Lại một mùa phượng nở – Hào kiệt đâu, bây giờ?

Lê Học Lãnh Vân

     image_thumb

 

    

Bài thơ Lại một mùa phượng nở, hào kiệt đâu bây giờ được gợi ý bởi bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên. Bài thơ Ông đồ rất nổi tiếng vì hình thức giản dị, vào đề trực tiếp như lời tâm sự chân thành của thế hệ sau bày tỏ lòng thương tiếc về những mai một của thế hệ trước. Người viết bài này, trong khi suy nghĩ về thời cuộc, tự nhiên những câu thơ hiện lên, những câu thơ rõ rệt phong cách bài thơ Ông đồ lại diễn tả được tâm sự của tám mươi bảy năm sau! Tâm sự ấy là một chữ TIẾC mênh mông, TIẾC ngẩn ngơ…

1) Bảy lăm, mùa phượng nở

Từ đây nước hòa bình

Ngất ngây ngày thống nhất

Giữa mùa nắng lung linh…

Bao nhiêu người chuẩn bị

Góp sức nước non này

Sẽ tưng bừng cất cánh

Như hổ phóng, rồng bay…

Còn in rất rõ trong tâm trí, ngày 30/4/1975 là một ngày đẹp đẽ. Bởi vì nhìn từ bề ngoài, nếu tạm quên quá khứ, ngày đó đem lại nhiều điều rất tốt đẹp cho đất nước: hòa bình, thống nhất!

Cho dù tâm lý người Miền Nam có khựng lại một chút vì hai từ Chiến Thắng được cất lên quá nhiều lần trong những bài diễn văn, thì khí thế hừng hực của cuộc thống nhất non sông khiến họ chỉ thấy hai chữ Chiến Thắng vang vọng âm hưởng hào hùng cùng tương lai tươi sáng. Những tuyên bố nức lòng như “Chiến Thắng này là của toàn thể dân tộc ta” khiến mọi khác biệt về Quốc – Cộng tự nhiên bị xóa nhòa, cuộc chiến tổn hại sinh lực đất nước ngày hôm qua đã hoàn toàn là quá khứ. Bên Thua Cuộc đã giữ nguyên vẹn các thành phố lớn đón đội quân Bên Thắng Cuộc trong tinh thần “chế độ nào cũng được, cũng đồng bào mình không mà!”.

Những người trải qua thời đó đều nhớ mình đã rủ nhau ở lại Tổ quốc và hăm hở chuẩn bị góp phần xây dựng hậu chiến như thế nào!

2) Cải tạo vùi hy vọng

Nguyên khí bị đọa đày!

Nửa nước bỗng thành ngụy

Đất nước xé làm hai!

Hòa bình vẫn còn đấy

Qua đường có ai hay

Người người tìm quốc tịch

Rời bỏ quốc gia này

Điều đau thương là ngay sau ngày đó, người Việt lại dấn thân vào một cuộc phân chia nghiệt ngã hơn!

Và, người ta nhớ lại cách bên thắng cuộc đối đãi với những nhà lãnh đạo Miền Nam. Chỉ có những người cấp thấp xông vào dinh Tổng thống Miền Nam và cư xử theo kiểu bắt giơ tay lên! Ôi, phải chi ngày ấy các nhân vật như Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng hay Võ Văn Kiệt, Trần Văn Trà tới trước cổng dinh Độc Lập, rảo bước vào trong ôm chầm lấy Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu, những người ở vị trí lãnh đạo Miền Nam!

Tiếp theo, bên thắng cuộc đưa phần tinh hoa của bên thua cuộc vào trại cải tạo trong năm sáu năm! Nhìn nguyên khí quốc gia tan nát, bao nhiêu người Miền Nam còn tin rằng “Chiến Thắng này là của toàn thể dân tộc ta”? Những người nhìn xa trông rộng và nặng lòng với Tổ quốc thấy bầu trời quá nặng mây đen!

