Luật sư Nguyễn Hữu Doãn, "Cổ vật của một thời lãng mạn"

Trần Đình Sơn Cước

clip_image003

Ls. Nguyễn Hữu Doãn (ảnh chụp năm 2018, tại Mỹ)

Gặp anh lần cuối tại California (2018), khi nhắc lại bao chuyện cũ, anh cười sang sảng và đọc vang câu thơ của anh:

Lang thang trong cõi ta bà

Nhặt lên những mảnh sơn hà rụng rơi

Anh là ai? Thế hệ thanh niên sinh viên miền Nam trước 1975 nhiều người vẫn nhớ:

Khi tôi lớn lên

Các anh như huyền thoại

Xao xuyến lòng các cô gái đôi mươi

Những chàng trai ôm giấc mộng đổi dời

Mơ các anh

Như mơ thần tượng…

Ngày nay, trong nước chẳng ai biết anh là ai. Thế hệ trẻ lớn lên ở hải ngoại cũng không ai biết anh là ai. Chỉ còn chúng tôi, những thanh niên sinh viên thuở ấy, nay tuổi đã trên dưới thất tuần, vẫn cố còn cất giữ những “cổ vật của một thời lãng mạn”, bùi ngùi thương tiếc trước sự lần lượt ra đi của các anh trong âm thầm lặng lẽ ở một góc trời hải ngoại lưu vong…

Dù cuối đời anh đã sống như một ẩn sĩ, ngày đêm tu tĩnh như một thiền sư. Dù tâm niệm anh như chim hạc bay qua hồ nước không mong cầu bóng hình mình được lưu giữ. Nhưng, trong ký ức bạn bè, trong chứng tích của lịch sử, trên đường dẫn (link) của Google, vẫn lộ ra được chút hành tích của anh.

Trong “TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN”(1) của cố Hoà thượng Thích Trí Quang, khi nhắc lại những ngày sôi động của Việt Nam Cộng Hoà những năm từ 1963 và kế tiếp, ở phần 16/1/3 Hoà Thượng chỉ duy nhất nhắc: “Ba thanh niên hoạt động nổi tiếng sau khi thiết quân luật là Bôi, Nho, Doãn. Bôi đã thành người thiên cổ, còn hai người kia, tôi chưa có dịp liên lạc được.”.

Bôi là Lê Hữu Bôi, Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1964-1965; Nho là Nguyễn Trọng Nho, cùng lãnh đạo Tổng hội Sinh viên năm đó với Lê Hữu Bôi; Doãn là Nguyễn Hữu Doãn, người mà tôi đang viết hôm nay…

Hồi tưởng những tháng năm rối ren bởi những cuộc đảo chính, chỉnh lý của phe quân nhân các năm sau 1963, những cuộc biểu tình của phong trào thanh niên học sinh sinh viên chống quân phiệt độc tài nổ ra ở Huế, Sài Gòn. Cuộc biểu tình ngày 25 tháng 8 năm 1964 của học sinh sinh viên Sài Gòn kéo tới bao vây “Dinh Thủ tướng” đòi xé bỏ Hiến chương Vũng Tàu (16-8-1964), đòi tướng Nguyễn Khánh từ chức có mặt anh trong ngày sôi bỏng đó. Ký ức bạn bè còn nhắc mãi hình ảnh người lãnh tụ sinh viên nhỏ nhắn, nhưng sôi nổi, gan dạ đối đầu, đối thoại với tướng Khánh, thách đố mổ bụng mình để đòi chấm dứt tình trạng khẩn trương thiết quân luật, đòi xé bỏ Hiến chương Vũng Tàu, thiết lập chính phủ dân sự…

Dưới những năm cuả nền đệ nhị cộng hòa, anh sống "hòa bình" hơn, máu nóng thời tuổi trẻ có phần lắng xuống. Anh chỉ hành nghề luật sư. Từ sau mùa hè đỏ lửa 1972, theo lời mời của giáo sư Khoa trưởng trường Đại học Luật khoa Huế, anh trở về thành phố Huế quê hương của anh để dạy một môn Luật Công pháp và hướng dẫn cho sinh viên năm thứ tư làm luận văn tốt nghiệp. Rồi theo làn sóng "di tản" khỏi Huế của những ngày cuối tháng 3 năm 1975, anh là người cuối cùng mang hồ sơ của trường Luật Huế, chiếc cặp đựng tài liệu của ông Khoa trưởng vào Sài Gòn giữa khi cả nước Việt Nam Cộng hòa đang hấp hối…

Sau 1975, anh không phải là thành phần phải đi trình diện học tập cải tạo. Nhưng anh là thành phần thất nghiệp!

