Ngày Ấy Em Như Hoa Sen

Truyện

Nguyễn Đức Tùng

Tháng Ba về Huế đi qua thành Nội, gặp mùa sen nở, nhớ một bài hát cũ, nhớ chị, tôi đi tìm. Nhưng căn nhà của ba mẹ con chị trong ngôi hẻm nhỏ đã đổi chủ, không ai biết họ trôi giạt về đâu.

Ngày ấy chị hay mặc ái dào màu hồng cánh sen. Nhà cha mẹ chị mái ngói rêu phong cổ kính, thơm mùi hoa trái, có chiếc cổng vòm leo dây tơ hồng gần hồ Tịnh Tâm, nhìn ra sen xô sóng biếc. Có lẽ vì vậy khi lớn lên chị thích màu trắng, màu hồng. Anh Huân, anh họ tôi, quen chị đúng lúc mẹ anh, tức dì tôi, đi coi mắt người vợ tương lai cho con, cô gái cùng làng không nhan sắc nhưng nết na, chăm chỉ. Cha mất sớm, nhà đơn chiếc, anh tôi học chưa hết trung học đã đi lính, đóng quân ở phi trường Phú Bài. Dáng người cao ráo, trắng trẻo, vẻ trí thức. Tôi nhớ hình ảnh của anh mỗi lần đến thăm mẹ tôi, đi giày da đen bóng, mặc bộ đồ lính màu xanh xám, ủi hồ thẳng nếp, như vừa bước từ tiệm giặt ủi ra, cười nửa miệng. Hồi ấy đồng phục lính thật đẹp. Yêu chị, anh về năn nỉ gia đình từ hôn nhưng không được chấp nhận. Dì tôi một mình nuôi con trai độc nhất, cực khổ trăm bề, tính tình cứng rắn, thương con thì thương quyết không đổi ý. Thế là anh tôi có người vợ trẻ để ở quê, cưới hỏi đàng hoàng, làm dâu dì tôi hai mẹ con sớm hôm thủ thỉ, trong khi anh vẫn ở với người phụ nữ khác ở Huế.

Chị làm ở văn phòng đại học Luật, chạy xe Vélo Solex, xe PC, mặc áo dài, xõa tóc ngang vai. Anh tự học lấy bằng Tú tài, ghi danh học trường Luật, nơi có cây đa cao lớn phủ bóng mát rộng thật đẹp trên đường Lê Lợi, vì vậy hai người quen nhau, hẹn hò dưới bóng cây đa những trưa mùa hè mồ hôi ra như tắm. Anh Huân gọi chị là Tịnh Tâm, để nhớ mùa sen nở quanh căn nhà  của cha mẹ chị, nhưng đó không phải là tên khai sanh. Tên cha mẹ đặt, sau khi họ gặp nhau, trở nên không có thật. Nhưng chị thì có thật trên đời, đi lại nói cười, ngoài hai mươi tuổi đã rơi vào mối tình cay đắng, bị cha mẹ từ bỏ, không lối thoát, ra ở riêng, đẻ hai đứa con cho anh, một trai một gái xinh đẹp, nhưng chúng không được gia đình thừa nhận, lớn lên lủi thủi, tình thương của người đàn ông không đủ bù đắp niềm tủi thân của những đứa trẻ ngoài giá thú.

