Sinh ra từ trứng (kỳ 6)

Tiểu thuyết của Nguyễn Viện

Ông họa sĩ

Thất lạc cô, ông rơi vào sự hoang mang của cái bất định. Cô là đối tượng nhưng đồng thời cũng là cứu cánh của ông trong cuộc đời thật cũng như nghệ thuật. Ôi, ông nhớ cánh tay mơn trớn lông măng của cô. Ông nhớ cách cô ăn, cách cô cười, cách cô định hình nhân dáng. Những phác thảo mới của ông về cô không thể tập trung nổi. Cô như bị phân tán trong nỗi nhớ mong của ông. Làm thế nào ông có thể ôm được cô, trọn vẹn. Ông biết cô là người mà ông có thể đánh đổi tất cả. Nhưng điều gì đã khiến ông hụt hơi? Quá khứ và tương lai, ông sẵn sàng vứt. Hiện tại của ông không vì thế trở nên đậm màu. Khoảng cách nào không thể vượt qua? Ông thoát Trung, thoát Đảng, thoát Á, thoát cả bản thân. Cái đẹp của trời đất thì vô hạn. Cái đẹp của cô thì vô thường. Và ông không tìm được con đường vô ngại để ôm lấy cái đẹp của sự thấu cảm. Ông là sự ung thối của nỗi sợ hãi và cái câm lặng của loài cừu.

Người đàn bà sinh ra từ trứng

Cuộc kháng chiến chống Pháp càng ngày càng khốc liệt với những trận đánh quy mô hơn. Việc đi lại giữa các vùng do quân Pháp chiếm đóng và Việt Minh kiểm soát càng lúc càng khó khăn. Vì thế việc về thành lấy hàng trở nên nguy hiểm. Nhưng cũng nhờ thế, việc làm giàu của bà Ngọ lại càng dễ dàng hơn bao giờ hết, nhất là việc mua bán dầu hỏa. Một trong những chuyến đi hăm hở ấy, bà và những phụ nữ gánh thuê cho bà đã đụng bọn lính Pháp khi họ băng qua một cánh đồng trống. Họ bị nghi ngờ tiếp tế cho Việt Minh. Chúng khám xét và đổ hết hàng hóa xuống đất và dùng dầu hỏa của họ đốt sạch. Những thùng dầu còn lại chúng lần lượt đổ lên đầu từng người. Họ chờ đợi một cuộc thiêu sống.

Tôi tưởng tượng đến những cây đuốc được thắp lên bằng xác người. Nhưng không, bọn lính Pháp chỉ dọa và tra hỏi Việt Minh ở đâu. Không ai trả lời được, vì Việt Minh có thể là chính họ hoặc chồng con, anh em họ. Tất cả phụ nữ trong chuyến đi, người lớn nhất gần bốn mươi tuổi, người nhỏ nhất mười bảy tuổi, đều bị hiếp khi trên người họ còn nồng nặc mùi dầu hỏa. Riêng bà Ngọ, bà không giờ quên, gã lính Lê Dương đè bà xuống có nước da đen nhánh và mùi nhục dục hôi nồng.

Đó là năm 1953, cuộc đấu tố địa chủ, cải cách ruộng đất được phát động. Đời sống xã hội cũng như văn hóa nông thôn miền Bắc xáo trộn đến cội nguồn. Cũng năm ấy, nhằm cứu vãn tình thế sau các thất bại liên tiếp của quân đội Pháp, Tham mưu trưởng Lục quân khối Bắc Đại Tây Dương tướng Henri Navarre được điều sang Đông Dương.

Ngã ba sung sướng

Ở đâu cũng có những ngã ba. Ở đâu cũng có thể tìm được sự sung sướng. Ông họa sĩ được bạn bè đưa đến quán nhậu ở một ngã ba gần vùng biên giới phía Bắc. Họ trải chiếu ngồi dưới đất. Người bạn bảo ông muốn ăn gì cứ ra bể nước chọn. Có nhiều loại hải sản tươi sống. Ông chọn cua cho nó hiên ngang. Rồi người bạn chỉ ra cánh đồng, nói: “Mày có thấy mấy cô đang làm ruộng đó không? Chọn đi”. Ông bảo: “Xa quá nhìn không rõ”. Người bạn nói: “Yên tâm đi, bất cứ cô nào cũng có thể làm mày hài lòng”. Ông bảo: “Vậy thì ai cũng được”. Họ có năm người. Chủ quán cho người đi gọi đủ năm cô. Một thứ tươi sống khác. Các cô vào quán rửa ráy, rồi đứng ra mắt họ. Người bạn lại bảo cho ông ưu tiên chọn trước. Ông nhận xét, không cô nào đen, đều khá trẻ. Ông thích một cô có vẻ ngổ ngáo, tươi tắn tuy hơi gầy. Họ ngồi xen kẽ. Bia rót đều.