Anh là con người sống vì bạn. Trong cuộc chiến tranh mà anh và bạn bè vẫn thường hát "hai mươi năm nội chiến từng ngày", dù không cùng chiến tuyến với bạn, nhưng anh vẫn hành động hết lòng vì bạn. Có lần đang làm việc ở văn phòng luật sư của anh, chiếc xe xích lô đỗ ngay trước cửa, một người phụ nữ sắp chuyển dạ nặng nhọc bước vào. Anh nhận ra ngay chị ấy là vợ một người bạn anh vừa thoát ly không lâu. Lập tức, anh đưa chị ra xe (chị cũng là người hoạt động nội thành), chở chị đến bệnh viện phụ sản an toàn…

Dù cả hai vợ chồng anh đều thuộc thành phần trí thức của Sài Gòn lúc bấy giờ, nhưng nhà anh thường là nơi lui tới của bạn bè đủ mọi thành phần. Nhận được nhiều sự giúp đỡ đùm bọc của anh chính là các anh chị em trong phong trào tranh đấu Sài Gòn và Huế. Nhiều người bạn vẫn không quên tiền bạc, áo quần, thuốc thang và chỗ trú ẩn của anh dành cho sau những ngày tù tội hoặc bị cảnh sát theo đuổi…

Nhắc lại một vài mẩu chuyện về anh để nói rằng chế độ mới không phải là chế độ thù nghịch của anh. Anh vẫn còn nhiều bạn bè, những người ngày xưa khi chưa chiến thắng được anh chở che, giúp đỡ, vẫn còn nhớ tấm lòng và ơn nghĩa của anh. Thế nhưng, tinh thần "kẻ sĩ" trong anh đã nổi dậy để anh nhìn thấy chế độ mới là chế độ cần lên án. Dù cảnh nhà thiếu thốn, cả hai vợ chồng phải bươn bả để nuôi ba con dại, anh đã sẵn sàng cùng bè bạn, những luật sư, trí thức, chỉ mới hai năm sau ngày chế độ mới thiết lập, cùng nhau ra bản "Tuyên Ngôn Nhân Quyền Của Những Người Việt Khốn Cùng". Theo lời kể lại của chính luật sư Trần Danh San, người cùng luật sư Triệu Bá Thiệp chấp bút bản Tuyên Ngôn: "Chúng tôi gồm hơn 10 luật sư trước 1975 đang hành nghề tại Huế và Sài Gòn đã hẹn nhau chia làm hai ngả tiến theo hai đường tập trung trước nhà thờ Đức Bà vào chiều ngày 23 tháng tư năm 1977. Chúng tôi đã dùng một cái loa phóng thanh qua một máy ghi âm nhỏ để đọc lên bản Tuyên Ngôn. Ngay lúc đó công an ập đến bắt chúng tôi về Tổng Nha Cảnh Sát cũ rồi sau đó giải về Phan Đăng Lưu" (2). Cái giá mà họ phải trả là những ngày tù tội qua nhiều trạm giam khắc nghiệp với các bản án nặng nề. Có một vài người phải tự sát hoặc chết trong lúc thụ án…

Tôi tìm đến thăm anh vào một buổi sáng khoảng thời gian sau khi anh ra tù. Tôi từ Huế vào, tìm đến khu nhà anh ở cư xá Thanh Đa cũ. Láng giềng chỉ anh "làm việc" ở cái quán ngoài đường lộ. Tôi gặp anh, một người đang lui cui vá và bơm lốp xe đạp bên hông một chòi lá bán nước trà đá. Ôm nhau, anh vẫn cười giòn tan. Anh kể ra tù, túng quá, xoay qua bói toán, coi tử vi. Vốn liếng học được từ một người bạn xem bói toán truớc đây, cộng với những ngày chiêm nghiệm trong tù, cũng thu hút được khách thập phương. Tiếng đồn lan xa. Nhưng anh không sống được với "nghề" mới này bao lâu vì tên tuổi anh đã bị "nêu" lên báo, bị cho là truyền bá mê tín dị đoan cần phải ngăn cấm. Cùng đường, anh phải ra ngồi tạm đây bơm vá bánh xe đạp kiếm tiền nuôi con. Anh kể tỉnh bơ. Chúng tôi nhìn nhau cười, nhưng mắt như vướng phải hạt bụi xót cay…

Rồi anh cũng được ra khỏi nước, sống cuộc sống lưu vong bên nước Anh.

Gặp lại anh ở Mỹ. Anh để râu dài như một ông già Đông phương, tay chống gậy, nhưng nụ cười vẫn sảng khoái, tiếng nói vang vang. Việc đời việc nước xếp lại rồi. Anh cùng chị thiền định thiền hành mỗi ngày…

clip_image005

Ls. Nguyễn Hữu Doãn & TĐSC (2018, Cali). Ảnh TKTT

Anh mới qua thăm chúng tôi trước năm đại dịch Covid-19. Những tưởng còn được dịp gặp lại anh thêm nữa. Thế nhưng, anh Doãn ơi, anh đã vĩnh viễn đi xa… Từ nay, anh sẽ không còn "lang thang trong cõi ta bà", nhưng biết còn ai không, sẽ theo gương anh, vẫn "lang thang" đi nhặt tiếp "những mảnh sơn hà rụng rơi"!

Cũng như các anh dịch giả Lê Khắc Cầm, nhà văn họa sĩ Hoàng Ngọc Biên, nhà thơ dịch giả Diễm Châu…, các anh là những "cổ vật của một thời lãng mạn", đã "làm xong phận SĨ", nay "phút cuối đời, xin nhẹ bước ra đi…"

(Chicago 1-25-2021)

—————————————————–

(1) Bản phổ biến trên internet.

(2) Trả lời phỏng vấn báo Người Việt năm 2011.

Comments are closed.