Trắng Trên Đen 26-28

Ruben David Gonzalez Gallego

Vũ Thư Hiên dịch

NGƯỜI ĐÀN BÀ TỘI LỖI

Nhà già. Ngày từ từ chảy vào đêm. Đêm êm ru chuyển thành ngày. Bốn mùa đan xen nhau, thời gian trôi. Chẳng có chuyện gì xảy ra, chẳng gì có thể làm người ta ngạc nhiên. Vẫn những gương mặt ấy, vẫn những cuộc đối thoại ấy. Thỉnh thoảng lắm một thực tế quen thuộc mới chợt thức giấc, làm loạn xì ngầu mọi thứ, để rồi từ đó bật ra một cái gì không bình thường, là cái vốn không ấm chỗ trong những khái niệm đơn giản và quen thuộc.

Bà sống trong nhà già, bà vẫn ở đó có dễ từ khi nó được thành lập. Bà khép nép, bà khiêm tốn, một con người bé nhỏ trong một thế giới rộng lớn và tàn bạo. Một người đàn bà bé tí tẹo. Bà không cao hơn một đứa trẻ lên năm. Đôi tay và đôi chân tí xíu của bà được buộc lỏng lẻo bởi những khớp xương mảnh dẻ làm bà không đi được. Nằm sấp trên một mảnh ván thấp gắn vòng bi, bà dùng hai chân đạp vào nền nhà để di chuyển.

Bà làm việc trong phân xưởng phục vụ tang lễ. Trong ngôi nhà hèn mọn của chúng tôi có một phân xưởng có tên gọi như thế. Các bà lão ở nhà già làm đồ trang trí quan tài, những vòng hoa giả và đủ mọi thứ đồ giả khác cho hết thẩy người chết trong cái thị trấn nhỏ bé. Mua vòng hoa ở xưởng của nghĩa trang cũng được, nhưng mọi người lại cứ nghĩ rằng mua ở đó vừa đắt hơn, lại vừa không có sự kính trọng xứng đáng đối với những đồ vật tế nhị và có nhiều ý nghĩa. Năm này qua năm khác, bà lão làm ra những bông hoa xinh xắn, kỹ lưỡng, dùng để cài vào những vòng hoa tang – biểu hiện kính trọng sự chăm chút tình cảm đối với người đã khuất.

 

Không ai bắt nạt bà lão bất hạnh, nhân viên nhà già cũng chẳng để ý đến mảnh ván trượt chậm chạp trong hành lang. Bà không nhờ vả ai, tự mình trượt đến phòng vệ sinh, đến phòng ăn. Lũ bợm rượu thỉnh thoảng lại làm cho cư dân ngôi nhà làm phúc một phen khiếp vía cũng không nỡ động tới sinh vật hiền lành một cục nọ.

Bà lão sống như vậy. Ban ngày làm hoa giả cho người chết, tối đến ren khăn bàn hoặc thêu khăn ăn. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, năm này qua sang năm khác. Bà sống bình thường như mọi người. Dần dà bà lão cải tạo căn phòng nhỏ, làm cho nó thích ứng với cỡ người khiêm tốn của bà. Một cái đệm trải trên sàn, một cái bàn thấp tè, một cái ghế con con như kiểu để dùng cho búp bê, những chiếc khăn ăn ren, những cái gối thêu tí tẹo.

Bà lão sống lâu, quá lâu. Bà lão đã gần năm mươi. Bà ở cũng đã quá lâu rồi. Sau một cuộc họp thường kỳ, ban quản trị nhà già quyết định đã đến lúc phải đưa bà lên tầng ba. Một biện pháp bình thường, theo kế hoạch đã định. Là nhịp điệu công tác bình thường của một cỗ máy được thiết kế chu đáo, không hơn. Ở trên tầng ba, bà được đặt lên một cái giường to bình thường cùng với ba kẻ da bọc xương và để bà ở đó chờ chết. Người ta tước đi của bà thậm chí cái tài sản duy nhất mà bà có, là sự tự lo cho mình, không cần nhờ vả ai.

Suốt cuộc đời dài dằng dặc, bà lão sống lặng lẽ, không bao giờ xin xỏ ban quản trị một thứ gì, thế mà giờ đây bỗng dưng bà làm đơn xin được gặp chủ nhiệm. Bà ngồi hàng giờ chờ đến lượt mình được tiếp, để rồi đến lúc được hưởng cái quyền của mình theo luật định thì khóc lóc xin ban quản trị đừng đuổi bà khỏi căn phòng của bà, vật nài họ cho phép bà được sống nốt những ngày tàn trong khung cảnh quen thuộc. Người ta lắng nghe bà nói hết, tất nhiên, rồi cũng tất nhiên, họ từ chối bà, sau đó thì kiên quyết tống bà ra khỏi hàng những người chờ đợi được gặp cấp trên.