Không cần bia lên cơn, ông ôm cô và thấy vú cô hơi nhỏ nhưng đẹp khiêu khích. Rồi cô giải thoát ông khỏi sự ái ngại với một người lạ bằng cái quen thuộc của dâm tính trong bản năng giữa giống cái và giống đực. Ông nhậu cô.

Giấc mơ của giấc mơ

Không thể có nữ quyền ở một xứ sở nghèo đói, cô nghĩ. Tuy bản thân cô không nghèo đói, nhưng cô cũng vẫn được coi là mồi nhậu khi làm tiếp viên nhà hàng. Dù thế, cô vẫn vui. Vì cô chưa bao giờ tự cho là mình hèn hạ, thấp kém. Cô biết có những nỗi đau còn lớn lao hơn gấp bội phần. Không chỉ phụ nữ mà tất cả mọi người, ngay cả khi người ta cũng chẳng phải thiếu ăn thiếu mặc, cũng bị coi là công cụ. Và con người chấp nhận làm công cụ của nhau như một lẽ tự nhiên. Cô tự hỏi đấy có phải là truyền thống không? Cô có thể chứng tỏ nữ quyền hay quyền con người, nói chung, của mình khi có thể sống như mình muốn, làm những việc mình có thể làm?

Cô nói với ông: “Hôm nay em sẽ uống bia với anh”. Cô nói tiếp: “Và sẽ ôm anh như một chàng trai bia ôm”.

Ông cười: “Cứ thử đi”.

Cô nói: “Em không thử”. Cô làm thật và coi ông là một thằng đĩ đực. Và cô muốn bạo hành với ông.

Cô cởi cúc áo ông và sờ ngực ông. Tận hưởng một người đàn ông khi hắn là ông chủ hay nô lệ thì có khác gì nhau? Cô muốn trải nghiệm cả hai điều ấy. Và cô lần mò vào ông. Ông biến thành một con chó ngoan mặc dù ông cương cứng bởi bàn tay cô. Cô không biết ông cũng thích được phụ nữ bạo hành. Và ông tận hưởng theo cách của ông, một người nô lệ nhưng chính ông cũng biết ông vẫn là một ông chủ. Khi cô nhận biết được điều này, cô đá vào hạ bộ ông. Và cô vào toilette rửa tay.

Có một ngã ba khác

Một hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa mang tính chiến đấu của Đảng. Một hướng cho sự xóa nhòa, tự do và vô biên. Và một hướng còn chưa thành đường.

Ông họa sĩ biết rằng ông không có một chọn lựa nào để có thể xuất hiện công khai, ngoài cái hiện thực xã hội chủ nghĩa hay cái trừu tượng vô thưởng vô phạt. Cái sự thể tự bản chất của ông là một thứ công cụ, vô nghĩa. Ông càng vùng vẫy, cái thòng lọng phù phiếm càng xiết chặt.

Ông cũng biết nếu không dám chết, thì sẽ không bao giờ được sống. Ông vẫn đứng ở ngã ba khốn khổ. Chần chừ. Cho dù ông có chọn cái chết, ông cũng không biết chết cách nào để hồi sinh. Ông sẽ mãi mãi đứng ở ngã ba đó cho đến khi mọi sự lụi tàn.

Con đường

Cô vẽ trên mặt đất một con sông. Rồi cô bước qua con sông. Cô vẽ một ngọn núi. Rồi cô bước qua ngọn núi. Cô quay lại xóa đi những gì đã vẽ. Tôi nhìn trò chơi của cô và liên tưởng đến công việc của ông họa sĩ. Trong một thoáng, tôi nẩy ra ý định sẽ giết ông ta. “Tao phải giết mày”, tôi nói lại với chính mình. Tôi không muốn để phí cuộc đời cô gái và những gì đẹp đẽ của cuộc đời này cho ông họa sĩ.

Kẻ lăng mạ sự thật, tôi sẽ giết ông.