Trong những năm sau đó, số người Việt chết kéo dài thêm con số của cuộc chiến hai mươi năm: trong trại cải tạo, trên đường vượt biên, chết vì nghèo đói, chết vì các “anh em cùng chiến tuyến lý tưởng liên thông” giết hại trên biên giới Tây Nam và phía Bắc…

Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật”, hiện trạng quốc gia phải có nguồn gốc sâu xa…

Tham nhũng đầy chánh điện

Tổ quốc quá bơ vơ

Ôi con số các quan cực phẩm đại thần tham nhũng lên tới mức độ quá đau lòng! Và công dân Việt Nam cầm hộ chiếu quốc gia được xếp hạng quá thấp theo chỉ số xếp hạng hộ chiếu Henley, chẳng những thấp so với hộ chiếu của Nhật, Singapore, mà cũng thấp so với Malaysia, Indonesia, Thái Lan! Điều này cho thấy Tổ quốc có mức độ bơ vơ cao, ít nhận được sự thân thiện của thế giới…

Làm sao không đau lòng rớt nước mắt!

Giống nòi muôn năm cũ

Hào kiệt đâu bây giờ?

3) Đau lòng nhưng không bi quan. Bài viết này thấy hào kiệt khắp nơi, chỉ cần đất nước có chính sách khai phóng, trân quý nhân tài thì hào kiệt xuất đầu lộ diện như nấm sau mưa. Cho dù sống trong môi trường đè nén, bị cắt đi cơ hội hoạt động, hào kiệt vẫn còn nhiều và đủ sức bật đưa Việt Nam phát triển nhanh hơn… Không chỉ hào kiệt trên lãnh thổ Việt Nam, hào kiệt gốc Việt bên ngoài lãnh thổ cũng rất đông đúc. Những người này muốn góp sức cho Việt Nam không chỉ và/hay không phải vì tâm lý cổ xưa không quên nguồn cội.

Những hào kiệt Việt nhìn thấy tiềm năng rất lớn của Việt Nam, tiềm năng đó mà được khai phá bởi chính sách quản trị xã hội thích hợp, Việt Nam sẽ cất cánh cấp kỳ! Cho nên, những hào kiệt kia muốn tham gia vào vận hội mới, muốn cá nhân phát triển trong sự cất cánh của Việt Nam, muốn thỏa mãn ước vọng và hoài bão phát triển cá nhân trong sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Chỉ hào kiệt mới nhìn ra hào kiệt, mới nhận biết năng lực và tiềm năng của nguồn nhân lực, của vùng đất. Và chỉ dân chúng rộng rãi mới là nguồn hào kiệt và mới chọn lựa được hào kiệt cho quốc gia! Không một nhóm người riêng lẻ nào có thể thay mặt dân chúng làm việc đó!

“Hào kiệt đâu, bây giờ?” là câu hỏi tưởng khó trả lời mà thực ra dễ! Chỉ cần người Việt trân quý nhau, xem nhau bình đẳng, chỉ cần người Việt không nhìn nhau như thế lực thù địch, chỉ cần người Việt dốc lòng hướng tới quyền lợi chung của Tổ Quốc, để quyền lợi riêng của phe phái dưới quyền lợi Tổ quốc thì tự nhiên người Việt sẽ tìm ra giải pháp cho hiện trạng!

“Hào kiệt đâu, bây giờ?” là câu hỏi tưởng dễ trả lời mà thực ra khó! Người Việt có chịu đặt quyền lợi riêng một bên để bao dung, chấp nhận, tôn trọng nhau thay vì đè đầu cưỡi cổ nhau không? Người Việt có chịu ngẩng đầu lên bầu trời cao rộng bên trên để thấy biết bao nhiều quyền lợi, giá trị to lớn cho cộng đồng, cho đất nước và cả cho cá nhân nằm trên kia, thay vì chỉ cúi mặt xuống đất giành nhau hốt từng bụm cơm vãi quanh chân mình?

Hôm qua, 29/4/2023, hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Hàn kết thúc. Hàn Quốc hiện là đối tác ngang tay của Mỹ trong chương trình Chip toàn cầu. Trong vòng hai năm qua, Hàn Quốc đã đầu tư vào Mỹ 100 tỉ và tạo 40 ngàn việc làm cho Mỹ. Người Việt nghĩ gì khi ngày 30/4 lại tới?

Ngày 29 tháng 4 năm 2023

Comments are closed.