Đêm trước ngày bị chuyển lên tầng ba theo kế hoạch, bà lão treo cổ trên nắm đấm cửa phòng. Một người đàn bà tội lỗi .

VIÊN SĨ QUAN

Một cư dân mới đến nhà già. Một người đàn ông to lớn, không chân, trên một cái xe lăn thấp. Ông ta tự tin nhìn quanh và chầm chậm cho xe chạy vào trong khu nhà. Không cần ai chỉ, ông tự biết mọi đường đi lối lại. Không vội vã, ông đi một vòng ngôi nhà ba tầng của chúng tôi, hết khu vực này đến khu vực khác. Bắt đầu từ nhà ăn. Lúc đó vào giờ ăn trưa. Ông liếc qua xem ở đây người ta cho ăn uống ra sao, buồn bã mỉm cười, nhưng không ăn. Đi thang máy lên tầng ba – tầng của tử tội, khu của bọn “xác ve”. Không hoảng hốt, không cuống quýt, ông rẽ vào từng phòng để quan sát. Không ghê tởm bịt mũi, không quay mặt đi trước sự thật. Ông trông thấy những lão già kiệt lực nằm bất động trên giường, ông nghe thấy những tiếng rên la. Sẩm tối, ông trở về căn phòng được phân cho mình, nằm lên giường.

Một căn phòng tốt trên tầng hai. Với một người ở chung. Trên cửa phòng có gắn một tấm biển đẹp với hàng chữ: “Phòng của cựu chiến binh Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”. Điều kiện sống ở đây bình thường. Có thể đến phòng ăn ngày ba lần, nhà bếp dọn gì ăn nấy, buổi tối xem tivi cùng mọi người. Một phần lương hưu của ông thừa đủ để trang trải những nhu cầu không phức tạp của người già – trà, thuốc lá, bánh quy. Nếu muốn thì tha hồ mua vodka về uống tay đôi với bạn cùng phòng, bù khú chuyện quá khứ, kể cho nhau biết trước kia mình là người thế nào, đã chiến đấu và chiến thắng ra sao, mà nhất định phải là chiến thắng kia, bao giờ cũng vậy. Có thể làm được chuyện đó chừng nào đôi tay còn đủ sức đẩy cái xe lăn đến phòng vệ sinh, chừng nào cuộc sống còn đủ cho cuộc vật lộn hàng ngày để được tự coi mình là người.

Buổi tối hôm ấy họ không có rượu. May mà ông bạn cùng phòng lại là một ông già dễ tính. Hoàn toàn khuất phục cuộc sống nhà nước, ông lão ít lời nọ suốt cả buổi tối, và cả nửa buổi đêm nữa, kiên nhẫn nghe chuyện người mới tới. Bằng giọng cán bộ chỉ huy, con người cụt hai chân kể cho ông lão nghe tường tận cuộc đời mình. Nhưng chuyện gì thì chuyện, rốt cuộc rồi cũng dẫn tới chuyện trong chiến tranh ông ta là một sĩ quan trinh sát hậu tuyến .

Những sĩ quan trinh sát hậu tuyến. Những chiến sĩ vượt qua nhiều gian lao thử thách, những chiến sĩ dũng cảm, ưu tú nhất trong những chiến sĩ ưu tú, những con người cực kỳ ưu tú. Lớp tinh hoa của xã hội. Vượt qua những hàng rào mìn họ đi sâu vào trong lòng địch. Không phải tất cả những người ra đi đều trở về. Người nào trở về được thì lại tiếp tục đi vào hậu cứ của địch lần nữa, rồi lại lần nữa. Chiến tranh là chiến tranh. Họ không chạy trốn cái chết, họ thực hiện công tác, trên ra lệnh làm gì họ làm nấy. Cái chết không phải là cái tồi tệ nhất mà con người có thể gặp. Cái mà những trinh sát hậu tuyến sợ nhất là bị bắt làm tù binh. Đó là nỗi xấu hổ, sự bất lực, nỗi đau đớn bị hạ nhục. Trong hàng ngũ các chiến sĩ trinh sát hậu tuyến không có tù binh, không có thương binh. Theo điều lệnh, người làm chậm bước tiến của toàn đội phải tự sát. Một điều lệnh đúng đắn. Cái chết của một người tốt hơn cái chết của mọi người. Một người tự sát, những người còn lại sẽ tiếp tục tiến bước để đánh bại kẻ thù, thực hiện nhiệm vụ. Trả thù cho đất nước, trả thù cho đồng đội đã hy sinh, cho những ai tự nguyện rời bỏ cuộc sống vì sự nghiệp chung. Nếu như vết thương quá nặng, người lính không tự bắn mình được, thì bên cạnh anh ta bao giờ cũng có một người bạn buộc lòng phải giúp anh ta thực hiện việc đó. Một người bạn chân chính, không phải một anh chàng ba hoa, không phải một ông bạn rượu, hoặc ông hàng xóm. Người chiến sĩ không phản bội là người chia sẻ với đồng đội mẩu bánh cuối cùng, viên đạn cuối cùng.