Tôi rủ cô gái đi ăn cơm. Đó là quán cơm mô phỏng một gia đình nghèo với những đôi đũa tre cũ và những cái bát mẻ bằng sành. Món ăn nấu theo kiểu mà người ta có cảm giác như ăn ở nhà của những người muôn năm cũ. Cô tỏ ra thích thú với món bỏng ngô miễn phí tự phục vụ. Quán vắng. Cô nói: “Anh ăn nữa không, em lấy?”. Không đợi tôi trả lời, cô đứng dậy múc một bát bỏng đầy. Tôi nhớ ngày xưa còn nhỏ, vào ngày thứ sáu tuần thánh, lũ trẻ chúng tôi thích đi hôn chân Chúa để được bốc những nắm bỏng ăn. Bỏng thơm phủ quanh xác Chúa như những nụ hoa trắng, tinh khiết và ngào ngạt. Tôi hôn chân Chúa nhiều lần để được bốc bỏng nhiều lần. Mỗi lần ăn bỏng tôi đều nhớ đến Chúa. Giờ đây nhìn cô ăn bỏng, tôi cảm nhận được một niềm vui thánh thiện.

Bất chợt cô hỏi: “Anh có tài liệu gì về phương pháp đấu tranh bất bạo động không?”

Tôi nói: “Sách in thì chắc là không thể kiếm được ở trong nước. Nhưng em hoàn toàn có thể tìm kiếm trên mạng. Anh nghĩ là không ít”.

Cô nói: “Dạ”.

Tôi nói: “Điều quan trọng là cần tận dụng những gì luật pháp cho phép và không cấm”.

Cô nói: “Em hiểu. Không để bọn chúng có cớ để bắt mình”.

Sau này, cô đã tham gia các khóa huấn luyện về đấu tranh bất bạo động và công tác truyền thông ở Thái Lan, Philippines bằng cách nào đó mà tôi không tiện hỏi. Cũng như cô đã là khách mời trong các hội thảo về quyền con người của sứ quán các nước Âu châu, Australia… tại Hà Nội.

Phần tôi, tôi vẫn lặng lẽ tìm cách giết ông họa sĩ.

Tôi có thật sự tư thù với ông họa sĩ vì gái không? Thật khó khẳng định điều ấy khi tôi kết án ông ta là một nghệ sĩ nô tài, kẻ đã góp phần vào sự suy đồi của cuộc sống và hủy diệt con người nhân danh một lý tưởng chính trị.

Tôi không muốn tha thứ cho sự xưng tụng những cuồng vọng của một chế độ chuyên chế. 

Tôi có cần xẻ thịt ông họa sĩ và thả xuống biển làm mồi cho cá? Hay tôi sẽ cho ông ta chết chậm chạp, thầm lặng, vô tăm tích bằng rượu độc?

Sự khinh bỉ như một luồng sáng lướt qua tôi. Rồi tôi bật cười… Tiếng cười rũ bỏ ông khỏi tâm trí tôi. Cho dù ông có là kẻ thù của nhân dân cũng đâu xứng đáng để tôi bận tâm. Cứ để cho ông ta sống với sự hèn mọn của mình chẳng phải là tốt nhất sao?

Những đứa con của người đàn bà sinh ra từ trứng

Thế rồi năm 1954 cũng đến, bà Ngọ sinh cùng lúc hai đứa con, một trai một gái, một đen một vàng. Tôi là đứa con trai lai Tây đen và là một diễn viên điện ảnh. Em gái tôi màu vàng một cách nghịch thường trong cuộc song sinh vào giữa đêm 20 rạng 21 tháng 7, và nó sẽ là con dâu của nước Mỹ sen đầm thế giới khi sắp mãn kinh. Chúng tôi là những đứa con của niềm hy vọng và tủi nhục. Mặc dù song sinh, nhưng tôi quả quyết rằng, em gái tôi là đứa con ruột đích thực của ông bố chăn trâu trên cánh đồng ngô, mà ở đấy mẹ tôi đã từng bị hiếp bởi một gã săn đồ cổ người Hoa và một cuộc dâng hiến thần thánh với ông họa sĩ đi hót phân trâu trong vụ cải tạo lao động. Còn tôi, chẳng thể chối cãi vì màu da của mình là con của một gã lính Lê Dương đánh thuê của mẫu quốc thực dân vĩ đại. Một sản phẩm cặn bã tiêu biểu của nền văn minh Tây phương hủ hóa với huyền sử bạc màu Rồng-Tiên.

Đó cũng là năm ô nhục của nước Pháp trước hết bởi sự có mặt của tôi trên cõi đời và sự thất bại của kế hoạch Navarre dẫn đến cuộc bại trận ở Điện Biên Phủ, chấm dứt sự đô hộ của Pháp ở Đông Dương. Đồng thời nước Việt Nam bị chia cắt ở vĩ tuyến 17 với dòng sông Bến Hải theo sự định đoạt của các cường quốc Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Cộng và Pháp. Hệ lụy của nó là một cuộc chiến khác tương tàn giữa hai miền Nam – Bắc với hai ý thức hệ Cộng sản và Tự do kéo dài hơn 20 năm.

