cải tạo nông  nghiệp nông thôn. Cả miền Nam biến thành một đại công xã cải tạo. Mà cải tạo là gì? Cuối năm 1975, một giảng viên môn Mác Lênin từ Hà Nội vào đã định nghĩa với sinh viên năm cuối chúng tôi tại đại học y khoa Huế rằng: “cải tạo là cướp lại những gì đã bị ăn cướp”.

Cuộc diện ăn cướp và bị ăn cướp đã diễn ra suốt bốn năm tại miền Nam giữa hai phe cách mạng và tư sản phản động. Thắng thua thế nào người đời sau có thể nhận biết qua thành ngữ: “Miền Nam nhận họ – miền Bắc nhận hàng”. Nhận họ để khỏi hoặc giảm nhẹ tình thế bị ăn cướp. Nhận hàng thì mênh mông chi xứ những gì ăn cướp được: Vàng bạc, nhà đất, xe cộ, hàng hóa… (nhiều hơn bất cứ nước cộng sản nào!). Cái chở được thì chở, cái không chở được thì bên thắng cuộc chia nhau tại chỗ. Bên thua cuộc thì hàng trăm ngàn người chết trong các trại cải tạo, hàng triệu người chết trong các cuộc vượt biên, vài ba triệu người tứ tán trên khắp thế giới, hàng mấy chục triệu người ngỡ ngàng, tuyệt vọng, căm thù trong đói nghèo, bệnh tật, lang thang đầu đường xó chợ. Cải tạo chưa xong, đảng Cộng sản hô hào quân dân đoàn kết đương đầu hai cuộc chiến tranh với hai cựu đồng chí: Trung Cộng ở phía bắc, và Campuchia ở phía tây nam. Lại hàng triệu thanh niên chết chóc, tật nguyền. Cả đất nước điêu linh. Cuộc cách mạng chủ nghĩa xã hội long trời lở đất hoàn toàn bị phá sản. Trước tình hình đó Tổng bí thư Lê Duẩn nghĩ ra kế hoạch 3.

Như thế là cả nước tạm thời quên khẩu hiệu “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa” để mà thi nhau thực hiện kế hoạch 3. Cán bộ, cơ quan, lãnh đạo, nhân viên, trong đảng, ngoài đảng, người ồn ào hăm hở, người âm thầm thận trọng, gần như tất cả mọi người ai cũng muốn “no cái bụng cái đã”. Kế hoach 3 thực chất là một giải pháp tạm thời nhằm mục đích “chữa lửa” hơn là một kế hoạch chiến lược như tên gọi của nó. Nó thể hiện tính chất bản năng hơn là hành động lý trí.

Chuyển động theo kế hoạch 3 dễ thấy nhất trong hai khu vực giáo dục và y tế. Thời bao cấp – thời đảng Cộng sản lùa đẩy nhân dân “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa” – đảng Cộng sản bao sân tất cả: giáo dục, y tế miễn phí toàn dân. Cán bộ giáo dục, y tế cũng như tất cả mọi người trong quỹ đạo (quân đội, công an, viên chức hành chánh…) sống bằng lương và tem phiếu. Cuộc sống bao cấp ấy dẫn đến sự khủng hoảng trầm trọng trên cả hai phương diện tinh thần và vật chất: bụng thì thiếu đói, đầu thì lơ láo bần thần, nghẹn ngào căm giận. Nay thì đảng cho phép mọi người làm cái gì đó để kiếm thêm ngoài giờ: Bác sĩ mở phòng mạch tư, giáo viên dạy thêm ở nhà… Xã hội chuyển dần từ tình trạng ngăn sông cấm chợ qua tình trạng “chợ hóa” mọi nơi. Trường học, bệnh viên, cơ quan nhà nước, doanh trại quân đội, lãnh địa công an biến thành chợ. Mọi người, mọi thứ đều có thể mua bán là hậu quả của “kế hoach 3”.

Năm 1986, người sáng tạo ra kế hoạch 3, Tổng bí thư Lê Duẩn chết. Nhân vật kế nhiệm, Tổng bí thư Trường Chinh, tiếp tục cuộc chữa cháy bằng sách lược: “Kinh tế thị trường – định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tổng bí thư Trường Chinh là lý thuyết gia hàng đầu của đảng Cộng sản thời chiến tranh Việt – Pháp, là tổng chỉ huy công cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu, là người chủ trương đàn áp nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm; ông chứng tỏ là một lý thuyết gia lão luyện của đảng Cộng sản. Ông sửa sai học thuyết cách mạng của Lê Duẩn. Lê Duẩn chủ trương: Sau khi đánh thắng đế quốc Mỹ, trong hòa bình và thống nhất, Việt Nam từ một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu, nhưng với sự giúp đở của Liên xô, đảng Cộng sản Việt Nam quyết đưa đất nước tiến thẳng lên Xã hội chủ nghĩa, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Kết quả là đất nước điêu linh. Không có chủ nghĩa xã hội gì cả.