Viên sĩ quan kể, kể mãi. Chuyện ông vấp phải mìn. Chuyện ông đã van xin bạn: “bắn tao đi!”. Ông gặp nạn không xa chiến tuyến, bạn ông kéo ông về được chỗ quân ta, mươi cây số chưa phải là quá sâu trong hậu cứ. Chuyện suốt đời ông sợ trở thành gánh nặng cho mọi người, ông đã làm việc trong một hợp tác xã, khâu những đồ chơi mềm, những con gấu, con thỏ bằng vải bông. Ông đã lấy vợ, nuôi các con khôn lớn. Các con ông ngoan cả, nhưng chúng nó cần gì đến ông bố không chân.

Gần sáng, viên sĩ quan tự cứa cổ bằng một con dao nhíp. Ông cứa lâu. Con dao nhỏ, cùn. Ông bạn bất hạnh cùng phòng không nghe thấy gì hết trong giấc ngủ chập chờn của người già. Không một tiếng động nào, không một tiếng rên.

Viên sĩ quan trinh sát hậu tuyến đã chết. Chết một cách đúng đắn, theo điều lệnh. Bên cạnh ông chỉ thiếu một người bạn chân chính, người có thể hút với ông điếu thuốc lá cuối cùng, đưa cho ông khẩu súng lục và ý tứ tránh sang một bên để khỏi làm phiền ông. Không một người bạn bên mình, không có. Tiếc thật.

VÚ EM

Các cụ bà thường quy tiên vào mùa xuân. Các cụ chết bất kể mùa nào, chết thường xuyên, nhưng cứ đúng vào xuân là y như rằng các cụ bà xuôi tay nhiều nhất. Xuân đến, phòng ốc ấm lên, xuân mở toang mọi cánh cửa, không khí tươi mát ùa vào thế giới tù đọng của nhà già. Xuân đến là cuộc đời lên hương. Suốt mùa đông, các cụ bà ương ngạnh bám riết lấy cuộc sống, các cụ chờ xuân đến để thư dãn, xuân đã đến rồi thì các cụ mặc cho thiên nhiên muốn làm gì thì làm, các cụ bình thản từ giã cõi đời. Ở nhà già số cụ ông ít hơn nhiều. Các cụ ông chết là chết, bất luận sự đổi thay của trời đất là thế nào. Chẳng cần chờ đến mùa xuân các cụ mới ra đi. Đời mà không chịu chiều thêm các cụ nữa – không cho các cụ một chai rượu hoặc một đĩa thức nhắm ngon chẳng hạn – tức thì các cụ xuôi tay phắt ngay sang thế giới bên kia.

Tôi ngồi ngoài sân. Ngồi một mình. Tôi không buồn, hoàn toàn không một tí nào. Tôi ngắm cảnh xuân. Tôi trẻ, tôi tin tôi còn sống trên thế gian này không phải chỉ một năm nữa. Đối với tôi, mùa xuân không có ý nghĩa như với người già.

Một người xuất hiện ở cửa. Một cụ bà rất già đang đi, hai tay vịn trên tựa ghế. Bằng một động tác mạnh và quả quyết cụ nhổm lên, trong khoảnh khắc cụ đứng hẳn lên trên đôi chân, lấy hai tay đẩy cái ghế ra phía trước vài phân. Sau đó, nặng nhọc tì lên ghế, cụ lết đôi chân lại gần cái ghế. Nhìn quanh không thấy ngoài sân có ai quen, cụ quả quyết đi về phía tôi. Lại thêm một bạn chuyện nữa đây. Lại được nghe thêm một chuyện đời nữa đây.

Cụ đến chỗ tôi, đặt ghế trước xe lăn của tôi, chậm chạp và nặng nhọc ngồi xuống.