Một con đường khác

Để thoát khỏi mọi thứ kềm kẹp, nô dịch con người… điều tiên quyết và căn bản là phải rũ bỏ truyền thống, vốn được mạo nhận là bản sắc dân tộc, để xây dựng những con người mới trên một nền tảng tinh thần mới, phi Nho giáo và tập quán lịch sử. Tinh thần toàn cầu, bình đẳng và tự do.

Đó sẽ là một cuộc lột xác cay đắng, không phải ai cũng chịu đựng nổi, các văn nghệ sĩ cung đình và nô tài lại càng không. Những kẻ luôn luôn hoài niệm quá khứ và tự mãn với hiện tại. Những kẻ sợ hãi tương lai.

Thoát Trung một cách toàn diện là cuộc tái sinh dân tộc, cần sự can đảm và niềm tin vào bản thân. Cắt đứt mọi di căn của thứ văn hóa nô bộc với cung cách hành xử thượng đội hạ đạp, đê tiện để tiếp nhận tinh hoa thế giới và hội nhập với thế giới trong sự tôn trọng những giá trị phổ quát về con người.

Tôi nói với cô ấy một hơi như thể ẩn ức bùng nổ.

Tâm lý thù địch của ý thức hệ Cộng sản và tính trung thành mù quáng của Nho giáo đã dìm chúng ta trong tăm tối.

Cô ấy nhìn tôi trân trối, không nói gì, như thể tôi cũng chỉ là một loại hô khẩu hiệu.

Người đàn bà sinh ra từ trứng

Bản chất của cuộc sống là sự khác biệt. Nhưng sự khác biệt của tôi với nước da đen bóng và mái tóc xoăn tít là một hiện tượng không được xã hội chấp nhận. Mặc dù chỉ là nạn nhân, nhưng tôi trở thành đối tượng của sự dè bỉu và hình ảnh của sự xấu xa. Có lẽ nhìn thấy trước sự khó khăn của tôi cũng như sự nhục nhã của chính mình mà mẹ tôi đã gửi tôi cho ông chú ngay sau khi Hiệp định Genève được ký kết. Và dưới sự bảo trợ của Mỹ và các nước Ấn Độ, Ba Lan, Canada trong Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến Đông Dương, tôi và gia đình ông chú đã xuống tàu há mồm ở Hải Phòng di cư vào Nam. Khi ấy tôi mới 3 tháng tuổi.

Nhưng mẹ tôi thì sao?

Năm 1955. Mặc dù làm thợ mộc nhưng ông ngoại tôi cũng chắt chiu nuôi được một con trâu, vài con lợn và một đàn gà, vì thế được qui thành phần là trung nông. Để tiến nhanh đến chủ nghĩa xã hội, ông ngoại tôi đã bị đấu tố đến chết trong đêm thứ ba, ngay giữa sân đình.

Mẹ tôi sợ hãi co rúm trong nhà. Bà run rẩy như thấy ma mỗi khi nhớ lại hình ảnh xác ông bị người ta dày xéo lên. Bố tôi (cứ gọi thế cho tiện) đi nhận xác về bó chiếu vội vàng đem ra nghĩa địa, mặc dù trong nhà còn rất nhiều ván.

Chưa kịp hoàn hồn, cán bộ cải cách đến nhà hạch tội bố mẹ tôi là gian thương bóc lột. Khi ấy, người đàn bà vốn sinh ra từ trứng nhan sắc đang chín mùi và đậm đà bản sắc phồn thực đã được cán bộ cho hưởng ân huệ cải tạo ngay tại nhà mình. Một lần nữa mẹ tôi bị hiếp.

Ông bố tôi, tuy là một nông dân ngu dốt nhưng vẫn là người đàn ông của một đất nước anh hùng, ông mang cái giường ô uế tinh trùng của quân ăn cướp ra chẻ củi.

Dưới quan điểm của chủ nghĩa vô sản, hành động vứt bỏ tài sản dũng cảm ấy của ông được xem như giác ngộ cách mạng.

Ông họa sĩ

Một cơn đau nhói nơi lồng ngực, cùng lúc với cái đầu nặng trĩu như muốn đổ xuống, ông ngừng bước và ngồi xuống bên vệ đường. Những người chung quanh nhìn thấy ông không ổn, họ lo ngại hỏi ông có chuyện gì? Ông chỉ kịp nói giúp đưa ông đi cấp cứu. Rồi ông ngất. Một người nào đó kêu taxi. Ông được đưa đến bệnh viện.