Trường Chinh chủ trương: Vẫn kiên định chủ nghĩa xã hội, nhưng có thể làm một bước thụt lùi: áp dụng kinh tế thị trường với đầu tư nước ngoài và đảng viên biến thành tư bản đỏ. Như thế là đảng Cộng sản một tay thu tóm tài nguyên quốc gia, vơ vét sức lao động của nhân dân, hợp tác với tư sản ngoại bang, bất chấp quyền lợi quốc gia dân tộc; một tay nắm súng và chìa khóa nhà tù, đưa đất nước trở lại thời kỳ tư bản man rợ. Bởi vì: “Thà mất nước, mất dân, không thà mất đảng”.

Định hướng xã hội chủ nghĩa thực chất là trò lừa đảo, treo đầu dê bán thịt chó. Nhưng đây là chuyện về sau. Xin trở lại kế hoạch 3 với góc nhìn của người thầy thuốc trong cuộc.

Kế hoạch 3 bắt đầu âm thầm nhưng đều khắp trên toàn quốc vào mấy năm đầu của thập kỷ 80 (thế kỷ 20). Có lẽ ông Lê Duẩn không muốn công khai thừa nhận sự sai lầm và tội ác của mình.

           Tại khoa nhi bệnh viện Đà Nẵng của chúng tôi, sau một buổi giao ban đầu tuần, chủ nhiệm khoa làm như tình cờ hé lộ một “ân huệ” của đảng: “Mọi cán bộ công nhân viên ngoài giờ hành chánh và nghiệp vụ có thể làm thêm việc gì đó ở bất cứ đâu để cải thiện sinh hoạt. Bác sĩ có thể mở phòng khám tại nhà, bệnh viện sẽ mở thêm phòng khám ngoài giờ, các khoa phòng tổ chức dịch vụ “chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu” trong khuông viên của khoa phòng, của bệnh viện.

Nghe qua như thế nhưng những gì chúng tôi thấy thì chóng cả mặt. Tôi có cảm tưởng như có một luồng sóng ngầm dữ dội phát xuất từ các văn phòng và nhà riêng của các nhân vật quyền lực trong đảng, trong ngành y tế. Họ đang thi đua chớp thời cơ.

Phòng khám tư và nhà thuốc tây mọc lên như nấm chung quanh các bệnh viện và các chợ. Bác sĩ, dược sĩ đa phần chân trong, chân ngoài nhập nhằng mờ ám. Bác sĩ không mở được phòng khám tư thì có phòng khám ngoài giờ hoặc phòng điều trị chăm sóc theo yêu cầu tại bệnh viện và các khoa phòng.

Trình dược viên đại diện các công ty dược tư bản chạy tới, chạy lui suốt ngày đêm từ phòng khám của bác sĩ này đến nhà riêng nhân vật quyền lực nọ. Một trong số họ đã nói với tôi: “Các công ty dược và các công ty thiết bị y tế tư bản đã trao cho các cấp lãnh đạo đảng có thẩm quyền và ngành y tế những chìa khóa vàng. Bù lại, các công ty đó gần như có toàn quyền quyết định giá cả và phẩm chất và mẫu mã hàng hóa.

Chính sách y tế chuyển dần từ bao cấp qua chế độ y tế thị trường. Ngoại trừ bệnh nhân nhi dưới 6 tuổi, tất cả các bệnh nhân từ 6 tuổi trở lên đều phải nộp viện phí. Nói y tế thị trường là cưỡng từ đoạt lý. Không có cạnh tranh, không có kiểm soát chuyên môn, pháp luật và lương tâm gì cả.  Thực tế là nền y tế tại Việt Nam bắt đầu từ đó được quyết định bởi lợi ích của các công ty dược và công ty thiết bị y tế tư bản với lợi ích của đảng Cộng sản độc quyền. Đất mặt bằng là sở hữu công, nhân dân – người bệnh đóng thuế để xây dựng cơ sở, trả lương nhân viên các cấp, mua sắm thiết bị thuốc men… lại trở thành nạn nhân, là đối tượng khai thác của sự liên kết ma quỉ ấy.

Kế hoạch 3 và Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa thực chất là Tư bản chủ nghĩa hoang giã kết hợp với độc tài Cộng sản toàn trị.

Ghi chú:

*Phế cầu khuẩn: Streptococcus Pneumonia.

**Tụ cầu vàng: Staphylococcus Aureus.

This entry was posted in Văn and tagged . Bookmark the permalink.