Suốt thời gian chiến tranh cụ làm việc trong một nông trường . Từ sáng đến tối. Không lương. Lương lậu gì hồi ấy? Vào thời gian ấy chỉ có một mục tiêu duy nhất: tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. Gạo phát theo ngày công. Gạo đem nấu cháo. Chỉ có cháo, không có gì khác. Thậm chí bánh mì cũng không. Sau chiến tranh thì dễ chịu hơn – ông chồng cụ còn sống, từ mặt trận ông lành lặn trở về. Hai người kéo nhau lên thành phố. Ông chồng làm lái xe, cụ làm ở một xí nghiệp may. Chẳng bao lâu sau ông chồng nghiện rượu bét nhè rồi chết. Cuộc sống ở thành phố, trong trí nhớ của cụ, là những năm đẹp nhất đời cụ. Làm xong tám giờ ở xí nghiệp là tự do hoàn toàn. Hàng ngày ở xí nghiệp có ăn trưa – một đĩa súp, một món thịt hoặc cá, kết thúc là nước hoa quả tráng miệng. Tốt lắm. Làm việc xong, cả tập thể công nhân đi đào móng cho những công trình mới, làm tự nguyện, không công. Cái đó gọi là “đội lao động thanh niên cộng sản”. Cụ kể bằng giọng tự hào về những công trình trong thành phố, nơi có tay cụ góp phần. Đào móng đến tận khuya, đêm mùa đông đèn pha bật sáng loá. Mọi người đều tự nguyện, đều vui vẻ. Tối về đến nhà, ăn qua loa cái gì đó rồi đổ vật xuống giường. Sáng ngày ra lại đến xí nghiệp. Chủ nhật đi xem phim. Sống tốt lắm.

Năm sáu mươi tuổi cụ về hưu. Mắt kém rồi, làm việc trong xí nghiệp may không được nữa. Nửa năm sau, cụ xụm xuống trong một cơn chảy máu não. Hàng xóm đưa cụ vào nhà già. Đã tưởng thế là xong, chấm hết. Một cụ cùng phòng nhờ cụ lấy nước uống. Cụ chậm chạp đứng lên, lấy nước giúp bà bạn, cảm thấy trong mình dễ chịu hơn. Cụ quan sát nhà già. Mọi cái đều tốt, có mái che thân, có ăn, có uống. Chỉ có một điều tồi tệ – mọi sự chỉ được coi là tốt chừng nào mình còn đi lại được. Nằm xuống là hết, chẳng ma nào nhòm nhõ đến mình nữa. Người ta mang đến cho đĩa cháo, đặt trên tủ giường, ăn hay không ăn, mặc. Gào thét mấy cũng chẳng ai buồn đến. Cụ đâm hãi. Cụ quen lam quen làm rồi, ăn không ngồi rồi cụ không chịu được. Cụ mới đi tua các phòng, lấy thìa bón cho những người bị liệt. Hàng ngày cứ xong bữa sáng là cụ đi một lượt. Chưa kịp cho tất cả mọi người ăn bữa sáng đã đến bữa trưa, chưa xong bữa trưa đã lại đến bữa tối. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, hết bữa sáng lại bữa tối. Không có cách nào cho được mọi người ăn hết lượt. Cụ tự nhủ: mình sẽ chỉ bón cho những người ốm yếu nhất thôi, những người gần đất xa trời thôi. Với những người còn khoẻ hơn, cụ mang cho họ mẩu bánh mì lấy từ khẩu phần ăn trưa. Có bánh mì trong tay thì không thể chết được.

Mùi hôi thối, mùi mục rữa và mùi cái chết sặc sụa trong các phòng. Các cụ hay nhờ cụ đi lấy bô, một số cụ nhờ thay quần áo. Họ nhờ đi lấy bô nhiều hơn là xin ăn, xin uống. Cụ không chịu. Cụ tự nhủ từ nay chỉ cho họ ăn thôi.

Cụ ngó vào các phòng hỏi xem có ai cần cụ cho ăn không? Đáp lại câu hỏi hiền lành của cụ mọi người có phản ứng khác nhau. Một số, giọng kiêu kỳ the thé bảo cụ rằng phòng họ toàn người đi lại được, họ mắng cụ, họ văng tục văng rác với cụ. Họ coi cụ như vú em trong nhà già, và coi đó là điềm gở: phàm vú em đến là cái chết sẽ đến theo. Cụ không giận, cụ vẫn đi tiếp từ phòng này qua phòng khác.