Tuy thế tính chị vui vẻ ưa giao thiệp, thích gần gũi bà con, chưa thấy bóng người đã nghe tiếng cười nói. Những lần mẹ tôi dẫn tôi vào Huế thăm bà con bên ngoại, tôi được anh và chị đưa đến khoảng sân rộng trước chợ Đông Ba, buổi tối bày la liệt hàng quán, dưới những ngọn đèn dầu nhỏ, ngồi trong bầu trời của Huế thanh bình thuở ấy, ăn tô bún bò rắc ớt hiểm cay xé, đập lắc cắc hột vịt lộn trộn rau răm, húp tô cháo gà rải lá chanh xắt vụn li ti, rắc tiêu đen Gio Linh thơm hăng hắc. Khi cao hứng anh gọi một ly la-de Con Cọp sủi bọt, đưa cho tôi nếm thử một hớp. Còn chị hát nho nhỏ Khi đã yêu thì mơ mộng nhiều/ Mơ ngày mai pháo nhuộm đường vui… Mười bốn tuổi, ngồi bên chân cầu Tràng Tiền, ngước nhìn mấy vài cầu trắng đục vắt vẻo trong sương mù trên sông như thực như ảo, tôi thầm nghĩ: xã hội hiền lành quá, thiên nhiên đẹp đến nao lòng, họa có người điên mới đòi thay đổi nó. Đó là thời kỳ sau Tết Mậu Thân, vết thương nhức buốt của Huế đang dần hồi phục, nhưng trên các bức tường gạch rêu phong cổ kính vẫn còn đọc được các khẩu hiệu sơn chồng lên nhau. Anh chị có khi còn dẫn tôi vào cà phê Na ở góc đường Trần Hưng Đạo, Huỳnh Thúc Kháng, lơ thơ ngọn đèn mờ, vẳng tiếng hát Duy Trác nhẹ như tơ, Hà nội ơi tóc thề thả gió lê thê…, Anh Ngọc đậm đà, Thanh Thúy réo rắt, uống cà phê phin. Hay vào quán cà phê Góp Gió của sinh viên gần đường Huyền Trân Công chúa, có hàng cây đoác cao vút lao xao, nghe giọng Hà Thanh Một dòng tràn ý biếc, Bích Chiêu, Anh Khoa, Anh nói với người phu quét đường xin chiếc lá vàng, tán dóc với những bạn bè trường Luật của anh, cãi nhau về hiện tình đất nước, về đảo chánh, về chiến tranh, giữa khói thuốc mù mịt, làm tôi ho sặc sụa.

Những sinh viên phản chiến, cầm biểu ngữ xuống đường, có người còn nhét cuốn La Nausée của Jean Paul Sartre trong túi, sau ngày hòa bình lập lại, bỗng biến thành gã đạp xích lô, người chạy xe ôm, kẻ lên chức tổ trưởng dân phố, có người hạ sơn ngồi bán thuốc tây ngoài chợ trời Tây lộc, gặp nhau không nhận ra nhau. Nhưng lúc ấy tôi còn nhỏ chưa biết thưởng thức cà phê, chưa quen đọc triết học hiện sinh, chỉ bắt đầu khoái ăn bánh mì patê Pháp, uống trà Lipton. Sau tháng tư 1975, là sĩ quan, anh phải về quê quán cũ trình diện, một cách tự nhiên trở lại với người vợ chính thức của mình, để lại chị và hai đứa con nhỏ. Học tập cải tạo một thời gian ngắn, thêm một năm đi làm thủy lợi như thời vua Vũ bên Tàu, nhưng thô bạo hơn, làm cạn kiệt các dòng sông vốn khô hạn ở miền Trung, hoán đổi giang sơn, làm mất mùa liên tiếp, đói xanh mặt, anh mang gia đình vào Long Khánh lập nghiệp, làm rẫy cà phê. Còn chị, sau một lớp học tập chính trị, được tiếp tục đi làm, gọi là lưu dung, được trả lương tử tế, một tháng mười mấy ký gạo trộn khoai sắn. Mùa thu năm 1975, tôi vẫn còn gặp chị trước hành lang đại học Luật quét vôi trắng, chị đổi qua mặc quần đen satin Mỹ Á nhưng vẫn còn tà áo dài ủi thẳng nếp, tóc xõa ngang vai. Chị đã bán những chiếc xe PC Honda, Dame, Velo Solex, đi làm việc bằng xe đạp Phượng Hoàng trông như xe của các tay đua coureur đường dài của Pháp, sau yên chất thêm cây nước đá bọc mạt cưa trong bao tải nâu, bốc mùi ẩm mốc của thóc gạo cũ, bỏ mối cho các quán dọc bờ sông Hương, cà phê trên đường Trương Định, và quán Góp Gió lúc ấy đã đổi tên, dù buộc kỹ vẫn lỏng le rớt lên rớt xuống. Vài tháng sau mọi chuyện lại thay đổi, lương cán bộ không đủ sống, cơ quan cắt giảm biên chế, chị ở trong số những nhân viên bị cho thôi việc sớm. Từ đó, mặc dù tôi vẫn đi học ở Huế nhưng ít khi gặp chị.

Mỗi tháng một lần tôi mang ba lô túi xách lên ga Huế về quê. Xe lửa thời trước, khi tôi còn bé, mặc dù trang bị còn đơn sơ nghèo nàn, nhưng sạch sẽ và lịch sự. Đi xe lửa là một cái thú của người biết thưởng ngoạn. Nhưng chiến sự ngày càng ác liệt, các đường tàu bị gài mìn giật sập, xe lửa ngừng chạy, cỏ cao mọc lút thềm ga vắng, người bẻ ghi chết già trong thương nhớ. Cho đến sau hòa bình, đường tàu Thống Nhất được xây dựng sớm, các nhà ga hoạt động trở lại với những toa tàu đóng ở Ấn Độ mới toanh, ầm ì ra vào ga, nhưng cảnh tượng mau chóng trở nên hỗn loạn.