Hai tuần sau ông xuất viện với di chứng của đột quị. Ông phải ngồi xe lăn, không thể tự phục vụ. Một người bạn đến mang những bức tranh của ông đi và mang về cho ông một phụ nữ. Người đàn bà này chăm sóc ông.

Nhờ tập luyện, ba tháng sau, ông có thể đi được những bước ngắn với sự trợ giúp của cây gậy. Tuy vậy, giọng nói của ông vẫn còn ngọng nghịu. Một năm sau, ông mới có thể cầm cọ trở lại.

Những bức tranh của ông giờ đây khác. Ông chỉ vẽ chó và mèo. Các kiểu chó. Các loại mèo. Trên các mái nhà và mọi xó xỉnh. Chó chết. Mèo mả. Xem tranh ông, người ta không thể không nghĩ tới cái lăng loàn phổ quát. Vừa tù hãm vừa phóng túng. Hỗn loạn và điêu ngoa.

Một trận bại liệt thân xác hay một kinh nghiệm hư vô mà ông đã xả hàng tồn kho của toàn bộ cái bản năng và nỗi ám ảnh sinh tồn?

Ông đục khoét vào thân xác và linh hồn mình. Chỉ tìm thấy cái điên loạn trong tù ngục. Ông còn sợ gì mà trốn tránh sự thật?

Trong dòng đời trôi chảy, ông chỉ sống với những biểu kiến. Và như thế, ông đã mất dấu cô. Đàn bà với ông chỉ còn là những con mèo mướp, một biểu tượng sinh thực khí ngái ngủ, và là sự khổ dâm của riêng ông cho những khát vọng hoang dã.

Dẫu sao, loạt tranh này cũng đã giúp ông giải quyết được phần nào nỗi khốn khổ tinh thần và vật chất. Ông cảm thấy mình được cởi trói, đồng thời tranh ông cũng được sưu tập bởi các nhà đầu tư Singapore và Hồng Kông. Họ đánh hơi được cái quật khởi đầy tiềm năng khi con người tự do.

Cô gái

Một nhóm công an và dân phòng bao vây nhà cô. Họ nhốt cô trong nhà. Không cần biết cô ra sao khi cánh cửa bị khóa trái.

Cô nghĩ đến ông họa sĩ. Cô đang bị treo trên một khung tranh đen, nền gấm màu nâu đất. Giống như tranh upside-down, đầu cô mọc ra dưới gan bàn chân. Trong khi hai mông cô ngửa lên trời nhìn như cái đầu bị xẻ đôi. Những vết thương khô nhăn lại là một nụ cười khinh bạc.

Bên ngoài cánh cửa là những tiếng chửi rủa. Bên trong là những linh hồn không nơi nương tựa. Thế giới tuy rộng lớn nhưng mờ mịt, vì thế con người xẻ thịt nhau trở thành một cảnh tượng kỳ ảo. Cái tàn ác như sử mệnh. Và con người bị truy bức. Nạn nhân trở thành tội phạm.

Làm thế nào cô có thể đập cửa bước ra như một dũng tướng, hay ráp nối lại con người mình mà không phải rúm ró? Cô bất lực. Cô nghĩ mình cần phải đi tắm. Nhưng cô mường tượng đến đám người lố nhố đang vây hãm nhà cô, đành thôi. Cái cảm giác bị trấn lột làm cô nổi gai dưới da. Cô vào giường nằm, chấp nhận mọi rủi ro nhưng cũng chờ đợi một điều gì không rõ như niềm hy vọng.

Cô trằn trọc. Một ngày nào đó cô có thể bị bắt. Cô không sợ. Nhưng cô không thể bình thản. Cô nghĩ cần phải giữ sức và dưỡng sức cho một cuộc marathon đến tương lai. Cố nhắm mắt và thở đều, cô tưởng tượng mình đang bước đi trên con đường vạn dặm. Một mình. Và cô đếm từng bước, lặng lẽ nhưng quả cảm. Một sức mạnh nội tại hâm nóng cô. Rồi cô thiếp đi một lúc lâu. Khi tỉnh dậy, cô chỉ thấy bầu khí khô khốc và sự im lặng. Cô lắng nghe, không còn tiếng chửi rủa. Chỉ có tiếng xe cộ ầm ì ngoài xa. Có thể họ đã bỏ đi. Ngồi lên lắng nghe thêm một lúc, cô thấy mình trơ trọi. Cô đi rửa mặt và uống một cốc nước lạnh. Tại sao Chúa muốn chúng con phải thờ lạy ngài?

N.V.

Comments are closed.