Tệ nhất là những người đúng là đang cần đến sự giúp đỡ của cụ, họ thực sự cần cụ. Chính những người ấy khi còn đủ sức thì chửi mắng cụ, xua đuổi cụ, nay họ lại gọi cụ lớn tiếng hơn người khác để nhờ vả cụ, để cầu khẩn cụ bón cho họ. Họ nổi giận đùng đùng nếu cụ không đến kịp bữa trưa. Họ vội vã nuốt hết thìa này đến thìa khác, mắt vụng trộm liếc nhìn khẩu phần của mình xem nó có bị bà vú nọ thó mất chút nào không? Những người như thế nằm lâu trong cứt đái, mục rữa đến tận những vết lở loét. Vậy mà họ vẫn sống nhăn. Sống nhiều năm. Họ vẫn sống, trí não không còn, không nhận ra cả người làm ơn cho mình, nhưng vẫn kiên trì há mồm đớp từng thìa cháo, nuốt lấy nuốt để, cặp mắt vô hồn nhìn đăm đăm vào một khoảng không trống rỗng.

Trời sẩm tối. Thậm chí chúng tôi không nhận thấy là nửa ngày đã qua.

– Bà ơi, thế bà đã nuôi thiên hạ bao nhiêu năm rồi?

– Ba mươi hai năm. Đến lễ Phục sinh này là ba mươi ba năm chẵn. Bà đếm cả đấy. Không sót đâu.

– Bà anh hùng đấy, bà ạ. – tôi thán phục nói – Ba mươi ba năm! Ba mươi ba năm vô tư phục vụ mọi người.

– Vô tư hử?

Cụ rung bần bật trong tràng cười không thành tiếng. Cụ làm dấu ba lần, làm nhanh, rồi lẩm nhẩm đọc kinh.

– Lớp trẻ các người ngốc ơi là ngốc. Trong sự sống cũng như trong cái chết, các người mù tịt, chẳng hiểu gì sất.

Cụ nhìn tôi, đôi mắt nhỏ dữ tợn. Cụ chăm chú quan sát đôi tay tôi.

– Cháu tự ăn được đấy chứ?

– Vâng ạ.

Cụ thở dài. Rõ ràng cụ rất muốn chia sẻ với ai đó điều bí mật trong lòng cụ.

Không nhìn vào mắt tôi, cụ nói ra điều bí mật ấy một cách rõ ràng, có tính toán, trong một hơi.

– Cháu bảo bà vô tư, hử? Có vậy thật. Người ta đề nghị bà nhận tiền. Ở đây đâu phải chỉ có những kẻ trên không chằng dưới không rễ. Bà con thân thuộc của họ thường đến thăm, giúi cho họ những đồng tiền bẩn thỉu. Bà không nhận tiền của lũ ấy đâu. Nếu lũ ấy có lén bỏ vào túi bà thì bà cũng cho các cụ ông hết, cho đến đồng xu cuối cùng. Đối với những người không còn biết trời trăng gì nữa thì bà mua kẹo cho họ ăn, mua hết. Bà giữ tiền của họ mà làm gì, bà không thèm chịu ơn ai. Bà đã có lời nguyền như thế rồi. Thoạt vào nhà già, thì vì ngu ngốc mà bà nuôi thiên hạ, chẳng hề suy hơn tính thiệt. Một hôm bà cho một bà lão ăn, bà lão bảo: “Lấy cho ta cái bô”. Bà mới bảo: “Tôi chỉ cho bà ăn thôi, hầu bô cho bà tôi không hầu”. Bà lão bảo: “Thế cũng được, có cho ta ăn thì cho đi”. Bà lão nhai bỏm bẻm, ngậm bánh mì đầy một mồm, rồi nhổ toẹt vào mặt bà. Nhoe nhoét hết cả. Bà lão lại bảo: “Buộc chặt cho ta cái khăn dưới cằm, để khi ta chết miệng ta không bị há ra, chứ từ nay ta không ăn nữa đâu”. Sáng nào bà cũng đến với bà lão: có thể bà lão sẽ nghĩ lại chăng, nhưng bà ấy chỉ nhìn bà rất nghiêm nghị rồi ngoảnh mặt đi. Hai tuần lễ liền bà lão cứ nằm đấy mà chết dần. Bà mới thề với mình: ta sẽ bón cho tất cả những ai ta còn kịp bón cho họ. Sau bà lão ấy còn nhiều bà lão khác cũng không chịu ăn. Bà quen với chuyện ấy rồi. Chỉ có bà lão đầu tiên là bà nhớ. Bà cũng thề sẽ chết lặng lẽ, không vật vã. Bà yếu rồi, bà không còn đủ sức để nhổ bánh mì ra nữa. Còn nằm mà ỉa đùn ra đấy thì kinh khủng lắm. Hồi ấy bà sợ lắm. Thế mà cháu lại bảo là bà vô tư.

Comments are closed.