Một hôm, trời mưa sẫm tối, đang cắm cúi khệ nệ khiêng những túi xách trên vai băng qua khoảng sân hẹp của ga Huế, tôi nghe tiếng một người phụ nữ chào mời, em ơi em ơi để chị gánh giúp cho. Hồi đó ở sân ga có nhiều người làm nghề khuân vác thuê cho hành khách: những người lính lên tàu ra Bắc mang theo búp bê trẻ em, xe đạp chỏng gọng, đồ đạc lỉnh kỉnh làm quà, những người Huế bán cơ ngơi sự nghiệp gồng gánh vợ con chạy vào Nam, những người buôn hàng chuyến và hàng sỉ, dân kinh tế mới, đi thủy lợi, dân buôn vải lậu từ Lào, thuốc lá lậu từ Thái Lan, trà lậu từ Bảo Lộc, thuốc tây lậu từ Miên, dân buôn trầm lậu từ Trường Sơn. Phụ nữ xách đòn gánh đứng chờ đông như đạo quân tóc dài đi biểu tình, xắn quần quá gối, nhận tiền công rẻ mạt, nhưng họ vẫn ế khách, tranh giành dữ dội, có khi cấu cả móng tay vào nhau, vết rách dài như do bảo kiếm, vì người đi xe lửa cũng chẳng có nhiều tiền. Tôi không hiểu sao ngày ấy nhà ga được sắp xếp lạ lùng, ngớ ngẩn, có nhiều đoàn tàu xe lửa Nam Bắc chạy vùn vụt qua sân ga không dừng lại, trong khi hành khách và người khuân vác vẫn chạy đi chạy lại nhộn nhịp, kêu la í ới, lại thêm những người nhảy tàu trốn vé, những người buôn bán quẳng từng thùng hàng nặng kịch, kéo theo heo gà vịt ngỗng ngan trong rọ, lăn ầm ầm từ trên nóc toa xuống trước khi tàu vào ga, như một cơn bão, để trốn nhân viên kiểm soát, hay được móc ngoặc trước bởi chính các nhân viên ấy, tất cả có thể gây tai nạn khủng khiếp. Mà tai nạn hay xảy ra, mạng người cũng rẻ, trong một luồng chảy lịch sử vĩ đại mù lòa gồm nhiều vũng nước xoáy điên rồ, cát bụi người ngợm trộn lẫn vào nhau, số phận cá nhân như cọng rau cuống lá, nỗi bất hạnh dù lớn đến đâu cũng không đủ sức làm ai kinh ngạc nữa.

Nghe tiếng quen quen, tôi quay lại. Và nhận ra chị, quần bà ba đen, áo sơ mi màu cháo lòng bên trong, ngoài khoác cái áo lính nhảy dù rằn ri. Chị ôm lấy tôi, khóc như trẻ con. Tôi thấy nghẹn ở cổ. Nguôi ngoai, chị lại dẫn tôi về nhà, cho ăn uống. Các cháu đã lớn, nay biết giúp mẹ việc nhà. Cuộc sống cuối những năm bảy mươi khó khăn, chị siêng làm lụng, đầu tắt mặt tối, nên anh chị không gặp nhau nữa, cũng như những người quen biết khác thời đó, trước đây cùng nhau học một trường, từng bao dịp chuyện trò vui chơi đàn hát, mộng lớn mộng con, văn chương văn chiếc, nay có khi đi qua trước cổng nhà mà không ghé lại, không nỡ nhìn thấy người thiếu nữ xưa ta thầm yêu nay trong cảnh cơ hàn. Không biết chị có còn hát nhỏ một mình như ngày trước Khi đã yêu thì lo sợ nhiều/ Lo chiều thu nắng nhạt màu tươi

Bẵng đi một thời gian, tôi về quê nghỉ hè ba tháng, khi trở lại Huế, xuống ga, nhìn thấy những người đàn bà mang đòn gánh đứng mời khách ở ngay cửa toa của đoàn tàu chưa kịp ngừng hẳn bánh, tôi liền nhớ đến chị. Khi tôi đến nhà riêng của mấy mẹ con chị trong ngõ Gia Hội bùn lầy quanh năm, đứa con trai mở tấm phên cửa ôm lấy tôi, khóc kể lể. Rồi hai chúng tôi vừa đi vừa chạy vào bệnh viện trung ương Huế, đầu cầu sông Hương. Một tuần trước đó trong đêm tối trời, khi đang khuân đồ cho khách xuống tàu, tranh nhau chạy qua những đường ray chằng chịt, chị bị xe lửa cán qua nghiến nát bàn chân. Chị thoát chết, nhưng mất chân trái, cưa trên đầu gối. Sau giải phẫu, chị nằm nhiều ngày ở khoa chấn thương của bác sĩ Trần Tiễn Ngạc. Tôi đứng bên giường chị, trong khoảng tranh tối tranh sáng. Chị không khóc, tập vịn giường bước đi chập chững, khuôn mặt tuy đau đớn nhưng vẫn có nét bình thản. Không biết tôi đã nói gì lúc ấy, nhưng chị bảo: Em đừng khóc, chị không buồn nữa em à, vì đời chị buồn đã lâu rồi. Chị chỉ lo mai đây không biết làm việc gì để nuôi hai cháu còn nhỏ. Nếu nghĩ ra được sinh kế, chắc chị sẽ gắng vui mà sống. Nói xong, chị lại kể chuyện pha trò để làm tôi vui. Tôi để thằng bé con chị về trước rồi ra đứng một mình trên lan can lầu bệnh viện nhìn xuống sông, trăng rằm lên cao, đỏ hồng, bát ngát, lát sau mây che xanh tái lại, rồi lại ló ra. Trời khuya, sinh viên và y tá đi thăm bệnh phát thuốc lần cuối, tôi chào chị ra về, hai chị em ôm lấy nhau, nước mắt tôi ứa ra. Đến chân cầu thang, tôi quay lại, định hỏi thêm một việc.

Chị đang ngồi trên giường quay mặt về cửa sổ, không thấy tôi, đưa chân trái bị thương tật lên xoa bóp. Đèn phòng đã tắt, nhưng đèn hành lang hiu hắt đỏ, trộn lẫn ánh trăng, làm thành một thứ ánh sáng xám, hắt bóng chị lên nền tường trắng im lìm. Chị đang gỡ từng tấm vải băng ra khỏi mỏm chân cụt trái, thời đó bông băng trong bệnh viện rất hiếm, chỉ dành cho bệnh nhân mới mổ xong hoặc các đối tượng đặc biệt. Tôi thoáng thấy màu đỏ như máu, sợ hãi, đứng sững, một lúc sau mới dám tiến lại gần. Thì ra đó là những tấm vải màu hồng cánh sen, có lẽ chị đã xé ra từ những tà áo dài lụa, cắt đều đặn rất khéo, trông như vải băng bó chuyên nghiệp. Trên nền vải drap trải gường nhàu nhĩ vàng ố, bên chiếc gối các con chị mang từ nhà lên, may bằng vải bao cát, tức là từ các bao đựng cát chất làm công sự chiến đấu của lính Mỹ, thứ hồi đó nhà nghèo hay dùng làm vải may quần phụ nữ, màu xanh xám xịt, xù lông, mặc vào rất ngứa, da nổi mẩn, nhưng phụ nữ lao động thời đó da cũng không cần trắng mịn lắm, những tấm vải lụa trông thật đẹp, thật bóng và mát mắt, hơi ngộ nghĩnh, yêu kiều, lạc điệu, thách thức, đáng thương.

Chị nhìn tôi, điềm tĩnh, không ngạc nhiên, đưa tay ngoắt tôi lại gần, mỉm cười, giống như khi chị đang ngồi làm việc sau chiếc bàn dài ở văn phòng của Luật Khoa Đại Học Đường, những ngón tay thoăn thoắt chạy trên bàn phím đánh máy, khi chị cần nói chuyện chúng vẫn làm việc không ngừng. Khuôn mặt chị ngẩng lên sáng ấm như trăng rằm mỗi khi anh Huân dẫn tôi đến đón, hai anh em đứng im một lúc ở cửa ra vào, có lẽ vì anh muốn ngắm chị lâu, khuôn mặt ấy vừa mừng rỡ vừa buồn rầu, vừa trách móc vừa khoan thứ, cho mối tình đầu đơn sai lầm lỡ.

Comments are closed.